Chỉ sự tự biết mình mới có lợi cho việc mưu cầu lẽ thật

Có người đã tin Đức Chúa Trời nhiều năm, nghe rất nhiều bài giảng và cũng đã có được một chút thu hoạch. Ít nhất họ cũng có thể rao giảng một vài câu chữ và đạo lý, nghe cũng đều phù hợp với lẽ thật. Nhưng đến khi gặp chuyện, họ lại không biết thực hành lẽ thật và không làm nổi một chuyện gì phù hợp với lẽ thật. Cũng có thể nói rằng trong những năm tin Đức Chúa Trời đó, họ chưa làm một chuyện nào để bảo vệ công tác của hội thánh và cũng chưa làm một chuyện công chính nào. Vấn đề này nên được giải thích như thế nào? Tuy có thể nói một số câu chữ và đạo lý nhưng chắc chắn họ không hiểu lẽ thật, vì thế họ không thể đưa lẽ thật vào thực hành. Có người khi thông công về chuyện biết mình thì chỉ cần mở miệng là nói những lời như: “Tôi là ma quỷ, tôi là Sa-tan sống, kẻ chống đối Đức Chúa Trời. Tôi phản nghịch với Ngài và phản bội Ngài. Tôi là một con rắn độc, một kẻ ác, một kẻ đáng bị rủa sả!”. Đây có phải là sự biết mình thật sự không? Họ chỉ nói những lời chung chung, tại sao lại không lấy ví dụ để nói rõ hơn? Tại sao họ không mổ xẻ và bộc lộ những chuyện xấu xa mình đã làm? Có một số người không biết phân định, khi nghe xong còn cảm thấy rằng: “Đây mới là thực sự biết mình! Biết cả việc mình là ma quỷ, là Sa-tan, còn có thể rủa sả chính mình. Cảnh giới này cao biết chừng nào!”. Có nhiều người, đặc biệt là những người mới tin Đức Chúa Trời, sẽ dễ bị những lời này mê hoặc, cảm thấy người này vừa đơn thuần vừa có hiểu biết thuộc linh, là người yêu lẽ thật và có thể làm lãnh đạo. Kết quả sau khi tiếp xúc một thời gian thì họ phát hiện rằng chuyện không phải như vậy, so với tưởng tượng của họ thì cứ như là hai người. Họ thấy người này đặc biệt giả dối và quỷ quyệt, rất giỏi ngụy trang và giả mạo, điều này khiến họ vô cùng thất vọng. Vậy rốt cuộc chúng ta nên đánh giá một người có thực sự biết mình không bằng cách nào? Ngươi không thể chỉ dựa vào những gì họ nói, điểm then chốt nhất vẫn là phải nhìn xem họ có thể thực hành và tiếp nhận lẽ thật không. Nếu đó là người thực sự hiểu lẽ thật, họ không những có thể thực sự biết mình, mà quan trọng nhất là họ còn có thể thực hành lẽ thật. Những gì họ nói không phải chỉ là về hiểu biết thực sự của mình, mà đồng thời họ còn có thể thật sự làm được, cũng có nghĩa là lời người đó nói và làm hoàn toàn nhất trí với nhau. Nếu họ nói rất dễ nghe và am hiểu, nhưng lại không làm được, không sống ra được, thì họ đã trở thành người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả, tuyệt đối không phải là những người thực sự biết mình. Có rất nhiều người thông công lẽ thật trông có vẻ rất am hiểu, nhưng họ lại không ý thức được khi bản thân bộc lộ những tâm tính bại hoại. Đây có phải người biết mình không? Nếu con người không biết mình thì họ có phải là người hiểu lẽ thật không? Phàm là người không biết mình thì đó đều là những người không hiểu lẽ thật, phàm là người nói suông về việc biết mình thì đều là những kẻ giả thuộc linh, đều là những kẻ lừa gạt. Có người nghe có vẻ đặc biệt am hiểu khi họ nói câu chữ và đạo lý, nhưng trạng thái thuộc linh trong họ lại tê dại và ngu ngốc, họ không có tri giác và không phản ứng với bất kỳ vấn đề nào. Nói họ tê dại đấy, nhưng đôi khi nghe họ nói thì trạng thái thuộc linh của họ lại có vẻ rất sắc bén. Chẳng hạn khi vừa xảy ra một chuyện gì đó, họ lập tức biết mình và nói rằng: “Khi nãy tôi đã để lộ ra một ý niệm. Tôi ngẫm nghĩ một lát và ý thức được rằng đó là giả dối và lừa dối Đức Chúa Trời”. Một số người không biết phân định khi nghe như vậy thì liền ngưỡng mộ mà nói rằng: “Người ta bộc lộ sự bại hoại thì ngay lập tức đã có thể ý thức được, còn có thể cởi mở và thông công về điều đó. Phản ứng của người ta thật nhanh, nhạy bén về những chuyện thuộc linh, họ giỏi hơn chúng ta rất nhiều. Đây đúng thật là người mưu cầu lẽ thật!”. Đánh giá như vậy có chuẩn xác không? (Thưa, không.) Vậy nên căn cứ vào điều gì để phán đoán liệu một người có thực sự biết mình không? Không thể căn cứ vào những chuyện họ nói mà còn phải quan sát biểu hiện thật sự của họ. Cách đơn giản nhất chính là phải xem liệu họ có thể thực hành lẽ thật không, đây mới là chuyện quan trọng nhất. Nếu họ có thể thực hành lẽ thật thì chứng tỏ rằng họ thực sự biết mình, bởi vì những người thực sự biết mình đều có biểu hiện ăn năn, có biểu hiện ăn năn thì mới là người thực sự biết mình. Ví dụ, họ biết rằng mình giả dối, cũng biết rằng bên trong mình chứa đầy toan tính nhỏ nhen và những ý đồ xấu, khi người khác bộc lộ sự giả dối thì họ cũng có thể phân định được. Vậy thì ngươi phải xem sau khi họ thừa nhận mình giả dối thì có thể thật sự ăn năn hay không, có thể rũ bỏ sự giả dối hay không. Nếu họ lại bộc lộ sự giả dối, hãy xem trong thâm tâm họ có tự trách hay không, có cảm giác xấu hổ, có thật sự hối lỗi hay không. Nếu họ không có cảm giác xấu hổ, càng không có lòng ăn năn, vậy thì việc họ biết mình giả dối chính là qua loa và chỉ có hình thức, không phải nhận biết thực sự. Họ không cảm thấy giả dối là một điều tà ác đến mức nào, cũng không cảm thấy giả dối chính là bản tính ma quỷ, càng không cảm thấy giả dối là một hành vi vô sỉ và đê tiện thế nào. Họ cho rằng: “Con người ai cũng giả dối, chỉ có kẻ ngốc mới không như vậy. Có một chút giả dối thì cũng không phải là người xấu. Tôi không làm điều ác, tôi không phải là người giả dối nhất”. Một người như vậy có thể thực sự biết mình không? Chắc chắn là không thể. Bởi họ không nhận biết được tâm tính giả dối của mình, họ không ghê tởm sự giả dối, khi nói về sự biết mình thì cũng chỉ là ngụy trang và nói suông. Không nhận biết được tâm tính bại hoại của chính mình thì không phải là thực sự biết mình nữa. Người giả dối không thể thực sự biết mình chính là vì họ không dễ tiếp nhận lẽ thật. Vì vậy, cho dù người giả dối có nói được bao nhiêu câu chữ và đạo lý thì họ cũng sẽ không có được sự biến đổi thật sự.

Làm sao có thể phân định được liệu một người có yêu lẽ thật hay không? Một mặt, chúng ta phải xem liệu người này có thể biết mình dựa trên lời Đức Chúa Trời hay không, họ có thể phản tỉnh bản thân, có thực sự hối lỗi hay không. Mặt khác, chúng ta phải xem liệu họ có thể tiếp nhận và thực hành lẽ thật hay không. Nếu họ có thể tiếp nhận và thực hành lẽ thật thì họ là người yêu lẽ thật và có thể vâng phục công tác của Đức Chúa Trời. Nếu họ chỉ thừa nhận lẽ thật nhưng lại chưa bao giờ tiếp nhận và cũng không thực hành lẽ thật, cũng giống như có một số người nói: “Lẽ thật nào tôi cũng hiểu cả, chỉ là không thực hành được mà thôi”, điều này đủ để chứng tỏ họ không phải là người yêu lẽ thật. Có người thừa nhận lời Đức Chúa Trời là lẽ thật và cũng thừa nhận rằng mình có tâm tính bại hoại. Họ cũng nói rằng mình sẵn lòng ăn năn, bằng lòng làm lại một con người mới, nhưng sau đó thì họ lại không có một chút biến đổi nào. Lời nói và hành động của họ vẫn như trước, họ nói về chuyện biết mình cũng giống như nói đùa hay hô khẩu hiệu. Căn bản là họ không phản tỉnh bản thân và biết mình từ tận đáy lòng mình. Quan trọng nhất là họ không có thái độ ăn năn, càng không cởi mở bộc lộ sự bại hoại của mình một cách đơn thuần để phản tỉnh bản thân một cách chân thực. Thay vào đó, họ giả vờ biết mình cho có lệ và cho có hình thức. Đây đích xác không phải là những người thật sự biết mình và tiếp nhận lẽ thật. Loại người này khi nói về sự biết mình thì đều chỉ là làm cho có hình thức, đều là ngụy trang, lừa gạt và đều là những kẻ giả thuộc linh. Một số người giả dối nhìn thấy người khác thông công về sự biết mình thì lòng họ liền nghĩ: “Mọi người đều đang mở lòng và mổ xẻ sự giả dối của bản thân. Nếu tôi không nói gì thì mọi người sẽ cho rằng tôi không biết mình. Vậy thì tôi cũng phải làm cho có hình thức!”. Sau đó, họ bèn nói về sự giả dối của mình một cách rất nghiêm trọng, thậm chí phê bình gay gắt, khiến cho người khác cảm thấy họ biết mình một cách đặc biệt sâu sắc. Mọi người nghe xong thì ai cũng tưởng rằng họ thật sự đã biết mình, đều nhìn họ với ánh mắt ghen tị. Trong lòng họ liền cảm thấy vô cùng vinh dự, như mặt được dát vàng. Sự biết mình cho có hình thức này cộng thêm khả năng ngụy trang và lừa gạt đã mê hoặc được con người. Họ làm như vậy thì lương tâm có bình yên không? Đây không phải là sự giả dối trắng trợn sao? Nếu chỉ nói suông về chuyện biết mình thì cho dù sự nhận biết đó có cao đến đâu, tốt đến đâu, sau này họ sẽ vẫn tiếp tục bộc lộ tâm tính bại hoại như trước đây mà không có bất kỳ biến đổi nào, đây đích xác không phải là thật sự biết mình. Họ có thể cố tình ngụy trang và lừa gạt như thế, chứng tỏ rằng họ không hề tiếp nhận lẽ thật chút nào, giống như những người ngoại đạo vậy. Họ nói về sự biết mình như vậy chỉ là để theo trào lưu và nói những lời lọt tai mọi người mà thôi. Vậy thì sự biết mình và mổ xẻ bản thân của họ có phải mang tính lừa lọc không? Đây có phải là sự biết mình thật sự không? Tuyệt đối không phải. Chính vì từ trong thâm tâm, họ không mở lòng và mổ xẻ bản thân, chỉ vì làm cho có hình thức nên mới ngụy trang và giả mạo nói một số lời về sự biết mình. Nghiêm trọng hơn là, trong khi nói về sự biết mình, họ còn cố tình phê bình gay gắt khiến vấn đề của mình có vẻ nghiêm trọng hơn, việc này đạt được hiệu quả khiến người khác bội phục và ghen tị. Ở đây có sự tham dự của ý định và mục đích cá nhân. Khi làm như vậy, lòng họ không cảm thấy mắc nợ, sau khi ngụy trang và lừa gạt thì lương tâm của họ cũng không bị dằn vặt. Họ phản nghịch và lừa dối Đức Chúa Trời mà trong lòng không hề nhận ra, cũng không cầu nguyện với Đức Chúa Trời để thừa nhận lỗi lầm. Lòng dạ những người này có phải quá cương ngạnh không? Không cảm thấy mắc nợ thì có thể biết hối lỗi không? Không biết hối lỗi thì có thể chống lại xác thịt và thực hành lẽ thật không? Không có lòng hối lỗi thật sự thì có thể thật sự ăn năn không? Chắc chắn là không. Nếu cả lòng hối lỗi mà họ cũng không có, người như vậy mà nói về chuyện biết mình thì không phải là quá hoang đường sao? Đây không phải chính là ngụy trang và lừa gạt sao? Có người sau khi nói dối và lừa gạt mà ý thức được, còn có thể cảm thấy hối lỗi, là vì họ có liêm sỉ, ngại cởi mở thừa nhận sự bại hoại của mình trước người khác. Nhưng họ có thể cầu nguyện và cởi mở với Đức Chúa Trời. Họ bằng lòng ăn năn và sau đó có những biến đổi thật sự. Đây cũng là người biết mình và biết ăn năn thật sự. Phàm là người can đảm thừa nhận với người khác rằng họ đã nói dối và lừa gạt, đồng thời cũng có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời và mở lòng, thừa nhận những bộc lộ bại hoại của mình, thì đó đều là người có thể đạt đến sự biết mình và thật lòng ăn năn. Sau một thời gian cầu nguyện và tìm kiếm lẽ thật, có được con đường thực hành thì họ sẽ có thể đạt đến một số sự biến đổi. Mặc dù thực chất bản tính của con người là giống nhau, đều có tâm tính bại hoại, nhưng người có thể tiếp nhận lẽ thật thì sẽ có hy vọng được cứu rỗi. Có người sau khi tin Đức Chúa Trời thì bắt đầu thích đọc lời Đức Chúa Trời, chú trọng phản tỉnh bản thân. Khi thấy mình bộc lộ ra sự bại hoại thì họ liền cảm thấy mắc nợ Đức Chúa Trời và thường dùng cách kiềm chế để giải quyết vấn đề nói dối và lừa gạt của mình, nhưng họ vẫn không tự kiểm soát được, vẫn thường xuyên nói dối và lừa gạt. Vậy nên họ ý thức được rằng tâm tính Sa-tan không phải là vấn đề có thể giải quyết được bằng sự kiềm chế, họ bèn cầu nguyện với Đức Chúa Trời, giãi bày những khó khăn của mình với Ngài, cầu xin Ngài cứu rỗi họ khỏi sự kìm kẹp của bản chất tội lỗi và thoát khỏi quyền thế của Sa-tan, đạt đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trải qua một khoảng thời gian, tuy rằng có một chút kết quả nhưng họ vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề giả dối và lừa gạt của mình. Cuối cùng họ nhận thức được rằng, tâm tính Sa-tan từ lâu đã cắm rễ trong lòng họ và đã trở thành một thứ thâm căn cố đế. Bản tính con người chính là bản tính Sa-tan, chỉ có chấp nhận sự phán xét và hình phạt của lời Đức Chúa Trời và có được công tác của Đức Thánh Linh, con người mới có thể thoát khỏi sự ràng buộc và kìm kẹp của tâm tính Sa-tan. Chỉ khi được lời Đức Chúa Trời khai sáng và lãnh đạo, họ mới nhìn thấy bản thân đã bại hoại quá sâu sắc và biết được rằng nhân loại bại hoại đích thực là con cháu của Sa-tan, nếu không phải đích thân Đức Chúa Trời thực hiện công tác cứu rỗi thì con người sẽ phải rơi vào cảnh trầm luân và diệt vong. Chỉ khi đó họ mới thấy việc Đức Chúa Trời cứu rỗi con người thông qua sự phán xét và hình phạt thật quá thực tế. Trải nghiệm đến lúc này, họ sẽ có thể tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời từ trong lòng mình, và trong lòng họ cũng nảy sinh sự hối lỗi thật sự. Đây chính là thật sự có tri giác và bắt đầu biết mình. Những người không có tri giác trong lòng cũng học cách nói một số lời thuộc linh và một số lời có lý trí, nhất là những câu cửa miệng mà “người ngoan đạo” thường nói thì họ nói rất lưu loát và nghe cũng khá chân thật, lừa gạt khiến người ta đến rơi cả nước mắt. Kết quả là con người đều yêu thích và đánh giá cao họ. Có nhiều người như thế không? Đây là loại người gì? Đây có phải là người Pha-ri-si không? Người như vậy là dối trá nhất. Những người không hiểu lẽ thật khi mới tiếp xúc với những người như vậy thì sẽ cảm thấy họ rất thuộc linh, liền chọn họ làm lãnh đạo. Kết quả chưa đến một năm, họ đã mang được những người không biết phân định này đến trước mình. Những người này đều tán thành, yêu thích và vây quanh họ, gặp chuyện gì cũng hỏi ý kiến họ và thậm chí còn mô phỏng giọng điệu nói chuyện của họ. Con người học theo họ thì đều biết nói câu chữ và đạo lý, đều học được cách lừa dối người khác và Đức Chúa Trời. Kết quả là khi gặp sự thử luyện, họ đều tiêu cực và yếu đuối, trong lòng họ còn trách móc và nghi ngờ Đức Chúa Trời, không có một chút đức tin nào. Sùng bái và đi theo con người thì sẽ có kết quả như vậy. Cho dù tin Đức Chúa Trời nhiều năm và có thể nói nhiều đạo lý thuộc linh, nhưng họ lại không có chút thực tế lẽ thật nào, tất cả đều bị một người Pha-ri-si đạo đức giả mê hoặc và bắt giữ. Có phải người không biết phân định sẽ dễ bị lừa gạt và đi sai đường không? Người không biết phân định đều thuộc loại người hồ đồ, quá dễ bị người khác mê hoặc!

Để học cách phân định, trước tiên con người phải học cách phản tỉnh và phân định vấn đề của bản thân. Con người ai cũng có sự kiêu ngạo và tự cho mình là đúng, chỉ cần có chút quyền lực thì đều có thể chuyên quyền độc đoán. Đây là chuyện mà con người thường xuyên nhìn thấy, cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng có những thứ tâm tính bại hoại nào mà con người không dễ dàng ý thức được, hoặc là vì họ không quá nhạy cảm nên không phát hiện được trên người mình hoặc ở người khác? (Thưa, là không nhạy cảm với sự giả dối.) Không nhạy cảm với sự giả dối, và còn gì nữa? (Thưa, là sự ích kỷ và đê tiện.) Sự ích kỷ và đê tiện. Ví dụ, có người làm một chuyện gì đó và nói rằng đó là vì họ suy nghĩ cho mọi người, họ lấy đó làm lý do để mọi người tán thành. Thật ra họ làm vậy là để bớt việc cho bản thân, mọi người không ý thức được và cũng rất khó phát hiện ý định này của họ. Còn những tâm tính bại hoại nào là khó phát hiện nhất? (Thưa, là sự đạo đức giả.) Chính là những người bề ngoài làm người tốt, làm một số việc phù hợp với quan niệm của con người để được họ tán thành, nhưng bên trong lại che giấu triết lý Sa-tan và những mưu đồ riêng. Đây chính là tâm tính giả dối. Có dễ phân định tâm tính này không? Những người có tố chất kém và không hiểu lẽ thật thì sẽ không thể nhìn thấu sự việc, càng không có cách nào phân định loại người này. Như có một số lãnh đạo và chấp sự khi giải quyết vấn đề thì nói rất rõ ràng rành mạch, như thể họ đã nhìn thấu vấn đề, nhưng khi nói xong thì vấn đề lại không được giải quyết. Họ còn khiến ngươi tưởng rằng vấn đề đã được giải quyết, đây chẳng phải là mê hoặc và lừa gạt người khác sao? Phàm khi thực hiện bổn phận mà không làm việc thật, chỉ toàn là nói suông và nói những lời hoa mỹ thì đều là những kẻ đạo đức giả, đều là toan tính ma quỷ, quá nhiều mưu ma chước quỷ. Qua lại với loại người này trong thời gian dài thì các ngươi có thể phân định được họ không? Tại sao tin Đức Chúa Trời nhiều năm mà họ vẫn không có biến đổi? Gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Nói một cách chính xác thì họ đều là những người chán ghét lẽ thật, vì vậy họ không sẵn lòng tiếp nhận lẽ thật. Họ thích sống theo triết lý của Sa-tan, cho rằng sống như vậy không những không bị thiệt thòi mà còn trông có vẻ quang vinh và rực rỡ, khiến con người coi trọng họ. Người như vậy có phải là quá khôn khéo và giả dối không? Họ thà chết còn hơn là tiếp nhận lẽ thật, người như vậy thì có thể đạt được cứu rỗi không? Có một số người khi đối mặt với việc bị tỉa sửa, tuy rằng ngoài miệng thì họ thừa nhận mình làm sai, nhưng trong lòng lại chống đối: “Cho dù các người nói đúng thì tôi cũng không chấp nhận. Tôi sẽ đối kháng với các người đến cùng!”. Bên ngoài, họ ngụy trang khá tốt, nói là chấp nhận nhưng trong lòng thì không, đây cũng là tâm tính chán ghét lẽ thật. Con người còn khó phát hiện và ý thức được những tâm tính bại hoại ở khía cạnh nào nữa? Có phải cũng khó phát hiện sự cương ngạnh không? Cương ngạnh cũng là một loại tâm tính khá ẩn giấu, hình thức biểu hiện nằm ở việc cố chấp giữ ý kiến của mình và không dễ tiếp nhận lẽ thật. Dù người khác có nói những lời phù hợp với lẽ thật thế nào đi nữa, họ vẫn khăng khăng giữ những thứ của mình. Người có tâm tính cương ngạnh thì khó tiếp nhận lẽ thật nhất. Người không tiếp nhận lẽ thật luôn che giấu tâm tính cương ngạnh này bên trong mình. Bên trong con người có những thứ họ ngoan cố và khăng khăng giữ lấy, hoặc có thái độ sẵn lòng kiên trì một cách chủ quan, những thứ này rất khó phát hiện ra. Còn gì nữa không? Không yêu thích lẽ thật và chán ghét lẽ thật rất khó phát hiện. Sự hung ác cũng rất khó phát hiện. Dễ phát hiện nhất chính là sự kiêu ngạo và giả dối, còn những thứ khác như sự cương ngạnh, chán ghét lẽ thật, hung ác, tà ác đều không dễ phát hiện. Khó phát hiện nhất là sự tà ác, bởi vì con người đã tà ác từ trong bản tính và đã bắt đầu tôn sùng nó rồi. Họ có tà ác đến đâu thì cũng không cảm thấy mình tà ác nữa, bởi vậy tâm tính tà ác còn khó phát hiện hơn tâm tính cương ngạnh. Có người nói: “Sao lại khó phát hiện? Con người đều có những dục vọng xấu xa, đó không phải là tà ác sao?”. Đó là bề ngoài, còn sự tà ác thực sự là gì? Biểu hiện những trạng thái nào ra ngoài thì là tà ác? Dùng cách nói đường đường chính chính để che giấu sự tà ác và những ý định đáng hổ thẹn từ tận sâu trong lòng họ, rồi khiến người khác thấy rằng những lời nói đó là rất tốt, rất quang minh chính đại, rất chính đáng, cuối cùng đạt được mục đích không thể cho ai biết của mình, đây có phải là tâm tính tà ác không? Tại sao gọi là tà ác mà không phải là giả dối? Về mặt tâm tính và thực chất, giả dối vẫn tương đối nhẹ. Tà ác nghiêm trọng hơn giả dối, nó là một biểu hiện nham hiểm và xấu xa hơn giả dối, người bình thường khó có thể nhìn thấu. Chẳng hạn, con rắn đã dùng lời lẽ gì để dụ dỗ Ê-va? Những lời tưởng là đúng nhưng hóa ra là sai, khiến ngươi nghe thấy thì tưởng là đúng và có vẻ là đang suy nghĩ cho ngươi. Ngươi cũng không cảm nhận được có sai lầm hay ác ý nào trong đó, đồng thời cũng khiến ngươi không thể buông bỏ những đề nghị của Sa-tan. Đây chính là ngươi đang bị cám dỗ. Sau khi các ngươi chịu sự cám dỗ và nghe những lời như vậy, ngươi không thể kháng cự sự dụ dỗ, sẽ dễ sa vào cái bẫy đó, như vậy là mục tiêu của nó đã đạt được. Đây gọi là sự tà ác. Con rắn đã dùng cách này để dụ dỗ Ê-va. Đây có phải là một loại tâm tính không? (Thưa, đúng.) Loại tâm tính này đến từ đâu? Nó đến từ con rắn, từ Sa-tan. Trong bản tính của con người luôn có loại tâm tính tà ác này. Có phải sự tà ác này khác với dục vọng xấu xa của con người không? Những dục vọng xấu xa đó xuất hiện như thế nào? Nó liên quan đến xác thịt. Sự tà ác thật sự là một loại tâm tính, nó ẩn rất sâu bên trong, người không có kinh nghiệm hoặc không hiểu lẽ thật căn bản là sẽ không phân định được. Vì vậy mà trong các loại tâm tính của con người, thứ khó phát hiện ra nhất chính là sự tà ác. Tâm tính tà ác nghiêm trọng nhất ở loại người nào? Chính là những người hay lợi dụng người khác và đặc biệt giỏi chơi đùa với con người. Con người bị họ chơi đùa xong còn không biết chuyện gì đã xảy ra. Loại người này có tâm tính tà ác. Trên cơ sở sự giả dối, người tà ác dùng những cách thức khác để che đậy sự giả dối, tội ác, những ý định, mục đích và dục vọng cá nhân thầm kín của mình. Đây chính là sự tà ác. Hơn nữa, họ sẽ dùng đủ mọi cách để dụ dỗ, cám dỗ và lôi kéo, khiến ngươi phải làm theo ý họ và thỏa mãn những dục vọng cá nhân của họ, đạt được mục đích của họ. Tất cả đều là sự tà ác. Đây là tâm tính Sa-tan đích thực. Các ngươi có những biểu hiện này không? Ngươi có biểu hiện của tâm tính tà ác ở khía cạnh nào là nhiều? Dụ dỗ, hay cám dỗ, hay là dùng lời nói dối để che đậy lời nói dối? (Thưa, con cảm thấy mình đều có những thứ này, mỗi thứ một chút.) Ngươi cảm thấy mình có mỗi thứ một chút, thì đó chính là về mặt cảm tính, ngươi cảm thấy mình dường như là có, lại dường như không có, không thể đưa ra bằng chứng. Vậy bình thường khi gặp chuyện và bộc lộ ra tâm tính tà ác, bản thân ngươi có ý thức được không? Thật ra trong tâm tính của mỗi người đều tồn tại những thứ này. Ví dụ, chuyện này ngươi vốn dĩ không hiểu nhưng lại không muốn cho người khác biết rằng ngươi không hiểu, vì vậy ngươi liền dùng nhiều cách để khiến họ nghĩ rằng ngươi hiểu, đây chính là lừa gạt. Loại lừa gạt này là một loại biểu hiện của sự tà ác. Ngoài ra còn có cám dỗ, dụ dỗ, đây đều là biểu hiện của sự tà ác. Các ngươi có thường xuyên cám dỗ người khác không? Nếu là muốn hiểu về một người nào đó một cách chính đáng, muốn thông công với họ và điều này là cần thiết cho công việc, là sự giao lưu chính đáng, thì đây không được coi là cám dỗ. Nhưng nếu ngươi có ý định và mục đích cá nhân, không hề muốn hiểu tâm tính, mưu cầu và nhận thức của họ, mà thay vào đó ngươi muốn moi ra những lời nói thật lòng và những thứ ẩn sâu tận đáy lòng họ, thì đây gọi là sự tà ác, cám dỗ và dụ dỗ. Chỉ cần làm vậy thì ngươi có tâm tính tà ác. Đây có phải là thứ được ẩn giấu không? Loại tâm tính này có dễ thay đổi không? Nếu ngươi có thể phân định được các khía cạnh tâm tính này có những biểu hiện gì, có thể thường sản sinh ra những trạng thái nào và đối chiếu với bản thân, có thể cảm nhận được những khía cạnh tâm tính này rất đáng sợ và nguy hiểm, thì ngươi sẽ mang gánh nặng phải thay đổi những khía cạnh này, có thể khao khát lời Đức Chúa Trời và tiếp nhận lẽ thật. Vậy thì ngươi sẽ có thể thay đổi và được cứu rỗi. Nhưng nếu sau khi đối chiếu mà ngươi vẫn không có lòng khao khát lẽ thật, không thấy mắc nợ, cũng không có khiếu cáo và càng không ăn năn, không yêu thích lẽ thật, thì ngươi sẽ khó thay đổi. Có hiểu cũng vô ích, những thứ ngươi hiểu chỉ là đạo lý. Bất kể là khía cạnh lẽ thật nào, nếu ngươi chỉ dừng lại ở sự hiểu biết đạo lý, không kết nối được với việc thực hành và lối vào của mình, thì đạo lý mà ngươi hiểu sẽ không có chút tác dụng nào. Nếu không hiểu lẽ thật thì ngươi sẽ không nhận biết được tâm tính bại hoại của mình và ăn năn, nhận tội với Đức Chúa Trời, cũng sẽ không cảm thấy mắc nợ Đức Chúa Trời và căm ghét chính mình, như vậy thì hy vọng được cứu rỗi của ngươi sẽ bằng không. Nếu nhận biết được vấn đề của mình nghiêm trọng đến mức nào, nhưng lại bình chân như vại và không căm ghét bản thân, thì bên trong ngươi vẫn rất tê dại, bị động, ngươi cũng không tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời, cũng không cầu nguyện hay nương cậy vào Ngài để giải quyết tâm tính bại hoại của mình. Như vậy thì ngươi sẽ rất nguy hiểm và vẫn chưa thể được cứu rỗi.

Điều kiện để được cứu rỗi là gì? Đầu tiên, ngươi phải hiểu lẽ thật và cam tâm tình nguyện tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời. Sau đó, con người phải có ý chí hợp tác, có thể chống lại bản thân và bằng lòng buông bỏ những dục vọng cá nhân của mình. Những dục vọng cá nhân này bao gồm những gì? Thể diện, địa vị, hư vinh, các khía cạnh lợi ích cũng như các dự định, dục vọng, tiền đồ, đích đến của bản thân, dù là ngay trước mắt hay trong tương lai, tóm lại nó bao gồm tất cả những điều này. Nếu có thể tìm kiếm lẽ thật để giải quyết những tâm tính bại hoại này, vượt qua chúng từng cái từng cái một, có thể từ bỏ chúng từng chút từng chút một, thì việc thực hành lẽ thật của ngươi sẽ ngày càng dễ dàng, ngươi sẽ đạt đến sự vâng phục Đức Chúa Trời, và vóc giạc của ngươi sẽ dần dần lớn lên. Một khi hiểu được lẽ thật, có thể nhìn thấu và từ bỏ những dục vọng cá nhân này từng chút một, tâm tính của ngươi sẽ có biến đổi. Bây giờ các ngươi đã biến đổi đến mức độ nào rồi? Dựa trên những quan sát của Ta, các ngươi cơ bản vẫn chưa bước vào được thực tế lẽ thật của khía cạnh biến đổi tâm tính. Vậy thì vóc giạc hiện tại của các ngươi như thế nào và các ngươi sống trong tình trạng nào? Đa số mọi người đều đang xoay vòng và quanh quẩn trong việc thực hiện bổn phận: “Tôi có nên thực hiện bổn phận không? Làm thế nào để làm tốt bổn phận? Thực hiện bổn phận như thế này có phải là qua loa chiếu lệ không?”. Có những lúc khi sự qua loa chiếu lệ của mình trầm trọng, ngươi sẽ cảm thấy tự trách trong lòng, cảm thấy mắc nợ Đức Chúa Trời và có lỗi với Ngài. Thậm chí ngươi còn than khóc và bày tỏ với Đức Chúa Trời rằng mình muốn làm tốt bổn phận và đền đáp tình yêu thương của Ngài. Nhưng vài ngày sau, ngươi lại trở nên tiêu cực, không muốn thực hiện bổn phận nữa, ngươi cứ dừng ở giai đoạn này. Như vậy là có vóc giạc hay không có vóc giạc? (Thưa, không có vóc giạc.) Khi nào không còn cần thông công về việc thực hiện bổn phận như thế nào là trung thành, là hết lòng hết dạ và phải vâng phục sự sắp xếp và an bài của Đức Chúa Trời, các ngươi có thể xem bổn phận như sứ mệnh của chính mình, làm tốt chúng mà không đòi hỏi, không than oán và không lựa chọn, thì các ngươi đã có được một vóc giạc nhất định. Hiện tại chúng ta vẫn phải thông công về cách làm tốt bổn phận, tại sao luôn phải thông công những điều này? Bởi vì con người không biết cách thực hiện bổn phận, cũng không thể nắm bắt được nguyên tắc. Con người vẫn chưa hiểu thấu các khía cạnh lẽ thật của việc thực hiện bổn phận, vẫn chưa hiểu lẽ thật và bước vào thực tế. Có một số người chỉ hiểu một chút đạo lý nhưng vẫn chưa chịu thực hành và bước vào, không bằng lòng chịu khổ chịu mệt mà luôn tham hưởng sự an nhàn của xác thịt. Họ vẫn có quá nhiều sự lựa chọn cho bản thân, không thể buông bỏ và không hoàn toàn phó thác bản thân vào tay Đức Chúa Trời. Họ vẫn có dự định và nhu cầu riêng, những ý nguyện, suy nghĩ và tiền đồ cá nhân của họ vẫn chiếm vị trí chủ đạo và có thể khống chế họ: “Thực hiện bổn phận này thì có tiền đồ không? Có thể học được kỹ năng nào từ nó không? Ở nhà Đức Chúa Trời thì liệu sau này tôi có trở nên xuất chúng được không?”. Ngươi vẫn luôn suy ngẫm về những điều này, cảm thấy khó chịu khi thực hiện bổn phận mà phải chịu chút khổ cực, mệt mỏi hoặc hưởng thụ kém một chút, lâu dần trong lòng ngươi sẽ cảm thấy không chịu đựng nổi, trở nên tiêu cực và vẫn cần được thông công về lẽ thật và làm công tác tư tưởng. Đây chính là không có vóc giạc. Điều này có liên quan đến sự biến đổi tâm tính không? Vẫn còn quá sớm cho việc đó. Một khi các ngươi nắm bắt được nguyên tắc lẽ thật cần hiểu trong việc thực hiện bổn phận, vượt qua được cửa ải này thì các ngươi sẽ có thể đạt đến việc thực hiện bổn phận đạt tiêu chuẩn. Đi tiếp nữa thì mới là những chuyện liên quan đến sự biến đổi tâm tính.

Hiện nay, dù là thực hiện bổn phận hay phụng sự Đức Chúa Trời, tóm lại, tất cả đều cần thường xuyên phản tỉnh bản thân. Bất kể bộc lộ quan điểm sai lầm hay tâm tính bại hoại gì, ngươi đều phải tìm kiếm lẽ thật để giải quyết, như vậy mới có thể đạt đến việc thực hiện bổn phận một cách đạt tiêu chuẩn và nhận được sự ngợi khen của Đức Chúa Trời. Ngươi phải biết phân định những vấn đề tâm tính bại hoại của mình, không phân định được thì sẽ không cách nào giải quyết được chúng. Có người không thể nhìn thấu điều gì là thuộc về tâm tính bại hoại và điều gì không thuộc về tâm tính bại hoại. Chẳng hạn con người thích ăn gì, mặc gì, có thói quen sinh hoạt gì, còn có di truyền và quan niệm truyền thống của tổ tiên, có một số là do truyền thống văn hóa và phong tục tập quán hun đúc mà thành, một số là do giáo dục của gia đình và di truyền của gia tộc mà thành, và một số là do thiếu tri thức và kiến thức mà thành. Đây đều không phải là những vấn đề lớn và không liên quan gì đến nhân tính tốt hay xấu. Thông qua việc học hỏi và có thêm kiến thức thì họ sẽ có thể giải quyết được một phần nào đó. Tuy nhiên, những quan niệm liên quan đến Đức Chúa Trời, những quan điểm sai lầm hay vấn đề tâm tính bại hoại thì phải được giải quyết bằng cách tìm kiếm lẽ thật, đây không phải là những thứ mà giáo dục của con người có thể thay đổi được. Tóm lại, cho dù quan niệm và suy nghĩ của ngươi đến từ đâu, chỉ cần chúng không phù hợp với lẽ thật thì ngươi đều phải buông bỏ và phải tìm kiếm lẽ thật để giải quyết chúng. Việc mưu cầu lẽ thật có thể giải quyết mọi vấn đề của con người. Có rất nhiều vấn đề tưởng chừng như không liên quan đến lẽ thật, nhưng chỉ cần ngươi hiểu lẽ thật thì cũng có thể gián tiếp giải quyết được chúng. Không phải chỉ có những vấn đề liên quan đến tâm tính bại hoại mới có thể dùng lẽ thật để giải quyết, mà cả những vấn đề không liên quan đến tâm tính bại hoại cũng như vậy, giống như một số hành vi, cách làm, quan niệm và thói quen của con người, những vấn đề này cũng phải dùng đến lẽ thật thì mới có thể được giải quyết triệt để. Lẽ thật không những có thể giải quyết tâm tính bại hoại của con người mà còn có thể trở thành mục tiêu cuộc đời, căn cơ sự sống và nguyên tắc sinh tồn của con người. Lẽ thật có thể giải quyết mọi khó khăn và vấn đề của con người, đây là chuyện tuyệt đối. Điểm mấu chốt bây giờ là gì? Ngươi phải nhìn thấu được rằng rất nhiều vấn đề nảy sinh đều có liên quan trực tiếp đến việc không hiểu lẽ thật. Có rất nhiều người không biết phải thực hành như thế nào khi gặp chuyện, đó là vì họ không hiểu lẽ thật. Con người không thể nhìn thấu thực chất và căn nguyên của rất nhiều chuyện, và điều này cũng là vì họ không hiểu lẽ thật. Không hiểu lẽ thật mà sao vẫn có thể nói thao thao bất tuyệt thế? (Thưa, đó đều là câu chữ và đạo lý.) Vậy thì phải giải quyết vấn đề nói câu chữ và đạo lý. Bình thường ngươi hãy bớt nói những lời sáo rỗng, bớt giảng đạo lý và hô khẩu hiệu, hãy nói nhiều hơn về thực tế, thực hành lẽ thật nhiều hơn, nói về việc biết mình và mổ xẻ bản thân nhiều hơn, và cho người khác nghe những lời có tính xây dựng và hữu ích đối với họ. Đây mới là người có thực tế lẽ thật. Đừng nói những lời đạo lý, sáo rỗng, đạo đức giả và lừa gạt con người, và đừng nói những lời không có tính xây dựng. Làm thế nào để có thể không nói những lời như thế? Trước tiên ngươi phải nhận biết và nhìn thấu sự xấu xí, ngu xuẩn và hoang đường của những thứ đó, và ngươi sẽ có thể chống lại xác thịt. Ngoài ra, ngươi cũng phải có lý trí. Con người càng có lý trí thì nói chuyện sẽ càng chuẩn xác và thích hợp, nhân tính sẽ càng trưởng thành, lời nói sẽ càng thực tế và những lời nói nhảm sẽ càng ít đi, trong lòng họ cũng sẽ ghê tởm những lời nói suông, khoác lác và giả tạo. Có một số người mang nặng lòng hư vinh, luôn muốn nói những lời hay ho để ngụy trang, luôn muốn có được địa vị trong lòng người khác và được coi trọng, muốn người khác cho rằng họ tin Đức Chúa Trời rất tốt, rằng họ là một người tốt và đặc biệt ngưỡng mộ họ. Họ luôn có ý định ngụy trang bản thân, đây là do bị tâm tính bại hoại chi phối. Con người có tâm tính bại hoại, đó là căn nguyên của việc con người làm điều ác và chống lại Đức Chúa Trời, đây là vấn đề khó giải quyết nhất. Trừ khi được Đức Thánh Linh công tác và đích thân Đức Chúa Trời hoàn thiện, thì tâm tính bại hoại của con người mới được làm cho tinh sạch, và con người mới đạt được sự biến đổi tâm tính, nếu không thì con người không có cách nào giải quyết được chúng. Nếu là người mưu cầu lẽ thật thì ngươi phải phản tỉnh và nhận biết tâm tính bại hoại của mình theo lời Đức Chúa Trời, đối chiếu bản thân với từng câu trong lời mặc khải và phán xét của Đức Chúa Trời, và đào bới ra được những tâm tính và trạng thái bại hoại của mình từng chút từng chút một. Bắt đầu đào sâu vào những ý định và mục đích trong lời nói và hành động, bắt đầu mổ xẻ và phân định mỗi một câu mình nói ra, cũng chính là không thể bỏ qua bất cứ thứ gì tồn tại trong tâm tư và ý niệm của mình. Cứ mổ xẻ và phân định như vậy từng chút từng chút một, ngươi sẽ có thể phát hiện ra rằng tâm tính bại hoại của mình và chất độc của Sa-tan trong ngươi không phải chỉ có một chút mà là rất nhiều. Như vậy, ngươi sẽ dần dần thấy rõ tâm tính bại hoại và thực chất bản tính của mình, từ đó sẽ biết được bản thân đã bị Sa-tan làm cho bại hoại quá sâu sắc. Lúc này ngươi sẽ cảm nhận được lẽ thật mà Đức Chúa Trời bày tỏ thật quá quý giá, có thể giải quyết được các vấn đề về tâm tính và bản tính của nhân loại bại hoại. Loại thuốc mà Đức Chúa Trời đã bào chế cho nhân loại bại hoại để cứu rỗi loài người thật quá công hiệu, nó còn quý báu hơn cả linh đơn diệu dược. Vì vậy, để nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, ngươi sẽ cam tâm tình nguyện mưu cầu lẽ thật, ngày càng trân trọng mỗi một khía cạnh của lẽ thật, và sẽ ngày càng hăng hái trong việc mưu cầu lẽ thật. Khi trong lòng con người có được cảm giác này, thì có nghĩa là họ đã hiểu được một chút lẽ thật và đã cắm rễ được vào con đường đúng đắn. Nếu họ có thể trải nghiệm một cách sâu sắc hơn và có thể thực sự yêu mến Đức Chúa Trời từ tận đáy lòng, thì tâm tính sự sống của con người sẽ bắt đầu có biến đổi.

Biến đổi về mặt hành vi thì dễ, nhưng biến đổi tâm tính sự sống thì không dễ dàng. Giải quyết vấn đề tâm tính bại hoại phải bắt đầu từ việc biết mình, bản thân phải tỉ mỉ, chú trọng vào việc tự kiểm điểm những ý định và trạng thái của mình từng chút từng chút một, phải luôn tự kiểm điểm những ý định và cách nói chuyện theo thói quen của mình. Rồi đột nhiên có một ngày ngươi sẽ ý thức được: “Mình luôn nói những điều hay ho để ngụy trang bản thân, mong có được địa vị trong lòng người khác. Đây là tâm tính tà ác. Đó không phải là những thứ mà nhân tính bình thường bộc lộ và không phù hợp với lẽ thật. Cách nói chuyện và ý định tà ác này là sai lầm, bắt buộc phải được sửa đổi và loại bỏ”. Kể từ khi có được ý thức này, ngươi sẽ ngày càng cảm nhận được rõ ràng hơn rằng tâm tính tà ác trong mình thật quá nghiêm trọng. Vốn dĩ ngươi còn tưởng rằng sự tà ác chỉ là chút dục vọng xấu xa tồn tại giữa nam và nữ, cảm thấy rằng mặc dù mình cũng có những biểu hiện thuộc khía cạnh tà ác này, nhưng ngươi không phải là người có tâm tính tà ác. Điều này cho thấy ngươi không có nhận thức về tâm tính tà ác, dường như chỉ hiểu được ý nghĩa bề ngoài của hai chữ “tà ác” này, nhưng lại không nhận biết và không có phân định về tâm tính tà ác, thật sự vẫn chưa hiểu ý nghĩa của từ “tà ác”. Khi ý thức được rằng mình đã có những bộc lộ về khía cạnh tâm tính này, ngươi bắt đầu tự phản tỉnh và nhận biết nó, đào sâu vào căn nguyên của nó, như vậy ngươi sẽ có thể thấy được rằng mình thực sự có một tâm tính như vậy. Tiếp theo ngươi nên làm gì? Phải không ngừng tự kiểm điểm những ý định trong cách thức nói chuyện tương tự của bản thân. Trong quá trình không ngừng đào bới này, ngươi sẽ ngày càng xác định được một cách chân thật và chính xác hơn rằng mình thực sự có tâm tính và thực chất này. Chỉ khi đến một ngày, ngươi thực sự thừa nhận rằng mình có tâm tính tà ác thì ngươi mới nảy sinh lòng căm ghét và ghê tởm với nó. Một người sẽ đi từ việc cho rằng mình là người rất tốt, tác phong đứng đắn, có ý thức chính nghĩa, là chính nhân quân tử và người thật thà, cho đến việc nhận biết bản thân có những thực chất bản tính như kiêu ngạo, cương ngạnh, giả dối, tà ác và chán ghét lẽ thật, khi đó, con người sẽ có định vị chính xác cho bản thân mình và biết được bản thân mình là thứ gì. Chỉ thừa nhận ngoài miệng hoặc chỉ nhận biết một cách qua loa rằng mình có những biểu hiện và trạng thái này thì sẽ không sản sinh ra được sự căm ghét thật sự. Chỉ khi nhận biết được thực chất của những tâm tính bại hoại này là bộ dạng gớm ghiếc của Sa-tan thì con người mới có thể thực sự căm ghét chính mình. Để thực sự biết mình và đạt đến mức căm ghét bản thân, con người cần có nhân tính như thế nào? Con người phải yêu thích những sự vật tích cực, yêu thích lẽ thật, yêu thích sự công bằng và công chính, có lương tâm và tri giác, có tâm địa lương thiện, có thể tiếp nhận và thực hành lẽ thật. Người như vậy đều có thể đạt đến sự thực sự biết mình và căm ghét chính mình. Những người không yêu thích lẽ thật và rất khó tiếp nhận lẽ thật sẽ không bao giờ biết mình. Ngay cả khi ngoài miệng họ có thể nói vài lời về việc biết mình, họ cũng không thể đưa lẽ thật vào thực hành và sẽ không có được sự biến đổi thật sự nào. Biết mình là việc khó khăn nhất. Ví dụ, một người có tố chất kém thì cảm thấy rằng: “Tố chất của tôi kém, trời sinh là người nhát gan và hay sợ sệt. Có lẽ tôi là người thật thà và hèn nhát nhất trên thế giới này, cũng chính là đối tượng xứng đáng được Đức Chúa Trời cứu rỗi nhất”. Đây có phải là sự biết mình thật sự không? Đây là cách nói của một người không hiểu lẽ thật. Chẳng lẽ tố chất kém là sẽ không có tâm tính bại hoại sao? Nhát gan thì sẽ không có tâm tính bại hoại sao? Sẽ không bị Sa-tan làm bại hoại sao? Thật ra những người như vậy cũng có không ít tâm tính tà ác và kiêu ngạo, hơn nữa họ còn ẩn giấu khá sâu và còn ngoan cố hơn người bình thường. Tại sao Ta lại nói nó ẩn giấu khá sâu? (Thưa, bởi vì họ luôn nghĩ mình tốt.) Đúng vậy, bản thân họ đã bị hình tượng giả này che đậy và mê hoặc, khiến họ không có cách nào tiếp nhận lẽ thật. Họ nghĩ rằng mình đã khá ổn rồi, không cần sự phán xét và làm tinh sạch của Đức Chúa Trời. Tất cả những lời Đức Chúa Trời phán về việc phán xét con người và vạch trần sự bại hoại của họ đều nhằm vào người khác, những người có bản lĩnh và tâm tính kiêu ngạo, những kẻ lãnh đạo giả hành ác và mê hoặc con người, và những kẻ địch lại Đấng Christ, chứ chúng không nhắm vào những người như họ. Người như họ đã đủ tốt rồi, họ là người liêm khiết, không nhuốm bụi trần và không có vết nhơ. Họ định nghĩa bản thân như vậy thì có thể thực sự biết mình không? (Thưa, không.) Họ không thể biết mình, và chắc chắn họ không hiểu được lẽ thật. Họ không thể hiểu những lẽ thật liên quan đến lý do tại sao Đức Chúa Trời phán xét và hình phạt con người, Ngài cứu rỗi con người như thế nào, hay tâm tính bại hoại được làm tinh sạch như thế nào. Người không hề biết mình thì chắc chắn không hiểu được bất cứ lẽ thật nào cả. Những quan điểm sai lầm mà họ bộc lộ ra cũng đủ chứng tỏ họ là con người sai trái và hoang đường. Sự tiếp nhận của họ là sai trái, và họ áp đặt những ý nghĩ của mình lên Đức Chúa Trời, đây cũng là một loại tâm tính tà ác. Sự tà ác là một loại tâm tính không chỉ biểu hiện ở vấn đề tác phong giữa nam và nữ, và không thể nói rằng một chút dục vọng xấu xa chính là tâm tính tà ác. Nhưng nếu dục vọng xấu xa của một người quá nghiêm trọng và họ thường xuyên phạm tội dâm loạn hoặc quen thói đồng tính luyến ái thì điều đó thuộc về sự tà ác. Một số người không thể phân biệt được, luôn nói rằng những dục vọng xấu xa là tà ác, và giải thích sự tà ác bằng những dục vọng xấu xa, như vậy là họ không có sự phân định. Tâm tính tà ác là khó nhận biết nhất. Phàm là người quá giả dối và nham hiểm thì đều tà ác. Chẳng hạn, một số người sau khi nói dối sẽ suy ngẫm rằng: “Nếu tôi không nói về những hiểu biết của mình, thì ai biết người khác sẽ nghĩ gì về tôi? Tôi phải cởi mở và thông công, nói một chút về những hiểu biết của mình, sau khi nói về nó thì việc này coi như là xong. Tôi không thể để người khác biết ý định thực sự của mình và cho rằng tôi giả dối”. Đây là tâm tính gì? Dùng cách thức lừa gạt để cởi mở về bản thân, đó gọi là tà ác. Và sau khi nói dối, họ còn phải quan sát: “Có ai biết tôi nói dối không? Có ai nhìn thấy con người thực sự của tôi không?”. Họ bắt đầu moi móc thông tin và thăm dò mọi người, đây cũng là tà ác. Con người không dễ phát hiện ra tâm tính tà ác. Phàm là những người làm việc vô cùng nham hiểm, giả dối, khiến người khác khó nhìn thấu thì đều là kẻ tà ác. Phàm là người giở những trò âm mưu quỷ kế để đạt được mục đích của mình thì đều là kẻ tà ác. Phàm là người làm việc xấu dưới chiêu bài làm điều tốt để lừa gạt người khác, khiến người khác phải phục vụ mình thì đều là những kẻ tà ác nhất. Con rồng lớn sắc đỏ là tà ác nhất, Sa-tan là tà ác nhất, những quỷ vương đó là tà ác nhất. Phàm là ma quỷ thì đều là kẻ tà ác.

Để mưu cầu sự biến đổi tâm tính, trước tiên con người phải có khả năng nhận biết tâm tính bại hoại của chính mình, nhìn thấu được và mổ xẻ hết được thực chất của sự bại hoại, có thể nhận biết được các loại trạng thái mà tâm tính bại hoại sản sinh ra, đây mới là thật sự biết mình. Con người có thể nhận biết được rõ ràng trạng thái bại hoại và tâm tính bại hoại của chính mình thì khi đó, họ mới có thể căm ghét xác thịt và Sa-tan, mới có thể mang lại sự biến đổi tâm tính. Nếu con người không thể nhận biết những trạng thái này, không kết hợp được và không đối chiếu được với chúng, thì họ có thể có sự biến đổi tâm tính không? Không thể. Sự biến đổi tâm tính đòi hỏi phải có nhận biết về những trạng thái khác nhau mà tâm tính bại hoại sản sinh ra, có thể đạt đến mức không bị tâm tính bại hoại kìm kẹp và thực hành được lẽ thật, đây mới là bắt đầu của sự biến đổi tâm tính. Nếu con người không nhận biết được căn nguyên sản sinh ra trạng thái bại hoại của mình, và chỉ trói buộc bản thân dựa vào những câu chữ và đạo lý mà họ hiểu, thì ngay cả khi họ có một số hành vi tốt và một số thay đổi bề ngoài, thì đó cũng không thể coi là sự biến đổi tâm tính. Nếu đã không thể được coi là sự biến đổi tâm tính, vậy thì đa số mọi người đều đang đóng vai trò gì trong quá trình thực hiện bổn phận của mình? Đó là vai trò của người đem sức lực phục vụ, chỉ là ra sức và bận rộn các sự vụ. Mặc dù họ cũng đang thực hiện bổn phận nhưng hầu hết thời gian họ chỉ chú trọng vào công việc mà không tìm kiếm lẽ thật, họ đều chỉ đang ra sức mà thôi. Có những lúc khi tâm trạng vui vẻ thì họ sẽ bỏ sức nhiều hơn, và có lúc khi tâm trạng không tốt thì họ bỏ sức ít lại một chút. Sau đó khi kiểm điểm bản thân và cảm thấy hối hận, họ lại bỏ sức nhiều hơn, họ cho rằng đây đã là sự ăn năn rồi. Thật ra, đây không phải là sự biến đổi thực sự, cũng không phải là sự ăn năn thực sự. Sự ăn năn thực sự bắt đầu bằng việc biết mình, bắt đầu từ những chuyển biến trong hành vi. Khi hành vi đã có chuyển biến rồi và họ có thể chống lại xác thịt, có thể đưa lẽ thật vào thực hành và về mặt hành vi có vẻ phù hợp với các nguyên tắc, thì đây mới là ăn năn thực sự. Sau đó, họ sẽ từng chút từng chút một đạt đến mức có thể nói chuyện và hành động theo nguyên tắc, hoàn toàn phù hợp với lẽ thật. Đây chính là thời điểm bắt đầu của những biến đổi về tâm tính sự sống. Hiện tại các ngươi đã trải nghiệm đến giai đoạn nào rồi? (Thưa, bề ngoài có một số hành vi tốt.) Đây vẫn thuộc về giai đoạn ra sức. Có người bỏ ra một chút sức lực rồi thì cảm thấy mình có công lao và xứng đáng nhận được phước lành của Đức Chúa Trời. Trong lòng họ luôn ngẫm nghĩ: “Đức Chúa Trời nhìn nhận chuyện này như thế nào? Tôi đã bỏ ra nhiều công sức và chịu đựng nhiều khổ cực như vậy, liệu tôi có thể vào thiên quốc được không?”. Khi họ luôn muốn thăm dò đến cùng thì đây là tâm tính gì? Giả dối, tà ác và cả kiêu ngạo nữa. Ngoài ra, bỏ chút công sức khi tin Đức Chúa Trời mà đã muốn được phước lành, lại không hề tiếp nhận một chút lẽ thật nào, thì ở đây có tâm tính cương ngạnh không? Không bao giờ buông bỏ phước lành của địa vị, đây có phải là cương ngạnh không? Họ luôn nghĩ ngợi: “Liệu Đức Chúa Trời có nhớ rằng tôi đã chịu khổ khi thực hiện bổn phận không? Ngài sẽ ban cho tôi một chút phước lành chứ?”. Trong lòng họ luôn có những tính toán này. Nhìn bề ngoài có vẻ như họ đang thực hiện các giao dịch, nhưng thật ra bên trong họ, có một số kiểu tâm tính bại hoại đang tác oai tác quái. Luôn muốn thực hiện giao dịch với Đức Chúa Trời, khi tin Đức Chúa Trời thì luôn muốn nhận được phước lành, chiếm được ưu thế và không chịu thiệt thòi, luôn giở những trò tà môn ngoại đạo, đây chính là bị chi phối bởi tâm tính tà ác. Mỗi lúc thực hiện bổn phận và bỏ ra chút công sức thì họ đều muốn căn vặn: “Tôi bỏ ra nhiều sức lực như vậy thì có thể được phước lành không? Tôi chịu nhiều khổ cực như vậy khi tin Đức Chúa Trời thì có thể vào thiên quốc không? Tôi vứt bỏ hết mọi thứ để thực hiện bổn phận đến cùng như vậy, Đức Chúa Trời có khen ngợi tôi không? Đức Chúa Trời rốt cuộc là có công nhận con người tôi không?”. Họ ngẫm nghĩ về những câu hỏi này hết ngày này qua ngày nọ. Ngày nào chưa thể làm rõ mọi chuyện thì họ sẽ cảm thấy bất an, không muốn thực hiện bổn phận và cũng không muốn trả giá, càng không muốn mưu cầu lẽ thật nữa. Họ luôn bị kìm kẹp và ràng buộc bởi những chuyện này, không có chút đức tin thật sự nào. Họ không tin lời hứa của Đức Chúa Trời là chân thật, không tin rằng con người chỉ cần mưu cầu lẽ thật thì chắc chắn sẽ được Đức Chúa Trời ban phước. Trong lòng họ đã chán ghét lẽ thật. Ngay cả khi họ muốn mưu cầu lẽ thật thì cũng không có động lực, vì thế mà họ không có được sự khai sáng và soi sáng của Đức Thánh Linh, và cũng không thể hiểu được lẽ thật. Họ thường xuyên gặp vấn đề trong khi thực hiện bổn phận, thường xuyên tiêu cực và yếu đuối. Họ than oán khi gặp khó khăn, và khi thảm họa ập đến hoặc khi bị bắt thì họ nhận định rằng Đức Chúa Trời không bảo vệ họ và không muốn họ nữa, và thế là họ cam chịu. Đây là tâm tính gì? Đây không phải là sự hung ác sao? Một khi con người có oán giận thì họ sẽ có thể làm ra những chuyện gì? Họ chắc chắn sẽ tiêu cực và biếng nhác, chắc chắn sẽ trở nên bất cần. Họ còn có thể thường xuyên buộc tội các lãnh đạo và chấp sự là những kẻ lãnh đạo giả và những kẻ địch lại Đấng Christ, thậm chí còn có thể trực tiếp oán trách Đức Chúa Trời và phán xét Ngài. Điều gì đã gây nên những điều này? Chúng đều là do tâm tính hung ác chi phối. Dựa theo quan điểm thế tục và logic của Sa-tan, họ cho rằng đã bỏ công sức thì phải có hồi báo, nếu không có hồi báo thì họ sẽ không bỏ công sức ra nữa. Họ có tâm lý trả thù, muốn quẳng gánh, cự tuyệt bổn phận và đòi trả nợ, đây có phải là hung ác không? Điều này giống với điểm nào ở Phao-lô? (Thưa, Phao-lô cho rằng mình đã chạy xong đoạn đường cần chạy, đã đánh xong trận mình cần đánh, thì mão triều thiên của sự công chính chắc chắn sẽ dành cho ông.) Như vậy thì khớp rồi. Vậy trên người các ngươi có những biểu hiện nào của Phao-lô không? Các ngươi có đối chiếu như vậy không? Nếu không đối chiếu bản thân với lời Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ không thể biết mình. Chỉ khi nhận biết được thực chất của tâm tính bại hoại thì ngươi mới có thể thực sự biết mình. Nếu ngươi chỉ nhận biết được những điều đúng sai bề ngoài, chỉ thừa nhận mình là ma quỷ và Sa-tan thì điều này quá chung chung và sáo rỗng. Đó là sự giả vờ sâu sắc, đó là sự ngụy trang, lừa gạt. Nói về việc biết mình như vậy là giả thuộc linh, là mê hoặc con người.

Các ngươi đã từng thấy người giả dối biết mình như thế nào chưa? Họ liên tục phê bình bản thân một cách rất ghê gớm, nói rằng mình là ma quỷ, là Sa-tan, còn rủa sả chính mình, nhưng họ lại không nói mình đã làm những chuyện ma quỷ hay việc ác nào, cũng không mổ xẻ sự bẩn thỉu và bại hoại trong lòng. Họ chỉ nói rằng mình là ma quỷ và Sa-tan, đã phản nghịch và chống đối Đức Chúa Trời, nói rất nhiều lời sáo rỗng và chung chung để định tội mình, cho người khác có cảm giác: “Đây đúng thật là biết mình rồi, hơn nữa còn biết thật sâu sắc”. Họ khiến người khác thấy rằng họ là người thuộc linh và từ đó trở nên hâm mộ người mưu cầu lẽ thật như họ. Nhưng họ biết mình như vậy sau vài năm mà không hề có lòng ăn năn thật sự, ngươi cũng không thấy họ thực hành lẽ thật hoặc hành động theo nguyên tắc trong bất cứ chuyện gì, tâm tính sự sống của họ cũng không hề có biến đổi. Những việc này đã phơi bày ra vấn đề. Đây không phải là sự biết mình thật sự, đây là sự ngụy trang và lừa gạt, và người này là một kẻ đạo đức giả. Cho dù con người nói về việc biết mình như thế nào, ngươi cũng đừng chú trọng đến việc họ nói hay đến đâu hoặc nhận biết của họ sâu sắc đến đâu. Quan trọng là ngươi phải nhìn vào cái gì? Phải nhìn xem họ có thể thực hành được bao nhiêu lẽ thật, họ có thể kiên trì với các nguyên tắc lẽ thật để bảo vệ công tác của hội thánh hay không. Chỉ cần nhìn vào hai điều này là đủ để ngươi biết được họ có biến đổi thật sự hay không. Đây là nguyên tắc để nhìn người và phân định con người. Đừng nghe những lời ngoài miệng của họ hay ho đến cỡ nào, mà phải xem họ hành động như thế nào. Còn có một số người, khi nói về sự biết mình thì bề ngoài có vẻ rất nghiêm túc. Trong lòng có ý niệm sai lầm hay ý tưởng không đúng đắn nào, họ đều nói với người khác, có thể cởi mở và bộc lộ. Nhưng khi nói xong thì họ lại không hề có lòng ăn năn thật sự, gặp chuyện vẫn không biết thực hành lẽ thật, cũng không kiên trì với các nguyên tắc và bảo vệ công tác của hội thánh, ngươi cũng không thấy được họ có bất kỳ sự biến đổi nào. Biết mình và cởi mở thông công như vậy thì không có bất cứ ý nghĩa nào. Có lẽ họ cho rằng biết mình như vậy thì chính là thực sự ăn năn và cho thấy rằng họ đang thực hành lẽ thật, kết quả là nhận biết như vậy vài năm cũng không có biến đổi. Biết mình như vậy có phải là làm cho có hình thức và cho có lệ không? Không có chút kết quả nào, như vậy có phải là đang đùa giỡn với chính mình không? Trước đây có lần Ta đến một nơi nọ, khi mới đến thì nhìn thấy có người đang cắt cỏ bằng máy. Cái máy đó phát ra âm thanh vừa ồn vừa to. Hai ba lần đến đó đều gặp phải tình huống tương tự, Ta bèn hỏi người đó: “Các ngươi không có thời gian cố định để cắt cỏ à?”. Người đó trả lời: “Ôi, thấy Đức Chúa Trời đến thì mới cắt cỏ, làm như vậy lòng tôi cũng khó chịu lắm”. Những người không biết phân định nghe thấy lời như vậy còn thấy rằng con người họ thật tình, trong lòng nghĩ thế nào thì nói thế đó, cho rằng họ đã thừa nhận sai lầm và đã biết mình, và thế là bị mê hoặc. Nhưng người hiểu lẽ thật thì cũng nhìn nhận sự việc như vậy sao? Nên nhìn nhận việc này như thế nào là chuẩn xác? Những người có thể nhìn thấu chuyện này thì trong lòng sẽ nghĩ rằng: “Anh thực hiện bổn phận mà đâu có trách nhiệm với nó, không phải anh chỉ đang làm việc để thể hiện mình thôi sao?”. Người cắt cỏ sợ người khác sẽ nghĩ như vậy nên đã nói trước để chặn họng người khác. Kỹ năng nói chuyện này có khôn khéo không? (Thưa, khôn khéo.) Thật ra họ đã ngẫm nghĩ cách ứng phó với chuyện này từ lâu, họ đánh đòn phủ đầu để mê hoặc ngươi và khiến ngươi nghĩ rằng họ đơn thuần, hơn nữa còn có thể nói chuyện một cách cởi mở và thừa nhận sai lầm của mình. Nhưng trong lòng họ thì nghĩ như thế này: “Tôi hiểu lẽ thật, không cần các người nói với tôi. Tôi sẽ thừa nhận điều đó trước. Tôi nói chuyện khéo léo như vậy, để xem các người còn có thể nói gì. Tôi cứ làm như vậy đấy, các người có thể làm gì tôi?”. Ở đây có những loại tâm tính nào? Đầu tiên là họ hiểu hết mọi thứ, làm sai thì biết ăn năn, cho người khác cảm giác như vậy, dùng sự ngụy trang và những lời nói dối để cho người khác một hình tượng giả, khiến người khác coi trọng họ. Họ có rất nhiều toan tính trong lòng, biết lời nói của mình sẽ mê hoặc được người khác đến mức độ nào, người khác sẽ có phản ứng gì, họ đều dự đoán được từ trước. Đây là tâm tính gì? Đây là tâm tính tà ác. Ngoài ra, họ đã nói được lời như vậy thì chứng tỏ không phải đến bây giờ họ mới biết, mà từ lâu họ đã biết làm như vậy là qua loa và chiếu lệ, không nên đợi đến bây giờ mới làm, không nên ngụy trang và làm việc để thể hiện mình như vậy. Vậy thì tại sao họ vẫn làm như thế, đây có phải là sự cương ngạnh không? Có cả sự giả tạo, cương ngạnh và cả sự tà ác. Các ngươi đã có thể phân định được chưa? Có người chỉ biết phân định người khác chứ không biết phân định bản thân, tại sao lại như vậy? Nếu thật sự biết phân định bản thân thì ngươi cũng sẽ biết phân định người khác y như vậy. Còn nếu chỉ biết phân định người khác mà không biết phân định bản thân, thì đây chính là có vấn đề về mặt tâm tính của con người và về mặt nhân phẩm. Đối chiếu lẽ thật lên người khác mà không đối chiếu với bản thân, đây tuyệt đối không phải là người yêu thích lẽ thật, càng không phải là người tiếp nhận lẽ thật.

Khi con người có thể phát hiện ra rằng vấn đề bại hoại của mình rất nghiêm trọng, thì đây là chuyện tốt hay xấu? Đây là chuyện tốt. Ngươi càng có thể phát hiện sự bại hoại của mình và nhận biết được càng chuẩn xác, càng có thể nhận biết được thực chất của mình thì sẽ càng có khả năng được cứu rỗi và càng tiến gần hơn đến sự cứu rỗi. Càng không thể phát hiện ra vấn đề của mình, luôn cảm thấy mình tốt và ổn, thì ngươi vẫn còn ở rất xa con đường được cứu rỗi và vẫn còn rất nguy hiểm. Ngươi thấy người nào luôn khoe khoang mình thực hiện rất tốt bổn phận, biết thông công lẽ thật, còn biết thực hành lẽ thật, vậy chứng tỏ rằng vóc giạc của người đó rất nhỏ bé, họ còn rất ấu trĩ và sự sống còn chưa chín chắn. Loại người nào thì có nhiều hy vọng được cứu rỗi hơn và có thể đi trên con đường được cứu rỗi? Đó là người thực sự nhận biết tâm tính bại hoại của mình, họ nhận biết được càng sâu sắc thì càng gần được cứu rỗi. Nhận biết được rằng tâm tính bại hoại của mình đều bắt nguồn từ bản tính Sa-tan, thấy rằng mình không có lương tâm và lý trí, không thể thực hành bất cứ lẽ thật nào, chỉ biết sống bằng tâm tính bại hoại và thật sự không có chút nhân tính nào, rằng mình chính là ma quỷ sống và Sa-tan sống, đây mới thực sự là nhận biết được thực chất sự bại hoại của chính mình. Nhận biết được như vậy thì có vẻ vấn đề rất nghiêm trọng, vậy thật ra đây là chuyện tốt hay xấu? (Thưa, là chuyện tốt.) Mặc dù đó là chuyện tốt, nhưng có người khi thật sự nhìn thấy bộ dạng ma quỷ và Sa-tan của mình thì sẽ trở nên tiêu cực, sẽ cho rằng: “Giờ thì tiêu rồi, Đức Chúa Trời không muốn mình nữa. Mình chắc chắn sẽ phải xuống địa ngục, không thể được Đức Chúa Trời cứu rỗi nữa rồi”. Có tình huống như vậy không? Các ngươi nói xem, có người nào càng biết mình thì càng trở nên tiêu cực và cảm thấy rằng: “Mình thật sự tiêu đời rồi. Sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời đã đến, đây là sự trừng phạt, là báo ứng. Đức Chúa Trời không muốn mình nữa. Mình không còn hy vọng được cứu rỗi nữa rồi”. Mọi người có những ảo giác này không? (Thưa, có.) Thật ra thì con người càng nhận biết được bản thân hết hy vọng thì càng có hy vọng, không được tiêu cực và bỏ cuộc. Biết được chính mình là chuyện tốt, là con đường bắt buộc phải đi qua để nhận được sự cứu rỗi. Nếu không có chút tri giác nào về tâm tính bại hoại của chính mình và thực chất của việc con người chống đối Đức Chúa Trời ở nhiều khía cạnh khác nhau, và còn chưa có ý định bắt đầu biến đổi, thì đây mới là phiền phức. Người như vậy đã tê dại rồi, là người chết. Có dễ cứu sống người chết không? Người đã chết thì không dễ cứu sống.

Loại người nào Đức Chúa Trời vẫn cho cơ hội ăn năn và vẫn còn hy vọng được cứu rỗi? Loại người này cần có những biểu hiện như thế nào? Đầu tiên, họ phải có lương tâm và tri giác. Bất luận gặp phải chuyện gì, họ đều có thể đón nhận từ Đức Chúa Trời và trong lòng hiểu rằng chính Đức Chúa Trời đang hành động để cứu rỗi họ. Họ sẽ nói: “Tuy rằng tôi không hiểu tâm ý của Đức Chúa Trời, cũng không biết tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi, nhưng tôi tin rằng Đức Chúa Trời làm điều đó để cứu rỗi tôi. Tôi không thể phản nghịch với Ngài và làm tổn thương trái tim Ngài. Tôi phải vâng phục và chống lại chính mình”. Họ có lương tâm này. Ngoài ra, về khía cạnh lý trí, họ cảm thấy rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, và tôi là loài thọ tạo. Đức Chúa Trời làm gì cũng đúng. Ngài phán xét và hành phạt tôi để làm tinh sạch tâm tính bại hoại của tôi. Bất kể Đấng Tạo Hóa đối xử với loài thọ tạo như thế nào thì cũng là hợp tình hợp lý”. Đây có phải là lý trí mà con người nên có không? Con người không nên đòi hỏi Đức Chúa Trời và nói rằng: “Con là con người, con có nhân cách và tôn nghiêm. Con không cho phép Ngài đối xử với con như vậy”. Như vậy là có lý trí không? Đây là tâm tính Sa-tan, nói như vậy là không có lý trí của một con người bình thường, và Đức Chúa Trời sẽ không cứu rỗi những người như vậy. Ngài không thừa nhận họ là loài thọ tạo. Nếu ngươi nói: “Tôi được Đức Chúa Trời tạo ra, Ngài muốn đối xử với tôi thế nào cũng được. Ngài có thể xem tôi như lừa, như ngựa hay là gì cũng được. Tôi không có sự lựa chọn hay yêu cầu nào của mình cả”. Như vậy thì khi thực hiện bổn phận và phải chịu chút cực chút khổ, ngươi có thể kén chọn không? (Thưa, không.) Đúng vậy, ngươi phải vâng phục. Vâng phục như thế nào? Khi mới bắt đầu vâng phục, ngươi sẽ thấy tốn sức, khó chịu, luôn muốn trốn chạy và cự tuyệt. Vậy thì phải làm sao? Ngươi phải đến trước Đức Chúa Trời và cầu nguyện, tìm kiếm lẽ thật, nhìn rõ thực chất của vấn đề, rồi tìm ra con đường để thực hành. Ngươi phải dồn hết tâm trí và nỗ lực vào việc thực hành lẽ thật, vâng phục từng chút một, đây chính là có lý trí. Đầu tiên ngươi phải có được lý trí như vậy. Lương tâm có rồi, lý trí cũng có rồi, vậy thì con người cần có được gì nữa? Liêm sỉ. Khi gặp những chuyện gì thì con người cần có liêm sỉ? Khi họ làm sai, bộc lộ sự phản nghịch, quanh co và giả dối, nói dối và lừa gạt, những khi đó thì phải có ý thức và có liêm sỉ. Họ phải biết làm như vậy là không phù hợp với lẽ thật, không có tôn nghiêm và phải biết hối cải. Nếu con người không có liêm sỉ thì đó chính là loại người không biết xấu hổ, không xứng đáng được gọi là con người. Nếu con người không tiếp nhận lẽ thật thì họ sẽ thật sự tiêu đời. Thông công lẽ thật như thế nào họ cũng không nghe lọt tai, nói thế nào họ cũng không có tri giác, đó gọi là không có liêm sỉ. Người không có liêm sỉ thì có biết hối lỗi không? Không có liêm sỉ thì không có tôn nghiêm, và người như vậy thì không biết hối cải. Người không biết hối cải có thể quay đầu không? (Thưa, không.) Người không thể quay đầu sẽ không buông bỏ được điều ác trong tay mình. “Ai nấy khá bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình” (Giô-na 3:8). Con người phải sở hữu những gì để có thể làm được điều này? Họ phải có liêm sỉ, có lương tâm và tri giác. Khi phạm sai lầm, trong lòng họ sẽ tự trách, có lòng hối cải và có thể từ bỏ cách làm sai trái. Người như vậy sẽ có thể quay đầu. Đây là điều tối thiểu mà nhân tính phải có. Ngoài lương tâm, lý trí và liêm sỉ, con người còn cần có gì nữa? (Thưa, lòng yêu thích những điều tích cực.) Đúng vậy. Yêu thích những điều tích cực chính là yêu thích lẽ thật, chỉ có người yêu thích lẽ thật mới là người có tâm địa lương thiện. Những kẻ ác có yêu thích điều tích cực không? Kẻ ác thì ưa thích những thứ tà ác, hung ác và ác độc, họ thích tất cả những gì liên quan đến những điều tiêu cực. Khi nói với họ về những điều tích cực, rằng chuyện này có ích với con người và đến từ Đức Chúa Trời, họ nghe thấy thì sẽ không thích và không có hứng thú, như vậy thì sẽ không có cách nào được cứu rỗi. Cho dù ngươi thông công lẽ thật có tốt đến đâu, nói chuyện có thực tế đến đâu thì họ vẫn không có hứng thú, thậm chí còn có cái nhìn thù địch và đối kháng. Còn khi nói đến chuyện ăn uống chơi bời, hai mắt họ liền sáng rỡ và họ trở nên hăng hái. Đây là tâm tính hung ác và tà ác, tâm địa không lương thiện. Vì vậy, họ không thể yêu thích những điều tích cực. Họ nhìn nhận những điều tích cực như thế nào trong lòng? Họ coi khinh và xem thường chúng, họ chế nhạo chúng. Khi nói đến việc trở thành một người trung thực, họ sẽ cho rằng: “Làm người trung thực thì chỉ có chịu thiệt thôi, không đời nào tôi làm như vậy! Người nào làm người trung thực thì người đó ngu ngốc. Hãy nhìn xem, khi thực hiện bổn phận, anh chịu khổ chịu cực, không bao giờ nghĩ đến đường lui hay sức khỏe của mình. Anh mệt đến mức ngã gục thì có ai quan tâm? Tôi không thể để mình mệt được”. Nếu có người nói: “Chúng ta phải chừa đường lui cho mình, không thể cứ liên tục bỏ công bỏ sức ra như những kẻ ngốc như vậy. Chúng ta phải chuẩn bị con đường lui cho mình, sau đó thì ít nhiều bỏ thêm một chút công sức thôi là được”. Nói như vậy thì thật đúng với tâm tư của họ và họ liền thấy vui. Còn khi nói đến chuyện phải tuyệt đối vâng phục Đức Chúa Trời, trung thành và dâng mình cho việc thực hiện bổn phận thì họ liền thấy phản cảm, ghê tởm và nghe không lọt tai. Người như vậy có phải là hung ác không? Phàm là loại người này, tâm tính của họ đều hung ác. Chỉ cần ngươi thông công về lẽ thật và nói về các nguyên tắc thực hành thì họ sẽ thấy phản cảm và không muốn nghe. Họ nghĩ rằng điều này làm tổn hại đến thể diện và tôn nghiêm của họ, và lại không có được ích lợi gì từ trong đó, trong lòng họ sẽ nói thầm: “Cả ngày cứ nói mãi về lẽ thật và nguyên tắc thực hành. Cả ngày cứ nói về việc làm người trung thực. Làm người trung thực thì có ăn được không? Nói sự thật có thể kiếm tiền được không? Chỉ cần lừa gạt thôi thì tôi đã có thể thu lợi rồi!”. Đây là logic gì vậy? Đó là logic của phường trộm cướp. Tâm tính này có hung ác không? Tâm địa họ có lương thiện không? (Thưa, không lương thiện.) Loại người này không thể đạt được lẽ thật. Chút cống hiến, dâng mình và từ bỏ của họ đều có mục đích, họ đã tính toán sẵn những việc này từ lâu rồi. Cho đi một mà nhận lại được nhiều thì họ mới cảm thấy có lời. Đây là tâm tính gì? Đây là tâm tính tà ác, hung ác.

Đa số mọi người khi tin Đức Chúa Trời đều không tìm kiếm lẽ thật, họ luôn thích tự mình tính toán và sắp đặt. Kết quả là sau vài năm họ cũng không thu hoạch được bao nhiêu, không hiểu bất kỳ lẽ thật nào và không thể chia sẻ bất kỳ lời chứng trải nghiệm nào. Lúc này họ sẽ cảm thấy ăn năn và nghĩ rằng vâng phục quyền tối thượng và sự sắp đặt của Đức Chúa Trời cũng như tin Đức Chúa Trời theo yêu cầu của Ngài vẫn là tốt nhất. Mặc dù cảm thấy bản thân khá thông minh khi tính toán theo ý muốn của mình, nhưng nếu không đạt được lẽ thật thì cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là bản thân mình. Con người luôn phải thông qua những thất bại này mới hiểu được lẽ thật và tỉnh ngộ, và sự sống của họ phải chịu bao nhiêu tổn thất mới có thể đi vào con đường đúng đắn và bắt đầu đi đường tắt. Nếu có thể ngay lập tức tin Đức Chúa Trời theo yêu cầu của Ngài, họ sẽ tránh được rất nhiều con đường vòng. Sau khi trải nghiệm nhiều chuyện, gặp phải một số thất bại và trở ngại thì một số người sẽ hiểu ra được một số lẽ thật, họ nhìn thấu được những chuyện này và có thể giao phó mọi thứ của mình cho Đức Chúa Trời, cam tâm tình nguyện vâng phục sự sắp đặt và an bài của Ngài. Như thế là đi vào con đường đúng đắn. Nhưng những người có tâm tính tà ác, hung ác sẽ không giao mình cho Đức Chúa Trời. Họ luôn muốn dựa vào nỗ lực của bản thân, và cảm thấy rằng: “Số phận được nắm giữ trong tay Đức Chúa Trời sao? Đức Chúa Trời tể trị mọi sự sao?”. Họ cứ luôn đặt câu hỏi. Nghe cùng những bài giảng và thông công trong nhà của Đức Chúa Trời, nhưng có người càng nghe càng thấy hăng hái, trạng thái càng lúc càng tốt và càng có nhiều biến đổi. Nhưng có người càng nghe càng thấy nó phức tạp và khó đạt được. Đây chính là người không có hiểu biết thuộc linh. Còn có người nghe giảng và thông công thì trong lòng chán ghét và không hề có chút hứng thú nào. Điều này tỏ lộ những bản tính khác nhau của con người, tỏ lộ đâu là cừu, đâu là dê, đâu là người yêu thích lẽ thật và đâu là người không yêu thích lẽ thật. Một loại người thì tiếp nhận lời Đức Chúa Trời, tiếp nhận lẽ thật, tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời. Loại người kia thì cho dù nghe giảng thế nào cũng không tiếp nhận lẽ thật, cho rằng đó đều là những lời nói kiểu cách, và cho dù có hiểu thì họ cũng không chịu thực hành, bởi vì họ không thể buông bỏ những tính toán, dục vọng cá nhân và lợi ích của mình. Vì vậy, họ tin Đức Chúa Trời bao năm cũng không có biến đổi. Ngươi có thấy rõ hai loại người này trong hội thánh không? Những người thực sự muốn Đức Chúa Trời sẽ không bị ảnh hưởng dù người khác có nói gì, họ vẫn không ngừng nghỉ mà dâng mình cho Đức Chúa Trời, tin rằng lời Đức Chúa Trời là đúng, và việc thực hành theo lời Đức Chúa Trời là nguyên tắc tối cao. Những người tà ác và không yêu thích lẽ thật thì luôn có những tư tưởng lúc này lúc khác. Nếu hôm nay cảm thấy dường như có hy vọng được hưởng phước lành thì họ sẽ nỗ lực hết mình, làm những việc tốt cho mọi người thấy để mua chuộc lòng người. Sau một thời gian, khi thấy Đức Chúa Trời không ban phước thì trong lòng họ bắt đầu hối hận và oán trách, và cuối cùng họ sẽ đúc kết ra một điều như thế này: “Đức Chúa Trời tể trị tất cả, Ngài không thiên vị con người. Tôi không chắc những lời này là đúng”. Họ chỉ nhìn được cái lợi trước mắt mình, thuộc dạng người không có lợi thì sẽ không động tay. Như vậy có hung ác không? Họ có thể giao dịch với bất cứ ai, còn dám giao dịch với cả Đức Chúa Trời. Trong lòng họ nghĩ: “Tôi phải nhìn thấy lợi ích, mà bắt buộc phải thấy lợi ích bây giờ, ngay lập tức!”. Cương quyết đến mức độ đó, vậy Ta nói tâm tính họ hung ác thì có quá đáng không? (Thưa, không.) Vậy thì làm sao để chứng minh được họ hung ác? Khi gặp phải chút thử luyện hoặc tai họa, họ sẽ không thể chịu đựng được và sẽ không thực hiện bổn phận nữa, họ cảm thấy rằng mình đã chịu thiệt: “Tôi đã bỏ ra rất nhiều nhưng Đức Chúa Trời lại không ban phước cho tôi. Rốt cuộc là Đức Chúa Trời có tồn tại hay không? Con đường này có đúng đắn không?”. Lòng họ sẽ dấy lên nghi hoặc. Họ muốn thấy được lợi ích, và điều này chứng tỏ rằng những gì họ bỏ ra không phải do cam tâm tình nguyện và không phải thật lòng, họ đã bị tỏ lộ như vậy đấy. Ngươi hãy nhìn xem khi Gióp trải qua thử luyện thì vợ ông đã nói như thế nào? (Thưa, “Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao? Hãy phỉ báng Ðức Chúa Trời, và chết đi” (Gióp 2:9).) Bà là kẻ chẳng tin, khi gặp tai họa thì sẽ phủ nhận và từ bỏ Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời ban phước lành thì bà nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng Cứu Rỗi vĩ đại! Ngài đã ban cho tôi rất nhiều tài sản và ban phước cho tôi. Tôi sẽ theo Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời của tôi!”. Và khi Đức Chúa Trời tước đi tài sản của bà thì bà liền nói, “Ngài không phải là Đức Chúa Trời của tôi”, còn bảo Gióp: “Đừng tin nữa, không có Đức Chúa Trời nào cả! Nếu có thì làm sao Ngài lại để cho bọn cướp lấy đi tài sản của chúng ta? Tại sao Ngài không bảo vệ chúng ta?”. Đây là tâm tính gì? Đây chính là tâm tính hung ác. Một khi lợi ích bị tổn thất hay mục tiêu và dục vọng của mình không được thỏa mãn, họ liền nổi trận lôi đình, sẽ có thể phản bội, trở thành Giu-đa phản bội và từ bỏ Đức Chúa Trời. Có nhiều người như vậy không? Trong hội thánh hiện nay có thể vẫn còn một bộ phận thuộc loại người này – những người khá rõ ràng là những kẻ ác và những kẻ chẳng tin đó, nhưng có một số người chỉ đơn thuần là có trạng thái này, cũng có nghĩa là họ có tâm tính này, nhưng chưa chắc họ thuộc loại này. Nhưng nếu ngươi có tâm tính như vậy thì có cần phải thay đổi không? (Thưa, có.) Chỉ cần có tâm tính như vậy thì bản tính của ngươi sẽ hung ác như thế. Ngươi có tâm tính hung ác như vậy thì sẽ có khả năng chống đối, phản bội và đối địch với Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào. Ngày nào những tâm tính bại hoại này còn không thay đổi thì ngày đó ngươi vẫn không tương hợp với Đức Chúa Trời. Khi không tương hợp với Đức Chúa Trời, ngươi sẽ không thể đến trước Ngài và trải nghiệm công tác của Ngài, và như thế ngươi sẽ không có cách nào đạt được sự cứu rỗi.

Con người Gióp đúng thật là có đức tin. Khi Đức Chúa Trời ban phước cho ông, ông tạ ơn Ngài. Khi Đức Chúa Trời sửa dạy và lấy đi tài sản của ông, ông vẫn tạ ơn Ngài. Trải nghiệm đến cuối cùng, khi ông đã già và Đức Chúa Trời lấy đi tất cả những gì ông có, Gióp đã có biểu hiện như thế nào? Ông không những không oán than mà còn ca ngợi Đức Chúa Trời và làm chứng cho Ngài. Có tâm tính tà ác ở đây không? Có tâm tính hung ác không? (Thưa, không có.) Nhiều tài sản như vậy mà khi không còn nữa, ông có phản bội Đức Chúa Trời không? Ông có oán than không? (Thưa, không có.) Ông không oán than mà còn ca ngợi Đức Chúa Trời. Vậy tâm tính của ông như thế nào? Ở đây có một số thứ mà nhân tính bình thường nên có, đó chính là lương tâm, lý trí và lòng yêu thích những điều tích cực. Trước hết, Gióp có lương tâm. Trong lòng mình, ông biết mọi thứ đều là do Đức Chúa Trời ban cho, và ông tạ ơn Đức Chúa Trời. Ngoài ra, ông còn có lý trí. Câu nói nào chứng tỏ ông có lý trí? (Thưa, ông nói: “Ðức Giê-hô-va đã ban cho, Ðức Giê-hô-va lại lấy đi; đáng ngợi khen danh Ðức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21).) Câu nói này chứng thực cho trải nghiệm và nhận thức chân thực của ông về những thử luyện của Đức Chúa Trời, nó thể hiện vóc giạc và nhân tính thực sự của ông. Gióp còn có điều gì nữa? (Thưa, lòng yêu thích lẽ thật.) Làm sao để đánh giá lòng yêu thích lẽ thật này? Trong việc Đức Chúa Trời lấy đi tài sản của mình, làm sao chúng ta nhìn ra được rằng ông yêu thích lẽ thật? (Thưa, khi chuyện xảy ra thì ông vẫn có thể tìm kiếm lẽ thật.) Tìm kiếm lẽ thật là biểu hiện của lòng yêu thích lẽ thật. Đối diện với những chuyện xảy ra bên cạnh mình, cho dù cảm thấy khó chịu hay đau đớn đến đâu, Gióp cũng đều không oán than. Đây có phải là một biểu hiện của lòng yêu thích lẽ thật không? Ngoài ra còn một biểu hiện quan trọng hơn của lòng yêu thích lẽ thật nữa, đó là gì? (Thưa, khả năng vâng phục.) Làm sao chúng ta biết đây là biểu hiện chân thực và chính xác của lòng yêu thích lẽ thật? Bình thường con người hay nói: “Mọi việc Đức Chúa Trời làm đều có ích cho con người và đều có ý tốt của Ngài”. Lời này có phải là lẽ thật không? (Thưa, phải.) Nhưng ngươi có thể tiếp nhận không? Khi Đức Chúa Trời ban phước thì ngươi tiếp nhận, nhưng khi Ngài lấy đi thì ngươi có thể tiếp nhận không? Ngươi không thể, nhưng Gióp thì có thể. Ông coi câu nói này là lẽ thật, vậy ông có yêu thích lẽ thật không? Khi Đức Chúa Trời lấy đi mọi tài sản của mình, ông chịu tổn thất lớn như vậy, còn mắc phải một căn bệnh trầm trọng đến như vậy, mà chỉ vì một câu nói: “Mọi điều Đức Chúa Trời làm đều đúng và đều có ý tốt của Ngài”, trong lòng ông liền hiểu rằng đây là lẽ thật. Dù chịu đựng đau khổ đến đâu, ông đều có thể kiên trì tin rằng câu nói này là đúng. Đó là lý do tại sao Ta nói Gióp yêu thích lẽ thật. Còn nữa, cho dù Đức Chúa Trời dùng cách thức nào để thử luyện Gióp, ông đều chấp nhận, dù là Ngài lấy đi hay để kẻ cướp lấy đi cũng được, hay là Ngài khiến Gióp bị lở loét khắp người cũng được, tất cả những điều này đều không phù hợp với quan niệm của con người, nhưng Gióp đã nhìn nhận chúng như thế nào? Ông có oán trách Đức Chúa Trời không? Ông không hề nói một lời oán trách nào đối với Đức Chúa Trời, đây chính là yêu thích lẽ thật, yêu thích sự công bằng và công chính. Trong lòng mình, ông nói: “Đức Chúa Trời quá công bằng và quá công chính với con người! Ngài làm như thế nào cũng đúng!”. Vì vậy, ông có thể ca ngợi Đức Chúa Trời và nói rằng: “Dù Đức Chúa Trời có làm như thế nào, tôi đều không oán trách. Trong mắt Đức Chúa Trời, loài thọ tạo chính là dòi bọ. Đức Chúa Trời đối xử với họ như thế nào cũng được, không có gì là quá đáng”. Ông cho rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm đều đúng, đều là những điều tích cực. Bản thân phải chịu đau đớn và khó chịu như vậy nhưng ông không hề oán than, đây chính là lòng yêu thích lẽ thật thực sự, con người không thể không nể phục ông. Tất cả những điều này đều có biểu hiện chân thực. Bất luận bản thân chịu tổn thất lớn thế nào hay gặp khó khăn ra sao, Gióp cũng không oán trách Đức Chúa Trời và đều có thể vâng phục, đây chính là biểu hiện của lòng yêu thích lẽ thật. Ông có thể vượt qua khó khăn của chính mình, không vì những khó khăn của mình mà oán trách Đức Chúa Trời hay có bất kỳ yêu cầu nào đối với Ngài. Đây là lòng yêu thích lẽ thật, là sự vâng phục thật sự. Có sự vâng phục thật sự thì mới là người yêu thích lẽ thật. Có người bình thường rất biết cách giảng câu chữ đạo lý và hô khẩu hiệu, nhưng khi gặp những chuyện lớn, họ luôn đòi hỏi Đức Chúa Trời và liên tục cầu xin Ngài: “Lạy Đức Chúa Trời, xin Ngài hãy mang bệnh tật của con đi! Xin hãy khôi phục tài sản của con!”. Đây có phải là sự vâng phục không? Đây không phải là người yêu thích lẽ thật. Họ thích nói dối và lừa gạt người khác, cái mà họ yêu thích trong lòng chính là tài sản và lợi ích. Gióp rất coi nhẹ lợi ích vật chất và tất cả tài sản của mình, có sự đón nhận thuần túy, vì vậy ông mới có thể đạt đến sự vâng phục. Gióp có thể nhìn thấu những chuyện này trong lòng, ông nói: “Trong đời này, cho dù con người kiếm được bao nhiêu của cải, tất cả đều là do Đức Chúa Trời ban cho. Nếu Đức Chúa Trời không cho phép ngươi kiếm tiền thì một xu các ngươi cũng không kiếm được. Nếu Đức Chúa Trời cho phép ngươi kiếm tiền thì Ngài cho bao nhiêu, ngươi sẽ có được bấy nhiêu”. Ông đã thấy rõ việc Đức Chúa Trời tể trị vạn vật, lẽ thật này đã cắm rễ trong lòng ông. “Đức Chúa Trời tể trị vạn vật”, câu nói này trong lòng Gióp không kết thúc bằng dấu chấm hỏi mà bằng dấu chấm than. Câu nói này đã trở thành sự sống của ông và ngự trị trong lòng ông. Còn điều gì khác trong nhân tính của Gióp nữa? Việc ông rủa sả ngày sinh nhật của mình là bắt nguồn từ đâu? Ông thà chết còn hơn là để Đức Chúa Trời nhìn thấy ông đau đớn và đau lòng vì ông. Đây là phẩm chất gì, là thực chất gì? (Thưa, là sự lương thiện.) Sự lương thiện này của ông có mấy loại biểu hiện? Ông có thể thông cảm, hiểu cho Đức Chúa Trời, có thể yêu Ngài và làm Ngài thỏa mãn. Nếu con người có được những điều này thì họ sẽ có nhân cách. Nhân cách được hình thành như thế nào? Hiểu được lẽ thật, có thể đứng vững trong chứng ngôn của mình trước những thử luyện của Đức Chúa Trời và những cám dỗ của Sa-tan, có thể sống ra hình tượng của con người, đạt đến tiêu chuẩn của con người và có được một số lẽ thật nhất định, như vậy mới là có nhân cách. Xét về thực chất nhân tính, Gióp có một trái tim lương thiện, vì vậy ông mới có thể rủa sả ngày sinh nhật của chính mình và thà chết chứ không muốn Đức Chúa Trời nhìn thấy mình đau đớn, và khiến Đức Chúa Trời phải đau lòng và lo lắng cho mình. Ông có nhân tính như vậy đó. Có được nhân tính và thực chất lương thiện thì con người mới có tình yêu và sự quan tâm đối với Đức Chúa Trời, còn nếu không có thì họ sẽ tê dại và cay nghiệt. Hãy đối chiếu điều này với Phao-lô xem, ông hoàn toàn trái ngược với Gióp. Chuyện gì Phao-lô cũng suy nghĩ cho bản thân và còn giao dịch cả với Đức Chúa Trời, ông muốn có mão triều thiên, còn muốn trở thành Đấng Christ và thay thế Đấng Christ. Khi không có được mão triều thiên, ông còn nói lý lẽ với Đức Chúa Trời và kiện cáo Ngài. Thật không có lý trí chút nào! Đây chính là không có liêm sỉ. Con người có tâm tính bại hoại của Sa-tan thì phải thay đổi. Nếu con người hiểu lẽ thật, có thể tiếp nhận và thực hành lẽ thật thì họ sẽ có thể vâng phục Đức Chúa Trời và không chống đối Ngài nữa, họ cũng sẽ có thể đạt đến sự tương hợp với Ngài. Người như vậy chính là người đạt được lẽ thật và sự sống. Đức Chúa Trời muốn loài thọ tạo như vậy.

Ngày 13 tháng 7 năm 2018

Trước: Mưu cầu lẽ thật thì mới có thể giải quyết quan niệm và hiểu lầm về Đức Chúa Trời

Tiếp theo: Chỉ có tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật thì mới có thể làm tròn bổn phận của mình

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger