23. Phản tỉnh về việc khước từ sự giám sát
Những năm vừa qua, tôi phụ trách công tác thanh lọc trong hội thánh. Vì đã làm bổn phận này khá lâu cũng như nắm được một số nguyên tắc, nên tôi thường không cảm thấy nhiều áp lực từ bổn phận, và có thể dễ dàng hoàn thành công tác. Không biết từ lúc nào, tôi bắt đầu thực hiện bổn phận theo ý thích, làm việc một cách rảnh rang. Không lâu sau, lãnh đạo yêu cầu kiểm tra toàn diện để xác định những người cần bị thanh trừ. Tôi đã nộp danh sách những người đã xác minh được cho lãnh đạo. Sau đó, họ thường xuyên hỏi tôi về tình hình cụ thể của từng người trong danh sách, còn hỏi bao giờ tôi có thể sắp xếp xong tài liệu thanh trừ, v.v.… Đối mặt với sự giám sát và theo dõi của lãnh đạo, tôi nghĩ: “Chẳng phải tôi đang làm đây sao? Tôi có ngồi không đâu. Các anh chị không tin tôi sao? Việc bổ sung, xác minh thông tin đâu thể nhanh như vậy? Sao anh chị theo sát tôi thế? Anh chị có cho tôi chút tự do không đây?”. Nhưng rồi tôi nhận ra nếu không nhanh chóng hoàn thành, lãnh đạo có thể nói tôi thiếu gánh nặng, thế nên tôi đành phải xác minh và bổ sung thông tin nhanh nhất có thể. Sau đó, tôi sắp xếp kín lịch mỗi ngày. Làm vậy khiến tôi cảm thấy gò bó và ức chế khi thực hiện bổn phận. Về sau, khi báo cáo công tác, tôi đã không nộp danh sách tên những người cụ thể sau khi kiểm tra. Lãnh đạo cho rằng tôi sắp hoàn thành nhiệm vụ nên không theo dõi và giám sát công tác của tôi thường xuyên như trước nữa, vì vậy mà tôi cũng mất đi cảm giác cấp bách. Có lúc, rõ ràng buổi sáng tôi có thể đến hội thánh để bổ sung tài liệu, nhưng tôi lại trì hoãn đến trưa mới đi. Tôi cũng không có kế hoạch rõ ràng, cứ tùy ý mà làm. Sau này, lãnh đạo phát hiện tôi đã không báo cáo danh sách tên một số người cần bị thanh trừ. Họ liền tỉa sửa tôi vì làm bổn phận mà cứng đầu, không tiếp nhận sự giám sát và chẳng hề nghĩ đến công tác của hội thánh chút nào. Lúc đó, trong lòng tôi rất phản kháng, nghĩ rằng tôi chỉ chưa báo cáo lên lãnh đạo danh sách hoàn chỉnh, chứ không phải là tôi không làm. Hơn nữa, tôi có trì hoãn bổn phận của mình đâu.
Sau đó, tôi đọc được lời Đức Chúa Trời: “Kẻ địch lại Đấng Christ không cho phép người khác can thiệp, hỏi han hay giám sát mình trong công tác. Bất kể nhà Đức Chúa Trời sắp xếp người theo sát, nắm bắt hay giám sát công tác của họ thế nào, thì họ đều dùng đủ mọi cách mà cản trở và cự tuyệt. Chẳng hạn như, có người được Bề trên giao cho một công tác, mà sau thời gian dài vẫn chẳng có chút tiến triển gì. Rốt cuộc họ có đang làm hay không, làm như thế nào, trong lúc làm có khó khăn hay vấn đề gì, những chuyện này họ đều không thưa với Bề trên, cũng không phản hồi gì. Có những công tác cấp bách và không được để chậm trễ, thế mà họ cứ cù nhây cù nhưa, qua thời gian dài mà vẫn chưa hoàn thành, nên Bề trên phải hỏi han. Vừa bị hỏi han là họ thấy mất mặt chịu không nổi, trong lòng chống đối: ‘Công tác này mới giao cho mình được hơn mười ngày, còn chưa biết tình hình thế nào mà đã đến hỏi han. Bề trên đặt yêu cầu quá cao với người ta rồi!’. Vừa mới hỏi han là họ đã bới lông tìm vết. Đây là vấn đề gì vậy? Các ngươi nói xem, Bề trên hỏi han thì có phải là chuyện bình thường hay không? Một mặt là vì muốn nắm bắt tình hình tiến triển công tác, xem có khó khăn gì cần giải quyết không, ngoài ra còn muốn nắm bắt người làm công tác này có tố chất thế nào, rốt cuộc có thể giải quyết vấn đề và làm tốt công tác hay không. Hầu hết trường hợp là vì Bề trên muốn biết ngọn nguồn tình hình thực tế nên mới hỏi han, đây mà là việc không nên làm sao? Bề trên sợ ngươi không biết giải quyết vấn đề và làm không được công tác này, nên mới hỏi han. Có những người rất chống đối và thấy ác cảm với kiểu hỏi han này, không sẵn lòng để người khác hỏi han. Chỉ cần có ai hỏi han là họ liền chống đối, ngờ vực, luôn ngẫm nghĩ: ‘Tại sao cứ hỏi han, nắm bắt tình hình mãi vậy? Có phải là không tin mình, không xem mình ra gì không? Nếu không tin mình thì đừng có dùng mình!’. Khi Bề trên hỏi han và giám sát, thì họ chẳng bao giờ thông hiểu, lại còn chống đối. Dạng người này có lý trí hay không? Tại sao họ không chịu để Bề trên hỏi han và giám sát? Tại sao họ lại còn có thể chống đối và phản kháng? Đây là vấn đề gì? Họ không quan tâm bản thân làm bổn phận có hiệu quả không, có làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác không. Khi làm bổn phận thì họ không tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật, mà muốn gì làm nấy, không suy xét đến hiệu quả và hiệu suất công tác, không suy xét đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời chút nào, càng không suy xét đến tâm ý của Đức Chúa Trời hay Ngài yêu cầu như thế nào. Trong lòng họ nghĩ: ‘Tôi làm bổn phận thì tôi có cách của tôi, lề lối của tôi. Ngài đừng đòi hỏi quá cao, cũng đừng yêu cầu quá chi tiết. Tôi có thể làm bổn phận là được rồi, tôi không thể chịu mệt chịu khổ quá nhiều’. Họ không thông hiểu cho việc Bề trên hỏi han và thăm dò, chuyện không thông hiểu này cho thấy họ thiếu thứ gì? Có phải là thiếu thuận phục không? Có phải là thiếu tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành không? Họ làm bổn phận mà thực sự có trách nhiệm và lòng trung thành, thì khi Bề trên hỏi han về công tác, họ có bài xích không? (Thưa, không.) Họ sẽ có thể thông hiểu. Nếu như họ thật sự không hiểu được, thì chỉ có một khả năng: đó là họ xem bổn phận là chức nghiệp, là cần câu cơm, cho nên họ vơ vét vốn liếng từ đó, đồng thời biến bổn phận thành điều kiện và quân cờ để đòi thưởng. Họ chỉ làm một chút việc gì tạo thanh thế bề ngoài để ứng phó với Bề trên, căn bản không xem sự ủy thác của Đức Chúa Trời là bổn phận và nghĩa vụ của mình. Cho nên Bề trên mà hỏi han hoặc giám sát công tác thì trong lòng họ sẽ thấy ác cảm, chống đối. Có phải như vậy không? (Thưa, phải.) Vấn đề này từ đâu mà ra? Thực chất của vấn đề này là gì? Chính là họ có thái độ sai lầm đối với công tác này, họ chỉ suy xét đến sự thoải mái và an nhàn của xác thịt, chỉ suy xét đến địa vị và thể diện của bản thân, chứ chẳng suy xét đến hiệu quả công tác và lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, chẳng hề tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật mà làm việc” (Mục 8. Họ khiến người khác chỉ thuận phục họ, chứ không thuận phục lẽ thật hay Đức Chúa Trời (Phần 2), Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ). Đức Chúa Trời vạch trần rằng kẻ địch lại Đấng Christ không muốn người khác giám sát công tác của mình. Khi bị lãnh đạo kiểm tra hay hỏi han công tác, họ liền thấy phản kháng, làm việc theo ý mình, không bận tâm đến hiệu quả công tác. Phản tỉnh về bản thân, tôi cũng có những biểu hiện giống vậy. Khi lãnh đạo hỏi về tiến độ công tác, tôi cảm thấy rất phản kháng, nghĩ rằng mình đâu có ngồi không, và rằng họ cứ hối thúc quá mức. Tuy vẫn thực hiện công tác sau đó, nhưng tôi lại làm rất miễn cưỡng. Thậm chí còn lừa dối lãnh đạo, không báo cáo trung thực thông tin chi tiết về những người tìm được trong quá trình điều tra, khiến lãnh đạo không thể giám sát công tác của tôi, để tôi có thể thoải mái thực hiện bổn phận tùy ý theo kế hoạch của mình. Nhìn bề ngoài thì tôi không nhàn rỗi, nhưng thái độ làm việc rảnh rang theo thói quen đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công tác. Tôi nhận ra mình thiếu tinh thần trách nhiệm trong bổn phận, không đáng tin cậy.
Sau đó, tôi đọc được những lời sau của Đức Chúa Trời: “Lãnh đạo giám sát công tác của ngươi là chuyện tốt, tại sao lại nói đó là chuyện tốt? Họ có thể giám sát công tác của ngươi, như vậy là có trách nhiệm đối với công tác của hội thánh, đây cũng là bổn phận và trách nhiệm của họ. Việc họ có thể làm tròn trách nhiệm này chứng tỏ họ là lãnh đạo xứng đáng với chức vụ của mình, là một lãnh đạo tốt. Nếu cho ngươi tự do và nhân quyền đầy đủ, thì ngươi có thể muốn làm gì thì làm, làm theo ý thích của mình, hưởng thụ sự tự do và dân chủ đầy đủ. Bất luận ngươi làm gì hay làm thế nào, nếu lãnh đạo không quan tâm cũng không giám sát, không bao giờ chất vấn, cũng không kiểm tra công tác của ngươi, cho dù phát hiện vấn đề cũng không nói, đối với ngươi chỉ có phỉnh phờ hoặc thương lượng, thì đây có phải là lãnh đạo tốt không? Quá rõ ràng là không phải, lãnh đạo này chỉ đang hại ngươi. Họ dung túng cho ngươi hành ác, dung túng ngươi đi ngược lại nguyên tắc, tùy ý làm càn, như thế là đẩy ngươi vào hố lửa. Đây không phải là một lãnh đạo có trách nhiệm và đạt tiêu chuẩn. Ngược lại, nếu lãnh đạo có thể thường xuyên giám sát ngươi, phát hiện vấn đề trong công tác của ngươi thì có thể kịp thời nhắc nhở hoặc chỉ trích, vạch trần, có thể kịp thời đưa ra sự uốn nắn, giúp đỡ đối với những mưu cầu sai trái hay những lệch lạc trong việc làm bổn phận của ngươi, thì dưới sự giám sát, chỉ trích, cung ứng và giúp đỡ này, thái độ sai lầm của ngươi đối với bổn phận sẽ có thể được thay đổi, ngươi sẽ buông bỏ được một vài quan điểm vô lý của mình, những cách nghĩ riêng và những thứ phát xuất từ khí huyết của ngươi cũng sẽ ít dần, và ngươi sẽ có thể bình tĩnh mà tiếp nhận những cách nói, quan điểm đúng đắn và phù hợp với nguyên tắc lẽ thật. Như vậy chẳng phải là có ích đối với ngươi sao? Lợi ích này quá lớn!” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (7), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Lời Đức Chúa Trời giúp tôi hiểu rằng lãnh đạo có trách nhiệm giám sát và theo dõi công tác. Điều này cũng cho thấy họ có trách nhiệm đối với bổn phận của mình, và hướng đến việc thực hiện tốt công tác của hội thánh. Đối mặt với sự giám sát của lãnh đạo, những người thực sự có lương tâm là lý trí sẽ thường xuyên phản tỉnh, kịp thời đúc kết, sửa chữa những sai lệch và vấn đề trong bổn phận để đạt được kết quả tốt hơn trong bổn phận. Nghĩ lại, lúc mới bắt đầu thực hiện công tác thanh lọc, tôi không hiểu chút nguyên tắc nào. Mãi đến khi được anh chị em thông công, giúp đỡ nhiều lần, tôi mới nắm được một số nguyên tắc và phần nào phân định được biểu hiện của nhiều loại người. Việc tôi thực hiện bổn phận này là một ân huệ đặc biệt, cũng là ân điển của Đức Chúa Trời. Hội thánh đã giao nhiệm vụ này cho tôi, lẽ ra tôi phải gánh vác bổn phận, dốc lòng dốc sức thực hiện để đảm bảo công tác tiến triển suôn sẻ, chứng minh mình là người có lương tâm và lý trí. Nhưng tôi lại thực hiện bổn phận một cách rảnh rang, hài lòng với việc chỉ cần có việc để làm, không nghĩ đến tiến độ công tác. Thậm chí, tôi còn lừa dối lãnh đạo, không báo cáo tình hình cụ thể để tránh bị lãnh đạo kiểm tra và giám sát công tác. Thực hiện bổn phận như vậy thì sao tôi dám nhận là mình có lương tâm hay nhân tính chứ? Tôi luôn trốn tránh sự giám sát, không muốn bị ràng buộc. Điều này khiến xác thịt tôi thoải mái, nhưng lại gây trì hoãn công tác, khiến tôi sa vào vi phạm. Tôi thật sự quá ngu dại!
Sau đó, tôi đọc thêm lời Đức Chúa Trời: “Vậy bổn phận là gì? Đó là sự ủy nhiệm được Đức Chúa Trời giao phó cho con người, là một phần trong công tác của nhà Đức Chúa Trời, và là trách nhiệm và nghĩa vụ mà mỗi một dân sự được Đức Chúa Trời chọn phải gánh vác. Bổn phận có phải là sự nghiệp của ngươi không? Đó có phải là vấn đề gia đình cá nhân không? Nói rằng một khi ngươi đã được giao bổn phận thì bổn phận này sẽ trở thành việc cá nhân của ngươi thì có đúng không? Điều này hoàn toàn không đúng. Vậy ngươi phải thực hiện bổn phận của mình như thế nào? Bằng cách hành động phù hợp với yêu cầu, lời và các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, cũng như hành vi của ngươi dựa trên các nguyên tắc lẽ thật thay vì trên những mong muốn chủ quan của con người. Một số người nói: ‘Một khi bổn phận đã được giao cho tôi, chẳng phải đó là việc riêng của tôi sao? Bổn phận của tôi là trách nhiệm của tôi, và chẳng phải những gì tôi phụ trách thì là việc riêng của tôi sao? Nếu tôi xử lý bổn phận như việc riêng của mình, chẳng phải điều đó có nghĩa là tôi sẽ làm tốt sao? Liệu tôi có làm tốt được không nếu tôi không coi nó như việc riêng của mình?’. Những lời này đúng hay sai? Chúng đều sai cả; chúng mâu thuẫn với lẽ thật. Bổn phận không phải là công việc cá nhân riêng của ngươi, đó là công việc của Đức Chúa Trời, đó là một phần công tác của Đức Chúa Trời, và ngươi phải làm như Đức Chúa Trời bảo; chỉ bằng cách thực hiện bổn phận với tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời thì ngươi mới có thể đạt tiêu chuẩn. Nếu ngươi luôn thực hiện bổn phận theo quan niệm và trí tưởng tượng của riêng mình, theo những khuynh hướng của riêng mình thì ngươi sẽ không bao giờ đạt được tiêu chuẩn. Chỉ mãi thực hiện bổn phận theo ý mình không phải là thực hiện bổn phận của ngươi, vì những gì ngươi đang làm không thuộc phạm vi quản lý của Đức Chúa Trời, đó không phải là công việc của nhà Đức Chúa Trời; mà thay vào đó, ngươi đang điều hành việc riêng của ngươi, thực hiện nhiệm vụ riêng của ngươi và do đó điều này không được Đức Chúa Trời nhớ đến” (Chỉ có tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật thì mới có thể làm tròn bổn phận của mình, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu ra rằng bổn phận là đến từ Đức Chúa Trời, là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đi theo Ngài, ta không thể muốn gì làm nấy như đối với việc trong nhà, mà cần tìm kiếm lẽ thật và thực hiện bổn phận theo nguyên tắc. Tôi phụ trách công tác thanh lọc trong hội thánh. Yêu cầu của Đức Chúa Trời đối với bổn phận này là nhanh chóng thanh trừ những kẻ địch lại Đấng Christ, những kẻ ác và những kẻ chẳng tin ra khỏi hội thánh, để anh chị em có đời sống hội thánh tốt đẹp. Nhưng tôi lại không quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời, không cân nhắc xem làm thế nào để nhanh chóng hoàn thành công tác theo nguyên tắc, hằng ngày chỉ nghĩ đến việc làm sao để xác thịt thoải mái, không phải chịu khổ, chịu mệt. Tôi đã thực hiện bổn phận một cách bướng bỉnh, thong dong, không vội vã. Với những việc có thể hoàn thành sớm, tôi không thúc đẩy tiến độ, cũng không sẵn lòng làm thêm một chút ngay cả khi có thể. Tôi còn cố tình giấu danh sách những người đủ điều kiện thanh trừ, không để lãnh đạo biết về tiến độ cụ thể của công tác, như vậy, họ sẽ không thể giám sát tôi, và tôi cũng không cần quá bận rộn hoặc mệt mỏi. Vì sự thoải mái xác thịt mà tôi đã nói dối và lừa gạt. Tôi thật sự không xứng đáng với bổn phận này!
Sau đó, tôi đã phản tỉnh bản thân. Tại sao tôi không sẵn lòng tiếp nhận sự giám sát và luôn muốn làm việc theo ý mình? Rồi tôi đọc được đoạn sau trong lời Đức Chúa Trời: “Những người chuyên tâm vào chính nghiệp của mình thì như thế nào? Họ là những người nhìn nhận những nhu cầu cơ bản của mình như ăn, mặc, ở, đi lại theo cách đơn giản. Đối với họ, chỉ cần những điều này đáp ứng được tiêu chuẩn bình thường là đủ. Họ quan tâm nhiều hơn đến con đường của mình trong đời, sứ mệnh của mình với tư cách là một con người, và nhân sinh quan, giá trị quan của mình. Những người không có triển vọng thì suốt ngày ngẫm nghĩ về điều gì? Họ luôn ngẫm nghĩ làm sao để chểnh mảng, làm sao để giở trò hòng trốn tránh trách nhiệm, làm sao để ăn chơi vui vẻ, làm sao để xác thịt mình được sống trong an nhàn và thoải mái, mà không quan tâm đến chính sự. Vì vậy, trong khung cảnh và hoàn cảnh thực hiện bổn phận của mình nơi nhà Đức Chúa Trời, họ cảm thấy ức chế. … Những cá nhân không chuyên tâm vào chính nghiệp của mình và làm theo ý mình này không muốn làm những chính sự này. Mục tiêu cuối cùng họ muốn đạt được khi làm việc theo ý muốn là sự thoải mái, khoái lạc và an nhàn về thể xác, và không bị hạn chế hay khiến cho uất ức dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là được ăn no nê mọi món mình muốn và làm theo ý mình. Chính vì phẩm chất nhân tính và sự mưu cầu trong nội tâm của họ mà họ thường cảm thấy ức chế. Cho dù ngươi có thông công về lẽ thật với họ như thế nào đi nữa, họ cũng sẽ không thay đổi, và sự ức chế của họ vẫn sẽ không được giải quyết. Họ chính là loại người như vậy; họ chính là loại không chuyên tâm vào chính nghiệp của mình. Mặc dù bề ngoài họ dường như chưa phạm phải điều gì đại ác hay là người xấu, mặc dù họ có vẻ chỉ là không tuân giữ nguyên tắc và quy định, nhưng trên thực tế, thực chất bản tính của họ là họ không chuyên tâm vào chính nghiệp của mình, không đi theo con đường đúng đắn. Những người như thế này không có lương tâm và lý trí của nhân tính bình thường, và không thể đạt được trí tuệ của nhân tính bình thường. Họ không suy nghĩ, cân nhắc hay mưu cầu những mục tiêu mà người có nhân tính bình thường mưu cầu, hay những thái độ sống và phương thức sinh tồn mà người có nhân tính bình thường nên có. Tâm trí họ ngày ngày chỉ đầy tư tưởng làm sao để tìm sự an nhàn và khoái lạc xác thịt. Thế nhưng, trong môi trường sống của hội thánh, họ không thể thỏa mãn những sở thích xác thịt của mình, và vì thế cảm thấy không thoải mái, ức chế. Những cảm xúc này nảy sinh trong họ như vậy. Nói Ta nghe, chẳng phải cuộc sống của những người như thế này thật mệt mỏi sao? (Thưa, phải.) Cuộc sống của họ có đáng thương không? (Thưa, không đáng thương.) Đúng vậy, không đáng thương. Nói nhẹ nhàng thì đây là loại người không chuyên tâm vào chính nghiệp của mình. Trong xã hội, ai là người không chuyên tâm vào chính nghiệp của mình? Đó là những kẻ ăn không ngồi rồi, ngu xuẩn, côn đồ, lưu manh, vô lại và biếng nhác – những kẻ như thế. Họ không muốn học thêm bất kỳ kỹ năng hay khả năng mới nào, và họ không muốn theo đuổi một sự nghiệp nghiêm túc hay tìm một công việc để trang trải cuộc sống. Họ là những kẻ ăn không ngồi rồi và biếng nhác của xã hội. Họ lẻn vào hội thánh, rồi muốn không làm mà có ăn cũng như muốn được dự phần trong phước lành. Họ là kẻ cơ hội. Những kẻ cơ hội này không bao giờ sẵn lòng thực hiện bổn phận của mình. Hễ chuyện không như ý dù chỉ một chút thôi cũng sẽ khiến họ cảm thấy ức chế. Họ luôn mong được sống tự do tự tại, không muốn làm bất kỳ loại công việc nào, mà vẫn muốn ăn ngon, mặc đẹp, thích gì ăn nấy, muốn ngủ lúc nào thì ngủ. Họ nghĩ rằng khi nào có một ngày như thế chắc chắn sẽ thật tuyệt vời. Họ không muốn chịu đựng dù chỉ một chút cực khổ nào và họ ao ước một cuộc sống hưởng thụ. Những người này thậm chí còn thấy cuộc sống thật mệt mỏi; họ bị trói buộc bởi những cảm xúc tiêu cực. Họ thường cảm thấy mệt mỏi, bối rối bởi vì không thể làm theo ý mình. Họ không muốn chuyên tâm vào chính nghiệp hay xử lý chính sự của mình. Họ không muốn gắn bó với một công việc và làm xuyên suốt từ đầu đến cuối, coi nó như một nghề nghiệp và bổn phận của chính mình, như nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; họ không muốn hoàn thành công việc và đạt được kết quả, hay thực hiện công việc theo tiêu chuẩn tốt nhất có thể. Họ chưa bao giờ có những suy nghĩ như thế. Họ chỉ muốn hành động chiếu lệ và dùng bổn phận của mình để kiếm cái ăn. Khi gặp phải chút áp lực hay một hình thức kiểm soát nào đó, khi phải tuân theo một tiêu chuẩn hơi cao hơn một chút, hoặc khi phải gánh vác một chút trách nhiệm, họ sẽ cảm thấy không thoải mái và ức chế. Những cảm xúc tiêu cực này nảy sinh trong họ, họ cảm thấy cuộc sống thật mệt mỏi, và họ khổ sở. Một nguyên nhân cơ bản khiến họ cảm thấy cuộc sống thật mệt mỏi là vì những người như thế này thiếu lý trí. Lý trí của họ không kiện toàn, họ suốt ngày chìm đắm trong ảo tưởng, sống trong mơ, sống trên mây, luôn tưởng tượng ra những chuyện hoang đường nhất. Đó là lý do tại sao rất khó giải quyết sự ức chế của họ. Họ không có hứng thú với lẽ thật, họ là người không tin. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là đề nghị họ rời khỏi nhà Đức Chúa Trời, trở lại thế tục, và tìm nơi an nhàn, thoải mái của riêng mình” (Cách mưu cầu lẽ thật (5), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi thấy rằng những người làm bổn phận theo ý thích, không chú tâm vào công tác chính đáng, thì không bao giờ nghĩ về chuyện chính đáng. Hằng ngày họ chỉ nghĩ cách để xác thịt được thoải mái. Dù đã thực hiện bổn phận nhiều năm đi nữa, họ vẫn giữ thái độ làm cho có, chẳng khác gì những kẻ lười nhác, ăn không ngồi rồi trong thế gian trần tục. Những người như vậy chán ghét lẽ thật, không yêu thích những điều tích cực, là những kẻ chẳng tin điển hình. Nếu không ăn năn, họ ắt sẽ bị tỏ lộ và bị loại bỏ. Tôi từng coi thường những kẻ lười nhác, ăn không ngồi rồi, nghĩ rằng họ không chú tâm vào công tác chính đáng, suốt ngày chỉ rong chơi lêu lổng. Đối chiếu bản thân với lời Đức Chúa Trời, giờ đây tôi thấy mình chẳng khác nào họ. Tôi làm bổn phận nhưng không muốn bị giám sát hay thúc giục, chỉ muốn tự do, không ràng buộc, vô trách nhiệm với công tác chính của mình, không chú tâm vào công tác chính đáng, mà lại chìm đắm trong an nhàn. Tôi không có chút nhân cách hay tôn nghiêm nào sao? Dù bề ngoài tôi có vẻ làm được chút việc, nhưng tôi lại không thật lòng với Đức Chúa Trời, tôi láu cá và chểnh mảng trong bổn phận, nghĩ rằng mình có thể trót lọt qua mặt Đức Chúa Trời để nhận được phước lành từ Ngài. Tôi làm một vài bổn phận chỉ vì tiền đồ và đích đến của riêng mình. Chẳng phải tôi đích thực là kẻ cơ hội sao? Đức Chúa Trời dò xét tất cả, những ai không thực lòng làm bổn phận sẽ bị tỏ lộ và đào thải. Tôi đã tự lừa dối bản thân khi nghĩ rằng có thể đạt được phước lành của Đức Chúa Trời bằng những thủ đoạn giả dối. Như vậy chẳng phải quá ngu xuẩn hay sao? Tất cả biểu hiện này của tôi có khác gì những kẻ chẳng tin đã bị thanh trừ đâu? Nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi sẽ hủy hoại kết cục và đích đến của chính mình. Càng nghĩ tôi càng sợ hãi, tôi liền cầu nguyện với Đức Chúa Trời để ăn năn, nguyện tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề của mình.
Sau đó, tôi đọc thêm lời Đức Chúa Trời: “Những người thực sự tin Đức Chúa Trời đều là những người chuyên tâm vào chính nghiệp của mình, tất cả đều sẵn sàng thực hiện bổn phận, có khả năng gánh vác và làm tròn một phần công tác theo tố chất của mình và chiếu theo quy định của nhà Đức Chúa Trời. Tất nhiên, ban đầu có thể hơi khó để thích nghi với đời sống này. Ngươi có thể cảm thấy rất mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, nếu ngươi thực sự có quyết tâm hợp tác cũng như ý nguyện trở thành một người bình thường, người tốt và đạt được sự cứu rỗi, thì ngươi phải trả giá một chút và để cho Đức Chúa Trời sửa dạy ngươi. Khi trong ngươi có sự thôi thúc muốn trở nên tùy ý, ngươi phải chống lại nó và buông bỏ nó, dần dần giảm bớt sự tùy ý và những dục vọng ích kỷ của mình. Ngươi phải tìm kiếm sự trợ giúp của Đức Chúa Trời trong những việc quan trọng, vào những thời điểm quan trọng và trong những công tác quan trọng. Nếu ngươi thực sự có quyết tâm, thì ngươi nên cầu xin Đức Chúa Trời sửa phạt, sửa dạy và khai sáng cho ngươi để ngươi có thể hiểu lẽ thật. Như vậy, ngươi sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Nếu ngươi thực sự có quyết tâm, và ngươi cầu nguyện với Đức Chúa Trời trước sự hiện diện của Ngài, khẩn cầu Ngài, thì Đức Chúa Trời sẽ hành động. Ngài sẽ thay đổi tình trạng và tư tưởng của ngươi. Nếu Đức Thánh Linh làm một chút công tác, cảm thúc ngươi một chút và khai sáng cho ngươi một chút, thì lòng ngươi sẽ thay đổi và tình trạng của ngươi sẽ có chuyển biến. Khi sự chuyển biến này diễn ra, ngươi sẽ cảm thấy sống như thế này không hề ức chế. Tình trạng và cảm xúc ức chế của ngươi sẽ được chuyển biến, giảm bớt, và không còn như trước. Ngươi sẽ cảm thấy sống như thế này không hề mệt mỏi. Ngươi sẽ tìm thấy niềm vui khi thực hiện bổn phận trong nhà Đức Chúa Trời. Ngươi sẽ cảm thấy thật tốt lành khi được sống, hành xử và thực hiện bổn phận theo cách này, khi chịu khổ và trả giá, tuân thủ quy củ và hành động dựa trên nguyên tắc. Ngươi sẽ cảm thấy đây là kiểu cuộc sống mà người bình thường nên có. Khi sống theo lẽ thật và làm tròn bổn phận của mình, ngươi sẽ cảm thấy lòng mình vững vàng, bình an, và cuộc sống của mình đầy ý nghĩa” (Cách mưu cầu lẽ thật (5), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu ra rằng người thực lòng tin Ngài sẽ chú tâm vào chuyện chính đáng, luôn nghĩ cách để thực hiện tốt bổn phận của mình cũng như cách để đạt được kết quả tốt nhất. Họ nguyện chịu khổ, trả giá, và có thể tiếp nhận sự giám sát của người khác. Họ thường xuyên phản tỉnh về những sai lệch trong công tác, kịp thời sửa chữa khi phát hiện vấn đề. Tôi cũng hiểu rằng khi quan tâm nhiều hơn đến công tác của nhà Đức Chúa Trời và tập trung vào việc chính đáng, người ta sẽ không cảm thấy áp lực hay ràng buộc vì chút ít khổ cực. Một thời gian sau, tôi thu thập được thông tin về một kẻ ác. Khi lãnh đạo biết chuyện, họ hỏi tôi khi nào có thể chỉnh lý xong thông tin. Tôi nghĩ: “Người này vừa được chuyển từ hội thánh khác sang đây, mình cần phải tìm hiểu và xác minh một số việc ác của họ ở hội thánh trước, không dễ gì mà tổng hợp đâu. Hơn nữa, mình còn nhiều tài liệu khác cần bổ sung ngay, có lẽ xác thịt mình lại phải chịu khổ rồi”. Lúc đó, tôi nhận ra mình lại đang quan tâm đến xác thịt. Phản tỉnh về việc trước đây mình từng làm chậm tiến độ công tác thế nào, tôi biết giờ mình không thể trì hoãn nữa. Hơn nữa, người này đã gây chia rẽ, đàn áp anh chị em trong hội thánh, cần phải thanh lọc càng sớm càng tốt. Tôi lập tức sắp xếp những người liên quan giúp mình tìm hiểu và xác minh thông tin. Chẳng lâu sau, tôi đã thu thập đầy đủ thông tin cần thiết. Với sự đồng thuận của 80% anh chị em trong hội thánh, kẻ ác này đã bị khai trừ khỏi hội thánh. Khi tập trung vào bổn phận mà không quan tâm đến xác thịt, tôi cảm thấy lòng mình rất kiên định. Từ đó, khi làm bổn phận, tôi đều báo cáo công tác kịp thời. Khi lãnh đạo giám sát và theo dõi công tác, tôi không còn phản kháng nữa. Thay vào đó, nhờ có họ giám sát, tôi còn tìm ra những sai lệch trong công tác của mình, từ đó kịp thời sửa chữa. Chẳng hạn khi được hỏi về việc tiến độ công tác bị chậm, qua tổng kết, tôi đã phản tỉnh và nhận ra nguyên nhân chủ yếu là do mình không biết cách ưu tiên nhiệm vụ quan trọng hơn. Vì vậy, tôi đã nhanh chóng sửa sai. Khi thực hành theo cách này, tôi không còn cảm giác ức chế hay phản kháng nữa. Hơn nữa, hiệu quả thực hiện bổn phận của tôi cũng được cải thiện rõ rệt, lượng tài liệu được xử lý trong một tháng tăng gấp đôi so với trước đây. Tôi biết tất cả đều là kết quả mà lời Đức Chúa Trời mang lại, và tôi cảm thấy vô cùng biết ơn Đức Chúa Trời!