Những lời về cách Đức Chúa Trời quyết định kết cục của con người
Trích đoạn 77
Một số người có tố chất quá kém cỏi và không yêu lẽ thật. Họ không có khả năng hiểu được lẽ thật cho dù lẽ thật được thông công như thế nào. Họ đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm rồi mà vẫn không thể nói về bất kỳ trải nghiệm hoặc sự hiểu biết thực nào. Vì vậy, họ xác định rằng mình không nằm trong số dân sự được Đức Chúa Trời chọn và định trước, rằng họ không thể được Đức Chúa Trời cứu rỗi, cho dù họ có tin Ngài thêm bao nhiêu năm đi chăng nữa. Họ tâm niệm rằng: “Chỉ những người được Đức Chúa Trời chọn và định trước mới có thể được cứu rỗi, còn tất cả những người có tố chất quá kém cỏi và không thể hiểu được lẽ thật thì đều không nằm trong số dân sự được Đức Chúa Trời chọn và định trước; những người này không thể được cứu rỗi, ngay cả khi họ tin”. Họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời không quyết định kết cục của con người dựa trên những biểu hiện và hành vi của con người. Nếu đây là suy nghĩ của ngươi thì ngươi đã cực kỳ hiểu lầm Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời thật sự hành động như vậy thì Ngài có công chính không? Đức Chúa Trời quyết định kết cục của con người bằng một nguyên tắc: Sau cùng, kết cục của con người sẽ được quyết định dựa trên những biểu hiện và hành vi của riêng họ. Nếu ngươi không thể nhìn thấy tâm tính công chính của Đức Chúa Trời và luôn hiểu lầm Đức Chúa Trời cũng như bóp méo những ý định của Ngài, đến mức luôn bi quan và thất vọng, thì chẳng phải đó là tự mình chuốc lấy sao? Nếu ngươi không hiểu sự tiền định của Đức Chúa Trời hoạt động như thế nào thì ngươi nên tìm kiếm lẽ thật từ Đức Chúa Trời trong lời Ngài, đừng mù quáng xác định rằng mình không nằm trong số dân sự được Ngài chọn và định trước. Đây là một sự hiểu lầm Đức Chúa Trời nghiêm trọng! Ngươi đơn thuần không hề biết về công tác của Đức Chúa Trời, và ngươi không hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời, càng không hiểu nỗ lực miệt mài đằng sau công tác quản lý sáu nghìn năm của Đức Chúa Trời. Ngươi từ bỏ chính mình, suy đoán và nghi ngờ Đức Chúa Trời, sợ rằng mình là kẻ phục vụ sẽ bị đào thải sau khi phục vụ xong, luôn ngẫm nghĩ rằng: “Tại sao mình phải thực hiện bổn phận? Khi thực hiện bổn phận, mình có đang dâng sự phục vụ không? Nếu sau khi dâng sự phục vụ xong rồi mình bị loại bỏ thì chẳng phải mình bị lừa sao?”. Ngươi nghĩ gì về suy nghĩ này? Ngươi có thể phân định được không? Ngươi luôn hiểu sai về Đức Chúa Trời, xếp Ngài vào số các quỷ vương thống trị thế gian, đề phòng Ngài, luôn nghĩ rằng Ngài cũng ích kỷ và đáng khinh miệt như con người. Ngươi chẳng bao giờ tin rằng Ngài yêu thương nhân loại, và ngươi chẳng bao giờ tin vào sự chân thành của Ngài trong việc cứu rỗi nhân loại. Nếu ngươi luôn tự nhận mình là kẻ phục vụ và sợ bị đào thải sau khi dâng sự phục vụ, thì ngươi mang tâm lý giả dối của những kẻ chẳng tin. Những người ngoại đạo không tin Đức Chúa Trời vì họ không thừa nhận có một Đức Chúa Trời, cũng không thừa nhận lời Đức Chúa Trời là lẽ thật. Vì rằng ngươi tin Đức Chúa Trời, tại sao ngươi lại không có đức tin nơi Ngài? Tại sao ngươi không thừa nhận rằng lời Đức Chúa Trời là lẽ thật? Ngươi không sẵn lòng thực hiện bổn phận, ngươi không trải qua sự gian khổ nào để thực hành lẽ thật, và kết quả là ngươi vẫn chưa đạt được lẽ thật, mặc dù ngươi đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm, và bất chấp tất cả những điều đó, cuối cùng thì ngươi đổ lỗi cho Đức Chúa Trời, nói rằng Ngài đã không định trước cho ngươi, rằng Ngài đã không chân thành với ngươi. Đó là vấn đề gì? Ngươi hiểu lầm những ý định của Đức Chúa Trời, và không tin lời Ngài, không đưa lẽ thật vào thực hành, cũng không dâng mình khi thực hiện bổn phận của mình. Làm sao ngươi có thể đáp ứng ý muốn của Đức Chúa Trời? Làm sao ngươi có thể đạt được công tác của Đức Thánh Linh và hiểu được lẽ thật? Những người như thế còn không đủ tư cách làm kẻ phục vụ, vậy thì làm sao họ có thể đủ tư cách thương lượng với Đức Chúa Trời? Nếu ngươi nghĩ Đức Chúa Trời không công chính, tại sao ngươi tin Ngài? Ngươi luôn muốn Đức Chúa Trời phán riêng với ngươi: “Ngươi là dân sự của vương quốc; điều này sẽ không bao giờ thay đổi” trước khi ngươi dốc sức cho nhà Ngài, và nếu Ngài không làm như vậy, ngươi sẽ không bao giờ dâng lòng mình cho Ngài. Những người như thế thật phản nghịch và không khoan nhượng! Ta thấy có rất nhiều người không bao giờ tập trung vào việc thay đổi tâm tính mình, càng không tập trung thực hành lẽ thật. Họ chỉ tập trung luôn miệng hỏi liệu họ có thể đạt được đích đến tốt hay không, Đức Chúa Trời sẽ đối đãi với họ thế nào, liệu Ngài có định trước cho họ là dân sự của Ngài không, và những vấn đề đồn thổi khác như thế. Làm sao những người như thế, những người không tham gia vào công tác đúng đắn, có thể đạt được lẽ thật? Làm sao họ có thể được ở lại trong nhà Đức Chúa Trời? Giờ Ta trịnh trọng bảo các ngươi: dù một người có thể được tiền định, nhưng nếu người này không thể tiếp nhận lẽ thật và đưa lẽ thật vào thực hành để đạt được sự quy phục Đức Chúa Trời, thì kết cục sau cùng của họ sẽ là bị đào thải. Chỉ những ai chân thành dâng mình cho Đức Chúa Trời và đưa lẽ thật vào thực hành bằng tất cả sức lực của mình thì mới có thể sống sót và bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Mặc dù những người khác có thể cho rằng họ không phải là người được định trước để được ở lại, nhưng họ sẽ có một đích đến tốt hơn những người được cho là đã được định trước nhưng lại chưa bao giờ trung thành với Đức Chúa Trời, bởi tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Ngươi có tin những lời này không? Nếu ngươi không thể tin những lời này và tiếp tục cố chấp đi chệch hướng, thì Ta bảo ngươi, ngươi chắc chắn sẽ không thể sống sót, bởi vì ngươi đơn thuần không phải là người có đức tin thực nơi Đức Chúa Trời hay có tình yêu với lẽ thật. Bởi như vậy nên sự tiền định của Đức Chúa Trời không quan trọng. Sở dĩ Ta phán như vậy là vì cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ quyết định kết cục của con người qua những biểu hiện và hành vi của họ, trong khi sự tiền định của Đức Chúa Trời chỉ đóng vai trò nhỏ theo cách khách quan chứ không phải vai trò chủ đạo. Ngươi có hiểu điều này không?
Một số người nói: “Tôi có tâm tính xấu và không thể thay đổi, cho dù tôi có mưu cầu thay đổi đến đâu đi nữa. Do đó tôi cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Nếu tôi không thể thành công trong sự theo đuổi của mình thì không thể làm gì với nó”. Những người như thế cực kỳ tiêu cực, đến nỗi họ từ bỏ hy vọng về bản thân mình. Những người này là không thể cứu chuộc được. Ngươi đã nỗ lực chưa? Nếu ngươi thật sự đã nỗ lực, và sẵn lòng chịu gian khổ, tại sao ngươi cứ không thể phản bội xác thịt? Chẳng phải ngươi là người có trái tim và khối óc sao? Ngươi cầu nguyện mỗi ngày như thế nào? Chẳng phải ngươi tìm kiếm lẽ thật và nương cậy vào Đức Chúa Trời sao? Đối với ngươi, để mọi thứ diễn ra tự nhiên có nghĩa là chờ đợi một cách thụ động, không chủ động hợp tác. Để mọi thứ diễn ra tự nhiên theo cách đó cũng giống như nói: “Tôi không cần làm bất cứ việc gì; mọi thứ dù sao cũng được Đức Chúa Trời định trước”. Đây có thật sự là ý muốn của Đức Chúa Trời không? Nếu không phải thì tại sao ngươi không quy phục công tác của Đức Chúa Trời, mà thay vào đó, ngươi lại thường xuyên trở nên tiêu cực và không thể thực hiện bổn phận? Một số người khi đã vi phạm một chút thì phỏng đoán rằng: “Có phải Đức Chúa Trời đã vạch trần tôi và bỏ tôi ra? Ngài sẽ hạ gục tôi chứ?”. Đức Chúa Trời đến làm công tác lần này không phải để hạ gục con người, mà là để cứu rỗi họ nhiều nhất có thể. Không ai là không mắc lỗi – nếu mọi người đều bị hạ gục, thì đó có phải là cứu rỗi không? Một số vi phạm được thực hiện có chủ đích, trong khi một số khác thì là vô tình. Nếu ngươi có thể thay đổi sau khi nhận ra những việc mà mình làm một cách vô tình, liệu Đức Chúa Trời có hạ gục ngươi trước khi ngươi làm như vậy không? Liệu Đức Chúa Trời có cứu rỗi con người theo cách đó không? Đó không phải là cách Ngài làm việc! Bất kể ngươi có tâm tính phản nghịch hay không, hoặc ngươi đã hành động không chủ ý hay không, hãy nhớ điều này: ngươi nên phản tỉnh và biết mình. Hãy quay đầu lại, ngay lập tức, và phấn đấu đạt được lẽ thật bằng hết sức mình – và, dù hoàn cảnh nào xảy ra thì cũng đừng để bản thân tuyệt vọng. Công tác mà Đức Chúa Trời đang làm là công tác cứu rỗi con người, và Ngài sẽ không tùy tiện hạ gục những người Ngài muốn cứu rỗi. Điều này là chắc chắn. Ngay cả khi thực sự có một người tin Đức Chúa Trời mà cuối cùng Ngài đã đánh gục, thì việc làm đó của Đức Chúa Trời vẫn sẽ được bảo đảm là công chính. Theo thời gian, Ngài sẽ cho ngươi biết lý do Ngài đánh gục người đó, để ngươi hoàn toàn bị thuyết phục. Ngay bây giờ, hãy chỉ phấn đấu cho lẽ thật, tập trung vào việc bước vào sự sống, và theo đuổi việc thực hiện tốt bổn phận của mình. Không có sai lầm trong việc này! Cho dù Đức Chúa Trời đối xử với ngươi thế nào vào sau hết thì sự đối xử đó đảm bảo cũng luôn công chính; ngươi không nên hoài nghi điều này, và ngươi không cần lo lắng. Ngay cả khi ngươi không thể hiểu sự công chính của Đức Chúa Trời vào lúc này thì sẽ đến một ngày ngươi sẽ bị thuyết phục. Đức Chúa Trời làm công tác một cách công bình và đáng tôn kính; Ngài công khai tiết lộ mọi thứ. Nếu các ngươi ngẫm nghĩ kỹ về điều này, các ngươi sẽ đi đến kết luận chân thành rằng công tác của Đức Chúa Trời là công tác cứu rỗi con người và biến cải tâm tính bại hoại của họ. Vì rằng công tác của Đức Chúa Trời là biến cải tâm tính bại hoại của con người nên không thể nào con người không có những sự bộc phát bại hoại. Chỉ trong những sự bộc phát tâm tính bại hoại ấy mà người ta mới có thể biết mình, và thừa nhận họ có tâm tính bại hoại, và sẵn lòng nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nếu người ta không hề tiếp nhận lẽ thật sau khi tuôn ra tâm tính bại hoại, và tiếp tục sống theo tâm tính bại hoại của mình, thì họ sẽ có khả năng xúc phạm tâm tính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ có nhiều mức độ báo ứng khác nhau trên họ, và họ sẽ trả giá cho những vi phạm của mình. Nếu ngươi thỉnh thoảng trở nên phóng đãng một cách vô thức, và Đức Chúa Trời chỉ ra điều đó cho ngươi, tỉa sửa ngươi, và xử lý ngươi, và ngươi thay đổi tốt hơn, Đức Chúa Trời sẽ không bắt ngươi chịu trách nhiệm. Đây là quá trình bình thường của một sự biến cải tâm tính, và ý nghĩa thật của công tác cứu rỗi được thể hiện trong quá trình này. Đây là điều then chốt. Lấy ví dụ về vấn đề ranh giới giữa những người khác giới, giả sử như ngươi bị thu hút bởi một ai đó, luôn tìm cách trò chuyện với họ, nói những lời quyến rũ với họ. Sau đó, ngươi suy ngẫm: “Chẳng phải đây là hành vi bẩn thỉu sao? Chẳng phải đây là một tội lỗi sao? Chẳng phải không giữ ranh giới rõ ràng với người khác giới là xúc phạm Đức Chúa Trời sao? Làm sao mình có thể làm điều như thế chứ?”. Sau khi nhận ra như vậy, ngươi vội đến trước Đức Chúa Trời và cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời! Con lại phạm tội rồi. Điều này thật xấu xa và thực sự ô nhục. Con ghét xác thịt bại hoại. Xin Ngài sửa dạy và trừng phạt con”. Ngươi quyết tâm tránh xa những thứ như vậy trong tương lai, và không tiếp xúc với người khác giới một mình. Chẳng phải đó sẽ là một sự thay đổi sao? Và khi đã thay đổi theo cách ấy thì những hành vi bừa bãi trước đây của ngươi sẽ không còn bị lên án nữa. Nếu ngươi trò chuyện với ai đó và quyến rũ họ, không nghĩ đó là điều đáng xấu hổ, càng không căm ghét bản thân và thận trọng với bản thân hay quyết tâm từ bỏ xác thịt, hoặc xưng tội và ăn năn tội với Đức Chúa Trời, thì ngươi có thể tiếp tục phạm nhiều hành vi sai trái hơn, và sự việc sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, khiến ngươi phạm tội. Nếu ngươi làm như vậy, Đức Chúa Trời sẽ lên án ngươi. Nếu ngươi phạm tội hết lần này đến lần khác, thì đó là cố tình phạm tội. Đức Chúa Trời lên án việc cố tình phạm tội, và tội mà ngươi cố tình phạm thì không thể cứu chuộc được. Nếu ngươi thực sự vô tình bộc lộ tâm tính bại hoại nào đó, và ngươi có thể thực sự ăn năn, phản bội xác thịt cũng như thực hành lẽ thật, thì Đức Chúa Trời sẽ không lên án ngươi, và ngươi vẫn có thể được cứu rỗi. Công tác của Đức Chúa Trời là để cứu rỗi con người, và ai bộc lộ tâm tính bại hoại thì nên chấp nhận bị xử lý, tỉa sửa, phán xét và hành phạt. Miễn sao họ có thể tiếp nhận lẽ thật, ăn năn và thay đổi, thì chẳng phải như thế là đã thỏa mãn ý muốn của Đức Chúa Trời sao? Một số người không tiếp nhận lẽ thật và luôn có thái độ đề phòng đối với Đức Chúa Trời. Những người như vậy không có lối vào sự sống, và cuối cùng, hết thảy họ đều sẽ phải chịu tổn thất.
Như đã đề cập trước đây, các sự kiện của quá khứ có thể bị xóa sạch tức thì; tương lai có thể được tạo ra để thay thế quá khứ; sự bao dung của Đức Chúa Trời vô biên như biển cả. Tuy nhiên cũng có các nguyên tắc đối với những lời này. Vấn đề không phải là Đức Chúa Trời sẽ xóa sạch bất kỳ tội lỗi nào ngươi đã phạm, dù nó có lớn như thế nào. Đức Chúa Trời thực hiện toàn bộ công tác của Ngài theo nguyên tắc. Trong quá khứ, một sắc lệnh quản trị được đặt ra để giải quyết vấn đề này: Đức Chúa Trời tha thứ và bỏ qua mọi tội lỗi mà người ta phạm phải trước khi chấp nhận danh Ngài. Nhưng đối với những ai tiếp tục phạm tội sau khi đã trở nên tin Ngài thì đây lại là chuyện khác: Người tái phạm một tội một lần thì được cho cơ hội ăn năn, trong khi những người tái phạm hai lần hay không chịu thay đổi mặc dù bị khiển trách nhiều lần thì sẽ bị khai trừ mà không còn cơ hội để ăn năn. Đức Chúa Trời luôn khoan dung với con người hết mức có thể trong công tác của Ngài. Ở đây, có thể thấy rằng công tác của Đức Chúa Trời thật sự là công tác cứu rỗi con người. Tuy nhiên, nếu, trong giai đoạn sau cùng này của công tác, ngươi vẫn sẽ phạm những tội không thể bỏ qua thì ngươi thật sự không thể cứu chuộc, và ngươi không thể được cứu rỗi. Đức Chúa Trời có một quá trình làm tinh sạch và thay đổi tâm tính bại hoại của con người: chính trong quá trình con người liên tục bộc phát bản tính bại hoại của họ mà Đức Chúa Trời đạt được mục tiêu làm tinh sạch và cứu rỗi nhân loại của Ngài. Một số người nghĩ: “Bởi vì đó là bản tính của tôi, hãy để tất cả bị vạch trần. Khi đã như vậy, tôi sẽ biết bản tính ấy và đưa lẽ thật vào thực hành”. Quá trình này có cần thiết không? Nếu ngươi thật sự là người đưa lẽ thật vào thực hành, ngươi tự phản tỉnh khi thấy những sự bại hoại bộc lộ ở người khác cũng như những điều sai trái mà họ đã làm, và khi ngươi nhìn thấy những vấn đề y như vậy ở bản thân mình, ngươi lập tức sửa chữa và không bao giờ tái phạm nữa, thì chẳng phải đây là sự thay đổi gián tiếp sao? Hoặc nếu ngươi đôi khi muốn làm gì đó nhưng kịp nhận ra rằng như thế là sai, và ngươi có thể từ bỏ xác thịt, thì chẳng phải điều này cũng đạt được hiệu quả là được làm tinh sạch sao? Thực hành lẽ thật trong bất kỳ khía cạnh nào cũng đều đòi hỏi phải trải qua những quá trình lặp đi lặp lại. Tâm tính bại hoại không phải là sẽ biến mất hoàn toàn sau khi người ta thực hành lẽ thật một lần. Người ta phải trải qua nhiều lần tìm kiếm lẽ thật, nhiều lần bị tỉa sửa và xử lý, sửa phạt và sửa dạy, cũng như bị phán xét và hành phạt, thì tâm tính bại hoại của họ mới được giải quyết triệt để, như thế, họ sẽ không gặp khó khăn trong việc thực hành lẽ thật nữa. Nếu sau khi bị xử lý và tỉa sửa, bị phán xét và hành phạt, mà cuối cùng người ta có thể thực hành lẽ thật hoàn toàn phù hợp với lời Đức Chúa Trời và thực sự vâng phục Đức Chúa Trời, thì đó là một sự thay đổi trong tâm tính của họ.
Trích đoạn 78
Trong công tác thời kỳ sau rốt của Đức Chúa Trời, Ngài quyết định kết cục của con người dựa trên những biểu hiện của họ. Các ngươi có biết “những biểu hiện” ở đây ám chỉ điều gì không? Các ngươi có thể nghĩ rằng những biểu hiện ám chỉ tâm tính bại hoại mà con người bộc lộ khi làm việc, nhưng nó không hẳn có ý nghĩa này. Những biểu hiện ở đây ám chỉ liệu ngươi có thể thực hành lẽ thật hay không; liệu ngươi có thể trung thành khi thực hiện bổn phận của mình hay không; quan điểm của ngươi về việc tin Đức Chúa Trời, thái độ của ngươi đối với Đức Chúa Trời, quyết tâm chịu khổ của ngươi; thái độ của ngươi trong việc chấp nhận sự phán xét và hình phạt, cũng như trong việc bị xử lý và tỉa sửa; số lần vi phạm nghiêm trọng mà ngươi đã phạm phải; và mức độ mà ngươi rốt cuộc đạt được sự ăn năn và biến cải. Tất cả những điều này hợp lại tạo thành các biểu hiện của ngươi. Những biểu hiện ở đây không phải nói đến việc ngươi đã bộc lộ bao nhiêu tâm tính bại hoại hay ngươi đã làm bao nhiêu chuyện xấu, mà là ngươi đã nhận được bao nhiêu kết quả và trải qua bao nhiêu thay đổi thực sự trong đức tin nơi Đức Chúa Trời. Nếu kết cục của con người được xác định dựa trên mức độ bại hoại mà bản tính của họ đã bộc lộ, thì không một ai có thể đạt được sự cứu rỗi, bởi vì con người ai cũng bại hoại sâu sắc, tất cả họ đều có bản tính Sa-tan và đều chống đối Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn cứu rỗi những người có thể tiếp nhận lẽ thật và quy phục công tác của Ngài. Cho dù họ có bộc lộ sự bại hoại đến mức nào, miễn là cuối cùng họ có thể tiếp nhận lẽ thật, đạt được sự ăn năn thực sự, và trải qua sự thay đổi thực sự, thì họ là những người được Đức Chúa Trời cứu rỗi. Có người không thể nhìn thấu điều này và nghĩ rằng bất cứ ai giữ vai trò lãnh đạo thì đều sẽ bộc lộ tâm tính bại hoại nhiều hơn, và bất cứ ai bộc lộ sự bại hoại nhiều hơn thì chắc chắn sẽ bị đào thải cũng như không thể sống sót. Quan điểm này có đúng không? Mặc dù những người lãnh đạo bộc lộ sự bại hoại nhiều hơn, nhưng nếu họ là những người mưu cầu lẽ thật, thì họ đủ điều kiện để trải qua sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời, họ có thể bước vào con đường được cứu rỗi, được làm cho hoàn thiện, và cuối cùng họ sẽ có thể đưa ra một lời chứng tốt đẹp cho Đức Chúa Trời. Đây là những người đã thực sự thay đổi. Nếu kết cục của con người được xác định dựa trên mức độ tâm tính bại hoại của họ bị bộc lộ, thì càng giữ vai trò lãnh đạo và người làm công, họ càng bị vạch trần nhanh hơn. Nếu đúng như vậy thì ai dám làm lãnh đạo hay người làm công? Ai có thể đạt đến mức được Đức Chúa Trời sử dụng và hoàn thiện? Chẳng phải quan điểm này quá ngớ ngẩn sao? Đức Chúa Trời chủ yếu xem xét liệu người ta có thể tiếp nhận và thực hành lẽ thật hay không, liệu họ có thể đứng vững làm chứng hay không, và liệu họ có thực sự thay đổi hay không. Nếu người ta có lời chứng thực sự và đã trải qua sự thay đổi thực sự, thì họ là những người được Đức Chúa Trời khen ngợi. Một số người bề ngoài có vẻ ít bộc lộ sự bại hoại, nhưng họ thiếu lời chứng trải nghiệm thực sự, họ chưa thực sự thay đổi, và Đức Chúa Trời không khen ngợi họ.
Đức Chúa Trời quyết định kết cục của một người dựa trên những biểu hiện và thực chất của họ. Ở đây, những biểu hiện nói đến việc liệu người ta có trung thành với Đức Chúa Trời hay không, có yêu kính Ngài hay không, có thực hành lẽ thật hay không, và tâm tính của họ đã thay đổi đến mức độ nào. Chính dựa trên những biểu hiện này và thực chất của một người mà Đức Chúa Trời quyết định kết cục của họ, chứ không phải dựa trên mức độ họ bộc lộ tâm tính bại hoại. Nếu ngươi nghĩ rằng Đức Chúa Trời quyết định kết cục của người ta dựa trên mức độ bại hoại mà họ bộc lộ, thì ngươi đã hiểu sai ý định của Ngài. Trên thực tế, mọi người đều có thực chất bại hoại như nhau, chỉ khác nhau ở chỗ họ có nhân tính tốt hay xấu, và liệu họ có thể tiếp nhận lẽ thật hay không. Cho dù người ta có bộc lộ tâm tính bại hoại đến đâu, Đức Chúa Trời cũng biết rõ nhất trong thâm tâm họ có gì; ngươi không cần phải giấu. Đức Chúa Trời dò xét lòng trí con người. Bất kể đó là điều ngươi làm trước mặt hay sau lưng người khác, hay điều trong lòng ngươi muốn làm, thì tất cả đều bị bóc trần trước Đức Chúa Trời. Làm sao Đức Chúa Trời có thể không biết những gì con người bí mật làm chứ? Chẳng phải đây là tự ảo tưởng sao? Thực ra, cho dù bản tính của người ta có giả dối đến đâu, cho dù họ có nói dối bao nhiêu, có khéo léo ngụy trang và lừa dối đến đâu, Đức Chúa Trời cũng biết rõ như lòng bàn tay. Đức Chúa Trời biết tường tận các lãnh đạo và người làm công đến vậy, chẳng phải Ngài cũng biết tường tận những người bình thường đi theo Ngài sao? Có người nghĩ: “Bất cứ ai làm lãnh đạo cũng đều ngu muội, vô tri và đang tự chuốc lấy sự hủy diệt cho chính mình, bởi vì làm lãnh đạo thì chắc chắn người ta sẽ phơi bày sự bại hoại cho Đức Chúa Trời thấy. Nếu họ không làm công việc này thì liệu có bộc lộ sự bại hoại nhiều như vậy không?”. Thật là một ý tưởng ngớ ngẩn! Nếu ngươi không làm lãnh đạo, ngươi sẽ không bộc lộ sự bại hoại sao? Không làm lãnh đạo, dù ngươi bộc lộ ít sự bại hoại hơn, thì có nghĩa là ngươi đã đạt được sự cứu rỗi sao? Theo lập luận này, phải chăng tất cả những người không giữ vai trò lãnh đạo đều là những người có thể sống sót và được cứu rỗi? Nói như vậy chẳng phải quá nực cười sao? Những người giữ vai trò lãnh đạo hướng dẫn dân sự được Đức Chúa Trời chọn ăn uống lời Đức Chúa Trời và trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời. Yêu cầu và tiêu chuẩn này cao, nên không thể tránh khỏi việc các lãnh đạo sẽ bộc lộ một số tình trạng bại hoại khi mới bắt đầu tập sự. Đây là chuyện bình thường và Đức Chúa Trời không lên án. Đức Chúa Trời không những không lên án mà Ngài còn khai sáng, soi sáng và hướng dẫn những người này, cũng như đặt thêm trọng trách lên họ. Miễn sao họ có thể quy phục sự dẫn dắt và công tác của Đức Chúa Trời thì họ sẽ trưởng thành nhanh hơn trong sự sống so với người thường. Nếu họ là những người mưu cầu lẽ thật thì họ có thể bước vào con đường được Đức Chúa Trời làm cho hoàn thiện. Đây là điều phước hạnh nhất từ Đức Chúa Trời. Có người không thấy được điều này, và họ bóp méo sự thật. Theo sự hiểu biết của con người, dù người lãnh đạo có thay đổi đến đâu, Đức Chúa Trời cũng sẽ không quan tâm; Ngài sẽ chỉ xem các lãnh đạo và người làm công bộc lộ sự bại hoại nhiều như thế nào, và chỉ dựa vào chuyện này mà lên án họ. Còn đối với những người không phải là lãnh đạo và người làm công, vì họ ít bộc lộ bại hoại nên dù họ không thay đổi thì Đức Chúa Trời cũng sẽ không lên án họ. Suy nghĩ như thế chẳng phải là ngớ ngẩn sao? Chẳng phải đó là báng bổ Đức Chúa Trời sao? Nếu trong lòng ngươi chống đối Đức Chúa Trời nghiêm trọng như vậy thì ngươi có thể được cứu rỗi không? Ngươi không thể được cứu rỗi. Đức Chúa Trời quyết định kết cục của con người chủ yếu dựa trên việc họ có lẽ thật và lời chứng thật hay không, và điều này chủ yếu phụ thuộc vào việc họ có phải là người mưu cầu lẽ thật hay không. Nếu họ quả thật mưu cầu lẽ thật và có thể thực sự ăn năn sau khi bị phán xét và hành phạt vì mắc phải vi phạm, thì miễn sao họ không nói những lời hay làm những điều báng bổ Đức Chúa Trời, thì họ chắc chắn sẽ có khả năng đạt được sự cứu rỗi. Theo tưởng tượng của các ngươi, tất cả những tín hữu bình thường theo Đức Chúa Trời đến cùng đều có thể đạt được sự cứu rỗi, còn những người giữ vai trò lãnh đạo đều phải bị đào thải. Nếu được yêu cầu làm lãnh đạo, các ngươi sẽ nghĩ rằng nếu không làm thì không được, nhưng nếu ngươi làm lãnh đạo thì ngươi sẽ vô thức bộc lộ sự bại hoại, và đó giống như tự đưa mình lên đoạn đầu đài vậy. Chẳng phải tất cả những chuyện này là do các ngươi hiểu lầm Đức Chúa Trời sao? Nếu kết cục của con người được xác định dựa trên sự bại hoại mà họ bộc lộ thì không ai có thể được cứu rỗi. Nếu vậy, Đức Chúa Trời thực hiện công tác cứu rỗi để làm gì? Nếu đúng là như vậy thì sự công chính của Đức Chúa Trời nằm ở đâu? Con người sẽ không thể nhìn thấy tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Vì vậy, các ngươi đều đã hiểu sai ý định của Đức Chúa Trời, và điều này cho thấy rằng các ngươi không có nhận thức thực về Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời quyết định kết cục của con người dựa trên những biểu hiện của họ, và những biểu hiện ở đây nói đến kết quả công tác của Đức Chúa Trời đối với họ. Ta sẽ cho một ví dụ tương đồng: trong một vườn cây ăn trái, người chủ tưới nước và bón phân cho cây, sau đó chờ hái trái. Những cây ra trái là những cây tốt và được giữ lại; những cây không ra trái chắc chắn không phải là cây tốt và không thể được giữ lại. Hãy xem xét tình huống này: một cái cây tuy ra trái nhưng cũng bị sâu bệnh, và một số cành xấu cần phải bị cắt bỏ. Các ngươi nghĩ cây này có nên được giữ lại không? Cây này nên được giữ lại, và một khi đã được cắt tỉa, xử lý thì nó sẽ ổn. Hãy xem một tình huống khác: một cái cây không có bệnh nhưng lại không ra trái – một cái cây như vậy không nên được giữ lại. “Ra trái” ở đây có nghĩa là gì? Điều này ám chỉ công tác của Đức Chúa Trời đạt được kết quả. Bởi vì con người đã bị Sa-tan làm cho bại hoại, họ chắc hẳn sẽ bộc lộ sự bại hoại của mình trong quá trình trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời, và họ chắc hẳn sẽ vấp phải một số vi phạm. Nhưng đồng thời, công tác của Đức Chúa Trời sẽ đạt được một số kết quả trong họ. Nếu Đức Chúa Trời không quan tâm đến những kết quả này, mà chỉ nhìn vào tâm tính bại hoại mà con người đã bộc lộ, thì việc cứu rỗi con người là không thể. Kết quả của sự cứu rỗi chủ yếu được thể hiện ở việc con người thực hiện bổn phận và thực hành lẽ thật. Đức Chúa Trời nhìn vào những kết quả mà con người đã đạt được trong những lĩnh vực này, và rồi nhìn vào mức độ nghiêm trọng của những vi phạm của họ. Sau đó, Ngài quyết định kết cục của họ, và quyết định liệu họ có được ở lại hay không dựa trên sự kết hợp của những yếu tố này. Ví dụ, một số người trước đây bộc lộ rất nhiều sự bại hoại, và thể hiện rằng vô cùng quan tâm đến xác thịt của họ; họ không sẵn lòng dành trọn bản thân cho Đức Chúa Trời, và họ cũng không bảo vệ lợi ích của hội thánh. Tuy nhiên, sau khi nghe các bài giảng trong vài năm, họ đã trải qua sự thay đổi thực sự. Giờ đây họ biết phấn đấu hướng tới các nguyên tắc lẽ thật trong việc thực hiện bổn phận của mình, và ngày càng đạt được nhiều kết quả trong bổn phận. Họ cũng có thể đứng về phía Đức Chúa Trời trong mọi việc, và làm hết sức mình để bảo vệ công tác của nhà Đức Chúa Trời. Đây là ý nghĩa của việc chuyển hóa tâm tính sống của con người, và chính sự chuyển hóa này là điều mà Đức Chúa Trời mong muốn. Hơn nữa, có một số người mà, bất cứ khi nào các quan niệm nảy ra trong họ trước đây, họ sẽ lan truyền chúng ra xung quanh, và khi nào những quan niệm này đã hình thành trong những người khác thì họ mới hả dạ, nhưng giờ đây khi họ có một số quan niệm, thì họ có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời, tìm kiếm lẽ thật và đầu phục mà không lan truyền các quan niệm của họ hoặc làm bất kỳ điều gì chống đối Đức Chúa Trời. Chẳng phải một sự chuyển hóa đã xảy ra trong họ sao? Một số người trước đây sẽ lập tức trở nên chống đối bất cứ khi nào họ bị ai đó xử lý và tỉa sửa; tuy nhiên, giờ đây khi điều đó xảy ra với họ, thì họ có thể chấp nhận và biết bản thân mình. Sau đó, họ trải qua sự chuyển hóa thực tế nào đó. Đây chẳng phải là một kết quả sao? Tuy nhiên, cho dù ngươi thay đổi nhiều như thế nào thì cũng không thể hoàn toàn không còn sự vi phạm nào, và bản tính của ngươi cũng không thể được biến cải ngay lập tức. Nếu ai đó khởi đầu đúng hướng trong việc tin vào Đức Chúa Trời, và biết tìm kiếm lẽ thật trong mọi việc, thì dù họ có tỏ ra một chút bất tuân, họ cũng sẽ nhận ra được điều ấy vào lúc đó. Sau khi làm vậy, họ sẽ nhanh chóng xưng tội và ăn năn với Đức Chúa Trời, đồng thời thay đổi, và tình trạng của họ sẽ ngày càng tốt hơn. Họ có thể lại vấp phải cùng một vi phạm một hoặc hai lần, nhưng không có lần thứ ba hay thứ tư. Đây là sự biến cải. Không phải là người này đã thay đổi ở một khía cạnh nào đó nên họ không còn bộc lộ sự bại hoại, và họ không còn phạm phải bất kỳ vi phạm nào nữa. Không phải như vậy. Kiểu biến cải này có nghĩa là ai đó có thể thực hành lẽ thật nhiều hơn sau khi trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời, và đưa một số điều Đức Chúa Trời yêu cầu vào thực hành. Một người như vậy sẽ ngày càng ít mắc phải vi phạm hơn, họ sẽ ngày càng ít bộc lộ sự bại hoại hơn, và những hành vi bất tuân của họ sẽ ngày càng ít nghiêm trọng hơn. Từ đây có thể thấy rõ rằng công tác của Đức Chúa Trời đã đạt được kết quả; điều Ngài mong muốn là những dạng biểu hiện này ở con người – là những điều cho thấy rằng trong họ đã đạt được kết quả. Do đó, cách Đức Chúa Trời xử lý kết cục của mọi người hoặc cách Ngài đối xử với mỗi người là hoàn toàn công chính, hợp lý và công bằng. Ngươi chỉ cần nỗ lực hết sức trong việc dành trọn bản thân cho Đức Chúa Trời, mạnh dạn và chắc chắn thực hành những lẽ thật mà ngươi nên thực hành, không chút lo ngại, và Đức Chúa Trời sẽ không bạc đãi ngươi. Hãy thử nghĩ xem: Liệu những người yêu và thực hành lẽ thật có thể bị Đức Chúa Trời trừng phạt không? Nhiều kẻ luôn nghi ngờ về tâm tính công chính của Đức Chúa Trời, sợ rằng họ vẫn sẽ bị trừng phạt ngay cả sau khi đã đưa lẽ thật vào thực hành; sợ rằng ngay cả khi họ thể hiện lòng trung thành với Đức Chúa Trời thì Ngài cũng sẽ không nhìn thấy. Những kẻ như thế không hiểu gì về tâm tính công chính của Đức Chúa Trời.
Một số người trở nên tiêu cực sau khi bị tỉa sửa và xử lý; họ mất hết năng lượng để thực hiện bổn phận của mình, và lòng trung thành của họ cũng biến mất. Tại sao lại thế này? Vấn đề này rất nghiêm trọng; đây là vấn đề không có khả năng tiếp nhận lẽ thật. Họ không tiếp nhận lẽ thật, một phần là do họ thiếu kiến thức về tâm tính bại hoại của mình, và điều này dẫn đến việc họ không thể chấp nhận bị tỉa sửa và xử lý. Điều này được xác định bởi bản tính của họ là kiêu ngạo, tự phụ, và không yêu lẽ thật. Một phần cũng là do người ta chưa hiểu ý nghĩa của việc bị tỉa sửa và xử lý. Họ tin rằng việc bị tỉa sửa và xử lý có nghĩa là kết cục của họ đã được xác định. Kết quả là họ lầm tưởng rằng nếu họ bỏ gia đình để dâng mình cho Đức Chúa Trời, và sở hữu một chút lòng trung thành với Đức Chúa Trời, thì họ sẽ không bị xử lý và tỉa sửa; và nếu họ bị xử lý, thì đây không phải là tình yêu và sự công chính của Đức Chúa Trời. Kiểu lầm tưởng này khiến nhiều người không dám trung thành với Đức Chúa Trời. Thật ra, xét cho cùng, đó là vì họ quá giả dối và không muốn chịu đựng khó khăn. Họ chỉ muốn có được phước lành một cách dễ dàng. Con người không hề hiểu tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Họ không bao giờ tin rằng mọi hành động của Đức Chúa Trời đều công chính, hay cách Ngài đối xử với mọi người là công chính. Họ không bao giờ tìm kiếm lẽ thật trong vấn đề này, mà thay vào đó luôn đưa ra những lập luận của riêng mình. Cho dù một người đã làm những điều xấu nào, đã phạm những tội trọng nào, hay đã hành ác tới mức nào, nhưng hễ sự phán xét và trừng phạt của Đức Chúa Trời giáng xuống họ là họ sẽ nghĩ rằng trời thật bất công, và rằng Đức Chúa Trời không công chính. Trong mắt con người, nếu hành động của Đức Chúa Trời không phù hợp với mong muốn của họ, hoặc nếu hành động của Ngài thiếu quan tâm đến cảm xúc của họ, thì Ngài chắc chắn là không công chính. Tuy nhiên, người ta không bao giờ biết rằng liệu những hành động của họ có phù hợp với lẽ thật hay không, hay họ cũng chưa từng nhận ra rằng họ bất tuân và chống đối Đức Chúa Trời trong mọi hành động của họ. Nếu như cho dù người ta có vi phạm như thế nào, Đức Chúa Trời cũng không bao giờ xử lý hoặc tỉa sửa họ, hoặc khiển trách họ về sự bất tuân của họ, mà thay vào đó lại điềm tĩnh và dịu dàng với họ, chỉ đối xử với họ bằng tình yêu và sự kiên nhẫn, và cho phép họ dùng bữa cũng như tận hưởng nhiều thứ cùng với Ngài mãi mãi, thì mọi người sẽ không bao giờ phàn nàn về Đức Chúa Trời hoặc phán xét Ngài là bất chính; thay vào đó, họ sẽ nói một cách không chân thành rằng Ngài rất công chính. Những kẻ như thế có biết Đức Chúa Trời không? Họ có thể đồng tâm đồng lòng với Đức Chúa Trời không? Họ không biết một chút gì rằng khi Đức Chúa Trời phán xét, tỉa sửa và xử lý con người, thì Ngài mong muốn làm tinh sạch và chuyển hóa những tâm tính sống của họ hầu cho họ có thể thành công trong việc đầu phục trước Ngài và yêu kính Ngài. Những người như thế không tin rằng Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời công chính. Hễ Đức Chúa Trời quở trách, vạch trần và xử lý con người thì họ sẽ trở nên tiêu cực và yếu đuối, luôn phàn nàn rằng Đức Chúa Trời không yêu thương, và luôn ca cẩm rằng sự phán xét cũng như hình phạt của Đức Chúa Trời đối với con người là sai, không thấy được rằng đây là Đức Chúa Trời đang làm tinh sạch và cứu rỗi con người, và không tin rằng Đức Chúa Trời quyết định kết cục của con người dựa trên sự thể hiện ăn năn. Họ luôn nghi ngờ Đức Chúa Trời và đề phòng Ngài, và kết quả của việc này sẽ là gì? Liệu họ có thể quy phục công tác của Đức Chúa Trời không? Liệu họ có thể đạt được sự thay đổi thực sự không? Điều này là không thể. Nếu tình trạng này của họ tiếp diễn thì sẽ rất nguy hiểm, và họ sẽ không thể nào được Đức Chúa Trời làm tinh sạch và hoàn thiện.