Mục 9. Họ thực hiện bổn phận chỉ để làm bản thân nổi bật và thỏa mãn những lợi ích và dã tâm của riêng mình; họ không bao giờ suy xét đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, thậm chí bán rẻ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời để đổi lấy vinh quang cá nhân (Phần 7)

II. Lợi ích của kẻ địch lại Đấng Christ

D. Tiền đồ và số phận của họ

Lần trước, chúng ta đã thông công về tiểu mục thứ tư trong phần lợi ích của kẻ địch lại Đấng Christ, là tiền đồ và số phận của họ, tiểu mục này được chia thành năm điều. Trước hết, các ngươi hãy ôn lại năm điều này đã. (Thưa, thứ nhất là cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với lời Đức Chúa Trời, thứ hai là cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với bổn phận của mình, thứ ba là cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với việc bị tỉa sửa, thứ tư là cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với chức danh “người phục vụ”, thứ năm là cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với địa vị của mình trong hội thánh.) Lần trước, chúng ta đã thông công về điều thứ nhất, “Cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với lời Đức Chúa Trời”. Trước hết, chúng ta đã dùng từ “nghiên cứu” để vạch rõ một thái độ chủ yếu của kẻ địch lại Đấng Christ khi tiếp cận lời Đức Chúa Trời. “Nghiên cứu” là một thái độ chủ yếu và căn bản của loại người địch lại Đấng Christ khi tiếp cận lời Đức Chúa Trời. Họ không hề dùng thái độ tiếp nhận và thuận phục để tiếp cận lời Đức Chúa Trời, mà thay vào đó, họ nghiên cứu lời Ngài. Họ không hề tiếp nhận và tiếp cận lời Đức Chúa Trời như là lẽ thật, là con đường mà con người nên tuân thủ, họ không hề tiếp cận lời Đức Chúa Trời bằng thái độ tìm kiếm và tiếp nhận lẽ thật. Thay vào đó, mục tiêu của họ trong mọi việc đều là dã tâm và dục vọng, tiền đồ và số phận của họ, họ tìm kiếm đích đến, tiền đồ và số phận mà họ muốn trong lời Đức Chúa Trời. Một thái độ chủ yếu trong cách họ tiếp cận lời Đức Chúa Trời là họ liên kết lời Đức Chúa Trời với tiền đồ và số phận của họ trong mọi chuyện. Xét từ cách họ tiếp cận lời Đức Chúa Trời, thực chất bản tính của loại người này chính là không thực sự tin, tiếp nhận và thuận phục lời Đức Chúa Trời, mà thay vào đó là nghiên cứu, phân tích lời Ngài, tìm trong lời Ngài những phúc lành và lợi ích, muốn chiếm được lợi lớn. Xét từ thái độ của họ trong cách tiếp cận lời Đức Chúa Trời, thì họ tin Đức Chúa Trời được mấy phần? Họ có đức tin thực sự nơi Đức Chúa Trời không? Xét từ thực chất của họ, thì họ không có đức tin thực sự nơi Đức Chúa Trời. Vậy tại sao họ vẫn cầm và đọc lời Đức Chúa Trời? Xét từ thực chất bản tính, ý định và dục vọng của họ, thì họ không hề muốn đạt được lẽ thật và sự thay đổi tâm tính từ trong lời Đức Chúa Trời, để từ đó đạt đến được cứu rỗi. Thay vào đó, họ muốn tìm những thứ mà mình muốn có trong lời Đức Chúa Trời. Họ tìm thứ gì vậy? Họ tìm lẽ mầu nhiệm, thiên cơ, một vài đạo lý cao lớn, và tri thức cao thâm khó dò. Do đó, xét từ thái độ trong việc tiếp cận lời Đức Chúa Trời và thực chất bản tính của loại người này, thì họ là kẻ chẳng tin không hơn không kém. Thứ mà họ muốn không gì khác ngoài đích đến, tiền đồ và số phận tốt đẹp. Họ không hề thật lòng tiếp nhận lời Đức Chúa Trời, mà thay vào đó họ tìm những cơ hội và con đường khác nhau trong lời Đức Chúa Trời hòng đạt được những thứ mà họ muốn và thỏa mãn dục vọng, dã tâm muốn được phúc của họ. Do đó, loại người này sẽ không bao giờ xem lời Đức Chúa Trời là lẽ thật, là con đường mà họ nên tuân thủ. Nếu kẻ địch lại Đấng Christ có dạng thái độ này trong cách tiếp cận lời Đức Chúa Trời, thì họ sẽ có thái độ gì đối với một trong những yêu cầu cơ bản nhất của Đức Chúa Trời đối với nhân loại – làm bổn phận của một loài thọ tạo? Hôm nay, chúng ta sẽ thông công về điều thứ hai – cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với bổn phận của mình – và sẽ vạch trần những biểu hiện, thái độ của kẻ địch lại Đấng Christ trong khi làm bổn phận.

2. Cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với bổn phận của mình

Kẻ địch lại Đấng Christ không dùng thái độ tiếp nhận và thuận phục mà đối đãi với lời Đức Chúa Trời, nên dĩ nhiên họ cũng không thể dùng thái độ tiếp nhận lẽ thật mà đối đãi với yêu cầu của lời Ngài rằng nhân loại nên làm bổn phận của loài thọ tạo. Vì vậy, một mặt, họ chống đối bổn phận mà Đức Chúa Trời giao phó cho con người và không muốn làm bổn phận, mặt khác, họ sợ đánh mất cơ hội được phúc, vì vậy mà nảy sinh một dạng giao dịch. Giao dịch gì vậy? Từ trong lời Đức Chúa Trời, họ phát hiện ra rằng, nếu không làm bổn phận thì có khả năng họ sẽ bị đào thải, và nếu không làm bổn phận của loài thọ tạo thì họ sẽ không có cơ hội đạt được lẽ thật, sau này còn có khả năng đánh mất phúc phận được vào thiên quốc. Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là nếu ai đó không làm bổn phận, thì tất nhiên họ sẽ đánh mất cơ hội được phúc. Sau khi kẻ địch lại Đấng Christ thu được thông tin này từ lời Đức Chúa Trời, cũng như từ nhiều mối thông công và bài giảng đạo, thì trong sâu thẳm nội tâm họ nảy sinh dục vọng và hứng thú làm bổn phận của loài thọ tạo. Việc nảy sinh dạng dục vọng và hứng thú này cho thấy họ có thể thật lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời và thật lòng làm bổn phận sao? Xét từ thực chất bản tính của kẻ địch lại Đấng Christ, thì họ rất khó đạt đến điểm này. Vậy thì điều gì khiến họ làm bổn phận? Trong lòng mỗi người có một tài khoản, và trong tài khoản này có một vài câu chuyện cụ thể. Tài khoản trong lòng kẻ địch lại Đấng Christ được tính toán thế nào? Họ tính toán rất tỉ mỉ, chính xác, rất đúng chỗ, và rất chăm chỉ, nên đây không phải là một tài khoản hỗn độn. Khi quyết định làm bổn phận, trước hết, họ tính toán: “Giờ mà mình làm bổn phận thì sẽ phải từ bỏ niềm vui sum vầy gia đình, từ bỏ sự nghiệp và tiền đồ ở thế giới. Nếu buông bỏ những thứ này để đi làm bổn phận, thì mình có thể đạt được những gì? Lời đức chúa trời phán rằng vào thời kỳ sau rốt, những người có thể diện kiến đức chúa trời, làm bổn phận trong nhà đức chúa trời và cuối cùng có thể sót lại đến cùng thì sẽ là những người có thể đạt được phúc lớn. Lời đức chúa trời phán như vậy, thì mình cho là đức chúa trời có thể làm được và hoàn thành được những lời này. Còn nữa, đức chúa trời ban rất nhiều lời hứa cho những ai có thể làm bổn phận và dâng mình cho ngài!”. Thông qua nghiên cứu lời Đức Chúa Trời, họ diễn giải nhiều lời hứa mà Đức Chúa Trời hứa với những người làm bổn phận trong thời kỳ sau rốt, cộng với những tưởng tượng cá nhân cùng mọi quan niệm nảy sinh từ việc phân tích và nghiên cứu những lời này, tất cả tạo nên sự hứng thú và kích thích sâu sắc đối với việc làm bổn phận. Rồi họ đến trước Đức Chúa Trời mà cầu nguyện, thề non hẹn biển, xác lập ý chí, sẵn lòng vứt bỏ và dâng hết mọi thứ cho Đức Chúa Trời, cống hiến đời mình cho Ngài, buông bỏ mọi hạnh phúc xác thịt và tiền đồ. Mặc dù khi cầu nguyện như thế, lời lẽ của họ nghe đều đúng cả, nhưng sâu thẳm nội tâm của họ nghĩ gì thì chỉ có họ và Đức Chúa Trời biết. Lời cầu nguyện và ý chí họ xác lập dường như không có sự uế tạp, như thể họ chỉ làm việc này để hoàn thành sự ủy thác của Đức Chúa Trời, thực hiện bổn phận và thỏa mãn tâm ý của Ngài. Thế nhưng trong sâu thẳm nội tâm, họ đang tính toán xem làm thế nào để đạt được những phúc lành này và những thứ mà họ muốn thông qua việc làm bổn phận, cũng như làm sao để Đức Chúa Trời thấy được mọi cái giá họ đã trả, khiến Ngài ấn tượng sâu sắc với cái giá họ trả và những việc họ đã làm, để Ngài ghi nhớ chúng và cuối cùng ban cho họ tiền đồ và phúc phận mà họ muốn có. Trước khi quyết định thực hiện bổn phận, trong sâu thẳm nội tâm những kẻ địch lại Đấng Christ tràn đầy kỳ vọng về tiền đồ, được phúc, đích đến tốt đẹp và thậm chí cả mão triều thiên, và họ vô cùng tự tin sẽ đạt được những điều này. Họ đến nhà Đức Chúa Trời để thực hiện bổn phận với những ý định và hoài bão như thế. Vậy thì trong việc thực hiện bổn phận của họ có lòng thành, đức tin và sự trung thành chân thực mà Đức Chúa Trời yêu cầu không? Lúc này chưa thể thấy rõ sự trung thành và đức tin chân thực hay lòng thành của họ, bởi vì trước khi làm bổn phận, ai cũng mang tư duy hoàn toàn là giao dịch; ai cũng ra quyết định thực hiện bổn phận do sự thôi thúc của lợi ích, đồng thời dựa trên tiền đề là dã tâm, dục vọng tràn trề của mình. Kẻ địch lại Đấng Christ thực hiện bổn phận với ý định gì? Đó là để giao dịch, để đổi chác. Có thể nói rằng những điều kiện họ đặt ra để thực hiện bổn phận là: “Nếu tôi thực hiện bổn phận, thì tôi phải có được phúc lành và đích đến tốt đẹp. Tôi phải có được hết thảy những phúc phần và lợi ích mà đức chúa trời phán là đã chuẩn bị sẵn cho nhân loại. Nếu không thể có được những điều đó, thì tôi không thực hiện bổn phận này”. Họ đến nhà Đức Chúa Trời để thực hiện bổn phận với những ý định, dã tâm và dục vọng như thế. Dường như họ cũng có chút lòng thành, và đương nhiên, đối với những người mới tin Đức Chúa Trời và mới bắt đầu thực hiện bổn phận, thì đó cũng có thể gọi là nhiệt huyết. Nhưng trong đó không hề có đức tin hay sự trung thành chân thực; mà chỉ có một phần nhiệt huyết đó. Đó không thể gọi là lòng thành được. Xét thái độ này của kẻ địch lại Đấng Christ đối với việc thực hiện bổn phận, thì nó hoàn toàn mang tính chất giao dịch và chứa đầy dục vọng về lợi ích, như được phúc, vào thiên quốc, được mão triều thiên và phần thưởng. Do đó, nhìn bề ngoài thì khi chưa bị khai trừ, rất nhiều kẻ địch lại Đấng Christ đều làm bổn phận, thậm chí còn vứt bỏ và chịu khổ nhiều hơn người bình thường. Những gì họ dành trọn, cái giá mà họ trả, con đường mà họ bôn ba, đều không khác gì của Phao-lô, đây là điều mà ai cũng có thể thấy được. Luận về hành vi, về ý chí chịu khổ và trả giá, thì không nên để họ chẳng đạt được gì. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đâu nhìn nhận một con người dựa vào hành vi bề ngoài của họ, mà Ngài dựa vào thực chất và tâm tính của họ, những gì họ bộc lộ, thực chất và bản tính của mỗi một việc mà họ làm. Khi con người nhìn nhận và đối đãi với con người, họ chỉ dựa vào hành vi bề ngoài, mức độ chịu khổ và trả giá mà quy định người ta, làm như vậy là sai lầm nghiêm trọng.

Thái độ của kẻ địch lại Đấng Christ khi tiếp cận bổn phận ngay từ đầu đã như vậy. Họ mang theo dã tâm, dục vọng, và sự đổi chác đến nhà Đức Chúa Trời để làm bổn phận. Đây là điều mà họ đã toan tính và lên kế hoạch trong sâu thẳm nội tâm trước khi làm bổn phận. Kế hoạch của họ là gì? Cốt lõi và trọng điểm trong những toan tính của họ là gì? Chính là nhắm đến việc được phúc, nhắm đến đích đến tốt đẹp, thậm chí có người còn nhắm đến việc tránh tai họa. Ý định của họ chính là như vậy. Họ nghiên cứu tới nghiên cứu lui lời Đức Chúa Trời, nhưng có làm sao cũng chẳng nghiên cứu ra được rằng lời Đức Chúa Trời đều là lẽ thật, rằng trong lời Đức Chúa Trời có con đường thực hành, và lời Đức Chúa Trời có thể khiến con người được làm tinh sạch, đạt đến sự thay đổi tâm tính, có thể khiến con người được cứu rỗi. Họ không cách nào nhìn ra được những điều này. Bất kể họ đọc lời Đức Chúa Trời như thế nào, nội dung mà họ quan tâm và xem trọng nhất không gì khác ngoài những phúc lành và lời hứa mà Đức Chúa Trời ban cho những ai vì Ngài mà vứt bỏ và dâng mình, chịu khổ và trả giá. Khi họ tìm ra những nội dung mà họ cho là trung tâm và trọng điểm nhất trong lời Đức Chúa Trời rồi, thì như thể họ đã tìm được phao cứu sinh cho mình vậy. Họ cảm thấy như thể mình sẽ đạt được phúc lớn, cảm thấy bản thân là người có phúc và may mắn nhất trong thời đại này. Do đó, trong sâu thẳm nội tâm họ mừng thầm: “Đời này của mình gặp phải một thời đại tốt, các sứ đồ và tiên tri trong suốt mọi thời đại đều không một ai được gặp mặt đấng christ của thời kỳ sau rốt. Hôm nay, mình đi theo đấng christ của thời kỳ sau rốt, vậy mình không thể nào bỏ lỡ cơ hội được phúc lớn như thế này, đây là cơ hội được ban thưởng và được mão triều thiên đấy! Người ngoại đạo đều không có phúc lành này, bất kể đời này họ hưởng thụ tốt thế nào, có địa vị cao ra sao, thì khi đại họa đến, họ đều sẽ bị hủy diệt hết. Vì thế, mình nhất định phải buông bỏ sự hưởng thụ xác thịt của thế gian, bởi vì mình có hưởng thụ những thứ này đến thế nào đi nữa thì cũng là tạm thời, thoảng qua như mây khói. Mình phải hướng mắt đến tương lai, phải đạt được phúc lành, phần thưởng và mão triều thiên lớn hơn nữa”. Thế là trong sâu thẳm nội tâm, họ cảnh cáo bản thân: “Khi làm bổn phận, bất kể chịu khổ thế nào, bôn ba bao xa, bất kể bị giam hay chịu tra tấn, bất kể gặp phải khó khăn nào, mình nhất định phải kiên trì, kiên trì, kiên trì thêm nữa! Mình không thể nản lòng, phải nhẫn nhục và gánh vác trọng trách, phải kiên trì đến tận thời khắc cuối cùng, tin vào câu đức chúa trời phán ‘kẻ nào đi theo đến cuối cùng thì chắc chắn sẽ được cứu rỗi’. Câu này nhất định sẽ được thành tựu nơi mình”. Mỗi một ý niệm, mỗi một ý nghĩ mà họ nghĩ đến và tin ở trong lòng, có cái nào phù hợp với lẽ thật không? (Thưa, không có.) Không có cái nào phù hợp với lẽ thật, không có cái nào hợp với lời Đức Chúa Trời, với tâm ý của Ngài – hết thảy đều là những toan tính và kế hoạch cho tiền đồ và số phận của họ. Trong sâu thẳm nội tâm, họ chẳng hứng thú gì với bất kỳ yêu cầu nào đối với nhân loại được nói đến trong lời Đức Chúa Trời, họ mặc kệ những điều này. Trong sâu thẳm nội tâm, họ có ác cảm, chống đối, thậm chí nảy sinh quan niệm đối với sự vạch rõ và yêu cầu đối với nhân loại trong lời Đức Chúa Trời, cho nên khi thấy những lời này thì trong lòng họ chống đối, khó chịu, sau đó là lướt qua mà không thèm đọc. Đối với những lời khích lệ, an ủi, nhắc nhở, thương xót và cảm thông trong lời Đức Chúa Trời, thì họ thể hiện sự thiếu kiên nhẫn, không sẵn lòng tiếp nhận, cũng không sẵn lòng nghe, cho rằng những lời này đều là giả tạo. Đối với những lời phán xét và hành phạt của Đức Chúa Trời, đối với công tác thử luyện mà Đức Chúa Trời làm giữa con người, thì họ có ác cảm, chống đối, không sẵn lòng tiếp nhận, và lựa chọn tránh né. Thay vào đó, họ chỉ hứng thú nhiều với những lời về việc Đức Chúa Trời hứa và chúc phúc cho nhân loại, họ còn đọc chúng thường xuyên để thỏa mãn dục vọng được phúc đang bồn chồn trong nội tâm họ, háo hức được cất lên thiên quốc ngay lập tức và thoát khỏi mọi khổ nạn. Khi họ không còn kiên trì được trong quá trình làm bổn phận, nảy sinh nghi hoặc về khả năng được phúc của mình, “đức tin” dao động, hoặc khi ý chí không kiên định và muốn rút lui, thì họ đọc những lời này và biến chúng thành động lực để thực hiện bổn phận. Đối với bất kỳ chương nào, đoạn nào của lời Đức Chúa Trời, họ đều không bao giờ cố suy ngẫm lẽ thật trong lời Ngài, họ không muốn trải nghiệm sự phán xét của lời Đức Chúa Trời chút nào, càng không muốn thông qua những lời Đức Chúa Trời vạch trần thực chất bại hoại của nhân loại mà biết mình và thấy rõ chân tướng bại hoại quá sâu sắc của nhân loại. Đối với tâm ý, yêu cầu và sự khích lệ của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại thì họ xem là gió thoảng ngoài tai, mặc kệ, và tiếp cận bằng thái độ khinh mạn, không thèm đếm xỉa. Trong sâu thẳm nội tâm họ cho rằng: “Những gì đức chúa trời phán và làm chỉ là cho có lệ thôi, ai có thể tiếp nhận chứ? Ai có thể nghe mà hiểu được chứ? Ai có thể thực sự thực hành theo lời đức chúa trời chứ? Lời đức chúa trời đều dư thừa. Chỉ có việc con người đổi lấy phúc lành thông qua việc làm bổn phận mới là điều có thật nhất, không chuyện gì có thật hơn chuyện này”. Vì vậy, họ tìm kiếm trong lời Đức Chúa Trời hết lượt này đến lượt khác, một khi tìm được con đường này rồi, thì họ xem việc làm bổn phận là con đường duy nhất để được phúc. Đây là ý định và mục đích, cũng là toan tính trong sâu thẳm nội tâm của kẻ địch lại Đấng Christ khi làm bổn phận. Vậy, trong quá trình làm bổn phận, họ có những biểu hiện và bộc lộ nào có thể khiến người ta thấy ra thực chất của loại người này chính là thực chất địch lại Đấng Christ không hơn không kém? Không phải ngẫu nhiên mà kẻ địch lại Đấng Christ có thể làm bổn phận, họ tuyệt đối làm bổn phận với ý định và mục đích riêng, với dục vọng được phúc của mình. Bất kể làm bổn phận nào, mục đích và thái độ của họ đương nhiên không thể nào tách khỏi việc được phúc, đích đến, tiền đồ và số phận tốt đẹp mà họ thấp thỏm ngày nhớ đêm mong. Cũng giống như thương nhân không nói chuyện gì ngoài việc làm ăn của mình. Bất kể kẻ địch lại Đấng Christ làm gì cũng đều liên quan đến danh lợi và địa vị, đều liên quan đến việc được phúc, tiền đồ và số phận của họ. Trong sâu thẳm nội tâm họ đầy rẫy những thứ này, đây chính là thực chất bản tính của loại người địch lại Đấng Christ. Chính vì dạng thực chất bản tính này mà người khác có thể thấy rõ cái kết cuối cùng của họ chính là bị đào thải.

Trong lời Ngài, Đức Chúa Trời có yêu cầu đối với mọi loại người, có yêu cầu và câu nói rõ ràng về mọi loại bổn phận và công tác. Những lời này của Đức Chúa Trời đều là yêu cầu của Ngài đối với nhân loại, và những yêu cầu này là điều mà con người nên tuân thủ, thực hành và đạt đến. Kẻ địch lại Đấng Christ có thái độ nào đối với những lời Đức Chúa Trời và những yêu cầu của Ngài? Họ có mang thái độ thuận phục không? Họ có mang thái độ khiêm tốn tiếp nhận không? Chắc chắn là không. Kẻ địch lại Đấng Christ mà đến nhà Đức Chúa Trời để làm bổn phận, thì với tâm tính của mình, họ có thể dựa theo yêu cầu của Đức Chúa Trời và sự sắp xếp của nhà Đức Chúa Trời mà làm tốt bổn phận không? (Thưa, không thể.) Tuyệt đối không thể. Khi kẻ địch lại Đấng Christ làm bổn phận, thì điều đầu tiên họ nghĩ đến không phải là tìm kiếm xem khi làm bổn phận này có nguyên tắc gì, yêu cầu của Đức Chúa Trời là gì, quy định của nhà Đức Chúa Trời là gì. Thay vào đó, trước hết họ nghe ngóng xem làm bổn phận này thì có thể được phúc và được ban thưởng không. Nếu không thể xác định chắc chắn chuyện được phúc và được ban thưởng, thì họ không muốn làm bổn phận đó, nếu có làm thì cũng làm một cách qua loa chiếu lệ. Những kẻ địch lại Đấng Christ miễn cưỡng làm bổn phận của mình để được phúc. Họ còn nghe ngóng xem liệu họ có thể xuất đầu lộ diện và được coi trọng khi làm bổn phận này hay không, và liệu Bề trên hay Đức Chúa Trời có biết nếu họ làm bổn phận này hay không. Đây là tất cả những điều họ cân nhắc khi làm bổn phận. Điều đầu tiên họ muốn xác định là họ có thể nhận được những lợi ích gì khi thực hiện bổn phận và liệu họ có thể được ban phúc hay không. Đây là điều quan trọng nhất đối với họ. Họ không bao giờ nghĩ đến việc làm thế nào để quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời và báo đáp tình yêu thương của Ngài, làm thế nào để rao giảng phúc âm và chứng thực cho Đức Chúa Trời để mọi người nhận được sự cứu rỗi của Ngài và đạt được hạnh phúc, càng không bao giờ tìm kiếm để hiểu lẽ thật, tìm cách giải quyết những tâm tính bại hoại của mình, và sống thể hiện ra hình tượng giống con người. Trong lòng họ không bao giờ xem xét những điều này. Họ chỉ nghĩ về việc liệu họ có thể được phúc và được lợi hay không, làm thế nào để đạt được chỗ đứng, làm thế nào để đạt được địa vị, làm thế nào để khiến mọi người coi trọng mình, và làm thế nào để nổi bật và trở thành người xuất sắc trong hội thánh và giữa mọi người. Họ tuyệt đối không cam tâm làm những người đi theo bình thường. Họ luôn muốn là người đi đầu trong hội thánh, có tiếng nói quyết định sau cùng, trở thành lãnh đạo, và khiến mọi người nghe theo họ. Chỉ khi đó họ mới có thể thỏa mãn. Ngươi có thể thấy rằng lòng dạ những kẻ địch lại Đấng Christ đầy rẫy những điều này. Liệu họ có thật lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời không? Họ có thật lòng làm bổn phận của mình với tư cách là loài thọ tạo không? (Thưa, không.) Vậy thì họ muốn làm gì? (Thưa, họ muốn làm người có quyền.) Đúng vậy. Họ bảo: “Đối với tôi, trong thế tục, tôi muốn vượt hơn mọi người khác. Tôi phải là người đứng nhất trong bất kỳ nhóm nào. Tôi không chịu đứng nhì, và tôi sẽ không bao giờ là kẻ dưới cơ. Tôi muốn làm lãnh đạo và có tiếng nói quyết định sau cùng trong bất kỳ nhóm người nào mà tôi tham gia. Nếu tôi không có tiếng nói quyết định sau cùng, tôi sẽ nghĩ đủ mọi cách để thuyết phục tất cả các người, khiến tất cả các người coi trọng tôi và chọn tôi làm lãnh đạo. Một khi tôi có được địa vị, tôi sẽ có tiếng nói quyết định sau cùng, mọi người sẽ phải nghe tôi. Các người sẽ phải làm theo cách của tôi, và sẽ phải ở dưới sự kiểm soát của tôi”. Bất kể những kẻ địch lại Đấng Christ làm bổn phận gì, họ đều muốn chiếm địa vị cao và vị trí đứng đầu. Họ không bao giờ có thể an tâm làm một người đi theo bình thường. Và họ say mê nhất điều gì? Đó là đứng trước mặt mọi người ra lệnh và giáo huấn mọi người, bắt mọi người đều phải nghe theo họ. Họ không bao giờ nghĩ về việc làm thế nào để làm tốt bổn phận của mình – và trong khi làm bổn phận của mình, họ càng không tìm kiếm các nguyên tắc lẽ thật để đạt đến việc thực hành lẽ thật và làm thỏa lòng Đức Chúa Trời. Thay vào đó, họ vắt óc tìm những cách để khiến bản thân nổi bật, khiến các lãnh đạo đánh giá cao về họ và đề bạt họ, để bản thân họ có thể trở thành lãnh đạo hoặc người làm công, và có thể lãnh đạo những người khác. Đây là điều họ suốt ngày nghĩ đến và mong mỏi. Những kẻ địch lại Đấng Christ không sẵn lòng bị người khác lãnh đạo, cũng như không sẵn lòng trở thành một người đi theo bình thường, càng không muốn làm một người làm bổn phận không ai biết đến. Dù bổn phận của họ là gì, nếu họ không thể ở vị trí nổi bật, nếu họ không thể hơn những người khác và lãnh đạo người khác, thì họ sẽ thấy việc làm bổn phận không có ý nghĩa, trở nên tiêu cực và lười biếng. Không có sự khen ngợi hay sùng bái của những người khác, thì điều đó lại càng không thú vị đối với họ và họ lại càng không muốn làm bổn phận. Nhưng nếu họ có thể ở vị trí nổi bật khi làm bổn phận và có tiếng nói sau cùng, thì họ sẽ hăng hái trong lòng, chịu khổ như thế nào cũng được. Họ luôn có ý định cá nhân trong khi làm bổn phận, và họ luôn muốn nên người xuất chúng, thỏa mãn lòng háo thắng, thỏa mãn những dã tâm và dục vọng của họ. Trong khi làm bổn phận của mình, ngoài tính đua tranh háo thắng – đua tranh về mọi mặt để nổi bật, để đứng đầu, để vượt lên trên những người khác – họ cũng suy nghĩ về cách để giữ địa vị, danh tiếng và uy tín hiện tại của mình. Nếu có bất kỳ ai đe dọa địa vị hoặc uy tín của họ, họ sẽ không từ thủ đoạn, không chút khoan nhượng để hạ bệ và loại trừ người đó. Họ thậm chí còn sử dụng những thủ đoạn đê tiện để đàn áp những người có thể mưu cầu lẽ thật, những người làm bổn phận của mình với lòng trung thành và ý thức trách nhiệm. Họ cũng đầy lòng đố kỵ và thù ghét đối với những anh chị em làm bổn phận xuất sắc. Họ đặc biệt căm ghét những người được các anh chị em khác tán thành và ủng hộ; họ tin rằng những người như vậy là mối đe dọa nghiêm trọng đối với những gì họ mưu cầu, đối với địa vị và danh tiếng của họ, và họ thề trong lòng rằng: “Nếu có tôi thì không có anh, có anh thì không có tôi, chúng ta không đội trời chung, nếu tôi không hạ bệ anh và loại anh đi thì tôi thề không làm người!”. Đối với những anh chị em có quan điểm bất đồng với họ, những người vạch trần họ, hoặc những người đe dọa địa vị của họ thì họ sẽ không bỏ qua. Họ nghĩ đủ mọi cách để nắm thóp, xét đoán, lên án và bôi nhọ thanh danh và đánh gục những người đó, chưa làm được thì họ chưa ngơi tay. Đối đãi với bất kỳ ai, họ chỉ có một thái độ này: Chỉ cần là người đe dọa đến địa vị của họ, thì họ sẽ triệt hạ và trừ khử. Còn ai xun xoe nịnh bợ họ thì đều là bè lũ sống chết với họ, dù những người này có làm việc gì xấu hay gây ra tổn thất lớn đến thế nào đối với công tác của hội thánh và lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, thì họ đều bao che và bảo vệ. Trong quá trình làm bổn phận, kẻ địch lại Đấng Christ luôn quản lý danh lợi và địa vị của mình, quản lý vương quốc độc lập của mình. Thực chất trong việc làm bổn phận của họ chính là phấn đấu vì vương quốc độc lập riêng của mình, phấn đấu vì tiền đồ và số phận của riêng mình.

Một số kẻ địch lại Đấng Christ lãnh đạo một nhóm nhỏ tầm hơn chục người, một số kẻ địch lại Đấng Christ khác thì lãnh đạo số người của một hội thánh hoặc hơn. Bất kể họ lãnh đạo bao nhiêu người, khi làm bổn phận là họ đang khống chế những người này, đang làm vua nắm quyền giữa những người này. Họ không quan tâm Đức Chúa Trời định tội và ghê tởm những chuyện này như thế nào, mà chỉ quan tâm chuyện giữ cho chắc quyền lực trong tay mình, khống chế cho chặt những người dưới quyền mà họ có thể khống chế. Do đó, xét từ ý định và động cơ của kẻ địch lại Đấng Christ khi làm bổn phận, thì thực chất của họ là hung ác và tà ác. Xét từ biểu hiện của họ khi làm bổn phận, thì tâm tính mà họ bộc lộ ra là gì? Tâm tính của họ cũng là tâm tính hung ác. Tâm tính hung ác này được xác định tính chất thế nào? Chính là họ có thể chịu khổ và trả giá khi làm bổn phận, nhưng mọi bổn phận họ làm đều không được làm theo lời Đức Chúa Trời. Trong quá trình làm bổn phận, họ không hề triển khai sự sắp xếp công tác, càng không tìm kiếm nguyên tắc mà nhà Đức Chúa Trời đặt ra cho mỗi một công tác. Họ chỉ thỏa mãn những ý thích và dục vọng đối với quyền lực của cá nhân, và lòng ham mê làm việc của cá nhân mình. Đây đều là một vài điều kiện mà loại người địch lại Đấng Christ cho rằng mình có thể dùng chúng để đổi lấy mão triều thiên. Họ suy nghĩ hão huyền rằng: “Chỉ cần mình làm như vậy, chỉ cần mình trả giá, vứt bỏ và dâng mình như vậy, thì cuối cùng đức chúa trời chắc chắn sẽ ban cho mình mão triều thiên và phần thưởng!”. Đối với những nguyên tắc và yêu cầu được nhấn mạnh và được đưa ra nhiều lần với nhân loại trong lời Đức Chúa Trời, thì họ chưa bao giờ quan tâm và xem ra gì, họ chỉ xem đó là một tập hợp những câu nói mà thôi. Tâm thái của họ là: “Bất kể ngài có yêu cầu gì, tôi cũng không thể buông lỏng quyền lực và sự mưu cầu của mình, không thể buông bỏ nguyện vọng và dã tâm của mình. Nếu không có mấy thứ đó, thì tôi còn có tinh thần gì, động lực gì mà làm bổn phận nữa?”. Đây chính là một vài biểu hiện của kẻ địch lại Đấng Christ khi làm bổn phận. Bất kể lời Đức Chúa Trời phán thế nào, bất kể Bề trên có yêu cầu gì về nguyên tắc và tiêu chuẩn đối với các loại công việc, thì kẻ địch lại Đấng Christ đều không nghe, không để ý. Bất kể Bề trên có nói cụ thể thế nào, yêu cầu đối với phương diện công tác này có nghiêm ngặt đến đâu, họ cũng sẽ giả vờ mình không nghe thấy, không hiểu được, ở bên dưới họ vẫn mặc sức làm càn, làm xằng làm bậy, làm theo ý riêng của mình. Họ cho rằng nếu dựa theo yêu cầu của Đức Chúa Trời và phương thức Bề trên yêu cầu mà làm, thì địa vị của họ sẽ không còn, quyền lực trong tay họ sẽ mất đi và sẽ tan rã. Họ cho rằng nếu dựa theo lẽ thật và yêu cầu trong lời Đức Chúa Trời mà làm thì vô hình trung, đó sẽ là một dạng công kích và tước đoạt đối với quyền lực của họ – đây là một sự tấn công đối với danh vọng cá nhân của họ. Họ nghĩ bụng: “Tôi đâu có ngu ngốc như vậy. Tôi mà tiếp nhận ý kiến của các anh thì chẳng phải sẽ lộ rõ là tôi không có năng lực, không có tài năng lãnh đạo sao? Nếu tôi tiếp nhận ý kiến của các anh, thừa nhận tôi sai, thì sau này các anh chị em còn có thể nghe lời tôi không? Tôi còn có uy tín nữa không? Nếu dựa theo yêu cầu của bề trên mà làm, thì chẳng phải tôi sẽ mất đi cơ hội thể hiện bản thân sao? Vậy các anh chị em còn có thể sùng bái tôi sao? Còn có thể nghe lời tôi sao? Người ta mà không nghe lời tôi nữa, thì tôi làm bổn phận còn có ý nghĩa gì chứ? Tôi phải tiếp tục làm công tác này như thế nào? Nếu tôi không có uy quyền giữa mọi người, uy tín bị hạ thấp, nếu mọi người đều nghe theo lời đức chúa trời, đều thực hành dựa theo nguyên tắc lẽ thật, thì chẳng phải sự lãnh đạo của tôi chỉ còn trên danh nghĩa thôi sao? Chẳng phải tôi sẽ thành con rối sao? Vậy thì tôi còn hăng hái gì để làm mấy việc này nữa? Nếu sự lãnh đạo của tôi chỉ còn trên danh nghĩa, thì tôi làm gì cũng chẳng còn ý nghĩa, vậy sau này tôi còn có tiền đồ nữa không?”. Điều mà kẻ địch lại Đấng Christ muốn là được đứng trên mọi người trong bất kỳ nhóm người nào, từ đó mà đổi lấy mão triều thiên và phần thưởng. Họ cho rằng chỉ cần trở thành người xuất sắc trong dân được Đức Chúa Trời chọn, thành thủ lĩnh của những người khác, thì họ sẽ có tư cách để đổi lấy mão triều thiên và đạt được phúc lớn sau này. Do đó, trong bất kỳ thời điểm nào, kẻ địch lại Đấng Christ cũng không buông lỏng quyền lực trong tay, trong bất kỳ tình huống nào, cũng không buông lỏng cảnh giác. Họ sợ nếu lơi lỏng một chút thì quyền lực trong tay mình sẽ bị tước đi hoặc bị yếu đi. Khi làm bổn phận, họ không làm hết khả năng trong chức phận của mình, không dựa theo nguyên tắc trong lời Đức Chúa Trời và yêu cầu của Đức Chúa Trời để làm tốt bổn phận và làm chứng cho Đức Chúa Trời. Thay vào đó, họ nhân cơ hội thế này để nắm cho chặt mão triều thiên mà họ cho rằng mình sắp đạt được. Kể cả khi một số kẻ địch lại Đấng Christ có thể xem yêu cầu của nhà Đức Chúa Trời là quy định để tuân thủ, thì điều đó cũng không thể chứng tỏ rằng họ là người tiếp nhận lẽ thật và thuận phục lời Đức Chúa Trời. Nguyên nhân đằng sau chuyện này là gì? Có những kẻ địch lại Đấng Christ luôn muốn nắm lấy quyền hành, thỏa mãn dục vọng về quyền lực của mình, luôn muốn có địa vị, đứng từ địa vị của mình mà dạy dỗ người khác và ban hành mệnh lệnh trong quá trình thực hiện bổn phận. Nhưng có một số kẻ địch lại Đấng Christ thì không như vậy, họ có kiểu lo lắng thế này: “Chim ló đầu thì bị bắn. Nghĩa là ai ra mặt mà làm sai thì sẽ gặp họa. Mình sẽ không làm kẻ ngốc như vậy đâu. Cho dù mình có năng lực lớn thế nào, thì cũng chỉ dốc ba phần sức thôi, để dành bảy phần mà chừa đường lùi cho bản thân, phải giữ lại một chút. Bất kể nhà đức chúa trời nói thế nào, yêu cầu thế nào, thì bề ngoài mình sẽ đáp ứng hết, cũng không gây gián đoạn hay nhiễu loạn gì. Ai lãnh đạo mình cũng đi theo, ai nói gì mình cũng tán thành, quy định của bề trên thì mình tuân thủ, không vi phạm, vậy là được rồi. Còn chuyện dâng sự trung thành cho đức chúa trời và thật lòng dâng mình cho ngài, thì không cần thiết. Làm bổn phận mà có thể bỏ ra chút sức, làm tương đối là được rồi, mình sẽ không làm kẻ ngốc. Làm gì cũng phải giữ lại một chút, đừng để cuối cùng chẳng đạt được cái gì, mất cả chì lẫn chài”. Loại kẻ địch lại Đấng Christ này cho rằng người khác gánh vác trách nhiệm và luôn ra mặt giải quyết vấn đề lúc làm bổn phận thì thật là ngu ngốc, bản thân họ không được làm kẻ ngốc như vậy. Trong lòng họ cũng biết rằng việc mưu cầu địa vị và quản lý quyền lực của mình sớm muộn gì cũng bị bại lộ, nhưng thực hành lẽ thật thì phải trả giá và dốc công sức, dâng tấm lòng chân thật, có lòng trung thành. Như vậy thì con người phải chịu rất nhiều đau khổ, họ không làm như vậy được. Họ dùng cách làm thỏa hiệp, không ra mặt cũng không rụt lại, đi con đường trung dung. Họ cho rằng: “Bảo tôi làm gì thì tôi sẽ làm nấy, làm cho có lệ là xong. Bảo tôi làm cho tốt hơn thì tôi không làm được. Làm tốt hơn thì phải trả giá nhiều, phải tra nhiều tư liệu, vậy thì mệt mỏi quá! Nếu tôi làm mà đức chúa trời có thể ban thêm phần thưởng thì cũng không tệ, nhưng trong lời đức chúa trời dường như không nói gì đến phần thưởng thêm. Đã vậy thì tôi đâu cần phải chịu khổ chịu mệt, cứ nhàn hạ thì tốt hơn”. Dạng người này có thể làm tốt bổn phận không? Có thể đạt được lẽ thật không? Những người không vươn tới lẽ thật, mà thay vào đó lại qua loa chiếu lệ hoặc tiêu cực, biếng nhác, thì có thể được Đức Chúa Trời khen ngợi không? Tuyệt đối là không.

Biểu hiện rõ ràng nhất của kẻ địch lại Đấng Christ là gì? Trước hết, họ không tiếp nhận lẽ thật, đây là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy. Không chỉ là họ không tiếp nhận những kiến nghị của người khác, mà quan trọng nhất là họ cũng không tiếp nhận khi bị tỉa sửa. Kẻ địch lại Đấng Christ không tiếp nhận lẽ thật là chuyện không có gì phải nghi ngờ nữa rồi, nếu có thể tiếp nhận lẽ thật thì họ đâu phải là kẻ địch lại Đấng Christ nữa. Vậy tại sao kẻ địch lại Đấng Christ vẫn có thể làm bổn phận? Ý định của họ khi thực hiện bổn phận rốt cuộc là gì? Đó là “được gấp trăm lần ở đời này và sự sống đời đời ở đời sau”. Họ hoàn toàn tuân theo câu nói này khi làm bổn phận. Đây chẳng phải là một cuộc giao dịch sao? Đây hoàn toàn là một cuộc giao dịch. Xét từ tính chất của giao dịch này, chẳng phải đây là tâm tính tà ác sao? (Thưa, phải.) Họ tà ác ở điểm nào? Ai đó nói xem nào. (Thưa, mặc dù đã nghe Đức Chúa Trời bày tỏ nhiều lẽ thật đến như vậy, nhưng kẻ địch lại Đấng Christ vẫn không hề mưu cầu những lẽ thật này. Họ nắm chặt địa vị không buông, họ làm bổn phận cũng là vì lợi ích cá nhân và để nắm quyền giữa mọi người.) Nói vậy cũng đúng, ngươi đã nói ra được ý đại khái rồi, nhưng không đủ cụ thể. Nếu như biết rõ việc làm giao dịch với Đức Chúa Trời là không đúng mà vẫn cứ kiên trì làm đến cùng, có chết cũng không hối cải, thì vấn đề này nghiêm trọng rồi. Hiện tại đa số mọi người làm bổn phận đều ôm ý định được phúc, đều muốn dùng việc làm bổn phận mà đạt được phần thưởng và mão triều thiên, chứ không hiểu ý nghĩa việc làm bổn phận là gì. Vấn đề này mà không thông công cho rõ thì không được. Vậy trước hết, chúng ta hãy nói về chuyện bổn phận của con người rốt cuộc từ đâu mà ra. Đức Chúa Trời công tác để quản lý và cứu rỗi nhân loại, đương nhiên Ngài sẽ có yêu cầu đối với nhân loại, và những yêu cầu này chính là bổn phận của con người. Có thể thấy bổn phận của con người nảy sinh từ công tác của Đức Chúa Trời và yêu cầu của Ngài đối với nhân loại. Bất kể con người làm bổn phận gì thì đó đều là chuyện chính đáng nhất, chuyện tốt đẹp nhất và chính nghĩa nhất trong nhân loại. Làm một loài thọ tạo thì phải làm bổn phận của mình mới có thể được Đấng Tạo Hóa khen ngợi. Loài thọ tạo sống dưới sự thống trị của Đấng Tạo Hóa, và họ tiếp nhận tất cả những gì Đức Chúa Trời chu cấp và mọi thứ đến từ Đức Chúa Trời, do đó họ nên hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Đây là chuyện thiên kinh địa nghĩa, cũng là điều mà Đức Chúa Trời đã tiền định. Từ đó có thể thấy rằng, đối với con người thì việc thực hiện bổn phận của một loài thọ tạo là chính nghĩa, đẹp đẽ và cao thượng hơn bất cứ điều gì khác được thực hiện trong khi còn sống trong thế gian; không có gì trong nhân loại có ý nghĩa hơn hoặc xứng đáng hơn và không có gì mang lại ý nghĩa và giá trị lớn lao hơn cho cuộc sống của một loài thọ tạo hơn là việc thực hiện bổn phận của một con người thọ tạo. Trên đất, chỉ có nhóm người thật lòng thật dạ thực hiện bổn phận của loài thọ tạo mới là những người thuận phục Đấng Tạo Hóa. Nhóm này không chạy theo trào lưu của thế giới bên ngoài; họ thuận phục sự dẫn dắt và chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, chỉ nghe lời của Đấng Tạo Hóa, tiếp nhận những lẽ thật mà Đấng Tạo Hóa bày tỏ, và sống theo lời Đấng Tạo Hóa. Đây là lời chứng chân thực nhất, vang dội nhất, và là lời chứng tốt nhất về việc tin Đức Chúa Trời. Đối với một loài thọ tạo, việc có thể thực hiện bổn phận của loài thọ tạo, có thể làm hài lòng Đấng Tạo Hóa là điều tốt đẹp nhất giữa nhân loại và nên trở thành giai thoại được lưu truyền trong nhân loại. Bất cứ điều gì được Đấng Tạo Hóa giao phó cho các loài thọ tạo thì họ cũng nên tiếp nhận vô điều kiện; đối với nhân loại, đây là chuyện hạnh phúc và vinh hạnh, và đối với những người thực hiện bổn phận của một loài thọ tạo, thì không gì tốt đẹp hơn hoặc đáng nhớ hơn – đó là điều tích cực. Còn về cách Đấng Tạo Hóa đối đãi với những người thực hiện bổn phận của một loài thọ tạo và những gì Ngài hứa với họ, thì đây là vấn đề của Đấng Tạo Hóa chứ không liên quan gì đến con người thọ tạo. Nói rõ ra và đơn giản hơn một chút thì Đức Chúa Trời có tiếng nói quyết định trong chuyện này, và con người không có quyền can thiệp. Ngươi sẽ nhận được bất cứ điều gì Đức Chúa Trời ban cho ngươi và nếu Ngài không ban cho ngươi điều gì, thì ngươi miễn bàn về điều đó. Khi một loài thọ tạo tiếp nhận sự ủy thác của Đức Chúa Trời và hợp tác với Đấng Tạo Hóa để thực hiện bổn phận của mình cũng như làm những gì họ có thể làm, thì đây không phải là một cuộc giao dịch hay trao đổi; con người không nên dùng cách biểu đạt thái độ hay dùng hành vi, cách làm nào để đổi lại bất kỳ phúc lành và lời hứa nào từ Đức Chúa Trời. Khi Đấng Tạo Hóa giao phó những công tác này cho một số người trong các ngươi, thì loài thọ tạo nên tiếp nhận bổn phận và những sự ủy thác đó, trong chuyện này có giao dịch gì không? (Thưa, không có.) Về phía Đấng Tạo Hóa, Ngài sẵn sàng giao phó cho mỗi người các ngươi bổn phận mà con người nên thực hiện; và về phía loài người thọ tạo, mọi người nên vui vẻ tiếp nhận bổn phận này, coi đó là nghĩa vụ của đời mình, là giá trị mà họ nên sống thể hiện ra trong cuộc đời này. Không có giao dịch nào ở đây, đây không phải là một cuộc trao đổi ngang bằng, càng không liên quan gì đến bất kỳ phần thưởng hoặc những câu nói tưởng tượng khác. Đây tuyệt đối không phải là một cuộc trao đổi, không phải là con người đem những cái giá họ trả và sức lao động họ cung cấp khi làm bổn phận mà đổi lấy cái gì đó. Đức Chúa Trời chưa bao giờ phán điều đó và con người không nên lĩnh hội điều đó theo cách này. Đấng Tạo Hóa giao cho nhân loại một sự ủy thác, và loài thọ tạo khi đã đón nhận từ Đấng Tạo hóa sự ủy thác mà Đức Chúa Trời giao cho, thì làm bổn phận của mình. Không có giao dịch trong chuyện này và trong quá trình này; đây là một chuyện rất đơn giản và chính đáng. Cũng giống như cha mẹ sinh ra con cái, sau đó nuôi dưỡng con cái vô điều kiện, không oán trách gì. Còn chuyện đứa con lớn lên có hiếu thuận với cha mẹ hay không, thì từ ngày sinh chúng ra, cha mẹ chẳng hề yêu cầu điều này. Không có bậc cha mẹ nào sinh con xong rồi bảo: “Mình chỉ nuôi dưỡng nó để sau này nó hầu hạ và hiếu kính mình. Nếu sau này nó không hiếu kính mình thì bây giờ mình sẽ bóp chết nó luôn”. Không có bậc cha mẹ nào như vậy cả. Vì vậy, xét từ cách cha mẹ nuôi dưỡng con cái, thì đây là một dạng nghĩa vụ, một dạng trách nhiệm, phải vậy không? (Thưa, phải.) Bất kể con cái có thể hiếu thuận hay không, thì cha mẹ vẫn luôn nuôi dưỡng nó, bất kể có khổ cực hay khó khăn thế nào, cha mẹ cũng nuôi dưỡng cho con cái trưởng thành, hy vọng điều tốt đẹp nhất cho chúng. Trong trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái thì không có điều kiện hay giao dịch gì cả, những ai có chút thể nghiệm và lĩnh hội qua thì đều có thể hiểu được. Đa số bậc cha mẹ không có yêu cầu gì về chuyện con cái có hiếu thuận hay không. Nếu con cái hiếu thuận thì họ vui mừng một chút, những năm tuổi già cũng được vui vẻ hơn. Nếu con cái không hiếu thuận thì cũng thuận theo tự nhiên thôi. Đa số những bậc cha mẹ tương đối phóng khoáng thì sẽ nghĩ như vậy. Tóm lại, bất kể cha mẹ nuôi dạy con cái hay con cái phụng dưỡng cha mẹ, thì đều là làm trách nhiệm và nghĩa vụ, là chuyện thuộc phận sự của một con người. Đương nhiên, so với việc làm bổn phận của loài thọ tạo thì những chuyện này đều là chuyện nhỏ, nhưng trong những chuyện của nhân gian, thì chúng cũng là những chuyện khá tốt đẹp và chính nghĩa. Còn chuyện làm bổn phận của loài thọ tạo thì càng khỏi cần phải nói. Là một loài thọ tạo, khi đến trước Đấng Tạo Hóa thì phải thực hiện bổn phận của mình. Đây là một chuyện rất chính đáng, và là trách nhiệm mà con người nên thực hiện. Trên cơ sở loài thọ tạo thực hiện bổn phận của mình, Đấng Tạo Hóa đã làm công tác lớn hơn nữa giữa nhân loại. Ngài đã thực hiện một bước công tác nữa trên con người, đó là công tác gì? Ngài cung cấp lẽ thật cho nhân loại, cho phép họ đạt được lẽ thật từ Ngài khi họ thực hiện bổn phận của mình và qua đó loại bỏ tâm tính bại hoại của họ và được làm cho tinh sạch. Như thế, họ đạt đến việc thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời và đi vào con đường đúng đắn trong cuộc đời, và cuối cùng, họ có thể kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, đạt được sự cứu rỗi hoàn toàn và không còn bị Sa-tan làm cho đau khổ. Đây là hiệu quả mà Đức Chúa Trời yêu cầu nhân loại cuối cùng phải đạt được thông qua việc thực hiện bổn phận của họ. Do đó, trong quá trình thực hiện bổn phận của ngươi, Đức Chúa Trời không chỉ đơn thuần làm cho ngươi thấy rõ một điều và hiểu được một chút lẽ thật, Ngài cũng không chỉ đơn thuần để ngươi vui hưởng ân điển và phước lành ngươi nhận được khi thực hiện bổn phận của mình với tư cách là một loài thọ tạo. Mà thay vào đó, Ngài cho phép ngươi được làm cho tinh sạch và được cứu rỗi, và cuối cùng, được sống trong sự sáng của khuôn mặt Đấng Tạo Hóa. “Sự sáng của khuôn mặt Đấng Tạo Hóa” này bao hàm rất nhiều nội dung và ý nghĩa mở rộng – hôm nay chúng ta sẽ không đi sâu vào vấn đề này. Tất nhiên, Đức Chúa Trời chắc chắn ban ra những lời hứa và phước lành cho những người như vậy, và đưa ra những cách nói khác nhau về họ – đây là một vấn đề xa hơn. Trước mắt, tất cả những ai đến trước Đức Chúa Trời và thực hiện bổn phận của mình như một loài thọ tạo nhận được gì từ Đức Chúa Trời? Đó là lẽ thật và sự sống, những điều có giá trị và đẹp đẽ nhất giữa nhân loại. Không một loài thọ tạo nào giữa nhân loại có thể dễ dàng nhận được những phước lành như vậy từ bàn tay của Đấng Tạo Hóa. Một thứ đẹp đẽ và tuyệt vời như vậy lại bị những kẻ cùng một giuộc với kẻ địch lại Đấng Christ biến thành một cuộc giao dịch, trong đó chúng nài xin mão triều thiên và phần thưởng từ tay của Đức Chúa Trời. Một cuộc giao dịch như vậy biến một thứ đẹp đẽ và chính nghĩa nhất thành thứ xấu xí và tà ác nhất. Đây chẳng phải là những gì mà kẻ địch lại Đấng Christ làm sao? Xét từ phương diện này, kẻ địch lại Đấng Christ có phải là tà ác không? Họ thực sự tà ác vô cùng! Đây chỉ là biểu hiện của một khía cạnh tà ác của họ.

Trong thời kỳ sau rốt, Đức Chúa Trời nhập thể để làm công tác, bày tỏ nhiều lẽ thật, mở ra cho nhân loại mọi lẽ mầu nhiệm về kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời, và chu cấp mọi lẽ thật mà con người phải hiểu và bước vào để được cứu rỗi. Những lẽ thật và những lời Đức Chúa Trời này đều là báu vật cho tất cả những ai yêu mến những điều tích cực. Lẽ thật là điều mà nhân loại bại hoại cần, và lẽ thật cũng là báu vật vô giá đối với nhân loại. Mỗi một lời, mỗi một yêu cầu và mỗi một tâm ý của Đức Chúa Trời đều là những điều nhân loại nên hiểu và nắm bắt, chúng là những điều nhân loại phải tuân theo để đạt được sự cứu rỗi, và chúng là lẽ thật mà nhân loại phải đạt được. Nhưng những kẻ địch lại Đấng Christ coi những lời này như lý luận và khẩu hiệu, thậm chí còn xem là gió thoảng qua tai, tệ hơn nữa, còn xem thường và phủ nhận chúng. Những kẻ địch lại Đấng Christ coi những thứ quý giá nhất trong nhân loại là những lời dối trá của những kẻ bịp bợm. Trong lòng những kẻ địch lại Đấng Christ cho rằng không tồn tại Đấng Cứu Thế, huống hồ gì là lẽ thật hay những điều tích cực trên thế gian. Họ nghĩ bất cứ thứ gì tốt đẹp hay bất kỳ lợi ích nào đều phải do đôi tay con người giành lấy và phấn đấu mà cưỡng đoạt được. Những kẻ địch lại Đấng Christ nghĩ những người không có dã tâm và mơ ước sẽ không bao giờ thành công, nhưng lòng họ đầy chán ghét và thù hận lẽ thật mà Đức Chúa Trời bày tỏ. Họ coi lẽ thật mà Đức Chúa Trời bày tỏ là lý luận và khẩu hiệu, còn coi những thứ như quyền lực, lợi ích, dã tâm và dục vọng là sự nghiệp chính nghĩa cần phải làm và mưu cầu. Họ cũng dùng sự phục vụ dựa vào ân tứ của mình như phương tiện để giao dịch với Đức Chúa Trời trong một nỗ lực để bước vào thiên quốc, được mão triều thiên và vui hưởng phước lành to lớn hơn. Như vậy chẳng tà ác sao? Họ diễn giải tâm ý của Đức Chúa Trời như thế nào? Họ nói: “Đức chúa trời định ai là ông chủ bằng cách xem ai dâng mình và chịu khổ nhiều nhất vì ngài và ai trả giá đắt nhất. Ngài định ai là người bước vào vương quốc và ai nhận mão triều thiên bằng cách xem ai có thể chạy xuôi ngược, ăn nói hùng hồn, và ai có tinh thần kẻ cướp và có thể dùng vũ lực chiếm đoạt mọi thứ. Như Phao-lô đã nói: ‘Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin: Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta’ (2 Ti-mô-thê 4:7-8)”. Họ làm theo những lời này của Phao-lô và tin rằng lời Phao-lô là chân thực, nhưng lại phớt lờ mọi yêu cầu hay câu nói của Đức Chúa Trời về nhân loại, nghĩ rằng: “Những điều này không quan trọng. Điều quan trọng là khi mình đã đánh trận và bôn ba xong rồi thì cuối cùng mình sẽ nhận được mão triều thiên. Điều này là chân thực. Chẳng phải đây là ý của đức chúa trời sao? Đức chúa trời đã phán hàng ngàn hàng vạn lời và giảng vô số bài thuyết giảng. Cuối cùng, ý ngài muốn phán với con người là nếu muốn mão triều thiên và phần thưởng thì phải chiến đấu, tranh giành, chiếm đoạt và giành lấy nó”. Chẳng phải đây là lôgic của những kẻ địch lại Đấng Christ sao? Trong sâu thẳm nội tâm những kẻ địch lại Đấng Christ, họ luôn nhìn nhận công tác của Đức Chúa Trời như vậy, diễn giải lời và kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời như vậy. Tâm tính của họ tà ác, không phải sao? Họ bóp méo tâm ý của Đức Chúa Trời, lẽ thật và tất cả những điều tích cực. Họ xem kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời để cứu rỗi nhân loại như một giao dịch trần trụi, và xem bổn phận mà Đấng Tạo Hóa đòi hỏi nhân loại phải thực hiện như một sự chiếm đoạt, gây hấn, lừa dối và sự đổi chác trần trụi. Chẳng phải đây là tâm tính tà ác của những kẻ địch lại Đấng Christ sao? Những kẻ địch lại Đấng Christ cho rằng để đạt được phước lành và bước vào thiên quốc, họ phải giành được qua thủ đoạn giao dịch, và điều này là công bằng, hợp lý và chính đáng nhất. Chẳng phải đây là lôgic tà ác sao? Chẳng phải đây là lôgic của Sa-tan sao? Những kẻ địch lại Đấng Christ luôn giữ những quan điểm và thái độ này trong sâu thẳm nội tâm của họ, điều này đủ chứng tỏ rằng tâm tính của những kẻ địch lại Đấng Christ thật quá tà ác!

Từ một vài điều trong nội dung mà chúng ta đã thông công, các ngươi có thể nhìn ra tâm tính tà ác của kẻ địch lại Đấng Christ không? (Thưa, có.) Điều thứ nhất là cách tiếp cận của kẻ địch lại Đấng Christ đối với bổn phận, phải vậy không? Kẻ địch lại Đấng Christ tiếp cận bổn phận như thế nào? (Thưa, kẻ địch lại Đấng Christ xem bổn phận là giao dịch để đổi lấy đích đến và lợi ích của bản thân. Bất kể Đức Chúa Trời công tác nhiều thế nào trên con người, phán bao nhiêu lời, bày tỏ bao nhiêu lẽ thật, thì họ đều không thèm đếm xỉa đến, và vẫn làm bổn phận với ý định thực hiện giao dịch với Đức Chúa Trời.) Kẻ địch lại Đấng Christ xem việc làm bổn phận là giao dịch, họ làm bổn phận với ý định giao dịch và nhắm vào việc được phúc. Họ cho rằng tin Đức Chúa Trời thì nên là vì lý do được phúc, và được phúc nhờ làm bổn phận là chuyện chính đáng. Họ bóp méo điều tích cực là làm bổn phận, họ bôi xấu giá trị và ý nghĩa của việc làm bổn phận của loài thọ tạo, cũng bôi xấu tính chính đáng của việc làm bổn phận của loài thọ tạo, họ biến bổn phận mà loài thọ tạo đương nhiên phải làm thành một giao dịch. Đây chính là sự tà ác của kẻ địch lại Đấng Christ, đây là điều thứ nhất. Điều thứ hai là kẻ địch lại Đấng Christ không tin có những điều tích cực, không tin có lẽ thật, không tin và thừa nhận rằng lời Đức Chúa Trời là lẽ thật. Vậy chẳng phải là tà ác sao? (Thưa, phải.) Tà ác ở chỗ nào? Lời Đức Chúa Trời là thực tế của mọi điều tích cực, thế mà kẻ địch lại Đấng Christ không thấy được và cũng không thừa nhận như vậy. Họ xem lời Đức Chúa Trời là khẩu hiệu, là một loại lý luận, và họ bóp méo sự thật rằng lời Đức Chúa Trời là lẽ thật. Vấn đề chủ yếu nhất và lớn nhất trong chuyện này là gì? Đức Chúa Trời muốn dùng những lời này để cứu rỗi nhân loại, con người bắt buộc phải tiếp nhận lời Đức Chúa Trời thì mới có thể được làm tinh sạch và được cứu rỗi – đây là sự thật, cũng là lẽ thật. Kẻ địch lại Đấng Christ thì không thừa nhận, cũng không tiếp nhận lời hứa này của Đức Chúa Trời với con người. Họ nói: “Được cứu rỗi sao? Được làm tinh sạch sao? Như vậy thì có ích gì? Chẳng ích gì cả! Được làm tinh sạch thì sẽ thực sự có thể được cứu rỗi và vào thiên quốc sao? Tôi thấy là chưa hẳn đâu!”. Họ không quan tâm, cũng không cảm thấy hứng thú với chuyện này. Ngụ ý là gì? Họ không tin lời Đức Chúa Trời là lẽ thật, họ cho rằng lời Đức Chúa Trời chỉ là một dạng câu nói, một dạng đạo lý. Họ không tin, cũng không thừa nhận rằng lời Đức Chúa Trời có thể làm tinh sạch và cứu rỗi con người. Giống như khi Đức Chúa Trời xác định Gióp lúc đó là người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, là người hoàn hảo, những lời này của Đức Chúa Trời có phải là lẽ thật không? (Thưa, phải.) Vậy tại sao Đức Chúa Trời phán lời này? Ngài phán vậy với căn cứ là gì? Đức Chúa Trời xét kỹ hành vi của con người, dò xét nội tâm của con người, Ngài nhìn thấu thực chất của con người. Căn cứ vào những điều này mà Ngài phán rằng Gióp kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, là người hoàn hảo. Đức Chúa Trời đâu chỉ xét kỹ Gióp trong ngày một ngày hai, biểu hiện kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác của Gióp cũng không phải chỉ trong ngày một ngày hai, càng không phải chỉ là trong một hai sự kiện. Vậy Sa-tan có thái độ thế nào với sự thật này? (Thưa, thái độ hoài nghi và chất vấn.) Sa-tan đâu chỉ hoài nghi, nó phủ nhận chuyện này. Lời của nó, nói thẳng ra, chính là: “Ngài ban cho Gióp nhiều như vậy, nào là trâu bò, nào là gia sản khổng lồ, hắn có lý do để thờ phượng ngài mà. Ngài nói Gióp là người hoàn hảo, lời này không vững. Lời ngài không phải là lẽ thật, không chân thực, không chuẩn xác, tôi phủ nhận lời ngài”. Có phải ý của Sa-tan là vậy không? (Thưa, phải.) Đức Chúa Trời phán: “Gióp kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác, là người hoàn hảo”, thì Sa-tan nói gì? (Thưa, “Chẳng lẽ hắn thờ phượng đức chúa trời mà không cần lý do gì à?”.) Sa-tan nói: “Sai rồi, hắn không phải là người hoàn hảo! Hắn đạt được những điều tốt và phúc lành từ ngài, nên hắn mới kính sợ ngài. Nếu ngài xóa bỏ hết những phúc lành và điều tốt đó, thì hắn sẽ không kính sợ ngài – hắn đâu phải là người hoàn hảo”. Vì vậy, đối với mỗi một lời Đức Chúa Trời phán, Sa-tan đều đặt một dấu chấm hỏi, lại thêm một dấu gạch bỏ. Sa-tan phủ nhận lời Đức Chúa Trời, phủ nhận định nghĩa và câu nói của Đức Chúa Trời về bất kỳ điều gì. Có thể nói Sa-tan phủ nhận lẽ thật không? (Thưa, có thể.) Đây là sự thật. Vậy kẻ địch lại Đấng Christ có thái độ thế nào đối với những lời của Đức Chúa Trời vạch rõ nhân loại, hành phạt và phán xét nhân loại, cũng như đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với nhân loại? Là thừa nhận và thưa “amen” sao? Họ có thể tuân theo những lời này sao? (Thưa, không thể.) Cho nên, đối với mọi dạng lời Đức Chúa Trời, phản ứng lập tức trong lòng kẻ địch lại Đấng Christ là: “Sai! Chuyện thật sự là vậy à? Sao mà ngài phán thế nào thì chuyện là thế đó được? Tôi thấy không đúng, tôi không cho là vậy. Tại sao ngài nói những lời này khó nghe đến vậy? Đức chúa trời không nói những lời như vậy đâu! Tôi mà nói, thì sẽ nói như thế này”. Xét từ thái độ của kẻ địch lại Đấng Christ đối với Đức Chúa Trời, họ có thể xem lời Đức Chúa Trời là lẽ thật mà tuân thủ không? Tuyệt đối không thể. Đây là chỗ tà ác của họ. Đây là điều thứ hai. Điều thứ ba, đối với tôn chỉ trong kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời là muốn cứu nhân loại, cho nhân loại thoát khỏi tâm tính bại hoại của Sa-tan, thoát khỏi quyền thế hắc ám và đạt đến sự cứu rỗi, thì kẻ địch lại Đấng Christ nhìn nhận như thế nào? Tại sao lại nói tâm tính của họ là tà ác? Họ cho rằng đây là một cuộc giao dịch, thậm chí còn cho rằng đây đơn giản là một cuộc chơi. Ai chơi với ai chứ? Là cuộc chơi giữa một vị thần trong truyền thuyết và một nhóm ngu dân vô tri muốn vào thiên quốc và thoát khỏi biển khổ nhân gian. Đây cũng là một cuộc giao dịch mà cả hai bên đều sẵn lòng, một bên sẵn lòng ban cho và một bên sẵn lòng tiếp nhận, đây chính là dạng cuộc chơi này. Họ nhìn nhận kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời như vậy, đây chẳng phải là sự bộc lộ tâm tính tà ác của kẻ địch lại Đấng Christ sao? Bởi vì kẻ địch lại Đấng Christ đầy dã tâm, bởi vì dục vọng của họ đối với đích đến và chuyện được phúc, mà họ bóp méo sự nghiệp tốt đẹp nhất trong nhân loại và công tác quản lý để cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời thành một cuộc chơi, một cuộc giao dịch – đây chính là tâm tính tà ác của kẻ địch lại Đấng Christ. Ngoài ra, kẻ địch lại Đấng Christ còn có một dạng biểu hiện khác mà nghe rất khôi hài và tức cười. Tức cười ở chỗ nào? Kẻ địch lại Đấng Christ không tin mọi công tác mà Đức Chúa Trời đã làm, cũng không tin rằng mọi lời Đức Chúa Trời phán là lẽ thật và có thể cứu rỗi nhân loại, thế mà họ không biết mệt trong việc chịu khổ và trả giá để đạt được và xúc tiến cuộc giao dịch này, vậy có tức cười hay không? Đương nhiên, đây không phải là sự tà ác của kẻ địch lại Đấng Christ, mà là sự ngu xuẩn của họ. Một mặt, họ không tin Đức Chúa Trời hiện hữu, không thừa nhận lời Đức Chúa Trời là lẽ thật, thậm chí còn bóp méo kế hoạch quản lý của Ngài. Mặt khác, họ lại muốn mưu đồ kiếm lợi ích cá nhân từ trong lời Đức Chúa Trời và kế hoạch quản lý của Ngài. Nói cách khác, một mặt, họ không tin mọi sự thật này có tồn tại, càng không tin vào tính chân thực của mọi sự thật này, mặt khác, họ lại muốn từ trong đó mà kiếm chác những điều tốt, chiếm lợi đủ đường, muốn đầu cơ và đạt được những thứ mà bản thân không thể đạt được trong thế gian, lại còn cho rằng mình đặc biệt thông minh. Vậy có tức cười hay không? Đây chính là tự mình lừa mình, là ngu xuẩn tột cùng.

Chúng ta vừa mới mổ xẻ tâm tính tà ác của kẻ địch lại Đấng Christ thông qua ba biểu hiện, cuối cùng bổ sung thêm một biểu hiện nữa, đó là kẻ địch lại Đấng Christ ngu xuẩn tột cùng, khiến người ta không biết nên cười hay nên khóc nữa. Ba biểu hiện vừa nêu là gì? (Thưa, thứ nhất là kẻ địch lại Đấng Christ xem bổn phận là giao dịch; thứ hai là kẻ địch lại Đấng Christ không thừa nhận lời Đức Chúa Trời, không tin lời Đức Chúa Trời là điều tích cực, cũng không thừa nhận lời Đức Chúa Trời có thể cứu rỗi con người, thay vào đó lại xem lời Đức Chúa Trời là khẩu hiệu và lý luận; thứ ba là kẻ địch lại Đấng Christ xem công tác quản lý để cứu rỗi con người của Đức Chúa Trời là một cuộc giao dịch trần trụi và một cuộc chơi.) Còn một biểu hiện nữa đâu? (Thưa, kẻ địch lại Đấng Christ thật tức cười, ngu xuẩn tột cùng.) Vậy đã rất cụ thể chưa? (Thưa, rồi.) Các ngươi nói xem, loại người có tâm tính này thì có phải lý trí và thần kinh của họ có chút bất thường hay không? (Thưa, phải.) Bất thường ở chỗ nào? (Thưa, kẻ địch lại Đấng Christ muốn giao dịch với Đức Chúa Trời, đạt được tiền đồ và đích đến từ Đức Chúa Trời, nhưng họ lại không tin vào kế hoạch quản lý của Ngài, cũng không tin rằng Ngài có thể cứu rỗi nhân loại. Tư tưởng của họ mâu thuẫn, thứ họ muốn cũng là thứ mà họ phủ nhận. Chuyện này căn bản nói không thông được, cho nên mới nói lý trí của họ không bình thường và thần kinh có vấn đề.) Điều này cho thấy họ thiếu những thứ của nhân tính bình thường. Họ không biết rằng khi có những ý nghĩ và tính toán đó thì chính là tự vả vào mặt mình. Do đâu mà có chuyện này? (Thưa, bởi vì họ không hề tiếp nhận lẽ thật, cũng không thực hành lẽ thật, cho nên họ luôn đi theo con đường sai lầm đó.) Vậy họ có biết mình đang đi con đường sai lầm không? Chắc chắn là không biết. Nếu biết mình làm như vậy dẫn đến tổn hại, thì chắc chắn họ sẽ không làm. Họ cảm thấy làm như thế là chiếm lợi: “Xem tôi khôn khéo chưa này. Các anh chẳng có ai nhìn thấu chuyện gì, đều là đồ ngốc. Sao mà các anh ngây thơ vậy? Đức chúa trời ở đâu chứ? Tôi chẳng thấy, cũng chẳng sờ được ngài, và lời hứa của ngài chưa chắc có thể thành hiện thực đâu! Anh xem tôi thông minh thế nào chưa – tôi đi một bước tính mười bước, còn các anh thì một bước cũng không tính trước được”. Họ cảm thấy mình thông minh. Do đó, có những người làm bổn phận hai hoặc ba năm thì nghĩ: “Mình làm bổn phận này vài năm rồi mà vẫn chưa đạt được gì, chưa thấy phép lạ hay hiện tượng đặc biệt nào. Trước đây mình ăn ba bữa một ngày, bây giờ vẫn ăn ba bữa một ngày, thiếu một bữa là đói. Tối mà ngủ thiếu một hai tiếng là ban ngày cứ buồn ngủ. Mình cũng không trở thành người có dị năng gì! Ai cũng nói đức chúa trời việc gì cũng làm được, nói làm bổn phận thì có thể được phúc lớn, mà mình làm bổn phận mấy năm rồi cũng chẳng thấy có gì khác biệt, chẳng phải vẫn như vậy sao? Mình thường hay yếu đuối, lại còn tiêu cực và oán trách. Ai cũng nói lẽ thật và lời đức chúa trời có thể thay đổi con người, mà mình thì chẳng có thay đổi gì cả. Trong lòng mình vẫn thường nhớ cha mẹ, nhớ con cái, thậm chí hoài niệm về những ngày sống trong thế gian trước đây. Vậy rốt cuộc đức chúa trời nhào nặn cái gì vào con người vậy? Mình đã đạt được gì chứ? Ai cũng nói người tin đức chúa trời và đạt được lẽ thật là đạt được gì đó rồi, nhưng nếu vậy thì chẳng phải họ sẽ khác với người thường sao? Hiện giờ tuổi mình ngày càng cao, sức khỏe cũng không còn như trước, nếp nhăn trên mặt ngày càng nhiều, chẳng phải ai cũng nói tin đức chúa trời thì ngày càng trẻ ra sao? Tại sao mình không trẻ ra mà lại còn già đi? Lời đức chúa trời phán cũng không chuẩn gì cả, mình phải tự tính toán cho bản thân thôi. Mình thấy tin đức chúa trời cũng chỉ là những chuyện này, hằng ngày đọc lời đức chúa trời, nhóm họp, hát thánh ca, làm bổn phận. Có vẻ bận rộn đấy mà mình cảm thấy chẳng có ý nghĩa gì, cũng không có cảm giác gì khác với lúc trước”. Họ mà ngẫm nghĩ như thế thì chẳng phải là gặp phiền phức rồi sao? Họ ngẫm nghĩ: “Bây giờ mình thực sự chịu khổ khi làm bổn phận, mà lời hứa và phúc lành của đức chúa trời dường như vẫn còn rất xa. Ngoài ra, có những người tin đức chúa trời cũng chết trong tai họa, vậy rốt cuộc có chuyện đức chúa trời bảo vệ con người không? Cứ cho là không có đi, vậy thì những bài viết làm chứng mà một số người nói rằng đức chúa trời đã làm phép lạ để cứu mạng họ vào những lúc nguy nan nhất, những chuyện này là thật hay là giả?”. Họ cứ nghĩ như vậy khiến lòng mình không còn sự chắc chắn nữa, lúc tiếp tục làm bổn phận thì chẳng còn sức lực, chẳng còn sự nhiệt tình, cũng không tích cực nữa, mà cứ thoái lui và bắt đầu làm lấy lệ, qua loa. Trong lòng họ đang tính toán điều gì? “Nếu mình không đạt được phúc lành, nếu cứ luôn như thế này, thì mình phải tính đường khác thôi. Bổn phận này có nên làm tiếp hay không, sau này nên làm thế nào, mình phải lên kế hoạch lại thôi, không thể tiếp tục ngu ngốc như vậy nữa. Nếu không thì sau này mình sẽ không đạt được tiền đồ, số phận và mão triều thiên, mà cũng không được hưởng thụ những sướng vui thế tục, vậy thì chẳng phải là xôi hỏng bỏng không sao? Nếu như sau này mà cũng không đạt được gì như hiện tại, thì chi bằng cứ như trước, vừa mưu cầu thế gian vừa tin đức chúa trời trên danh nghĩa. Nếu đức chúa trời chẳng bao giờ nói lúc nào thì công tác kết thúc, lúc nào thì ban thưởng cho con người, lúc nào thì việc làm bổn phận kết thúc, lúc nào thì công khai hiện ra với con người, nếu đức chúa trời chẳng bao giờ nói chính xác cho con người, thì mình phí phạm thời gian ở đây có ý nghĩa gì chứ? Chi bằng về lại thế gian mà kiếm tiền và hưởng thụ những sướng vui của nhân gian, ít nhất đời này mình không sống vô ích. Còn về đời sau thế nào thì ai biết được? Đó đều là chuyện chưa biết, hiện giờ mình cứ sống tốt đời này đã”. Có phải trong lòng họ đã có thay đổi rồi không? Khi họ tính toán thế này và chọn con đường sai lầm, liệu họ còn có thể làm tốt bổn phận trong tay mình không? (Thưa, không thể.) Có người nói: “Không phải kẻ địch lại Đấng Christ thích địa vị à? Cho họ địa vị thì chẳng phải họ sẽ ở lại nhà Đức Chúa Trời sao?”. Lúc này, kẻ địch lại Đấng Christ có cần địa vị không? Cũng có thể vào lúc đó, địa vị không còn là thứ quan trọng nhất đối với họ nữa. Vậy họ cần thứ gì? Cái họ cần là Đức Chúa Trời cho họ một câu nói thật chính xác. Nếu họ không đạt được phúc lành thì họ sẽ bỏ đi. Một mặt, nếu trong quá trình làm bổn phận mà họ không bao giờ có thể được trọng dụng, thì họ sẽ cảm giác như tiền đồ của mình mơ hồ, ảm đạm, không có hy vọng. Mặt khác, nếu trong quá trình làm bổn phận mà chuyện không bao giờ có thể như ý nguyện của họ – nếu họ không tận mắt chứng kiến Đức Chúa Trời giáng lâm trong vinh quang vào ngày việc lớn của Ngài được hoàn thành, hoặc nếu Đức Chúa Trời không dùng ngôn ngữ rõ ràng mà nói cho họ biết năm nào, tháng nào, ngày nào, giờ nào, phút nào Ngài sẽ công khai xuất hiện với nhân loại, khi nào công tác của Đức Chúa Trời sẽ kết thúc, khi nào đại họa sẽ giáng xuống. Nếu Đức Chúa Trời không dùng ngôn ngữ rõ ràng mà nói cho họ biết những chuyện này, thì sâu thẳm nội tâm của họ sẽ không an phận, họ sẽ không an phận làm bổn phận như cũ và sẽ không cảm thấy hài lòng với hiện trạng như thế. Điều họ muốn là một kết quả, muốn Đức Chúa Trời cho họ một lời chính xác và cho họ biết chính xác liệu họ có thể nhận được mọi thứ mà họ muốn hay không. Nếu họ cứ chờ đợi mãi mà vẫn không được lời này, thì trong lòng họ sẽ tính đường khác. Họ tính toán gì? Họ tính toán xem ai có thể cho họ sự vui sướng, ai có thể cho họ thứ họ muốn, và nếu họ không thể đạt được những thứ trong đời sau, thì họ phải đạt được mọi thứ họ muốn trong đời này. Nếu thế gian và nhân loại này có thể cho họ phúc phần, sự an nhàn và hưởng thụ của xác thịt, danh tiếng và địa vị trong đời này, thì họ sẽ có thể từ bỏ Đức Chúa Trời mọi nơi mọi lúc, và sống cuộc sống sung sướng. Đây chính là những toan tính của kẻ địch lại Đấng Christ. Trong nhà Đức Chúa Trời, họ có thể buông bỏ bổn phận mọi nơi mọi lúc, có thể bỏ ngang công tác trong tay mà mưu cầu những sướng vui và tiền đồ trong thế gian mọi nơi mọi lúc. Thậm chí có người còn có thể bán đứng anh chị em, bán đứng lợi ích của nhà Đức Chúa Trời và phản bội Đức Chúa Trời để đổi lấy lợi ích và tiền đồ trong thế gian. Do đó, bất kể kẻ địch lại Đấng Christ có biểu hiện xuất sắc thế nào và háo thắng ra sao trong quá trình làm bổn phận, thì họ đều có thể buông bỏ bổn phận, phản bội Đức Chúa Trời và rời bỏ nhà Đức Chúa Trời mọi nơi mọi lúc, còn có thể làm Giu-đa mà bán đứng nhà Đức Chúa Trời mọi nơi mọi lúc. Nếu kẻ địch lại Đấng Christ mà làm bổn phận, thì tất nhiên họ sẽ lấy bổn phận đó làm quân cờ thương lượng. Chắc chắn họ sẽ cố thỏa mãn dục vọng được phúc của mình trong một khoảng thời gian ngắn – ít nhất là trước hết, họ sẽ cố thỏa mãn dục vọng muốn có lợi ích của địa vị và được người khác sùng bái, sau đó mới bước vào thiên quốc và đạt được phần thưởng. Giới hạn thời gian của họ cho việc làm bổn phận có lẽ là ba năm, có khi là năm năm, thậm chí là mười, hai mươi năm. Đây là kỳ hạn mà họ đặt ra cho Đức Chúa Trời, cũng là thời gian dài nhất mà họ đặt ra cho mình trong việc làm bổn phận. Khi hết thời hạn đó rồi, thì sự kiên nhẫn của họ cũng đạt đến giới hạn. Mặc dù họ có thể vì dục vọng được phúc của mình, vì đích đến tốt đẹp, mão triều thiên và phần thưởng của mình mà ép dạ cầu toàn, chịu khổ và trả giá trong nhà Đức Chúa Trời, nhưng sâu thẳm nội tâm họ sẽ không vì thời gian trôi qua mà quên đi hoặc buông bỏ dã tâm và dục vọng cá nhân của mình, về tiền đồ và số phận của mình, những thứ này lại càng không vì thời gian trôi qua mà thay đổi và yếu đi. Do đó, xét từ thực chất này của kẻ địch lại Đấng Christ, thì họ là kẻ chẳng tin không hơn không kém, là một phường đầu cơ không yêu thích những điều tích cực mà chỉ yêu thích những điều tiêu cực, là một đám cặn bã muốn đi bừa qua ải trong nhà Đức Chúa Trời, những người này thật đáng xấu hổ.

Một trong những ý định và thái độ chủ yếu của kẻ địch lại Đấng Christ đối với bổn phận chính là lợi dụng cơ hội làm bổn phận để thực hiện giao dịch với Đức Chúa Trời và đạt được lợi ích mà mình muốn đạt được. Hơn nữa, họ còn cho rằng: “Người ta vứt bỏ gia đình, vứt bỏ tiền đồ trong thế giới mà làm bổn phận trong nhà Đức Chúa Trời, lẽ đương nhiên là họ nên đạt được chút gì đó, đổi lại được chút gì đó, vậy mới công bằng và hợp lý. Nếu làm bổn phận mà chẳng đạt được cái gì, kể cả có đạt được chút lẽ thật thì cũng chẳng lợi được cái gì. Đạt được sự thay đổi tâm tính cũng đâu phải là lợi ích thực tế gì, đạt được sự cứu rỗi thì có ai nhìn thấy được chứ!”. Đối với bất kỳ yêu cầu nào của Đức Chúa Trời đối với con người, những kẻ không tin này đều như có mắt không tròng, không thừa nhận, không tin, còn dùng đến thái độ phủ nhận. Xét từ thái độ và ý định của loại người địch lại Đấng Christ đối với bổn phận, thì họ rõ ràng không phải là người mưu cầu lẽ thật, mà là kẻ chẳng tin, kẻ đầu cơ và thuộc về Sa-tan. Các ngươi có từng nghe qua chuyện Sa-tan có thể trung thành làm bổn phận chưa? (Thưa, chưa từng.) Nếu Sa-tan có thể làm “bổn phận” của nó trước mặt Đức Chúa Trời, thì bổn phận đó phải nằm trong dấu ngoặc kép, bởi vì Sa-tan làm một cách bị động và bất đắc dĩ, là do bị Đức Chúa Trời điều động và Ngài đang lợi dụng nó. Do đó, vì có thực chất địch lại Đấng Christ, vì không hề yêu thích lẽ thật, chán ghét lẽ thật, càng vì có bản tính tà ác, mà loại người địch lại Đấng Christ không thể nào làm bổn phận của loài thọ tạo một cách miễn phí và vô điều kiện, cũng không thể nào mưu cầu hay đạt được lẽ thật trong quá trình làm bổn phận, không thể nào hành động dựa theo yêu cầu của lời Đức Chúa Trời. Căn cứ vào bản tính này của họ, vào thái độ của họ đối với bổn phận và đủ loại biểu hiện của họ trong quá trình làm bổn phận, thì loại người địch lại Đấng Christ tiếp cận bổn phận theo kiểu cẩu thả. Trong quá trình làm bổn phận, họ có thể hành ác và đóng vai trò gây gián đoạn, nhiễu loạn cho nhà Đức Chúa Trời mọi nơi mọi lúc. Biểu hiện chủ yếu và nổi bật của họ trong thời gian làm bổn phận là gì? Chính là khư khư cố chấp, tùy ý làm càn, độc đoán chuyên quyền, làm việc thì không bàn bạc với người khác, muốn làm gì thì làm nấy, cũng chẳng suy xét đến hậu quả. Họ chỉ suy xét xem làm sao để có thể nên người xuất chúng và khống chế thêm nhiều người thông qua việc làm bổn phận. Họ chỉ muốn cho Đức Chúa Trời thấy họ đã chịu khổ và trả giá trong lúc làm bổn phận, thấy họ có vốn liếng và tư cách để đòi Đức Chúa Trời ban phần thưởng và mão triều thiên, để từ đó mà đạt được dã tâm và dục vọng, cũng như mục đích được phúc của họ.

Trong quá trình làm bổn phận, kẻ địch lại Đấng Christ không ngừng tính toán vì tiền đồ và số phận của mình: đến giờ họ đã làm bổn phận bao nhiêu năm rồi, đã chịu bao nhiêu khổ, vì Đức Chúa Trời mà vứt bỏ bao nhiêu, đã trả giá bao nhiêu, dâng trọn bao nhiêu sinh lực, từ bỏ bao nhiêu năm thanh xuân, và liệu họ bây giờ có tư cách đạt được phần thưởng và mão triều thiên hay không, liệu họ làm bổn phận bao năm nay đã tích đủ vốn liếng hay chưa, liệu trước mặt Đức Chúa Trời họ có phải là người tâm phúc trong mắt Ngài, có được Ngài xem là người có thể đạt được phần thưởng và mão triều thiên hay không. Trong quá trình làm bổn phận, họ không ngừng đánh giá, tính toán và lên kế hoạch như thế, đồng thời họ cũng để ý lời lẽ và nét mặt của người khác, quan sát những đánh giá và câu nói của anh chị em về họ. Đương nhiên, điều họ quan tâm nhất là liệu Bề trên có biết đến sự tồn tại của họ, có biết họ đang làm bổn phận không. Họ càng quan tâm hơn đến cách nhìn nhận, những câu nói và đánh giá của Bề trên về họ, liệu Bề trên có hiểu được “sự lao tâm khổ tứ” của họ trong việc chịu khổ và trả giá, liệu Bề trên có biết rõ những thống khổ và hoạn nạn mà họ đã chịu trong bao nhiêu năm đi theo Đức Chúa Trời, và liệu Đức Chúa Trời trên trời phán xét về mọi việc họ làm như thế nào. Trong khi họ bận rộn với bổn phận trong tay, thì trong lòng họ cũng không ngừng tính toán, họ còn dò hỏi thông tin khắp nơi, đánh giá xem liệu mình có thể tránh được tai họa hay không, liệu mình có thể được Đức Chúa Trời khen ngợi hay không, có thể đạt được mão triều thiên và phúc lành chưa biết đó hay không. Đây là những điều họ thường tính toán trong sâu thẳm nội tâm, là những điều chủ yếu và cốt lõi nhất mà họ tính toán từng giây từng phút mỗi ngày. Tuy nhiên, họ không bao giờ suy ngẫm hay phản tỉnh bản thân xem mình có phải là người thực hành lẽ thật hay không, rốt cuộc mình hiểu được bao nhiêu lẽ thật, khi hiểu được lẽ thật rồi thì có thể thực hành được bao nhiêu, tâm tính của mình đã có sự thay đổi thực sự chưa, mọi việc mình làm vì Đức Chúa Trời có chút thật lòng nào không, có sự uế tạp nào không, có sự giao dịch và vòi vĩnh nào không, khi làm bổn phận đã bộc lộ bao nhiêu sự bại hoại, hàng ngày làm bổn phận và công tác thì có dựa theo nguyên tắc lẽ thật mà làm hay không, làm bổn phận có đạt tiêu chuẩn hay không, có đạt đến thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời hay không – họ không bao giờ phản tỉnh hay suy ngẫm về những chuyện này. Họ chỉ tính toán xem trong tương lai mình có thể đạt được phúc lành không, đích đến của mình là gì. Họ chỉ tính toán về lợi ích và chuyện được mất của mình, mà không bao giờ tiêu tốn bất kỳ sinh lực nào hay dốc bất kỳ công sức nào vào lẽ thật, vào việc thay đổi tâm tính hay vào cách để thỏa mãn tâm ý Đức Chúa Trời. Kẻ địch lại Đấng Christ không bao giờ thực hành phản tỉnh, nhận biết và mổ xẻ tâm tính bại hoại của mình hay những con đường sai lầm mà mình đi, họ cũng không bao giờ suy ngẫm xem làm sao để thay đổi quan điểm sai lầm của mình. Họ sẽ không bao giờ thấy căm ghét chuyện họ đã đi ngược lại lẽ thật và làm nhiều việc ác chống đối Đức Chúa Trời, họ sẽ không bao giờ căm ghét bản thân vì đã sống bằng tâm tính bại hoại, cũng không bao giờ cảm thấy hối hận vì con đường sai lầm mình đã đi và những việc gây gián đoạn, nhiễu loạn mà mình đã làm. Trong quá trình làm bổn phận, ngoài việc cố hết sức che đậy những thiếu sót, yếu đuối, tiêu cực, bị động và tâm tính bại hoại của mình, họ còn dốc hết sức để thể hiện bản thân, làm cho mình có thể nên người xuất chúng, nghĩ đủ mọi cách để khiến Đức Chúa Trời và dân được Đức Chúa Trời chọn thấy được tài cán, ân tứ và năng lực của mình. Họ dùng những thứ này để an ủi bản thân, khiến mình cảm thấy bản thân có vốn liếng và chắc chắn sẽ được mão triều thiên cùng phần thưởng, không cần đi con đường mưu cầu lẽ thật làm gì. Do đó, loại người địch lại Đấng Christ có lý trí không ổn. Bất kể thông công lẽ thật như thế nào, bất kể thông công lẽ thật có rõ ràng đến đâu, họ cũng không hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời, không hiểu rốt cuộc tin Đức Chúa Trời là để làm gì, không hiểu con đường đúng đắn mà con người nên đi là gì. Bởi vì tâm tính tà ác và bản tính tà ác của họ, bởi vì thực chất bản tính của loại người như họ, mà nơi sâu thẳm nội tâm họ không phân định được lẽ thật là gì, những điều tích cực là gì, rốt cuộc thì điều gì đúng, điều gì sai. Họ cứ giữ chặt dã tâm và dục vọng của mình, xem chúng là lẽ thật, là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời, là sự nghiệp chính nghĩa nhất. Họ không biết lẽ thật rằng nếu tâm tính người ta không thay đổi thì họ sẽ mãi mãi là kẻ thù của Đức Chúa Trời, họ cũng không biết rằng phúc lành mà Đức Chúa Trời ban cho một con người và cách Ngài đối đãi với một con người thì không căn cứ trên tố chất, ân tứ, tài cán và vốn liếng của người đó, mà căn cứ vào việc người đó thực hành được bao nhiêu lẽ thật, đạt được bao nhiêu lẽ thật, có phải là người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác hay không. Đây là những lẽ thật mà kẻ địch lại Đấng Christ sẽ không bao giờ hiểu, họ sẽ không bao giờ nhìn ra được điểm này, và đây chính là chỗ ngu xuẩn nhất của kẻ địch lại Đấng Christ. Từ đầu đến cuối, thái độ của kẻ địch lại Đấng Christ đối với bổn phận là gì? Họ cho rằng việc làm bổn phận là một cuộc giao dịch, ai làm bổn phận mà bỏ ra nhiều nhất, có cống hiến lớn nhất cho nhà Đức Chúa Trời, và chịu đựng nhiều năm nhất trong nhà Đức Chúa Trời, thì khả năng được phúc và mão triều thiên càng cao. Đây là lô-gic của kẻ địch lại Đấng Christ. Lô-gic này có đúng hay không? (Thưa, không đúng.) Quan điểm này có dễ xoay chuyển không? Không dễ xoay chuyển, bởi nó do thực chất bản tính của kẻ địch lại Đấng Christ quyết định. Trong lòng kẻ địch lại Đấng Christ chán ghét lẽ thật, không mưu cầu lẽ thật chút nào, lại còn đi con đường sai lầm, cho nên quan điểm thực hiện giao dịch với Đức Chúa Trời trong họ không dễ gì xoay chuyển được. Xét tận cùng, kẻ địch lại Đấng Christ không tin Đức Chúa Trời là lẽ thật, họ là kẻ chẳng tin, họ đến đây để đầu cơ và được phúc. Một kẻ chẳng tin mà đi tin Đức Chúa Trời thì thật vô lý và hoang đường. Vậy mà họ còn muốn dùng việc chịu khổ và trả giá vì Đức Chúa Trời để thực hiện giao dịch đổi lấy phúc lành, đây là chuyện càng hoang đường hơn nữa.

Kẻ địch lại Đấng Christ chỉ tin Đức Chúa Trời để được phúc và mão triều thiên, họ đi con đường này không phải vì có ai ép họ, càng không phải vì lời Đức Chúa Trời khiến họ ngộ nhận gì cả. Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại lời hứa, nhưng trong khi ban cho lời hứa, Ngài cũng ban cho họ rất nhiều lẽ thật, còn đưa ra cho con người rất nhiều yêu cầu, những chuyện này người bình thường nên có thể thấy được. Người có nhân tính và lý trí bình thường thì sẽ nghĩ gì? “Không dễ đạt được những phúc lành này, mình phải hành động dựa theo yêu cầu của Đức Chúa Trời, đi con đường đúng đắn, không thể đi con đường của Phao-lô, con người mà muốn đi con đường của Phao-lô thì hoàn toàn tiêu tùng rồi. Con người phải tin, tiếp nhận và thuận phục lời Đức Chúa Trời, thì mọi lời hứa, phúc lành, tiền đồ và số phận mà Đức Chúa Trời phán mới có thể liên quan đến họ. Nếu con người không tin, không tiếp nhận, không thuận phục những lời này của Đức Chúa Trời thì mọi lời hứa và phúc lành mà Đức Chúa Trời phán đều không liên quan gì đến họ”. Những người có nhân tính và lý trí bình thường thì sẽ nghĩ như thế. Còn kẻ địch lại Đấng Christ thì sẽ nghĩ thế nào? Kẻ địch lại Đấng Christ là Sa-tan, là ma quỷ, không có nhân tính và lý trí bình thường – đây là lý do thứ nhất. Thứ hai, kẻ địch lại Đấng Christ chán ghét lẽ thật, không tin lời nào phát ra từ miệng Đức Chúa Trời, và họ chán ghét những điều tích cực. Một người không thừa nhận lẽ thật, chán ghét những điều tích cực thì có thể thực hành dựa theo lẽ thật và những điều tích cực được không? (Thưa, không thể.) Chuyện này cũng giống như bảo con sói ăn cỏ như cừu, căn bản là nó không làm được. Khi không có thịt và sắp chết đói thì nó cũng bất đắc dĩ mà ăn một chút cỏ, nhưng khi có thịt để ăn, thì lựa chọn số một của nó chắc chắn là ăn thịt, chuyện này do bản tính của con sói quyết định. Kẻ địch lại Đấng Christ cũng có bản tính như vậy. Dưới sự thôi thúc của lợi ích, họ có thể có vài hành vi tốt, có thể trả vài cái giá, có vài biểu hiện tốt, nhưng họ không bao giờ có thể buông bỏ sự mưu cầu và dục vọng đối với lợi ích. Chẳng hạn như, điều họ mưu cầu trong quá trình làm bổn phận chính là lợi ích cá nhân, điều họ nghĩ chính là làm sao để biến việc làm bổn phận thành vốn liếng để được phúc. Ngay khi hy vọng này tan tành, ngay khi lớp phòng tuyến này sụp đổ, thì họ có thể từ bỏ bổn phận mọi nơi mọi lúc. Đến lúc đó, ngươi có bảo họ rằng việc làm bổn phận là tốt như thế nào, là chuyện thiên kinh địa nghĩa ra sao, thì họ có nghe không? (Thưa, họ sẽ không nghe.) Khi họ quyết định từ bỏ và rời đi, người ta cố khuyên họ: “Anh nên ở lại đi, làm bổn phận tốt vậy mà, trở lại thế gian thì khổ lắm, sẽ chẳng đạt được gì, lại bị ức hiếp, chịu khổ mà chẳng đạt được lẽ thật, cũng không còn cơ hội được cứu rỗi nữa”. Khuyên như vậy cũng chẳng sao, nhưng họ không những không ở lại mà còn khóc một cách khó xử. Họ khóc là có ý gì? (Thưa, trong lòng họ thấy bất công.) Nói vậy là đúng. Họ thấy bất công về chuyện gì? (Thưa, họ cảm thấy mình đã chịu khổ và trả giá nhiều mà chẳng đạt được điều mình muốn, nên mới thấy bất công.) Họ cảm thấy bản thân chẳng đạt được gì, lòng đầy ấm ức. Đức Chúa Trời làm công tác lớn như thế mà họ chưa bao giờ thấy cảm động, chẳng rơi giọt nước mắt nào, vậy mà khi người khác cố khuyên thì họ lại bắt đầu khóc. Họ cảm thấy ấm ức, vậy tại sao không nói ra? Nói ra cho rõ ràng không phải là được rồi hay sao? Họ khóc chuyện gì chứ? Tại sao họ không nói thẳng ra? Bởi vì cách nghĩ của họ quá khó nói đến nỗi họ xấu hổ không dám nói ra. Nghĩ lại hồi đó, họ đã lập lời thề chấn động trời đất với Đức Chúa Trời, còn bây giờ thì sao? “Tôi hối hận về chuyện hồi đó, sao tôi lại ngu ngốc thế chứ? Nếu sớm biết có ngày hôm nay thì hồi đó tôi đã chẳng như thế! Hồi đó tôi chẳng hiểu gì hết, ai cũng nói tin đức chúa trời là tốt nên tôi tin ngài, còn bỏ cả gia đình và công việc mà làm bổn phận trong nhà đức chúa trời, chịu nhiều đau khổ, chịu bức hại và bị truy bắt, nhưng tôi làm bổn phận bao năm nay mà chẳng đạt được gì”. Trong lòng họ thấy bất công, khó chịu, và họ hối hận về mọi việc mình đã làm, cảm thấy không đáng, cảm giác như mình bị mắc lừa, bị bịt mắt vậy. Các ngươi nói xem, đối với dạng người này thì nên xử lý như thế nào? (Thưa, để họ đi sớm cho rồi.) Còn cố khuyên họ nữa không? (Thưa, không khuyên nữa.) Khuyên nữa thì họ sẽ nằm trên đất mà lăn lộn khóc lóc. Đối với dạng người này thì tuyệt đối đừng khuyên làm gì.

Nhà Đức Chúa Trời là mảnh đất tốt Ca-na-an, là một vùng đất thuần khiết. Người ta đến nhà Đức Chúa Trời, tiếp nhận sự phán xét và tỉa sửa từ lời Đức Chúa Trời, tiếp nhận sự cung ứng, giúp đỡ, chỉ dẫn và chúc phúc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đích thân công tác và chăn dắt, cho dù con người phải trả giá một chút, chịu khổ một chút cũng đáng. Mọi việc con người làm để thoát khỏi thế gian tà ác này, để thay đổi tâm tính và để được cứu rỗi, thì đều xứng đáng cả. Nhưng với kẻ địch lại Đấng Christ, nếu không đạt được phúc lành hay phần thưởng, nếu mão triều thiên và phần thưởng không tồn tại, thì làm mọi việc này đều không đáng, đều là hành vi ngu xuẩn, và là biểu hiện của việc bị bịt mắt. Bất kể trước đây họ đã xác lập ý chí lớn thế nào, đã có lời thề cao thượng đến đâu, thì chúng đều có thể bị xóa bỏ hết, không tính là gì nữa. Nếu chịu khổ và trả giá như thế trong khi làm bổn phận, mà cuối cùng không đạt được gì, thì họ đi khỏi “chốn thị phi” này càng sớm càng tốt còn hơn. Kẻ địch lại Đấng Christ xem việc dâng mình cho Đức Chúa Trời, chịu khổ và trả giá trong khi thực hiện bổn phận là những việc bất đắc dĩ, cũng xem đó là quân cờ thương lượng để vơ vét vốn liếng, đổi lấy mão triều thiên và phần thưởng. Xuất phát điểm này tự nó đã sai, vậy thì kết quả cuối cùng là gì? Với một số người, họ sẽ làm kiểu sống chết mặc bây và không thể đem sức lực phục vụ đến cùng. Đồng thời, bởi vì thực chất bản tính của mình, trong quá trình làm bổn phận, loại người này sẽ không ngừng đi ngược lại nguyên tắc lẽ thật, hành động bừa phứa, chỉ toàn làm những việc gây gián đoạn và nhiễu loạn. Vậy việc làm bổn phận của họ biến thành thứ gì rồi? Trong mắt Đức Chúa Trời thì đây không phải là việc lành, mà là việc ác, thậm chí là việc ác chồng chất. Kết quả thế này là có căn nguyên cả. Một người căn bản không tin lẽ thật và lời Đức Chúa Trời, thì có thể hành động dựa theo lời Đức Chúa Trời được không? Chắc chắn là không thể. Họ chỉ biết tìm mọi cơ hội để thể hiện bản thân, nắm lấy quyền lực, khống chế người khác, khống chế hành vi, tâm tư của người khác, thậm chí khống chế mọi thứ của người khác để dùng chúng cho riêng mình. Do đó, trong loại người này, có những kẻ hành ác quá nhiều và bị khai trừ, có những kẻ gian trá hơn, giỏi ngụy trang hơn, thì vẫn còn tạm nương thân nơi nhà Đức Chúa Trời. Tại sao Ta lại nói là những người này tạm nương thân nơi nhà Đức Chúa Trời? Những người này mặc dù không làm việc ác gì rõ ràng, thậm chí vài người còn có thể an phận giữ mình, thật thà nghe lời, bảo làm gì thì làm nấy, nhưng xét từ thực chất, thì họ không thể làm bổn phận và nghĩa vụ bằng hết khả năng của mình. Họ không dâng mình cho Đức Chúa Trời, mà thay vào đó cứ sống vật vờ và chịu đựng cho qua thời gian, tin rằng nếu mình chịu đựng đến cùng thì sẽ thắng, sẽ đạt được gì đó. Đây là loại người gì? Chính là phần tử đầu cơ, là những kẻ căn bản không mưu cầu lẽ thật. Có những người ở trong nhà Đức Chúa Trời mà làm một vài việc ác, nhưng căn cứ theo sắc lệnh quản trị của nhà Đức Chúa Trời thì họ chưa đến mức bị thanh trừ hoặc khai trừ, và họ vẫn làm bổn phận. Thực ra, trong lòng họ cũng biết rằng nhà Đức Chúa Trời không thanh trừ và khai trừ họ không phải là vì không nắm rõ về họ hoặc không biết tình hình thực tế của họ ra sao, mà là vì nhiều nguyên nhân khác. Trong số những người chưa bị khai trừ này, có một bộ phận cũng là kẻ địch lại Đấng Christ. Tại sao Ta lại nói như vậy? Bởi vì hiện tại những người này chưa có cơ hội, nhưng xét về thực chất bản tính của họ thì một khi họ đạt được địa vị, có quyền lực rồi, họ sẽ lập tức làm nhiều việc ác. Hơn nữa, mặc dù những người này chưa bị thanh trừ khỏi nhà Đức Chúa Trời, nhưng họ làm bổn phận thì thường lợi bất cập hại, thường hay làm một vài việc xấu và một số việc gây tổn hại đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Mặc dù bản thân họ cũng biết chuyện này, nhưng lại không bao giờ hối hận, từ đầu đến cuối chẳng cảm thấy mình làm sai, chẳng cảm thấy đó là việc mình không nên làm. Họ không có ý hối hận, mà trong lòng còn nảy sinh một dạng tình trạng gì nữa? “Ngày nào nhà đức chúa trời chưa khai trừ mình, thì mình cứ ở lại đã, ở được đến ngày nào hay ngày đó, mình cũng không mưu cầu lẽ thật, bảo mình làm gì thì mình làm một chút trong khả năng, vui thì làm nhiều một chút, không vui thì làm ít một chút. Ngoài ra, mình còn phải kéo lùi họ lại một chút, gieo rắc chút tiêu cực và quan niệm, gieo rắc vài lời xét đoán. Đến lúc họ thanh trừ, khai trừ mình và mình không đạt được phúc lành gì, thì mình sẽ đem vài người ra gánh tội, làm thứ bồi táng theo mình”. Đây chẳng phải là kẻ ác sao? Họ mà thấy ai không biết phân định, ai thường xuyên tiêu cực và yếu đuối, ai có nhân tính không tốt, ai làm chuyện dâm loạn và ai giống như người ngoại đạo, thì họ sẽ lôi kéo người đó, âm thầm gieo rắc sự tiêu cực cho những người đó. Họ có biết tính chất của hành động như vậy là gì không? Họ biết quá rõ. Vậy tại sao họ vẫn có thể làm như vậy? (Thưa, vì bản tính của họ không thay đổi được.) Bản tính không thay đổi được là hiện tượng bề ngoài thôi, trên thực tế, trong lòng họ nghĩ gì? (Thưa, họ muốn cá chết thì lưới cũng rách, đồng quy vu tận, để trả thù Đức Chúa Trời.) Họ có tâm lý ác độc này. Họ biết ngày tháng của mình không còn dài, sớm muộn gì cũng bị thanh trừ. Họ biết bản thân đã làm những gì, biết tính chất của những việc đó là gì, nhưng họ vẫn không quay đầu, không hối cải, không buông bỏ cái ác trong tay. Thay vào đó, họ lại ngày càng tệ hại hơn, lôi kéo thêm càng nhiều kẻ ác để cùng họ hành ác, thậm chí còn lan truyền sự tiêu cực, gieo rắc quan niệm, khiến càng thêm nhiều người vứt bỏ bổn phận, gây tổn hại đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời. Trong chuyện này có chút tính chất trả thù, ý họ là: “Tôi không thể đi tiếp con đường đức tin, sớm muộn gì cũng bị nhà đức chúa trời thanh trừ, vậy thì tôi cũng không để các người và nhà đức chúa trời được yên đâu!”. Nhà Đức Chúa Trời còn chưa đưa ra quyết định gì về họ, thì họ đã tiên hạ thủ vi cường, đây chẳng phải là việc làm của kẻ ác sao? Họ cho rằng: “Tôi không còn hy vọng đạt được phúc lành nữa. Những việc tôi đã làm, các người khỏi cần nói thì trong lòng tôi cũng rõ, không cần các người khai trừ tôi, tự tôi sẽ từ bỏ!”. Họ còn cho rằng làm vậy là tự mình biết mình, có lý trí và rất thức thời. Họ còn nói: “Ngài không cho tôi được phúc, tôi chẳng đạt được gì, thì chẳng những tôi không hối cải, mà còn ở sau lưng ngài mà kéo chân ngài, gieo rắc tiêu cực, quan niệm và luận điệu sai trái. Tôi không được phúc thì người khác cũng đừng mơ được phúc!”. Dạng người này không ác độc sao? Có kẻ địch lại Đấng Christ còn gieo rắc những lời như: “Người như chúng ta là đối tượng bị lợi dụng trong nhà đức chúa trời, chúng ta đều quá ngu ngốc rồi!”. Họ thấy mình không được phúc nữa, thì chuyên môn tìm những người tiêu cực, hồ đồ và không có sự phân định mà gieo rắc những thứ này. Trong việc này chẳng phải có tính chất gây nhiễu loạn sao? Một khi họ cho rằng mình không thể đứng vững trong nhà Đức Chúa Trời và sẽ không được phúc, sớm muộn gì cũng bị thanh trừ, thì họ không chọn con đường buông bỏ cái ác trong tay mà hướng về Đức Chúa Trời để nhận tội và hối cải, thật lòng làm bổn phận của mình và bù đắp những lỗi lầm trong quá khứ. Thay vào đó, họ lại trở nên tệ hại hơn, gieo rắc tiêu cực trong nhà Đức Chúa Trời, quấy nhiễu việc làm bổn phận của người khác, phá hoại và quấy nhiễu công tác của nhà Đức Chúa Trời, khiến thêm nhiều người hành ác như họ, tiêu cực thoái lui, từ bỏ việc làm bổn phận, từ đó họ đạt được mục đích báo thù của mình. Đây chẳng phải là việc làm của kẻ ác sao? Trong lòng dạng người này còn có Đức Chúa Trời không? (Thưa, không có.) Trong lòng họ có Đức Chúa Trời mơ hồ trên trời, còn Đức Chúa Trời trên đất mà con người có thể thấy được và đang công tác giữa con người thì họ xem đó là con người. Còn có những người thì ngược lại. Trong lòng họ luôn tin vào Đức Chúa Trời mơ hồ, nhưng đến cuối cùng, họ lại xem những người họ sùng bái là đức chúa trời mà thuận phục, do đó họ làm gì cũng thuận phục những người này. Tin Đức Chúa Trời như thể Ngài là con người nghĩa là gì? Khi họ tin Đức Chúa Trời mơ hồ, họ tin vị Đức Chúa Trời mơ hồ mà họ không thấy được này có thể ban phúc lành cho họ, có đủ năng lực để đưa họ bước vào thời đại tiếp theo và cho họ phần thưởng cùng mão triều thiên. Thế là chẳng biết tự khi nào, họ bắt đầu hoài nghi Đức Chúa Trời thực tế trên đất, nhìn thế nào cũng thấy Ngài không giống Đức Chúa Trời, nên khó mà tin Ngài được. Trong lòng họ chỉ tin rằng Đức Chúa Trời trên trời mới là Đức Chúa Trời thật, và bởi vị Đức Chúa Trời thực tế mà họ có thể thấy được lại quá nhỏ bé, quá bình thường, quá thực tế, nên trong mắt họ Ngài không có đủ những gì cần có để họ tin Ngài, và họ xem Đức Chúa Trời này là một con người. Khi họ xem Đức Chúa Trời là một con người, thì khó khăn của họ cũng xuất hiện: “Con người này, ngoài việc ban lẽ thật và một vài lời hứa cho con người ra, thì còn có thể làm những việc gì nữa? Nhìn kiểu gì cũng không thấy ngài giống đức chúa trời, nhìn kiểu gì cũng không thấy ngài có thể cho người ta thứ tốt hay lợi ích gì. Ngài chỉ là một con người, mà một con người thì có thể làm được gì chứ? Người ta mà tin đức chúa trời thì vẫn còn có chút trông mong, cũng có thể có chút gửi gắm về tinh thần, còn nếu tin con người, thì con người này có thể cho người ta thứ gì tốt hay lợi ích gì chứ? Những gì con người trông mong và gửi gắm liệu có thể thành hiện thực nơi ngài không? Liệu có thành hư không hay không? Ngài là một con người, thì không cần sợ ngài. Trước mắt ngài, tôi muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm thôi”. Kẻ ác đối đãi với Đức Chúa Trời như vậy đấy. Lúc không thấy được Ngài thì họ tưởng tượng Ngài cao lớn biết bao, thần thánh biết bao, không thể xúc phạm biết bao, vậy mà khi thấy Đức Chúa Trời trên đất rồi, thì những tưởng tượng và quan niệm của họ không đứng vững được nữa. Chúng không đứng vững được thì họ sẽ làm gì? Họ sẽ đối đãi với Đức Chúa Trời như con người. Sau đó, trong lòng họ không còn chút tôn trọng nào đối với Đức Chúa Trời, lại càng không sợ hãi hay kính sợ Ngài. Không có những điều này, thì cái gan của con người càng lớn, phòng tuyến và một chút cảnh giác trong lòng kẻ ác giờ không còn nữa, giờ chuyện gì họ cũng dám làm. Dạng người này có tin đến cuối cùng thì vẫn sẽ là một kẻ chống đối Đức Chúa Trời.

Kẻ địch lại Đấng Christ thấy tin Đức Chúa Trời trên trời thì dễ, còn tin Đức Chúa Trời trên đất thì thật sự là làm khó cho họ rồi. Phao-lô là một ví dụ sống cho chuyện này. Ông tin Đấng Christ đến cuối cùng được kết quả gì nào? Ông tin Đấng Christ mà cuối cùng mục tiêu mưu cầu của ông lại biến thành thứ gì? Ông muốn trở thành Đấng Christ, thay thế Đấng Christ, phủ nhận Đức Chúa Trời trên đất và muốn lấy được mão triều thiên cùng phúc lành từ Đức Chúa Trời trên trời. Những kẻ địch lại Đấng Christ này cũng giống hệt Phao-lô. Họ xem Đức Chúa Trời trên đất là con người, xem Đức Chúa Trời mơ hồ và không thấy được trên trời thành Đức Chúa Trời vĩ đại nhất trong lòng mà họ có thể lừa gạt, có thể tùy tiện chơi đùa, tùy tiện giải thích, tùy tiện nảy sinh quan niệm và chống đối. Đây chính là sự khác biệt trong cách kẻ chẳng tin và kẻ địch lại Đấng Christ đối xử với Đức Chúa Trời trên trời và Đức Chúa Trời trên đất. Chính vì đối đãi với Đức Chúa Trời trên đất bằng thái độ này mà họ nảy sinh những biểu hiện khác nhau khi tiếp cận bổn phận của mình. Những biểu hiện này bao gồm việc ngày càng có ít hứng thú và ngày càng lãnh đạm với việc làm bổn phận khi họ thấy Đức Chúa Trời trên đất. Nó khiến họ mất đi hứng thú với việc tin Đức Chúa Trời, còn nảy sinh một vài ý nghĩ và biểu hiện tiêu cực. Do đó, loại người địch lại Đấng Christ cuối cùng đều không thể đứng vững, kể cả khi hội thánh không thanh trừ họ thì họ cũng tự động rời đi. Các ngươi có biết ví dụ nào như thế không? (Thưa, có. Trước đây con đã thấy một kẻ địch lại Đấng Christ. Anh ta đặc biệt tùy ý, không mưu cầu lẽ thật, cũng không thực hành lẽ thật, làm bổn phận thì qua loa chiếu lệ, không nghiêm túc, không chăm chỉ nghiên cứu nghiệp vụ, đặc biệt lười biếng, lại còn ra vẻ, ngày ngày chỉ chú trọng ăn với mặc, còn làm chuyện dâm loạn. Khi bị khai trừ, anh ta không có chút lòng hối cải nào, lại còn cảm thấy như được giải thoát.) Loại người này không trân quý cơ hội làm bổn phận, càng không tôn trọng và yêu quý bổn phận của mình, cứ qua loa chiếu lệ, sống cho qua ngày. Có ai thông công cho anh ta rằng làm bổn phận như vậy là không được không? (Thưa, có. Con cũng đã thông công với anh ta, mà anh ta không chịu nghe, thái độ khá là qua quýt.) Người khác nói tiếp đi. (Thưa, trước đây, có một đạo diễn cứ qua loa chiếu lệ khi làm bổn phận, nhiều bản phim anh ta quay không thích hợp, còn gây gián đoạn và nhiễu loạn. Sau khi bị phân vào Nhóm B thì anh ta không làm bổn phận nữa, cả ngày bận rộn đi làm công kiếm tiền, lại còn nhập hội với người ngoại đạo, cuối cùng bị thanh trừ. Thực ra, nếu hội thánh không thanh trừ anh ta thì anh ta cũng tự động rút lui. Anh ta không mưu cầu lẽ thật, cuối cùng không thể đứng vững.) Thực chất tâm tính của những kẻ địch lại Đấng Christ này giống nhau, đều chán ghét lẽ thật và những điều tích cực, yêu thích những chuyện bất nghĩa, dã tâm và dục vọng thì đặc biệt lớn, làm bổn phận thì như chơi đùa, qua loa chiếu lệ, hành vi và tác phong lại còn đặc biệt bất chính và không có chừng mực, bản tính thì tà ác và hung ác. Họ đến nhà Đức Chúa Trời và làm bổn phận chỉ để được phúc, nếu không vì để được phúc thì họ sẽ không tin Đức Chúa Trời! Loại người này căn bản không khác gì người ngoại đạo, chính là kẻ chẳng tin và người ngoại đạo toàn phần, đây chính là thực chất của họ. Ngươi không để cho họ làm giống như người ngoại đạo, mà bảo họ làm bổn phận giữa những người tin Đức Chúa Trời, thì họ sẽ sống một cách rất khó chịu, mỗi ngày sống như chịu cực hình. Họ cảm thấy làm bổn phận cùng các anh chị em trong nhà Đức Chúa Trời một cách có khuôn phép và an phận thì thật vô nghĩa, chi bằng ở thế gian sống lẫn với người ngoại đạo cho tiêu dao tự tại, họ cảm thấy sống như vậy mới có ý nghĩa. Do đó, họ đến nhà Đức Chúa Trời và làm bổn phận chỉ là việc bất đắc dĩ, do ý định muốn được phúc chi phối và để thỏa mãn dã tâm, dục vọng cá nhân của mình mà thôi. Xét từ thực chất bản tính của họ, thì căn bản họ không yêu thích lẽ thật, không yêu thích những điều tích cực, càng không tin những chuyện mà Đức Chúa Trời có thể làm cho trọn vẹn. Họ là kẻ chẳng tin toàn phần, là kẻ đầu cơ toàn phần. Họ đâu có đến để làm bổn phận, họ đến để hành ác, để gây nhiễu loạn và thực hiện giao dịch. Do đó, xét từ toàn bộ những biểu hiện này của kẻ địch lại Đấng Christ, thì những người này mà ở trong nhà Đức Chúa Trời thì có ích hay có hại cho công tác của nhà Đức Chúa Trời? (Thưa, có hại.) Ngươi đã từng thấy qua một người có thực chất địch lại Đấng Christ mà có chút ân tứ và tài cán nào lại có thể an phận làm bổn phận và không gây rối hay gián đoạn chưa? Nếu ngươi bảo kẻ địch lại Đấng Christ rằng: “Với người trước đây đã làm một vài việc ác như anh, thì chưa chắc sau này sẽ có tiền đồ hay số phận gì. Anh có chút ân tứ thì ở lại nhà Đức Chúa Trời phục vụ cho tốt đi!”. Họ có thể cam lòng phục vụ mà không màng đến chuyện họa phúc không? Tuyệt đối không thể. Người có thể đạt đến điểm này thì đã có chút nhân tính tương đối tốt, nhưng kẻ địch lại Đấng Christ có nhân tính này không? (Thưa, không có.) Tâm tính của họ là hung ác. Họ cho rằng: “Không cho tôi thứ tốt, không cho tôi lời hứa hay cam kết gì, thì làm sao tôi có thể ra sức cho ngài? Đừng có mơ, không có cửa đâu!”. Đây chính là tâm tính hung ác. Đây là tổng hợp biểu hiện của loại người địch lại Đấng Christ trong cách tiếp cận bổn phận, đối đãi với Đức Chúa Trời và tiếp cận yêu cầu của Đức Chúa Trời. Các ngươi nói xem, có kẻ địch lại Đấng Christ nào nói: “Đức Chúa Trời đã nâng tôi lên và cho tôi ân tứ, tôi sẽ dâng hiến bản thân cho Ngài” không? (Thưa, không có.) Họ sẽ nói gì? “Muốn lợi dụng tôi hả? Ngài thấy tôi có ân tứ và tài cán, muốn chiếm lợi từ tôi nên mới cho tôi chút thứ tốt. Muốn lợi dụng tôi thì không có cửa đâu!”. Họ không cho rằng đây là sự nâng cao của Đức Chúa Trời, không cho rằng đây là cơ hội mà Đức Chúa Trời ban cho mình và nên trân quý nó, mà lại cho rằng đây là lợi dụng họ. Kẻ địch lại Đấng Christ sẽ cho là vậy. Có những người có lẽ nhất thời ngu muội, gây gián đoạn và nhiễu loạn, làm chút việc xấu, rồi bị cách ly để phản tỉnh. Người mưu cầu lẽ thật mà phản tỉnh một thời gian thì sẽ nói rằng: “Mình phải hướng về Đức Chúa Trời mà nhận tội và hối cải, sau này không được làm như vậy nữa. Mình phải học cách hợp tác với người khác, học cách tìm kiếm lẽ thật và dựa theo lời Đức Chúa Trời mà làm việc, không được hành ác nữa”. Sau đó, hội thánh lại sắp xếp cho họ làm bổn phận, thế là họ nước mắt dâng trào mà cảm tạ Đức Chúa Trời, trong sâu thẳm nội tâm họ trân quý cơ hội mà Đức Chúa Trời ban cho này. Có thể có cơ hội làm bổn phận lần nữa thì họ cảm thấy vinh hạnh, cảm thấy mình phải trân quý, không được để mất nữa. Họ làm bổn phận tốt hơn trước đây, biết mình được một chút và có một vài thay đổi. Tuy nhiên, họ vẫn có thể làm một vài việc ngu muội, vẫn có thể tiêu cực và yếu đuối, có lúc bỏ ngang không làm, nhưng xét từ tổng thể tâm thái và thái độ của họ, thì họ đã có chuyển biến rồi. Họ căm ghét mọi việc mình đã làm trước đây, và đã có một vài nhận thức về chuyện này, có thể tiếp nhận lẽ thật, cũng có chút thuận phục. Quan trọng hơn nữa, khi nhà Đức Chúa Trời cho họ quay lại làm bổn phận, thì họ không cự tuyệt, thoái thác, cũng không chống đối, càng không nói lời khó nghe. Thay vào đó, họ cảm thấy vinh hạnh, cảm thấy Đức Chúa Trời không từ bỏ họ, cho rằng còn có thể có cơ hội làm bổn phận trong nhà Đức Chúa Trời thì nên trân quý. Thái độ của họ đã có chuyển biến lớn rồi. Dạng người này là đối tượng có thể được cứu rỗi.

Kẻ địch lại Đấng Christ và người có thể được cứu rỗi thì khác nhau thế nào? Kẻ địch lại Đấng Christ mà làm bổn phận thì muốn bản thân có tiếng nói quyết định, họ sẽ mưu cầu quyền lực và lợi ích, muốn được làm mưa làm gió. Nếu không đạt được quyền lực và lợi ích thì họ không muốn làm bổn phận nữa. Sau khi gây gián đoạn và nhiễu loạn công tác của hội thánh, và bị nhà Đức Chúa Trời cách chức, cách ly hoặc thanh trừ, liệu họ có thể thực sự hối cải không? Họ sẽ nói gì? “Bảo tôi hối cải để dễ lợi dụng tôi chứ gì? Tôi hữu dụng thì lôi kéo tôi vào, tôi hết tác dụng thì vung một cước đá tôi đi”. Đây là lời lẽ lệch lạc gì vậy? Đá đi là sao? Nếu họ không hành ác thì nhà Đức Chúa Trời có xử lý không? Ngươi dựa theo nguyên tắc mà làm bổn phận thì nhà Đức Chúa Trời có tùy ý xử lý ngươi không? Vì họ gây gián đoạn, nhiễu loạn và hành ác nên làm tổn hại đến công tác của hội thánh. Nhà Đức Chúa Trời xử lý họ thì họ không những không tiếp nhận, không phản tỉnh và biết mình, mà còn oán hận, cảm thấy mình không còn được ưa chuộng, không còn có quyền có thế như trước, thấy mình bị ức hiếp và ngược đãi. Cho họ cơ hội làm bổn phận lần nữa, thì họ không những không cảm kích trong lòng, không trân quý cơ hội này, mà còn quay lại đổ vạ, nói nhà Đức Chúa Trời lợi dụng họ. Đối với thái độ của nhà Đức Chúa Trời dành cho họ, họ không đón nhận từ Đức Chúa Trời, mà ngược lại còn cho rằng đó là ức hiếp họ, đá họ đi và ngược đãi họ. Trong lòng họ đầy oán trách và không muốn tiếp tục làm bổn phận nữa. Họ không muốn tiếp tục làm bổn phận với lý do mình không muốn bị lợi dụng. Họ cho rằng mỗi một người làm bổn phận đều bị nhà Đức Chúa Trời lợi dụng. Lời này mới lệch lạc và sai lầm làm sao! Trong đó có bất kỳ câu nào hợp với lẽ thật, hợp với nhân tính và lý tính không? (Thưa, không có.) Cho nên, kẻ địch lại Đấng Christ không tiếp nhận lẽ thật, lòng họ đầy huyết khí, đầy hung ác, đầy oán trách, cũng đầy giao dịch, càng đầy dục vọng cá nhân. Những thứ này đầy tràn trong lòng họ. Đối với sự xử lý của nhà Đức Chúa Trời hay bất kỳ hoàn cảnh nào mà Đức Chúa Trời sắp đặt cho, họ đều không thể đón nhận từ Đức Chúa Trời. Họ chỉ có thể tiếp cận những chuyện này bằng huyết khí, mắt đền mắt, răng đền răng, dùng phương thức và lôgic của Sa-tan mà tiếp cận tất cả những chuyện này. Cho nên cuối cùng họ vẫn không đạt được lẽ thật, chỉ có thể bị đào thải mà thôi. Khi bị cách chức, bị điều chỉnh bổn phận, thậm chí là bị cách ly, bị thanh trừ, những người khác nhau thì có phản ứng khác nhau. Người thực sự yêu thích lẽ thật thì căm hận mọi hành vi và việc làm của mình. Còn kẻ địch lại Đấng Christ không yêu thích lẽ thật thì trong lòng không đón nhận từ Đức Chúa Trời, lại còn đầy thù hận. Hậu quả của chuyện này là gì? Là nảy sinh những việc trả oán, phỉ báng, xét đoán và lên án, dẫn đến vứt bỏ và báng bổ Đức Chúa Trời. Đây chính là nguồn gốc cho kết cục của họ, chuyện này do thực chất bản tính của họ quyết định. Kẻ địch lại Đấng Christ không làm được những việc như hiểu lẽ thật, đón nhận từ Đức Chúa Trời và thuận phục mọi sự an bài của Đức Chúa Trời. Do đó, kết cục của họ được định sẵn rồi, đời này thì bị nhà Đức Chúa Trời thanh trừ, đời sau thì càng khỏi phải nói. Những chuyện này các ngươi có thể nhìn thấu được không? Các ngươi có thấy quanh mình có dạng người này không, có thể dựa vào lời Ta phán mà đối chiếu họ không? Biểu hiện nổi bật nhất của kẻ địch lại Đấng Christ là gì? Là không tin lẽ thật, không tiếp nhận lẽ thật, không thuận phục sự sắp đặt và an bài của Đức Chúa Trời, việc gì cũng không thể đón nhận từ Đức Chúa Trời, bất luận làm sai gì cũng đều không nhận sai, không hối cải. Điều này xác định những người này là thuộc về Sa-tan, là đối tượng bị diệt vong.

Các ngươi phải đối chiếu bản thân với tất cả mọi thể loại bộc lộ, biểu hiện và cách làm của kẻ địch lại Đấng Christ mà Ta đã vạch trần. Trong quá trình làm bổn phận, đương nhiên các ngươi cũng có những biểu hiện, bộc lộ và cách làm này, nhưng các ngươi khác với kẻ địch lại Đấng Christ ở chỗ nào? Khi gặp chuyện, các ngươi có thể đón nhận từ Đức Chúa Trời hay không? (Thưa, có thể.) Gặp chuyện thì có thể đón nhận từ Đức Chúa Trời, đây là điều hiếm có nhất. Các ngươi đi sai đường, làm chuyện sai trái và ngu muội, có vi phạm, thì có thể quay đầu không? Có thể hối cải không? (Thưa, có thể.) Có thể hối cải, có thể quay đầu chính là điều đáng trân quý nhất và hiếm có nhất. Nhưng kẻ địch lại Đấng Christ lại thiếu đúng điều này, chỉ những người sẽ được Đức Chúa Trời cứu rỗi mới có được điều này. Có điều gì là quan trọng nhất? Thứ nhất là tin rằng Đức Chúa Trời là lẽ thật, đây là điều cơ bản nhất. Các ngươi có thể làm được không? (Thưa, có.) Đây là điều cơ bản nhất, mà kẻ địch lại Đấng Christ lại không có. Thứ hai là tiếp nhận rằng lời Đức Chúa Trời là lẽ thật, điều này cũng được xem là cơ bản nhất. Thứ ba là thuận phục sự sắp đặt và an bài của Đức Chúa Trời. Điều này thì kẻ địch lại Đấng Christ tuyệt đối không làm được, nhưng đây cũng là chỗ mà các ngươi bắt đầu gặp khó khăn. Thứ tư là gặp chuyện gì cũng có thể đón nhận từ Đức Chúa Trời, không tranh biện, không phân bua biện bạch, không nói lý do, không oán trách. Điều này thì kẻ địch lại Đấng Christ tuyệt đối không làm được. Thứ năm là sau khi phản nghịch và có vi phạm thì có thể hối cải. Điều này đối với các ngươi mà nói thì khó làm. Chuyện là sau khi con người vi phạm thì sau một thời gian phản tỉnh, tìm kiếm, đau lòng, tiêu cực và yếu đuối, thì sẽ có thể từng chút một có được nhận thức về tâm tính bại hoại của mình. Đương nhiên, chuyện này cần có thời gian, có thể là một hai năm, cũng có thể lâu hơn. Khi trong lòng nhận biết và chịu phục hoàn toàn thì mới có thể thực sự hối cải. Mặc dù chuyện này không dễ, nhưng đến cuối cùng có thể thấy được những biểu hiện hối cải nơi người mưu cầu lẽ thật và người có thể được Đức Chúa Trời cứu rỗi. Nhưng kẻ địch lại Đấng Christ thì không có điều này. Ngươi xem, kẻ địch lại Đấng Christ mà làm chuyện xấu, thì trong ba năm, năm năm, mười năm, hai mươi năm sau đó, có chuyện cũ gì mà họ không nhắc lại nào? Bất kể đã qua bao nhiêu lâu, ngươi mà gặp họ thì họ vẫn nói về cái lý của mình. Họ không nhận biết, cũng không tiếp nhận về việc ác của mình, thậm chí căn bản là không có chút hối hận nào. Đây là điểm khác biệt giữa kẻ địch lại Đấng Christ và nhân loại bại hoại bình thường. Tại sao kẻ địch lại Đấng Christ không thể hối hận? Căn nguyên do đâu? Họ không tin Đức Chúa Trời là lẽ thật, từ đó dẫn đến việc họ không thể tiếp nhận lẽ thật, vậy là hết cứu rồi, chuyện này do thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ quyết định. Các ngươi nghe Ta mổ xẻ đủ loại biểu hiện của kẻ địch lại Đấng Christ thì cảm thấy: “Tiêu tùng rồi. Mình cũng có tâm tính của kẻ địch lại Đấng Christ, vậy mình chẳng phải là kẻ địch lại Đấng Christ sao?”. Như vậy chẳng phải là thiếu sự phân định hay sao? Đúng là ngươi có tâm tính của kẻ địch lại Đấng Christ, nhưng điểm khác biệt giữa ngươi và kẻ địch lại Đấng Christ là ngươi vẫn có những thứ tích cực, có thể tiếp nhận lẽ thật, có thể nhận tội và hối cải, có thể thay đổi. Ngươi có những thứ tích cực này thì sẽ có thể thoát khỏi tâm tính của kẻ địch lại Đấng Christ, sẽ có thể khiến tâm tính bại hoại của ngươi được làm tinh sạch và đạt đến được cứu rỗi. Như vậy chẳng phải là có hy vọng rồi sao? Như vậy là có hy vọng rồi!

Khi viết bài làm chứng trải nghiệm, các ngươi đều thấy rất vất vả, viết không ra. Có người trải nghiệm bao nhiêu năm rồi mà chỉ viết được một bài làm chứng. Có người đã tin mười năm, hai mươi năm, mà chỉ viết được một bài làm chứng, lại còn phải đem hết mọi tinh hoa của bao nhiêu năm đó tổng kết lại mới ra được. Có người tin Đức Chúa Trời ba mươi năm rồi mà chẳng hề có nhận thức trải nghiệm thực sự nào, nói cho cùng thì chính là không hiểu lẽ thật. Đối với hiện trạng không hiểu lẽ thật của các ngươi, thì nên làm thế nào đây? Ta phải nói thêm với các ngươi cho hết nước hết cái, nói nhiều hơn, lải nhải nhiều hơn, còn các ngươi thì phải có chút nhẫn nại, nghe Ta thông công nhiều hơn, nghe cho kỹ, thêm phân định, nỗ lực hiểu thực chất của mỗi một mục lẽ thật. Như Ta vừa mới nói, người có tâm tính địch lại Đấng Christ thì có những biểu hiện này, người có thực chất địch lại Đấng Christ thì có những biểu hiện kia, và hai thứ này khác nhau ở điểm này, mấy chuyện này mà ngươi thấy rõ được thì sẽ có con đường để đi, đồng thời cũng có được sự phân định. Ngươi biết phân định về tâm tính bại hoại của mình, cũng biết phân định thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ, thì khi gặp phải loại người địch lại Đấng Christ, ngươi sẽ có thể kịp thời phân định và vạch trần, kịp thời chặn đứng và hạn chế những hành vi và cách làm bừa phứa của họ, cũng có thể tránh được hoặc giảm thiểu tổn thất xảy ra với công tác của hội thánh do việc ác của kẻ địch lại Đấng Christ gây ra. Còn nếu như ngươi có năng lực lĩnh hội kém, thiếu phân định, hoặc không nghiêm túc với lẽ thật, luôn chỉ hiểu đạo lý, không nhìn thấu thực chất của người khác, thì sẽ dẫn đến việc ngươi không những không biết phân định kẻ địch lại Đấng Christ ở cạnh mình mà còn đi theo họ như thể họ là lãnh đạo tốt. Các ngươi nghĩ cho kỹ, tính cho kỹ mà xem, những việc làm của kẻ địch lại Đấng Christ có lợi hay là có hại hơn cho nhà Đức Chúa Trời? Tính cho kỹ rồi thì có thể thấy, những kẻ địch lại Đấng Christ này ở trong nhà Đức Chúa Trời mặc dù bề ngoài cũng làm một vài việc tốt, nhưng đều là mất nhiều hơn được, là lợi bất cập hại. Thực ra, trong mọi việc tốt họ làm đều ẩn chứa tai họa lớn hơn nữa, là chuyện lợi bất cập hại đối với công tác của hội thánh. Vai trò của những người này trong nhà Đức Chúa Trời chính là làm tay sai cho Sa-tan.

Ngày 25 tháng 4 năm 2020

Trước: Mục 9. Họ thực hiện bổn phận chỉ để làm bản thân nổi bật và thỏa mãn những lợi ích và dã tâm của riêng mình; họ không bao giờ suy xét đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, thậm chí bán rẻ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời để đổi lấy vinh quang cá nhân (Phần 6)

Tiếp theo: Mục 9. Họ thực hiện bổn phận chỉ để làm bản thân nổi bật và thỏa mãn những lợi ích và dã tâm của riêng mình; họ không bao giờ suy xét đến lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, thậm chí bán rẻ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời để đổi lấy vinh quang cá nhân (Phần 8)

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời Về việc biết Đức Chúa Trời Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ Chức trách của lãnh đạo và người làm công Về việc mưu cầu lẽ thật Về việc mưu cầu lẽ thật Sự phán xét khởi từ nhà Đức Chúa Trời Những lời trọng yếu từ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Lời Đức Chúa Trời Hằng Ngày Các thực tế lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời phải bước vào Theo Chiên Con Và Hát Những Bài Ca Mới Những chỉ dẫn cho việc truyền bá Phúc Âm của vương quốc Chiên của Đức Chúa Trời nghe tiếng của Đức Chúa Trời Lắng nghe tiếng Đức Chúa Trời thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Những câu hỏi và câu trả lời thiết yếu về Phúc Âm của Vương quốc Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 1) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 2) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 3) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 4) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 5) Tôi Đã Quay Về Với Đức Chúa Trời Toàn Năng Như Thế Nào

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger