Chức trách của lãnh đạo và người làm công (3)
Mục 3. Thông công những nguyên tắc lẽ thật cần hiểu để làm tốt các bổn phận (Phần 2)
Trong buổi nhóm họp trước, về mục chức trách thứ hai của lãnh đạo và người làm công, chúng ta đã thông công bổ sung về chuyện có những khó khăn nào trong lối vào sự sống, vạch trần một số cách làm và biểu hiện của lãnh đạo giả. Sau đó, chúng ta nói về một số chuyện liên quan đến mục thứ ba trong các chức trách của lãnh đạo và người làm công – thông công những nguyên tắc lẽ thật cần hiểu để làm tốt các bổn phận. Thông qua thái độ, cách làm và biểu hiện của lãnh đạo giả đối với những chuyện này, chúng ta đã vạch trần và mổ xẻ cái “giả” trong lãnh đạo giả rốt cuộc là được biểu hiện ở chỗ nào, và đó cũng chính là một vài biểu hiện của việc lãnh đạo giả không thể làm tròn chức trách của lãnh đạo. Vậy các ngươi hãy nói xem, đó là những chuyện gì. (Thưa, một chuyện là chuyện in ấn sách lời Đức Chúa Trời. Lãnh đạo giả không làm công tác thực tế mà toàn nói đạo lý sáo rỗng, cũng không thông công cụ thể về nguyên tắc lẽ thật, không làm chút công tác thực tế nào.) Trong chuyện này, lãnh đạo giả không làm công tác thực tế, không làm tròn chức trách của lãnh đạo, không thông công một cách rõ ràng về yêu cầu cũng như nguyên tắc cụ thể và những chuyện cần chú ý của khía cạnh nghiệp vụ liên quan đến công tác này, mà chỉ biết hô hào chút khẩu hiệu, nói vài lời sáo rỗng thì cho rằng mình đã làm tốt công tác rồi. Chúng ta còn nói đến chuyện nào nữa? (Thưa, còn chuyện mua áo khoác lông ngỗng cho Đức Chúa Trời.) Chuyện này đã vạch trần vấn đề thuộc khía cạnh nào của lãnh đạo giả? (Thưa, vạch trần việc lãnh đạo giả không làm công tác thực tế, cũng không có chút nhân tính và lý trí nào.) Có người mua cho Ta một chiếc áo, lãnh đạo giúp Ta kiểm định nó. Đây có phải là công tác mà lãnh đạo và người làm công nên làm không? (Thưa, không phải.) Họ đã làm công tác mà mình không nên làm, đây là vấn đề gì? (Thưa, không chuyên tâm vào việc chính đáng.) Đây là một trong những biểu hiện của lãnh đạo giả. Đầu tiên chúng ta đã vạch trần việc lãnh đạo giả không chuyên tâm vào việc chính đáng, sau đó là việc họ không có lý trí, toàn làm những chuyện không có lý trí và nhân tính, khiến cho người ta ghê tởm. Các ngươi chỉ nhớ được ví dụ, còn vấn đề cần được nói rõ và mổ xẻ thông qua những ví dụ này thì các ngươi vẫn chưa nhìn thấu được. Về việc lãnh đạo giả không chuyên tâm vào việc chính đáng, chúng ta còn đưa ra ví dụ nào nữa? (Thưa, một người lúc trước từng làm món bánh điểm tâm đã năm lần bảy lượt làm món bánh điểm tâm cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời bảo đừng để anh ta làm nữa, nhưng lãnh đạo và người làm công cứ cho phép anh ta làm, còn đích thân nếm thử.) Những ví dụ này đã vạch trần vấn đề gì của lãnh đạo giả? (Thưa, họ không chuyên tâm vào việc chính đáng, không làm công tác cần làm, mà lại cương quyết làm những việc không nên làm.) Chủ yếu là chúng ta đã vạch trần việc lãnh đạo giả không chuyên tâm vào việc chính đáng, không nắm bắt được trọng tâm và trọng điểm của công tác. Ngoài ra, nơi lãnh đạo giả còn tồn tại một vấn đề nghiêm trọng, đó là vấn đề gì? (Thưa, họ không nghe lời Đức Chúa Trời, không chiếu theo yêu cầu của Đức Chúa Trời mà thực hiện công tác.) Còn gì nữa? (Thưa, họ giả mạo thuộc linh, giả vờ quan tâm đến gánh nặng của Đức Chúa Trời, nhưng thật ra là đang làm xằng làm bậy.) Đây cũng là một khía cạnh vấn đề. Còn gì nữa không? (Thưa, trước khi hành động, họ không tìm hiểu yêu cầu của Đức Chúa Trời, cứ dùng tưởng tượng của mình để thay thế cho ý của Đức Chúa Trời.) Đây là chuyện thuộc phạm trù không có lý trí. Còn gì nữa? (Thưa, từ cách mà lãnh đạo giả xử lý trong chuyện có người mua áo cho Đức Chúa Trời, có thể thấy rõ là họ không có nhân tính bình thường.) Không có khía cạnh nào trong nhân tính bình thường? Không hiểu quy tắc, không được dạy dỗ đàng hoàng. Có phải như vậy không? (Thưa, phải.) Thật ra những điều mà các ngươi nói đều là thứ yếu. Vấn đề chủ yếu là gì? Những người này sau khi làm lãnh đạo thì chỉ muốn hưởng thụ lợi ích của địa vị, hưởng thụ đãi ngộ đặc biệt, tham hưởng an nhàn. Chẳng hạn họ sẽ ăn chút món điểm tâm, thấy ai nấu ăn ngon thì nghĩ đến việc đi nếm thử cho đỡ thèm. Họ không chuyên tâm vào việc chính đáng và không làm công tác thực tế thì đã đáng ghê tởm lắm rồi, đã vậy còn tham hưởng an nhàn, tham hưởng dục vọng ăn uống, mượn danh nghĩa nếm thay và kiểm định cho Đức Chúa Trời để thỏa mãn dục vọng ăn uống của mình, tham hưởng lợi ích của địa vị. Đây đều là biểu hiện của lãnh đạo giả. Tuy rằng nếu đem những biểu hiện này đi so sánh với thực chất tâm tính của kẻ địch lại Đấng Christ thì không thể nói rằng họ hung ác, tà ác, nhưng nhân tính của những người này cũng đủ khiến cho người ta ghê tởm. Phẩm chất nhân tính của họ không thể được cho là có nhân tính, có lý trí, mà nhân tính của họ rất đê tiện và bỉ ổi, nhân cách thấp hèn. Từ những ví dụ này, chúng ta có thể thấy được rằng loại người như lãnh đạo giả không làm được công tác thực tế. Đây chính là sự thật.
Lãnh đạo giả không biết thông công về nguyên tắc làm công tác
Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục kết hợp với các chức trách của lãnh đạo và người làm công để vạch trần các loại biểu hiện của lãnh đạo giả. Khi làm công tác của hội thánh, về cơ bản thì lãnh đạo giả sẽ không làm được công tác mang tính thực chất và then chốt. Họ chỉ toàn làm một số công tác mang tính sự vụ đơn giản, căn bản không có tác dụng mang tính then chốt và quyết định đối với công tác tổng thể của hội thánh, và không đạt được kết quả thực tế. Những thứ mà họ thông công về cơ bản chỉ là một số chủ đề tầm thường và nhàm tai, đều là một số câu chữ và đạo lý thường nói, đặc biệt trống rỗng và chung chung, không có chi tiết, đều là những thứ con người có thể hiểu được khi đọc câu chữ nghĩa đen. Họ hoàn toàn không thể giải quyết những vấn đề thực tế liên quan đến lối vào sự sống của dân được Đức Chúa Trời chọn. Nhất là đối với quan niệm, tưởng tượng của con người và những tâm tính bại hoại mà con người bộc lộ ra, lãnh đạo giả càng không thể giải quyết được. Chủ yếu nhất là đối với công tác trọng điểm do nhà Đức Chúa Trời sắp xếp, chẳng hạn như công tác phúc âm, công tác quay phim, công tác văn tự, họ căn bản là không đảm đương nổi. Nhất là những công tác liên quan đến tri thức nghiệp vụ, họ biết rõ bản thân là tay ngang mà cũng không học tập, không tra cứu tư liệu, càng không biết chỉ đạo cụ thể, không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào cả. Đã thế, họ còn mặt dày vô sỉ mà tổ chức nhóm họp cho mọi người, giảng câu chữ và đạo lý một cách ba hoa khoác lác. Biết rõ mình không làm được những công tác đó, nhưng lãnh đạo giả vẫn ở đó mà giả vờ làm người trong ngành, tự cho mình là đúng, toàn giảng những đạo lý cao vời để giáo huấn người ta. Cho dù là bất kỳ ai nêu lên vấn đề, họ cũng không thể giải đáp, còn mượn lý do và cớ này cớ nọ để giáo huấn người ta, hỏi người ta tại sao lại không học tập nghiệp vụ, tại sao không tìm kiếm lẽ thật, tại sao có vấn đề mà bản thân không biết giải quyết. Một lãnh đạo giả tay ngang như vậy không giải quyết được vấn đề gì, còn đứng từ trên cao mà giáo huấn người ta. Bề ngoài họ khiến người ta tưởng rằng mình rất bận rộn, có vẻ như họ có thể làm được nhiều công tác, có bản lĩnh dữ lắm, nhưng thật ra thì họ chẳng là gì cả. Rõ ràng là lãnh đạo giả không làm được công tác thực tế, thế mà họ lại bận rộn một cách hăng hái lắm, tham gia nhóm họp cả ngày và giảng những thứ tầm thường, nhàm tai kia, giảng đi giảng lại, không giải quyết được chút vấn đề thực tế nào, do đó họ khiến người ta đặc biệt chán ghét, khiến người ta không đạt được chút gây dựng nào. Họ công tác như vậy thì hiệu suất quá thấp, chẳng có kết quả gì cả. Lãnh đạo giả làm công tác như vậy đấy, công tác của hội thánh cũng cứ thế mà bị trễ nãi, nhưng lãnh đạo giả vẫn cảm thấy bản thân đã làm công tác lớn lắm và có bản lĩnh lắm. Thật ra thì họ chẳng làm tốt công tác thuộc khía cạnh nào trong công tác của hội thánh cả. Họ không hề biết lãnh đạo và người làm công thuộc phạm vi phụ trách của mình có đạt tiêu chuẩn không, cũng không biết các nhóm trưởng và người phụ trách của các nhóm có thể đảm đương công tác hay không, và họ không quan tâm hay hỏi han xem anh chị em có xảy ra vấn đề gì trong quá trình làm bổn phận hay không. Tóm lại, khi làm công tác, lãnh đạo giả không giải quyết được vấn đề gì cả, nhưng họ vẫn bận rộn một cách rất hăng hái. Trong mắt người khác, họ có thể chịu khổ và cũng có thể trả giá, ngày ngày bận rộn, đến giờ ăn lúc nào cũng phải có người gọi họ, buổi tối họ cũng nghỉ ngơi rất trễ, chỉ là kết quả công tác của họ chẳng ra làm sao cả mà thôi. Nếu không nhìn kỹ thì nhìn bề ngoài, các hạng mục công tác đều đang được làm và ai cũng đang bận rộn làm bổn phận, nhưng nếu quan sát một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc hơn, kiểm tra công tác một cách nghiêm túc thì mọi sai sót sẽ lộ ra. Tất cả mọi công tác trong phạm vi phụ trách của họ, hạng mục nào cũng là một mớ hỗn độn, không có trật tự, không có trình tự. Hạng mục công tác nào cũng tồn tại vấn đề, thậm chí là còn có lỗ hổng. Việc xuất hiện các vấn đề này có liên quan đến chuyện lãnh đạo giả không hiểu nguyên tắc lẽ thật mà còn hành động theo quan niệm, tưởng tượng và lòng nhiệt thành của mình. Lãnh đạo giả không bao giờ thông công về nguyên tắc lẽ thật, cũng không bao giờ tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề. Rõ ràng biết mình không có hiểu biết thuộc linh, cũng không làm được công tác của lãnh đạo, chỉ biết giảng câu chữ và đạo lý chứ căn bản không hiểu lẽ thật, nhưng lãnh đạo giả vẫn giả vờ mình hiểu và giả mạo là người trong ngành. Họ làm công tác chỉ theo kiểu làm cho có hình thức, nếu có vấn đề xảy ra thì sẽ áp dụng quy định một cách bừa bãi. Họ chỉ biết bận rộn một cách loạn xạ mà không có kết quả thực tế gì cả. Vì những lãnh đạo giả này không hiểu nguyên tắc lẽ thật, chỉ biết giảng câu chữ và đạo lý và khuyên nhủ con người tuân thủ quy định, dẫn đến chuyện các hạng mục công tác của hội thánh tiến triển một cách chậm chạp và không có thành quả rõ ràng. Hậu quả rõ ràng nhất sau một thời gian làm công tác của lãnh đạo giả chính là đa số mọi người đều không thể hiễu được lẽ thật, cho dù là ai bộc lộ sự bại hoại hay nảy sinh quan niệm thì mọi người đều không biết phân định, càng không hiểu nguyên tắc lẽ thật cần tuân thủ khi làm bổn phận là gì. Cho dù là người làm bổn phận hay không làm bổn phận, ai nấy đều uể oải, tự do buông lỏng, rời rạc như gió thổi cát bay vậy. Tuy rằng đa số mọi người đều có thể nói một số câu chữ và đạo lý, nhưng khi làm bổn phận, họ chỉ biết tuân thủ quy định, chứ không biết tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề. Vì chính bản thân lãnh đạo giả không biết tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề, nên họ làm sao có thể dẫn dắt người khác tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề chứ? Bất luận là gặp phải chuyện gì, lãnh đạo giả cũng chỉ biết khuyên nhủ người ta rằng: “Phải quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời!”, “Làm bổn phận thì phải có lòng trung thành!”, “Gặp chuyện thì phải học cách cầu nguyện, phải tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật!”. Lãnh đạo giả thường hô hào những khẩu hiệu và đạo lý này, chẳng đem lại kết quả gì cả. Người ta nghe xong thì cũng không hiểu được nguyên tắc lẽ thật là gì, không có con đường thực hành. Bề ngoài thì người gặp chuyện cũng đã cầu nguyện, họ cũng muốn có lòng trung thành khi làm bổn phận, nhưng làm như thế nào thì mới có lòng trung thành, phải cầu nguyện như thế nào mới có thể hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời, khi gặp vấn đề thì phải tìm kiếm như thế nào mới có thể đạt đến hiểu nguyên tắc lẽ thật, những vấn đề này người ta đều không hiểu. Khi người ta đến hỏi lãnh đạo giả, thì lãnh đạo giả sẽ nói rằng: “Gặp chuyện thì hãy đọc nhiều lời Đức Chúa Trời và cầu nguyện nhiều vào, thông công về lẽ thật nhiều vào”. Người ta hỏi họ: “Nguyên tắc liên quan đến hạng mục công tác này là gì?”. Họ sẽ nói: “Lời Đức Chúa Trời không nhắc đến chuyện liên quan đến nghiệp vụ, tôi cũng không hiểu. Nếu anh chị muốn hiểu thì tự đi tra tài liệu, chứ đừng hỏi tôi. Tôi có nhiệm vụ dẫn dắt anh chị hiểu lẽ thật, chứ không phải dẫn dắt anh chị làm nghiệp vụ”. Lãnh đạo giả dùng lời này để qua loa tắc trách. Kết quả là tuy rằng đa số mọi người đều có một tấm lòng nhiệt huyết để làm bổn phận, nhưng họ không biết làm sao để hành động theo nguyên tắc lẽ thật, cũng không biết làm sao để giữ vững nguyên tắc khi làm bổn phận. Trong phạm vi phụ trách của lãnh đạo giả, nếu xét về kết quả của các hạng mục công tác, thì đa số mọi người đều đang làm công tác dựa vào tri thức, học vấn và cả ân tứ của mình, còn cụ thể yêu cầu của Đức Chúa Trời là gì, nguyên tắc làm bổn phận là gì, phải làm như thế nào mới có thể đạt đến kết quả làm chứng cho Đức Chúa Trời, rao truyền phúc âm như thế nào để có thể có hiệu quả hơn, khiến cho người khao khát sự xuất hiện của Đức Chúa Trời nghe thấy tiếng Ngài, xem xét con đường thật và nhanh chóng trở lại với Đức Chúa Trời. Đa số mọi người đều không biết về những vấn đề này. Tại sao lại không biết? Việc này có liên quan trực tiếp với chuyện lãnh đạo giả không làm công tác thực tế. Nguyên nhân chủ yếu chính là tự bản thân lãnh đạo giả cũng không biết thế nào là nguyên tắc lẽ thật, thế nào là nguyên tắc mà con người nên hiểu và nên tuân thủ. Họ hành động không có nguyên tắc, cũng không bao giờ dẫn dắt mọi người tìm kiếm nguyên tắc và con đường thực hành trong khi làm bổn phận. Khi phát hiện ra vấn đề mà mình không giải quyết được, họ cũng không cùng mọi người thông công và tìm kiếm, do đó dẫn đến các hạng mục công tác thường xuyên xảy ra hiện tượng phải làm lại, không những lãng phí tài lực vật lực, mà còn lãng phí sinh lực và thời gian của mọi người. Chuyện gây nên hậu quả như vậy có liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo giả có tố chất quá kém và không chịu trách nhiệm. Tuy rằng không thể nói lãnh đạo giả cố ý hành ác và quấy nhiễu, nhưng có thể nói rằng lãnh đạo giả làm công tác thì hoàn toàn không tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật, chỉ hành động dựa theo ý riêng, đây là chuyện chắc chắn, không nghi ngờ gì nữa. Vì lãnh đạo giả không hiểu nguyên tắc lẽ thật, cũng không thông công cho người khác hiểu nguyên tắc lẽ thật, mà thả trôi để mọi người tự ý hành động, việc này vô hình trung đã dẫn đến chuyện một số người phụ trách công tác mặc sức làm bậy, nghĩ gì làm đó, thích làm gì thì làm nấy. Kết quả là không những không có bao nhiêu kết quả thực tế, mà còn khiến cho công tác của hội thánh biến thành một mớ hỗn độn. Sau khi bị cách chức, lãnh đạo giả không những không phản tỉnh và nhận thức bản thân, mà còn ngụy biện và giải thích cho bản thân. Họ không hề tiếp nhận lẽ thật, không có chút ý hối cải nào, thậm chí còn yêu cầu nhà Đức Chúa Trời cho mình thêm một cơ hội nữa, nói rằng mình nhất định có thể làm tốt công tác. Các ngươi có tin được lời này không? Họ không hề nhận thức bản thân, cũng không tiếp nhận lẽ thật, vậy thì cách làm của họ có thể thay đổi được sao? Bản thân họ không có thực tế lẽ thật mà còn có thể làm tốt công tác sao? Có khả năng như vậy sao? Lần này không làm tốt công tác, cho họ thêm một cơ hội nữa thì họ có thể làm tốt sao? Đó là chuyện không thể. Có thể nói một cách chắc chắn rằng, lãnh đạo giả không có năng lực công tác. Tuy rằng có lúc họ cũng rất cực nhọc và bận rộn, nhưng đó đều là bận rộn vô ích, không có thành quả. Việc này đủ để chứng tỏ rằng tố chất của lãnh đạo giả quá kém, hoàn toàn không hiểu lẽ thật, không làm được công tác thực tế, dẫn đến công tác của họ xuất hiện rất nhiều vấn đề mà họ cũng không thể thông công về lẽ thật để giải quyết, chỉ biết dùng chút đạo lý sáo rỗng đó để khuyên nhủ con người, khiến con người tuân thủ quy định. Kết quả là họ làm cho công tác thành một mớ hỗn độn, bung bét cả lên. Đây chính là cách thức làm việc của lãnh đạo giả và hậu quả mà họ gây ra. Tất cả lãnh đạo và người làm công đều phải xem đó mà tránh.
Việc hội thánh xuất hiện đủ loại vấn đề không như ý có liên quan trực tiếp đến lãnh đạo giả, đây là một vấn đề không thể tránh khỏi. Những lãnh đạo giả này vốn dĩ không có năng lực lĩnh hội lẽ thật, còn cảm thấy mình hiểu và biết hết, sau đó dựa vào tưởng tượng và quan niệm của mình mà làm. Họ không bao giờ vì không hiểu nguyên tắc lẽ thật và không hiểu tiêu chuẩn yêu cầu của Đức Chúa Trời mà tìm kiếm lẽ thật. Ta đã tiếp xúc qua rất nhiều lãnh đạo và người làm công, thường xuyên gặp gỡ họ. Khi gặp mặt, Ta sẽ hỏi họ rằng: “Các ngươi có vấn đề gì không? Các ngươi có ghi chép lại các vấn đề tồn tại trong công tác không? Có vấn đề nào mà bản thân các ngươi giải quyết không được không?”. Sau khi Ta hỏi xong thì mắt họ ngây ra, trong lòng nghi hoặc: “Chúng con là lãnh đạo, sao lại có vấn đề tồn tại được chứ? Nếu chúng con có vấn đề tồn tại thì không phải là công tác của hội thánh đã tê liệt từ lâu rồi sao? Sao Ngài lại hỏi lời như thế? Chúng con đã nghe giảng đạo và thông công, tay chúng con cầm lời Đức Chúa Trời, hội thánh có nhiều lãnh đạo như chúng con đến vậy mà Ngài còn không yên lòng sao? Ngài hỏi câu này rõ ràng là xem thường chúng con. Sao chúng con lại có vấn đề được chứ? Nếu có vấn đề thì chúng con không còn là lãnh đạo nữa rồi. Ngài hỏi như vậy là không biết chuyện cho lắm rồi!”. Mỗi lần Ta hỏi họ có vấn đề gì không thì những người này đều có cùng một trạng thái, người nào người nấy đều tê dại và ngờ nghệch ra. Có quá nhiều vấn đề tồn tại trong các hạng mục công tác của hội thánh rồi, vậy mà những người này lại không nhìn thấy và không phát hiện ra. Họ không thể nêu lên vấn đề về khía cạnh lối vào sự sống cá nhân, cũng chẳng thể nêu lên những vấn đề tồn tại trong công tác liên quan đến nguyên tắc lẽ thật. Nếu đã không thể nêu lên được, Ta bèn hỏi họ: “Công tác dịch lời Đức Chúa Trời tiến triển như thế nào rồi? Hiện tại không biết là đang dịch ra bao nhiêu thứ tiếng nhỉ? Dịch sang tiếng nào trước, tiếng nào sau? Số lượng in sách lời Đức Chúa Trời của mỗi loại tiếng là bao nhiêu?”. Họ đáp: “Vâng, vẫn đang dịch ạ”. Ta hỏi: “Dịch đến mức độ nào rồi? Có tồn tại vấn đề nào không?”. Họ đáp: “Thưa, con không biết. Để con đi hỏi xem”. Những chuyện này còn phải để Ta hỏi họ, thế mà họ còn không biết. Vậy thời gian qua họ đã làm công tác gì? Ta hỏi: “Vấn đề lần trước anh chị em hỏi, ngươi đã giải quyết chưa?”. Họ trả lời: “Thưa, con đã tổ chức nhóm họp cho họ, nhóm họp cả một ngày”. Ta nói tiếp: “Nhóm họp xong thì có giải quyết được vấn đề không?”. Họ đáp: “Ý của Ngài có phải là nếu vẫn còn vấn đề thì nhóm họp thêm lần nữa không ạ?”. Ta nói: “Không phải là Ta đang hỏi ngươi có nhóm họp hay không, mà Ta đang hỏi ngươi vấn đề tồn tại trong khía cạnh nghiệp vụ đã được giải quyết chưa? Những người này có hiểu nguyên tắc không? Khi làm bổn phận, họ có làm trái nguyên tắc không? Ngươi có phát hiện vấn đề gì không?”. Họ đáp: “A, vấn đề ấy à, vấn đề đã được giải quyết rồi ạ. Con đã tổ chức nhóm họp cho họ rồi”. Cuộc chuyện trò này có thể tiếp tục được nữa không? (Thưa, không.) Các ngươi nghe đoạn chuyện trò này thì có tức giận không? (Thưa, có.) Đây mà là lãnh đạo sao? Đây chẳng phải là kẻ đầu đất, là thứ giả thuộc linh sao? Họ đâu có tố chất của lãnh đạo hay người làm công, họ là kẻ đui mù, không hiểu phải làm công tác như thế nào, hỏi cái gì cũng không biết. Ta hỏi tiếp thì họ sẽ nói: “Dù sao thì con cũng tổ chức nhóm họp cho họ rồi, Ngài cứ mặc kệ đi!”. Lãnh đạo này có làm công tác thực tế không? Đây có phải lãnh đạo đạt tiêu chuẩn không? (Thưa, không phải.) Đây chính là lãnh đạo giả. Các ngươi có thích lãnh đạo như vậy không? Nếu gặp phải lãnh đạo như vậy, các ngươi phải làm sao? Có lãnh đạo khi gặp anh chị em thì sẽ nói: “Hôm nay bất kể đang có vấn đề gì, trước hết chúng ta sẽ thông công về cách làm tốt bổn phận”. Có người sẽ nói: “Khi làm bổn phận, chúng tôi gặp phải vấn đề về kỹ thuật nghiệp vụ. Chúng tôi có nên dùng kỹ thuật nghiệp vụ đang thịnh hành của người ngoại đạo không?”. Việc này có cần được lãnh đạo giải quyết không? Nếu có một số vấn đề mặc dù anh chị em đã cùng nhau thông công nhưng vẫn không giải quyết được, thì lãnh đạo phải là người giải quyết. Việc này liên quan đến chức trách của lãnh đạo. Gặp phải chuyện như vậy, lãnh đạo giả sẽ làm sao? Họ sẽ nói: “Chuyện về khía cạnh nghiệp vụ là chuyện của bản thân các anh chị, có liên quan gì đến tôi chứ? Các anh chị tự thông công về vấn đề này đi, tôi sẽ tổ chức nhóm họp cho các anh chị em trước. Hôm nay chúng ta sẽ nhóm họp và thông công về việc phối hợp một cách hài hòa. Vấn đề mà các anh chị hỏi khi nãy có liên quan đến việc phối hợp hài hòa. Nếu các anh chị có thể cùng nhau thương lượng và thông công với nhau, tra cứu nhiều tư liệu, không ai tự cho mình là đúng, thì cho dù là đưa ra quyết định gì, chỉ cần số người tán thành cao thì sẽ thông qua. Đây chẳng phải là vấn đề về sự phối hợp hài hòa sao? Nhìn các anh chị thì chắc chắn là không phối hợp hài hòa rồi, gặp chuyện thì không biết thương lượng, chuyện gì cũng đi hỏi. Hỏi cái gì chứ? Tôi hiểu sao? Nếu tôi hiểu thì chẳng phải không cần các anh chị phải làm gì rồi sao? Cái gì cũng hỏi tôi, tôi phải làm việc đó sao? Tôi chỉ phụ trách thông công lẽ thật, các anh chị phải tự giải quyết chuyện nghiệp vụ. Chuyện đó thì liên quan gì đến tôi chứ? Dù sao thì tôi cũng đã thông công cho các anh chị rồi, tôi bảo các anh chị phải phối hợp hài hòa. Nếu không làm được việc này thì các anh chị đừng làm bổn phận nữa. Tôi đã thông công xong rồi, các anh chị tự giải quyết đi”. Lãnh đạo này có biết giải quyết vấn đề không? (Thưa, không.) Họ không giải quyết được vấn đề mà còn nói lý lẽ, rất biết cách thoái thác trách nhiệm. Xem ra thì họ cũng đã làm công tác rồi, cũng đã đến tận nơi để kiểm tra, cũng không lười biếng. Nhưng họ lại không làm được công tác thực tế, không giải quyết được vấn đề thực tế. Họ thuộc về nhóm những lãnh đạo giả. Các ngươi có phân định được lãnh đạo giả như thế không? Bất kể gặp phải vấn đề gì, họ đều không thông công về lẽ thật có liên quan, toàn giảng những đạo lý và lý luận trống rỗng, còn giảng một cách rất cao thâm, khiến cho người ta nghe xong thì không những không hiểu lẽ thật mà còn đầu óc choáng váng. Đây chính là công tác mà lãnh đạo giả làm.
Hạng mục công tác “thông công những nguyên tắc lẽ thật cần hiểu để làm tốt các bổn phận” đã khiến cho lãnh đạo giả hoàn toàn bị tỏ lộ. Họ không biết thông công về nguyên tắc lẽ thật, không thể dẫn dắt mọi người tuân thủ và thực hành nguyên tắc lẽ thật trong khi làm bổn phận, không thể dẫn dắt mọi người hiểu cách bước vào thực tế lẽ thật. Họ không làm tròn trách nhiệm của lãnh đạo. Không những thế, họ cũng không thể nắm rõ tình hình của người phụ trách các hạng mục công tácvà những người thực hiện các hạng mục công tác quan trọng, cho dù có nắm bắt được một chút thì cũng không chính xác. Vì thế, họ gây ra sự nhiễu loạn và tổn hại cực lớn cho các hạng mục công tác. Đây chính là đủ loại biểu hiện của lãnh đạo giả mà chúng ta cần vạch trần hôm nay, liên quan đến mục chức trách thứ tư của lãnh đạo và người làm công.
Mục 4. Luôn nắm rõ tình hình của những người phụ trách các công tác và những người gánh vác các công tác quan trọng, có thể kịp thời điều chỉnh hoặc thay thế họ khi cần thiết, để tránh được hoặc giảm thiểu tổn thất do dùng người không đúng, và đảm bảo công tác có hiệu quả, cũng như tiến triển thuận lợi
Lãnh đạo và người làm công bắt buộc phải nắm rõ tình hình của người phụ trách các công tác
Mục thứ tư trong chức trách của lãnh đạo và người làm công là gì? (Thưa, luôn nắm rõ tình hình của những người phụ trách các công tác và những người gánh vác các công tác quan trọng, có thể kịp thời điều chỉnh hoặc thay thế họ khi cần thiết, để tránh được hoặc giảm thiểu tổn thất do dùng người không đúng, và đảm bảo công tác có hiệu quả, cũng như tiến triển thuận lợi.) Các ngươi nói đúng rồi, đây là tiêu chuẩn tối thiểu mà lãnh đạo và người làm công cần đạt được khi làm công tác. Chức trách chủ yếu của lãnh đạo và người làm công được nói đến trong mục này có phải đã rất rõ ràng rồi không? Lãnh đạo và người làm công bắt buộc phải nắm rõ về người phụ trách các công tác và những người gánh vác các công tác quan trọng. Bắt buộc nắm rõ tình hình của người phụ trách các công tác và người gánh vác các công tác quan trọng là chuyện trong phạm vi chức trách của lãnh đạo và người làm công. Vậy những nhân sự này bao gồm những ai? Cơ bản nhất là lãnh đạo hội thánh, sau đó là người phụ trách các nhóm và nhóm trưởng của các nhóm nhỏ. Người phụ trách các công tác và người gánh vác các công tác quan trọng có thực tế lẽ thật không, làm việc có nguyên tắc không, có thể làm tốt công tác hội thánh không, việc hiểu rõ và nắm rõ những tình hình này có phải là rất then chốt và quan trọng không? Nếu lãnh đạo và người làm công có thể nắm bắt rõ ràng về tình hình của người phụ trách chủ yếu của các công tác, điều chỉnh nhân sự xong xuôi, vậy thì coi như họ đã kiểm định các công tác rồi, đồng nghĩa với họ đã làm tròn trách nhiệm và làm tốt bổn phận. Nếu không điều chỉnh nhân sự tốt và để xảy ra vấn đề, thì công tác của hội thánh sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Nếu những nhân sự này có nhân tính tốt, có nền tảng trong việc tin Đức Chúa Trời, có ý thức trách khi làm việc, còn có thể tìm kiếm lẽ thật và giải quyết vấn đề, thì việc giao công tác cho họ phụ trách có thể giảm bớt nhiều phiền phức, chủ yếu là công tác có thể được tiến triển thuận lợi. Nhưng nếu người phụ trách các nhóm không đáng tin cậy, nhân tính kém, không thật thà, không phải là người thực hành lẽ thật, còn có thể làm ra những chuyện gây gián đoạn và nhiễu loạn, vậy thì công tác mà họ phụ trách cùng lối vào sự sống của các anh chị em mà họ dẫn dắt sẽ chịu ảnh hưởng. Đương nhiên, ảnh hưởng này có thể lớn mà cũng có thể nhỏ. Nếu người phụ trách chỉ đơn giản là lơ là chức trách, không chuyên tâm vào việc chính đáng, thì có khả năng là công tác sẽ bị chậm trễ chút ít, tiến độ chậm một chút và hiệu suất thấp một chút. Nhưng nếu đó là vấn đề kẻ địch lại Đấng Christ thì nghiêm trọng rồi, không còn là vấn đề hiệu quả và hiệu suất kém một chút thôi nữa, mà công tác của hội thánh do họ phụ trách sẽ chịu quấy nhiễu và phá hoại, gây ra tổn thất nghiêm trọng. Vậy nên, lúc nào cũng nắm rõ tình hình của người phụ trách các công tác và người gánh vác các công tác quan trọng, phát hiện có người không làm công tác thực tế thì có thể kịp thời điều chỉnh và thay thế, hạng mục công tác này là chức trách không thể thoái thác của lãnh đạo và người làm công. Đây là một công tác rất nghiêm túc và rất quan trọng. Nếu lãnh đạo và người làm công có thể kịp thời tìm hiểu phẩm chất nhân tính của người phụ trách các công tác và người gánh vác các công tác quan trọng, cũng như tìm hiểu thái độ của họ đối với lẽ thật và bổn phận, cả tình trạng và biểu hiện của họ trong từng thời kỳ và từng giai đoạn, đồng thời căn cứ vào tình hình mà kịp thời điều chỉnh và xử lý, như thế thì công tác sẽ có thể tiến triển một cách ổn định. Ngược lại, nếu những người này làm xằng làm bậy trong hội thánh, không làm công tác thực tế, mà lãnh đạo và người làm công lại không thể kịp thời phát hiện, kịp thời điều chỉnh, đợi khi các vấn đề nghiêm trọng đều phơi bày ra, khiến cho công tác của hội thánh chịu tổn thất nghiêm trọng thì mới xử lý một cách hời hợt, hoặc đi điều chỉnh, chỉnh sửa, cứu vãn, vậy thì lãnh đạo và người làm công này chính là phế vật. Họ chính là lãnh đạo giả chính cống, bắt buộc phải bị cách chức và đào thải.
Khi nãy chúng ta đã thông công một cách đại khái về tầm quan trọng của việc tìm hiểu và nắm rõ tình trạng thực tế của người phụ trách các công tác, cùng hiệu quả công tác của họ như thế nào. Thông qua những tình hình thực tế này, chúng ta sẽ đánh giá xem lãnh đạo và người làm công có làm tròn chức trách hay không, vạch trần họ có những biểu hiện nào chứng tỏ họ chính là lãnh đạo giả, rồi dùng nó để mổ xẻ thực chất của lãnh đạo giả. Khi công tác của hội thánh xuất hiện vấn đề nghiêm trọng, lãnh đạo giả không thể làm tròn trách nhiệm, không thể kịp thời phát hiện, càng không thể kịp thời xử lý và giải quyết, khiến cho vấn đề bị dây dưa mãi không dứt, dẫn đến hậu quả là công tác của hội thánh bị trễ nãi, bị phá hoại, thậm chí là bị tê liệt, rời rạc như gió thổi cát bay. Khi đó, họ mới miễn cưỡng đến tận nơi công tác của hội thánh để quan sát một chút, nhưng cũng không tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề tương ứng và thích hợp, đến cuối cùng họ vẫn để yên vấn đề như vậy. Đây chính là biểu hiện chủ yếu của lãnh đạo giả.
Tiêu chuẩn để tuyển chọn người phụ trách các công tác
Về tiêu chuẩn chọn ra người phụ trách các công tác và người gánh vác các công tác quan trọng, có phải đa số mọi người đều hiểu được đại khái không? Chẳng hạn, người phụ trách công tác mỹ thuật thì trước tiên phải có gì? (Thưa, có năng lực nghiệp vụ về khía cạnh này. Họ phải có thể đảm đương công tác này.) Có năng lực nghiệp vụ, đây là một khía cạnh lý thuyết thôi. Năng lực nghiệp vụ này cụ thể là chỉ cái gì? Chúng ta thử giải thích thử xem. Nếu một người thích vẽ, có hứng thú với mỹ thuật, nhưng chuyên môn của họ không phải mỹ thuật, họ cũng không hiểu tri thức về mỹ thuật mà chỉ là thích mà thôi. Vậy chọn người như vậy để đảm nhiệm vai trò phụ trách nhóm mỹ thuật thì có thích hợp không? (Thưa, không thích hợp.) Có một số người nói: “Thích là có thể làm công tác thuộc khía cạnh này, từ từ học thôi”. Nói vậy có đúng không? (Thưa, không đúng.) Trừ phi là trường hợp mà tất cả những người khác trong nhóm mỹ thuật đều không hiểu khía cạnh nghiệp vụ này, nói cách khác là họ hiểu nhiều hơn mọi người khác một chút và học nhanh hơn mọi người khác, vậy thì chọn họ làm người phụ trách có phải là tương đối thích hợp không? (Thưa, phải.) Ngoài trường hợp này ra, nếu trong tất cả những người làm mỹ thuật, chỉ có họ là không hiểu nghiệp vụ, nhưng chỉ vì họ hiểu lẽ thật và thích mỹ thuật nên chọn họ làm người phụ trách, thế thì có thích hợp không? (Thưa, không thích hợp.) Tại sao nói là không thích hợp? Vì họ không phải là lựa chọn đầu tiên hoặc duy nhất. Vậy để chọn người phụ trách thuộc loại này thì nên chọn như thế nào? Chúng ta phải chọn trong số những người tinh thông nhất và có kinh nghiệm nhất về nghiệp vụ. Nói cách khác, đó bắt buộc phải là người trong ngành, phải có năng lực nghiệp vụ và năng lực công tác, không thể tìm người tay ngang, một mặt là vậy. Ngoài ra họ bắt buộc phải mang gánh nặng, bắt buộc phải có hiểu biết thuộc linh và có thể hiểu lẽ thật. Thêm một điều nữa, đó là ít nhất họ phải có nền tảng việc tin Đức Chúa Trời. Nguyên tắc chủ yếu chính là: Thứ nhất, bắt buộc phải có năng lực công tác; Thứ hai, bắt buộc phải hiểu nghiệp vụ; Thứ ba, bắt buộc phải có hiểu biết thuộc linh, có thể hiểu lẽ thật. Chúng ta phải căn cứ vào ba điều này để tuyển chọn người phụ trách các công tác.
Biểu hiện của lãnh đạo giả đối với người phụ trách các công tác
Sau khi tuyển chọn xong người phụ trách cho các công tác cụ thể, lãnh đạo và người làm công không được khoanh tay mặc kệ, mà phải bồi dưỡng và huấn luyện một thời gian, xem những người được chọn rốt cuộc có thể đảm đương công tác, giúp công tác đi vào con đường đúng đắn không. Như vậy mới là làm tròn trách nhiệm. Khi đó, có lẽ ngươi thấy người này hiểu nghiệp vụ, có năng lực công tác, cũng mang chút gánh nặng, có hiểu biết thuộc linh và có thể hiểu lẽ thật, khi thấy những điểm này của họ đều đạt tiêu chuẩn thì ngươi cho rằng thế là ổn, nói rằng: “Các anh chị triển khai công tác đi. Tôi đã nói cho các anh chị biết nguyên tắc hết rồi, sau này nhà Đức Chúa Trời bảo các anh chị làm những chuyện gì thì các anh chị tự làm là được”. Làm công tác như vậy thì có được không? Bố trí người phụ trách xong rồi thì ngươi không cần quan tâm nữa sao? (Thưa, không phải.) Vậy thì nên làm thế nào? Nếu lãnh đạo chỉ tổ chức nhóm họp cho những người phụ trách hai lần một tuần, thông công một chút về lẽ thật là xong chuyện, cho rằng mọi người đều có tính tự giác và đều đáng tin cậy, rằng mọi người đều nghe hiểu tiếng người thì sẽ có thể thực hành theo lẽ thật, còn cụ thể họ làm công tác thế nào, có phối hợp hài hòa với nhau hay không, gần đây có nắm bắt được kỹ thuật nghiệp vụ hay không, hay họ đã hoàn thành công tác được nhà Đức Chúa Trời giao phó đến bước nào rồi, nếu lãnh đạo không tìm hiểu và theo dõi tiến độ của những chuyện này, thì đây có phải là cách thức làm công tác mà lãnh đạo và người làm công nên có không? (Thưa, không phải.) Lãnh đạo giả làm công tác như vậy đấy. Họ sẽ làm một mẻ, khỏe suốt đời, sau khi bố trí người phụ trách xong và cũng có thêm mấy thành viên đủ để lập thành một nhóm rồi, thì họ sẽ nói: “Bắt đầu triển khai công tác đi. Nếu cần thiết bị gì thì các anh chị cứ nói một tiếng, nhà Đức Chúa Trời sẽ mua cho các anh chị. Nếu có vấn đề hay khó khăn gì về khía cạnh cuộc sống, các anh chị đều có thể nêu lên, lúc nào nhà Đức Chúa Trời cũng giải quyết cho các anh chị. Nếu không có khó khăn thì các anh chị hãy chuyên tâm vào công tác, đừng gây gián đoạn hay nhiễu loạn, cũng đừng có ai lên giọng ta đây”. Lãnh đạo giả bố trí những người này làm việc cùng nhau, cho rằng chỉ cần họ có cái ăn cái uống và chỗ ở là được rồi, không cần quan tâm gì nữa. Khi Bề trên hỏi: “Đã chọn ra những người phụ trách công tác này được bao lâu rồi? Tiến độ công tác như thế nào?”. Họ đáp: “Thưa, đã chọn ra những người này được nửa năm rồi. Con đã tổ chức mười buổi nhóm họp cho họ, thấy rằng tinh thần của những người này có vẻ cũng không tệ, họ vẫn đang làm công tác”. Bề trên hỏi tiếp: “Vậy năng lực công tác của người phụ trách như thế nào?”. Họ đáp: “Thưa, cũng ổn. Lúc tuyển chọn thì họ là người tốt nhất”. Bề trên hỏi: “Vậy tình trạng của họ bây giờ thế nào? Có thể làm công tác thực tế không?”. Họ đáp: “Thưa, con đã tổ chức nhóm họp cho họ rồi”. Bề trên hỏi: “Ta không hỏi ngươi có tổ chức nhóm họp không, Ta hỏi rằng họ làm công tác như thế nào rồi?”. Họ đáp: “Chắc là không tệ đâu. Không có ai phản ánh rằng họ không tốt cả”. Bề trên mới nói: “Không có ai phản ánh rằng họ không tốt, đây không phải là tiêu chuẩn. Ngươi phải xem năng lực công tác và năng lực nghiệp vụ của họ như thế nào, xem thử những người này có hiểu biết thuộc linh không, có làm công tác thực tế không”. Họ đáp: “Thưa, khi chọn người thì con thấy họ cũng ổn. Thời gian qua con vẫn chưa nghe ngóng xem chi tiết thế nào. Nếu Ngài muốn tìm hiểu thì chúng con sẽ đi hỏi lại xem”. Lãnh đạo giả làm công tác như vậy đấy. Họ chỉ biết mãi miết tổ chức nhóm họp cho người bên dưới, thông công mãi không hết chuyện, còn đối với Bề trên thì cứ úp úp mở mở, qua quít cho xong. Cách tốt nhất để qua quít cho xong chuyện chính là “Con đã tổ chức nhóm họp cho họ rồi. Lần trước con đã hỏi về công tác rồi và đã hỏi rất chi tiết”. Họ đối phó với Bề trên như vậy đấy. Lãnh đạo giả có làm được công tác thực tế chưa? Họ có phát hiện vấn đề thực tế chưa? Họ có giải quyết vấn đề thực tế chưa? Sau khi bố trí người phụ trách, người phụ trách có làm tròn trách nhiệm hay không, có lòng trung thành không, làm công tác như thế nào, kết quả có tốt không, anh chị em phản ánh về người đó như thế nào, có người nào thích hợp hơn người đó không, những điều này lãnh đạo giả đều không biết. Tại sao họ lại không biết? Họ không làm những công tác thực tế này mà chỉ lo bận rộn với những việc vô ích. Họ cho rằng những công tác này không cần lúc nào cũng phải giám sát, kiểm tra như vậy, nghĩ rằng làm vậy thì như là không tin tưởng người ta. Họ cho rằng chỉ cần tổ chức nhóm họp cho những người này là đã làm tròn trách nhiệm và hết lòng trung thành rồi. Đây chính là biểu hiện chủ yếu của việc lãnh đạo giả không làm công tác thực tế.
I. Lãnh đạo giả đối xử thế nào với người phụ trách không làm công tác thực tế
Đối với đủ mọi dạng tình trạng của người phụ trách các công tác của hội thánh, lãnh đạo giả không hỏi han, không nắm rõ, không tìm hiểu, không xử lý, cũng không giải quyết. Vậy cụ thể thì người phụ trách sẽ có những tình trạng nào? Tình trạng thứ nhất, người phụ trách không gánh trọng trách, chỉ biết ăn chơi mà không chuyên tâm vào việc chính đáng, không làm công tác thực tế. Đây có phải là vấn đề nghiêm trọng không? (Thưa, phải.) Có người có năng lực công tác, am hiểu nghiệp vụ, người khác đều không bằng anh ta. Anh ta biết cách ăn nói, đầu óc lại lanh lợi. Sau khi dặn dò công tác xong, nếu bảo anh ta lặp lại thì anh ta sẽ nói không sót một chữ, rất thông minh. Đánh giá của mọi người đối với anh ta cũng không tệ. Anh ta tin Đức Chúa Trời cũng được nhiều năm, thế là họ chọn anh ta làm người phụ trách. Nhưng liệu người này có thực tế không, có thể trả giá và có thể làm công tác thực tế không, thì không ai biết cả. Mọi người đã chọn anh ra, thì trước hết hãy cứ đề bạt và bồi dưỡng cho anh ta, thử sử dụng anh ta vậy. Nhưng sau khi làm công tác một khoảng thời gian, mọi người phát hiện rằng, tuy anh ta có năng lực nghiệp vụ, cũng có kinh nghiệm, nhưng lại ham ăn nhát làm, không chịu trả giá. Khi làm công tác, chỉ cần hơi mệt một chút thôi là anh ta sẽ không làm nữa. Ai có vấn đề hay khó khăn mà cần anh ta hướng dẫn, anh ta cũng chẳng thèm quan tâm. Buổi sáng mở mắt ra là anh ra liền ngẫm nghĩ: “Hôm nay ăn gì nhỉ? Lâu rồi nhà bếp không làm món thịt kho tàu”. Ngày thường, anh ta còn hay nói với mọi người rằng: “Món ăn vặt đó của quê hương chúng tôi ngon lắm, mỗi khi đến ngày lễ tết thì chúng tôi sẽ ra đường ăn mấy món đó. Khi tôi còn đi học, đến cuối tuần thì sẽ ngủ đến đã mới thôi, không cần rửa mặt chải đầu mà cứ thế ăn cơm. Buổi chiều thì tôi cứ mặc đồ ngủ mà chơi game ở trong nhà, có khi chơi tới năm giờ sáng hôm sau mới đi ngủ. Bây giờ công tác của nhà Đức Chúa Trời đã gần đến hạn rồi, tôi là người phụ trách, không làm không được. Các anh chị xem mình tốt biết bao, không cần trả cái giá này. Các anh chị để tôi làm người phụ trách thì tôi phải chịu khổ thôi”. Miệng thì nói như vậy, nhưng anh ta có chống lại xác thịt không? Anh ta có trả giá không? Anh ta chỉ biết kêu ca, chứ không chịu làm một chút công tác thực tế nào. Bắt buộc phải có người đốc thúc thì anh ta mới chịu động tay vào một chút, còn nếu không có người giám sát thì anh ta sẽ qua loa chiếu lệ. Anh ta tự do và buông thả trong khi làm bổn phận, thường xuyên giở mánh lới để lười biếng, không có chút ý thức trách nhiệm nào. Cho dù bản thân có nhìn thấy vấn đề thuộc khía cạnh nghiệp vụ thì anh ta cũng không chỉnh sửa cho mọi người. Anh ta muốn mọi người đều qua loa giống mình thì mới vui, chẳng muốn ai nghiêm túc một chút với công tác. Có những người phụ trách tùy tiện làm cho xong chút việc trong tay một cách qua loa chiếu lệ, rồi bắt đầu ngồi coi phim truyền hình suốt. Lý do họ coi phim truyền hình là gì? Họ nói: “Tôi đã làm xong việc trong tay mình rồi, tôi không ăn không ngồi rồi trong nhà Đức Chúa Trời. Tôi chỉ đang tiêu khiển một chút cho thư thái đầu óc thôi. Nếu không, tôi sẽ quá mệt và hiệu suất công tác sẽ kém đi. Để có hiệu suất công tác tốt hơn, anh phải để tôi tiêu khiển một chút”. Thế là anh ta xem miết đến hai, ba giờ sáng. Tám giờ sáng hôm sau, khi mọi người đều đã ăn sáng xong và bắt đầu làm bổn phận thì anh ta vẫn còn đang ngủ. Mặt trời lên cao rồi mà anh ta còn chưa chịu dậy. Sau đó anh ta cũng miễn cưỡng dậy, bộ dạng nặng nề, vừa vươn vai ưỡn ngực, vừa ngáp ngắn ngáp dài. Nhìn thấy mọi người đã bắt đầu bận rộn với công tác, sợ người khác nhìn thấy mình lười biếng, anh ta liền bắt đầu viện cớ: “Tối qua tôi ngủ muộn quá, công việc nhiều lắm, khối lượng công tác quá lớn. Tôi có hơi mệt. Tối qua tôi còn nằm mơ thấy công tác đó vẫn chưa làm xong. Buổi sáng thức dậy tay tôi vẫn đang đặt trên bàn phím, trong trạng thái gõ chữ. Đầu óc tôi mơ màng thật, buổi chiều tôi phải ngủ một giấc nữa”. Dậy trễ như vậy mà buổi chiều còn phải ngủ thêm một giấc, như thế chẳng phải thành heo rồi sao? Rõ ràng là giở trò lười biếng, thế mà còn viện cớ để biện giải và phân bua cho bản thân. Nói rằng mình làm bổn phận đến khuya nên mệt, nhưng rõ ràng là coi phim, tham hưởng sự an nhàn của xác thịt. Anh ta sống một cách mơ mơ màng màng, cuối cùng còn tìm một cái cớ nghe cho hay ho để lừa gạt người khác. Đây có phải là không chuyên tâm vào việc chính đáng không? (Thưa, phải.) Người như vậy có năng lực công tác, có năng lực nghiệp vụ, nhưng có phải là người phụ trách đạt tiêu chuẩn không? Rõ ràng là không phải. Anh ta không thích hợp làm người phụ trách, vì anh ta quá lười biếng, tham hưởng sự an nhàn của xác thịt, ham ăn, ham ngủ, ham chơi. Anh ta không đảm đương nổi, cũng không làm tròn được chức trách của một người phụ trách.
Có một số chị em thường xuyên lên mạng xem quần áo, giày dép, đồ trang điểm, đồ ăn ngon. Sau khi xem xong thì bắt đầu coi phim truyền hình. Có người nói: “Công tác của chị còn chưa làm xong, coi phim gì chứ? Hơn nữa, những người khác còn bao nhiêu vấn đề thế kia, chị là người phụ trách thì nên đi hướng dẫn người ta. Sao chị lại không làm trách nhiệm của mình chứ?”. Chị ta nói: “Tôi coi phim cũng là công tác. Video và phim của nhà Đức Chúa Trời đều cần phát triển, tôi phải tìm cảm hứng từ những bộ phim này đấy!”. Đây chẳng phải là lời lừa gạt người ta sao? Nếu ngươi làm nghiệp vụ này, thỉnh thoảng xem một chút để tìm cảm hứng thì được, nhưng ngươi xem phim thâu đêm suốt sáng như vậy mà là tìm cảm hứng sao? Như vậy có phải là lừa gạt người khác không? (Thưa, phải.) Trong lòng người ta đều hiểu đây là chuyện gì, vậy nên, ngươi nói như vậy chính là bán đứng nhân cách và tôn nghiêm của bản thân. Còn có người vốn có thói quen chơi game, và nó đã trở thành trạng thái bình thường trong cuộc sống của họ. Nhưng khi được chọn làm người phụ trách, họ có nên thay đổi những thói xấu và tật xấu này của mình không? (Thưa, có.) Nếu ngươi không chống lại được thì trong lúc tuyển chọn người phụ trách, ngươi nên nói rằng: “Tôi không gánh vác được công tác này. Tôi nghiện chơi game, khi chơi game tôi có thể quên mất mình là ai. Không ai can thiệp được trong lúc tôi chơi game, không ai khuyên bảo được tôi. Nếu các anh chị chọn tôi thì chắc chắn sẽ làm lỡ công tác. Vì vậy các anh chị nhân lúc này còn sớm, đừng để tôi làm người phụ trách”. Nếu không thanh minh trước như vậy, mà khi được chọn làm người phụ trách rồi, trong lòng ngươi còn đắc ý và trân quý địa vị này, để rồi sau khi làm người phụ trách mà ngươi vẫn chơi game tùy thích như cũ, như vậy thì không thích hợp, chắc chắn sẽ làm lỡ công tác.
Có những người phụ trách có một số thói quen xấu. Khi chọn họ, có anh chị em thì không hiểu rõ tình hình của họ, có anh chị em thì cảm thấy rằng họ có thể dâng mình cho Đức Chúa Trời toàn thời gian, còn những tật xấu và thói quen xấu của người trẻ tuổi kia có thể dần dần thay đổi khi họ thêm tuổi và không ngừng hiểu thêm lẽ thật. Có rất nhiều người đã chọn họ làm người phụ trách với thái độ và cách nhìn nhận như vậy. Sau khi được chọn làm người phụ trách, những người như vậy cũng làm được một chút công tác, nhưng không kiên trì được bao lâu thì đã trở nên tiêu cực. Lòng họ thầm nghĩ: “Làm người phụ trách không đơn giản như vậy, phải thức khuya dậy sớm, chuyện gì cũng phải làm nhiều hơn và quan sát nhiều hơn người khác, còn phải lo lắng không ít, phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và sinh lực. Công tác này không dễ làm, mệt quá!”. Thế là họ muốn quẳng gánh giữa đường. Nếu ngươi không mang gánh nặng thì sẽ không làm được công tác của người phụ trách. Nếu trong lòng ngươi mang gánh nặng thì ngươi sẽ sẵn lòng lo lắng, cho dù có mệt hơn người khác một chút thì ngươi cũng không cảm thấy khổ, cho dù đã đến lúc phải nghỉ ngơi thì trong lòng ngươi vẫn nghĩ rằng: “Công tác ngày hôm nay làm thế nào rồi?”. Nếu đột nhiên nhớ ra còn một vấn đề chưa được giải quyết, ngươi sẽ không ngủ được. Nếu trong lòng mang gánh nặng thì ngươi sẽ luôn nghĩ đến công tác, còn việc ăn thế nào, nghỉ ngơi thế nào thì ngươi sẽ không để tâm đến. Nếu đã làm người phụ trách mà gánh nặng ngươi mang trong lòng quá nhỏ, vậy thì chút nhiệt tâm đó của ngươi cũng chỉ có thể duy trì trong vài ngày. Sau một khoảng thời gian, một số người sẽ không chịu nổi nữa, họ nghĩ thầm: “Công tác này mệt quá, phải tìm cách nào để giải trí một chút, tiêu khiển một chút đây? Chơi game một chút vậy”. Khoảng thời gian trước đó thì họ biểu hiện cũng không tệ, rồi đột nhiên lại ngứa tay mà muốn chơi game. Một khi đã chơi thì họ sẽ không ngừng lại được, chút gánh nặng mà họ có được trước đây cũng biến mất, lòng hăng hái nhiệt thành để dâng mình cũng không còn nữa, ý chí cũng không còn nữa, thái độ tích cực để làm bổn phận cũng không còn nữa. Ai hỏi chuyện gì thì họ cũng mất kiên nhẫn, nếu không phải tỉa sửa thì sẽ giáo huấn, nói móc người ta, còn không thì họ sẽ qua loa chiếu lệ và quẳng gánh giữa đường. Có phải là người phụ trách này có vấn đề không? (Thưa, phải.) Ban ngày thì họ miễn cưỡng, mơ mơ hồ hồ mà làm công tác kiểu ứng phó, buổi tối nhân lúc mọi người không chú ý thì họ lén lút chơi game, cả đêm không ngủ. Lúc mới bắt đầu thì họ còn yên dạ yên lòng, cảm thấy rằng: “Dù sao thì ban ngày mình không làm lỡ công tác, việc gì cần làm, mình đều làm cả rồi. Những vấn đề mà người khác hỏi, mình đều giải quyết rồi. Buổi tối mình không ngủ để có thời gian chơi game. Như vậy không phải cũng coi như là đã hết lòng trung thành rồi sao?”. Kết quả là khi họ đã chơi game thì không dừng lại được, ai nói họ cũng không nghe. Tuy rằng không ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của người khác và không ảnh hưởng đến môi trường công tác, nhưng người phụ trách như vậy còn có thể đảm đương công tác không? Họ còn có thể làm tốt công tác không? (Thưa, không thể.) Tại sao lại không thể? Cả đêm họ không ngủ mà chơi game, ban ngày còn phải công tác, một người có bao nhiêu sinh lực chứ? Họ ham mê chơi game như vậy thì hiệu suất công tác có thể tốt được không? Chắc chắn là sẽ không tốt. Vì thế, người phụ trách như vậy căn bản là không thể làm tốt bổn phận và không đảm đương nổi công tác. Tuy rằng họ có năng lực nghiệp vụ, cũng có chút tố chất, nhưng lại ham chơi, không chuyên tâm vào việc chính đáng. Người phụ trách như vậy có nên bị cách chức không? Nếu không cách chức họ thì sẽ làm lỡ công tác. Có một số người nói: “Nếu cách chức họ thì nghiệp vụ của người khác cũng đâu bằng họ, rồi cũng phải để cho họ làm thôi. Cho dù họ chơi game thì cũng có thể đảm đương công tác”. Lời này có đúng không? (Thưa, không đúng.) Tâm trí của con người không thể một lúc được dùng vào hai việc, sinh lực của con người có hạn. Ngươi đã dùng phần sinh lực chủ yếu của mình vào chuyện chơi, thì lòng làm bổn phận của ngươi sẽ bị ảnh hưởng, hiệu quả làm bổn phận sẽ bị giảm sút. Đây là thái độ không chịu trách nhiệm đối với bổn phận. Cho dù con người dồn hết lòng, và hết sinh lực vào việc làm bổn phận thì hiệu quả cũng chưa chắc đã đạt đến mức đạt tiêu chuẩn 100%, huống hồ gì ngươi lại chủ yếu đặt lòng và sinh lực của mình vào việc chơi. Vậy thì sinh lực và tâm tư còn lại mà ngươi dùng vào việc làm bổn phận không còn bao nhiêu nữa, hiệu quả làm bổn phận sẽ chịu ảnh hưởng. Nói ảnh hưởng chỉ là cách nói dè dặt. Trên thực tế, hiệu quả làm bổn phận của ngươi đã bị tổn thất nghiêm trọng. Đối với người phụ trách như vậy, nếu phát hiện thì nên kịp thời điều chỉnh, thay thế. Vì người này đã phế rồi, không chỉ đơn giản là làm bổn phận không đạt tiêu chuẩn nữa, mà họ không đảm nhiệm nổi công tác. Họ không còn chút công dụng tích cực nào đối với công tác nữa. Vì thế, nếu tìm một người tuy năng lực nghiệp vụ kém một chút nhưng lại có thể nghiêm túc và có trách nhiệm để đảm đương công tác này, như vậy vẫn tốt hơn là chọn họ.
Khi nãy Ta đã thông công về mấy loại người tham ăn, tham ngủ, tham chơi. Còn một loại người nữa, khi mới bắt đầu chọn người phụ trách thì thấy họ phù hợp về mọi khía cạnh, các anh chị em cũng đều muốn chọn anh ta, cảm thấy nhân tính của anh ta tốt và lại có lòng nhiệt thành, còn tinh thông nghiệp vụ. Xét bất kỳ khía cạnh nào, anh ta cũng là người tốt nhất và mạnh nhất ở trong nhóm, chuyện anh ta làm người phụ trách không còn gì phải bàn cãi nữa. Nhưng sau khi được chọn làm người phụ trách một khoảng thời gian, anh ta thường tỏ vẻ buồn ngủ, nhóm họp cũng buồn ngủ, người khác nói chuyện với mình thì anh ta cũng luôn trong trạng thái mơ màng, luôn được hỏi một đằng trả lời một nẻo. Trước đây anh ta không như vậy, sao bây giờ cứ như biến thành một người khác vậy? Sau đó có người vô tình phát hiện cách anh ta nói chuyện với một người khác trông như đang hẹn hò, thế là họ đoán có khả năng là anh ta đang hẹn hò với người ta. Chuyện này ngày càng rõ ràng, người này cũng càng lúc càng mơ màng. Khi hỏi anh ta bất cứ vấn đề gì hay nói về bất cứ chuyện gì, anh ta cũng không còn phản ứng nhanh nhạy như trước đây, cũng không ăn nói một cách rõ ràng dễ hiểu như trước nữa. Anh ta càng ngày càng ít làm các công tác mà người phụ trách nên làm, sự hăng hái khi làm bổn phận cũng ít đi, cứ như trở thành một người khác. Anh ta lại thích ăn diện hơn trước đây. Như thế là có vấn đề rồi. Trước đây khi công tác bận rộn, anh ta rất ít tắm rửa, bây giờ lại rửa mặt hai lần một ngày, rảnh rỗi thì lại chải đầu, soi gương, còn luôn hỏi người khác: “Anh xem dạo gần đây tôi trắng hơn hay đen hơn? Sao tôi lại thấy mình đen hơn vậy?”. Người kia nói: “Là người phụ trách mà anh nói những chuyện vô vị như vậy, đen hơn hay trắng hơn thì có làm sao?”. Anh ta luôn nói những chủ đề vô vị như thế, không còn tâm tư làm công tác nữa. Rảnh rỗi thì anh ta lại bàn luận về chuyện quần áo, chuyện phụ nữ, đàn ông, chuyện tình ái, bàn luận xem người khác giới như thế nào là đối tượng phối ngẫu, chứ không bàn luận xem trong việc làm bổn phận tồn tại vấn đề gì, hay làm sao để giải quyết vấn đề. Như vậy có phải là có vấn đề rồi không? Anh ta còn có thể làm công tác không? (Thưa, không thể.) Lòng anh ta đã thay đổi, anh ta không để tâm đến chuyện làm bổn phận nữa. Lòng anh ta cả ngày đều ngẫm nghĩ cách để yêu đương, ăn diện, thu hút người khác giới. Người ngoại đạo có câu: “Rơi vào lưới tình”. Đó là lưới tình sao? Đó là cái hố sâu thì có! Rơi vào rồi thì không thoát ra được. Trong số những người làm bổn phận có loại người này không? (Thưa, có.) Nhà Đức Chúa Trời không can thiệp vào chuyện người ta tìm đối tượng yêu đương, nhưng nếu quấy nhiễu đến đời sống hội thánh, ảnh hưởng đến công tác của hội thánh thì người đó sẽ bị thanh lọc khỏi hội thánh. Hai người cứ ra ngoài mà yêu đương, đừng ảnh hưởng tới người khác. Nếu ngươi là người dâng hiến bản thân để dâng cả đời mình cho Đức Chúa Trời, quyết chí không yêu đương, vậy thì ngươi cứ chuyên tâm mà dâng mình cho Đức Chúa Trời. Còn nếu ngươi đã yêu đương và không còn tâm tư làm công tác cho Đức Chúa Trời nữa, thì ngươi đừng làm bổn phận này nữa, nhà Đức Chúa Trời sẽ chọn người khác. Công tác của nhà Đức Chúa Trời không thể chịu ảnh hưởng và chậm trễ bởi vì ngươi yêu đương, công tác vẫn phải tiếp tục. Tiếp tục như thế nào? Sẽ chọn một người phụ trách khác có năng lực nghiệp vụ giỏi, có thể đảm đương công tác và không yêu đương để thay ngươi làm công tác. Nhà Đức Chúa Trời trước nay đều làm như vậy, nguyên tắc này không thay đổi. Có người phụ trách nói: “Tôi yêu đương nhưng không ảnh hưởng đến công tác, cứ để tôi phụ trách đi”. Lời này có thể tin được không? (Thưa, không thể tin được.) Tại sao không thể tin được? Vì sự thật đang bày ra trước mắt! Khi con người đã rơi vào tình ái thì trong đầu chỉ toàn nghĩ đến đối tượng yêu đương của mình mà thôi, lòng họ đã bị chiếm hữu bởi những chuyện này, khi nhóm họp họ luôn mơ màng, họ cũng không làm bổn phận được nữa. Vì thế, cách nhà Đức Chúa Trời xử lý những người này là thích hợp và phù hợp nguyên tắc. Nhà Đức Chúa Trời không ngăn cản ngươi yêu đương, không tước đoạt tự do yêu đương của ngươi. Ngươi cứ mặc sức mà yêu đương đi, đó là lựa chọn của bản thân ngươi. Nhưng ngươi đừng hối hận, sau này đừng có khóc lóc gì là được. Có một số người phụ trách đã bị cách chức vì yêu đương. Có người nói: “Một người yêu đương rồi thì sẽ không thể tin Đức Chúa Trời nữa sao?”. Nhà Đức Chúa Trời không nói như vậy. Chỉ cần người nào yêu đương thì nhà Đức Chúa Trời sẽ không cần người đó nữa, sẽ khai trừ họ. Có chuyện như vậy không? (Thưa, không.) Nếu yêu đương thì ngươi sẽ không thể làm người phụ trách, không thể làm lãnh đạo hay người làm công nữa. Ngoài ra nếu ngươi hoàn toàn không có tâm tư để làm bổn phận nữa, vậy từ ngươi nên rút khỏi hội thánh làm bổn phận toàn thời gian đi. Chúng ta có nói rằng không cho ngươi tin Đức Chúa Trời nữa và khai trừ ngươi không? Có ai quy định rằng ngươi sẽ không được cứu rỗi nữa, và ngươi sẽ bị rủa sả không? (Thưa, không.) Nhà Đức Chúa Trời chưa bao giờ nói như vậy, nhà Đức Chúa Trời không hề can dự vào sự lựa chọn và tự do cá nhân của ngươi, không hề tước đoạt bất kỳ thứ tự do nào của ngươi, mà luôn cho ngươi tự do. Nhưng đối với loại người phụ trách như thế, nguyên tắc xử lý của nhà Đức Chúa Trời chính là cách chức họ và tìm người thích hợp để thay thế. Nếu họ vẫn thích hợp để tiếp tục làm bổn phận thì có thể lưu họ lại để dùng, còn nếu không thích hợp thì đuổi đi. Không đánh mắng, cũng không có ai sỉ nhục ngươi, đây chẳng phải là chuyện đáng xấu hổ gì, việc này rất bình thường. Vậy nên, nếu có người bị cách chức hoặc bị đuổi đến hội thánh bình thường vì chuyện yêu đương, thì chuyện đó có mất mặt không? Việc này chỉ cho thấy rõ rằng ngươi không có lòng trung thành khi làm bổn phận, và không mang chút gánh nặng nào đối với lối vào sự sống của mình. Người phụ trách này không chuyên tâm vào việc chính đáng, chỉ lo yêu đương mà làm lỡ công tác của hội thánh, việc này đã ảnh hưởng đến tiến triển của công tác hội thánh, vấn đề này có nghiêm trọng không? (Thưa, có.) Vậy thì người phụ trách này không thích hợp để được giữ lại dùng nữa, mà nên bị cách chức. Có một số người nói: “Cách chức có phải là có chút quá gấp không?”. Nếu từ lúc họ bắt đầu yêu đương đến lúc bị cách chức chỉ có một, hai ngày thì đúng là hơi gấp, nhưng nếu là ba đến năm tháng thì có được coi là gấp không? (Thưa, không.) Hành động như vậy là đủ chậm rãi rồi, công tác bị chậm trễ bao nhiêu mà sao ngươi không sốt ruột? Đây có phải là vấn đề không? (Thưa, phải.)
Đối với người phụ trách không làm công tác thực tế và không chuyên tâm vào việc chính đáng, lãnh đạo giả không bao giờ hỏi han. Họ cho rằng sau khi chọn người phụ trách xong thì hết chuyện, sau này những chuyện liên quan đến công tác chỉ cần có người phụ trách xử lý là được. Thỉnh thoảng họ chỉ cần tổ chức nhóm họp, cũng không cần giám sát hay hỏi han về tình hình công tác. Họ sẽ trở thành một ông chủ ngồi không hưởng lợi. Nếu ai đó phản ánh vấn đề về một người phụ trách, lãnh đạo giả sẽ nói: “Đó chỉ là một vấn đề nhỏ, không sao cả. Các anh chị có thể tự xử lý được mà. Đừng hỏi tôi”. Người phản ánh vấn đề nói tiếp: “Người phụ trách đó tham ăn biếng làm, chỉ toàn suy tính chuyện ăn chuyện chơi, cực kỳ lười biếng, khi làm bổn phận mà khổ một chút cũng không được, luôn tìm cách để gian dối, tìm đủ mọi cớ để thoái thác công tác và trách nhiệm của mình. Anh ta không thích hợp để làm một người phụ trách”. Người lãnh đạo giả sẽ trả lời: “Lúc được chọn làm người phụ trách thì anh ta khá tốt mà. Những gì anh đang nói đều không đúng sự thật, đó chỉ là biểu hiện nhất thời của anh ta thôi”. Lãnh đạo giả không cố gắng tìm hiểu thêm về tình hình của người phụ trách, mà phán xét và quy định chuyện này dựa trên những ấn tượng trước đây của họ về người đó. Bất kể ai phản ánh vấn đề về người phụ trách này, lãnh đạo giả đều phớt lờ. Người phụ trách này đã không làm công tác thực tế, công tác của hội thánh gần như đã bị tê liệt, nhưng lãnh đạo giả chẳng quan tâm, cứ như người chẳng liên quan. Khi có người phản ánh vấn đề của người phụ trách, họ bàng quan mặc kệ thì đã đáng ghê tởm lắm rồi, nhưng chuyện đáng ghét nhất là gì? Khi có người tố giác vấn đề nghiêm trọng của người phụ trách, họ cũng không xử lý, còn viện đủ lý do mà nói rằng: “Tôi biết người phụ trách này, anh ta thật lòng tin Đức Chúa Trời, sẽ không xảy ra vấn đề gì đâu. Cho dù có chút vấn đề thì cũng có Đức Chúa Trời bảo vệ, sửa dạy anh ta. Cho dù anh ta có làm sai chuyện gì thì đó là mối quan hệ giữa anh ta với Đức Chúa Trời, không cần chúng ta phải lo”. Lãnh đạo giả cứ làm việc dựa vào quan niệm và tưởng tượng như vậy đấy. Họ giả vờ hiểu lẽ thật và có đức tin, kết quả là biến công tác của hội thánh thành một mớ hỗn độn, thậm chí khi công tác bị tê liệt cả rồi, họ còn giả vờ không biết. Lãnh đạo giả như vậy có phải là quá quan liêu không? Bản thân họ không làm được công tác thực tế, cũng không nghiêm khắc với công tác của trưởng nhóm và người phụ trách, không theo dõi tiến độ mà cũng không hỏi han. Họ nhìn nhận mọi người bằng ấn tượng và tưởng tượng của riêng mình. Thấy ai nhất thời làm tốt, thì họ tin rằng người này sẽ mãi mãi tốt, sẽ không thay đổi; ai nói người này có vấn đề họ cũng không tin, ai cảnh tỉnh chuyện gì họ cũng mặc kệ. Các ngươi nói xem, loại lãnh đạo giả này có ngu xuẩn không? Họ ngu xuẩn mà còn ngoan cố. Điều gì khiến họ ngu xuẩn? Họ tùy tiện đặt niềm tin vào người ta, cho rằng vì khi họ chọn người này, người này đã thề nguyện, và đã lập quyết chí, đã mặt mày giàn giụa nước mắt mà cầu nguyện, thì điều đó nghĩa là họ đáng tin cậy, để họ phụ trách công tác thì chắc chắn sau này sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Lãnh đạo giả không hiểu rõ bản tính của con người; không biết về tình hình thực tế của nhân loại bại hoại. Họ nói: “Một người được tuyển chọn làm người phụ trách, làm sao còn có thể trở nên xấu xa được chứ? Một người có vẻ rất nghiêm túc và đáng tin cậy, làm sao lại bỏ ngang công tác được chứ? Họ sẽ không như vậy, phải không? Họ có đầy nhân cách mà”. Bởi vì lãnh đạo giả quá tin tưởng vào tưởng tượng và cảm giác của bản thân, cuối cùng dẫn đến việc rất nhiều vấn đề nảy sinh trong công tác của hội thánh mà họ không thể giải quyết kịp thời, cũng không kịp thời cách chức và điều chỉnh người có liên đới trách nhiệm. Họ là những lãnh đạo giả chính công. Rốt cuộc vấn đề ở đây là gì? Lãnh đạo giả làm công tác kiểu đó thì có liên quan gì đến việc qua loa chiếu lệ không? Một mặt, họ thấy con rồng lớn sắc đỏ đang điên cuồng bắt bớ dân được Đức Chúa Trời Chúa Trời chọn, vì vậy để giữ an toàn cho bản thân, họ tùy tiện sắp xếp một người phụ trách công tác rồi cho rằng như vậy là giải quyết được vấn đề rồi, và họ không cần phải quan tâm gì nữa. Họ đang nghĩ gì trong lòng? “Hoàn cảnh ác liệt quá, mình nên ẩn đi một thời gian”. Đây có phải là tham hưởng an nhàn xác thịt không? Các lãnh đạo giả cũng có một điểm chí mạng nữa, đó là họ dễ dàng dựa trên tưởng tượng của mình mà tin tưởng người nào đó. Đây chẳng phải do họ không hiểu lẽ thật sao? Lời Đức Chúa Trời vạch rõ thực chất của nhân loại bại hoại thế nào? Đức Chúa Trời đâu có tin tưởng con người, họ dựa vào cái mà tin vậy? Có phải lãnh đạo giả quá kiêu ngạo và tự cho mình là đúng không? Họ cho rằng: “Tôi không thể nhìn nhầm người, người mà tôi đã nhìn trúng thì sẽ không để xảy ra sai sót gì được. Người này tuyệt đối không phải là người ăn uống chơi bời, ham ăn biếng làm. Họ tuyệt đối có thể cậy dựa và đáng tin. Họ sẽ không thay đổi; nếu họ thay đổi thì chẳng lẽ mình đã nhìn nhầm à?”. Đây là loại lôgic gì vậy? Ngươi là cao nhân gì sao? Ngươi có đôi mắt nhìn xuyên thấu không? Ngươi có bản lĩnh vậy sao? Ngươi có thể sống với người này trong một hoặc hai năm, nhưng nếu không có hoàn cảnh thích hợp để tỏ lộ triệt để thực chất bản tính của họ, thì ngươi có thể nhìn thấu họ không? Nếu họ không bị Đức Chúa Trời tỏ lộ, ngươi có thể sống bên cạnh họ ba năm, năm năm, mà vẫn rất khó nhìn thấu được thực chất bản tính của họ rốt cuộc là gì, huống hồ là đối với người mà ngươi không thường xuyên gặp mặt, không sống cùng một chỗ! chỉ dựa vào ấn tượng nhất thời hoặc nghe ai đó nói vài câu đánh giá tố về người đó mà đã tùy tiện tin tưởng họ, dám giao phó công tác của hội thánh cho họ. Như vậy, chẳng phải ngươi quá mù quáng rồi sao? Chẳng phải ngươi làm xằng làm bậy sao? Và khi làm việc như vậy thì chẳng phải lãnh đạo giả cực kỳ vô trách nhiệm sao? Khi lãnh đạo và người làm công cấp trên hỏi họ: “Anh có kiểm tra công tác của người phụ trách đó không? Nhân phẩm và tố chất của anh ta thế nào? Anh ta có trách nhiệm đối với công tác không? Anh ta có đảm đương nổi công tác không?”. Lãnh đạo giả liền nói: “Chắc chắn là có thể! Khi tôi chọn anh ta thì anh ta đã lập lời thề và bày tỏ ý chí. Tôi vẫn còn giữ sổ ghi lời thề của anh ta đây, chắc là anh ta có thể đảm đương nổi công tác”. Lời này của lãnh đạo giả như thế nào? Họ cho rằng người đó lập lời thề và biểu thị quyết tâm thì chắc chắn có thể làm được, cách nói này đứng vững được không? Hiện tại có bao nhiêu người lập lời thề xong thì có thể làm được điều mình thề hứa? Có bao nhiêu người trung thực có thể hành động theo ý chí của mình? Người ta lập lời thề không đồng nghĩa với việc họ thật sự có thể làm được. Nếu ngươi hỏi họ: “Anh có thể đảm bảo người phụ trách đó sẽ không thay đổi không? Anh có thể đảm bảo cả đời này, anh ta sẽ trung thành đến cùng không? Khi Đức Chúa Trời muốn tỏ lộ ai đó, Ngài sẽ sắp đặt đủ loại hoàn cảnh để thử luyện con người. Dựa vào cái gì mà anh nói rằng anh ta đáng tin cậy? Anh đã tìm hiểu anh ta chưa?”. Lãnh đạo giả liền nói: “Không cần tìm hiểu, các anh chị em ai cũng phản ánh rằng người này đáng tin cậy”. Lời này lại sai rồi. Anh chị em phản ánh là không tệ thì thật sự không tệ sao? Anh chị em, ai cũng có lẽ thật sao? Ai cũng có thể nhìn thấu sự việc sao? Anh chị em, ai cũng quen biết rõ người này sao? Cách nói thế này lại càng đáng ghê tởm! Thật ra người này đã bị tỏ lộ từ lâu, không còn công tác của Đức Thánh Linh nữa. Cái tật thích ăn nhát làm, tham ăn làm biếng, không chuyên tâm vào việc chính đáng của anh ta đã bị bại lộ rồi, ngoài lãnh đạo giả không biết ra thì những người khác đã nhìn thấu từ lâu rồi. Chỉ có lãnh đạo giả vẫn còn tin anh ta như vậy thôi. Lãnh đạo giả này có tác dụng gì không? Không phải là phế vật sao? Thậm chí có một số biểu hiện của người phụ trách mà chỉ cần đi khảo sát và tìm hiểu thực tế thì sẽ có thể biết được, nhưng lãnh đạo của họ lại không biết. Đây có phải là vấn đề không? Người lãnh đạo này là lãnh đạo giả chính cống, không làm công tác thực tế, chính là một kẻ quan liêu, giống như ông chủ ngồi không hưởng lợi, chỉ làm chút công tác rồi sống dựa vào cái vốn quá khứ đó, cảm thấy mình có tư cách hưởng thụ rồi, không nhúng tay vào để giải quyết bất cứ vấn đề gì. Ngươi có tư cách để hưởng thụ lợi ích của địa vị sao? Thật đúng là mặt dày vô sỉ! Khi làm công tác, lãnh đạo giả không bao giờ kiểm tra công tác, cũng không nghe ngóng tình hình tiến triển của công tác, càng không tìm hiểu tình hình của người phụ trách các nhóm. Họ chỉ biết bố trí công tác xuống bên dưới và sắp xếp người phụ trách xong là hết chuyện, và họ có thể làm một mẻ, khỏe suốt đời. Họ cho rằng: “Có người lo cho hạng mục công tác này rồi, không còn chuyện gì của mình nữa. Mình có thể hưởng thụ rồi”. Đây mà là làm công tác sao? Người có thể làm công tác như vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, họ chính là lãnh đạo giả, chính là lãnh đạo giả làm lỡ công tác của hội thánh và hãm hại dân được Đức Chúa Trời chọn.
Lãnh đạo giả không bao giờ tìm hiểu và theo sát tình hình công tác của người phụ trách các nhóm, cũng không tìm hiểu, theo sát hay nắm rõ tình trạng lối vào sự sống của người phụ trách các nhóm và người gánh vác công tác quan trọng của các nhóm, cùng thái độ của họ đối với công tác của hội thánh và bổn phận, cả thái độ của họ đối với việc tin Đức Chúa Trời, đối với lẽ thật và Đức Chúa Trời. Lãnh đạo giả không tìm hiểu xem họ có chuyển biến hay tiến bộ gì không, cũng không tìm hiểu các loại vấn đề mà họ gặp phải trong công tác. Nhất là việc họ để xảy ra sai lầm hay lệch lạc trong các khâu công tác gây ra ảnh hưởng gì cho công tác của hội thánh và lối vào sự sống của dân được Đức Chúa Trời chọn, và những sai lầm hay lệch lạc này có được xoay chuyển hay không, lãnh đạo giả hoàn toàn không biết gì về những tình hình này. Nếu không hiểu rõ về những tình hình chi tiết này thì một khi xuất hiện vấn đề, lãnh đạo giả sẽ rất bị động. Nhưng khi làm công tác, lãnh đạo giả căn bản là không quan tâm đến những vấn đề chi tiết này. Họ cho rằng sắp xếp xong người phụ trách các nhóm và giao phó công tác xong thì hết chuyện, coi như đã làm tốt công tác, nếu sau đó có xảy ra vấn đề gì thì không liên quan đến họ nữa. Vì lãnh đạo giả không làm được tác dụng giám sát, chỉ đạo và theo sát đối với người phụ trách các nhóm, không làm tròn trách nhiệm ở những khía cạnh đó, nên kết quả là làm hỏng công tác của hội thánh. Đây chính là sự tắc trách của lãnh đạo và người làm công. Đức Chúa Trời có thể dò xét tận đáy lòng của con người, còn con người thì không có năng lực này, vì thế khi làm công tác, người ta phải chịu khó một chút, để tâm nhiều hơn. Họ nên thường xuyên đến địa điểm công tác để theo sát, giám sát, và chỉ đạo thì mới có thể đảm bảo công tác của hội thánh được tiến triển bình thường. Rất rõ ràng là khi làm công tác, lãnh đạo giả không hề có trách nhiệm. Đối với các hạng mục công tác, từ đầu đến cuối, họ đều không giám sát, theo sát hay chỉ đạo, dẫn đến việc một số người phụ trách để xảy ra vấn đề trong khi làm công tác mà không biết cách giải quyết, căn bản là không đủ sức đảm nhiệm công tác nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò người phụ trách, cuối cùng khiến cho công tác bị chậm trễ thêm hết lần này đến lần khác, và làm hỏng công tác. Đây chính là hậu quả của việc lãnh đạo giả không tìm hiểu, không giám sát và không theo sát tình hình của người phụ trách, hoàn toàn là vì sự tắc trách của lãnh đạo giả mà ra. Vì lãnh đạo giả không kiểm tra, không theo sát và tìm hiểu công tác, không thể kịp thời nắm rõ tình hình, cho nên lãnh đạo giả không hề biết về những tình hình như người phụ trách có làm công tác thực tế hay không, hay công tác tiến triển thế nào rồi, có hiệu quả thực tế hay không. Nếu hỏi họ rằng người phụ trách đang bận làm gì, cụ thể đang làm công tác gì, thì họ sẽ nói: “Tôi không biết, dù sao thì lần nào nhóm họp anh ta cũng tham gia. Mỗi lần tôi nói chuyện với anh ta về công tác thì anh ta cũng không nói có vấn đề hay khó khăn gì cả”. Lãnh đạo giả cho rằng chỉ cần người phụ trách này không quẳng gánh giữa đường, hễ gọi là có mặt, thì nghĩa là anh ta không có vấn đề gì. Lãnh đạo giả làm công tác như vậy đấy. Đây có phải là biểu hiện của sự “giả” không? Đây có phải là không làm tròn bổn phận không? Đây là sự tắc trách nghiêm trọng! Khi làm công tác, lãnh đạo giả chỉ chú trọng việc làm lấy lệ, không mong cầu kết quả thực tế. Ngoài mặt thì họ thường xuyên nhóm họp, có vẻ như bận rộn hơn hầu hết mọi người, nhưng rốt cuộc là đã giải quyết vấn đề gì rồi, cụ thể đã làm tốt hạng mục công tác nào rồi, đạt được thành quả gì rồi, những điều này đều là ẩn số, không ai nói được rõ ràng, và chính bản thân họ cũng không nói rõ ràng được. Nhưng có thể chắc chắn một điều, bất luận người ta gặp phải vấn đề gì tại nơi công tác thì đều không thể tìm được họ, không ai nhìn thấy họ đang giải quyết vấn đề cho người khác tại nơi công tác. Vậy thì cả ngày từ sáng đến tối, rốt cuộc là lãnh đạo giả đang làm công tác gì? Rốt cuộc họ đã giải quyết được vấn đề gì trong các buổi nhóm họp? Không ai biết rõ cả. Đến cuối cùng khi kiểm tra công tác, thì mới phát hiện ra rằng có một đống vấn đề chất chồng mà không được giải quyết. Nhìn bề ngoài thì lãnh đạo giả đúng thật là rất bận rộn, đúng là “trăm công nghìn việc”. Nhưng khi nhìn vào kết quả công tác thì lại thấy đó là một mớ hỗn độn, rối tung cả lên, cái gì cũng sai, từ đó có thể thấy được rằng họ không hề làm chút công tác thực tế nào cả. Nhiều vấn đề thực tế như vậy nhưng lại không được giải quyết gì cả, thế mà lương tâm của lãnh đạo giả dường như chẳng óc ý thức gì, lòng họ không có chút áy náy nào, hơn nữa còn dương dương tự đắc và cảm thấy rằng không tệ. Họ đúng là không có chút lý trí nào. Người như vậy không xứng làm lãnh đạo hay người làm công của hội thánh.
Loại người phụ trách mà chúng ta thông công khi nãy là người hiểu nghiệp vụ và có năng lực công tác, nhưng họ không mang gánh nặng, cả ngày chỉ biết ăn uống chơi bời, không chuyên tâm vào việc chính đáng, không làm công tác thực tế. Vì lãnh đạo giả không thể kịp thời điều chỉnh và cách chức loại người phụ trách này, nên đã gây ra sự cản trở, nhiễu loạn cho công tác, khiến cho công tác không thể được tiến triển thuận lợi. Việc này có phải do lãnh đạo giả gây ra không? Tuy lãnh đạo giả không phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp của chuyện này, nhưng vì họ tắc trách và không thực hiện được vai trò giám sát, nên họ đã trở thành người chịu trách nhiệm gián tiếp cho việc gây ra tổn thất cho công tác. Lãnh đạo giả không làm tròn được trách nhiệm giám sát, họ đã tắc trách, cuối cùng khiến cho công tác của hội thánh chịu tổn thất, thậm chí có công tác bị đình trệ và tan rã vì không có người phụ trách thích hợp có thể chịu trách nhiệm, kiểm định và đốc thúc. Đây chính là tổn thất gây ra cho công tác do việc dùng người không đúng. Tuy loại người phụ trách này có chút tố chất và hiểu chút nghiệp vụ, nhưng họ không chuyên tâm vào việc chính đáng mà thích đi theo con đường của mình, không đi con đường đúng đắn. Cho dù lãnh đạo giả nghe thấy có người phản ánh vấn đề của người phụ trách thì họ cũng không kịp thời tìm hiểu và xử lý, cuối cùng khiến cho công tác của hội thánh bị tê liệt. Việc này có phải do lãnh đạo giả không có trách nhiệm mà ra không? Lãnh đạo giả còn thoái thác trách nhiệm, nói rằng mình không hiểu rõ tình hình của người này, bản thân ngu muội và vô tri, tưởng rằng như vậy là xong chuyện, là không cần gánh vác trách nhiệm. Khi làm công tác, lãnh đạo giả từ đầu đến cuối đều qua loa chiếu lệ, cho dù có người phản ánh vấn đề thì họ cũng không tìm hiểu, không xử lý, và khi xảy ra chuyện họ còn thoái thác trách nhiệm. Đây là một trong những loại biểu hiện của lãnh đạo giả.
II. Lãnh đạo giả đối xử thế nào đối với người phụ trách có tố chất kém và không có năng lực công tác
Trong thời gian công tác của mình, những vấn đề mà lãnh đạo giả gặp phải không chỉ là tình hình này, mà còn một loại nữa, chính là người phụ trách có tố chất kém, không có năng lực công tác và không đảm đương nổi công tác. Đối với tình hình này, lãnh đạo giả vẫn không kịp thời tìm hiểu và xử lý như vậy. Tại sao? Lãnh đạo giả không có năng lực công tác, tố chất kém, không có hiểu biết thuộc linh. Đối với chuyện tố chất của người phụ trách các nhóm có tốt không, có thể đảm đương nổi công tác không, tình hình công tác như thế nào, lãnh đạo giả trước giờ đều không quan tâm, cũng không chủ động tìm hiểu. Họ cũng không nhìn thấu được việc người phụ trách có tố chất kém và không đảm đương nổi công tác, trong lòng họ hoàn toàn không ý thức được. Đối với họ, bất kể người ta là người như thế nào, một khi đã làm người phụ trách thì sẽ mãi không thay đổi, trừ phi người này hành ác quá nhiều, khiến cho hết thảy mọi người nổi giận, bị anh chị em bãi miễn, hoặc là có người phản ánh vấn đề lên Bề trên, và Bề trên trực tiếp cách chức người này, còn nếu không thì lãnh đạo giả mãi mãi sẽ không cách chức người đó. Họ cho rằng các anh chị đã nói người đó tốt và bầu chọn cho người đó, thì người đó hẳn là tốt nhất. Lãnh đạo giả luôn dựa vào tưởng tượng và phán đoán của mình để xác định liệu một người có thể làm công tác không, có thích hợp làm người phụ trách không. Chẳng hạn, một người phụ trách nhóm vũ đạo nhưng bản thân không biết vũ đạo, cũng không hiểu nguyên tắc chọn bài nhảy, cũng không biết để biên tập một bài nhảy thì nên chọn nhảy hiện đại hay nhảy cổ điển. Nói khắt khe thì người này không hiểu vũ đạo. Nhưng lãnh đạo giả lại không nhìn ra, thấy người đó nhiệt tình và thích xuất đầu lộ diện, thế là chọn người đó làm người phụ trách, còn cho rằng cái gì anh ta cũng hiểu, thế là để anh ta chỉ dẫn anh chị em. Sau đó, lãnh đạo giả cũng không theo sát hay quan sát, xem anh ta chỉ dẫn như thế nào, rốt cuộc anh ta là người trong ngành hay ngoài ngành, thứ mà anh ta dạy có thích hợp hay không, có phù hợp với yêu cầu của nhà Đức Chúa Trời hay không. Lãnh đạo giả không nhìn ra những thứ này, và cũng không đi tìm hiểu. Kết quả là mọi người tất bật một khoảng thời gian dài như không đạt được thành quả gì, cuối cùng mới phát hiện ra rằng người phụ trách mà lãnh đạo giả chọn ra này căn bản là không biết nhảy, còn giả mạo là người trong ngành và chỉ huy người khác. Như thế có phải làm lỡ công tác không? Nhưng lãnh đạo giả này lại không phát hiện được rằng đây là vấn đề, mà còn cảm thấy người này không tệ. Trong mắt lãnh đạo giả, bất kể là ai, chỉ cần họ có gan, dám nói, dám làm, dám đảm đương công tác, vậy thì chứng tỏ rằng họ có tố chất và có thể đảm đương được công tác. Còn nếu họ không dám, vậy thì chứng tỏ họ không đủ tố chất và không đảm đương nổi công tác. Có người là kẻ khờ hay kẻ liều lĩnh, cái gì cũng dám làm, họ không biết mình có tố chất đó hay không, có đảm đương nổi công tác hay không, mà cứ cả gan làm người phụ trách. Kết quả là khi họ làm người phụ trách rồi, thì công tác nào cũng không có tiến triển gì. Họ làm công tác mà chẳng biết mô tê gì, chẳng có trình tự, không có suy nghĩ đúng đắn. Cho dù ai đưa ra ý kiến gì thì họ cũng không biết là đúng hay sai, anh A bảo phải làm thế này thì họ nói được, chị B bảo làm thế kia thì họ cũng nói được, vậy rốt cuộc phải làm thế nào thì họ cứ để mọi người nói, ai lớn tiếng hơn thì làm theo cách của người đó. Loại người này không có tố chất gì cả, không nhìn thấu chuyện gì cả. Họ làm công tác nói thẳng ra là một mớ hỗn độn, vậy mà lãnh đạo giả còn không nhìn thấu loại người phụ trách này. Có người nói rằng: “Tố chất của người phụ trách kia quá kém rồi, phải nhanh chóng cách chức đi!”. Lãnh đạo giả lại nói: “Tôi đã nói với anh ta rồi, anh ta sẵn lòng hợp tác. Hãy cho anh ta thêm một cơ hội”. Lời này như thế nào? Đây có phải lời của kẻ ngốc không? Lời này sai ở đâu? (Thưa, đây không phải chuyện anh ta có sẵn lòng hợp tác không, mà anh ta không có tố chất đó và căn bản là không đảm đương nổi công tác đó.) Đúng vậy, không phải vấn đề anh ta có sẵn lòng hợp tác không, mà là tố chất của anh ta quá kém, không biết phải phối hợp như thế nào. Đây mới là mấu chốt của vấn đề. Trong chuyện này cần người làm lãnh đạo có đầu óc và biết nhìn người, phải xem người đó có tố chất đó hay không. Thông qua cách nói chuyện, thông công của anh ta, thông qua việc quan sát xem bình thường anh ta làm việc có bộ khung chuẩn hay không, có phương pháp và trình tự không, thông qua những phản ánh của anh chị em về anh ta mà tổng hợp và đánh giá. Nếu tố chất của anh ta quá kém và không có năng lực công tác này, làm gì cũng ra một mớ hỗn độn, là thứ phế vật, thì phải kịp thời cách chức người phụ trách đó.
Có một người phụ trách nông trại nọ, anh ta khiến công tác của nông trại biến thành một mớ hỗn độn. Anh ta không biết phải trồng loại cây nông nghiệp gì trên mảnh đất nào, không biết mảnh đất nào thích hợp trồng rau, cũng không cùng mọi người tìm kiếm và thông công – vì anh ta không biết nên thông công như thế nào nên đã không thông công, muốn trồng sao thì trồng, quẳng nguyên tắc của nhà Đức Chúa Trời sang một bên. Kết quả anh ta trồng loạn xạ trên các mảnh đất của nông trại, thứ cần trồng ít thì lại trồng nhiều, thứ cần trồng nhiều thì lại trồng ít. Khi bị Bề trên tỉa sửa, anh ta vẫn không phục, còn cảm thấy bản thân trồng như vậy không có gì sai. Các ngươi nói xem, có phải người phụ trách như vậy rất khó nhằn không? Anh ta không làm việc theo nguyên tắc mà nhà Đức Chúa Trời quy định, không căn cứ vào số lượng người làm bổn phận toàn thời gian ở hội thánh để quyết định xem nên trồng cây lương thực trên bao nhiêu mẫu đất và trồng rau trên bao nhiêu mẫu đất mới thích hợp. Anh ta chỉ dựa vào ý thích của mình để quyết định trồng cái gì ít cái gì nhiều, cho rằng trồng như vậy là hoàn toàn thích hợp. Cuối cùng, anh ta cứ trồng hết hoa màu một cách mơ mơ hồ hồ. Sau đó, khi cây mầm mọc lên, có cây bị vàng và cần bón phân, anh ta cũng không biết nên bón phân bao nhiêu, khi nào thì bón phân. Có hoa màu bị sâu rầy, anh ta cũng không biết có nên phun thuốc trừ sâu hay không. Có người chủ trương phun thuốc trừ sâu, có người lại chủ trương không phun thuốc trừ sâu, thế là anh ta ngơ ra, không biết phun thuốc thế nào cho thích hợp. Cứ thế mà lê lết đến mùa thu hoạch, anh ta cũng không biết thời gian sinh trưởng của mỗi loại hoa màu là bao lâu, khi nào đến ngày thu hoạch. Kết quả là những hạt bị thu hoạch sớm thì vẫn còn xanh, những hạt bị thu hoạch muộn thì rụng hết cả xuống đất. Cuối cùng, bất kể như thế nào, hoa màu cũng được thu hoạch xong. Lương thực cuối cùng cũng được đưa vào kho, việc trồng trọt của năm nay coi như kết thúc. Người phụ trách nông trại này làm công tác như thế nào? (Thưa, anh ta làm rối tinh rối mù.) Tại sao lại rối tinh rối mù? Các ngươi thử tìm căn nguyên của vấn đề xem. (Thưa, tố chất của anh ta quá kém.) Người phụ trách này có tố chất quá kém! Khi gặp chuyện, anh ta không có phán đoán chính xác, không tìm được nguyên tắc, không có bất kỳ cách thức hay phương pháp xử lý nào, vì vậy dẫn đến chuyện một công việc đơn giản như trồng hoa màu mà anh ta cũng lúng ta lúng túng, làm rối tinh rối mù. Biểu hiện chủ yếu của tố chất kém là gì? (Thưa, không có phán đoán chính xác, không tìm được nguyên tắc.) Hai câu này có them chốt không? Các ngươi có nhớ được không? Khi gặp chuyện mà không có phán đoán chính xác và không tìm được nguyên tắc, thì đó chính là tố chất quá kém. Khi người khác càng đưa ra nhiều kiến nghị và gợi ý thì người phụ trách này càng rối. Anh ta cảm thấy nếu như chỉ có một kiến nghị thôi thì hay biết mấy, coi đó là quy định để tuân thủ thì đơn giản quá rồi, không cần tư duy và phán đoán. Anh ta sợ có nhiều người đưa ra kiến nghị, vì nghe xong không biết phải xử lý như thế nào. Thật ra, người có đầu óc và tố chất thì sẽ không sợ nghe kiến nghị của người khác, càng có nhiều người đưa ra ý kiến thì họ sẽ cảm thấy mình phán đoán càng chuẩn xác, sai sót càng ít. Người không có đầu óc và tố chất thì sợ càng đông thì càng có nhiều ý kiến khác nhau, chín người mười ý, có nhiều người đưa ra kiến nghị thì họ sẽ bị rối. Người phụ trách nông trại mà Ta nói đến khi nãy có phải tố chất quá kém, không đủ sức đảm đương nổi công tác này không? (Thưa, phải.) Có người nói: “Cũng có thể là do người ta chưa trồng trọt bao giờ mà Ngài lại bắt người ta phải trồng trọt. Như vậy không phải là bắt vịt trèo cây sao?”. Chưa từng trồng trọt thì không trồng trọt được à? Có ai sinh ra là đã biết trồng trọt đâu? Chẳng lẽ nông dân sinh ra đều biết trồng trọt sao? (Thưa, không phải.) Có nông dân nào vì không biết trồng trọt, không có kinh nghiệm nên lần đầu trồng hoa màu không thu hoạch được gì, không có lương thực để ăn, cả năm phải đói không? Có tình huống nào như vậy không? (Thưa, không.) Nếu thật sự có, thì đó là do thiên tai, chứ không phải do con người. Và tình huống đó thì cực kỳ hiếm! Nông dân sinh sống bằng việc trồng trọt, chỉ cần trồng một hai năm thì họ sẽ học được cách làm. Người có tố chất tốt thì có thể thu hoạch nhiều một chút, người có tố chất kém thì thu hoạch ít một chút. Cộng thêm việc hiện nay thông tin phát triển, lượng thông tin đủ nhiều rồi, nếu người ta có tố chất thì những thông tin đó đủ để họ tham khảo nhằm đưa ra phán đoán và quyết sách chuẩn xác. Lượng thông tin càng lớn, càng chính xác thì phán đoán và quyết định mà con người đưa ra sẽ càng chuẩn xác, sai sót sẽ ít đi. Nhưng người có tố chất kém thì ngược lại, lượng thông tin càng nhiều thì họ càng rối. Cuối cùng dẫn đến việc họ đi mỗi một bước đều khó khăn, đều không dễ dàng gì. Trồng hoa màu là chạy đua với thời gian, sớm không được mà muộn cũng không được. Nếu muộn quá và lỡ mất thời điểm thì thu hoạch cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng. Trong quá trình làm công tác này, người phụ trách này sứt đầu mẻ trán, bị thời gian rượt đuổi, bị ép đi từng bước. Tuy rằng anh ta đã làm từng bước một, nhưng mỗi bước đều khó khăn, kết quả cũng rối tinh rối mù. Loại người này tố chất quá kém rồi!
Người có tố chất quá kém thì ngay cả một công tác cũng không làm tốt được, bất luận làm công tác gì cũng đều có thể khiến nó thành một mớ hỗn độn. Nếu lãnh đạo có tố chất tốt và có thể làm tròn trách nhiệm thì nên nhìn ra những chuyện này, họ nên giúp đỡ chỉ dẫn, đặt ra khuôn khổ và kiểm định cho người phụ trách có tố chất kém đó, nhưng lãnh đạo giả lại làm không được. Người phụ trách không làm được, mà họ cũng làm không được, khi bắt tay vào thì người phụ trách thấy khó khăn, không biết làm sao cho chuẩn và do dự, và họ cũng do dự theo. Thậm chí công tác của người phụ trách đã làm ra sao, đến bước nào, xuất hiện những khó khăn gì hay có nghi hoặc gì thì họ cũng đều không biết. Khi hỏi họ về chuyện trồng trọt, họ sẽ nói: “Tôi là lãnh đạo, tôi không phụ trách trồng trọt”. Ngươi hỏi tiếp: “Anh là lãnh đạo, tôi hỏi anh một chút về việc trồng trọt thì có làm sao? Đây là công tác trong phạm vi chức trách của anh mà”. Họ nói: “Vậy để tôi hỏi thăm cho anh”. Sau khi hỏi thăm xong, họ trả lời: “Mấy ngày nay họ đang trồng khoai tây”. Ngươi hỏi: “Trồng bao nhiêu khoai tây?”. Họ trả lời: “Tôi chưa hỏi về chuyện này, để tôi hỏi lại cho chị”. Sau khi hỏi xong, họ lại trả lời: “Trồng hai mẫu”. Ngươi hỏi tiếp: “Vậy trồng chủng loại nào? Miếng đất đó có thích hợp để trồng khoai tây không? Khi trồng khoai tây có bón phân không? Hạt giống khoai tây được gieo có sâu không?”. Họ không biết gì về những điều này. Ngươi không biết mà cũng không hỏi thăm, không tìm người để tìm hiểu, như vậy chẳng phải là làm chậm trễ công chuyện sao? Như vậy mà còn là lãnh đạo sao? Ngươi làm lãnh đạo là làm những công tác gì vậy? Chỉ có chút công việc bên ngoài này mà ngươi cũng không biết dẫn dắt người khác đi làm, ngươi làm lãnh đạo thì có ích gì? Tố chất của người phụ trách kém đến vậy mà lãnh đạo cũng không phát hiện ra, nếu ngươi hỏi họ tố chất của người phụ trách thế nào, hoa màu mà họ trồng như thế nào, có thể đảm bảo thu hoạch không, thì họ cho rằng: “Anh nghe ngóng những chuyện này là dư thừa rồi. Công việc trồng trọt đơn giản biết bao! Chẳng phải hoa màu đã trồng xuống đất hết rồi sao, đã trồng rồi thì làm sao mà không có thu hoạch chứ?”. Họ không suy xét đến bất cứ chuyện gì, cũng không hỏi han về chuyện gì, không có chút đầu óc nào. Đây là dạng lãnh đạo gì? (Thưa, là lãnh đạo giả.) Cho dù người phụ trách này có gặp phải chuyện gì thì cũng giống như con ruồi mất đầu, không biết phải hỏi ai, cũng không biết phải tra tài liệu như thế nào, trong tài liệu có đủ loại thông tin, họ cũng không biết phải chọn thông tin nào. Lãnh đạo cũng không tìm hiểu về những tình hình này, dù sao thì cũng đã giao phó công tác cho người này, thế là họ không quan tâm gì nữa. Các ngươi nói xem, tố chất của người phụ trách công tác kém như vậy thì có ảnh hưởng đến kết quả công tác không? (Thưa, có.) Vậy lãnh đạo nên làm thế nào thì mới có thể giải quyết được vấn đề này? Thông qua việc tìm hiểu, nghe ngóng bên lề, thông qua những chuyện xảy ra xung quanh, thông qua vụ mùa hoa màu này mà phát hiện ra tố chất của người phụ trách này quá kém, làm gì cũng không xong, có trồng hoa màu mấy năm cũng không thể đúc kết được đôi chút kinh nghiệm, đến bây giờ cũng không rõ phải trồng như thế nào, rõ ràng là tố chất kém và không thể đảm nhiệm được hạng mục công tác này. Người như vậy phải bị cách chức! Lãnh đạo phải nghe ngóng xem ai thích hợp làm người phụ trách, có thể đảm đương nổi hạng mục công tác này và làm tốt công tác, không để công tác của nhà Đức Chúa Trời chịu tổn thất. Lãnh đạo giả có tấm lòng này không? Họ có nhìn thấy những vấn đề này không? (Thưa, không.) Lòng họ đui mù, mắt cũng đui mù, họ hoàn toàn đui mù. Lãnh đạo giả có biểu hiện như vậy đấy. Họ không biết chỉ dẫn công tác như thế nào cho người có tố chất kém, không biết giúp người ta kiểm định hay kịp thời giải quyết khó khăn giúp người ta thế nào, càng không biết rằng phải nhanh chóng cách chức người có tố chất kém và không đảm đương nổi công tác, rồi tìm người thích hợp để thay thế. Lãnh đạo giả không làm những công tác này, không thể đảm nhiệm chúng, họ không nhìn thấy gì cả. Đây có phải là người mù không? Có người nói: “Có lẽ người ta bận công tác khác, Ngài cứ bắt người ta phải quản lý những việc vặt và chẳng quan trọng này để làm gì chứ?”. Đây là công tác mà lãnh đạo bắt buộc phải làm, sao lại là việc vặt chứ? Đây là chuyện thuộc phạm vi chức trách của lãnh đạo, họ không làm mà được sao? Nếu họ không làm thì họ tắc trách. Những khó khăn và vấn đề trong công tác này mỗi ngày đều xuất hiện trước mắt của lãnh đạo, mỗi ngày đều có người nêu lên, nhưng lãnh đạo giả này lòng đui mù mà mắt cũng đui mù, họ không nhìn thấy, không cảm giác được, cũng không ý thức được chúng là vấn đề, thế thì đương nhiên là không giải quyết được rồi. Tố chất của người phụ trách này quá kém, mà lãnh đạo giả không phát hiện được. Đối với đủ loại vấn đề xuất hiện trong công tác của người phụ trách, lãnh đạo giả cũng không phát hiện được. Người phụ trách này không biết xử lý vấn đề, gặp chuyện thì giống như kiến trên chảo nóng mà hành động một cách loạn xạ, không có nguyên tắc gì cả, làm cho công tác bung bét cả lên, thế mà lãnh đạo giả không nhìn thấy được, không phát hiện được. Khi làm công tác, lãnh đạo giả chỉ có một nguyên tắc: đối với các hạng mục công tác, chỉ cần bố trí xong người phụ trách là hết chuyện, bất luận người này có tố chất thế nào, có thể làm tốt công tác không, cũng không cần biết công tác xuất hiện bao nhiêu vấn đề, những chuyện này đều không liên quan đến bản thân họ. Lãnh đạo như thế thì còn có thể làm công tác không? Họ có hiểu cách làm công tác không? (Thưa, không hiểu.) Không hiểu cách làm công tác mà còn làm lãnh đạo gì chứ? Nếu ngươi làm lãnh đạo thì chính là lãnh đạo giả. Lãnh đạo giả không nhìn thấy được, cũng không phát hiện được các loại biểu hiện và các vấn đề nảy sinh trong quá trình làm bổn phận của người có tố chất kém. Lòng họ tê dại đến cùng cực. Như vậy có phải là lòng họ đui mù, và mắt cũng đui mù không? Có người nói: “Người ta đâu có đui mù, Ngài luôn bôi nhọ và phỉ báng người ta thôi”. Vấn đề của người phụ trách trồng trọt này nghiêm trọng đến vậy, lãnh đạo giả lại sống cùng người này hằng ngày, khi những chuyện này xảy ra, họ có thể nghe thấy và cũng nhìn thấy hết cả. Vậy tại sao họ lại không phát hiện được, không ý thức được rằng đó là vấn đề chứ? Tại sao họ lại không xử lý và không giải quyết chứ? Như vậy có phải là lòng họ đui mù, và mắt cũng đui mù không? Vấn đề này có nghiêm trọng không? (Thưa, nghiêm trọng.) Đây lại là một biểu hiện nữa của lãnh đạo giả – lòng đui mù, và mắt cũng đui mù.
Khi ngươi giao một công tác cho người có tố chất kém, bình thường nghe anh ta nói chuyện, nghe thái độ và quan điểm của anh ta khi bàn luận về công tác, nhìn cách thức và phương pháp mà anh ta xử lý công tác thì ngươi sẽ phát hiện được rằng tố chất của người này quá kém, tư duy hỗn loạn, rằng bất cứ hành động nào của anh ta cũng hơi có tính mù quáng, khinh suất, không có mục tiêu. Nhìn cách thức và phương pháp hành động của anh ta, ngươi sẽ có thể xác định được rằng người này tố chất quá kém, còn cần quan sát trong thời gian dài mới được sao? Không cần. Nhưng lãnh đạo giả lại có một rắc rối trí mạng, đó chính là họ cho rằng người này vẫn luôn làm công tác và không quẳng gánh giữa chừng, cũng không nghe thấy có ai phản ánh rằng người này làm chuyện xấu gây gián đoạn và nhiễu loạn, hay người này tiêu cực, lười biếng, vậy thì chứng tỏ người này vẫn có thể làm công tác. Họ không biết cách thông qua lời nói, quan điểm và thái độ của đối với mọi sự, hay cách thức và phương pháp hành động của một người mà phán đoán tố chất của người đó cao hay thấp, liệu có thể làm tốt công tác không. Họ không có nhận thức này, đối với chuyện này, họ tê dại và không có bất kỳ cảm giác gì. Họ chỉ có một quan điểm, đó là chỉ cần người này không rảnh rỗi là được, công tác này vẫn có thể tiến hành. Các ngươi nói xem, lãnh đạo mà mang quan điểm kiểu này thì có thể làm tốt công tác không? Có thể đảm nhiệm công tác không? (Thưa, không thể.) Để người như vậy làm lãnh đạo, chẳng phải công tác sẽ bị làm hỏng sao? Một người ăn uống chơi bời, lơ là chức trách, thế mà họ không đi tìm hiểu, cũng không xử lý. Một người có tố chất cao hay thấp, nhân phẩm tốt hay xấu, thế mà họ tiếp xúc bao lâu cũng không nhìn ra được. Lãnh đạo như vậy thì có năng lực công tác của một lãnh đạo không? (Thưa, không có.) Đây chính là lãnh đạo giả. Lãnh đạo giả không phân định được tố chất của một người có tốt hay không, họ không biết làm công tác cụ thể dạng này. Họ cho rằng đây không phải là công tác thuộc chức trách của mình. Như vậy có phải là tắc trách không? Các ngươi nói xem, người có tố chất kém hay là người có chút tố chất thì có thể đảm đương nổi công tác? (Thưa, người có chút tố chất.) Vì vậy, xem xem một người có tố chất tốt hay không, có thể đảm nhiệm công tác hay không, đây là vấn đề mà lãnh đạo và người làm công nên quan tâm và nắm rõ, cũng là một hạng mục công tác mà lãnh đạo và người làm công nên làm. Nhưng lãnh đạo giả không hiểu rằng đây là công tác, cũng không có ý thức này, không làm tròn được trách nhiệm thuộc khía cạnh này. Đây là chỗ tắc trách của lãnh đạo giả, cũng là một loại biểu hiện của việc lãnh đạo giả không thể đảm nhiệm công tác. Đây là tình huống thứ hai, người phụ trách có tố chất kém, không có năng lực công tác và không đảm đương nổi công tác. Đây là vấn đề liên quan đến khía cạnh tố chất của con người. Trong khía cạnh này, lãnh đạo giả vẫn như vậy, không thể làm được vai trò của lãnh đạo, không thể kịp thời cách chức người phụ trách có tố chất kém.
III. Lãnh đạo giả đối xử thế nào đối với người phụ trách trừng trị người khác và gây nhiễu loạn cho công tác của hội thánh
Tình huống thứ ba, người phụ trách trừng trị và kìm kẹp người khác, gây nhiễu loạn cho công tác của hội thánh. Trong hai tình huống trước, chúng ta đã nói đến: Một là người phụ trách có tố chất tốt một chút và có thể đảm đương công tác nhưng lại không làm cho đàng hoàng, toàn qua loa chiếu lệ, nhưng lãnh đạo giả không biết, cũng không kịp thời cách chức. Hai là người phụ trách có tố chất kém và không đảm đương nổi công tác, nhưng lãnh đạo giả không phát hiện được, cũng không thể kịp thời thay thế. Còn điều mà tình huống này muốn đề cập đến là, cho dù loại người phụ trách này có tố chất thế nào, họ cũng không chuyên tâm vào việc chính đáng, toàn trừng trị và kìm kẹp người khác, gây nhiễu loạn cho công tác của hội thánh. Từ sau khi chọn họ làm người phụ trách, họ không học tập và nghiên cứu nghiệp vụ, cũng không tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật, càng không thể chỉ dẫn người khác làm tốt bổn phận. Ngược lại, rảnh rỗi là họ liền châm biếm người này, mỉa mai và chế giễu người kia. Chỉ cần có cơ hội là họ liền thể hiện bản thân, làm chuyện gì cũng không thể làm đến nơi đến chốn. Hôm nay thì họ bảo người ta làm thế này, ngày mai lại bảo người ta làm thế kia, lúc nào cũng có kiểu làm mới, luôn muốn nổi bật, quấy nhiễu khiến cho lòng người hoang mang. Chỉ cần họ nói chuyện là có người sẽ rùng mình lo sợ. Họ khuất phục hết tất cả mọi người, ai cũng sợ và nghe theo họ, thế là họ dương dương tự đắc. Loại người này bất luận là lãnh đạo giả hay là kẻ địch lại Đấng Christ, bất luận họ có nắm quyền hay không, thì hội thánh cũng không được bình yên. Họ không những không làm được công tác thực tế và không làm bổn phận một cách bình thường, mà còn gây chia rẽ và tạo nên sự tranh đấu giữa người với người, quấy nhiễu đời sống hội thánh. Họ không những không thể giúp người khác hiểu lẽ thật, mà còn thường xuyên xét đoán, lên án người khác, còn bắt mọi người phải nghe theo mình, kìm kẹp người ta đến mức không biết phải làm thế nào mới thích hợp. Nhất là trong khía cạnh đời sống, người ta ngủ muộn một chút hay sớm một chút đều không được, làm chuyện gì cũng phải nhìn sắc mặt họ, sống vô cùng mệt mỏi. Để họ làm người phụ trách, thì những người khác không thể sống yên. Nếu ngươi nói lời trung thực với họ, vạch trần vấn đề của họ ra, thì họ sẽ nói rằng ngươi có ý nhắm vào họ, vạch trần họ. Còn nếu ngươi không nói với họ, họ sẽ bảo rằng ngươi xem thường họ. Nếu ngươi nghiêm túc và có trách nhiệm với công tác, đưa ra ý kiến cho họ, thì họ sẽ không phục, nói rằng ngươi đả kích họ, còn nói rằng ngươi kiêu ngạo. Tóm lại bất luận ngươi làm thế nào thì họ cũng không vừa ý, họ luôn ngẫm nghĩ cách trừng trị người khác, kìm kẹp người khác đến mức bó chân trói tay, làm như thế nào cũng không đúng. Người phụ trách như vậy đã gây ra sự nhiễu loạn cho công tác của hội thánh.
Lãnh đạo giả giỏi làm những công tác bề ngoài, chứ không bao giờ làm công tác thực tế. Họ không kiểm tra, giám sát hay chỉ đạo các hạng mục công tác nghiệp vụ, cũng không kịp thời đến các nhóm mà tìm hiểu tình hình, kiểm tra xem công tác tiến triển như thế nào rồi, còn tồn tại vấn đề gì, người phụ trách các nhóm có đảm nhiệm được công tác hay không, anh chị em có phản ánh hay đánh giá gì về người phụ trách hay không, có người nào bị kìm kẹp bởi nhóm trưởng hay người phụ trách không, khi người ta nêu lên ý kiến đúng đắn thì có được tiếp thu không, có người mưu cầu lẽ thật hay người tài nào bị chèn ép hay bài xích không, có người thật thà nào bị ức hiếp không, có người nào lột trần hay tố giác lãnh đạo giả mà bị đả kích, báo thù hay bị thanh trừ và khai trừ không, có kẻ ác nào đang đảm nhiệm vai trò nhóm trưởng hay người phụ trách không, có hiện tượng trừng trị người khác không. Nếu lãnh đạo giả không làm bất kỳ công tác cụ thể nào như thế, thì họ đáng bị cách chức. Chẳng hạn, có người phản ánh với lãnh đạo về một người phụ trách thường xuyên kìm kẹp và chèn ép người khác. Bản thân người phụ trách làm không đúng nhưng lại không cho anh chị em nêu lên ý kiến, còn viện cớ để phân bua và biện bạch cho bản thân, không bao giờ thừa nhận sai lầm. Người phụ trách như vậy có nên kịp thời bị cách chức không? Đây đều là những vấn đề mà lãnh đạo nên kịp thời giải quyết. Cho dù người phụ trách mà mình tuyển dụng có để xảy ra vấn đề gì trong khi làm công tác, thì một số lãnh đạo giả đều không cho người khác vạch trần, càng không cho người khác phản ánh lên Bề trên, còn bắt người ta phải học cách thuận phục. Nếu có người lột trần vấn đề của người phụ trách, thì lãnh đạo giả còn bao che, che giấu chân tướng sự thật, nói rằng: “Đây là vấn đề về lối vào sự sống cá nhân. Anh ta có tâm tính kiêu ngạo thì cũng bình thường thôi, người có chút tố chất thì đều kiêu ngạo. Đây chẳng phải là vấn đề gì lớn cả. Tôi thông công cho anh ta một chút là được”. Thông công xong, người phụ trách này bày tỏ thái độ: “Tôi thừa nhận mình kiêu ngạo, tôi thừa nhận có lúc mình chỉ quan tâm đến hư vinh, thể diện và địa vị, không tiếp nhận kiến nghị của mọi người. Nhưng những người khác không thành thạo nghiệp vụ, thường xuyên đưa ra những ý kiến không có giá trị gì, vì vậy tôi không nghe thì cũng là có lý do cả”. Lãnh đạo giả không tìm hiểu tình hình một cách toàn diện, cũng không nhìn xem kết quả công tác của người phụ trách này như thế nào, càng không xem nhân tính, tâm tính và sự mưu cầu của anh ta rốt cuộc là như thế nào, chỉ nói một cách sơ sài rằng: “Đã có người phản ánh về anh, vậy thì tôi phải quan sát anh, cho anh thêm một cơ hội nữa”. Thông qua lần trao đổi này, người phụ trách này nói rằng mình sẵn lòng hối cải, nhưng sau đó rốt cuộc anh ta thật sự hối cải hay là chỉ nói dối và lừa gạt thì lãnh đạo giả không quan tâm và cũng không hỏi đến. Nếu có người lại đưa ra nghi vấn về chuyện này, lãnh đạo giả sẽ nói: “Tôi đã nói chuyện với anh ta rồi, còn thông công mấy đoạn lời Đức Chúa Trời cho anh ta nữa. Anh ta sẵn lòng hối cải, vấn đề đã được giải quyết rồi”. Người ta hỏi họ: “Vậy nhân tính của người phụ trách đó như thế nào? Anh ta có phải là người tiếp nhận lẽ thật không? Anh cho anh ta cơ hội, liệu anh ta có thể thật sự hối cải hay biến đổi không?”. Lãnh đạo giả không nhìn thấu được, liền nói: “Tôi vẫn đang quan sát”. Người kia hỏi: “Quan sát bao lâu rồi? Có kết luận gì chưa?”. Lãnh đạo giả đáp: “Hơn sáu tháng rồi, còn chưa có kết luận đâu”. Quan sát ơn sáu tháng rồi mà còn không ra được kết luận, hiệu suất công tác kiểu gì thế này? Lãnh đạo giả còn cảm thấy chỉ cần tìm người phụ trách nói chuyện một lần là có tác dụng và giải quyết được vấn đề rồi, lời như vậy thì có đứng vững được không? Họ cho rằng chỉ cần nói chuyện xong với người ta là người ta sẽ có thể thay đổi, nếu ai thể hiện quyết tâm với họ, đảm bảo rằng mình sẽ không tái phạm thì họ sẽ tin hoàn toàn, cũng không nghe ngóng và tìm hiểu tình hình nữa. Nếu không có ai truy cứu thì thậm chí là nửa năm trôi qua, họ cũng không đi tìm hiểu, theo sát tiến độ công tác. Người phụ trách kia đã làm hỏng công tác rồi mà lãnh đạo giả còn không biết. Người phụ trách đó lừa gạt và đùa bỡn với họ thế nào thì họ cũng không phân định được. Càng đáng trách hơn nữa là cho dù có người phản ánh về vấn đề của người phụ trách này thì họ cũng không quan tâm, không đến tận nơi để tìm hiểu xem vấn đề có tồn tại hay không, vấn đề người khác phản ánh có thật hay không. Họ không suy xét về những vấn đề này, họ quá tin tưởng bản thân mình rồi! Bất luận công tác của hội thánh xuất hiện tình hình như thế nào, họ cũng không gấp rút xử lý, cảm thấy dù sao cũng không phải là chuyện của mình. Phản ứng của lãnh đạo giả đối với những vấn đề này cực kỳ chậm chạp, họ cách xử trí và hành động cực kỳ chậm, họ cứ do dự, cứ cho người ta cơ hội hối cải, như thể những cơ hội họ trao cho mọi người là vô cùng quý giá và quan trọng, có thể thay đổi số phận của những người đó vậy. Các lãnh đạo giả không thể thông qua biểu hiện của người ta mà nhìn ra thực chất bản tính của người ta, không thể thông qua thực chất bản tính người ta mà phán đoán xem rốt cuộc người ta đi con đường nào, và không thể thông qua con đường người ta đi mà thấy ra rốt cuộc người ta có thích hợp làm người phụ trách hay làm lãnh đạo và người làm công không. Họ không thể nhìn sự việc theo cách đó. Lãnh đạo giả mà làm công tác thì chỉ có hai chiêu này: một là, kéo người ta lại tán gẫu cho có lệ; hai là, cho người ta cơ hội, lấy lòng người và không đắc tội với ai. Họ có đang làm công tác thực tế không? Rõ ràng là không. Nhưng lãnh đạo giả tin rằng kéo ai đó lại tán gẫu là đang làm công tác thực tế. Họ xem những cuộc trò chuyện này là rất đáng trân quý và quan trọng, xem chút lời lẽ sáo rỗng và đạo lý mà họ nói ra là vô cùng quan trọng. Họ cho rằng tán gẫu như vậy là đã giải quyết được những vấn đề lớn và đã làm công tác thực tế. Họ không biết tại sao Đức Chúa Trời lại phán xét và hành phạt, tỉa sửa và xử lý, hay thử luyện và tinh luyện con người. Họ không biết rằng chỉ lời Đức Chúa Trời và lẽ thật mới có thể giải quyết tâm tính bại hoại của con người, họ xem công tác của Đức Chúa Trời cũng như sự cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời là chuyện quá đơn giản rồi! Họ cho rằng giảng chút câu chữ và đạo lý là có thể thay thế được công tác của Đức Chúa Trời, là có thể giải quyết vấn đề bại hoại của con người. Đây chẳng phải là sự ngu muội và vô tri của lãnh đạo giả sao? Lãnh đạo giả không có chút thực tế lẽ thật nào, vậy tại sao họ lại tự tin như thế? Nói chút đạo lý là có thể khiến người ta nhận thức bản thân sao? Là có thể khiến người ta loại bỏ tâm tính bại hoại của mình sao? Làm sao những lãnh đạo giả này lại có thể vô tri và ấu trĩ như vậy? Chẳng lẽ giải quyết những cách làm sai lầm và hành vi bại hoại của một người lại đơn giản như vậy sao? Vấn đề tâm tính bại hoại của con người dễ giải quyết như vậy sao? Lãnh đạo giả thật quá ngu muội, quá nông cạn rồi! Để giải quyết vấn đề bại hoại của con người, Đức Chúa Trời đâu chỉ sử dụng chỉ một dạng phương thức mà thôi, mà Ngài sử dụng nhiều dạng phương thức và sắp đặt những hoàn cảnh khác nhau để tỏ lộ, làm tinh sạch và hoàn thiện con người. Thế mà, lãnh đạo giả làm công tác lại vô cùng nông cạn, đơn điệu, tìm người khác nói chuyện, làm chút công tác tư tưởng và khuyên nhủ thì liền cho rằng đó là làm công tác thực tế. Như vậy có phải là nông cạn không? Vấn đề ẩn giấu đằng sau sự nông cạn đó là gì? Có phải là ấu trĩ không? Lãnh đạo giả đặc biệt ấu trĩ, cách họ nhìn nhận về con người và sự việc cũng đặc biệt ấu trĩ. Tâm tính bại hoại của con người là chuyện khó giải quyết nhất, giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Thế mà lãnh đạo giả không hề nhìn thấu về vấn đề này. Vì thế, đối với loại người phụ trách thường xuyên quấy nhiễu, kìm kẹp và trừng trị người khác trong hội thánh, lãnh đạo giả chỉ tìm họ nói chuyện và tỉa sửa vài câu là xong chuyện, không thể kịp thời điều chỉnh và cách chức. Cách làm này của lãnh đạo giả đã gây ra tổn thất cực lớn cho công tác của hội thánh, khiến cho công tác của hội thánh bị chậm trễ, trì hoãn, phá hoại bởi sự quấy nhiễu của một số kẻ ác, không thể tiến triển một cách bình thường, thuận lợi và có hiệu quả. Đây đều là hậu quả nghiêm trọng của việc lãnh đạo giả hành động dựa trên tình cảm, đi ngược lại nguyên tắc lẽ thật và dùng người không đúng. Bề ngoài thì có vẻ lãnh đạo giả không cố ý hành ác quá nhiều, một mình một kiểu, và xây dựng vương quốc độc lập như kẻ địch lại Đấng Christ. Nhưng khi các loại vấn đề xuất hiện trong công tác của hội thánh thì họ không thể kịp thời giải quyết, khi người phụ trách các nhóm để xảy ra vấn đề hay không đảm đương nổi công tác thì họ cũng thể kịp thời điều chỉnh và cách chức. Những việc này đều gây ra tổn thất nghiêm trọng cho công tác của hội thánh. Đây đều là do sự tắc trách của lãnh đạo giả gây ra. Có phải lãnh đạo giả quá đáng ghét không? (Thưa, phải.)
IV. Cách lãnh đạo giả đối đãi với người phụ trách đi ngược lại sự sắp xếp công tác và làm theo lối riêng của mình
Đối với những việc ác xuất hiện trong hội thánh như trừng trị và kìm kẹp người khác, gây nhiễu loạn công tác của hội thánh, thì lãnh đạo giả không thể kịp thời xử lý. Cũng như vậy, đối với một số người phụ trách đi ngược lại sự sắp xếp công tác và làm theo lối riêng của mình, lãnh đạo giả vẫn không thể đưa ra phương án xử lý thích hợp để kịp thời giải quyết những vấn đề này, khiến cho công tác của hội thánh và tài lực, vật lực của nhà Đức Chúa Trời phải chịu tổn thất. Vì lãnh đạo giả nông cạn, ấu trĩ, không thể hiểu được nguyên tắc lẽ thật, càng không nhìn thấu được thực chất bản tính của con người, cho nên khi làm công tác, họ thường xuyên chỉ làm bề ngoài, làm cho có lệ, tuân thủ quy định, hô hào khẩu hiệu, chứ không đến tận nơi để kiểm tra công tác, quan sát và tìm hiểu từng người phụ trách, cũng không kịp thời tìm hiểu những người phụ trách này đã làm những chuyện gì, nguyên tắc của họ khi làm những chuyện đó là gì, tác động về sau như thế nào, cuối cùng dẫn đến việc họ hoàn toàn không biết người mà họ dùng rốt cuộc là người thế nào, và những người này đã làm những chuyện gì. Vậy nên, khi loại người phụ trách này lén lút đi ngược lại sự sắp xếp công tác của nhà Đức Chúa Trời và làm theo lối riêng của mình, lãnh đạo giả không những không biết mà còn biện hộ cho họ, và cho dù có nghe nói đến cũng không kịp thời tìm hiểu và xử lý. Một mặt, lãnh đạo giả không đảm nhiệm được công tác, mặt khác, họ còn lơ là chức trách của mình. Chúng ta cùng xem một ví dụ. Có một lãnh đạo đã chọn một người bị đào thải ở nhóm khác để làm kỹ thuật viên về trồng trọt. Họ cũng không xem xét người này rốt cuộc có kinh nghiệm và sở trường về phương diện này không, có thể làm tốt hạng mục công tác này không, có thái độ nghiêm túc và chịu trách nhiệm hay không. Sau khi dùng người này, lãnh đạo đã mặc kệ cho chị ta, nói rằng: “Chị đi trồng rau đi, chị tự chọn hạt giống, tốn bao nhiêu tiền thì tôi sẽ đưa cho chị. Chị cứ thoải mái mà làm đi”. Lãnh đạo đã mở lời, người phụ trách này liền bắt đầu làm một cách thoải mái. Chuyện đầu tiên mà chị ta làm chính là chọn hạt giống. Sau khi tìm hiểu trên mạng, chị ta phát hiện: “Thật sự có quá nhiều chủng loại rau cải, thiên hạ rộng lớn, không thiếu cái lạ mà! Chuyện chọn hạt giống này cũng vui đấy, trước đây mình chưa từng làm công tác này, không biết bản thân lại có hứng thú với chuyện này như vậy. Nếu đã có hứng thú vậy thì mình sẽ chơi một cú lớn!”. Trước tiên, chị ta mở trang thông tin về hạt giống cà chua, rồi giật nảy mình. Chủng loại cà chua thật quá đa dạng, đủ loại kích cỡ, màu sắc thì nào là đỏ, vàng, xanh, còn có loại đủ màu sắc nữa, chị ta chưa từng thấy qua. Thật là mở rộng tầm mắt! Vậy phải chọn như thế nào đây? Mỗi loại đều trồng một ít, nhất là loại có đủ màu sắc kia, nhìn là thấy khác biệt. Người phụ trách này trong phút chốc đã chọn ra mười mấy loại cà chua, đủ loại kích cỡ, màu sắc và hình dáng. Sau khi chọn hạt giống cà chua xong, tiếp theo phải chọn cà tím. Loại cà tím thường ăn có hai loại, một loại màu tím và dài, một loại là cà tím trắng, nhưng chị ta ngẫm nghĩ: “Cũng không thể chỉ giới hạn cà tím trong hai loại này. Màu xanh, có hoa văn, trái dài, trái tròn, trái bầu dục, mình phải chọn mỗi loại một ít, để mọi người có thêm kiến thức, có thể ăn được nhiều loại cà tím khác nhau. Họ sẽ thấy rằng người phụ trách này thật biết cách chọn, thật quyết đoán, thật biết suy xét cho anh chị em. Như thế thì khẩu vị của những người khác nhau đều sẽ được thỏa mãn”. Tiếp theo, chị ta chọn đến hạt hành tây. Hành tây ở địa phương này tổng cộng có mười bốn loại, thế là chị ta chọn hết. Sau khi chọn xong, chị ta còn cảm thấy thỏa mãn lắm. Người phụ trách này “quyết đoán” nhỉ? Ai dám chọn nhiều loại như vậy chứ? Sau này khi Ta thường mổ xẻ về chuyện này, có người còn nói: “Ở địa phương không chỉ có mười bốn loại, còn mấy loại chị ta chưa chọn kia!”. Ý họ là mười bốn loại chưa phải là nhiều, còn vài loại chưa được chọn, chị ta không làm sai gì cả. Người nói lời này có phải là đần độn không? Họ đúng là đần độn, nghe không hiểu lời của con người, không biết tại sao lại phải mổ xẻ về chuyện này. Sau khi chọn xong hạt giống hành tây, chị ta cũng chọn ít nhất tám loại khoai tây. Mục đích khi chị ta chọn nhiều như vậy là để làm gì? Là để giúp ngươi mở mang kiến thức, để ngươi nếm được đủ loại mùi vị. Chị ta cho rằng việc chọn hạt giống phải tuân theo nguyên tắc mưu cầu lợi ích cho anh chị em, ý định này như thế nào? Có thái độ suy nghĩ cho mọi người và phục vụ mọi người, đây có phải là nguyên tắc mà nhà Đức Chúa Trời yêu cầu không? (Thưa, không phải.) Vậy nguyên tắc lựa chọn hạt giống mà nhà Đức Chúa Trời yêu cầu là gì? Có những thứ rất cổ quái, hiếm lạ, không phải là chủng loại mà chúng ta thường ăn; có những thứ mặc dù chúng ta thường ăn, nhưng chúng ta chưa từng trồng loại đó, không biết có thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương hay không, vậy thì trước tiên hãy chọn một hai loại, nhiều nhất cũng chỉ ba bốn loại là được rồi. Thứ nhất là phải thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương; ngoài ra, phải dễ trồng, không dễ bị sâu bệnh; còn nữa, còn có thể giữ lại hạt giống cho năm sau; cuối cùng chính là phải có thu hoạch tốt. Nếu chỉ ăn ngon nhưng thu hoạch lại không tốt, vậy thì không thích hợp. Xét từ chuyện chọn hạt giống này, việc người phụ trách này làm có phù hợp với nguyên tắc không? Chị ta có tìm kiếm không? Có thuận phục không? Có suy xét cho nhà Đức Chúa Trời không? Có phải chị ta hành động với thái độ nên có khi làm bổn phận không? (Thưa, không phải.) Rất rõ ràng, đây là làm xằng làm bậy, ngang nhiên đi ngược lại với sự sắp xếp công tác của nhà Đức Chúa Trời và làm theo lối riêng của mình! Chị ta đã hoang phí của lễ của Đức Chúa Trời như vậy để thỏa mãn lòng hiếu kỳ và sự ham chơi của cá nhân, coi một công tác quan trọng như thế như một trò chơi. Nhưng lãnh đạo giả lại buông trôi bỏ mặc đối với người phụ trách này, không quan tâm mà cũng chẳng hỏi han. Nếu ngươi hỏi họ rằng: “Rốt cuộc người phụ trách mà anh chọn có làm công tác không? Hiệu quả công tác thế nào? Anh có kiểm định giúp chị ta trong việc chọn hạt giống không?”. Thì họ không quan tâm đến những chuyện này, chỉ nói rằng: “Đã trồng rồi. Lúc trồng, chúng tôi đã đến tận nơi quan sát”, còn những vấn đề còn lại, họ hoàn toàn không quan tâm. Vậy cuối cùng làm sao lại phát hiện vấn đề của người phụ trách này? Chị ta trồng một ít dâu. Theo quy định kỹ thuật có liên quan, năm đầu tiên khi trồng dâu thì không thể bao bọc và cũng không thể để cây kết trái, chỉ cần trổ hoa thì phải cắt đi, nếu không thì năm sau không thể kết trái được. Mà cho dù năm đầu tiên có kết trái được thì trái cũng rất nhỏ. Người trong ngành đã nói với chị ta rồi nhưng chị ta không nghe, lý do là vì trên mạng nói rằng năm đầu tiên có thể dùng bao nhựa bao phủ cây dâu lại, có thể để cho chúng kết trái. Kết quả chúng cho ra toàn là những trái dâu nhỏ xíu với hình thù kì quái, toàn là hột, có trái chua, trái ngọt, cũng có trái chẳng có vị gì cả, loại gì cũng có. Vấn đề nghiêm trọng đến mức đó, mà các lãnh đạo giả chẳng ai quan tâm. Nguyên nhân gì khiến họ không quan tâm? Họ cảm thấy rằng dù sao thì họ cũng không ăn được dâu, nên họ không quan tâm mà cũng chẳng hỏi han. Không ăn được thì không cần quan tâm sao? Vậy các ngươi có ăn khoai tây, hành tây đó, các ngươi đã quan tâm đến chưa? Không có lãnh đạo giả nào quan tâm cả, họ chỉ nhìn người phụ trách kia tùy ý làm càn ở đó. Một hôm nọ, Ta đến chỗ đó. Có người phản ánh với Ta rằng rau xà lách đã già cả rồi, còn không thu hoạch thì không ăn được nữa, sẽ lãng phí hết. Nhưng người phụ trách lại không cho thu hoạch, nói rằng thu hoạch xong thì lại phải trồng rau khác, sợ phiền phức. Những lãnh đạo giả này mặc dù biết chuyện nhưng không xử lý, cuối cùng Bề trên đã ra lệnh cho họ thu hoạch ngay, xử lý ngay, nếu không thì rau xà lách chiếm đất và rau cho vụ hè sẽ không còn chỗ để trồng nữa. Có vấn đề lớn như vậy xảy ra trong công tác, vậy mà không lãnh đạo giả nào quan tâm, họ đều sợ đắc tội người ta. Vì người phụ trách này được đề bạt bởi một lãnh đạo giả. Sau khi đề bạt xong thì lãnh đạo giả không bao giờ kiểm tra công tác, mà cứ để người này tùy ý mà làm. Họ thì ủng hộ, làm hậu thuẫn cho chị ta. Những lãnh đạo khác cũng không dám quản tới. Họ cấu kết với nhau làm việc xấu, cuối cùng để xảy ra biết bao sự hỗn loạn. Đây chính là công tác do lãnh đạo giả làm ra. Như thế mà còn gọi là lãnh đạo sao? Một vấn đề nghiêm trọng như vậy xảy ra ngay trước mắt họ mà họ lại không nhìn ra rằng đó là vấn đề, chứ đừng nói đến chuyện giải quyết. Đây có phải là lãnh đạo giả không? (Thưa, phải.) Một mặt, họ làm người dễ dãi, sợ đắc tội với người khác. Mặc khác, họ không biết vấn đề nghiêm trọng như thế nào, không có phán đoán chuẩn xác, không biết rằng đó là vấn đề, không biết rằng đây là công tác trong phạm vi chức trách mà họ nên làm. Họ chẳng phải là phế vật, kẻ vô dụng sao? Như vậy có phải là tắc trách không? (Thưa, phải.) Đây là tình huống thứ tư, người phụ trách đi ngược lại sự sắp xếp công tác của nhà Đức Chúa Trời và làm theo lối riêng của mình. Chúng ta đã đưa ra một ví dụ, vạch trần biểu hiện tắc trách của lãnh đạo giả thông qua chuyện này, cũng vạch trần thực chất bản tính của lãnh đạo giả là gì.
V. Cách lãnh đạo giả đối đãi với loại người phụ trách là kẻ địch lại Đấng Christ xây dựng vương quốc độc lập
Còn một tình huống nữa chính là người phụ trách chống lại cấp trên, xây dựng vương quốc độc lập, là kẻ địch lại Đấng Christ. Đối với những vấn đề như người phụ trách có tố chất kém, nhân tính không tốt, làm xằng làm bậy, lãnh đạo giả không thể thực hiện được vai trò giám sát, cũng không thể kịp thời kiểm tra, tìm hiểu công tác mà người phụ trách đang làm và những vấn đề đang tồn tại để nhìn rõ xem người này có thích hợp để dùng không. Cũng như vậy, lãnh đạo giả càng không nhìn thấu được thực chất bản tính của loại người nham hiểm và hung ác như kẻ địch lại Đấng Christ. Không những không nhìn thấu, đối với những người này, họ đồng thời còn có chút sợ hãi, không có cách đối phó, bất lực, thậm chí đa phần là họ sẽ bị những người này dắt mũi dẫn đi. Nghiêm trọng nhất là đến mức độ nào? Kẻ địch lại Đấng Christ ở trong phạm vi công tác của lãnh đạo giả mà kéo bè kết phái, lôi kéo thế lực cho bản thân và xây dựng vương quốc độc lập, cuối cùng kẻ địch lại Đấng Christ nắm được quyền và có tiếng nói quyết định, lãnh đạo giả trở thành bù nhìn. Những chuyện mà kẻ địch lại Đấng Christ quyết định và biết, thì lãnh đạo giả lại không biết, hoàn toàn mù tịt. Chỉ sau khi sự việc xảy ra và có người phản ánh với họ thì họ mới biết, nhưng đã muộn rồi. Lãnh đạo giả còn hỏi người ta sao lại không nói với họ một tiếng, người ta nói: “Nói cho anh biết thì có ích gì? Anh không quyết định được việc gì cả. Chuyện này tôi không cần nói với anh, chúng tôi đã quyết định rồi. Nói cho anh biết thì chắc chắn anh sẽ đồng ý. Anh có thể có ý kiến gì chứ?”. Lãnh đạo giả hoàn toàn không có biện pháp gì đối với những chuyện như vậy. Ngươi không phân định được, không giải quyết được, không xử lý được những kẻ địch lại Đấng Christ thì ngươi vẫn có thể phản ánh lên Bề trên mà. Đến cả phản ánh mà ngươi cũng không dám, ngươi chẳng phải là phế vật sao? (Thưa, phải.) Khi gặp chuyện, kẻ phế vật to lớn này chỉ biết khóc lóc và đến chỗ Ta để tố cáo, kể khổ với Ta rằng: “Chuyện đó không thể trách con được, đó đâu phải là quyết định của con. Quyết định của họ thì cho dù sai hay đúng cũng không liên quan gì đến con. Vì khi làm chuyện đó, họ không để con biết, cũng không nói cho con hay”. Lời này có ý gì? (Thưa, thoái thác trách nhiệm.) Ngươi là lãnh đạo thì nên biết và nắm rõ những chuyện này. Họ không nói cho ngươi biết thì tại sao bản thân ngươi không thể chủ động đi hỏi? Ngươi là lãnh đạo, chuyện gì cũng nên do ngươi tổ chức, chủ trì, do ngươi đưa ra quyết định. Chuyện gì họ cũng không cho ngươi biết mà cứ tự mình ra quyết định, sau khi xong việc thì đưa giấy cho ngươi ký, như vậy chẳng phải ngươi đã bị tiếm quyền rồi sao? Chỉ cần gặp phải chuyện kẻ địch lại Đấng Christ gây nhiễu loạn cho công tác của hội thánh là lãnh đạo giả liền đờ đẫn ra. Họ giống như kẻ ngốc nhìn thấy sói vậy, không biết phải làm thế nào, cứ trơ mắt nhìn mình bị tiếm quyền, trở thành bù nhìn, mà chẳng làm được gì cả. Họ thật đúng là kẻ khiếp nhược! Họ không thể giải quyết được vấn đề, không thể phân định, vạch trần kẻ địch lại Đấng Christ, càng không thể hạn chế kẻ địch lại Đấng Christ làm bất kỳ việc ác nào, đồng thời còn không phản ánh lên Bề trên. Như vậy chẳng phải là phế vật sao? Chọn ngươi làm lãnh đạo còn có ích gì chứ? Kẻ địch lại Đấng Christ làm xằng làm bậy, công khai hoang phí của lễ, hình thành thế lực địch lại Đấng Christ trong hội thánh và xây dựng vương quốc độc lập, ngươi thì ở đó mà không có chút tác dụng giám sát, vạch trần, ngăn chặn hay xử lý bọn họ, lại còn đến chỗ Ta mà kể khổ. Ngươi còn làm lãnh đạo gì chứ? Thật là phế vật! Băng nhóm của kẻ địch lại Đấng Christ làm chuyện gì cũng lén lút bàn thảo rồi tự mình quyết định, còn không cho lãnh đạo quyền được biết chứ đừng nói đến quyền quyết sách. Họ trực tiếp phủ nhận lãnh đạo, họ một tay che trời và có tiếng nói quyết định. Vậy lãnh đạo phụ trách quản lý họ ở ngay bên cạnh thì làm những việc gì? Họ hoàn toàn không thực hiện được chút vai trò kiểm tra, giám sát, quản lý, quyết sách nào đối với những công tác này, cuối cùng để kẻ địch lại Đấng Christ nắm quyền, cưỡi lên đầu họ và quản lý họ. Đây có phải là vấn đề xảy ra khi lãnh đạo giả làm công tác không? Vậy thực chất của vấn đề này là gì? Căn nguyên nằm ở đâu? Chính là vì loại người như lãnh đạo giả có tố chất kém, không có năng lực công tác, kẻ địch lại Đấng Christ căn bản là không xem họ ra gì, nói rằng: “Anh là lãnh đạo thì sao chứ? Tôi vẫn không nghe theo anh như thường, vẫn hành động vượt cấp như thường. Nếu anh phản ánh lên Bề trên thì chúng tôi sẽ trừng trị anh!”. Thế là lãnh đạo giả không dám phản ánh về chuyện này. Chẳng những lãnh đạo giả không có năng lực công tác, mà họ còn không dám giữ vững nguyên tắc, sợ đắc tội người ta, không có chút lòng trung thành nào. Đây có phải là vấn đề nghiêm trọng không? Nếu họ thật sự có chút tố chất, hiểu lẽ thật, thấy được rằng những kẻ này đều không phải thứ tốt đẹp gì, thì họ sẽ nói: “Một mình mình không dám vạch trần họ, vậy thì mình sẽ cùng một vài anh chị em tương đối mưu cầu lẽ thật và hiểu lẽ thật cùng nhau thông công để giải quyết những vấn đề này. Nếu sau khi thông công với họ mà vẫn không tỉa sửa được kẻ địch lại Đấng Christ, vậy thì mình sẽ phản ánh lên Bề trên để Bề trên giải quyết. Chuyện khác thì mình không làm được, nhưng trước tiên mình phải bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Những chuyện mình đã nhìn thấu được và những vấn đề mình đã phát hiện ra, mình tuyệt đối sẽ không để chúng tiếp tục phát triển”. Đây có phải biện pháp để giải quyết vấn đề không? Có phải cũng coi như đã làm tròn trách nhiệm không? Nếu ngươi có thể làm được điểm này, Bề trên cũng không nói rằng ngươi tố chất kém và không có năng lực công tác. Vậy mà đến cả chút việc như phản ánh vấn đề lên Bề trên mà ngươi cũng làm không được, nên ngươi bị xác định tính chất là phế vật, lãnh đạo giả. Chẳng những ngươi có tố chất kém và không có năng lực công tác, mà đến cả đức tin và dũng khí nương cậy nơi Đức Chúa Trời để vạch trần và chiến đấu với kẻ địch lại Đấng Christ, ngươi cũng không có, vậy thì chẳng phải ngươi là phế vật sao? Loại người bị kẻ địch lại Đấng Christ tiếm quyền thì có đáng thương không? Nghe thì có vẻ đáng thương hại, dù sao thì họ không làm chuyện gì xấu, khi làm công tác cũng cẩn thận sợ làm sai chuyện gì đó, sợ bị tỉa sửa, cũng sợ bị anh chị em xem thường, kết quả là sống sờ sờ mà bị kẻ địch lại Đấng Christ tiếm quyền. Cho dù họ có nói gì cũng vô dụng, có họ hay không có họ thì cũng như nhau. Nhìn bề ngoài họ trông có vẻ đáng thương, nhưng thực tế thì họ rất đáng hận. Các ngươi nói xem, vấn đề mà con người không giải quyết được thì nhà Đức Chúa Trời có giải quyết được không? Người ta có nên phản ánh với Bề trên không? (Thưa, nên.) Ở nhà Đức Chúa Trời, không có vấn đề nào là không giải quyết được cả. Lời Đức Chúa Trời có thể giải quyết bất kỳ vấn đề gì. Ngươi không có đức tin thực sự nơi Đức Chúa Trời sao? Đến cả chút đức tin mà ngươi cũng không có, ngươi còn xứng làm lãnh đạo sao? Chẳng phải ngươi là kẻ khiếp nhược sao? Ngươi không chỉ là lãnh đạo giả, đến cả chút đức tin tối thiểu đối với Đức Chúa Trời mà ngươi cũng không có, ngươi là kẻ chẳng tin, không xứng làm lãnh đạo!
Về mục thứ tư trong các chức trách của lãnh đạo và người làm công, chúng ta đã liệt kê ra năm phương diện để vạch trần cách lãnh đạo giả đối đãi các hạng mục công tác và người phụ trách, và căn cứ vào năm phương diện này để mổ xẻ về đủ loại biểu hiện như việc lãnh đạo giả có tố chất quá kém, không thể đảm đương được công tác, cũng không làm công tác thực tế. Sau khi thông công như vậy, có phải các ngươi đã rõ ràng hơn đôi chút về cách phân định lãnh đạo giả rồi không? (Thưa, đúng vậy.) Tốt rồi, vậy hôm nay chúng ta thông công đến đây thôi. Tạm biệt!
Ngày 23 tháng 1 năm 2021