Xét về Kinh Thánh (2)

Kinh Thánh còn được gọi là Cựu Ước và Tân Ước. Các ngươi có biết “ước” ám chỉ điều gì không? “Ước” trong Cựu Ước xuất phát từ giao ước của Đức Giê-hô-va với dân Y-sơ-ra-ên khi Ngài giết dân Ê-díp-tô và cứu rỗi dân Y-sơ-ra-ên khỏi Pha-ra-ôn. Tất nhiên, bằng chứng của giao ước này là huyết của chiên con được bôi lên mày cửa, qua đó Đức Chúa Trời đã thiết lập một giao ước với con người, trong đó nói rằng tất cả những ai có huyết chiên con trên đỉnh và hai bên cột cửa đều là người Y-sơ-ra-ên, họ là dân sự được Đức Chúa Trời chọn, và tất cả họ sẽ được Đức Giê-hô-va tha cho (vì lúc đó Đức Giê-hô-va sắp giết tất cả các con trai đầu lòng của Ê-díp-tô cùng chiên và gia súc đầu lòng). Giao ước này có hai cấp độ ý nghĩa. Không dân sự hoặc gia súc nào của Ê-díp-tô sẽ được Đức Giê-hô-va cứu rỗi; Ngài sẽ giết tất cả con trai đầu lòng cùng chiên và gia súc đầu lòng của họ. Do đó, nhiều sách tiên tri đã tiên báo rằng dân Ê-díp-tô sẽ bị hành phạt nặng nề bởi giao ước của Đức Giê-hô-va. Đây là cấp độ ý nghĩa đầu tiên của giao ước. Đức Giê-hô-va đã giết các con trai đầu lòng của Ê-díp-tô và tất cả gia súc đầu lòng ở đó, và Ngài đã tha cho tất cả dân Y-sơ-ra-ên, điều đó có nghĩa là tất cả những ai thuộc xứ Y-sơ-ra-ên đều được Đức Giê-hô-va trân quý, và tất cả sẽ được tha; Ngài muốn làm công tác lâu dài nơi họ, và đã thiết lập giao ước với họ bằng huyết chiên con. Từ đó trở đi, Đức Giê-hô-va sẽ không giết dân Y-sơ-ra-ên, và phán rằng họ sẽ mãi mãi là dân sự được Ngài chọn. Giữa mười hai chi phái của Y-sơ-ra-ên, Ngài sẽ bắt tay vào công tác của Ngài cho toàn bộ Thời đại Luật pháp, Ngài sẽ ban bố mọi luật pháp của Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên, và lựa chọn trong số họ các tiên tri và quan xét, và họ sẽ là trung tâm trong công tác của Ngài. Đức Giê-hô-va đã lập một giao ước với họ: Trừ khi thời đại thay đổi, Ngài sẽ chỉ làm việc giữa những người được chọn. Giao ước của Đức Giê-hô-va là bất biến, vì nó được lập ra bằng huyết và được thiết lập với dân sự được Ngài chọn. Quan trọng hơn, Ngài đã chọn một phạm vi và mục tiêu phù hợp để thông qua đó bắt tay vào công tác của Ngài cho cả thời đại, và vì thế mọi người xem giao ước là đặc biệt quan trọng. Đây là cấp độ ý nghĩa thứ hai của giao ước. Ngoại trừ Sáng thế ký, đã có trước khi thiết lập giao ước, tất cả các sách khác trong Cựu Ước đều ghi lại công tác của Đức Chúa Trời giữa dân Y-sơ-ra-ên sau khi thiết lập giao ước. Tất nhiên, thỉnh thoảng có những bản ký thuật về dân ngoại, nhưng nhìn chung, Cựu Ước ghi lại công tác của Đức Chúa Trời tại Y-sơ-ra-ên. Vì giao ước của Đức Giê-hô-va với dân Y-sơ-ra-ên, nên các sách được viết trong Thời đại Luật pháp được gọi là “Cựu Ước”. Chúng được đặt tên theo giao ước của Đức Giê-hô-va với dân Y-sơ-ra-ên.

Tân Ước được đặt tên theo dòng huyết của Jêsus đã đổ ra trên thập tự giá và giao ước của Ngài với tất cả những ai tin vào Ngài. Giao ước của Jêsus như sau: Mọi người nhất thiết phải tin vào Ngài để tội lỗi của họ được tha thứ bởi huyết Ngài đã đổ, và nhờ đó họ sẽ được cứu rỗi, được tái sinh thông qua Ngài, và sẽ không còn là tội nhân nữa; mọi người phải tin vào Ngài để nhận được ân điển của Ngài, và sẽ không phải chịu khổ trong địa ngục sau khi chết. Tất cả các sách được viết trong Thời đại Ân điển đều ra đời sau giao ước này, và tất cả chúng đều ghi lại công tác và những lời phán chứa đựng trong đó. Chúng không đi xa hơn sự cứu rỗi thông qua việc Đức Chúa Jêsus chịu đóng đinh trên thập tự giá hoặc giao ước; tất cả chúng đều là các sách được viết bởi những anh em trong Chúa, những người đã có kinh nghiệm. Do đó, các sách này cũng được đặt tên theo một giao ước: Chúng được gọi là Tân Ước. Hai bản giao ước này chỉ bao gồm Thời đại Luật pháp và Thời đại Ân điển, và không liên quan đến thời đại cuối cùng. Do đó, Kinh Thánh không có lợi ích gì nhiều cho con người của thời kỳ sau rốt ngày nay. Cùng lắm thì nó được dùng làm tài liệu tham khảo tạm thời, nhưng về cơ bản nó có ít giá trị sử dụng. Thế mà, những người sùng đạo vẫn quý trọng nó nhất. Họ không biết Kinh Thánh; họ chỉ biết cách giải nghĩa Kinh Thánh, và về cơ bản không biết về nguồn gốc của nó. Thái độ của họ đối với Kinh Thánh là: Mọi thứ trong Kinh Thánh đều đúng, nó không có gì không chính xác hay sai sót. Bởi vì từ đầu họ đã xác định Kinh Thánh là đúng và không có sai sót, nên họ rất quan tâm nghiên cứu và tìm hiểu Kinh Thánh. Giai đoạn công tác ngày nay không được tiên báo trong Kinh Thánh. Không bao giờ có bất kỳ đề cập nào về công tác chinh phục ở nơi tối tăm nhất trong mọi nơi, vì đây là công tác mới nhất. Bởi vì thời đại công tác khác nhau, nên ngay cả chính Jêsus cũng không biết rằng giai đoạn công tác này sẽ được thực hiện trong thời kỳ sau rốt – thế thì làm sao con người của thời kỳ sau rốt có thể tìm ra giai đoạn công tác này trong Kinh Thánh bằng cách nghiên cứu nó được?

Hầu hết những người giải nghĩa Kinh Thánh đều sử dụng lý luận lôgic, và không có nền tảng thực tế. Họ chỉ đơn thuần sử dụng lôgic để suy luận ra nhiều điều. Năm này qua năm khác, không ai dám mổ xẻ Kinh Thánh, hoặc nói “không” với Kinh Thánh, vì sách này là “sách thánh”, và mọi người tôn thờ nó như Đức Chúa Trời. Điều này đã diễn ra trong vài nghìn năm. Đức Chúa Trời không để ý đến, và chưa ai phát hiện ra câu chuyện bên trong của Kinh Thánh. Chúng ta nói rằng quý trọng Kinh Thánh là thờ thần tượng, nhưng không một ai trong số các tín đồ sùng đạo dám nhìn nhận theo cách này, và họ sẽ nói với ngươi rằng: “Người anh em! Đừng nói như thế, điều đó thật kinh khủng! Sao anh lại có thể phạm thượng với Đức Chúa Trời?” Tiếp theo họ sẽ tỏ ra một biểu cảm đau khổ: “Ôi Jêsus nhân từ, Chúa của sự cứu rỗi, con cầu xin Ngài tha thứ cho tội lỗi của anh ấy, vì Ngài là Chúa yêu thương con người, và tất cả chúng con đều đã phạm tội, xin cho chúng con thấy lòng thương xót lớn lao, a-men”. Họ “sùng đạo” như vậy; làm sao họ có thể dễ dàng chấp nhận lẽ thật được? Câu nói của ngươi sẽ khiến họ sợ hãi đến ngớ người. Sẽ không ai dám nghĩ rằng Kinh Thánh có thể bị nhiễm những tư tưởng và quan niệm của con người, và không ai có thể nhìn ra được khiếm khuyết này. Một số điều trong Kinh Thánh là kinh nghiệm và kiến thức của các cá nhân, một số điều trong đó là sự khai sáng của Đức Thánh Linh, và cũng có sự trộn lẫn với trí tuệ và tư tưởng của con người. Đức Chúa Trời chưa bao giờ can thiệp vào những điều này, nhưng có một giới hạn: Những điều này không thể vượt quá suy nghĩ của con người bình thường, và nếu có, thì chúng đang can thiệp và làm gián đoạn công tác của Đức Chúa Trời. Thứ vượt quá suy nghĩ của con người bình thường là công việc của Sa-tan, vì nó tước khỏi con người bổn phận của họ, đó là công việc của Sa-tan, bị Sa-tan điều khiển, và tại thời điểm này, Đức Thánh Linh sẽ không cho phép ngươi hành động theo cách đó. Đôi lúc, một số anh chị em hỏi: “Có ổn không khi con làm việc như thế này?” Ta nhìn vào vóc giạc của họ và phán rằng: “Ổn!” Cũng có một số người nói rằng: “Nếu con làm việc như thế này, thì trạng thái của con có bình thường không?” Và Ta phán: “Có! Đó là điều bình thường, đặc biệt bình thường!” Những người khác nói: “Có ổn không khi con làm việc theo cách này?” Và Ta phán: “Không!” Họ nói: “Tại sao điều đó ổn với anh ấy còn với con thì không?” Và Ta phán rằng: “Bởi vì những gì ngươi đang làm đến từ Sa-tan, nó là một sự quấy rầy, và nguồn gốc động cơ của ngươi lệch lạc”. Cũng có những lúc công tác chưa đi đủ xa, và các anh chị em không biết. Một số người hỏi Ta liệu có ổn không khi làm việc theo một cách nào đó, và khi Ta thấy rằng những hành động của họ sẽ không làm gián đoạn công tác tương lai, Ta phán rằng điều đó ổn. Công tác của Đức Thánh Linh cho con người một phạm vi; con người không cần phải làm theo những mong muốn của Đức Thánh Linh đến từng câu chữ, vì con người có suy nghĩ và sự yếu đuối bình thường, và họ có một số nhu cầu xác thịt, họ có những vấn đề thực sự, và trong não họ là những tư tưởng mà về cơ bản họ không cách nào kiểm soát nổi. Mọi thứ Ta yêu cầu ở mọi người đều có giới hạn. Một số người tin rằng những lời của Ta mơ hồ, rằng Ta đang bảo họ hành động theo bất kỳ cách nào – đó là bởi vì ngươi không hiểu rằng có một phạm vi phù hợp cho những yêu cầu của Ta. Nếu đúng như ngươi tưởng tượng – nếu Ta đưa ra những yêu cầu giống nhau cho tất cả mọi người không có ngoại lệ và yêu cầu tất cả họ phải đạt được vóc giạc giống nhau – thì điều này sẽ không có hiệu quả. Đây là yêu cầu điều bất khả thi, và nó là nguyên tắc làm việc của con người, không phải nguyên tắc làm việc của Đức Chúa Trời. Công tác của Đức Chúa Trời được thực hiện tùy theo hoàn cảnh thực tế của con người và dựa trên tố chất bẩm sinh của họ. Đây cũng là nguyên tắc rao truyền Phúc Âm: Ngươi phải tiến hành từ từ, để thuận theo tự nhiên; chỉ khi ngươi nói rõ ràng lẽ thật cho ai đó thì họ mới hiểu được, và chỉ khi đó họ mới có thể gạt Kinh Thánh sang một bên. Nếu Đức Chúa Trời không thực hiện giai đoạn công tác này, thì ai sẽ có thể phá vỡ quy ước? Ai sẽ có thể làm công tác mới? Ai sẽ có thể tìm thấy một con đường mới ngoài Kinh Thánh? Bởi vì những quan niệm truyền thống và đạo đức phong kiến của con người quá trầm trọng, nên họ không có khả năng tự mình gạt bỏ những điều này, họ cũng không có can đảm để làm thế. Đó là chưa kể việc con người ngày nay đã bị choáng ngợp bởi một vài lời chết trong Kinh Thánh, những lời đã chiếm hữu lòng họ. Làm sao họ có thể sẵn sàng từ bỏ Kinh Thánh được? Làm sao họ có thể dễ dàng chấp nhận một con đường bên ngoài Kinh Thánh được? Trừ khi ngươi có thể nói rõ ràng về câu chuyện bên trong Kinh Thánh và các nguyên tắc hoạt động của Đức Thánh Linh, hầu cho tất cả mọi người đều bị thuyết phục hoàn toàn – đó là điều cần thiết nhất. Điều này là do mọi người trong tôn giáo đều tôn sùng Kinh Thánh và tôn thờ nó như Đức Chúa Trời, họ còn cố gắng bó buộc Đức Chúa Trời bên trong Kinh Thánh, và thậm chí họ còn chỉ đạt được mục đích của mình một khi đã đóng đinh Đức Chúa Trời trên thập tự giá một lần nữa.

Trước: Xét về Kinh Thánh (1)

Tiếp theo: Xét về Kinh Thánh (3)

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger