95. Hậu quả khi không bao giờ nghi ngờ người mình dùng
Tôi là một chấp sự phúc âm trong hội thánh. Ngoài việc tự mình rao giảng phúc âm, tôi còn giám sát, theo dõi tình hình thực hiện bổn phận của những người rao truyền phúc âm. Đối với những người có khuynh hướng làm qua loa chiếu lệ, tôi sẽ theo sát họ. Chẳng hạn như, tôi sẽ tìm hiểu kỹ tình hình của những đối tượng phúc âm mà họ đang phụ trách, cách họ thông công và làm chứng. Đôi lúc nhận thấy họ làm bổn phận không có trách nhiệm, tôi sẽ tỉa sửa và vạch trần vấn đề của họ. Tuy nhiên, với một số anh chị em vốn siêng năng trong bổn phận, tôi chỉ hỏi sơ qua xem họ có gặp khó khăn gì không. Tôi chưa bao giờ xem xét liệu họ có thể không làm tròn trách nhiệm hay lơ là công việc không. Thậm chí tôi còn nghĩ: “Nếu mình theo sát công tác của anh chị em quá, thì liệu họ có nghĩ rằng mình không tin tưởng họ? Nếu họ nảy sinh ý kiến tiêu cực về mình, thì sẽ rất khó xử khi hòa hợp với nhau”. Vì vậy, tôi hiếm khi theo dõi hay giám sát chi tiết công tác của họ.
Một hôm, tôi nhận được tin nhắn từ người chị em phối hợp cùng tôi. Chị ấy tố cáo chị Trương Ninh làm người rao truyền phúc âm mà vô trách nhiệm, gặp khó khăn là rút lui, khiến công tác bị chậm trễ. Tôi bất ngờ khi đọc được tin nhắn này và tự hỏi: “Liệu có nhầm lẫn gì không? Trương Ninh thường rất siêng năng trong bổn phận, sao chị ấy lại có những vấn đề như vậy được?”. Dù đã hứa sẽ tìm hiểu, nhưng tôi vẫn không tin những chuyện như vậy lại thực sự xảy ra. Vì thế, tôi chỉ hỏi Trương Ninh qua loa về tình hình rao truyền phúc âm của chị ấy. Chị ấy nói gần đây gặp một số khó khăn trong việc rao truyền phúc âm. Một vài đối tượng phúc âm có nhiều quan niệm tôn giáo, trong khi một số khác lại không trả lời tin nhắn của chị ấy. Lúc đó tôi nghĩ: “Mình có nên kiểm tra công tác của chị ấy, xem có vấn đề gì không?”. Nhưng rồi lại nghĩ: “Trương Ninh thường có thái độ tốt với bổn phận. Nếu mình kiểm tra công tác của chị ấy kỹ quá, liệu chị ấy có cảm thấy mình không tin tưởng và gieo nghi ngờ vào chị ấy không? Nếu vậy, hằng ngày nhìn thấy nhau sẽ rất khó xử! Nếu chị ấy nảy sinh ý kiến tiêu cực về mình thì sau này sẽ khó phối hợp với nhau. Hơn nữa, Trương Ninh từng làm chấp sự phúc âm, nên chị ấy ắt biết cách làm việc để đạt kết quả. Chị ấy sẽ không vô trách nhiệm hay gặp khó là rút lui đâu. Chị ấy cũng nhắc đến một vài lý do, chắc hẳn chị ấy đang thực sự gặp khó khăn”. Nghĩ vậy, tôi không tìm hiểu thêm nữa. Vài ngày sau, người chị em phối hợp cùng tôi lại phản ánh Trương Ninh vô trách nhiệm trong rao truyền phúc âm, không bỏ công sức thông công và làm chứng cho đối tượng phúc âm. Lần này, tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Người chị em phối hợp cùng tôi liên tục phản ánh vấn đề của Trương Ninh, nên tôi không thể phớt lờ thêm nữa. Vì thế, tôi lập tức nói chuyện với Trương Ninh, hỏi tình hình chi tiết về từng đối tượng phúc âm. Lần kiểm tra này đúng là đã vạch trần một số vấn đề. Một số đối tượng phúc âm đã tham gia nhóm họp hai hoặc ba lần, nhưng chị ấy hoàn toàn không nắm được tình hình của họ, không biết họ có quan niệm hay vấn đề gì. Với một số đối tượng phúc âm khác, chị ấy chỉ gửi vài tin nhắn chào hỏi sơ sài, không theo dõi hay thông công thêm. Chị ấy thậm chí còn bỏ qua nhiều đối tượng phúc âm phù hợp. Tôi bị sốc khi nhìn thấy những vấn đề này. Biểu hiện của Trương Ninh khác hẳn với ấn tượng trước đây của tôi. Trong ấn tượng của tôi, chị ấy làm bổn phận siêng năng và có trách nhiệm, nên khi theo dõi công tác của chị ấy, tôi tin tưởng rất nhiều, nghĩ rằng chị ấy sẽ không có vấn đề gì. Ngay cả khi phát hiện một số vấn đề, tôi cũng không coi trọng. Tôi bắt đầu tự hỏi: Tại sao mình lại tin tưởng chị ấy đến vậy? Tại sao mình không theo dõi và nắm được công tác của chị ấy kỹ lưỡng như với những người khác? Tôi thấy tự trách vô cùng. Dù bây giờ tôi đã phát hiện ra vấn đề của chị ấy, nhưng đã quá muộn để bù đắp những tổn thất gây ra.
Trong lúc phản tỉnh, tôi đọc được một đoạn lời Đức Chúa Trời: “Các lãnh đạo giả còn có một điểm chí mạng nữa, đó là họ dễ dàng dựa trên tưởng tượng của mình mà tin tưởng người nào đó. Đây chẳng phải do họ không hiểu lẽ thật sao? Lời Đức Chúa Trời vạch rõ thực chất của nhân loại bại hoại thế nào? Đức Chúa Trời đâu có tin tưởng con người, họ dựa vào cái gì mà tin vậy? Có phải lãnh đạo giả quá kiêu ngạo và tự cho mình là đúng không? Họ cho rằng: ‘Tôi không thể nhìn nhầm người, người mà tôi đã nhìn trúng thì sẽ không để xảy ra sai sót gì được. Người này tuyệt đối không phải là người ăn uống chơi bời, ham ăn biếng làm. Họ tuyệt đối có thể cậy dựa và đáng tin. Họ sẽ không thay đổi; nếu họ thay đổi thì chẳng lẽ mình đã nhìn nhầm à?’. Đây là loại lôgic gì vậy? Ngươi là cao nhân gì sao? Ngươi có đôi mắt nhìn xuyên thấu sao? Ngươi có bản lĩnh này không? Ngươi có thể sống với người này trong một hoặc hai năm, nhưng nếu không có hoàn cảnh thích hợp để tỏ lộ triệt để thực chất bản tính của họ, thì ngươi có thể nhìn thấu họ không? Nếu họ không bị Đức Chúa Trời tỏ lộ, ngươi có thể sống bên cạnh họ ba năm, năm năm, mà vẫn rất khó nhìn thấu được thực chất bản tính của họ rốt cuộc là gì, huống hồ là đối với người mà ngươi không thường xuyên gặp mặt, không sống cùng một chỗ! Chỉ dựa vào ấn tượng nhất thời hoặc nghe ai đó nói vài câu đánh giá tốt về người đó mà đã tùy tiện tin tưởng họ, dám giao phó công tác của hội thánh cho họ. Như vậy, chẳng phải họ quá mù quáng rồi sao? Chẳng phải họ làm xằng làm bậy sao? Và khi làm việc như vậy thì chẳng phải lãnh đạo giả cực kỳ vô trách nhiệm sao?” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (3), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Đức Chúa Trời vạch trần rằng những lãnh đạo giả thường vô trách nhiệm trong công tác, ngạo mạn và tự cho mình là đúng. Họ nghĩ rằng mình có thể đánh giá người khác chính xác, nên mù quáng tin tưởng người khác, dẫn đến tổn thất trong công tác. Về việc của Trương Ninh, tôi cũng vô trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng chị ấy từng làm chấp sự phúc âm trước đây, khi làm bổn phận trước đó cũng được đánh giá khá tốt, nên chắc chị ấy sẽ không gây ra vấn đề gì. Tôi cảm thấy yên tâm và để chị ấy làm nhiều việc mà không giám sát. Vì vậy, mỗi lần kiểm tra công tác của chị ấy, tôi chỉ làm cho có. Khi công tác xuất hiện những sai sót, và người chị em phối hợp cùng tôi đã phản ánh vấn đề của Trương Ninh, nhưng tôi vẫn không tin, nghĩ rằng chị ấy không phải người như vậy. Tôi chỉ hỏi han sự việc theo hình thức, và mù quáng tin tưởng vào những lý do mà Trương Ninh đưa ra. Mãi đến khi người chị em phối hợp cùng tôi nhắc nhở lần thứ hai, tôi mới muộn màng theo dõi công tác của Trương Ninh. Nhưng đến lúc đó thì thiệt hại đã xảy ra rồi. Đức Chúa Trời yêu cầu người phụ trách phải giám sát, theo dõi công tác. Vậy mà, tôi lại mù quáng tin tưởng người khác, không làm công tác thực tế, tôi thật sự vô trách nhiệm! Nhận ra điều này, lòng tôi tràn đầy ăn năn và tội lỗi.
Sau đó, tôi tiếp tục tìm kiếm sự dẫn dắt. Vì sao tôi không giám sát công tác của Trương Ninh? Trong lúc tĩnh nguyện, tôi đọc được một đoạn lời của Đức Chúa Trời: “Câu ‘Dùng người thì không nghi, nghi người thì không dùng’ này, đa số mọi người đã từng nghe qua, các ngươi cho rằng câu này đúng hay sai? (Thưa, sai.) Các ngươi đã cho rằng nó sai, tại sao trong cuộc sống hiện thực vẫn còn để nó ảnh hưởng mình? Khi gặp phải chuyện như thế này, thì quan điểm này sẽ lộ ra, các ngươi sẽ ít nhiều bị nó gây nhiễu loạn, một khi bị gây nhiễu loạn thì việc thực hiện công tác sẽ bị suy giảm đi phần nào. Ngươi cho rằng câu này sai, xác định tính chất nó là sai, vậy tại sao vẫn có thể để nó ảnh hưởng mình, vẫn có thể dùng nó mà an ủi bản thân? (Thưa, bởi vì người ta không hiểu lẽ thật thì sẽ không dựa vào lời Đức Chúa Trời mà thực hành, cho nên họ sẽ xem triết lý xử thế của Sa-tan là nguyên tắc và chuẩn tắc mà thực hành.) Đây là một nguyên nhân. Còn gì nữa? (Thưa, bởi vì câu này tương đối phù hợp với lợi ích xác thịt của con người, nên khi người ta không hiểu lẽ thật thì sẽ tự nhiên dựa theo câu này mà hành động.) Không phải là không hiểu lẽ thật thì mới như vậy, người ta hiểu lẽ thật rồi mà cũng không thể thực hành theo lẽ thật. ‘Tương đối phù hợp với lợi ích xác thịt của con người’, điểm này đúng, nghĩa là người ta thà tuân thủ một quỷ kế, một triết lý xử thế của Sa-tan để bảo vệ lợi ích xác thịt của mình, chứ chẳng thực hành lẽ thật. Ngoài ra, họ làm như vậy là có căn cứ. Căn cứ gì? Chính là câu này được quần chúng công nhận là đúng, họ làm theo câu này thì trước mặt mọi người, họ sẽ có thể có chỗ đứng và không bị chỉ trích. Bất kể là từ góc độ đạo đức, pháp luật hay quan niệm truyền thống, nó đều là một quan niệm và cách làm có thể đứng vững được. Do đó, khi ngươi không sẵn lòng thực hành lẽ thật, hoặc khi ngươi không hiểu lẽ thật, thì ngươi thà đắc tội với Đức Chúa Trời, làm trái lẽ thật và lùi về một chỗ để khỏi phá vỡ một ranh giới cuối cùng của đạo đức. Chỗ này là gì? Chính là ranh giới cuối cùng ‘Dùng người thì không nghi, nghi người thì không dùng’. Ngươi lùi về chỗ này, dựa theo câu này mà hành động, thì có thể yên dạ yên lòng. Tại sao ngươi lại có thể yên dạ yên lòng? Bởi vì trên đời ai cũng nghĩ theo cách này. Ngoài ra, trong ngươi còn có một quan niệm, chính là tội ai cũng phạm thì luật pháp không xét, ngươi cảm thấy: ‘Ai cũng nghĩ theo cách này, nếu mình thực hành theo câu này, thì Đức Chúa Trời có định tội mình hay không cũng chẳng sao, mình đâu có thấy được Đức Chúa Trời, đâu có chạm vào được Đức Thánh Linh. Thực hành theo câu này thì ít ra mọi người sẽ thấy mình có chút tính người, có chút lương tâm’. Ngươi vì cái ‘tính người’ này, vì để khiến quần chúng không nhìn ngươi với ánh mắt thù hằn mà ngươi chọn cách phản bội lẽ thật, sau đó khiến mọi người đều nói là ngươi tốt, không chỉ trích ngươi, rồi ngươi sống thật thoải mái, yên dạ yên lòng. Cái ngươi mong cầu chính là được yên dạ yên lòng. Sự yên dạ yên lòng này của con người có phải là biểu hiện yêu thích lẽ thật không? (Thưa, không phải.) Vậy nó là tâm tính gì? Trong đó có sự giả dối không? Có sự giả dối” (Bài bàn thêm 1: Lẽ thật là gì, Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ). Soi xét bản thân dưới ánh sáng lời Đức Chúa Trời, tôi nhận ra rằng việc tôi không giám sát công tác của Trương Ninh là do tôi bị chi phối bởi triết lý xử thế của Sa-tan: “Dùng người thì không nghi, nghi người thì không dùng”. Tôi đã cho rằng nếu giao việc cho ai thì không nên nghi ngờ người đó, nếu không sẽ là không tin tưởng họ. Tôi lo rằng nếu kiểm tra kỹ công tác của Trương Ninh, chị ấy sẽ cảm thấy tôi không tin tưởng chị ấy, rồi sinh thành kiến với tôi. Vì thế, tôi không theo dõi công tác của chị ấy, không làm tròn trách nhiệm của mình, khiến công tác bị trì hoãn. Tôi đã lấy lý do có vẻ chính đáng là “Dùng người thì không nghi, nghi người thì không dùng” làm cái cớ để không giám sát và kiểm tra công tác, chỉ để tránh xúc phạm người khác, từ đó có thể bảo vệ danh tiếng và địa vị của mình. Những gì tôi tỏ lộ là tâm tính ích kỷ, giả dối của Sa-tan. Dù tin và theo Đức Chúa Trời, ăn uống lời Ngài và làm bổn phận, nhưng tôi lại không lấy lời Ngài làm nguyên tắc trong hành động và cách đối nhân xử thế của mình. Khi sự việc xảy đến với mình, tôi vẫn dựa vào triết lý Sa-tan để xử lý, lơ là giám sát hay kiểm tra công tác, không làm tròn trách nhiệm trong bổn phận của mình. Tôi đã chống đối và phản bội Đức Chúa Trời. Nhận ra điều này, tôi vô cùng sợ hãi, đồng thời tôi cũng nhận ra rằng sống theo triết lý Sa-tan chỉ làm hại chính mình.
Sau đó, tôi đọc được một đoạn lời khác của Đức Chúa Trời: “Các ngươi nói xem, quan điểm ‘Dùng người thì không nghi, nghi người thì không dùng’ có đúng không? Câu này là lẽ thật sao? Tại sao người ta lại dùng câu này trong công tác của nhà Đức Chúa Trời và trong việc làm bổn phận? Vấn đề ở đây là gì? Câu ‘Dùng người thì không nghi, nghi người thì không dùng’ này rõ ràng là lời của người ngoại đạo, là lời đến từ Sa-tan – vậy tại sao họ lại có thể xem nó là lẽ thật? Tại sao họ không thể phân định nó đúng hay sai? Đây rõ ràng là lời của con người, lời của nhân loại bại hoại, căn bản không phải là lẽ thật, không có chút gì hợp với lời Đức Chúa Trời, và không nên dùng làm chuẩn tắc cho cách hành xử, hành động và việc thờ phượng Đức Chúa Trời của con người. Vậy nên tiếp cận câu này như thế nào? Nếu thực sự có khả năng phân định, ngươi nên dùng nguyên tắc lẽ thật nào để thay thế câu này mà làm nguyên tắc thực hành của ngươi? Chính là hết lòng, hết linh hồn, hết trí làm tốt bổn phận. Hết lòng, hết linh hồn, hết trí chính là không bị kìm kẹp bởi ai cả; là một lòng một dạ, không được hai lòng. Đây là trách nhiệm của ngươi, là bổn phận của ngươi mà ngươi nên làm tròn, đây là điều thiên kinh địa nghĩa. Bất kể gặp phải vấn đề gì, ngươi cũng nên làm việc theo nguyên tắc. Nên xử lý thế nào thì xử lý thế ấy; cần tỉa sửa thì tỉa sửa, cần cách chức thì cách chức. Nghĩa là làm việc dựa trên lời Đức Chúa Trời và lẽ thật. Chẳng phải đây là nguyên tắc sao? Chẳng phải điều này hoàn toàn trái ngược với câu ‘Dùng người thì không nghi, nghi người thì không dùng’ sao? ‘Dùng người thì không nghi, nghi người thì không dùng’ có nghĩa là gì? Nghĩa là nếu đã dùng người này thì không nên hoài nghi họ, nên buông lỏng không quan tâm, để họ muốn làm gì thì làm; còn nếu hoài nghi họ, thì không nên dùng họ. Chẳng phải là ý này sao? Như vậy là hoàn toàn sai rồi. Nhân loại đã bị Sa-tan làm bại hoại sâu sắc, ai cũng có tâm tính Sa-tan, ai cũng có thể phản bội và chống đối Đức Chúa Trời. Có thể nói rằng không ai đáng tin cậy cả. Ngay cả khi người ta thề non hẹn biển thì cũng vô ích bởi vì con người bị tâm tính bại hoại kìm kẹp và không thể kiểm soát bản thân. Họ phải tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời thì mới có thể giải quyết vấn đề tâm tính bại hoại của mình, mới có thể giải quyết triệt để vấn đề chống đối và phản bội Đức Chúa Trời, cũng có nghĩa là giải quyết tận gốc tội lỗi của con người. Tất cả những ai chưa trải qua sự phán xét và làm tinh sạch của Đức Chúa Trời, chưa đạt được sự cứu rỗi thì đều không thể tin cậy, đều không đáng tin. Do vậy, khi dùng ai đó, ngươi phải giám sát, chỉ đạo, còn phải tỉa sửa họ, và thường xuyên thông công về lẽ thật. Chỉ có như vậy, ngươi mới có thể thấy rõ liệu có thể tiếp tục giữ họ lại mà dùng hay không. Nếu có người có thể tiếp nhận lẽ thật, tiếp nhận sự tỉa sửa, còn có thể trung thành làm bổn phận, và không ngừng tiến bộ trong sự sống, thì có như vậy mới là người thực sự dùng được” (Bài bàn thêm 1: Lẽ thật là gì, Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ). Lời Đức Chúa Trời đã chỉ ra con đường thực hành cho con người. Dù danh tiếng hay lợi ích cá nhân có bị tổn hại, thì làm bổn phận theo yêu cầu của Đức Chúa Trời là nguyên tắc mà tôi cần giữ vững. Là người phụ trách, giám sát và theo dõi công tác là nhiệm vụ của tôi. Bất kể là ai, chỉ cần thuộc phạm vi tôi phụ trách, thì tôi đều phải giám sát và theo dõi họ. Nếu thấy họ qua loa chiếu lệ, vô trách nhiệm hoặc vi phạm nguyên tắc, tôi cần giúp đỡ, chỉnh sửa và tỉa sửa họ. Nếu họ vẫn không sửa đổi, thì cần phải điều chỉnh hoặc cách chức. Tôi không nên buông lỏng quản lý hoặc mù quáng tin tưởng người khác, vì đây là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm và dại dột. Chúng ta đã bị Sa-tan làm cho bại hoại quá sâu, và thường sống theo tâm tính bại hoại của mình, làm bổn phận thì qua loa chiếu lệ, dùng mánh khóe để lười biếng. Trước khi tâm tính bại hoại được làm tinh sạch thì không ai là đáng tin cậy cả. Vì vậy, con người cần lãnh đạo và người làm công giám sát. Điều này cũng là để thúc đẩy họ làm bổn phận tốt hơn. Dù Trương Ninh từng làm chấp sự phúc âm, thường siêng năng và có trách nhiệm trong bổn phận, nhưng sau khi bị cách chức, chị ấy sống trong tình trạng quy định bản thân là có tố chất kém. Chị ấy phần nào trở nên tiêu cực và bị động trong bổn phận mới, dẫn đến nhiều công tác không được hoàn thành kịp thời. Vì không giám sát và theo dõi công tác của chị ấy, nên tôi đã không thể kịp thời phát hiện và giải quyết tình trạng của chị ấy.
Tôi đọc được một đoạn lời khác của Đức Chúa Trời và tìm được con đường để đi theo khi làm công tác thực tế. Đức Chúa Trời phán: “Bất kể lãnh đạo hay người làm công làm công tác quan trọng nào, bất kể tính chất của công tác này là gì, thì ưu tiên số một của họ cũng là hiểu rõ và nắm rõ hiện trạng công tác. Họ phải có mặt trực tiếp để theo sát và hỏi han, đích thân nắm rõ thông tin trực tiếp. Họ không được chỉ nghe tin truyền miệng, hoặc nghe báo cáo của người khác; thay vào đó, họ phải tận mắt quan sát tình hình nhân sự, tình hình tiến triển của công tác, hiểu rõ chỗ nào có khó khăn, có chỗ nào trái với yêu cầu của Bề trên hay không, có vấn đề làm trái nguyên tắc, gây gián đoạn và nhiễu loạn không, có thiếu thiết bị hay tài liệu hướng dẫn cần thiết cho công tác nghiệp vụ hay không – họ phải nắm rõ những điều này như lòng bàn tay. Bất kể nghe người ta báo cáo bao nhiêu, nghe tin truyền miệng được bao nhiêu, thì đều không bằng đích thân đi xem tận mắt. Tận mắt chứng kiến thì sẽ chính xác và đáng tin cậy hơn; một khi họ đã quen với tình hình, họ sẽ nắm bắt tốt về những gì đang diễn ra” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (4), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu rằng khi làm công tác, ta không thể mù quáng tin tưởng người khác hay buông lỏng quản lý sau khi giao phó nhiệm vụ, mà phải đích thân giám sát, kiểm tra công tác của mọi người. Hơn nữa, chỉ kiểm tra một lần thôi là chưa đủ, mà ta cần theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định, nắm rõ tiến độ và tình hình cụ thể công tác của anh chị em. Chỉ như vậy ta mới có thể kịp thời phát hiện vấn đề của họ và thông công để điều chỉnh cho đúng. Nếu không, họ có thể sẽ gây ra tổn thất trong công tác. Nhận ra điều này, tôi bèn cầu nguyện với Đức Chúa Trời, bày tỏ ý nguyện ăn năn, thực hiện bổn phận theo yêu cầu của Ngài, và làm tốt công việc của mình. Những ngày sau đó, khi theo dõi công tác, tôi chú tâm tìm hiểu tình hình công tác của anh chị em, không phân biệt họ có xuất thân hay kinh nghiệm rao truyền phúc âm ra sao, tất cả đều được tôi giám sát và theo dõi như nhau.
Về sau, tôi cần theo dõi công tác của chị Lý Dĩnh. Trước đây, tôi đã từng phối hợp với chị ấy, ban đầu tôi nghĩ: “Chị ấy biết cách làm việc, chắc không cần mình giám sát đâu”. Nhưng khi ý nghĩ này vừa xuất hiện, tôi liền nhận ra nó không đúng. Tôi không thể làm bổn phận theo triết lý ‘dùng người thì không nghi’ của Sa-tan nữa. Vì thế, tôi ý thức nỗ lực tìm hiểu tình hình công tác của chị Lý Dĩnh. Một lần nọ, tôi nhận thấy kết quả công tác của chị ấy giảm sút. Ban đầu tôi chỉ nhắc nhở, nhưng sau đó không có sự cải thiện rõ rệt. Vì vậy, tôi trực tiếp tham gia công tác mà chị ấy phụ trách, nói chuyện cùng các anh chị em, tìm hiểu tình hình thực tế công tác, và cuối cùng tôi thực sự phát hiện ra một số vấn đề. Sau khi tôi chỉ ra những điểm đó cho Lý Dĩnh, hiệu quả làm bổn phận của chị ấy đã phần nào cải thiện. Lý Dĩnh cũng nói rằng việc giám sát và kiểm tra công tác như vậy thật hữu ích, vì gần đây đúng là chị ấy trì trệ trong bổn phận. Chị ấy cũng nói rằng sự giám sát này như lời nhắc nhở, thôi thúc chị ấy. Thực hành như vậy, lòng tôi cũng thấy thoải mái hơn. Những nhận thức và thay đổi mà tôi trải nghiệm này đều là nhờ sự dẫn dắt của lời Đức Chúa Trời. Tôi cảm tạ Ngài rất nhiều!