75. “Đã nhận ủy thác của người khác thì phải gắng sức hoàn thành”, quan điểm này có đúng không?
Ông nội tôi là người rất có uy tín trong làng và ông luôn vui vẻ giúp người. Hồi tôi còn nhỏ, ông bà nội tôi chuyển lên thành phố ở, nhưng hễ trong làng có ai cần việc gì, ông đều gác lại chuyện làm ăn của mình để về làng giúp đỡ. Ai cũng bảo ông tôi là người tốt và rất kính trọng ông; mỗi khi nhắc đến ông, mọi người đều giơ ngón tay cái lên khen. Tôi thấy tự hào lắm khi có một người ông như vậy. Sau khi ông nội mất, tôi vẫn thường nghe mọi người kể về ông, rằng ông là người đức trọng vọng cao, là một người tốt. Nghe thế, tôi cảm thấy ông tôi làm người như vậy thật tốt và đáng tin, ngay cả khi mất đi rồi, ông vẫn lưu lại tiếng thơm. Sau này, mỗi khi có ai nhờ tôi giúp, tôi đều tích cực giúp họ, tôi thấy giúp người như vậy là tốt, và mình cũng trở thành người tốt.
Sau khi tin Đức Chúa Trời, tôi làm video trong hội thánh. Vì tôi biết chút ít về công nghệ máy tính, nên các anh chị em thường tìm đến tôi nhờ giúp khi máy tính của họ gặp vấn đề. Tôi thấy giúp anh chị em sửa máy tính là làm một việc tốt. Hơn nữa, khi anh chị em nhờ tôi giúp, nghĩa là họ tin tưởng tôi, tôi nghĩ rằng: “Nếu mình không giúp, mọi người sẽ nghĩ gì về mình đây? Liệu họ có cho rằng mình quá ích kỷ, nhân tính không tốt không?”. Thế là, chỉ cần giải quyết được vấn đề, tôi không từ chối ai bao giờ. Có những lúc không giải quyết nổi, tôi cũng sẽ vắt óc đi tìm thông tin rồi cố tìm cho ra cách. Dù việc này chiếm rất nhiều thời gian và còn làm trì hoãn công tác thuộc chức phận của mình, nhưng tôi vẫn ưu tiên giúp anh chị em giải quyết các vấn đề máy tính. Tôi nghĩ rằng, đã nhận lời người ta thì mình phải làm cho tốt. Chứ nếu làm không xong, chẳng phải mình sẽ mất uy tín sao? Lỡ mà như vậy thật, thì sau này còn ai tin mình nữa chứ? Dần dần, tôi được các anh chị em khen ngợi, ai cũng cho rằng tôi có nhân tính tốt, lại sẵn lòng giúp đỡ người khác. Thế nên, tôi thấy mình trả những cái giá này cũng đáng.
Sau này, do yêu cầu công việc, tôi bắt đầu học một loại công nghệ mới. Lãnh đạo đã đặc biệt dặn dò tôi rằng: “Anh phải học cho nhanh rồi dạy lại cho mọi người. Nếu không sẽ làm trì hoãn việc anh chị em sử dụng nó và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”. Trong lúc tôi đang tập trung nghiên cứu công nghệ mới, máy tính của chị Tiểu Tuyết đột nhiên hiện màn hình xanh rồi không khởi động được nữa, chị ấy nhờ tôi kiểm tra giúp xem có vấn đề gì. Mã lỗi trên màn hình xanh là mã lỗi mà tôi chưa từng gặp bao giờ, tôi cũng không biết xử lý ra sao, nên bảo chị ấy mang máy đi sửa. Nhưng chị ấy lại lo sửa lâu, cứ nằng nặc nhờ tôi sửa giúp, còn bảo rằng: “Tôi để máy lại cho anh, tôi tin chắc là anh sửa được mà”. Thấy chị ấy tin tưởng mình như vậy, tôi lại nghĩ: “Nếu mình từ chối nữa, chị ấy sẽ nghĩ gì về mình đây?”. Tôi không nỡ từ chối, nên đành nhận lời. Hai ngày sau đó, tôi ở nhà tìm thông tin trên mạng, vắt óc suy nghĩ cách sửa cho bằng được cái máy tính. Tôi thử mấy cách, cuối cùng cũng sửa xong. Chị ấy mừng lắm khi thấy máy đã sửa được, còn tôi thì thấy vui, nghĩ rằng công sức hai ngày qua cuối cùng cũng không uổng phí, nhưng tôi lại có chút buồn, nghĩ bụng: “Mình giúp người khác giải quyết vấn đề của họ rồi, nhưng công nghệ mình cần học thì vẫn chưa đâu vào đâu. Mà ai bảo mình đã hứa với người ta làm gì? Thôi thì mình trả giá nhiều hơn một chút, thức khuya học bù vậy”. Sau chuyện đó, hễ anh chị em nào gặp vấn đề về máy tính là lại gọi tôi đến giải quyết, tôi thì ngại không nỡ từ chối nên đã dành rất nhiều thời gian cho việc này, và đã trì hoãn công tác thuộc chức phận của mình. Tôi cũng nghĩ hay là nói với các anh chị em, rằng nếu thiết bị của họ có vấn đề, thì nên mang đi nơi khác sửa trước, qua giai đoạn bận rộn này rồi tôi sẽ lại lo giúp những việc đó. Nhưng khi anh chị em lại gọi nhờ giúp đỡ, tôi bất giác lại đi giúp. Dù ngày nào cũng đầu tắt mặt tối, nhưng sau đó nghe mọi người khen, tôi lại thấy mình mệt chút thì cũng đáng. Vì ngày nào tôi cũng bận giúp người khác sửa máy tính, nên kế hoạch học tập của tôi cứ bị gác lại. Người phụ trách hỏi tôi việc học hành thế nào rồi, rồi thông công với tôi, giục tôi cố gắng tìm hiểu thêm về công nghệ đó và dạy lại cho anh chị em càng sớm càng tốt. Tôi biết việc này rất gấp, nếu không học thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và tiến độ của công tác video. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Nếu mình từ chối giúp khi anh chị em nhờ, liệu họ có nghĩ mình ích kỷ, không có tình yêu thương không?”. Trong suốt thời gian đó, tôi vừa phải cố gắng học kỹ thuật, vừa phải giúp anh chị em giải quyết các vấn đề máy tính, tôi thấy ngày nào cũng không đủ thời gian, người thì rất mệt, nhưng lại không biết phải thực hành thế nào cho tốt.
Sau này, khi đọc lời Đức Chúa Trời, tôi mới nhận thức được quan điểm sai lầm về việc mưu cầu bên trong mình. Đức Chúa Trời Toàn Năng phán: “Ngay từ khi bắt đầu biết nói, con người đã học đủ loại câu nói từ mọi người, từ những người không tin, từ Sa-tan, và từ thế gian. Nó bắt đầu từ sự giáo dục ban đầu, khi con người được cha mẹ, gia đình dạy về cách hành xử, cách nói năng, đạo đức cần có, những dạng tư tưởng và nhân cách cần có, v.v. Thậm chí sau khi bước vào xã hội, các cá nhân vẫn vô thức tiếp nhận sự truyền bá của muôn vàn học thuyết, lý luận từ Sa-tan. ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’ đã được gia đình hoặc xã hội tiêm nhiễm vào từng người như là một trong những đức hạnh con người phải có. Nếu ngươi có đức hạnh này, mọi người sẽ nói rằng ngươi cao thượng, tôn quý, có nhân cách, rằng ngươi được xã hội tôn trọng và đánh giá cao. Vì câu ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’ đến từ con người và từ Sa-tan, nên nó trở thành đối tượng để chúng ta mổ xẻ, phân định, hơn nữa còn là đối tượng chúng ta sẽ loại bỏ. Tại sao chúng ta lại phân định và loại bỏ câu này? Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét câu này có đúng không và liệu con người làm theo nó có đúng không. Người ta có thực sự cao quý khi sở hữu phẩm chất đạo đức ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’ không? Một người như vậy có sở hữu thực tế lẽ thật không? Họ có nhân tính và các nguyên tắc hành xử mà Đức Chúa Trời phán dạy loài thọ tạo nên có không? Tất cả các ngươi đều hiểu câu ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’ chứ? Trước tiên, hãy giải thích ý nghĩa của câu này bằng ngôn từ của chính mình. (Thưa, nó có nghĩa là khi ai đó giao phó việc gì cho con, thì con nên nỗ lực hết mình để hoàn thành.) Chẳng phải nên làm như vậy sao? Nếu ai đó giao phó việc gì cho ngươi, chẳng phải họ đánh giá cao ngươi sao? Họ đánh giá cao ngươi, tin tưởng ngươi và cho rằng ngươi đáng tin cậy. Vì vậy, bất kể người khác yêu cầu ngươi làm gì, ngươi nên đồng ý và làm cho tốt, cho trọn vẹn theo yêu cầu của họ, để họ vui vẻ, hài lòng. Làm như vậy thì ngươi là người tốt. Hàm ý của câu này là liệu người giao phó việc cho ngươi có hài lòng hay không sẽ quyết định ngươi có được coi là người tốt hay không. Có thể giải thích theo cách này không? (Thưa, có.) Vậy thì chẳng phải để được coi là người tốt trong mắt người khác và được xã hội công nhận thật dễ hay sao? (Thưa, phải.) ‘Dễ’ nghĩa là gì? Nghĩa là tiêu chuẩn rất thấp và không hề cao quý. Nếu ngươi đáp ứng tiêu chuẩn đức hạnh ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’, thì ngươi được coi là người có đức hạnh trong những vấn đề như vậy. Hàm ý là ngươi xứng đáng được mọi người tin tưởng, giao phó xử lý công việc, ngươi là người uy tín, ngươi là người tốt” (Mưu cầu lẽ thật là gì (14), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật). Suy ngẫm lời Đức Chúa Trời, tôi mới hiểu ra, mình đã không hành xử hay làm việc theo lời Ngài, mà lại sống theo tư tưởng truyền thống “Đã nhận ủy thác của người khác thì phải gắng sức hoàn thành” do Sa-tan gieo rắc, Cha mẹ tôi tuy không trực tiếp dạy dỗ tôi tư tưởng này, nhưng từ nhỏ, tôi đã thấy ông nội mình rất để tâm đến những việc người khác nhờ cậy. Dù khó khăn hay tốn thời gian đến mấy, ông cũng đều làm cho bằng được, cuối cùng ông được mọi người xung quanh kính trọng, mà ngay cả khi mất đi rồi vẫn được mọi người thương nhớ. Tôi đã cho rằng làm người như vậy mới là đúng đắn, có thể được mọi người coi trọng, và mình có thể trở thành một người có tôn nghiêm, có nhân cách. Cứ thế, tai nghe mắt thấy lâu ngày, tôi cũng bất giác mưu cầu trở thành một người như vậy. Từ khi các anh chị em biết tôi có chút tay nghề sửa máy tính, hễ máy tính có vấn đề là họ lại tìm đến tôi nhờ giúp. Tôi chưa bao giờ từ chối ai, nên cũng nhận được một số đánh giá tốt. Điều này càng làm tôi tin chắc rằng đây chính là cách sống đúng đắn. Khi các anh chị em lại tìm đến tôi với những vấn đề của họ, dù bổn phận của mình chưa làm xong, tôi vẫn cứ giúp. Tôi nghĩ, họ nhờ mình là vì tin tưởng mình, nếu mình không sửa máy cho họ, chẳng phải là phụ lòng họ hay sao? Để các anh chị em nói tốt về mình, và để trong mắt họ, mình là người có tình yêu thương, có nhân tính tốt, nên ai nhờ gì, dù khó khăn đến mấy, tôi thà bớt đi thời gian nghỉ ngơi, thậm chí làm chậm trễ công tác thuộc chức phận của mình, miễn sao hoàn thành được những việc người khác đã nhờ cậy. Tôi đã sống theo cái gọi là đức hạnh “Đã nhận ủy thác của người khác thì phải gắng sức hoàn thành” ấy, làm việc chẳng theo nguyên tắc nào, cũng không biết phân biệt việc nặng hay việc nhẹ, việc gấp hay không gấp. Tôi chỉ chăm chăm mưu cầu sao cho được tiếng là người đáng tin, người tốt trong mắt mọi người, kết quả là những kỹ năng làm video lẽ ra phải học thì tôi không học được, công tác thuộc chức phận của mình cũng bị trì hoãn. Lúc đó tôi mới thấy, suy nghĩ và quan điểm của mình đã bị Sa-tan làm cho bại hoại và sai lệch mất rồi, đến nỗi người thực sự tốt là thế nào tôi cũng không còn biết nữa.
Sau này, tôi đọc thêm lời của Đức Chúa Trời, và hiểu được những trách nhiệm cùng nghĩa vụ mà một loài thọ tạo nên làm tròn. Đức Chúa Trời phán: “Còn một khía cạnh khác của câu nói về đức hạnh ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’ cần phân định. Nếu việc được giao phó cho ngươi không tiêu tốn quá nhiều thời gian, sức lực của ngươi, và nằm trong phạm vi tố chất của ngươi, hoặc nếu ngươi có hoàn cảnh và điều kiện phù hợp, thì xuất phát từ lương tâm và lý trí con người, ngươi có thể làm một số việc cho người khác bằng hết khả năng của mình, cũng như đáp ứng những yêu cầu hợp lý, thích đáng của họ. Tuy nhiên, nếu việc được giao phó cho ngươi chiếm tương đối nhiều thời gian và sức lực của ngươi, lấy đi phần lớn thời gian của ngươi, đến mức khiến ngươi phải hy sinh mạng sống mình, đồng thời trách nhiệm và nghĩa vụ của ngươi trong cuộc đời này, cũng như bổn phận loài thọ tạo của ngươi sẽ trở về con số không và bị thay thế, thì ngươi sẽ làm gì? Ngươi nên từ chối vì đó không phải là trách nhiệm hay nghĩa vụ của ngươi. Về mặt trách nhiệm và nghĩa vụ của một đời người, ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái và thực hiện trách nhiệm xã hội trong xã hội dưới khuôn khổ pháp luật, thì điều quan trọng nhất là sức lực, thời gian và cuộc đời của con người nên được dành cho việc thực hiện bổn phận của loài thọ tạo, chứ không phải để bị bất kỳ ai khác giao phó cho một việc chiếm hết thời gian và sức lực của mình. Đó là bởi Đức Chúa Trời tạo dựng con người, ban cho họ sự sống, và đưa họ vào cõi đời này, không phải là để họ làm hộ việc và hoàn thành trách nhiệm đối với người khác. Điều con người nên tiếp nhận nhất là sự giao phó của Đức Chúa Trời. Chỉ có sự giao phó của Đức Chúa Trời mới là sự giao phó chân chính, và nhận sự giao phó của con người là không chú tâm vào bổn phận thực sự của mình” (Mưu cầu lẽ thật là gì (14), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu ra rằng việc giúp đỡ anh chị em không sai, và đó là tình yêu thương mà một người với nhân tính bình thường nên có. Tuy nhiên, nếu bỏ thời gian và công sức để giúp người khác một cách vô nguyên tắc, không nghĩ đến công tác hội thánh, lại còn làm trì hoãn bổn phận của mình, thì cách giúp đỡ đó là không phù hợp, và tôi nên từ chối làm như vậy. Đức Chúa Trời đã định cho tôi được sinh ra trong thời kỳ sau rốt, và tôi có sứ mệnh cũng như bổn phận riêng cần phải hoàn thành. Nếu vì hoàn thành những việc người khác nhờ vả mà tôi trì hoãn bổn phận của mình, thì như vậy là không chuyên tâm vào việc chính đáng. Về việc lãnh đạo sắp xếp cho tôi học công nghệ mới, lẽ ra tôi phải học xong trong thời gian ngắn nhất, như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả sản xuất video cho mọi người. Thế nhưng, khi người khác gặp vấn đề về thiết bị và nhờ tôi giúp, dù biết rõ việc sửa chữa thiết bị sẽ rất tốn thời gian, công sức, lại làm trì hoãn công tác thuộc chức phận của mình, tôi vẫn gác lại công việc đang làm của mình để giúp họ, chỉ cốt để họ có ấn tượng tốt về tôi, chính điều đó đã làm trì hoãn việc nghiên cứu công nghệ sản xuất video của tôi. Tôi nhận ra mình làm việc thiếu nguyên tắc, không biết việc nào nên từ chối, việc nào nên giúp, mà cứ mù quáng làm theo triết lý của Sa-tan. Kết quả là, ngày nào tôi cũng đầu tắt mặt tối, người thì mệt nhoài, thậm chí hy sinh cả thời gian tĩnh nguyện và ăn uống lời Đức Chúa Trời; công tác thuộc chức phận của mình cũng vì thế mà bị trì hoãn. Giờ thì tôi đã hiểu rằng, bất cứ lúc nào mình cũng phải ưu tiên bổn phận của bản thân. Đây là điều Đức Chúa Trời yêu cầu ở tôi. Nếu tôi trì hoãn bổn phận của mình để mong được người khác coi trọng hay để hoàn thành những việc người khác giao phó, thì đó chính là không chuyên tâm vào việc chính đáng và không phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời.
Sau này, tôi đọc thêm lời của Đức Chúa Trời và có thêm chút phân định về cái gọi là đức hạnh “Đã nhận ủy thác của người khác thì phải gắng sức hoàn thành”. Đức Chúa Trời phán: “Trong xã hội loài người này, mỗi cá nhân đều có tư duy đổi chác, và ai cũng tham gia đổi chác. Ai cũng đưa ra những yêu cầu với người khác, và hết thảy đều muốn hưởng lợi trên phí tổn của người khác mà không bị mất gì. Có người nói: ‘Trong số những người “Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý” cũng có nhiều người không tìm cách hưởng lợi trên phí tổn của người khác chứ. Họ chỉ đơn giản là cố hết sức để xử lý tốt mọi việc, những người này thực sự có đức hạnh này’. Nói thế không đúng. Ngay cả khi họ không mưu cầu tiền tài, vật chất hay bất kỳ lợi ích nào, họ vẫn mưu cầu danh tiếng. ‘Danh tiếng’ này là gì? Có nghĩa là: ‘Mình đã nhận được sự tin tưởng của mọi người để xử lý việc cho họ. Bất kể người giao phó việc cho mình có mặt hay không, chỉ cần mình cố hết sức xử lý tốt, thì mình sẽ có danh tiếng tốt. Ít nhất một số người sẽ biết mình là một người tốt, một người có phẩm chất đạo đức cao đẹp, một người đáng để noi theo. Mình có thể chiếm một vị trí trong mọi người và để lại danh tiếng tốt trong tập thể. Cũng đáng mà!’. Lại có người nói: ‘“Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý”, và vì người ta đã giao phó cho chúng ta, nên dù họ có mặt hay không, chúng ta cũng nên xử lý tốt công việc và theo đến cùng. Ngay cả khi chúng ta không để lại tiếng thơm muôn đời, thì ít nhất họ cũng không thể chỉ trích sau lưng chúng ta, nói rằng chúng ta không có uy tín. Chúng ta không thể để các thế hệ tương lai bị phân biệt đối xử và phải chịu kiểu bất công nặng nề này’. Họ đang tìm kiếm điều gì? Họ vẫn đang tìm kiếm danh tiếng. Một số người rất coi trọng tiền tài, số khác lại coi trọng danh tiếng. ‘Danh tiếng’ nghĩa là gì? Những từ ngữ thể hiện của ‘danh tiếng’ mà mọi người hay dùng là gì? Đó là được gọi là người tốt, người có phẩm chất đạo đức cao đẹp, người mẫu mực, hiền sĩ hoặc thánh nhân. Thậm chí có một số người vì làm được một việc theo câu nói ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’ và có kiểu phẩm chất đạo đức này mà đời đời được ca tụng, con cháu hưởng tiếng thơm. Ngươi thấy đấy, điều này giá trị hơn nhiều so với những lợi ích ít ỏi họ có thể nhận được hiện tại. Vì vậy, xuất phát điểm để bất kỳ ai tuân theo cái gọi là tiêu chuẩn đạo đức ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’ không đơn giản như vậy đâu. Họ không chỉ đang cố gắng làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với tư cách cá nhân, mà đúng hơn là họ tuân theo nó hoặc vì tư lợi hoặc vì danh tiếng, hoặc cho đời này hoặc cho đời sau. Tất nhiên, cũng có những người muốn tránh bị chỉ trích sau lưng và tránh bị mang tiếng. Tóm lại, xuất phát điểm để con người làm kiểu việc này không đơn giản, nó thực sự không phải là một xuất phát điểm từ góc độ nhân tính, cũng không phải là một xuất phát điểm từ trách nhiệm xã hội của nhân loại. Nhìn từ ý định và xuất phát điểm của những người làm những việc như vậy, thì những người bám vào câu nói ‘Được giao việc gì cũng phải tận tâm xử lý’ không hề có mục đích đơn giản” (Mưu cầu lẽ thật là gì (14), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi nhận ra rằng, đằng sau việc sống theo tư tưởng truyền thống “Đã nhận ủy thác của người khác thì phải gắng sức hoàn thành” ấy, con người đều che giấu những ý định cá nhân. Ví dụ, khi tôi giúp anh chị em sửa máy tính, dù không mong nhận được lợi ích vật chất nào từ họ, tôi vẫn muốn họ đánh giá tốt về mình, muốn có một hình ảnh tốt đẹp trong lòng họ. Vì thế, tôi sẵn lòng hy sinh thời gian và công sức của mình để hoàn thành những việc họ giao phó, cốt để họ thấy tôi là người đáng tin cậy và có thể giao phó công việc. Tôi nghĩ đến ông nội mình. Cả đời ông đã sống theo cái gọi là đức hạnh “Đã nhận ủy thác của người khác thì phải gắng sức hoàn thành”. Ông sợ sau khi chuyển lên thành phố sẽ bị người ta chê bai là coi thường dân làng, nên hễ dân làng có việc gì cần, ông cũng đều cố gắng hết sức giúp đỡ. Điều này đã mang lại cho ông danh tiếng tốt, và mọi người đều cho rằng ông là một người rất nhân nghĩa, một người tốt. Tôi bị ảnh hưởng sâu sắc từ ông nội, và tôi cũng đã sống theo tư tưởng truyền thống đó là “Đã nhận ủy thác của người khác thì phải gắng sức hoàn thành”. Khi những người quen xung quanh tôi gặp khó khăn, chỉ cần họ tìm đến, tôi đều dốc hết sức giúp đỡ, chỉ vì sợ họ sẽ nói xấu về mình. Khi anh chị em gặp vấn đề về máy tính và nhờ giúp, tôi không hề nghĩ đến bổn phận của mình hay việc nào nặng nhẹ, việc nào gấp gáp, mà để khỏi phụ lòng tin của họ, tôi đã gác lại bổn phận, giúp đỡ một cách vô nguyên tắc, dẫn đến trì hoãn công tác hội thánh. Giờ tôi đã hiểu rằng việc tuân thủ đức hạnh “Đã nhận ủy thác của người khác thì phải gắng sức hoàn thành” không có nghĩa là một người có nhân tính thật sự hay là người có phẩm đức cao thượng. Đó chỉ là một thủ đoạn để lung lạc người khác, dùng việc giúp đỡ người khác như một cách để nhận được lời khen và tạo dựng danh tiếng tốt mà thôi. Tôi mưu cầu như vậy thì thật quá mê hoặc người khác và giả tạo! Bây giờ tôi không thể tiếp tục sống theo tư tưởng truyền thống này nữa, mà phải hành động và cư xử theo lời Đức Chúa Trời. Con người nên trung thành với Đức Chúa Trời và với bổn phận của chính mình. Hoàn thành bổn phận của một loài thọ tạo – đó mới chính là sứ mệnh và trách nhiệm của tôi. Sau này, khi đối mặt với những tình huống tương tự, tôi đã có ý thức thực hành theo lời Đức Chúa Trời.
Có lần, một chị em mua máy tính mới, muốn tôi giúp chị cài lại hệ điều hành. Khi thấy đó là dòng máy đời mới nhất mình chưa từng cài đặt bao giờ, lại còn thiếu một số driver, tôi nhận ra nếu đồng ý giúp sẽ phải tốn không ít thời gian và công sức tìm kiếm thông tin. Tôi rất phân vân, thầm nghĩ: “Nếu mình từ chối giúp chị ấy, liệu chị ấy có nghĩ mình không muốn giúp và không còn giữ ấn tượng tốt về mình nữa không?”. Nhưng rồi tôi lại cân nhắc, mình cũng đang có một số việc gấp cần xử lý, phải bỏ thời gian và công sức để nghiên cứu, giúp chị ấy cài đặt máy tính sẽ làm trì hoãn công tác của mình. Lúc này, tôi nhận ra mình lại một lần nữa quá để ý đến cách nhìn của người khác về mình. Thế là tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nguyện không vì danh lợi mà làm trì hoãn công tác. Sau đó, tôi đọc thêm lời của Đức Chúa Trời: “Nếu ai đó giao phó việc gì cho ngươi, thì ngươi nên làm gì? Nếu việc được giao phó cho ngươi là việc chỉ đòi hỏi chút công sức rất nhỏ, ngươi chỉ cần đơn giản là nói chuyện hoặc thực hiện một hành động nhỏ, và ngươi đủ tố chất để làm, thì ngươi có thể giúp họ xuất phát từ nhân tính và lòng tốt của ngươi, làm như vậy không bị xem là sai. Đây là một nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu việc được giao phó cho ngươi sẽ tiêu tốn đáng kể thời gian và sức lực của ngươi, hoặc thậm chí còn làm lãng phí một phần đáng kể đời người của ngươi, thì ngươi có quyền từ chối. Ngay cả khi đó là cha mẹ ngươi, ngươi cũng có quyền từ chối. Không cần phải tận tâm với họ hay nhận sự giao phó của họ, đây là quyền của ngươi. Quyền này đến từ đâu? Nó do Đức Chúa Trời ban cho ngươi. Đây là nguyên tắc thứ hai. Nguyên tắc thứ ba là nếu ai đó giao phó việc gì cho ngươi, dù nó không tiêu tốn đáng kể thời gian và sức lực của ngươi, nhưng có thể làm nhiễu loạn hoặc ảnh hưởng đến việc thực hiện bổn phận của ngươi, hoặc hủy hoại quyết tâm thực hiện bổn phận cũng như lòng tận tâm trung thành của ngươi với Đức Chúa Trời, thì ngươi cũng nên từ chối. Nếu ai đó giao phó cho ngươi một việc mà có thể ảnh hưởng đến việc mưu cầu lẽ thật của ngươi, làm gián đoạn và nhiễu loạn quyết tâm mưu cầu lẽ thật cũng như tốc độ mưu cầu lẽ thật của ngươi, và khiến ngươi bỏ cuộc giữa chừng, thì ngươi càng nên từ chối. Ngươi nên từ chối bất cứ điều gì ảnh hưởng đến việc thực hiện bổn phận hoặc mưu cầu lẽ thật của mình. Đây là quyền của ngươi; ngươi có quyền nói ‘không’. Ngươi không cần phải bỏ ra thời gian và sức lực của mình. Ngươi có thể từ chối tất cả những gì không có ý nghĩa, giá trị, sự xây dựng, trợ giúp hoặc lợi ích nào đối với việc thực hiện bổn phận, mưu cầu lẽ thật và sự cứu rỗi của ngươi. Đây có thể được coi là một nguyên tắc không? Đúng vậy, đây là một nguyên tắc” (Mưu cầu lẽ thật là gì (14), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật). Đức Chúa Trời đã thông công ba nguyên tắc về cách chúng ta nên xử lý những việc người khác giao phó, những lời này đã vạch ra cho tôi một con đường thực hành. Nếu vấn đề máy tính của chị ấy không phức tạp, chỉ là một việc đơn giản, thì tôi có thể giúp đỡ, vì đây là tình yêu thương nên có giữa anh chị em. Nhưng nếu vấn đề của chị ấy không thể giải quyết nhanh chóng, mà đòi hỏi tôi phải gác lại bổn phận, bỏ nhiều thời gian và công sức để giải quyết, thì tôi phải cân nhắc lợi hại và trước hết phải nghĩ đến bổn phận của mình; nếu việc đó sẽ làm trì hoãn tiến độ công tác của tôi, thì tôi không thể nhận lời giúp. Tôi không thể tiếp tục như trước đây, bất kể việc lớn việc nhỏ, chỉ cần người khác nhờ là tôi đều nhận lời cốt để được người ta khen, mà không hề nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân. Như vậy sẽ làm trì hoãn công tác hội thánh. Trung thành với sự ủy thác của Đức Chúa Trời và làm tốt bổn phận của chính mình – đó mới là điều quan trọng nhất. Đối chiếu với lời Đức Chúa Trời, tôi thấy việc giúp chị ấy cài lại máy tính sẽ chiếm dụng thời gian và công sức của mình, và sẽ làm trì hoãn bổn phận của tôi; hơn nữa, chị ấy cũng không cần dùng máy tính gấp. Vì vậy, tôi đã từ chối và nói với chị ấy rằng khi nào có thời gian, tôi sẽ giúp chị cài đặt. Khi tôi thực hành theo lời Đức Chúa Trời, không còn nghĩ đến lợi ích riêng hay cố giữ gìn hình ảnh của mình trong mắt người khác nữa, tôi cảm thấy được giải thoát, lòng dạ khoan khoái và rộng mở.
Qua trải nghiệm này, tôi nhận ra rằng, trong mọi việc, tìm kiếm lẽ thật và thực hành theo nguyên tắc – đó mới chính là con đường nên đi. Tôi phải tiếp nhận bổn phận của mình mà không được trốn tránh, phải dốc hết sức để chu toàn chúng, vì đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi. Tuy nhiên, đối với những việc người khác giao phó, tôi nên cân nhắc xem chúng có phù hợp với nguyên tắc không, có làm trì hoãn bổn phận của mình không. Tôi không nên để những tư lợi cá nhân chi phối, cũng không nên sống theo triết lý của Sa-tan. Như vậy mới phù hợp với những lời sau đây của Đức Chúa Trời: “Nhìn nhận con người và sự vật, cư xử và hành động hoàn toàn theo lời Đức Chúa Trời, lấy lẽ thật làm tiêu chí” (Mưu cầu lẽ thật là gì (2), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật).