98. Điều gì ẩn sau lớp ngụy trang
Tháng 5 năm 2023, tôi đang thiết kế áp phích trong hội thánh. Lãnh đạo thấy kỹ thuật của tôi không tệ nên đã đề bạt tôi làm trưởng nhóm. Thấy lãnh đạo có lòng tin với mình, lòng tôi sướng rơn. Nhưng trong lòng tôi cũng phảng phất chút lo lắng. Trước đây tôi chỉ là một thành viên trong nhóm, năng lực nghiệp vụ kém một chút cũng không sao, giờ làm trưởng nhóm rồi, yêu cầu cũng cao hơn. Liệu trình độ nghiệp vụ hiện tại của tôi có đáp ứng được không? Đến lúc không đảm đương nổi công việc rồi bị cách chức, thì sẽ mất mặt lắm! Nghĩ lại hồi chưa làm trưởng nhóm, các anh chị em đều có ấn tượng khá tốt về tôi. Nhưng nếu họ biết trình độ thật sự của tôi, liệu họ có nghĩ tôi chỉ được cái vẻ bề ngoài, không có tài năng thật sự không? Vậy chẳng phải ấn tượng tốt của họ về tôi sẽ tan thành mây khói sao? Đúng lúc đó, lãnh đạo chỉ ra một vài vấn đề trong tấm áp phích phim mà tôi thiết kế. Tôi cảm thấy rất xấu hổ, lo lắng không biết lãnh đạo sẽ nghĩ gì về mình. Liệu chị ấy có nghĩ nghiệp vụ của tôi quá kém, không thể chỉ đạo hay giám soát không? Nghĩ đến đây, tôi tìm ra một biện pháp dung hòa. Khi thảo luận vấn đề, tôi không chủ động bày tỏ quan điểm mà để người khác nói trước. Nếu ý kiến của mọi người giống nhau thì tôi sẽ hùa theo vài câu, còn nếu khác nhau thì tôi sẽ nói mập mờ. Bằng cách này, dù cuối cùng có sai sót thì khuyết điểm của tôi cũng không bị lộ, và tôi cũng không quá mất mặt. Có lần, chúng tôi cùng nhau thảo luận về một bản thiết kế. Tôi cảm thấy bố cục có chút vấn đề nhưng lại không chắc chắn lắm. Tôi sợ mình nhìn sai rồi sẽ bị mọi người xem thường, nên đã không chủ động thông công. Sau đó, khi lãnh đạo hỏi ý kiến của tôi, tôi chợt lo lắng trong lòng, nhưng bề ngoài vẫn giả vờ bình tĩnh. Tôi nói: “Quan điểm của tôi cũng giống mọi người, tôi không thấy có vấn đề gì khác”. Lãnh đạo gật đầu và không nói gì thêm. Nghĩ lại, tôi thậm chí không thể nói được một câu “Tôi không hiểu, tôi không nhìn thấu được”. Lòng tôi có chút khó chịu, nhưng rồi cũng chỉ nghĩ ngợi một tí rồi cho qua chuyện.
Ngày hôm sau, lãnh đạo thảo luận với tôi về một phương án thiết kế. Tôi hơi căng thẳng, nhìn bản thiết kế một lúc lâu nhưng không dám bày tỏ quan điểm, chỉ sợ mình nhận xét sai thì không biết lãnh đạo sẽ nghĩ gì về mình. Lần khác, tôi nhận thấy một bản thiết kế có vấn đề nhưng lại không có phương án sửa đổi. Tôi muốn nói thật, nhưng lại lo không biết nói ra rồi thì lãnh đạo sẽ nghĩ gì về tôi. Liệu chị ấy có nghĩ vấn đề đơn giản như vậy mà tôi cũng không biết sửa chữa, năng lực nghiệp vụ của tôi cũng quá kém cỏi không? Nghĩ vậy nên tôi đã không nói thật. Tôi còn giả vờ như đang suy nghĩ rồi nói với lãnh đạo: “Thiết kế này em phải suy nghĩ thêm chút nữa. Hay là chị nói trước đi”. Người lãnh đạo liền kết hợp nguyên tắc để chia sẻ quan điểm của chị ấy, rồi hỏi tôi thấy thế nào. Tôi thấy hơi chột dạ, muốn nói thật nhưng miệng như bị dán lại, không thể thốt nên lời. Cuối cùng, tôi đành nói: “Vừa rồi em cũng nghĩ như vậy”. Nói xong câu đó, lòng tôi khó chịu như nuốt phải ruồi chết vậy. Rõ ràng là tôi không biết sửa thế nào cho phù hợp, nhưng lại cứ phải giả vờ như rất hiểu, tỏ ra mình cao minh, biết nhìn nhận vấn đề. Đây chẳng phải là tôi đang lừa dối, lừa bịp người khác sao? Lòng tôi rất khó chịu. Cả một ngày trôi qua, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và không thu hoạch được gì cả.
Trong lúc tĩnh nguyện, tôi suy ngẫm: “Cùng lãnh đạo xem xét các bản thiết kế là cơ hội để nâng cao nghiệp vụ của mình, đây là một chuyện tốt, nhưng tại sao mình lại không cảm thấy được giải phóng, mà lại thấy mệt mỏi như vậy?”. Tôi đọc được lời này của Đức Chúa Trời: “Đứng đúng vị trí của một loài thọ tạo và làm một người bình thường: có dễ làm được như thế này không? (Thưa, không dễ.) Khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ là: con người luôn cảm thấy trên đầu họ có nhiều hào quang và chức danh. Họ cũng tự phong cho mình thân phận, địa vị vĩ nhân và siêu nhân, làm hành động và biểu hiện giả tạo, giả vờ. Nếu ngươi không buông bỏ những thứ này, nếu những thứ này luôn kìm kẹp và kiểm soát lời nói và việc làm của ngươi, thì ngươi sẽ thấy khó bước vào thực tế của lời Đức Chúa Trời. Ngươi khó mà thôi vội mong cầu thành công cho điều ngươi không hiểu, khó mà đưa những điều đó đến trước Đức Chúa Trời nhiều hơn và dâng lên Ngài tấm lòng chân thành. Ngươi sẽ không thể làm được như vậy. Chính bởi vì địa vị của ngươi, chức danh của ngươi, thân phận của ngươi cùng tất cả những thứ như thế đều là giả và không thật, bởi vì chúng trái ngược và mâu thuẫn với lời Đức Chúa Trời, nên những thứ này ràng buộc ngươi hầu cho ngươi không thể đến trước Đức Chúa Trời. Những thứ này mang đến gì cho ngươi? Chúng khiến ngươi giỏi ngụy trang, giả vờ hiểu, giả vờ thông minh, giả vờ là vĩ nhân, giả vờ là danh nhân, giả vờ có năng lực, giả vờ khôn ngoan, và thậm chí giả vờ biết mọi thứ, có khả năng làm mọi thứ, và chuyện gì cũng làm được. Điều này là để những người khác tôn sùng và ngưỡng mộ ngươi. Họ sẽ đến gặp ngươi để chia sẻ mọi vấn đề, dựa vào ngươi và nể phục ngươi. Vì vậy, ngươi giống như tự đưa mình vào lửa nung. Nói Ta nghe, cảm giác bị nung trên lửa có dễ chịu không? (Thưa, không.) Ngươi không hiểu, nhưng ngươi không dám nói rằng ngươi không hiểu. Ngươi không thể nhìn thấu, nhưng ngươi không dám nói rằng ngươi không thể nhìn thấu. Rõ ràng là ngươi đã phạm sai lầm nhưng ngươi lại không dám thừa nhận. Lòng ngươi đau khổ nhưng ngươi không dám nói: ‘Lần này đúng thật là lỗi của tôi, tôi mắc nợ Đức Chúa Trời và các anh chị em. Tôi đã gây tổn thất to lớn cho nhà Đức Chúa Trời nhưng lại không đủ can đảm đứng trước mọi người và thừa nhận’. Tại sao ngươi lại không dám nói? Ngươi tin rằng: ‘Mình cần phải sống xứng đáng với danh tiếng và hào quang mà các anh chị em đã dành cho mình, mình không được phản bội sự nể trọng và tin tưởng mà họ dành cho mình, càng không được phản bội những kỳ vọng thiết tha mà họ đã dành cho mình suốt nhiều năm qua. Cho nên, mình phải tiếp tục giả vờ thôi’. Ngụy trang như vậy là thế nào? Ngươi đã biến mình thành vĩ nhân và siêu nhân thành công. Các anh chị em muốn đến gặp ngươi để hỏi chuyện, tham vấn, và thậm chí xin lời khuyên của ngươi về bất cứ vấn đề gì họ gặp phải. Có vẻ như họ thậm chí không thể sống thiếu ngươi được. Thế nhưng, chẳng phải lòng ngươi đang đau khổ sao?” (Trân quý lời Đức Chúa Trời là nền tảng của đức tin nơi Đức Chúa Trời, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Lời Đức Chúa Trời đã vạch rõ tình trạng thực tế của tôi. Khi thảo luận phương án thiết kế với lãnh đạo, lòng tôi không hề cảm thấy được giải phóng. Nguyên nhân chủ yếu là do bản tính tôi quá kiêu ngạo, không cho phép mình phạm sai lầm, càng không cho phép mình có chỗ không hiểu, không biết làm. Đây chính là tôi đang tự đẩy mình vào thế khó, như đi trên lửa vậy. Nghĩ lại, kể từ khi được đề bạt làm trưởng nhóm, tôi thấy lãnh đạo có ấn tượng khá tốt và rất xem trọng tôi, nên tôi lo rằng việc bộc lộ quá nhiều thiếu sót trong nghiệp vụ sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của mọi người về mình. Đặc biệt là sau khi tấm áp phích phim tôi thiết kế xảy ra vấn đề, tôi lại càng cẩn thận dè dặt hơn. Khi bày tỏ quan điểm, tôi luôn để người khác nói trước, để tránh bộc lộ quá nhiều vấn đề của bản thân. Khi cùng lãnh đạo xem các bản thiết kế, có những vấn đề tôi cũng nhìn ra được phần nào, nhưng vì sợ sai nên tôi không nói thật. Có lúc rõ ràng tôi không có phương án sửa đổi, nhưng để không bị lãnh đạo xem thường, tôi vẫn tỏ ra rất hiểu biết, hùa theo quan điểm của lãnh đạo và nói rằng mình cũng thấy như vậy. Tôi đã dựng nên một hình tượng giả, trắng trợn lừa dối người khác. Tôi thậm chí không dám nói một câu: “Tôi không hiểu, tôi không nhìn thấu được”. Vì thể diện mà tôi luôn che giấu khuyết điểm của mình. Cái tâm ham muốn danh tiếng và địa vị của tôi thực sự quá lớn! Thực ra, tôi chỉ mới bắt đầu rèn luyện, có sai lệch là chuyện hết sức bình thường. Trình độ của tôi thế nào thì mọi người đều biết rõ, không cần phải bao bọc che đậy. Dù các anh chị em phát hiện ra thiếu sót của tôi, họ cũng sẽ không xem thường mà còn giúp đỡ tôi. Vậy mà tôi cứ khăng khăng giả vờ như mình biết mọi thứ, làm được mọi thứ, cố hết sức che giấu những thiếu sót và bất cập của mình. Tôi thật quá ngu ngốc và thiếu hiểu biết! Tôi luôn che đậy bản thân, không thể nói lời thật lòng khi tương tác với người khác. Sống như vậy thật quá giả tạo, quá lươn lẹo và giả dối!
Sau đó, tôi lại đọc được lời này của Đức Chúa Trời: “Bất kể trong trường hợp nào, bất kể đang thực hiện bổn phận gì thì kẻ địch lại Đấng Christ cũng sẽ cố gắng và tạo ấn tượng rằng họ không yếu đuối, rằng họ luôn mạnh mẽ, đầy đức tin và không bao giờ tiêu cực, để người khác không bao giờ thấy được vóc giạc thực sự hoặc thái độ thực sự của họ đối với Đức Chúa Trời. … Nếu có chuyện lớn xảy ra và ai đó hỏi họ hiểu sự việc này như thế nào, họ sẽ dè dặt không tiết lộ quan điểm của mình, mà thay vào đó để người khác nói trước. Sự dè dặt của họ là có lý do: một mặt, không phải họ không có quan điểm, mà là họ sợ quan điểm của mình sai, sợ nếu họ nói ra, người khác sẽ phản bác lại, khiến họ cảm thấy xấu hổ, và đó là lý do tại sao họ không nói; mặt khác, họ không có quan điểm và không thể nhận thức rõ vấn đề, mà là không dám nói tùy tiện vì sợ người ta chê cười sai lầm của mình – nên im lặng là lựa chọn duy nhất của họ. Nói tóm lại, họ không sẵn sàng lên tiếng bày tỏ quan điểm vì sợ phơi bày con người thật của mình, sợ để cho mọi người thấy họ nghèo nàn và thảm hại, ảnh hưởng đến hình ảnh mà những người khác có về họ. Vì vậy, sau khi mọi người khác đã thông công về quan điểm, suy nghĩ và hiểu biết của mình, họ sẽ tóm lấy một số tuyên bố cao thâm hơn, vững chắc hơn để trưng ra như quan điểm và nhận thức của riêng mình. Họ tổng kết những điều đó và thông công với mọi người, từ đó đạt được địa vị cao trong lòng người khác. Kẻ địch lại Đấng Christ vô cùng giảo hoạt: Khi đến lúc phải thực sự bày tỏ quan điểm, thì họ không bao giờ công khai về thực trạng của mình với người khác, hoặc cho mọi người biết họ thực sự nghĩ gì, tố chất của họ như thế nào, nhân tính của họ ra sao, khả năng hiểu biết của họ thế nào và liệu họ có thực sự hiểu lẽ thật hay không. Và vì vậy, đồng thời với việc khoe khoang và giả dạng là người thuộc linh, cũng như một người hoàn hảo, thì họ cũng cố gắng hết sức để che đậy bộ mặt thật và vóc giạc thực sự của mình. Họ không bao giờ tỏ lộ những nhược điểm của mình với các anh chị em, cũng như không bao giờ nhận biết khuyết điểm và thiếu sót của bản thân; thay vào đó, họ cố gắng hết sức để che đậy bản thân” (Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ. Mục 9 (Phần 10)). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi thấy rằng những kẻ địch lại Đấng Christ, bất kể thực hiện bổn phận gì hay ở trong hoàn cảnh nào, khi gặp chuyện cũng không bao giờ dễ dàng bày tỏ quan điểm. Họ không để người khác biết tình trạng thật của mình, cũng không để người khác biết tố chất hay nhân tính của họ ra sao, vì sợ bộc lộ điểm yếu của bản thân. Để che giấu khuyết điểm, họ thậm chí còn nhận vơ những đề xuất và ý kiến hay của người khác, tổng kết lại rồi trình bày như thể đó là ý của mình, khiến người khác lầm tưởng họ có cao kiến và tố chất, từ đó đạt được mục đích khiến người khác xem trọng và sùng bái họ. Đối chiếu với bản thân, tôi thấy những biểu hiện của mình giống hệt với kẻ địch lại Đấng Christ! Khi lãnh đạo thảo luận phương án thiết kế với tôi, tôi sợ lãnh đạo sẽ nói năng lực nghiệp vụ của mình kém và đánh giá không tốt về mình, nên khi bày tỏ ý kiến, tôi cố tình nói mập mờ, không hiểu cũng giả vờ hiểu, hùa theo lãnh đạo, giả vờ như có cùng quan điểm với chị ấy để che giấu khuyết điểm của mình. Nghĩ lại, tôi đã luôn thực hiện bổn phận của mình như vậy: Để bảo vệ hình tượng và địa vị của mình trong lòng mọi người, tôi không bao giờ muốn người khác nhìn thấy những thiếu sót và bất cập của mình. Rõ ràng có những vấn đề chỉ cần thông công với người hiểu biết là có thể giải quyết nhanh chóng, nhưng tôi lại nghĩ rằng tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác sẽ khiến mình trông kém cỏi và bất tài. Tôi thà lén lút tìm tài liệu, tự mình mày mò, một mình gồng gánh chứ không chịu hỏi han, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Điều này dẫn đến hiệu quả công tác thấp và làm trì hoãn các công tác khác. Tôi luôn muốn ngụy trang bản thân thành người biết mọi thứ, làm được mọi thứ, dựng nên một hình tượng giả trước mặt người khác. Đây chẳng phải là tôi đang mê hoặc người khác sao? Những kẻ địch lại Đấng Christ luôn che đậy và ngụy trang bản thân như vậy. Họ lừa dối và mê boặc người khác bằng cách ngụy trang vóc giạc thật của mình, đưa người ta đến trước mặt họ. Cách làm của tôi có gì khác so với kẻ địch lại Đấng Christ? Những gì tôi bộc lộ chính là tâm tính của kẻ địch lại Đấng Christ! Nhận ra điều này, tôi có chút sợ hãi, cảm thấy nếu không thay đổi thì tôi sẽ bị tỏ lộ và đào thải. Tôi vội vàng cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nguyện ăn năn và thay đổi. Tôi không muốn tiếp tục ngụy trang và lừa dối người khác để bảo vệ thể diện và hình tượng của mình nữa.
Sau đó, tôi tìm kiếm con đường thực hành cho những vấn đề của mình. Tôi đọc được lời này của Đức Chúa Trời: “Ngươi phải tìm kiếm lẽ thật để giải quyết bất kỳ vấn đề nào nảy sinh, bất kể nó là vấn đề gì và tuyệt nhiên không được tự ngụy tạo hoặc mang bộ mặt giả dối đối với người khác. Những thiếu sót của ngươi, những khiếm khuyết của ngươi, những lỗi lầm của ngươi, những tâm tính bại hoại của ngươi – hãy hoàn toàn cởi mở về chúng và thông công về chúng. Đừng giữ chúng trong mình. Học cách cởi mở bản thân là bước đầu tiên hướng đến lối vào sự sống, và đó là cửa ải đầu tiên khó vượt qua nhất. Một khi ngươi đã vượt qua nó, thì việc bước vào lẽ thật sẽ dễ dàng. Việc thực hiện bước này biểu thị điều gì? Nó có nghĩa là ngươi đang mở lòng mình và phơi bày hết thảy những gì ngươi có, tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực; phơi bày bản thân để người khác và Đức Chúa Trời nhìn thấy; không giấu giếm Đức Chúa Trời điều gì, không che đậy điều gì, không giả vờ, không giả dối và lừa dối, cũng như cởi mở và trung thực với người khác. Theo cách này, ngươi sống trong sự sáng, và không chỉ Đức Chúa Trời sẽ dò xét ngươi mà những người khác cũng sẽ có thể thấy rằng ngươi hành động có nguyên tắc và với một mức độ minh bạch. Ngươi không cần phải sử dụng bất kỳ phương pháp nào để bảo vệ danh tiếng, hình ảnh và địa vị của mình, cũng như không cần phải che đậy hay tô vẽ cho những sai lầm của mình. Ngươi không cần phải bỏ ra những nỗ lực vô ích này. Nếu ngươi có thể buông bỏ những điều này, ngươi sẽ rất thư thái, ngươi sẽ sống mà không bị kìm kẹp hoặc đau đớn, và ngươi sẽ sống hoàn toàn trong sự sáng” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi đã tìm thấy con đường thực hành. Khi thực hiện bổn phận, gặp phải những vấn đề không hiểu hoặc không biết làm, thì phải cởi mở và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác nhiều hơn, làm một người trung thực, sống thực tế, không bảo vệ thể diện của mình. Như vậy mới có thể hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời và bản thân cũng có thể tiến bộ. Nhưng tôi lại chỉ nghĩ đến thể diện của mình, luôn che giấu khuyết điểm và ngụy trang bản thân. Tôi không hề suy xét đến việc công tác được thực hiện tốt đến đâu, cũng không nghĩ cách nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của mình. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa nắm vững các nguyên tắc, nghiệp vụ chưa được cải thiện, thực hiện bổn phận cũng không đạt tiêu chuẩn. Cứ giữ khư khư cái thể diện này thì có ích gì chứ? Nếu tôi làm theo yêu cầu của Đức Chúa Trời, làm một người trung thực, thì dù thể diện có bị tổn hại một chút, nhưng nghiệp vụ của tôi có thể tiến bộ, làm bổn phận ngày càng tốt hơn, và Đức Chúa Trời cũng sẽ vui lòng. Như vậy chẳng phải tốt hơn rất nhiều sao? Nghĩ đến đây, tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời, sẵn lòng ăn năn. Sau đó, khi trao đổi với mọi người, hễ có chỗ nào không hiểu, tôi không còn che giấu nữa, mà chủ động nêu ra vấn đề của mình để cùng mọi người thảo luận. Thực hành theo cách này, tôi cảm thấy được giải phóng, và cũng học hỏi được nhiều điều từ người khác.
Sau đó, tôi tìm kiếm, tự hỏi: “Tại sao sau khi được đề bạt làm trưởng nhóm, mình lại không thể nhìn nhận đúng đắn những thiếu sót của bản thân? Những quan điểm sai lầm nào đang chi phối mình?”. Trong lúc tìm kiếm, tôi đọc được lời này của Đức Chúa Trời: “Khi một người nào đó được các anh chị em bầu làm lãnh đạo, hoặc được nhà Đức Chúa Trời đề bạt làm một công tác nhất định hay thực hiện một bổn phận nhất định, điều này không có nghĩa là họ có một địa vị hay thân phận đặc biệt, hoặc rằng những lẽ thật mà họ hiểu thì sâu hơn và nhiều hơn của những người khác – càng không có nghĩa là người này có thể thuận phục Đức Chúa Trời và sẽ không phản bội Ngài. Đương nhiên nó cũng không có nghĩa là họ biết Đức Chúa Trời và là người kính sợ Đức Chúa Trời. Trên thực tế, họ chưa đạt được điều nào trong số này. Đây chỉ là sự đề bạt và bồi dưỡng theo nghĩa đơn giản, và không tương đương với việc họ được Đức Chúa Trời chỉ định trước hay chấp thuận. … Vậy mục đích và ý nghĩa của việc đề bạt và bồi dưỡng một ai đó là gì? Đó là một người như vậy, với tư cách là một cá nhân, được đề bạt để được rèn luyện, được chăm tưới và huấn luyện đặc biệt, khiến họ có thể hiểu được các nguyên tắc lẽ thật, hiểu được các nguyên tắc, phương thức, phương pháp để làm những chuyện khác nhau và giải quyết những vấn đề khác nhau, cũng như khi gặp nhiều loại môi trường và con người khác nhau, họ sẽ biết cách xử lý và giải quyết phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời, và theo cách bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Xét từ những điểm này, liệu nhân tài được nhà Đức Chúa Trời đề bạt và bồi dưỡng có đủ khả năng đảm nhận công tác và làm tốt bổn phận của họ trong thời gian được đề bạt và bồi dưỡng hoặc trước khi được đề bạt và bồi dưỡng không? Dĩ nhiên là không. Vì vậy, không thể tránh khỏi rằng, trong thời gian được bồi dưỡng, những người này sẽ trải nghiệm việc bị tỉa sửa, bị phán xét và hành phạt, vạch trần và thậm chí thay thế; đây là chuyện bình thường. Đó gọi là bồi dưỡng và huấn luyện” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (5), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi nhận ra rằng việc nhà Đức Chúa Trời đề bạt và bồi dưỡng một người không có nghĩa là người đó đã hiểu lẽ thật, có thực tế hay đã hoàn toàn nắm vững các nguyên tắc. Việc đề bạt chỉ là cho người ta một cơ hội để rèn luyện, và điều này đòi hỏi người ta phải nhìn nhận đúng đắn những thiếu sót của mình. Tôi đã tự đánh giá mình quá cao, nghĩ rằng mình được đề bạt làm trưởng nhóm thì tố chất, nghiệp vụ và mọi phương diện khác đều phải giỏi hơn người khác. Tôi đã tự đặt mình lên đài cao, và để không bị người khác nhìn thấu, tôi đã ngụy trang, che đậy bản thân, dùng đủ mọi thủ đoạn để che giấu những thiếu sót của mình, ngay cả khi bày tỏ một quan điểm cũng phải suy trước tính sau. Khi tương tác với người khác, tôi không hề minh bạch, mà tự trói buộc bản thân đến mức vô cùng mệt mỏi. Giờ nghĩ lại, việc tôi được đề bạt làm trưởng nhóm chỉ là một cơ hội để tôi rèn luyện, thông qua hoàn cảnh này để thúc đẩy tôi mưu cầu lẽ thật và thực hiện bổn phận theo nguyên tắc. Việc tôi có thiếu sót và sai lệch khi thực hiện bổn phận là rất bình thường, đây chính là những cơ hội để tôi bù đắp cho những thiếu sót của mình, để thông qua kinh nghiệm, tôi có thể hiểu thêm nhiều lẽ thật và nắm vững nhiều nguyên tắc hơn, rồi dần dần có thể thực hiện bổn phận đạt tiêu chuẩn. Sau này, tôi phải nhìn nhận đúng đắn những thiếu sót của mình, học cách thực tế, dồn nhiều công sức hơn cho các nguyên tắc và nghiệp vụ. Đây mới là điều tôi nên mưu cầu và bước vào.
Có một lần, lãnh đạo hướng dẫn chúng tôi trong công tác, và yêu cầu chúng tôi đưa ra ý kiến về một tấm ảnh phông nền. Tôi nghe hai người chị em cộng sự có quan điểm khác với mình, nên thầm nghĩ: “Quan điểm của hai người chị em đó giống nhau. Nếu cuối cùng chứng minh là mình sai, thì sẽ xấu hổ chết mất. Liệu họ có nghĩ tố chất của mình quá kém, không có gu thẩm mỹ không?”. Nghĩ đến đây, lòng tôi có chút do dự: “Hay là mình cứ hùa theo các chị em, để lúc nói sai cũng không bị bẽ mặt”. Nhưng chính lúc này, tôi nhớ đến lời Đức Chúa Trời mà mình đã đọc trước đó: “Ngươi phải tìm kiếm lẽ thật để giải quyết bất kỳ vấn đề nào nảy sinh, bất kể nó là vấn đề gì và tuyệt nhiên không được tự ngụy tạo hoặc mang bộ mặt giả dối đối với người khác. Những thiếu sót của ngươi, những khiếm khuyết của ngươi, những lỗi lầm của ngươi, những tâm tính bại hoại của ngươi – hãy hoàn toàn cởi mở về chúng và thông công về chúng. Đừng giữ chúng trong mình. … Ngươi không cần phải sử dụng bất kỳ phương pháp nào để bảo vệ danh tiếng, hình ảnh và địa vị của mình, cũng như không cần phải che đậy hay tô vẽ cho những sai lầm của mình. Ngươi không cần phải bỏ ra những nỗ lực vô ích này. Nếu ngươi có thể buông bỏ những điều này, ngươi sẽ rất thư thái, ngươi sẽ sống mà không bị kìm kẹp hoặc đau đớn, và ngươi sẽ sống hoàn toàn trong sự sáng” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Lời Đức Chúa Trời đã cho tôi con đường thực hành. Bất kể quan điểm của mình đúng hay sai, nếu có điều gì không hiểu thì phải nêu ra để tìm kiếm và thông công, như vậy mới là có trách nhiệm với bổn phận. Nghĩ đến đây, trong lòng tôi cảm thấy sáng tỏ, tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nguyện gạt bỏ thể diện và nói ra sự thật. Không ngờ, lãnh đạo lại đồng tình với quan điểm của tôi, còn cho chúng tôi một vài định hướng để sửa đổi. Nghe xong, tôi cũng hiểu rõ hơn. Tôi cảm nhận được rằng khi không bảo vệ thể diện, không che đậy bản thân, làm người trung thực và nói lời chân thật, thì lòng tôi sẽ được bình an và thanh thản.
Bây giờ, tôi không còn bị thể diện kìm kẹp nữa, những vấn đề không nhìn thấu được, tôi cũng có thể đơn thuần mở lòng, trao đổi cùng các anh chị em. Khi lãnh đạo chỉ ra vấn đề của tôi, tôi cũng có thể tiếp nhận, nhìn nhận đúng đắn những thiếu sót của mình, và tìm kiếm các nguyên tắc cũng như nghiệp vụ liên quan để học hỏi. Sau một thời gian, nghiệp vụ của tôi đã có chút tiến bộ, và những sai lệch khi thực hiện bổn phận cũng ngày càng ít đi. Qua trải nghiệm này, tôi thực sự thể nghiệm được rằng Đức Chúa Trời ban phúc cho người trung thực, ghê tởm kẻ giả dối, rằng việc thừa nhận những thiếu sót và điểm yếu của mình để thực hành làm một người trung thực chẳng những không phải là chuyện đáng xấu hổ, mà còn mang lại sự bình an và thanh thản thật sự trong lòng.