Phi-e-rơ biết Jêsus bằng cách nào

Trong thời gian Phi-e-rơ ở cùng với Jêsus, ông đã thấy nhiều tính cách đáng mến của Jêsus, nhiều khía cạnh đáng để noi theo và nhiều khía cạnh cung cấp cho ông. Dù cho Phi-e-rơ thấy hữu thể của Đức Chúa Trời trong Jêsus theo nhiều cách, và thấy nhiều tố chất đáng mến, nhưng lúc đầu ông đã không biết Jêsus. Phi-e-rơ bắt đầu theo Jêsus từ năm 20 tuổi, và tiếp tục theo Ngài trong sáu năm. Trong thời gian đó, ông chưa hề biết Jêsus, Phi-e-rơ sẵn lòng theo Jêsus chỉ vì lòng ngưỡng mộ mà thôi. Khi Jêsus lần đầu gọi ông trên bờ Biển Ga-li-lê, Ngài đã hỏi: “Si-môn, con Giô-na, ngươi có theo Ta không?” Phi-e-rơ thưa: “Tôi phải theo đấng được Cha trên trời sai đến. Tôi phải công nhận đấng được Đức Thánh Linh chọn. Tôi sẽ theo Ngài”. Lúc đó, Phi-e-rơ đã nghe về một người tên là Jêsus – tiên tri vĩ đại nhất và là Con yêu dấu của Đức Chúa Trời – và Phi-e-rơ đã không ngừng hy vọng tìm được Ngài và hy vọng có cơ hội gặp Ngài (bởi Đức Thánh Linh đã dẫn dắt ông như thế). Dù cho Phi-e-rơ chưa hề gặp Ngài và chỉ mới nghe đồn về Ngài, nhưng sự mong mỏi và kính mến dành cho Jêsus lớn dần trong lòng ông, và ông thường mong mỏi đến một ngày được thấy Jêsus. Và Jêsus đã kêu gọi Phi-e-rơ như thế nào? Ngài cũng đã nghe về một người tên là Phi-e-rơ, nhưng không phải Đức Thánh Linh đã chỉ dẫn Ngài rằng: “Hãy đến Biển Ga-li-lê, nơi có một người tên là Si-môn, con Giô-na”. Jêsus đã nghe có người nói rằng có một người tên là Si-môn, con Giô-na, rằng mọi người đã nghe ông giảng, rằng ông cũng giảng Phúc Âm của vương quốc thiên đàng và những người nghe ông đều xúc động đến rơi lệ. Sau khi nghe chuyện đó, Jêsus theo người đó đến Biển Ga-li-lê, khi Phi-e-rơ chấp nhận lời kêu gọi của Jêsus, ông đã theo Ngài.

Trong thời gian theo Jêsus, Phi-e-rơ đã có nhiều quan điểm về Ngài và luôn phán xét Ngài từ quan điểm của riêng mình. Dù cho Phi-e-rơ có mức độ nhận thức nhất định về Thần, nhưng nhận thức của ông có phần không rõ ràng, vì thế ông đã nói: “Tôi phải theo đấng được Cha trên trời sai đến. Tôi phải công nhận đấng được Đức Thánh Linh chọn”. Ông đã không hiểu được những việc Jêsus làm và thiếu nhận thức rõ ràng về chúng. Sau khi theo Jêsus một thời gian, Phi-e-rơ dần hứng thú với những gì Ngài làm và phán, và cả với chính Jêsus. Ông đã cảm nhận rằng Jêsus khơi gợi cả sự cảm mến lẫn sự kính trọng, ông thích kết giao với Ngài và ở cạnh Ngài, và lắng nghe những lời của Jêsus cho ông sự tiếp tế và nâng đỡ. Trong thời gian theo Jêsus, Phi-e-rơ đã quan sát và khắc cốt ghi tâm mọi điều về cuộc sống của Ngài: những hành động, lời nói, hoạt động và sự bày tỏ của Ngài. Ông đã có nhận thức sâu sắc rằng Jêsus không như người thường. Dù cho diện mạo con người của Ngài quá sức bình thường, nhưng Ngài đầy yêu thương, trắc ẩn và khoan dung đối với con người. Mọi việc Ngài đã phán hay đã làm đều là sự nâng đỡ lớn lao cho người khác, và Phi-e-rơ đã thấy và đạt được từ Jêsus những điều ông chưa hề thấy hay có được trước đó. Ông đã thấy rằng dù cho Jêsus không có vóc giạc vĩ đại cũng như bất kỳ nhân tính bất thường nào, nhưng Ngài có một khí sắc thật sự lạ thường và phi thường về mình. Dù Phi-e-rơ không thể giải thích tường tận, nhưng ông có thể thấy rằng Jêsus hành động khác với mọi người khác, vì những việc Ngài làm rất khác với việc của những người bình thường. Từ thời gian tiếp xúc với Jêsus, Phi-e-rơ cũng thấy được tính cách của Ngài khác với tính cách của người thường. Ngài luôn hành động một cách ổn định và không bao giờ hấp tấp, không bao giờ phóng đại hay hạ thấp một vấn đề, và Ngài sống đời mình theo cách thể hiện được một tính cách vừa bình thường vừa đáng ngưỡng mộ. Khi nói chuyện, Jêsus nói năng mộc mạc và thanh tao, luôn giao tiếp vui tươi nhưng bình thản – mà lại không bao giờ đánh mất phẩm giá khi thực hiện công tác của Ngài. Phi-e-rơ thấy Jêsus đôi khi ít nói, nhưng nhiều lúc khác Ngài lại nói không ngừng. Đôi lúc, Ngài quá vui vẻ đến nỗi trông như chú bồ câu nhảy nhót nô đùa, và những lúc khác Ngài lại quá buồn bã đến nỗi không nói gì, trông nặng trĩu u sầu như thể Ngài là một người mẹ mệt mỏi kiệt sức. Thỉnh thoảng, Ngài đầy giận dữ như một chiến binh can trường xông lên hạ sát kẻ địch, hoặc như đôi lúc, Ngài thậm chí còn như một con sư tử gầm rống. Đôi lúc Ngài cười lớn, nhiều lúc khác Ngài cầu nguyện và khóc. Dù Jêsus có hành động thế nào, Phi-e-rơ dần có một tình yêu thương và sự kính trọng vô bờ bến dành cho Ngài. Tiếng cười của Jêsus cho ông đầy tràn hạnh phúc, nỗi buồn của Ngài đẩy ông vào u sầu, cơn giận của Ngài khiến ông kinh hãi, còn lòng thương xót, sự tha thứ và những yêu cầu khắt khe Ngài đưa ra cho thiên hạ khiến ông thật sự yêu mến Jêsus và dần có một lòng tôn kính và khao khát thật sự dành cho Ngài. Dĩ nhiên, đến tận sau khi Phi-e-rơ sống cạnh Jêsus nhiều năm, ông mới dần dà nhận ra mọi điều này.

Phi-e-rơ là một người đặc biệt nhạy bén, có thông minh bẩm sinh, dẫu vậy ông đã làm nhiều điều ngu dại khi theo Jêsus. Mới đầu, ông có vài quan niệm về Jêsus. Ông đã hỏi: “Người ta nói Ngài là một tiên tri, vậy khi Ngài tám tuổi và bắt đầu hiểu chuyện, Ngài đã biết mình là Đức Chúa Trời chưa? Ngài có biết mình được thụ thai bởi Đức Thánh Linh không?” Jêsus trả lời: “Không, Ta không biết. Chẳng lẽ với ngươi, Ta không giống như một người bình thường sao? Ta cũng như mọi người khác. Người mà Đức Cha sai đến là một người bình thường, không phải người phi thường. Và mặc dù công tác Ta làm đại diện cho Cha Ta trên trời, nhưng ảnh tượng của Ta, thân vị Ta đang hiện hữu và thân xác này của Ta không thể nào đại diện trọn vẹn cho Cha Ta trên trời – chỉ có thể đại diện một phần của Ngài mà thôi. Dù Ta đến từ Thần, Ta vẫn là một con người bình thường, và Cha Ta sai Ta đến thế gian như một người bình thường, chứ không phải người phi thường”. Chỉ khi Phi-e-rơ nghe những lời này, ông mới có chút nhận thức về Jêsus. Và chỉ sau khi ông đã trải qua công tác của Jêsus, lời dạy của Ngài, việc chăn dắt của Ngài và sự nâng đỡ của Ngài vô số giờ, ông mới có được một nhận thức sâu sắc hơn nhiều. Đến năm Jêsus 30 tuổi, Ngài đã nói với Phi-e-rơ về chuyện Ngài sắp chịu đóng đinh trên thập giá và rằng Ngài đã đến để thực hiện một giai đoạn công tác – là công tác chịu đóng đinh – để cứu chuộc toàn nhân loại. Jêsus cũng bảo Phi-e-rơ rằng ba ngày sau khi chịu đóng đinh, Con người sẽ sống lại, và khi sống lại rồi, Ngài sẽ hiện ra với mọi người trong 40 ngày. Khi nghe những lời này, Phi-e-rơ đã buồn và ghi khắc chúng trong lòng, rồi từ đó ông càng thân thiết với Jêsus hơn bao giờ hết. Sau khi đã trải nghiệm một thời gian, Phi-e-rơ nhận ra rằng mọi việc Jêsus làm là của hữu thể của Đức Chúa Trời, và ông đã nghĩ rằng Jêsus thật vô cùng đáng mến. Chỉ khi ông có được nhận thức này, Đức Thánh Linh mới khai sáng cho ông từ bên trong. Chính sau lúc đó, Jêsus quay sang các môn đồ và những kẻ khác theo Ngài mà hỏi rằng: “Giăng, ngươi nói Ta là ai?” Giăng trả lời: “Ngài là Môi-sê”. Rồi Ngài quay sang Lu-ca: “Còn ngươi, Lu-ca, ngươi nói Ta là ai?” Lu-ca trả lời: “Ngài là tiên tri vĩ đại nhất”. Rồi Ngài hỏi một người chị em, và bà ấy trả lời: “Ngài là tiên tri vĩ đại nhất, nói nhiều lời trường tồn đời đời. Không ai có lời tiên tri vĩ đại như của Ngài, không ai có hiểu biết vượt được Ngài, Ngài là một tiên tri”. Rồi Jêsus quay sang Phi-e-rơ mà hỏi: “Phi-e-rơ, ngươi nói Ta là ai?” Phi-e-rơ trả lời: “Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống. Ngài đến từ trời. Ngài không thuộc về địa cầu. Ngài không như các tạo vật của Đức Chúa Trời. Chúng tôi ở trên địa cầu và Ngài ở đây với chúng tôi, nhưng Ngài thuộc về trời và không thuộc về thế gian, và Ngài không thuộc về địa cầu”. Chính qua trải nghiệm của Phi-e-rơ mà Đức Thánh Linh đã khai sáng cho ông, cho ông có thể có được nhận thức này. Sau khi được khai sáng, ông càng ngưỡng mộ mọi việc Jêsus làm hơn nữa, nghĩ Ngài đáng mến hơn nữa, và trong lòng luôn miễn cưỡng không chịu rời xa Jêsus. Thế nên, lần đầu tiên Jêsus mặc khải với Phi-e-rơ sau khi Ngài chịu đóng đinh và sống lại, Phi-e-rơ đã kêu lên với niềm hạnh phúc tột độ. “Lạy Chúa! Ngài sống lại rồi!” Rồi Phi-e-rơ vừa khóc, vừa bắt một con cá cực kỳ lớn, nấu lên rồi dọn ra cho Jêsus. Jêsus cười, nhưng không nói. Dù Phi-e-rơ biết Jêsus đã được sống lại, ông vẫn không hiểu được lẽ mầu nhiệm của chuyện này. Khi ông đưa cho Jêsus con cá để ăn, Jêsus không khước từ, nhưng Ngài không nói cũng không ngồi xuống để ăn. Thay vào đó, Ngài đột nhiên biến mất. Đây là cú sốc cực nặng với Phi-e-rơ, và chỉ khi đó ông mới hiểu được rằng Jêsus sống lại thì khác với Jêsus trước đây. Khi nhận ra được điều đó rồi, Phi-e-rơ đau buồn, nhưng ông cũng được an ủi vì biết rằng Chúa đã hoàn thành công tác của Ngài. Ông biết rằng Jêsus đã hoàn thành công tác của Ngài, rằng thời gian Ngài ở với con người đã hết, và từ giờ trở đi con người sẽ phải tự bước đi con đường của riêng mình. Jêsus từng bảo ông rằng: “Ngươi cũng phải uống chén đắng mà Ta đã uống (đây là điều Ngài đã nói sau khi phục sinh). Ngươi cũng phải đi con đường Ta đã đi. Ngươi phải từ bỏ mạng sống mình vì Ta”. Không như bây giờ, công tác vào thời đó không có kiểu đối đáp trực diện. Trong Thời đại Ân điển, công tác của Đức Thánh Linh đặc biệt kín đáo, và Phi-e-rơ đã chịu nhiều gian khổ. Đôi lúc, Phi-e-rơ đến mức phải kêu lên: “Lạy Đức Chúa Trời! Con chẳng có gì ngoài mạng sống này. Dù nó chẳng đáng gì với Ngài, con ước mong được dâng hiến nó cho Ngài. Dù con người chẳng xứng đáng để yêu mến Ngài, và tình yêu cũng như tâm hồn họ vô giá trị, nhưng con tin Ngài biết khao khát trong lòng con người. Và dù thân xác con người không được Ngài chấp nhận, con ước mong Ngài chấp nhận tấm lòng con”. Thốt lên những lời cầu nguyện như thế này cho ông sự khích lệ, nhất là khi ông cầu nguyện: “Con sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn tấm lòng con cho Đức Chúa Trời. Dù cho con không thể làm được gì cho Đức Chúa Trời, con nguyện trung thành làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và toàn tâm dâng hiến trọn bản thân con cho Ngài. Con tin Đức Chúa Trời hẳn phải xét tới tấm lòng của con”. Ông đã nói: “Con không xin gì trong đời mình, nhưng xin cho những tâm tư yêu mến dành cho Đức Chúa Trời và khao khát trong lòng con được Đức Chúa Trời chấp nhận. Con đã ở cùng Đức Chúa Jêsus một thời gian quá lâu, nhưng con đã không hề yêu mến Ngài, đấy là mối nợ lớn nhất của con. Dù con đã ở với Ngài, con đã chẳng biết Ngài, và con còn nói những lời không thích hợp sau lưng Ngài. Nghĩ về những chuyện này khiến con thấy mình còn mang nợ hơn nữa với Đức Chúa Jêsus”. Ông đã luôn cầu nguyện với cung cách như thế. Ông nói: “Con còn chẳng bằng tro bụi. Con chẳng thể làm gì ngoài dâng hiến tâm hồn trung thành này cho Đức Chúa Trời”.

Trong những trải nghiệm của Phi-e-rơ, có một lần đỉnh điểm, khi cơ thể của ông gần như sụp đổ hoàn toàn, nhưng Jêsus vẫn ban cho ông sự khích lệ trong lòng. Và có một lần, Jêsus hiện ra với Phi-e-rơ. Khi Phi-e-rơ đang chịu đau khổ ghê gớm và cảm thấy lòng mình tan nát, thì Jêsus giáo huấn ông rằng: “Ngươi đã ở bên Ta trên đất, và Ta đã ở đây với ngươi. Và dù trước đây chúng ta từng ở cùng nhau trong thiên đàng, xét cho cùng, nó thuộc cõi thuộc linh. Giờ ta trở về cõi thuộc linh, và ngươi ở trên đất, vì Ta không thuộc về trần thế, và dù ngươi cũng không thuộc trần thế, ngươi phải chu toàn chức phận của ngươi trên đất. Vì ngươi là kẻ hầu việc, ngươi phải thực hiện bổn phận mình”. Khi nghe mình có thể trở về bên Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ cảm thấy được an ủi. Lúc đó, Phi-e-rơ đau đớn tột cùng đến nỗi ông gần như nằm liệt giường, ông cảm thấy ăn năn đến mức nói rằng: “Con quá bại hoại đến nỗi không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Jêsus đã xuất hiện với ông và nói: “Phi-e-rơ, có thể nào ngươi đã quên những quyết chí ngươi từng tuyên bố trước mặt Ta? Ngươi thật sự đã quên mọi điều Ta phán rồi sao? Ngươi đã quên quyết chí ngươi tuyên bố với Ta rồi sao?” Thấy đó chính là Jêsus, Phi-e-rơ bật dậy khỏi giường, và Jêsus an ủi ông rằng: “Ta không thuộc về trần thế, Ta đã bảo ngươi rồi – chuyện này ngươi phải hiểu, nhưng ngươi đã quên chuyện khác Ta bảo ngươi rồi sao? ‘Ngươi cũng không thuộc về trần thế, không thuộc về thế gian’. Hiện giờ có công việc mà ngươi cần phải làm. Ngươi không được đau buồn như thế này. Ngươi không được đau khổ như thế này. Dù con người và Đức Chúa Trời không thể cùng tồn tại trong một thế giới, Ta có công tác của Ta và ngươi có công việc của ngươi, và đến một ngày khi công việc của ngươi được hoàn thành, chúng ta sẽ cùng chung một cõi, và Ta sẽ dẫn dắt ngươi ở cùng Ta mãi mãi”. Phi-e-rơ được an ủi và an lòng sau khi nghe những lời này. Ông biết rằng đau khổ này là điều ông phải chịu đựng và trải qua, và từ đó, ông được soi dẫn. Jêsus đặc biệt hiện ra cho ông trong mọi thời khắc then chốt, cho ông sự khai sáng và hướng dẫn đặc biệt, và Ngài đã làm nhiều việc trên ông. Và Phi-e-rơ hối tiếc điều gì nhất? Không lâu sau khi Phi-e-rơ nói “Ngài là Con của Đức Chúa Trời hằng sống”, Jêsus đã đặt cho Phi-e-rơ một câu hỏi khác (dù câu này không được ghi lại trong Kinh Thánh theo cách này). Jêsus đã hỏi ông: “Phi-e-rơ! Ngươi có bao giờ yêu mến Ta không?” Phi-e-rơ hiểu ý của Ngài và nói: “Lạy Chúa! Tôi từng yêu mến Cha trên trời, nhưng tôi thừa nhận tôi chưa hề yêu mến Ngài”. Jêsus bèn nói: “Nếu người ta không yêu Cha trên trời, làm sao họ có thể yêu mến Con dưới đất? Và nếu người ta không yếu mến Con được Đức Chúa Cha sai đến, làm sao họ có thể yêu mến Cha trên trời? Nếu người ta thật sự yêu mến Con dưới đất thì họ thật sự yêu mến Cha trên trời”. Khi Phi-e-rơ nghe những lời này, ông nhận ra mình đã thiếu gì. Ông đã luôn cảm thấy ăn năn đến độ rơi lệ vì những lời nói của mình: “Tôi từng yêu mến Cha trên trời, nhưng tôi chưa hề yêu mến Ngài”. Sau khi Jêsus phục sinh và thăng thiên, ông còn thấy ăn năn và đau buồn hơn nữa vì những lời này. Nhớ lại công việc trước đây và vóc giạc hiện tại của mình, ông thường tìm đến Jêsus trong lời cầu nguyện, luôn luôn thấy hối hận và mang nợ vì đã không đáp ứng ý muốn của Đức Chúa Trời và không đạt đến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Những vấn đề này đã trở thành ưu tư lớn nhất của ông. Ông đã nói: “Đến một ngày, con sẽ dâng hiến cho Ngài mọi sự con có và mọi sự con là, và con sẽ dâng Ngài bất kỳ điều gì giá trị nhất”. Ông đã nói: “Lạy Đức Chúa Trời! Con chỉ có một đức tin và một tình yêu mến. Mạng sống con chẳng xứng đáng gì, và thân xác con chẳng xứng đáng gì. Con chỉ có một đức tin và một tình yêu mến. Con có đức tin nơi Ngài trong tâm trí và tình yêu dành cho Ngài trong lòng, con chỉ có hai điều này để dâng Ngài, ngoài ra chẳng còn gì nữa”. Phi-e-rơ được khích lệ rất lớn nhờ những lời của Jêsus, vì trước khi Jêsus chịu đóng đinh, Ngài đã bảo Phi-e-rơ: “Ta không thuộc về thế gian này, và ngươi cũng không thuộc về thế gian này”. Về sau, khi Phi-e-rơ đến độ đau đớn cùng cực, Jêsus đã nhắc nhở ông: “Phi-e-rơ, ngươi đã quên rồi sao? Ta không thuộc về thế gian này, và chỉ vì công tác của Ta mà Ta đã phải đi trước. Ngươi cũng không thuộc thế gian, ngươi đã thật sự quên rồi sao? Ta đã bảo ngươi hai lần, ngươi không nhớ sao?” Nghe lời này, Phi-e-rơ nói: “Tôi chưa quên!” Jêsus bèn nói: “Ngươi từng có quãng thời gian hạnh phúc cùng ta trong thiên đàng và một quãng thời gian bên cạnh Ta. Ngươi nhớ Ta và Ta nhớ ngươi. Dù cho trong mắt Ta, những tạo vật không xứng đáng được nhắc đến, nhưng làm sao Ta có thể không yêu thương kẻ vô tội và đáng yêu chứ? Ngươi quên lời hứa của Ta rồi sao? Ngươi phải chấp nhận sự ủy thác của Ta trên đất; ngươi phải chu toàn nhiệm vụ Ta giao phó cho ngươi. Đến một ngày, chắc chắn Ta sẽ dẫn ngươi đến bên cạnh Ta”. Sau khi nghe lời này, Phi-e-rơ trở nên càng được khích lệ hơn và được nhận lãnh sự soi dẫn lớn lao hơn, đến nỗi khi bị treo trên thập giá, ông đã có thể thốt lên rằng: “Lạy Đức Chúa Trời! Con không thể yêu Ngài cho đủ! Dù Ngài có bảo con chết, con vẫn không thể yêu Ngài cho đủ. Dù Ngài đưa linh hồn con đi đâu, dù Ngài thành toàn những lời hứa quá khứ của Ngài hay không, dù sau này Ngài làm gì đi nữa, con vẫn yêu mến Ngài và tin tưởng nơi Ngài”. Điều mà ông bám vào là đức tin và tình yêu đích thực của ông.

Một tối nọ, vài môn đồ, bao gồm Phi-e-rơ, đang ngồi trên thuyền đánh cá cùng Jêsus, và Phi-e-rơ đã hỏi Jêsus một câu rất ngây ngô: “Thưa Chúa! Tôi xin hỏi Ngài một câu mà tôi đã mang trong lòng rất lâu”. Jêsus trả lời: “Thế thì hỏi đi!” Phi-e-rơ bèn hỏi: “Công tác đã được thực hiện trong Thời đại Luật pháp là việc Ngài làm?” Jêsus mỉm cười, như thể nói rằng: “Đứa trẻ này, thật ngây thơ làm sao!” Rồi Ngài cố tình tiếp lời: “Đấy không phải việc Ta làm. Đấy là việc của Đức Giê-hô-va và Môi-sê”. Phi-e-rơ nghe lời này và thốt lên: “Ồ! Vậy đấy không phải việc Ngài làm”. Khi Phi-e-rơ nói xong lời này, Jêsus không nói gì nữa. Phi-e-rơ tự nhủ: “Không phải Ngài làm việc đó, chẳng trách Ngài đã đến để xóa sổ lề luật, bởi nó không phải việc Ngài làm”. Lòng ông cũng được thanh thản. Sau đó, Jêsus nhận ra rằng Phi-e-rơ khá ngây thơ, nhưng bởi lúc đó ông chẳng có hiểu biết, nên Jêsus không nói gì nữa, cũng không bắt bẻ ông trực tiếp. Có lần, Jêsus giảng trong hội đường, nơi nhiều người hiện diện, gồm cả Phi-e-rơ. Trong bài giảng, Jêsus phán: “Đấng sẽ đến hằng có đời đời sẽ thực hiện công tác cứu chuộc trong Thời đại Ân điển để cứu chuộc toàn thể nhân loại khỏi tội lỗi, nhưng Ngài sẽ không bị kìm hãm bởi bất kỳ quy định nào trong việc dẫn dắt con người thoát khỏi tội lỗi. Ngài sẽ ra khỏi lề luật và bước vào Thời đại Ân điển. Ngài sẽ cứu chuộc toàn thể nhân loại. Ngài sẽ tiến bước dài từ Thời đại Luật pháp vào Thời đại Ân điển, tuy nhiên không một ai biết Ngài, Ngài đến từ Đức Giê-hô-va. Công tác Môi-sê đã làm là do Đức Giê-hô-va ban cho; Môi-sê đã thảo ra luật pháp nhờ công tác mà Đức Giê-hô-va đã thực hiện”. Khi đã nói thế rồi, Ngài tiếp tục: “Những ai bãi bỏ các điều răn của Thời đại Ân điển trong Thời đại Ân điển thì sẽ gặp tai họa. Chúng phải đứng trong đền thờ và nhận lấy sự hủy diệt của Đức Chúa Trời cùng lửa đổ xuống trên chúng”. Nghe những lời này, Phi-e-rơ đã được tác động theo cách nào đó, và xuyên suốt một giai đoạn trải nghiệm của ông, Jêsus đã chăn dắt và nâng đỡ cho Phi-e-rơ, nói chuyện tâm tình với ông, từ đó cho Phi-e-rơ hiểu biết khá hơn một chút về Jêsus. Khi Phi-e-rơ nghĩ lại những lời Jêsus đã giảng dạy trong ngày hôm đó và câu hỏi ông đã hỏi Jêsus khi họ đang ở trên thuyền đánh cá, lời đáp của Jêsus cũng như cách Ngài mỉm cười, cuối cùng Phi-e-rơ đã có được hiểu biết trọn vẹn về chuyện đó. Sau đó, Đức Thánh Linh khai sáng cho Phi-e-rơ, và chỉ khi đó ông mới hiểu được Jêsus là Con của Đức Chúa Trời hằng sống. Hiểu biết của Phi-e-rơ đến từ sự khai sáng của Đức Thánh Linh, nhưng có cả một tiến trình để ông có được hiểu biết của mình. Chính nhờ đặt những câu hỏi, nghe Jêsus giảng dạy, rồi qua việc đón nhận sự thông công đặc biệt của Jêsus và sự chăn dắt đặc biệt của Ngài, mà Phi-e-rơ nhận ra rằng Jêsus là Con của Đức Chúa Trời hằng sống. Điều này không có được trong một sớm một chiều, nó là một tiến trình, và điều này đã giúp ông trong những trải nghiệm về sau. Tại sao Jêsus không thực hiện công tác hoàn thiện nơi người khác, mà chỉ thực hiện nơi Phi-e-rơ? Bởi chỉ có Phi-e-rơ hiểu được rằng Jêsus là Con của Đức Chúa Trời hằng sống; không có một ai khác biết điều đó. Mặc dù có nhiều môn đồ biết nhiều trong thời gian theo Ngài, nhưng hiểu biết của họ còn nông cạn. Đây là lý do Jêsus chọn Phi-e-rơ như hình mẫu để được làm cho hoàn thiện. Điều Jêsus đã nói với Phi-e-rơ khi đó cũng là điều Ngài nói với con người thời nay, những người có hiểu biết và lối vào sự sống phải đạt đến mức độ của Phi-e-rơ. Đức Chúa Trời sẽ hoàn thiện tất cả mọi người phù hợp với với yêu cầu này và con đường này. Tại sao con người thời nay cần phải có đức tin thật và tình yêu thương đích thực? Các ngươi cũng phải trải qua điều Phi-e-rơ đã trải qua; thành quả mà Phi-e-rơ đạt được từ trải nghiệm của mình cũng phải được thể hiện nơi các ngươi; và các ngươi cũng phải trải qua nỗi đau mà Phi-e-rơ đã trải qua. Con đường các ngươi đi cũng là con đường Phi-e-rơ đã đi. Nỗi đau các ngươi chịu cũng là nỗi đau Phi-e-rơ đã chịu. Khi các ngươi đón nhận vinh quang và khi các ngươi sống trọn một cuộc đời đích thực, thì các ngươi sống thể hiện ra hình ảnh của Phi-e-rơ. Con đường là như nhau, và người ta được làm cho hoàn thiện bằng cách đi theo nó. Tuy nhiên, tố chất của các ngươi có phần thiếu sót khi so với Phi-e-rơ, vì thời đại đã đổi thay, và mức độ bại hoại của con người cũng thế, và bởi xứ Giu-đê là một vương quốc lâu đời với nền văn hóa cổ xưa. Do đó, các ngươi phải làm mọi điều có thể để cải thiện tố chất của mình.

Phi-e-rơ là một người rất khôn ngoan, sắc sảo trong mọi việc ông làm, và ông cũng cực kỳ trung thực. Ông đã chịu nhiều trở ngại. Lần đầu tiên ông tiếp xúc với xã hội là hồi năm 14 tuổi, khi ông đi học và đến hội đường. Ông rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng dự các buổi hội họp. Thời đó, Jêsus chưa chính thức bắt đầu công tác của Ngài; lúc này mới chỉ là khởi đầu của Thời đại Ân điển. Năm 14 tuổi, Phi-e-rơ đã bắt đầu có liên hệ với các nhân vật tôn giáo, đến năm 18 tuổi, ông đã có liên hệ với giới tinh hoa tôn giáo, nhưng sau khi thấy sự hỗn loạn ẩn đằng sau tôn giáo, ông đã rút lui khỏi nó. Thấy những người này thật quỷ quyệt, mưu chước, gian trá, ông đã cực kỳ ghê tởm (đây là cách Đức Thánh Linh làm việc vào thời đó, để làm cho ông hoàn thiện. Ngài đặc biệt cảm thúc ông và thực hiện vài việc đặc biệt trên ông), và thế là ông rút lui khỏi hội đường vào tuổi 18. Cha mẹ ông ngược đãi ông và không cho ông tin (họ là ma quỷ và là những người không tin). Cuối cùng, Phi-e-rơ bỏ nhà và đi khắp nơi, đánh cá và rao giảng trong hai năm, trong thời gian đó ông cũng dẫn dắt một số người. Giờ ngươi phải có thể thấy rõ ràng chính xác con đường mà Phi-e-rơ đã đi. Nếu ngươi có thể thấy rõ con đường của Phi-e-rơ, thì ngươi sẽ chắc chắn về công tác được thực hiện hôm nay, để ngươi sẽ không phàn nàn hay tiêu cực hay khao khát bất kỳ điều gì. Ngươi phải cảm nghiệm được tâm trạng của Phi-e-rơ lúc đó: Ông trĩu nặng buồn sầu; ông không còn cầu xin được có tương lai hay phúc lành gì. Ông không tìm kiếm lợi lộc, hạnh phúc, danh vọng hay tiền tài trong thế gian; ông chỉ tìm cách sống cuộc đời ý nghĩa nhất, đó là đền đáp tình yêu của Đức Chúa Trời và dâng hiến những gì ông trân quý tột bậc cho Đức Chúa Trời. Được vậy thì ông sẽ mãn nguyện trong lòng. Ông thường xuyên cầu nguyện với Jêsus bằng những lời này: “Đức Chúa Jêsus Christ, tôi từng yêu mến Ngài, nhưng tôi chưa hề thật sự yêu mến Ngài. Dù tôi đã nói mình có đức tin nơi Ngài, nhưng tôi chưa hề yêu mến Ngài thật lòng. Tôi chỉ ngưỡng mộ Ngài, tôn thờ Ngài và nhớ Ngài, nhưng tôi chưa hề yêu mến Ngài, cũng không thật sự có đức tin nơi Ngài”. Ông không ngừng cầu nguyện để quyết chí, và ông đã luôn được khích lệ bởi những lời của Jêsus và lấy động lực từ đó. Về sau, sau một thời gian trải nghiệm, Jêsus đã thử luyện ông, khơi gợi ông mong mỏi Ngài hơn nữa. Ông đã nói: “Đức Chúa Jêsus Christ! Tôi nhớ Ngài biết bao và khát khao được nhìn thấy Ngài biết bao. Tôi thiếu sót quá nhiều và không thể bù đắp nổi tình yêu của Ngài. Tôi nài xin Ngài sớm đưa tôi đi. Khi nào Ngài cần đến tôi? Khi nào Ngài đưa tôi đi? Khi nào tôi được một lần nữa nhìn thấy dung nhan Ngài? Tôi không ước ao được sống lâu hơn nữa trong thân xác này, không ước ao tiếp tục bị bại hoại, tôi cũng không có mong ước dấy loạn nữa. Tôi sẵn sàng dâng hiến tất cả những gì tôi có cho Ngài sớm nhất có thể, và tôi không mong muốn làm buồn lòng Ngài thêm nữa”. Đây là cách ông cầu nguyện, nhưng lúc đó ông đã không biết Jêsus sẽ hoàn thiện điều gì nơi ông. Trong cơn thống khổ của thử luyện ông chịu, Jêsus hiện ra với ông lần nữa và nói: “Phi-e-rơ, Ta mong ước làm cho ngươi hoàn thiện, để ngươi trở nên hoa trái, là kết tinh của việc Ta hoàn thiện ngươi, và đấy là điều Ta sẽ vui hưởng. Ngươi có thể thật sự chứng thực cho Ta không? Ngươi đã làm những gì Ta yêu cầu ngươi làm chưa? Ngươi có sống theo những lời Ta đã phán không? Ngươi từng yêu mến Ta, nhưng dù ngươi yêu mến Ta, ngươi đã sống thể hiện ra Ta chưa? Ngươi đã làm gì cho Ta? Ngươi nhận ra rằng ngươi không xứng đáng với tình yêu của Ta, nhưng ngươi đã làm gì cho Ta?” Phi-e-rơ thấy rằng ông đã không làm gì cho Jêsus và nhớ lại lời thề trước đây của ông là dâng mạng sống này cho Đức Chúa Trời. Và thế là ông không còn than vãn, và lời cầu nguyện của ông từ đó tốt hơn nhiều. Ông cầu nguyện rằng: “Đức Chúa Jêsus Christ! Tôi từng bỏ Ngài, và Ngài cũng từng bỏ tôi. Chúng ta đã có thời gian xa cách, và thời gian bầu bạn. Tuy thế, Ngài yêu mến tôi hơn bất kỳ ai khác. Tôi đã nhiều lần dấy loạn chống lại Ngài, và nhiều lần làm Ngài buồn lòng. Làm sao tôi quên được những điều đó? Tôi luôn ghi trong tâm trí và không bao giờ quên việc Ngài đã làm trên tôi và việc Ngài đã giao phó cho tôi. Tôi đã làm mọi việc có thể cho công tác mà Ngài đã làm trên tôi. Ngài biết tôi có thể làm gì, và hơn nữa Ngài còn biết tôi có thể đóng vai trò gì. Tôi ước được quy phục theo những sắp đặt của Ngài, và tôi sẽ dâng hiến mọi sự tôi có cho Ngài. Chỉ có Ngài biết tôi có thể làm gì cho Ngài. Dù cho Sa-tan đã lừa phỉnh tôi rất nhiều và tôi đã dấy loạn chống lại Ngài, nhưng tôi tin Ngài không nhớ về tôi vì những sự vi phạm đó và Ngài không đối xử với tôi dựa theo chúng. Tôi ước ao dâng hiến toàn bộ cuộc đời tôi cho Ngài. Tôi chẳng cầu xin gì và tôi cũng không có hy vọng hay kế hoạch gì khác; tôi chỉ ước ao hành động theo ý định của Ngài và thực thi ý muốn của Ngài. Tôi sẽ uống chén đắng của Ngài và tôi đây tùy Ngài sai bảo”.

Các ngươi phải rõ con đường các ngươi đi, các ngươi phải rõ về con đường các ngươi sẽ đi trong tương lai, về điều gì Đức Chúa Trời sẽ làm cho hoàn thiện, và điều gì được giao phó cho các ngươi. Đến một ngày, có lẽ các ngươi sẽ được thử luyện và khi thời điểm đó đến, nếu các ngươi có thể được truyền cảm hứng từ những trải nghiệm của Phi-e-rơ, nó sẽ cho thấy rằng các ngươi thật sự đang đi con đường của Phi-e-rơ. Phi-e-rơ đã được Đức Chúa Trời khen ngợi vì đức tin và tình yêu mến thực sự và lòng trung thành của ông đối với Đức Chúa Trời. Và chính nhờ sự trung thực của ông và sự khao khát Đức Chúa Trời trong lòng ông mà Đức Chúa Trời làm cho ông hoàn thiện. Nếu ngươi thật sự có cùng lòng yêu mến và đức tin như Phi-e-rơ, thì chắc chắn Jêsus sẽ làm cho ngươi hoàn thiện.

Trước: Chỉ những ai biết Đức Chúa Trời mới có thể làm chứng cho Đức Chúa Trời

Tiếp theo: Chỉ bằng cách trải qua sự tinh luyện con người mới có thể sở hữu tình yêu thật sự

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger