Mục 14. Họ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình

Trong buổi nhóm họp lần trước, chúng ta đã thông công rằng ngoài việc kiểm soát lòng người, kẻ địch lại Đấng Christ còn kiểm soát tài chính của hội thánh. Các điểm chính mà chúng ta đã thông công là gì? (Thưa, chúng ta đã thông công về hai điểm chính: Thứ nhất là ưu tiên chiếm hữu và sử dụng tài sản của Hội thánh, còn thứ hai là phung phí, biển thủ, cho vay mượn, lừa lấy và ăn cắp của lễ.) Chúng ta đã thông công về hai điểm chính này. Hôm nay, chúng ta sẽ thông công về mục 14 trong những biểu hiện khác nhau của kẻ địch lại Đấng Christ: Họ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình. Hãy xem trong mục này, những biểu hiện nào của kẻ địch lại Đấng Christ có thể chứng minh họ có thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ. Họ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình: Từ bề ngoài của hai từ “nhà Đức Chúa Trời” và “thiên hạ của mình” này, không nhìn ra được những việc ác mà kẻ địch lại Đấng Christ có thể làm. Nếu nói rằng “kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như nhà của mình” thì từ bề ngoài cũng không nhìn ra được rằng “nhà” này rốt cuộc nghĩa là gì, là tích cực hay tiêu cực, có nghĩa tốt hay xấu. Nhưng nếu đổi “nhà” thành “thiên hạ” thì có phải có thể nhìn ra một vài vấn đề không? Trước tiên, từ chữ “thiên hạ” này chúng ta có thể nhìn ra điều gì? (Thưa, là kẻ địch lại Đấng Christ muốn có tiếng nói quyết định.) Còn gì nữa? (Thưa, họ xem nhà Đức Chúa Trời như phạm vi thế lực của mình, họ sẽ bồi dưỡng người thân tín và những người từ chính nhà mình, sau đó kiểm soát hội thánh.) Đây cũng là một biểu hiện của kẻ địch lại Đấng Christ. Còn gì nữa? Từ bề ngoài, liệu chúng ta có thể nhìn ra đây là phạm vi thế lực của kẻ địch lại Đấng Christ, rằng đây là nơi kẻ địch lại Đấng Christ sử dụng quyền lực và nắm hết quyền hành, nơi mà mọi thứ đều bị kẻ địch lại Đấng Christ kiểm soát, lũng đoạn, và hạn chế, nơi kẻ địch lại Đấng Christ có tiếng nói quyết định không? (Thưa, có.) Chúng ta có thể nhìn ra được những ý nghĩa này; bởi vì trước đây, khi nói về các biểu hiện khác nhau của kẻ địch lại Đấng Christ, chúng ta đã thông công nhiều về việc mổ xẻ và vạch trần thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ. Kẻ địch lại Đấng Christ chủ yếu là kiểm soát con người và nắm giữ quyền lực – tất nhiên cũng có những biểu hiện khác nữa.

Sau khi thông công xong về ý nghĩa chung của việc kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như “thiên hạ của mình”, chúng ta hãy tiếp tục thông công một chút xem rốt cuộc “nhà Đức Chúa Trời” là gì. Các ngươi có khái niệm nào về nhà Đức Chúa Trời không, có định nghĩa nào chính xác không? Một nhóm anh chị em tụ họp có phải là nhà Đức Chúa Trời không? Một nhóm hoặc tập hợp những người đi theo Đấng Christ và Đức Chúa Trời có được coi là nhà Đức Chúa Trời không? Một tập hợp bao gồm lãnh đạo hội thánh, chấp sự và nhiều trưởng nhóm khác có được coi là nhà Đức Chúa Trời không? (Thưa, không.) Vậy, rốt cuộc nhà Đức Chúa Trời là gì? (Thưa, chỉ hội thánh nơi Đấng Christ nắm quyền mới là nhà Đức Chúa Trời.) (Thưa, chỉ có tập hợp của một nhóm những người có thể lấy lời Đức Chúa Trời làm nguyên tắc thực hành của họ thì mới được coi là nhà Đức Chúa Trời.) Hai định nghĩa này có chính xác không? Các ngươi nói không rõ ràng. Nghe nhiều bài giảng đạo như thế mà các ngươi cũng không thể nói rõ được một định nghĩa đơn giản như vậy. Xem ra, bình thường các ngươi không nghiêm túc với những thuật ngữ hoặc từ vựng thuộc linh này và không nghiền ngẫm chúng. Các ngươi thật cẩu thả! Vậy, hãy nghiền ngẫm xem: Nhà Đức Chúa Trời rốt cuộc là gì? Nếu định nghĩa theo lý thuyết, nhà Đức Chúa Trời là nơi lẽ thật nắm quyền, là tâp hợp một nhóm người xem lời Đức Chúa Trời là nguyên tắc thực hành. Nếu kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời là thiên hạ của mình thì sẽ xảy ra vấn đề; họ sẽ xem tập hợp anh chị em đi theo Đức Chúa Trời là phạm vi thế lực của mình, là nơi họ sử dụng quyền lực và là đối tượng để họ sử dụng quyền lực. Đây là nghĩa đen có thể thấy được từ việc kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình. Bất kể giải thích hay nhìn nhận điều này từ góc độ nào, thì việc kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình đều có thể khiến người ta thấy được thực chất bản tính của họ là mê hoặc, kiểm soát con người và quá chuyên quyền. Nhà Đức Chúa Trời là nơi Đức Chúa Trời công tác và phán dạy, nơi Đức Chúa Trời cứu rỗi con người, nơi những người được Đức Chúa Trời chọn trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời, được làm tinh sạch và được cứu rỗi, nơi ý chỉ và tâm ý của Đức Chúa Trời có thể được tiến hành mà không có trở ngại, và nơi kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời có thể được triển khai và hoàn thành. Nói tóm lại, nhà Đức Chúa Trời là nơi Đức Chúa Trời nắm quyền, nơi lời Đức Chúa Trời và lẽ thật nắm quyền chứ không phải nơi bất kỳ người nào thi hành quyền lực, tiến hành sự quản lý của mình, hoặc thực hiện mưu đồ riêng hay kế hoạch sự nghiệp to lớn của mình. Tuy nhiên, những gì kẻ địch lại Đấng Christ làm lại trái ngược hoàn toàn với những gì Đức Chúa Trời muốn: Họ không để ý và không quan tâm đến việc Đức Chúa Trời rốt cuộc muốn làm gì, liệu lời Ngài có thể được triển khai giữa mọi người hay không, hoặc liệu lời Ngài và nguyên tắc lẽ thật có thể được hiểu, thực hành, và trải nghiệm giữa mọi người hay không; họ không quan tâm đến những chuyện này, họ chỉ cân nhắc xem mình có địa vị, quyền lực và quyền ngôn luận hay không, và liệu ý, ý nghĩ và dục vọng của họ có thể được triển khai giữa mọi người hay không. Nghĩa là, trong phạm vi quyền lực của họ, có bao nhiêu người nghe lời và có thể thuận phục họ, hình ảnh, danh vọng và quyền uy của họ rốt cuộc là như thế nào – đây chính là những chuyện trọng điểm mà họ muốn quản lý, và là chuyện họ quan tâm nhất trong lòng. Đức Chúa Trời phán và công tác giữa con người, Ngài cứu rỗi con người, lãnh đạo con người, và cung ứng cho con người. Ngài từng bước dẫn dắt để con người đến trước Ngài, hiểu tâm ý của Ngài, bước vào thực tế lẽ thật, và dần đạt đến có thể thuận phục Ngài. Mọi chuyện kẻ địch lại Đấng Christ làm đều hoàn toàn đi ngược lại với những gì Đức Chúa Trời làm. Đức Chúa Trời dẫn dắt con người đến trước Ngài, nhưng kẻ địch lại Đấng Christ lại tranh giành những người này với Đức Chúa Trời, và khiến họ đến trước mình. Đức Chúa Trời từng bước dẫn dắt con người bước vào thực tế lẽ thật, hiểu tâm ý của Ngài, và thuận phục sự thống trị của Ngài; kẻ địch lại Đấng Christ từng bước kiểm soát con người, nắm bắt động thái của họ, và sau đó kiểm soát chặt chẽ họ dưới quyền thế của mình. Tóm lại, tất cả những gì kẻ địch lại Đấng Christ làm là muốn biến người đi theo Đức Chúa Trời thành người đi theo mình. Sau khi lôi kéo những người hồ đồ không mưu cầu lẽ thật về dưới quyền thế của mình, họ muốn tiến thêm một bước và nghĩ đủ mọi cách để lôi kéo những người có thể đi theo Đức Chúa Trời và trung thành thực hiện bổn phận dưới quyền thế của họ, khiến mọi người trong hội thánh nghe lời họ, sống, hành động, hành xử và làm mọi chuyện theo nguyện vọng của họ, để cuối cùng những người này đạt đến thuận phục lời họ nói, nguyện vọng của họ, và yêu cầu của họ. Nghĩa là, bất kể Đức Chúa Trời muốn làm thế nào, bất kể Ngài muốn đạt được hiệu quả gì, thì đó cũng là kết quả mà kẻ địch lại Đấng Christ muốn đạt được. Kết quả họ muốn đạt được không phải là khiến mọi người đến trước Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài, mà là đến trước họ và thờ phượng họ. Nói chung, một khi kẻ địch lại Đấng Christ có quyền lực, họ sẽ muốn kiểm soát mọi người và mọi chuyện trong phạm vi thế lực của mình, muốn kiểm soát phạm vi mà mình có thể, muốn đưa hội thánh, nhà Đức Chúa Trời, và những người đi theo Đức Chúa Trời vào phạm vi mà họ thi hành quyền lực và có thể kiểm soát. Điều đó có nghĩa là, Đức Chúa Trời dẫn dắt con người đến trước Ngài thế nào, thì kẻ địch lại Đấng Christ cũng muốn mê hoặc con người và dẫn dắt những người đó đến trước họ. Mục đích của kẻ địch lại Đấng Christ khi làm tất cả những chuyện này là muốn biến những người đi theo Đức Chúa Trời thành người đi theo họ, biến nhà Đức Chúa Trời và hội thánh thành nhà họ. Kẻ địch lại Đấng Christ có những mưu đồ và thực chất như vậy, vậy họ có những biểu hiện và hành vi cụ thể nào khiến các ngươi có thể nhìn ra rằng kẻ địch lại Đấng Christ chính là kẻ địch lại Đấng Christ, rằng họ là kẻ thù của Đức Chúa Trời, rằng họ là ma quỷ và Sa-tan thù địch với Đức Chúa Trời và lẽ thật? Tiếp theo, chúng ta sẽ mổ xẻ chi tiết những biểu hiện và cách làm cụ thể của kẻ địch lại Đấng Christ có thể chứng thực được việc họ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình.

I. Kẻ địch lại Đấng Christ độc chiếm quyền lực

Phương diện biểu hiện đầu tiên của việc kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình là biểu hiện mà chúng ta thường thông công, cũng là một biểu hiện thực chất chỉ có ở kẻ địch lại Đấng Christ: Kẻ địch lại Đấng Christ yêu địa vị hơn bất cứ thứ gì. Tại sao họ yêu địa vị nhất? Địa vị đại diện cho điều gì? (Thưa, có quyền lực.) Đúng vậy – nói đến điểm mấu chốt rồi đấy. Chỉ khi có địa vị thì họ mới có thể có quyền lực, và chỉ khi có quyền lực thì họ mới dễ làm việc; chỉ khi có quyền lực thì các loại dục vọng, dã tâm và mục tiêu trong lòng họ mới có thể có hy vọng được thực hiện và trở thành hiện thực. Cho nên, kẻ địch lại Đấng Christ rất xảo quyệt, nhìn nhận rất rõ ràng về những chuyện này; nếu muốn biến nhà Đức Chúa Trời thành thiên hạ của mình, thì trước tiên họ phải nắm quyền lực. Đây là một biểu hiện nổi bật. Trong số những kẻ địch lại Đấng Christ mà ngươi gặp, nghe nói hoặc tận mắt chứng kiến, ai trong số họ không nắm quyền lực? Bất kể là cách thức gì, dù là cách thức khôn khéo và xảo trá, cách thức bề ngoài nhẹ nhàng và không nóng nảy, cách thức tương đối hung ác và thủ đoạn đặc biệt đê hèn, hay cách thức hung bạo thì kẻ địch lại Đấng Christ chỉ có một mục đích: Có thể có địa vị rồi nắm giữ quyền lực. Cho nên, điều đầu tiên Ta muốn thông công là kẻ địch lại Đấng Christ nắm quyền lực trước tiên. Dục vọng đối với quyền lực của kẻ địch lại Đấng Christ vượt xa của những người bình thường, vượt xa của những người bình thường có tâm tính bại hoại. Người bình thường có tâm tính bại hoại chỉ thích khiến người khác xem trọng họ, khiến người khác có cách nhìn tốt về họ; họ thích chiếm thế thượng phong khi nói chuyện nhưng nếu không có quyền lực và không ai sùng bái thì trong lòng họ cũng không buồn bã như thế; họ có quyền lực hay không đều được; họ có chút yêu thích và dục vọng với quyền lực như thế nhưng không đạt đến mức độ của kẻ địch lại Đấng Christ. Vậy, mức độ đó như thế nào? Không có quyền lực, ngày nào họ cũng cảm thấy sợ hãi không chịu nổi, trong lòng bất an, ăn không ngon, ngủ không yên, cảm thấy mỗi ngày trôi qua nhàm chán và bất an như thế, trong lòng có cảm giác như thể chuyện gì cũng không thể thực hiện được, lại cảm thấy như thể bản thân đã đánh mất điều gì đó. Nhân loại bại hoại bình thường rất vui khi có quyền lực, nhưng cũng không quá chán nản vì không có quyền lực; trong lòng họ có hơi thất vọng, nhưng làm người bình thường cũng được. Nếu kẻ địch lại Đấng Christ làm người bình thường, thì họ không thể sống được, cuộc sống của họ không thể tiếp tục, như thể cuộc đời họ đã mất đi phương hướng và mục tiêu sống, họ không biết làm thế nào để tiếp tục trên con đường – cuộc sống – phía trước. Họ cảm thấy chỉ khi có địa vị thì cuộc sống của họ mới tràn ngập ánh sáng, chỉ khi có địa vị và quyền lực thì cuộc sống mới tuyệt vời, mới có bình yên và hạnh phúc. Điều này chẳng phải khác với người bình thường sao? Ngay khi có địa vị, kẻ địch lại Đấng Christ tỏ ra phấn khích khác thường. Những người khác thấy điều này và nghĩ: Tại sao họ lại khác trước? Tại sao họ rạng rỡ và mặt mày hớn hở như vậy? Tại sao họ vui vẻ như vậy? Hỏi thăm thì hóa ra là do họ có địa vị, có quyền lực, có quyền ngôn luận, có thể sai bảo người khác, có thể sử dụng quyền lực, có uy danh, có tay sai. Khi có địa vị và quyền lực, diện mạo tinh thần của kẻ địch lại Đấng Christ cũng khác.

Xét từ dục vọng với quyền lực của kẻ địch lại Đấng Christ thì thực chất của họ không bình thường, không phải là tâm tính bại hoại bình thường. Cho nên, dù trong bất kỳ nhóm người nào, loại người này cũng sẽ nghĩ đủ mọi cách để làm người nổi bật, phô bày, thể hiện chính mình, để mọi người thấy ưu điểm và sở trường của họ, chú ý đến họ, và để có được vị trí nào đó cho mình trong hội thánh. Khi hội thánh thực hiện các cuộc bầu cử, kẻ địch lại Đấng Christ cảm thấy rằng cơ hội đã đến: Cơ hội để thể hiện bản thân, để biến nguyện vọng thành hiện thực, để thoả mãn dục vọng. Họ nghĩ đủ mọi cách để khiến mọi người chọn làm lãnh đạo, nghĩ đủ mọi cách để có được quyền lực, họ cho rằng sau khi có được quyền lực thì sẽ dễ làm việc hơn. Tại sao lại dễ làm việc hơn? Khi kẻ địch lại Đấng Christ không có quyền lực, có thể ngươi sẽ không phát hiện ra dã tâm, dục vọng, và thực chất của họ xét từ bề ngoài, bởi vì họ ẩn giấu, và nguỵ trang nên ngươi không thể nhìn thấu họ. Nhưng một khi có địa vị và quyền lực, việc đầu tiên họ muốn làm là gì? Họ muốn củng cố địa vị, mở rộng và nắm chắc quyền lực trong tay. Có những biện pháp nào để nắm quyền lực và củng cố địa vị? Kẻ địch lại Đấng Christ có rất nhiều biện pháp; họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội này, không làm bất cứ chuyện gì khi đã nắm được quyền lực. Cơ hội đến chính là thời điểm vui nhất đối với họ, cũng là khi họ thực hiện quỷ kế, và trổ tài. Ngay khi nhậm chức, trước tiên họ sẽ lọc các thành viên trong gia đình và họ hàng của mình để xem ai là người tri kỷ, ai gần gũi, ai tương đối thân thiết, ai tương đối hoà hợp và ai có thể chung tiếng nói với họ. Họ cũng xem ai tương đối ngay thẳng, ai không đứng về phía họ, ai có thể tố cáo họ nếu họ làm chuyện đi ngược lại nguyên tắc và quy định của nhà Đức Chúa Trời – đây là những người mà họ sẽ loại bỏ. Sau khi lọc xong, họ nghĩ: “Hầu hết những người thân thích đều có mối quan hệ tốt, hoà hợp và có thể chung tiếng nói với mình; nếu họ đều dưới trướng của mình và để mình sử dụng, thì chẳng phải thế lực của mình sẽ rất lớn sao? Chẳng phải địa vị của mình trong hội thánh sẽ vững chắc sao? Tục ngữ có câu: ‘Chọn người chớ kiêng người thân’. Người ngoại đạo làm quan đều phải nhờ tri kỷ và người quen giúp đỡ, bây giờ mình đã làm quan thì cũng phải làm như vậy, cách này rất hay. Trước tiên, mình phải đề bạt người thân trong nhà. Vợ con mình thì khỏi phải nói; mình sẽ sắp xếp một số chức vụ cho họ trước. Vợ mình sẽ làm gì? Trông coi của lễ được dâng lên trong hội thánh là một chức vụ tương đối mấu chốt và quan trọng – quyền hành tài chính phải nằm trong tay người của mình như vậy thì lúc tiêu tiền mới thoải mái và dễ dàng. Số tiền này không thể để vào tay người ngoài; nếu để vào tay người ngoài thì chung quy vẫn là tiền của họ, việc tiêu tiền phải chịu sự theo dõi và quản chế, chuyện này thật bất tiện. Người đang quản lý sổ sách của hội thánh có đồng lòng với mình không? Bề ngoài thì có vẻ ổn nhưng đâu ai biết trong lòng họ nghĩ thế nào. Không được, mình phải nghĩ cách thay thế họ và để vợ mình quản lý sổ sách”. Kẻ địch lại Đấng Christ bàn bạc với vợ, người vợ nói: “Tốt quá! Anh hiện tại đang là lãnh đạo của hội thánh, chẳng phải anh có tiếng nói quyết định với của lễ được dâng lên của hội thánh sao? Anh cho phép ai quản lý thì người đó sẽ quản lý”. Kẻ địch lại Đấng Christ nói: “Nhưng bây giờ không có biện pháp nào hay để loại bỏ người đang quản lý sổ sách”. Người vợ suy nghĩ một lát rồi nói: “Loại bỏ họ chẳng phải dễ dàng sao? Cứ nói họ đã quản lý sổ sách quá lâu rồi. Chuyện này không tốt lắm, sợ rằng bên trong có nợ xấu, sổ sách lộn xộn hoặc hiện tượng tham nhũng. Ai quản lý cái gì trong thời gian dài thì cũng dễ xảy ra chuyện; lâu dần, có vốn liếng rồi thì sẽ dễ không còn lắng nghe người khác nữa. Hơn nữa, người quản lý sổ sách cũng tương đối lớn tuổi, họ dễ hồ đồ và hay quên. Ngộ nhỡ xảy ra thiếu sót thì sẽ dẫn đến tổn thất. Chức vụ này quan trọng như thế nên họ cần phải được thay thế”. Vậy, ai sẽ nói rằng họ cần phải được thay thế? Việc thay thế người này không thể từ lãnh đạo hội thánh nói ra được; phải khiến các anh chị em chủ động nói rằng nên thay thế người này bằng vợ của kẻ địch lại Đấng Christ. Ngay khi người vợ ra tay, của lễ được dâng lên của hội thánh sẽ do cô ta quản lý. Nhưng theo nguyên tắc của hội thánh, một người không được trông coi của lễ một mình, mà phải có hai hoặc ba người cùng bảo quản để tránh có người lợi dụng sơ hở nhằm chiếm đoạt tiền bạc của hội thánh. Cho nên, kẻ địch lại Đấng Christ tiến cử em họ của mình trông coi cùng, nói rằng cô ta tin Đức Chúa Trời đã lâu, đã dâng nhiều của lễ, có danh tiếng khá tốt và đáng tin cậy. Mọi người nói: “Cả hai người này đều là người thân của anh. Phải tìm một người ngoài”. Vậy nên kẻ địch lại Đấng Christ đã tiến cử một chị lớn tuổi, hồ đồ, giúp quản lý và kiểm soát tiền bạc. Trước tiên, kẻ địch lại Đấng Christ đưa quyền kiểm soát tiền bạc về tay gia đình họ, sau đó việc số tiền này chi tiêu cụ thể thế nào thì đều do gia đình họ nắm giữ ngon nguồn – quyền kiểm soát đều nằm trong tay họ.

Sau khi nắm được quyền lực tài chính và kiểm soát tiền của, kẻ địch lại Đấng Christ đã đạt được mục đích chưa? Vẫn chưa. Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát những người phụ trách các công tác khác nhau trong hội thánh, biến những người này thành người của mình, và đều do kẻ địch lại Đần Christ quyết định. Kẻ địch lại Đấng Christ cho rằng đây là điều quan trọng nhất; điều này liên quan đến việc liệu mọi người ở các nhóm thấp hơn có nghe theo họ không, và liệu quyền lực của họ có được quán triệt đến những cấp thấp nhất không. Vậy, họ làm điều này như thế nào? Họ thực hiện những cải cách mạnh mẽ. Đầu tiên, họ thông công và nói rằng công tác của mỗi nhóm ban đầu đã làm không tốt như thế nào. Ví dụ, một số vấn đề đã nảy sinh với Nhóm Biên Tập Video, kẻ địch lại Đấng Christ sẽ nói: “Những vấn đề này đều do người phụ trách gây ra. Nếu người phụ trách có thể có những thiếu sót lớn như vậy trong công tác và gây ra vấn đề lớn như vậy, thì chứng tỏ họ không đạt tiêu chuẩn và cần phải cách chức; nếu không cách chức thì công tác này sẽ không được thực hiện tốt. Vậy, ai sẽ đảm nhiệm thay họ? Các anh có mục tiêu nào không – có ứng cử viên nào không? Ai có nghiệp vụ tốt nhất trong nhóm này?”. Mọi người suy nghĩ và nói: “Có một anh em nghiệp vụ không tệ, nhưng không biết người này có đảm nhiệm được không”. Kẻ địch lại Đấng Christ nói: “Nếu anh không biết thì không thể chọn họ. Tôi sẽ đề cử một người cho các anh. Con trai tôi, 25 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, nó chuyên về các hiệu ứng đặc biệt và sản xuất video. Mặc dù nó tin đức chúa trời chưa lâu và không mưu cầu lẽ thật lắm, nhưng nghiệp vụ đều hơn tất các các anh. Có ai trong số các anh chuyên nghiệp không?”. Và mọi người trả lời: “Chúng tôi không được xem là chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi đã thực hiện bổn phận trong thời gian khá dài và hiểu các nguyên tắc của công tác này trong nhà Đức Chúa Trời. Cậu ta có hiểu không?”. “Không hiểu cũng không sao; nó có thể học”. Mọi người nghe xong đều thấy đúng và thuận theo những gì họ nói, họ đề bạt ai, mọi người cũng tán thành. Cứ như vậy, một chức vụ quan trọng khác lại bị kẻ địch lại Đấng Christ kiểm soát. Tiếp theo, kẻ địch lại Đấng Christ nghĩ đến chuyện nhà Đức Chúa Trời rất coi trọng công tác phúc âm, nhưng người phụ trách rao truyền phúc âm không phải người của họ, nên người này cũng phải được thay thế. Làm thế nào để thay thế? Dùng cách thức tương tự: bắt lỗi. Họ hỏi: “Đối tượng được rao truyền phúc âm lần trước, bây giờ ra sao?”. Có người trả lời: “Họ tin được một tháng, nhưng sau khi nghe một số lời tuyên truyền tiêu cực thì họ không còn tin nữa”. Kẻ địch lại Đấng Christ hỏi: “Tại sao không tin nữa? Có phải vì các anh đã không thông công rõ ràng phương diện lẽ thật về các khải tượng không? Hay vì các anh lười biếng, sợ hoàn cảnh và sợ đặt mình vào nguy hiểm, nên không thông công rõ ràng cho họ? Hay các anh không quan tâm họ kịp thời? Hay các anh không giúp họ giải quyết khó khăn?”. Họ hỏi liên tục một loạt các câu hỏi. Dù người khác có nói hay giải thích thế nào thì cũng không có tác dụng; kẻ địch lại Đấng Christ vẫn nói rằng người phụ trách của nhóm phúc âm có quá nhiều vấn đề, khuyết điểm của họ quá lớn, họ vô trách nhiệm, và không đủ để đảm nhiệm công tác này, nên buộc phải cách chức họ. Và sau khi người phụ trách bị cách chức, kẻ địch lại Đấng Christ nói: “Chị em nào đó đã từng truyền bá phúc âm và cũng có kinh nghiệm, tôi thấy cô ấy không tệ”. Nghe vậy, mọi người nói: “Đây là chị gái của anh! Mặc dù khá biết ăn nói, nhưng nhân tính không tốt, danh tiếng rất xấu, nên không thể dùng cô ta”, và anh chị em đều không đồng ý. Kẻ địch lại Đấng Christ nói: “Nếu các anh không đồng ý thì nhóm phúc âm sẽ bị giải tán. Các anh không được rao truyền phúc âm nữa, các anh không có khả năng thực hiện tốt bổn phận này. Nếu không, các anh có thể chọn một người phù hợp làm nhóm trưởng, và chị gái tôi sẽ làm nhóm phó!”. Anh chị em chọn ra một người, và kẻ địch lại Đấng Christ miễn cưỡng đồng ý, với điều kiện chị gái họ phải làm nhóm phó. Sau khi đạt được đồng thuận như vậy, nhóm phúc âm miễn cưỡng được giữ lại.

Dù ở đâu hay liên quan đến công tác nào, kẻ địch lại Đấng Christ cũng phải bổ nhiệm những người thân tín, những người đứng về phía họ. Sau khi kẻ địch lại Đấng Christ trở thành lãnh đạo và có địa vị, điều đầu tiên họ làm không phải là hiểu rõ tình hình lối vào sự sống của thành viên các nhóm, hay tình hình tiến triển công tác của những người này, hay nên giải quyết những khó khăn khác nhau mà những người này gặp phải trong công tác của mình thế nào, và liệu có bất kỳ vấn đề hay khó khăn nào còn tồn tại hay không; thay vào đó, họ nghe ngóng tình hình nhân sự của các nhóm, xem rốt cuộc ai là trưởng nhóm, rốt cuộc ai có thể chống lại họ trong các nhóm và ai có thể đe doạ địa vị của họ sau này. Họ nắm bắt rất rõ những chuyện này, nhưng không bao giờ hỏi thăm tình hình công tác của hội thánh. Họ không bao giờ hỏi thăm tình hình của anh chị em, lối vào sự sống của anh chị em, hay đời sống hội thánh đang như thế nào, và họ càng không muốn quan tâm đến. Nhưng họ nắm chắc người phụ trách mỗi nhóm: liệu những người này có phải là người thân tín của họ không, có thể hoà hợp với họ không, có thể gây ra mối đe doạ đối với quyền lực hoặc địa vị của họ không. Họ tìm ra được những chuyện này một cách vô cùng rõ ràng. Đối với bất kỳ ai trong nhóm mà tương đối ngay thẳng và có thể nói thật, thì kẻ địch lại Đấng Christ đều cho rằng phải đề phòng và tuyệt đối không được để người này có địa vị; nhưng họ lại xem trọng người biết nịnh nọt, có thể bợ đỡ, có thể nói những lời có vẻ thuận tình, và biết nhìn ánh mắt để hành động. Trong lòng kẻ địch lại Đấng Christ có thiện cảm với những người này, dự định đề bạt và trọng dụng những người này. Họ còn nghĩ đến việc đưa những người này đi cùng tới bất cứ đâu, cho nghe nhiều bài giảng đạo hơn và bồi dưỡng những người này trở thành người thân tín. Đối với những người trong hội thánh mà mưu cầu lẽ thật, có tinh thần chính nghĩa và dám nói thật, người luôn tôn cao Đức Chúa Trời và làm chứng cho Ngài, người có thể không khuất phục trước thế lực, địa vị hay quyền thế tà ác – thì trong lòng họ sẽ đề phòng, chán ghét, kỳ thị, và bài xích. Tuy nhiên, đối với những người nịnh nọt họ, đặc biệt là người nhà, họ hàng xa, những người có thể vây quanh họ thì được họ coi là người của họ và được xem như người nhà. Tất cả những người dưới quyền thế kẻ địch lại Đấng Christ, có thể vây quanh họ, có thể nhìn ánh mắt họ và nghe ẩn ý của họ mà làm việc, cũng như thực hiện theo nguyện vọng của họ – những người này không có lương tâm hay lý trí, không có nhân tính và không hề có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Những người này là những người không tin. Bất kể những người này làm chuyện xấu gì, thì kẻ địch lại Đấng Christ vẫn nuôi dưỡng, bảo vệ, coi như người nhà và quy về dưới quyền thế của mình – như thế, thiên hạ của kẻ địch lại Đấng Christ được hình thành.

Ai tạo nên thiên hạ của kẻ địch lại Đấng Christ? Trước tiên, kẻ địch lại Đấng Christ là người đứng đầu, là thủ lĩnh, là vua có quyền lực tuyệt đối, bảo sao làm vậy trong thiên hạ này. Những người có quan hệ huyết thống với họ, họ hàng trực hệ, người thân tín, anh em bạn bè, người hâm mộ cuồng nhiệt, những người tự nguyện làm tùy tùng của họ và nghe họ sai bảo, cũng như những người tự nguyện nhập bọn và thông đồng với họ, và những người, bất kể sự an bài và sắc lệnh hành chính của nhà Đức Chúa Trời quy định như thế nào, bất kể lời Đức Chúa Trời và nguyên tắc lẽ thật phán như thế nào, vẫn tự nguyện bán mạng họ, hy sinh bản thân vì họ, ra sức vì họ – những người này đều là thành viên trong thiên hạ của kẻ địch lại Đấng Christ. Tất cả họ tập hợp lại thành bè lũ ngoan cố của kẻ địch lại Đấng Christ. Những thành viên trong thiên hạ của kẻ địch lại Đấng Christ này làm gì? Họ có thực hiện bổn phận và làm mọi công tác theo quy định và nguyên tắc của nhà Đức Chúa Trời không? Họ có làm theo yêu cầu của Đức Chúa Trời cũng như xem lời Ngài và lẽ thật như là nguyên tắc cao nhất không? (Thưa, không.) Khi những người này tồn tại trong hội thánh, liệu lẽ thật và lời Đức Chúa Trời có thể không gặp trở ngại gì không? Không những không thể mà còn vì sự nhiễu loạn, mê hoặc, và phá hoại của bè lũ kẻ địch lại Đấng Christ, nên lời Đức Chúa Trời, lẽ thật mà Ngài bày tỏ, và yêu cầu của Ngài đối với con người không thể triển khai được trong hội thánh, và không có cách nào được tiến hành. Khi thiên hạ của kẻ địch lại Đấng Christ tồn tại, những người được Đức Chúa Trời chọn không có đời sống hội thánh bình thường, cũng không thể thực hiện bổn phận một cách bình thường, càng không đạt đến làm việc theo nguyên tắc lẽ thật; mọi công tác trong hội thánh đều bị kẻ địch lại Đấng Christ kiểm soát. Ở mức độ nhẹ thì bị kẻ địch lại Đấng Christ quấy nhiễu đến mức hỗn loạn vô cùng, lòng người hoang mang, công tác không có bất cứ tiến triển gì, và con người không biết nên làm thế nào để làm tốt công tác hoặc thực hiện tốt bổn phận của mình; chính là một tình trạng hỗn loạn. Ở mức độ nghiêm trọng, mọi công tác đều trong tình trạng tê liệt, không ai quan tâm hay hỏi đến. Cho dù một mấy người có thể cảm giác được có vấn đề ở đây, thì họ cũng không thể phân định ra được rằng vấn đề này do kẻ địch lại Đấng Christ gây ra; họ cũng bị kẻ địch lại Đấng Christ làm cho đầu óc rối mù, không biết ai đúng ai sai; ngay cả khi một vài người có thể nhìn ra một ít vấn đề và muốn lên tiếng hoặc chủ trì công tác, nhưng họ không có cách nào đảm nhận công tác. Kẻ địch lại Đấng Christ đàn áp bất cứ ai đứng ra vạch trần họ, hoặc có tinh thần chính nghĩa cũng như muốn đảm đương công tác. Họ đàn áp những người này đến mức nào? Nếu ngươi không dám lên tiếng, nếu ngươi xin tha thứ, không dám tố giác, không dám báo cáo lên cấp trên, hoặc nêu ra vấn đề trong công tác của họ, không dám thông công lẽ thật hoặc không dám nhắc đến từ “Đức Chúa Trời”, thì kẻ địch lại Đấng Christ sẽ tha cho ngươi. Nếu ngươi giữ vững nguyên tắc và vạch trần họ, họ sẽ nghĩ đủ mọi cách để trừng trị ngươi, dùng mọi cách thức để định tội và đàn áp ngươi, thậm chí mê hoặc các thành viên trong thiên hạ của họ, cùng với những người ba phải, và những người hèn nhát, nhát gan, sợ hãi trước thế lực của kẻ địch lại Đấng Christ khác, để vứt bỏ và đàn áp ngươi. Cuối cùng, một số người có đức tin và vóc giạc nhỏ bé sẽ bị kẻ địch lại Đấng Christ đánh gục. Như thế là kẻ địch lại Đấng Christ vui rồi; đã đạt được mục đích của mình rồi. Sau khi họ có quyền lực, để nắm quyền lực này và củng cố địa vị, họ không chỉ để người thân và những người mà họ có mối quan hệ tốt đảm nhận công tác quan trọng của hội thánh mà còn thu nạp những người không có mối quan hệ nào với mình để phục vụ và bán mạng cho họ, mục đích là để sau này họ sẽ không mất địa vị và luôn có quyền lực trong tay. Đối với họ, thiên hạ của họ càng có nhiều thành viên thì thế lực và quyền lực của họ càng lớn. Quyền lực càng lớn, thì những người có thể phản kháng họ, có thể nói “không” với họ, và dám vạch trần họ càng sợ họ. Đồng thời, những người như thế sẽ càng ít đi. Con người càng sợ họ thì họ càng có vốn liếng để chống chọi với nhà Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời; họ không còn sợ Đức Chúa Trời, và không sợ nhà Đức Chúa Trời xử lý họ. Xét từ dục vọng quyền lực, cách thức xử lý quyền lực và những hành vi khác nhau của kẻ địch lại Đấng Christ, thì thực chất của họ là kẻ thù của Đức Chúa Trời; họ là Sa-tan và ma quỷ.

