Phụ lục 3 Con người chỉ có thể được cứu rỗi giữa sự quản lý của Đức Chúa Trời
Trong mắt mọi người, sự quản lý của Đức Chúa Trời là điều gì đó rất không quen thuộc, bởi vì người ta nghĩ đến sự quản lý của Ngài như là điều hoàn toàn xa lạ với họ. Người ta nghĩ rằng việc quản lý của Đức Chúa Trời chỉ là công tác của riêng Ngài, và rằng nó chỉ liên quan đến Ngài – và như thế nhân loại cứ dửng dưng với sự quản lý của Ngài. Theo cách này, sự cứu rỗi nhân loại đã trở nên mơ hồ và không rõ nét, và bây giờ thì chẳng hơn gì lời hùng biện rỗng tuếch. Mặc dù con người theo Đức Chúa Trời nhằm nhận lãnh sự cứu rỗi và bước vào đích đến diệu kỳ, nhưng họ chẳng hề quan tâm đến việc Đức Chúa Trời thực hiện công tác của Ngài bằng cách nào. Con người chẳng quan tâm đến những gì Đức Chúa Trời đã hoạch định, cũng chẳng quan tâm đến việc họ phải đóng vai trò nào để được cứu rỗi. Điều này quả thật là bi kịch. Sự cứu rỗi con người không thể tách rời khỏi sự quản lý của Đức Chúa Trời, cũng chẳng phân ly khỏi kế hoạch của Ngài. Thế mà con người chẳng nghĩ gì đến sự quản lý của Đức Chúa Trời, và như thế càng xa cách với Ngài hơn bao giờ hết. Điều này khiến ngày càng nhiều người hoàn toàn không hay biết về những vấn đề liên quan mật thiết đến câu hỏi về sự cứu rỗi – như là tạo hóa là gì, niềm tin nơi Đức Chúa Trời là gì, thờ phượng Đức Chúa Trời ra sao, vân vân – để gia nhập hàng ngũ những người theo Ngài. Vì thế, bây giờ chúng ta phải bàn bạc về sự quản lý của Đức Chúa Trời, hầu cho mỗi một người trong số người theo Ngài đều hiểu rõ việc theo Ngài và tin ở Ngài nghĩa là gì. Làm như thế sẽ giúp mỗi người lựa chọn được chính xác hơn con đường họ nên đi, hơn là theo Đức Chúa Trời chỉ đơn thuần để nhận lãnh ân phước, hoặc tránh tai họa, hay để được nổi bật giữa những người khác.
Mặc dù sự quản lý của Đức Chúa Trời là sâu nhiệm, nhưng nó không vượt khỏi tầm hiểu biết của con người. Đó là bởi mọi công tác của Đức Chúa Trời đều liên hệ với sự quản lý và công tác cứu rỗi nhân loại của Ngài, và liên quan đến sự sống, đời sống, và đích đến của nhân loại. Công tác mà Đức Chúa Trời thực hiện giữa con người và trên con người có thể nói là rất thực tế và ý nghĩa. Nó có thể được nhìn thấy và cảm nghiệm bởi con người, và không phải điều gì trừu tượng. Nếu con người không có khả năng chấp nhận mọi công tác mà Đức Chúa Trời làm, thì ý nghĩa công tác của Ngài là gì? Và làm thế nào sự quản lý như thế có thể dẫn đến sự cứu rỗi con người được? Nhiều người theo Đức Chúa Trời chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để đạt được ân phước hay ngăn chặn tai ương. Ngay khi công tác và sự quản lý của Đức Chúa Trời được đề cập thì họ lại im lặng và mất đi mọi hứng thú. Họ nghĩ rằng hiểu biết về những vấn đề tẻ nhạt đó sẽ chẳng giúp đời sống của họ tăng trưởng hay cung cấp bất kỳ lợi ích gì. Kết quả là, mặc dù họ đã nghe về sự quản lý của Đức Chúa Trời, nhưng họ chỉ lưu tâm chút ít. Họ không xem nó là điều gì đó quý giá để chấp nhận lấy, càng không đón nhận nó bằng cách xem nó như một phần trong đời sống của họ. Những người như thế chỉ có một mục tiêu đơn giản trong việc theo Đức Chúa Trời, và mục tiêu đó là để nhận lãnh ân phước. Những người như thế chẳng màng chú ý đến bất kỳ thứ gì khác mà không trực tiếp liên quan đến mục tiêu này. Đối với họ, không có mục tiêu nào chính đáng hơn là tin vào Đức Chúa Trời để nhận lãnh ơn phước – đó chính là giá trị đức tin của họ. Nếu điều gì không đóng góp vào mục tiêu này, họ cứ hoàn toàn thờ ơ với nó. Đây là tình hình của hầu hết mọi người tin vào Đức Chúa Trời ngày nay. Mục tiêu và ý định của họ có vẻ chính đáng, bởi vì khi họ tin Đức Chúa Trời, họ cũng dâng mình cho Đức Chúa Trời, dâng hiến cho Đức Chúa Trời, và thực hiện bổn phận của mình. Họ hy sinh tuổi trẻ, từ bỏ gia đình và sự nghiệp, và thậm chí còn sống nhiều năm tất bật xa gia đình. Vì mục đích cuối cùng của họ, họ thay đổi niềm hứng thú của riêng mình, quan điểm về cuộc sống của mình, và thậm chí là phương hướng tìm kiếm của mình; thế nhưng họ vẫn không thể thay đổi mục tiêu đức tin của mình vào Đức Chúa Trời. Họ xuôi ngược để lo cho những lý tưởng của chính họ; bất kể con đường có xa xôi, và bất kể bao nhiêu chông gai và trở ngại trên đường, họ vẫn bền bỉ và không sợ hãi cái chết. Sức mạnh nào buộc họ phải tiếp tục dâng hiến bản thân theo cách này? Liệu đó có phải là lương tâm của họ hay không? Liệu đó có phải là khí chất vĩ đại và cao quý của họ hay không? Liệu đó có phải là quyết tâm chiến đấu với các thế lực ma quỷ cho đến cùng của họ? Liệu đó có phải đức tin của họ nhằm làm chứng cho Đức Chúa Trời mà không tìm kiếm phần thưởng? Liệu đó có phải lòng trung thành của họ trong việc sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Trời? Hay đó là tinh thần cống hiến của họ luôn sẵn lòng từ bỏ những đòi hỏi cá nhân vô độ? Đối với một người chưa từng hiểu công tác quản lý của Đức Chúa Trời mà vẫn cho đi quá nhiều, thì đó hoàn toàn là một phép màu! Bây giờ, hãy thôi bàn thảo về việc những người này đã cho đi bao nhiêu. Tuy nhiên, hành xử của họ rất đáng để chúng ta mổ xẻ. Ngoài những lợi ích trực tiếp liên quan đến họ, liệu có còn các lý do nào khác để những người mà chẳng bao giờ hiểu Đức Chúa Trời lại dâng hiến quá nhiều cho Ngài? Trong việc này, chúng ta phát hiện ra một vấn đề mà trước đây chưa xác định được: Mối quan hệ của con người với Đức Chúa Trời chỉ là quan hệ lợi ích trần trụi. Đó là mối quan hệ giữa người ban phúc và người nhận phúc. Nói thẳng ra, nó là quan hệ giữa người làm công và người chủ. Người làm công chăm chỉ làm việc chỉ để nhận tiền thưởng của người chủ. Trong mối quan hệ như thế thì chẳng có thân tình, mà chỉ có giao dịch. Chẳng có yêu mến hay được yêu mến, chỉ có sự bố thí và thương xót. Chẳng có thấu hiểu, chỉ có bất lực bấm bụng nuốt giận và lừa dối. Chẳng có sự thân tình, chỉ có một hố sâu ngăn cách không thể vượt qua. Bây giờ mọi thứ đã đến mức này, ai có thể đảo ngược được chiều hướng như thế? Và mấy ai có khả năng thực sự hiểu rằng mối quan hệ này đã trở nên kinh khủng như thế nào? Ta tin rằng khi người ta chìm đắm trong niềm vui sướng được phước, chẳng ai có thể tưởng tượng mối quan hệ như vậy với Đức Chúa Trời lại đáng xấu hổ và khó coi thế nào.
Điều đáng buồn nhất về niềm tin của con người vào Đức Chúa Trời là họ tiến hành việc quản lý của chính họ giữa công tác của Đức Chúa Trời, mà lại chẳng chú ý gì đến sự quản lý của Đức Chúa Trời. Thất bại to lớn nhất của con người nằm ở chỗ làm thế nào mà, đồng thời với việc tìm cách thuận phục Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài, con người cũng đang xây dựng đích đến lý tưởng của riêng mình, và bày mưu làm thế nào để nhận lãnh được ân phước to lớn nhất và đích đến tốt đẹp nhất. Cho dù có người hiểu rằng họ đáng thương, đáng ghét, và thảm hại dường nào, mấy ai có thể sẵn sàng từ bỏ lý tưởng và niềm hy vọng của họ? Và ai có thể dừng bước và thôi không chỉ nghĩ về mỗi bản thân họ? Đức Chúa Trời cần những ai sẽ hợp tác cận kề với Ngài để hoàn tất sự quản lý của Ngài. Ngài cần những ai sẽ thuận phục Ngài bằng cách dâng hiến toàn bộ thân tâm cho công tác quản lý của Ngài. Ngài không cần đến những kẻ hằng ngày chỉ đưa tay cầu xin từ Ngài, càng không cần những kẻ chỉ cho đi một ít mà lại chờ đợi để được ban thưởng. Đức Chúa Trời khinh ghét những kẻ chỉ đóng góp một phần nhỏ mọn, và rồi ngủ quên trên chiến thắng của mình. Ngài ghét những kẻ máu lạnh, những kẻ thấy chán ghét với công tác quản lý của Ngài và chỉ muốn nói về việc lên thiên đàng và nhận lãnh ân phước. Ngài càng ghê tởm hơn với những kẻ lợi dụng cơ hội từ công tác Ngài làm để cứu rỗi nhân loại. Đó là bởi những người này chưa bao giờ quan tâm đến những gì Đức Chúa Trời mong muốn đạt được và thu được thông qua công tác quản lý của Ngài. Họ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để có thể tận dụng cơ hội do công tác của Đức Chúa Trời mang lại để có được các ân phước. Họ chẳng quan tâm đến tấm lòng của Đức Chúa Trời, mà hoàn toàn bị chiếm cứ bởi những triển vọng và số phận của riêng mình. Những kẻ căm ghét công tác quản lý của Đức Chúa Trời và không có chút hứng thú nào với việc Đức Chúa Trời cứu rỗi nhân loại như thế nào và tâm ý của Ngài, những kẻ đó chỉ đang làm những việc thỏa mãn chính mình theo cách tách biệt khỏi công tác quản lý của Đức Chúa Trời. Hành xử của họ không được Đức Chúa Trời nhớ đến hay khen ngợi – càng không được Đức Chúa Trời ưu ái xem xét đến.
Trong sự bao la của vũ trụ và bầu trời, vô số sinh vật sống và sinh sôi, tuân theo quy luật tuần hoàn của sự sống, và gắn liền với một quy luật bất biến. Những sinh vật chết đi mang theo bên mình những câu chuyện về sự sống, còn những kẻ đang sống thì lặp lại lịch sử bi thương của những kẻ đã mất. Và như thế, nhân loại không thể không tự hỏi rằng: Tại sao chúng ta sống? Tại sao chúng ta phải chết đi? Ai điều khiển thế gian này? Và ai đã tạo dựng ra nhân loại này? Liệu nhân loại có thực sự do Mẹ Thiên nhiên sinh ra không? Liệu con người có thực sự tự điều khiển lấy số phận của họ không? … Đây là những câu hỏi mà nhân loại đã không ngừng hỏi trong hàng ngàn năm. Thật không may, con người càng trở nên ám ảnh với những câu hỏi này, họ càng trở nên khát khao khoa học. Khoa học mang lại sự hài lòng thoáng qua và sự vui thú tạm thời của xác thịt, nhưng không đủ để giải phóng con người khỏi sự đơn độc, cô đơn, sự khiếp sợ khó che giấu, và sự bất lực ẩn sâu trong tâm hồn họ. Nhân loại chỉ dùng những kiến thức khoa học mà họ có thể thấy bằng mắt thường và hiểu bằng trí óc của họ để gây mê lòng họ. Tuy vậy, những kiến thức khoa học như thế không đủ để ngăn cản nhân loại khám phá những lẽ mầu nhiệm. Nhân loại hoàn toàn chẳng biết ai là Đấng Tối Cao của vũ trụ và vạn vật, càng không biết về khởi nguyên và tương lai của nhân loại. Nhân loại chỉ đơn thuần sống bất đắc dĩ giữa luật lệ này. Không ai có thể thoát khỏi nó và cũng chẳng ai có thể thay đổi nó, bởi vì giữa vạn vật và trên các từng trời chỉ có một Đấng từ trước vô cùng cho đến đời đời nắm giữ quyền tối cao trên muôn vật. Ngài là Đấng mà nhân loại chưa từng thấy được, là Đấng mà nhân loại chưa từng biết đến, là Đấng mà nhân loại chưa từng tin sự hiện hữu của Ngài – ấy thế mà Ngài lại là Đấng thổi hơi vào tổ tiên của nhân loại và ban sự sống cho nhân loại. Ngài là Đấng chu cấp và nuôi dưỡng nhân loại, cho phép họ tồn tại; và Ngài là Đấng dìu dắt nhân loại cho đến ngày hôm nay. Hơn nữa, Ngài và chỉ Ngài mới là Đấng mà nhân loại dựa vào để sống sót. Ngài nắm quyền tối cao trên muôn vật và trị vì muôn loài sinh vật trong vũ trụ. Ngài điều khiển bốn mùa, và chính Ngài là Đấng gọi gió, sương, mưa, tuyết. Ngài mang lại ánh dương cho nhân loại và dẫn lối trong màn đêm. Chính Ngài đã bày ra trời đất, chu cấp cho con người núi non sông hồ và muôn loài sinh vật trong đó. Những việc Ngài làm hiện diện khắp mọi nơi, quyền năng của Ngài có mặt khắp mọi nơi, sự khôn ngoan của Ngài hiện hữu khắp mọi nơi, và thẩm quyền của Ngài cũng ở khắp mọi nơi. Mỗi một điều trong các luật lệ và phép tắc này đều là hiện thân của việc Ngài làm, và mỗi một điều đều tỏ lộ sự khôn ngoan và thẩm quyền của Ngài. Ai có thể miễn trừ chính mình khỏi quyền tối cao của Ngài? Và ai có thể loại chính mình khỏi những sự sắp đặt của Ngài? Vạn vật đều tồn tại dưới mắt Ngài, và hơn thế, vạn vật đều sống dưới quyền tối cao của Ngài. Những việc làm và quyền năng của Ngài khiến con người không còn chọn lựa nào khác hơn là phải thừa nhận thực tế rằng Ngài thực sự hiện hữu và nắm quyền tối cao trên vạn vật. Không gì khác ngoài Ngài có thể điều khiển vũ trụ, càng chẳng gì khác có thể chu cấp vô tận cho nhân loại này. Bất kể ngươi có thể nhận ra những việc làm của Ngài hay không, và bất kể ngươi có tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời hay không, chắn chắn số phận của ngươi vẫn do Đức Chúa Trời quyết định, và chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ luôn nắm giữ quyền tối cao trên vạn vật. Sự hiện hữu và thẩm quyền của Ngài không căn cứ vào việc con người có nhận ra và hiểu được chúng hay không. Chỉ có Ngài mới biết về quá khứ, hiện tại, và tương lai của con người, và chỉ có Ngài mới có thể quyết định số phận của nhân loại. Bất kể ngươi có thể chấp nhận sự thật này hay không, sẽ không lâu nữa để nhân loại tận mắt chứng kiến toàn bộ điều này, và đây là sự thật mà Đức Chúa Trời sẽ sớm làm cho hiện bày. Nhân loại sống và chết dưới mắt của Đức Chúa Trời. Con người sống bởi sự quản lý của Đức Chúa Trời, và khi họ nhắm mắt lần cuối, đó cũng chính là bởi sự quản lý này mà họ nhắm mắt. Con người cứ đến rồi đi hết lần này đến lần khác, đi tới đi lui. Không có ngoại lệ, đó toàn bộ là một phần trong quyền tối cao và sự sắp đặt của Ngài. Sự quản lý của Đức Chúa Trời chưa bao giờ dừng lại; nó mãi luôn tiến triển. Ngài sẽ khiến nhân loại biết được sự hiện hữu của Ngài, tin tưởng vào quyền tối cao của Ngài, thấy được những việc làm của Ngài, và trở về vương quốc của Ngài. Đây là kế hoạch của Ngài, và là công tác mà Ngài đã và đang quản lý trong hàng ngàn năm.
Công tác quản lý của Đức Chúa Trời đã bắt đầu từ lúc sáng thế, và con người là cốt lõi của công tác này. Việc Đức Chúa Trời tạo dựng nên vạn vật có thể nói là vì lợi ích của con người. Bởi vì công tác quản lý của Ngài trải dài trong hàng nghìn năm, và không phải được thực hiện trong khoảng thời gian chỉ tính bằng phút hay giây, hay trong nháy mắt, hay trong một hai năm, mà Ngài đã phải tạo dựng nhiều thứ cần thiết cho sự sống còn của nhân loại, như là mặt trời, mặt trăng, mọi loài sinh vật sống, thức ăn, và một môi trường thân thiện. Đây là khởi đầu trong sự quản lý của Đức Chúa Trời.
Sau đó, Đức Chúa Trời đã giao nhân loại cho Sa-tan, và con người đã sống dưới quyền lực của Sa-tan, điều mà dần dà đã dẫn đến công tác của Đức Chúa Trời trong thời đại đầu tiên: câu chuyện của Thời đại Luật pháp… Qua vài ngàn năm suốt Thời đại Luật pháp, nhân loại đã trở nên quen với sự dẫn dắt của Thời đại Luật pháp và xem đó như là điều đương nhiên. Dần dà, con người đã rời bỏ sự coi sóc của Đức Chúa Trời. Và như vậy, trong khi tuân theo luật pháp, họ cũng thờ thần tượng và làm những việc ác. Họ đã không có sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va, và chỉ đơn thuần sống cuộc sống của họ trước bàn thờ trong đền. Thực ra, công tác của Đức Chúa Trời đã rời khỏi họ từ lâu, và cho dù dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn tuân theo trong luật pháp, vẫn gọi danh Đức Giê-hô-va, và thậm chí còn tự hào tin rằng chỉ có họ mới là dân sự của Đức Giê-hô-va, và là những người được chọn của Đức Giê-hô-va, nhưng vinh quang của Đức Chúa Trời đã lặng lẽ từ bỏ họ…
Khi Đức Chúa Trời làm công tác của Ngài, Ngài luôn lặng lẽ rời khỏi một nơi và nhẹ nhàng thực hiện công tác mới mà Ngài bắt đầu ở một nơi khác. Điều này có vẻ khó tin với mọi người, những con người bị tê dại. Người ta đã luôn trân quý những điều xưa cũ và nhìn những điều mới lạ bằng ác cảm, hoặc xem chúng như một điều phiền toái. Và như vậy, bất kể công tác mới nào Đức Chúa Trời làm, từ lúc bắt đầu cho đến tận khi kết thúc, con người cũng là loài cuối cùng trong muôn vật biết đến nó.
Như thường lệ, sau công tác của Đức Giê-hô-va trong Thời đại Luật pháp, Đức Chúa Trời đã bắt đầu công tác mới của Ngài ở giai đoạn thứ hai: mặc lấy xác thịt – nhập thể làm người trong mười, hai mươi năm – phán dạy và thực hiện công việc của Ngài giữa các tín đồ. Nhưng cũng không ngoại lệ, chẳng ai biết điều này, và chỉ có một số ít người thừa nhận rằng Ngài là Đức Chúa Trời trở nên xác thịt sau khi Đức Chúa Jêsus chịu đóng đinh lên thập tự giá và đã phục sinh. Càng khó khăn hơn, xuất hiện một người tên Phao-lô, người đã đặt mình vào thế thù hằn sống chết với Đức Chúa Trời. Thậm chí sau khi bị đánh gục và trở thành một sứ đồ, Phao-lô vẫn không thay đổi bản tính cũ của mình, và ông tiếp tục bước trên con đường chống đối với Đức Chúa Trời. Trong thời gian ông làm việc, Phao-lô đã viết nhiều bức thư; chẳng may thay, các thế hệ sau thưởng thức những bức thư này như là lời Đức Chúa Trời, và chúng thậm chí đã được đưa vào Tân Ước và bị nhầm lẫn với những lời được Đức Chúa Trời phán ra. Đây đã là một sự sỉ nhục vô cùng kể từ khi Kinh Thánh ra đời! Và chẳng phải sai sót này xảy ra là bởi sự xuẩn ngốc tột độ của con người hay sao? Họ không biết được rằng, trong các bản ghi chép về công tác của Đức Chúa Trời trong Thời đại Ân điển, các bức thư và ghi chép thuộc linh của con người không nên ở đó để là hiện thân cho công tác và lời Đức Chúa Trời. Nhưng đây là ý ngoài lề, do vậy chúng ta hãy cùng quay lại chủ đề ban đầu. Ngay sau khi giai đoạn thứ hai của công tác Đức Chúa Trời được hoàn tất – tức là sau sự đóng đinh trên thập giá – công tác của Đức Chúa Trời nhằm hồi phục con người từ tội lỗi (nghĩa là, giành lại con người từ tay của Sa-tan) đã được hoàn tất. Và như vậy, từ đó trở đi, nhân loại chỉ phải chấp nhận Đức Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế, và những tội lỗi của họ sẽ được tha thứ. Trên danh nghĩa mà nói, những tội lỗi của con người không còn là điều cản trở họ đạt được sự cứu rỗi và đến trước Đức Chúa Trời, và không còn là đòn bẩy mà Sa-tan sử dụng để buộc tội con người. Đó là bởi vì chính Đức Chúa Trời đã làm công tác thực tế, đã trở nên hình tượng và sự mường tượng của xác thịt tội lỗi, và chính Đức Chúa Trời đã là của lễ chuộc tội. Bằng cách này, con người đã bước xuống khỏi thập giá, được cứu chuộc và cứu rỗi qua xác thịt của Đức Chúa Trời – hình tượng của xác thịt tội lỗi này. Và như vậy, sau khi đã bị Sa-tan bắt giữ, con người đã tiến một bước gần hơn đến việc chấp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trước Ngài. Dĩ nhiên, giai đoạn này của công tác là sâu sắc hơn và phát triển hơn sự quản lý của Đức Chúa Trời trong Thời đại Luật pháp.
Sự quản lý của Đức Chúa Trời là như thế này: giao nhân loại cho Sa-tan – nhân loại mà chẳng biết Đức Chúa Trời là gì, Đấng Tạo Hóa là gì, thờ phượng Đức Chúa Trời ra sao, hay tại sao cần phải thuận phục Đức Chúa Trời – và để Sa-tan làm cho họ bại hoại. Từng bước một, Đức Chúa Trời sau đó giành lại con người từ tay Sa-tan, con người hoàn toàn thờ phượng Đức Chúa Trời và vứt bỏ Sa-tan. Đây là sự quản lý của Đức Chúa Trời. Điều này nghe như một câu chuyện hoang đường, và nó có vẻ khó hiểu. Người ta cảm thấy như đây là một câu chuyện hoang đường bởi vì họ chẳng biết một chút gì về bao nhiêu chuyện đã xảy ra với con người trong vài ngàn năm qua, họ càng không hay biết về bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong vũ trụ và trên bầu trời. Và hơn thế nữa, đó là bởi họ không thể nhận thức được một thế giới kỳ lạ hơn, đáng sợ hơn đang tồn tại bên ngoài thế giới vật chất, mà với mắt thường họ không thể nhìn thấy được. Con người cảm thấy khó hiểu bởi vì họ không hiểu biết về ý nghĩa sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đối với con người, hay ý nghĩa của công tác quản lý của Ngài, và không hiểu được cuối cùng Đức Chúa Trời mong muốn con người sẽ trở nên như thế nào. Liệu đó có phải là việc hoàn toàn không bị Sa-tan làm cho bại hoại, như A-đam và Êva? Không! Mục đích sự quản lý của Đức Chúa Trời là nhằm thu phục được một nhóm người thờ phượng Đức Chúa Trời và thuận phục Ngài. Mặc dù những người này đã bị Sa-tan làm cho bại hoại, nhưng họ không còn xem Sa-tan là cha mình nữa; họ nhận ra bộ mặt gớm guốc của Sa-tan và vứt bỏ nó, và họ đến trước Đức Chúa Trời để chấp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời. Họ bắt đầu biết được sự tương phản giữa điều xấu xa và điều thánh khiết, và nhận ra sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và sự tà ác của Sa-tan. Nhân loại như thế này sẽ không còn phục vụ Sa-tan, hay tôn thờ hoặc sùng kính Sa-tan nữa. Đó là bởi họ là nhóm người đã thực sự được Đức Chúa Trời thu phục. Đây là ý nghĩa của công tác quản lý nhân loại của Đức Chúa Trời. Trong suốt công tác quản lý của Đức Chúa Trời ở thời này, loài người là đối tượng của cả sự bại hoại của Sa-tan lẫn sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và con người là sản phẩm mà Đức Chúa Trời và Sa-tan đang tranh đấu. Khi Đức Chúa Trời thực hiện công tác của Ngài, Ngài dần dần giành lại con người từ tay Sa-tan, và như thế con người đến gần với Đức Chúa Trời hơn bao giờ hết…
Và rồi đến Thời đại Vương quốc, là một giai đoạn công tác thực tế hơn, nhưng cũng là giai đoạn khó chấp nhận nhất đối với con người. Đó là bởi vì con người càng đến gần Đức Chúa Trời hơn thì gậy của Đức Chúa Trời cũng tiến gần con người hơn, và gương mặt của Đức Chúa Trời càng tỏ lộ rõ hơn với con người. Theo sau sự cứu chuộc nhân loại, con người chính thức trở về gia đình Đức Chúa Trời. Họ nghĩ rằng bây giờ là lúc để thụ hưởng, thế nhưng họ phải hứng trọn một sự tấn công trực diện từ Đức Chúa Trời, điều mà không ai có thể từng thấy trước: Hóa ra, đây là một phép Báp-tem mà dân sự của Đức Chúa Trời phải “hưởng”. Trước sự đối xử như vậy, người ta không thể không khựng lại và tự ngẫm rằng: “Mình là chiên con bị lạc trong nhiều năm mà Đức Chúa Trời đã tiêu tốn rất nhiều để mua lại, vậy thì tại sao Ngài lại đối xử với mình như thế này? Liệu đây có phải cách Đức Chúa Trời cười nhạo mình, và vạch trần mình? …” Sau nhiều năm trôi qua, con người đã trở thành kẻ dày dạn sương gió, đã trải qua gian khổ của sự tinh luyện và hình phạt. Mặc dù con người đã mất đi sự “vẻ vang” và “lãng mạn” của thời quá khứ, nhưng dù không hề hay biết, họ đã bắt đầu hiểu biết về các nguyên tắc ứng xử của con người, và đã bắt đầu hiểu được những năm Đức Chúa Trời lao tâm khổ tứ để cứu rỗi nhân loại. Con người dần dà bắt đầu ghê tởm sự man rợ của chính mình. Họ bắt đầu căm ghét sự cục súc của họ, hết thảy những hiểu lầm của họ với Đức Chúa Trời, và những đòi hòi vô lý mà họ đã đưa ra cho Ngài. Thời gian không thể quay trở lại. Những sự kiện quá khứ trở thành ký ức đầy nuối tiếc của con người, những lời và tình yêu của Đức Chúa Trời trở thành động lực trong cuộc sống mới của con người. Vết thương của con người lành lặn theo từng ngày, sức mạnh của họ trở lại, họ đứng dậy và nhìn vào gương mặt Đấng Toàn Năng… chỉ để nhận ra rằng Ngài vẫn luôn ở bên mình, và rằng nụ cười và dung mạo đẹp đẽ của Ngài vẫn làm rung động lòng người. Lòng Ngài vẫn còn quan tâm đến nhân loại mà Ngài đã tạo dựng, và đôi tay Ngài vẫn còn ấm áp và mạnh mẽ như buổi ban đầu. Điều đó như thể con người đã trở lại vườn Ê-đen, nhưng lần này không còn nghe những lời dụ dỗ của con rắn, và không còn tránh mặt Đức Giê-hô-va. Con người quỳ phục trước Đức Chúa Trời, ngước nhìn gương mặt tươi cười của Đức Chúa Trời, và dâng của lễ quý giá nhất của mình – Ôi! Lạy Chúa tôi, Đức Chúa Trời tôi!
Tình yêu và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời thấm đẫm mỗi một chi tiết trong công tác quản lý của Ngài, và bất kể người ta có thể hiểu ý định tốt đẹp của Đức Chúa Trời hay không, Ngài vẫn miệt mài làm công tác mà Ngài đã đặt ra để hoàn thành. Bất kể người ta hiểu về sự quản lý của Đức Chúa Trời nhiều bao nhiêu, thì sự trợ giúp và những lợi ích mà công tác của Đức Chúa Trời mang lại cho con người đều có thể được nhận thấy bởi mọi người. Có lẽ ngày hôm nay ngươi chưa cảm nhận được chút gì về tình yêu hay sự sống mà Đức Chúa Trời ban cho, nhưng miễn là ngươi không từ bỏ Đức Chúa Trời, và không từ bỏ quyết tâm của mình để theo đuổi lẽ thật, sẽ có một ngày nụ cười của Đức Chúa Trời sẽ được tỏ lộ cho ngươi. Bởi vì mục tiêu công tác quản lý của Đức Chúa Trời là giành lại những người đang ở dưới quyền lực của Sa-tan, chứ không phải từ bỏ những người đã bị Sa-tan làm cho bại hoại và chống lại Đức Chúa Trời.
Ngày 23 tháng 9 năm 2005