89. Phản tỉnh sau cơn bệnh vật vã
Kể từ khi tiếp nhận công tác thời kỳ sau rốt của Đức Chúa Trời Toàn Năng, tôi luôn nhiệt tình rao truyền phúc âm và làm bổn phận, bất kể mưa nắng, không bao giờ trì hoãn. Sau đó, tôi được chọn làm lãnh đạo hội thánh, và mỗi khi thấy anh chị em gặp vấn đề hay khó khăn gì, tôi đều cố gắng hết sức để giúp đỡ giải quyết. Sau khi phụ trách công tác video, tôi cũng làm thêm giờ để theo dõi và chỉ dẫn công tác. Khi tiến độ chậm hoặc có sai lệch, tôi đều kịp thời thông công và giải quyết. Sau một thời gian, tôi thấy kỹ năng của các anh chị em đã tiến bộ, công tác video cũng có chút khởi sắc. Trong lòng tôi khá vui, nghĩ thầm: “Chỉ cần mình cứ tiếp tục chịu khổ, trả giá như thế này, có được một số kết quả khi làm bổn phận, thì tương lai nhất định sẽ nhận được sự khen ngợi của Đức Chúa Trời, và hy vọng được cứu rỗi sẽ rất lớn”. Nhưng ngay khi tôi đang hăng hái làm bổn phận, một hôm, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, lại không muốn ăn, nhưng tôi không để ý lắm, nghĩ rằng có lẽ chỉ vì dạo này không được nghỉ ngơi đầy đủ, chắc sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, khẩu vị của tôi ngày càng kém đi, sắc mặt cũng rất tiều tụy. Anh Quan Minh - người phối hợp với tôi, đã khuyên tôi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Không ngờ, sau khi kiểm tra, bác sĩ nói tôi bị viêm gan B, trong gan có một khối u cứng nhỏ, và nếu tiếp tục xấu đi, nó có thể chuyển thành ung thư gan. Đầu óc tôi ong ong lên: “Không thể nào! Mình đang làm bổn phận mà, sao lại mắc phải căn bệnh này chứ? Bệnh này không dễ chữa đâu…”. Tôi cảm thấy như có một tảng đá đè nặng trong ngực, lòng tôi vô cùng đau khổ và yếu đuối. Tôi nghĩ đến bao năm qua mình đã vứt bỏ gia đình và sự nghiệp, chịu khổ và dâng mình. Ngay cả khi bị Đảng Cộng sản truy bắt và bức hại, tôi cũng không hề phản bội Đức Chúa Trời. Vậy tại sao Đức Chúa Trời không bảo vệ tôi? Trong cơn đau khổ, tôi nghĩ đến một bài thánh ca lời Đức Chúa Trời: “Khi bệnh tật xảy đến, thì đây là tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và chắc chắn những ý tốt của Ngài chứa bên trong đó. Mặc dù thân thể ngươi có thể trải qua một chút đau khổ, nhưng đừng ấp ủ những ý niệm từ Sa-tan. Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời giữa lúc bệnh tật và vui hưởng Đức Chúa Trời giữa lúc ngươi ngợi khen. Đừng nản lòng khi đối mặt với bệnh tật, hãy tiếp tục tìm kiếm hết lần này đến lần khác, đừng bỏ cuộc, và Đức Chúa Trời sẽ soi sáng và khai sáng cho ngươi” (Những lời của Đấng Christ buổi ban đầu – Chương 6, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời). Lời Đức Chúa Trời mang lại chút bình yên cho lòng tôi. Đúng vậy, bệnh này có chuyển biến xấu hay không đều nằm trong tay Đức Chúa Trời, và dù lúc này tôi không hiểu tâm ý của Ngài, Tôi không thể oán trách Đức Chúa Trời. Tôi phải tìm kiếm tâm ý Ngài, kiên trì làm bổn phận và đứng vững làm chứng. Nghĩ đến đây, lòng tôi cảm thấy khá hơn một chút.
Sau đó, xét thấy công tác video khá bận rộn, các lãnh đạo lo lắng cơ thể tôi có thể không chịu nổi, nên đã sắp xếp cho tôi và anh Lý Thành cùng nhau phối hợp rao truyền phúc âm. Trong khi điều trị, tôi vẫn kiên trì làm bổn phận, và mỗi khi gặp khó khăn trong công tác, chúng tôi lại cùng nhau thông công, tìm kiếm những lẽ thật liên quan để giải quyết. Mặc dù tôi đã chịu một số khó khăn thể xác và trả một cái giá nhất định, nhưng việc nhìn thấy ngày càng nhiều người tiếp nhận công tác thời kỳ sau rốt của Đức Chúa Trời khiến tôi rất vui, và tôi nghĩ: “Chỉ cần mình kiên trì làm bổn phận, chịu khổ và trả giá nhiều hơn, có lẽ Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ tôi và bệnh tình của tôi sẽ thuyên giảm”. Nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy bệnh tình của mình ngày càng nặng hơn. Ngày nào tôi cũng thấy mệt mỏi, toàn thân yếu ớt, ăn uống ngày càng kém, nên tôi đi kiểm tra lại. Bác sĩ nói bệnh viêm gan B của tôi đã nặng hơn, và tôi cần nhập viện điều trị ngay lập tức; nếu không, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển và trở nên khó chữa trị. Vì tôi đang bị Đảng Cộng sản truy bắt, việc nhập viện sẽ làm lộ thân phận và khiến tôi gặp nguy hiểm, nên tôi đành phải dựa vào thuốc men và điều trị bằng truyền dịch, nhưng bệnh tình vẫn không mấy cải thiện. Lâu dần, tôi trở nên khá yếu đuối, và tôi nghĩ: “Bệnh viêm gan B này đã tái phát nhiều lần rồi; nếu nó nặng hơn nữa và chuyển thành xơ gan hoặc ung thư gan, tính mạng của mình có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Nếu chết như thế này, liệu mình có còn được cứu rỗi không? Chẳng lẽ cuộc đời tin Đức Chúa Trời của mình lại kết thúc như thế này sao?”. Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy toàn thân yếu ớt rã rời, sự khó hiểu và lời oán trách đồng loạt trào dâng trong tôi: “Kể từ khi bắt đầu tin Đức Chúa Trời, tôi đã nhiệt tình làm bổn phận và rao truyền phúc âm. Bất kể gió mưa, nắng gắt hay giá rét, và dù bị Đảng Cộng sản truy bắt, bức hại, không thể về nhà, tôi cũng chưa bao giờ trì hoãn bổn phận của mình. Ngay cả trong những năm tháng bệnh tật này, tôi vẫn luôn kiên trì làm bổn phận, chưa bao giờ buông xuôi, dù không có công lao thì cũng có khổ lao. Tại sao bệnh của tôi không những không thuyên giảm mà còn ngày càng nặng hơn?”. Tôi thấy các anh chị em đều khỏe mạnh và tích cực làm bổn phận, trong khi tôi lại mắc phải bệnh hiểm nghèo. Càng nghĩ, tôi càng cảm thấy tủi thân; cố nén nước mắt, tôi trở về nhà tiếp đãi. Lòng tôi thực sự đau đớn và tiêu cực, không còn tâm trí nào để làm bổn phận. Lúc này, anh Lý Thành nhắc nhở tôi: “Khi đối mặt với bệnh tật, chúng ta nên tìm kiếm tâm ý của Đức Chúa Trời, không nên hiểu lầm hay oán trách Ngài”. Lời của anh Lý Thành giúp tôi bình tĩnh lại. Mọi việc xảy đến đều có sự cho phép của Đức Chúa Trời, và trước hết tôi phải thuận phục để tìm kiếm lẽ thật và phản tỉnh bản thân. Vì vậy, tôi đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời và tìm kiếm, hy vọng Ngài sẽ dẫn dắt tôi hiểu được tâm ý của Ngài.
Sau đó, tôi đọc được một số lời của Đức Chúa Trời: “Có những người cho rằng tin Đức Chúa Trời thì phải được bình an vui vẻ, khi gặp chuyện chỉ cần cầu nguyện Đức Chúa Trời là Ngài sẽ lắng tai nghe, sẽ ban ân điển và ban phúc, cho họ bình an và thuận lợi trong mọi chuyện. Mục đích của họ khi tin Đức Chúa Trời là để cầu ân điển, được phúc lành, hưởng thụ bình an và hạnh phúc. Bởi vì có quan điểm như vậy, nên họ mới có thể từ bỏ gia đình hoặc vứt bỏ công việc để dâng mình cho Đức Chúa Trời, lại còn có thể chịu khổ và trả giá. Họ cho rằng chỉ cần họ vứt bỏ, dâng mình, có thể chịu khổ chịu khó, biểu hiện đặc biệt tốt, thì sẽ có thể được Đức Chúa Trời ban phúc và ưu ái, dù gặp khó khăn gì cũng chỉ cần cầu nguyện là Đức Chúa Trời sẽ giải quyết cho họ và chuyện gì cũng mở đường cho họ. Đây là quan điểm của đa số mọi người khi tin Đức Chúa Trời. Người ta còn cảm thấy quan điểm này chính đáng và đúng đắn, việc rất nhiều người tin Đức Chúa Trời nhiều năm mà không chùn bước, có quan hệ trực tiếp với quan điểm này. Họ cảm thấy: ‘Mình đã dâng mình cho Đức Chúa Trời đến vậy, biểu hiện cũng tốt như vậy, không hề làm chút việc ác nào, chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ ban phúc cho mình. Bởi vì trong mọi việc mình làm, mình đều chịu khổ rất nhiều, đều trả giá rất lớn, đều chiếu theo lời và yêu cầu của Đức Chúa Trời mà làm, không hề phạm bất kỳ sai lầm nào, thì Đức Chúa Trời đương nhiên phải ban phúc cho mình, cho mình được thuận lợi trong mọi chuyện, trong lòng thường xuyên bình an vui vẻ và được hưởng thụ sự hiện diện của Đức Chúa Trời bên mình’. Đây chẳng phải là quan niệm và tưởng tượng của con người sao? Xét từ góc độ của con người, thì con người được hưởng thụ ân điển của Đức Chúa Trời, cũng đạt được ích lợi rồi, nên họ cảm thấy chịu chút khổ cũng là chuyện nên có, có thể đổi lấy phúc lành của Đức Chúa Trời thì cũng đáng giá. Đây là tâm lý làm giao dịch với Đức Chúa Trời. Nhưng xét từ góc độ của lẽ thật và Đức Chúa Trời, thì cách nghĩ đó căn bản không phù hợp với nguyên tắc công tác của Đức Chúa Trời, cũng không phù hợp với tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời yêu cầu con người, đây hoàn toàn là cách nghĩ mơ mộng hão huyền của con người, đơn thuần là quan niệm và tưởng tượng của con người về việc tin Đức Chúa Trời. Trong chuyện này, bất kể có sự giao dịch hay đòi hỏi, hay là có những quan niệm và tưởng tượng của con người, dù nói thế nào đi nữa thì nó cũng không phù hợp với yêu cầu của Đức Chúa Trời, cũng không với tới được tiêu chuẩn và nguyên tắc của Đức Chúa Trời khi ban phúc cho con người. Nhất là dạng tư tưởng và quan điểm giao dịch này còn xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời, thế mà người ta chẳng nhận ra. Khi việc làm của Đức Chúa Trời và quan niệm của con người không tương hợp với nhau, thì trong lòng con người rất nhanh nảy sinh sự oán trách và hiểu lầm Đức Chúa Trời, lại còn cảm thấy oan ức, sau đó thì nói lý lẽ với Đức Chúa Trời, thậm chí là xét đoán và lên án Đức Chúa Trời. … Khi Đức Chúa Trời sắp đặt một hoàn cảnh hoàn toàn không phù hợp với quan niệm và tưởng tượng của con người, thì trong lòng người sẽ nảy sinh quan niệm về Đức Chúa Trời, sẽ xét đoán, lên án, thậm chí là phủ nhận Đức Chúa Trời, vậy lúc đó Đức Chúa Trời có thể thỏa mãn nhu cầu của người ta không? Tuyệt đối không thể, Đức Chúa Trời không bao giờ chiếu theo quan niệm của con người mà thay đổi phương thức công tác và ý nguyện của Ngài. Vậy lúc đó, ai cần thay đổi? Là con người, con người cần buông bỏ quan niệm, tiếp nhận và thuận phục hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời sắp đặt, cần thể nghiệm và trải nghiệm hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời sắp đặt, tìm kiếm lẽ thật để giải quyết quan niệm của mình, chứ đừng dùng quan niệm mà đánh giá xem việc Đức Chúa Trời làm có đúng đắn hay không. Khi giữ chặt quan niệm không buông, thì người ta sẽ nảy sinh sự chống đối với Đức Chúa Trời, đây là chuyện rất tự nhiên. Căn nguyên của sự chống đối nằm ở đâu? Chính là vì những thứ mà người ta thường có trong lòng thực sự đến từ quan niệm và tưởng tượng của con người, chứ không phải là lẽ thật. Do đó, khi gặp công tác nào của Đức Chúa Trời không hợp với quan niệm của con người, thì người ta sẽ có thể chống đối và xét đoán Đức Chúa Trời” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (16), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). “Đối với họ, không có mục tiêu nào chính đáng hơn là tin vào Đức Chúa Trời để nhận lãnh ơn phước – đó chính là giá trị đức tin của họ. Nếu điều gì không đóng góp vào mục tiêu này, họ cứ hoàn toàn thờ ơ với nó. Đây là tình hình của hầu hết mọi người tin vào Đức Chúa Trời ngày nay. Mục tiêu và ý định của họ có vẻ chính đáng, bởi vì khi họ tin Đức Chúa Trời, họ cũng dâng mình cho Đức Chúa Trời, dâng hiến cho Đức Chúa Trời, và thực hiện bổn phận của mình. Họ hy sinh tuổi trẻ, từ bỏ gia đình và sự nghiệp, và thậm chí còn sống nhiều năm tất bật xa gia đình. Vì mục đích cuối cùng của họ, họ thay đổi sở thích của riêng mình, quan điểm về cuộc sống của mình, và thậm chí là phương hướng mưu cầu của mình; thế nhưng họ vẫn không thể thay đổi mục tiêu đức tin của mình vào Đức Chúa Trời. … Ngoài những lợi ích trực tiếp liên quan đến họ, liệu có còn các lý do nào khác để những người mà chẳng bao giờ hiểu Đức Chúa Trời lại dâng hiến quá nhiều cho Ngài? Trong việc này, chúng ta phát hiện ra một vấn đề mà trước đây chưa xác định được: Mối quan hệ của con người với Đức Chúa Trời chỉ là quan hệ lợi ích trần trụi. Đó là mối quan hệ giữa người ban phúc và người nhận phúc. Nói thẳng ra, nó là quan hệ giữa người làm công và người chủ. Người làm công chăm chỉ làm việc chỉ để nhận tiền thưởng của người chủ. Trong mối quan hệ như thế thì chẳng có thân tình, mà chỉ có giao dịch. Chẳng có yêu mến hay được yêu mến, chỉ có sự bố thí và thương xót. Chẳng có thấu hiểu, chỉ có bất lực bấm bụng nuốt giận và lừa dối. Chẳng có sự thân tình, chỉ có một hố sâu ngăn cách không thể vượt qua” (Phụ lục 3: Con người chỉ có thể được cứu rỗi giữa sự quản lý của Đức Chúa Trời, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời). Lời phán xét của Đức Chúa Trời đã vạch trần một cách triệt để những ý định và quan điểm sai trái đằng sau đức tin của tôi nơi Ngài, khiến tôi cảm thấy xấu hổ và hổ thẹn. Tôi luôn tin rằng bằng cách trả giá nhiều hơn và dâng mình nhiều hơn, tôi sẽ có thể nhận được sự bảo vệ và phước lành của Đức Chúa Trời, và hy vọng được cứu rỗi của tôi sẽ lớn hơn. Khi đột nhiên bị chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B, trong lòng tôi đã nảy sinh những lời oán trách Đức Chúa Trời, nghĩ rằng tôi đã chịu khổ và dâng mình vì Ngài suốt bao năm qua, và Đức Chúa Trời không nên để tôi mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng như vậy. Mặc dù cuối cùng tôi cũng đã thuận phục, tôi vẫn nghĩ rằng chỉ cần tôi kiên trì làm bổn phận, chịu khổ và trả giá nhiều hơn, có lẽ Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ tôi và bệnh tình của tôi sẽ thuyên giảm. Nhưng khi bệnh tình trở nặng, thậm chí phải đối mặt với khả năng ung thư và cái chết, tôi đã nghĩ rằng ước muốn được ban phước của mình đã tan vỡ. Vì vậy, tôi đã trở nên tiêu cực và hiểu lầm, lý luận với Đức Chúa Trời trong lòng, tin rằng dù tôi không có công lao thì cũng có khổ lao, và Đức Chúa Trời không nên đối xử với tôi như vậy; tôi thậm chí còn oán trách Đức Chúa Trời vì đã không bảo vệ tôi. Qua sự tỏ lộ của thực tế, tôi thấy rằng sự trả giá và dâng mình của bản thân đều xuất phát từ một ý định đê tiện, đó là tôi muốn dùng sự chăm chỉ làm việc, vứt bỏ và dâng mình của bản thân làm vốn liếng để đổi lấy một tương lai và đích đến tốt đẹp, đó chính là đang thực hiện một cuộc giao dịch với Đức Chúa Trời. Ngay khi không nhận được phước lành, tôi đã hiểu lầm và oán trách Đức Chúa Trời. Những gì tôi bộc lộ đều là tâm tính Sa-tan của mình. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, và dù Ngài sắp đặt và an bài mọi việc thế nào, tôi cũng không có lý do gì để đưa ra yêu cầu với Ngài, và tôi nên thuận phục sự sắp đặt của Ngài. Nhưng tôi lại luôn muốn Đức Chúa Trời hành động theo những quan niệm của tôi, và khi mọi việc không phù hợp với quan niệm của mình, tôi đã lý luận với Ngài. Tôi đã tự do hưởng thụ biết bao sự chăm tưới và chu cấp từ lời Đức Chúa Trời, nhưng lại không đền đáp tình yêu của Ngài, thay vào đó tôi còn hiểu lầm và oán trách Ngài. Làm sao tôi có thể là một người thực sự tin Đức Chúa Trời được chứ?
Sau đó, tôi đọc một đoạn lời khác của Đức Chúa Trời, và tôi đã có chút hiểu biết về nguồn gốc của việc tôi giao dịch với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời Toàn Năng phán: “Hết thảy nhân loại kẻ bại hoại đều sống cho chính mình. Người không vì mình, trời tru đất diệt – đây là khái quát về bản tính của con người. Con người tin Đức Chúa Trời đều vì bản thân họ; khi họ vứt bỏ mọi sự và dâng mình cho Đức Chúa Trời, đó là để được ban phúc lành; và khi họ trung thành với Ngài, vẫn là để được ban thưởng. Tóm lại, tất cả đều được thực hiện với mục đích được ban phước lành, được ban thưởng và được vào thiên quốc. Trong xã hội, con người làm việc vì lợi ích riêng của mình, còn trong nhà Đức Chúa Trời, họ làm bổn phận để được phúc. Con người từ bỏ mọi thứ và có thể chịu đựng nhiều đau khổ là để được ban phước lành, đây là bằng chứng tốt nhất về việc con người có bản tính Sa-tan” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Nhờ sự tỏ lộ của lời Đức Chúa Trời, tôi mới hiểu ra: chính vì những tư tưởng và quan điểm của Sa-tan như “Người không vì mình trời tru đất diệt” và “Đừng bao giờ làm gì không công” đã cắm rễ sâu trong lòng, trở thành nền tảng sống của tôi, nên mọi việc tôi làm trước đây đều chỉ nhằm tư lợi cá nhân. Ngay cả sự vứt bỏ và sự dâng mình của tôi cũng chỉ để mong nhận được phước lành, mong được Đức Chúa Trời bảo vệ khỏi cái chết khi đại nạn ập đến. Suốt những năm tháng làm bổn phận, dù phải chịu khổ về thể xác đến đâu, hay phải trả giá thế nào, chỉ cần tôi tin rằng điều đó có lợi cho mình về mặt phước lành và sự cứu rỗi, thì bất cứ đau khổ nào tôi cũng sẵn lòng chịu đựng. Nhưng khi bệnh tình trở nặng, ước muốn được ban phước tan vỡ, tôi liền mất hết động lực làm bổn phận, thậm chí trong lòng còn lý luận và oán trách Đức Chúa Trời. Trong mọi việc, tôi đều đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, coi bổn phận như một thứ để đổi chác lấy phần thưởng và phước lành, thậm chí còn cho rằng điều đó hoàn toàn chính đáng. Sống theo những độc tố của Sa-tan này, tôi đã đánh mất lương tâm và lý trí, lại còn oán trách và phản nghịch Đức Chúa Trời. Nếu không ăn năn, sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị Đức Chúa Trời ghét bỏ và đào thải. Nghĩ đến đây, lòng tôi vừa sợ hãi vừa hối hận. Một kẻ ích kỷ, đê tiện như tôi, tâm tính chẳng hề thay đổi, vậy mà vẫn ảo tưởng hy vọng được ban phước! Thật không biết xấu hổ làm sao! Tâm tính của Đức Chúa Trời là công chính và thánh khiết. Cho dù một người làm bao nhiêu việc, chịu khổ nhiều thế nào, hay trả giá nhiều đến đâu, nếu tâm tính không thay đổi, thì tất cả cũng chỉ là vô ích. Đức Chúa Trời sẽ không vì chúng ta chịu khổ nhiều hơn mà phá lệ đưa chúng ta vào vương quốc của Ngài. Đức Chúa Trời phán: “Ngươi phải biết Ta mong muốn loại người nào; những kẻ bất khiết không được phép bước vào vương quốc, những kẻ bất khiết không được phép làm ô uế vùng đất thánh. Mặc dù ngươi có thể đã làm rất nhiều việc và đã làm việc trong nhiều năm, nhưng cuối cùng nếu ngươi vẫn còn ô uế cùng cực, mà ngươi lại muốn bước vào vương quốc của Ta, thì đó là chuyện luật Trời không thể dung tha! Từ khi sáng thế cho đến nay, Ta chưa bao giờ cho những kẻ nịnh hót Ta dễ dàng vào vương quốc của Ta. Đây là luật Trời, và không ai có thể phá vỡ nó! Ngươi phải tìm kiếm sự sống. Ngày nay, những người sẽ được làm cho hoàn thiện giống như Phi-e-rơ: Họ là những người tìm kiếm sự thay đổi trong tâm tính của bản thân mình, sẵn sàng làm chứng cho Đức Chúa Trời và làm tốt bổn phận của mình như một loài thọ tạo. Chỉ những người như vậy mới được làm cho hoàn thiện. Nếu ngươi chỉ chăm chăm vào phần thưởng, mà không cố gắng thay đổi tâm tính sống của chính mình, thì tất cả mọi nỗ lực của ngươi sẽ vô ích – và đây là một lẽ thật bất di bất dịch!” (Thành công hay thất bại phụ thuộc vào con đường mà con người đi, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời). Đức Chúa Trời không đánh giá con người dựa trên sự dâng mình hay sự chịu khổ bề ngoài, mà Ngài xem xét con đường họ đi, liệu họ có đạt được lẽ thật không, và tâm tính bại hoại của họ có thay đổi không. Dù đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm, nhưng tôi chỉ chú trọng lao khổ và làm việc, chứ chẳng hề mưu cầu lẽ thật; tâm tính bại hoại của tôi vẫn không thay đổi, lại còn cố gắng mặc cả với Đức Chúa Trời để được ban phước. Một kẻ ích kỷ, đê tiện như tôi, làm sao xứng đáng được cứu rỗi chứ? Tôi nghĩ đến Phao-lô. Ông ấy đã rao truyền phúc âm, làm rất nhiều việc, cũng chịu khổ không ít; nhưng sự chịu khổ và trả giá của ông không phải để thực hành lời Đức Chúa Trời, cũng không phải để làm bổn phận của một loài thọ tạo, mà chính là để nhận được phước lành và mão triều thiên. Giống như ông đã nói: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin: Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta” (2 Ti-mô-thê 4:7-8). Ý của ông ấy là nếu Đức Chúa Trời không ban cho ông mão triều thiên hay phần thưởng, thì có nghĩa là Đức Chúa Trời không công chính. Đây rõ ràng là đòi hỏi mão triều thiên một cách trắng trợn từ Đức Chúa Trời, một ý đồ nhằm ép buộc Ngài. Dù Phao-lô đã lao nhọc, chịu khổ và dâng mình, nhưng ông không hề mưu cầu lẽ thật mà chỉ tìm kiếm phước lành, và vì thế đã đi vào con đường chống đối Đức Chúa Trời. Rốt cuộc, ông đã bị Ngài trừng phạt. Nếu tôi cứ tiếp tục đi theo con đường của Phao-lô, thì sớm muộn tôi cũng sẽ bị Đức Chúa Trời đào thải. Tôi không thể cứ đòi hỏi hay yêu cầu Đức Chúa Trời nữa; tôi cũng không thể tiếp tục sống ích kỷ, đê tiện vì bản thân nữa. Bất kể bệnh tình của tôi có diễn biến thế nào, tôi đều sẵn lòng thuận phục sự tể trị và an bài của Đức Chúa Trời.
Sau đó, tôi đọc được một đoạn lời của Đức Chúa Trời, và lời Ngài đã vạch ra cho tôi một con đường thực hành. Đức Chúa Trời phán: “Không có mối tương quan giữa bổn phận của con người và việc liệu họ được phúc hay gánh họa. Bổn phận là việc con người phải thực hiện; đó là thiên hướng của họ và không nên lệ thuộc vào sự tưởng thưởng, điều kiện hay lý do. Chỉ khi đó mới là thực hiện bổn phận của mình. Được ban phúc là khi ai đó được làm cho hoàn thiện và vui hưởng các phúc lành của Đức Chúa Trời sau khi trải qua sự phán xét. Gánh họa là khi tâm tính của ai đó không thay đổi sau khi họ đã trải qua hình phạt và sự phán xét, đó là khi họ không trải nghiệm việc được làm cho hoàn thiện, mà bị trừng phạt. Nhưng bất kể họ được ban phúc hay gánh họa, những loài thọ tạo cũng phải thực hiện bổn phận của mình, làm những điều họ cần phải làm, và làm những điều họ có thể làm; đây chính là điều tối thiểu mà người mưu cầu Đức Chúa Trời nên làm. Ngươi không nên thực hiện bổn phận của mình chỉ để được ban phúc, và ngươi không nên từ chối hành động vì sợ gánh họa. Để Ta bảo các ngươi điều này: Việc thực hiện bổn phận của con người là những gì họ cần phải làm, và nếu họ không thể thực hiện bổn phận của mình, thì đây là sự phản nghịch của họ” (Sự khác nhau giữa chức vụ của Đức Chúa Trời nhập thể và bổn phận của con người, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu ra rằng làm bổn phận không hề liên quan đến chuyện được ban phước hay chịu bất hạnh. Đức Chúa Trời đã ban cho tôi sự sống và mọi thứ tôi đang có, nên là một người tin, việc tôi dâng mình cho Ngài là điều hoàn toàn tự nhiên và đúng đắn. Đó là trách nhiệm và bổn phận mà một người phải hoàn thành, cũng là điều mà người có chút lương tâm, lý trí đều nên làm. Tôi không nên dùng sự dâng mình của bản thân như một thứ để đổi chác, đòi hỏi phước lành từ Đức Chúa Trời, cũng không nên oán trách Ngài vì căn bệnh hiểm nghèo của mình. Như Gióp vậy, bất kể Đức Chúa Trời ban cho hay tước đi những gì, ngay cả khi mất tất cả và bị ung độc hành hạ, ông cũng không hề oán trách Đức Chúa Trời hay cầu xin Ngài giảm bớt đau khổ, mà thay vào đó, ông ca ngợi danh Đức Chúa Trời và đứng vững làm chứng cho Ngài. Suy ngẫm về trải nghiệm của Gióp, tôi đã tìm ra được con đường thực hành cho mình. Dù bệnh tình có kéo dài bao lâu, có trở nên nghiêm trọng đến mức nào, dù tính mạng có gặp nguy hiểm đi nữa, tôi cũng phải thuận phục Đức Chúa Trời và đứng vững làm chứng cho Ngài. Đó chính là lương tâm và lý trí mà tôi nên có. Sau này, mỗi khi lại có ý định muốn được ban phước, tôi lại cầu nguyện với Đức Chúa Trời để chống lại những ham muốn đó. Tôi tập trung trải nghiệm lời Đức Chúa Trời và thực hành lẽ thật mỗi ngày, nhờ vậy, lòng tôi thanh thản hơn rất nhiều.
Sau đó, nhờ uống thuốc điều trị, bệnh tình của tôi dần dần đỡ hơn, tôi vui lắm. Nhưng một thời gian sau, tôi lại thấy người mệt mỏi, rã rời, nên lại đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ nói nồng độ vi-rút viêm gan B trong người tôi đã lên đến hơn 100 triệu, và một vài chỉ số chức năng gan khác cũng khá cao. Bác sĩ còn nói nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì khó nói lắm. Nghe vậy, tôi thấy hơi lo lắng, bất an, nghĩ thầm: “Bệnh này đã tái phát mấy lần rồi, liệu có thực sự biến chứng thành ung thư không? Bệnh của mình rốt cuộc có chữa khỏi được không đây?”. Những suy nghĩ đó khiến tôi thấy hơi xuống tinh thần. Lúc đó, tôi nhận ra tình trạng của mình không ổn, nên đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Tôi đọc đoạn lời này của Đức Chúa Trời: “Vì ngươi tin vào Đức Chúa Trời và đi theo Đức Chúa Trời, ngươi phải dâng mọi thứ cho Ngài, không nên có các lựa chọn hay đòi hỏi cá nhân, và ngươi phải thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời. Vì ngươi đã được dựng nên, ngươi phải thuận phục Chúa đã dựng nên ngươi, bởi ngươi không thể cai quản bản thân, và không có năng lực tự nhiên để kiểm soát số phận của chính mình. … Là một loài thọ tạo, con người phải cố gắng làm tốt bổn phận của một loài thọ tạo, và tìm kiếm tình yêu dành cho Đức Chúa Trời mà không có lựa chọn khác, vì Đức Chúa Trời xứng đáng với tình yêu của con người. Những ai tìm kiếm tình yêu dành cho Đức Chúa Trời không nên tìm kiếm bất kỳ lợi ích cá nhân nào hoặc những điều cá nhân họ ao ước; đây là cách theo đuổi đúng đắn nhất” (Thành công hay thất bại phụ thuộc vào con đường mà con người đi, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu được tâm ý của Ngài và nhận ra rằng sự sống chết của con người đều ở trong tay Ngài. Tôi không thể cứ đưa ra những đòi hỏi vô lý với Đức Chúa Trời nữa; dù bệnh tình của tôi có trở nặng hơn, ngay cả khi phải chết hoặc không có kết cục hay đích đến nào, tôi vẫn sẽ thuận phục sự chủ tể và an bài của Đức Chúa Trời. Nghĩ được như vậy, tôi không còn bị tình trạng bệnh tật kìm kẹp, vẫn tiếp tục làm bổn phận như thường, và lòng tôi cảm thấy như được giải phóng. Sau đó, tôi tiếp tục uống thuốc bắc, và cảm thấy bệnh tình dần dần thuyên giảm. Sau lần kiểm tra cuối cùng, một vài chỉ số chức năng gan đã gần như trở lại mức bình thường.
Qua trải nghiệm được Đức Chúa Trời tỏ lộ trong cơn bệnh này, dù có chịu khổ đôi chút, nhưng tôi vô cùng tạ ơn Đức Chúa Trời. Nếu không có hoàn cảnh đó, tôi đã chẳng thể biết mình, có lẽ vẫn cứ nghĩ rằng mình đang chân thành dâng mình cho Đức Chúa Trời. Nhưng bây giờ, tôi đã thấy rõ những quan điểm sai lầm của mình về việc mưu cầu phước lành qua đức tin nơi Đức Chúa Trời, đồng thời cũng có chút nhận thức về tâm tính Sa-tan ích kỷ, đê tiện và chỉ biết trục lợi của mình. Đó chính là những thu hoạch mà tôi nhận được khi đối mặt với cơn bệnh này.