Kẻ địch lại Đấng Christ sẽ làm những chuyện gì sau khi thành lập thiên hạ của riêng mình? Họ có lo lắng đến phát cáu về việc công tác phúc âm của hội thánh đang như thế nào không? Họ có quan tâm hay đoái hoài gì không? Họ chỉ tuần tra khắp nơi, làm cho có lệ và đối phó dăm ba câu là xong chuyện. Mục đích tuần tra khắp nơi của họ là gì? Vì sao họ đi khắp nơi và xem tình hình của anh chị em không? Có phải vì họ quan tâm đến tình hình lối vào sự sống của anh chị em không? Không phải. Họ muốn xem liệu có ai trong phạm vi thế lực của mình muốn phản kháng không, có ai nhìn họ một cách nghi ngờ, hoặc dám nói “không” với họ, dám không thật thà hoặc không nghe lời họ không; họ phải tận mắt nhìn thấy và trực tiếp nắm bắt tình hình. Đó là một phương diện. Hơn nữa, sau khi kẻ địch lại Đấng Christ thành lập được thiên hạ của mình, họ danh chính ngôn thuận lên làm vua rồi – nếu ngươi nói họ là bá chủ, cường hào ác bá, tướng giặc, thì họ cũng mặc kệ, miễn là họ có địa vị và quyền lực là được. Trong phạm vi thế lực, trong thiên hạ của mình, họ nắm mọi quyền hành trong tay, là người có tiếng nói quyết định. Đồng thời, họ cũng được hưởng sự sùng bái, ngưỡng vọng và xem trọng của bè lũ, cũng như những sự a dua bợ đỡ, nịnh nọt lấy lòng, thậm chí là tất cả những cảm giác về sự ưu việt và đãi ngộ đặc biệt. Ngươi có nghĩ rằng kẻ địch lại Đấng Christ nắm quyền lực chỉ để đứng ở địa vị cao mà nói chuyện không? Có phải họ chỉ nhằm thoả mãn một loại dục vọng như vậy không? Không phải. Họ muốn đạt được thứ gì đó thực tế hơn: họ muốn hưởng thụ tất cả sự đãi ngộ mà địa vị và quyền lực mang lại trong thiên hạ của họ. Từ sau khi kẻ địch lại Đấng Christ thành lập được thiên hạ, có được bè lũ ngoan cố của mình, thì cuộc sống của họ thoải mái hơn cả các vị hoàng đế thời xưa. Họ chẳng phải làm gì: chỉ cần nói một lời là chuyện muốn làm sẽ xong, thứ muốn có sẽ được mang đến. Ví dụ, kẻ địch lại Đấng Christ nói: “Hôm nay trời đẹp, sao tôi lại muốn ăn thịt gà đến vậy?”. Trước buổi trưa, đã có người hầm gà mái. Trong bữa trưa, kẻ địch lại Đấng Christ nói: “Chúng ta tin đức chúa trời nên không được uống rượu, nhưng đồ giải khát thì sao?”. Mọi người vừa nghe người đứng đầu ra mệnh lệnh, thì nhanh chóng đi mua đồ giải khát. Chẳng phải họ có được mọi thứ mình muốn sao? Chỉ cần họ chìa tay ra, mở miệng, mọi thứ sẽ được mang đến, cầu được ước thấy. Cuộc sống của họ trôi qua thật thoải mái. Sau đó, kẻ địch lại Đấng Christ nói: “Hôm nay trời lạnh. Chiếc áo len năm ngoái bị côn trùng cắn thủng một lỗ, tiếp tục mặc thì khó coi lắm, ảnh hưởng đến hình ảnh. Tôi không biết năm nay lấy áo len ở đâu mà mặc”. Khi có người đề nghị mua cho họ một vài chiếc áo len, thì họ còn nói không thể mua tuỳ tiện vì phải phù hợp với thể thống thánh đồ, và tiêu tiền phải có nguyên tắc. Sau khi họ nói xong, chẳng bao lâu sau có người đã mua cho họ vài chiếc áo len. Sau khi người này mua đến, kẻ địch lại Đấng Christ cảm thấy nếu không đánh tiếng thì có vẻ hơi cố ý đòi hỏi, nên họ nói: “Ai mua những thứ này? Đây chẳng phải là vi phạm nguyên tắc sao? Chẳng phải sẽ khiến tôi phạm sai lầm sao? Ai mua vậy? Tôi sẽ trả tiền cho họ”. Họ bảo vợ tạm ứng một số tiền từ của lễ của hội thánh trước, và nói sẽ trả lại khi họ có tiền. Thực ra, họ chỉ thuận miệng nói và hoàn toàn không có ý định trả lại. Kẻ địch lại Đấng Christ thực sự muốn gì có nấy, hưởng thụ hết mọi thứ có sẵn. Và trong lòng, họ có tự trách sau khi hưởng thụ những thứ này không? Họ có cảm thấy cắn rứt lương tâm không? (Thưa, không.) Làm sao họ có thể thấy cắn rứt được? Đây chính là những gì họ mưu cầu, là những gì họ ngày nhớ đêm mong, trông chờ đã lâu – làm sao họ có thể từ chối được? Họ không thể lãng phí lợi thế này, nếu không tận dụng thì sẽ hết giá trị và không còn nữa; một khi đã tận dụng rồi thì vẫn phải nói một ít lời tốt đẹp, khiến người bỏ tiền ra sẽ tự nguyện, không dám có ý nghĩ khác.

Trong thiên hạ của mình, kẻ địch lại Đấng Christ không chỉ tiếp nhận các loại đãi ngộ và sự phục vụ đặc biệt do thuộc hạ cung cấp mà còn muốn huấn luyện những người này trong thiên hạ của mình để tuyệt đối phục tùng mình. Ví dụ, nếu kẻ địch lại Đấng Christ bảo mọi người thức dậy lúc 5 giờ sáng thì mọi người phải dậy trước 5 giờ sáng. Người dậy muộn sẽ phải chịu sự tỉa sửa – phải xem sắc mặt của kẻ địch lại Đấng Christ. Trong bữa ăn, không ai dám ngồi vào bàn nếu kẻ địch lại Đấng Christ chưa ngồi vào bàn, không ai dám ăn trước khi kẻ địch lại Đấng Christ động đũa. Họ nói muốn làm chuyện gì, thì phải làm chuyện đó; họ quyết định làm như thế nào thì người khác cũng phải nghe theo, không phục tùng thì không được. Trong thiên hạ của mình, họ là đại ca, là vua, họ bảo sao thì làm vậy – ai không nghe sẽ phải bị trừng trị. Các thuộc hạ được họ huấn luyện đến mức họ nói gì nghe nấy, không dám làm trái dù chỉ một chút, và cảm thấy những gì họ bảo đều nên làm và đáng làm, đều là bổn phận và nghĩa vụ của mình. Dưới ngọn cờ tin Đức Chúa Trời và thực hiện bổn phận, các thuộc hạ của kẻ địch lại Đấng Christ thì nói gì nghe nấy, nâng niu họ trong lòng bàn tay, tôn thờ họ làm vua và chủ nhân. Nếu bất kỳ ai có ý nghĩ hoặc nhận định về kẻ địch lại Đấng Christ, có quan điểm khác với của kẻ địch lại Đấng Christ, thì sẽ bị họ nghĩ đủ mọi cách bác bỏ, hạ thấp, mổ xẻ, xét đoán, định tội và đàn áp, họ sẽ không dừng lại cho đến khi người đó có thể ngoan ngoãn với họ. Trong thiên hạ của mình, kẻ địch lại Đấng Christ sống như cá gặp nước, vô cùng thoải mái. Tiền bạc mà anh chị em dâng lên đều phải thuộc về kẻ địch lại Đấng Christ, bất cứ thứ gì kẻ địch lại Đấng Christ thiếu thì anh chị em đều phải cung cấp. Anh chị em phải kịp thời cung cấp bất cứ nhu cầu nào mà kẻ địch lại Đấng Christ có để có thể thỏa mãn yêu cầu của họ, làm cho họ vui vẻ. Kẻ địch lại Đấng Christ đã huấn luyện những người này giống như nô lệ. Bài giảng đạo thường xuyên nhất của họ là về chuyện họ đã chịu đau khổ và trung thành như thế nào, cũng như mọi người nên hiểu và nghe lời họ như thế mới có thể đạt đến thỏa mãn Đức Chúa Trời, mới là làm việc theo các nguyên tắc lẽ thật. Kẻ địch lại Đấng Christ giảng những bài giảng đạo cao siêu, hô khẩu hiệu, và giảng đạo lý hoàn toàn phù hợp với quan niệm và tưởng tượng của con người, khiến mọi người đều sùng bái và bái phục họ. Đồng thời, họ tránh được mọi sự ngờ vực, hoài nghi hoặc phân định đối với mình một cách hiệu quả, cũng như tránh được việc có một số người có ý nghĩ vạch trần hoặc phân định họ hoặc có ý nghĩ phản bội họ. Như thế, quyền lực của họ sẽ có thể bất diệt, sẽ có thể được củng cố trong hội thánh mà không có bất kỳ biến số nào. Có phải kẻ địch lại Đấng Christ đang nghĩ khá xa không? Vậy, mục đích của họ sau khi làm tất cả những việc này là gì? Chỉ hai từ thôi – quyền lực. Cho dù đó là người bên trong hay bên ngoài thiên hạ của họ, là bè lũ ngoan cố của họ hay anh chị em có sự phân định với họ, thì điều mà kẻ địch lại Đấng Christ sợ hãi và băn khoăn nhất về những người này là gì? Chính là những người này có thể hiểu lẽ thật, có thể đến trước Đức Chúa Trời, có sự phân định với họ, và vứt bỏ họ. Đây là điều mà họ sợ hãi nhất. Một khi bị mọi người vứt bỏ, họ trở thành chỉ huy không lính, mất địa vị và uy danh, quyền lực cũng bị tước bỏ. Vì vậy, trong lòng họ cho rằng chỉ có củng cố thiên hạ của mình, ổn định được bè lũ ngoan cố, mê hoặc và kiểm soát một cách cứng rắn những người đi theo họ, nắm chắc những người này trong tay, thì quyền lực của họ mới vững chắc. Như thế, họ sẽ nắm chắc đãi ngộ đặc biệt mà mình muốn hưởng thụ, một đãi ngộ đặc biệt mà quyền lực mang lại. Một số kẻ địch lại Đấng Christ đặc biệt nhanh trí trong cách đối nhân xử thế, biết lôi kéo mọi người. Trong thiên hạ mà họ quản lý, có những người chạy việc vặt cho họ, có những người chuyên cung cấp nhu cầu vật chất cho họ, và có những người thu thập thông tin hoặc điều đình thay cho họ – có đủ loại người. Trong phạm vi thế lực mà kẻ địch lại Đấng Christ quản lý, nếu không ai có tố chất tốt, không ai mưu cầu lẽ thật, và không ai giữ vững nguyên tắc lẽ thật, thì kẻ địch lại Đấng Christ có thể kiểm soát hội thánh trong thời gian dài, và những người trong hội thánh này sẽ bị làm hỏng hoàn toàn và bị mê hoặc đến mức không thể cứu vãn. Ngay cả khi Bề trên cử người hỏi thăm công tác, thì cũng chẳng ăn thua gì. Hội thánh này đã bị kẻ địch lại Đấng Christ kiểm soát đến mức cây kim cũng không xuyên qua được, nước cũng không lọt vào được – đây là pháo đài kiên cố của họ. Bất kể ai vạch trần và mổ xẻ kẻ địch lại Đấng Christ, hay ai thông công nguyên tắc lẽ thật, thì những người bị mê hoặc đó cũng không nghe lọt tai mà sẽ đứng về phía kẻ địch lại Đấng Christ, đối đầu với lẽ thật cũng như định tội người vạch trần và mổ xẻ kẻ địch lại Đấng Christ.

Kẻ địch lại Đấng Christ, bè lũ ngoan cố, và thành viên trong thiên hạ của họ luôn cùng nhau bàn bạc và nghiên cứu những chuyện trong nhà Đức Chúa Trời: Ai đã được chuyển đến đâu? Ai đã bị cách chức? Bề trên đã ban hành một mối thông công và bài giảng khác về việc vạch trần điều gì đó – chúng ta có nên công bố không? Chúng ta sẽ công bố như thế nào? Công bố cho ai trước, cho ai sau? Chúng ta có cần động tay động chân vào đây và tiến hành một số sự chỉnh sửa hoặc cắt bớt không? Gần đây, ai đã liên lạc với bên ngoài? Bề trên đã cử ai xuống chưa? Có ai trong số những người này đã tiếp xúc với người bên dưới chưa? Họ thường cùng nhau bàn bạc những chuyện này; họ thường thông đồng, cấu kết, bàn bạc đối sách, quỷ kế, và biện pháp để ứng phó với tất cả sự an bài công tác của Bề trên; họ cũng thường xuyên bàn bạc và nghiên cứu về tình hình của anh chị em bên dưới. Kẻ địch lại Đấng Christ và thành viên trong thiên hạ của mình suốt ngày cấu kết với nhau, cấu kết với nhau làm việc xấu. Khi ở cùng nhau, họ không thông công về lẽ thật hay tâm ý của Đức Chúa Trời, càng không thông công về công tác của hội thánh hoặc cách để thực hiện tốt bổn phận, nâng cao tiến độ công tác của hội thánh, hoặc dẫn dắt anh chị em bước vào thực tế của lời Đức Chúa Trời, hay cách ứng phó với môi trường bên ngoài. Họ không bao giờ thông công về những chuyện đúng đắn này, mà nghiên cứu xem ai thân cận với ai, những người này bàn tán về ai khi ở bên nhau, liệu có bàn tán về lãnh đạo sau lưng không; và họ để ý đến việc nhà ai có tiền, liệu đã dâng của lễ hay chưa. Họ luôn nói về những chuyện này sau lưng, luôn xét đoán anh chị em và việc an bài công tác của Bề trên – họ nghĩ hết mọi biện pháp để đối phó với anh chị em và Bề trên. Những chuyện họ làm sau lưng đều đáng xấu hổ: Không hãm hại hội thánh thì cũng hãm hại anh chị em; họ luôn giở trờ và làm to chuyện với các anh chị em có tố chất tốt và mưu cầu lẽ thật, họ luôn muốn hủy hoại và bôi nhọ những người tốt. Dù làm chuyện gì thì kẻ địch lại Đấng Christ luôn bàn bạc với người trong phe của mình – ở đây có âm mưu và quỷ kế. Không lời nào mà bè lũ của kẻ địch lại Đấng Christ nói có thể chịu nổi sự phân tích; một khi phân tích kỹ, thì ở đây đều có vấn đề. Với những người bên ngoài thiên hạ của mình, họ giấu nghề và đề phòng; còn trong thiên hạ của kẻ địch lại Đấng Christ, thì nhóm người bọn họ nói bất cứ điều gì: Họ xét đoán anh chị em, công tác của nhà Đức Chúa Trời, lãnh đạo cấp trên – thậm chí cả Đức Chúa Trời. Lời nào cũng nói được. Nhưng khi có mặt người bên ngoài thiên hạ, họ lại nói chuyện lấp liếm, ngập ngừng, nói lập lờ, thậm chí dùng một số tiếng lóng mà người bên ngoài nghe không hiểu được. Một cái nháy mắt của họ cũng đại diện cho một loại ý nghĩa, một nụ cười kỳ dị cũng đại diện cho một loại ý nghĩa, thậm chí một tiếng khịt mũi hoặc tiếng ho cũng đại diện cho một ý nghĩa – đây đều là những ám hiệu của họ. Đôi khi, họ gãi đầu, ngoáy tai, dậm chân, xoa tay cũng đều đại diện cho một ý nghĩa. Đây là những biểu hiện thường có của bè lũ kẻ địch lại Đấng Christ, cũng là những hành vi khác nhau mà họ biểu hiện ra sau khi nắm quyền lực trong hội thánh. Xét từ những hành vi và biểu hiện khác nhau của họ, cũng như mổ xẻ họ từ góc độ nhân tính, thì nhóm người này là hạng người gì? Có phải là những kẻ giả dối và tà ác không? (Thưa, phải.) Những người này có tinh thần chính nghĩa không? Họ có lương tâm hay đạo đức không? Họ có trung thực không? Đều không có. Những người này mặt dày không biết xấu hổ. Họ dùng của lễ mà anh chị em dâng lên và cảm thấy là chuyện đương nhiên; đồng thời, họ làm xằng làm bậy và hoành hành ngang ngược trong nhà Đức Chúa Trời, hãm hại anh chị em – họ không muốn kiếm cơm nhờ tôn giáo tạm thời, mà kiếm cơm mỗi ngày, từ đời này sang đời khác. Đây chẳng phải ma quỷ ăn thịt và uống máu người sao? Họ không biết xấu hổ! Kẻ địch lại Đấng Christ và bè lũ luôn cùng nhau bàn bạc chuyện “quốc gia đại sự”. Nhưng chuyện họ bàn bạc sau lưng có đáng xấu hổ không? (Thưa, có.) Họ bàn bạc chuyện gì? Họ có thông công công tác của hội thánh không? Họ có cảm thấy gánh nặng vì công tác của hội thánh không? Ở một số nơi, hội thánh đang trong tình huống bị quản chế và anh chị em đang bị con rồng lớn sắc đỏ và chính quyền bám đuôi, theo dõi. Thậm chí, hầu hết anh chị em đều bị chính quyền kiểm soát và đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ và bỏ tù. Họ có quan tâm không? Họ có nghĩ biện pháp bảo vệ anh chị em, giúp anh chị em tránh bị bách hại và sự đau khổ trong tù không? Sau lưng, họ có bàn bạc về cách để có thể bảo quản tốt sổ sách, tài sản, v.v. của hội thánh, khiến hội thánh tránh bị tổn thất không? Nếu Giu-đa xuất hiện trong hội thánh, liệu họ có thể xử lý kịp thời, nhanh chóng sắp xếp một nơi an toàn cho những anh chị em có liên quan để bảo vệ tốt cho họ không? Họ có thể làm những chuyện này không? (Thưa, không thể.) Khi con người có quyền lực, họ có thể làm chuyện tốt, cũng có thể làm chuyện xấu. Vậy, kẻ địch lại Đấng Christ làm chuyện gì khi họ có quyền lực? (Thưa, làm chuyện xấu.) Họ làm những chuyện xấu nào? (Thưa, họ nghĩ biện pháp trừng trị bất cứ ai không nghe theo mình. Khi nhà Đức Chúa Trời cử một số lãnh đạo và chấp sự đến để hỏi thăm về công tác, họ sẽ nghĩ biện pháp tránh xa hoặc nắm thóp, xét đoán, định tội những người này, và tìm lý do để xua đuổi, không cho phép những người này hỏi thăm về công tác và phát hiện ra vấn đề của họ.) Một số kẻ địch lại Đấng Christ thì làm hoàn toàn ngược lại. Họ sợ anh chị em phản ánh vấn đề của mình nên họ giám sát các lãnh đạo được Bề trên cử đến, chiêu đãi bằng đồ ăn thức uống ngon, không cho phép những người này tiếp xúc với anh chị em bên dưới. Khi lãnh đạo hỏi về tình hình của anh chị em, họ nói: “Tất cả đều rất tốt. Hiện tại, công tác phúc âm của chúng tôi ở đây đang tiến triển thuận lợi. Chúng tôi đã giải quyết được các vấn đề hoàn cảnh, đã khai trừ Giu-đa phản bội; chúng tôi cũng đã xử lý và thanh trừ những kẻ gây nhiễu loạn công tác của hội thánh, và sách lời Đức Chúa Trời được phân phát bình thường. Không có vấn đề gì cả!”. Trong khi nói những lời này, họ vẫn phải phản ánh một ít chuyện về người khác. Khi Bề trên đến điều tra họ, nếu họ hoài nghi có người đã tố giác họ, thì họ sẽ cố tình phản ánh vấn đề của người đó để đánh lạc hướng lãnh đạo cấp trên và khiến lãnh đạo hiểu nhầm rằng người tố giác kẻ địch lại Đấng Christ mới có vấn đề, để ngăn cản lãnh đạo nghe ngóng và hiểu rõ tình hình công tác thực tế của hội thánh và phát hiện ra những vấn đề của họ, như thế họ sẽ không bị cách chức và không gặp nguy hiểm. Mục đích của kẻ địch lại Đấng Christ trong việc bảo vệ thiên hạ của mình là làm cho quyền lực của họ được củng cố và hiệu quả, cho nên họ bồi dưỡng nhiều tuỳ tùng, tay sai, bè lũ ngoan cố và thân tín. Mục đích của họ khi bồi dưỡng những người này là có thể nắm quyền lực cho thật tốt, để quyền lực của mình không bị suy yếu hoặc bị tước bỏ.

Kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình, và điều đầu tiên họ làm sau khi trở thành lãnh đạo là muốn nắm quyền lực. Các ngươi đã nghĩ đến bất kỳ ví dụ thực tế nào liên quan đến việc kẻ địch lại Đấng Christ nắm quyền lực chưa? (Thưa, trước đây, có một lãnh đạo hội thánh là kẻ địch lại Đấng Christ. Chỉ cần có người đưa ra ý kiến hoặc vạch trần họ thì họ sẽ đàn áp người đó và tịch thu sách lời Đức Chúa Trời của người đó. Con đã đến một số buổi nhóm họp các tổ tại các hội thánh của họ để nghe ngóng tình hình. Kẻ địch lại Đấng Christ sợ những việc ác của họ bị bại lộ nên đã nghĩ biện pháp đuổi con đi, còn nắm được sơ hở và nói rằng con đã tự tham gia nhóm họp mà không có sự đồng ý của họ. Sau đó, lãnh đạo cấp trên cử người đến nghe ngóng tình hình, kẻ địch lại Đấng Christ đã vu khống con, nói con không tốt ra sao, thậm chí còn quản thúc con và bảo anh chị em không được tiếp xúc với con. Vào thời điểm đó, kẻ địch lại Đấng Christ này còn kết hợp với một lãnh đạo và một chấp sự để kiểm soát tám hội thánh. Cuối cùng, trả qua mấy tháng thông công và phân định, anh chị em mới bài trừ được bè lũ kẻ địch lại Đấng Christ này.) Đây là cách kẻ địch lại Đấng Christ làm việc. Bất cứ họ làm chuyện gì trong hội thánh thì đều là để nắm quyền lực và kiểm soát mọi người. Họ đặc biệt nhạy cảm với bất cứ ai đe dọa địa vị và quyền lực của mình. Khứu giác của họ cực kỳ nhanh nhạy với loại chuyện này, và có thể ngay lập tức ý thức được rằng chuyện này bất lợi cho họ và có thể đe dọa đến địa vị của họ. Đây chẳng phải tà ác sao? Tại sao kẻ địch lại Đấng Christ lại nhạy cảm với chuyện này đến vậy? Tại sao những người khác lại không có tri giác gì? Việc này liên quan đến bản tính của họ; chỉ kẻ địch lại Đấng Christ mới có thể ý thức được những chuyện này. Điều này chứng minh một điểm: Kẻ địch lại Đấng Christ có thực chất như vậy. Dục vọng với quyền lực của họ là vượt mức bình thường và họ có một dục vọng đặc biệt. Khi có người đến hội thánh họ phụ trách, họ sẽ phải nghiên cứu những người này, nghĩ rằng: “Người này có thể đe doạ địa vị và uy danh của mình không? Họ đến để đề bạt hay cách chức mình? Họ đến để nghe ngóng vấn đề của mình hay để thông công bình thường về công tác?”. Họ nghe ngóng những điều này trước tiên. Họ đặc biệt nhạy cảm với những chuyện này vì họ có cảm tình và dục vọng đặc biệt với địa vị và quyền lực; họ sống vì quyền lực và địa vị. Họ cảm thấy nếu mất quyền lực, không có bao nhiêu tuỳ tùng trong tay, và trở thành chỉ huy không lính, thì sống sẽ không còn ý nghĩa. Cho nên, về địa vị và quyền lực mà kẻ địch lại Đấng Christ giành được, dù họ phụ trách ba, năm, hay mười hội thánh thì họ đều cho rằng có càng nhiều càng tốt. Họ tuyệt đối sẽ không chắp tay nhường quyền lực cho người khác. Họ cho rằng đây là điều họ xứng đáng có được, là điều họ tranh đấu để có được, là điều họ đổi lấy được qua việc cải cách và thủ đoạn. Người khác muốn có được thì phải hy sinh mạng sống để đổi lấy. Cũng như con rồng lớn sắc đỏ – nếu có người nói thực hiện dân chủ để thay đổi chế độ độc tài, thúc giục Đảng Cộng Sản thực hiện bầu cử công bằng, thì con rồng lớn sắc đỏ sẽ nói gì? “Thực hiện dân chủ ư? Ngươi phải đổi bằng 20 triệu mạng người! Đảng Cộng Sản đã dùng máu tươi của biết bao người để đổi lấy mới có thể có được quyền lực này. Nếu muốn đoạt quyền, ngươi phải lấy máu tươi và mạng sống của từng đó người ra đổi!”. Kẻ địch lại Đấng Christ cũng vậy. Nếu ngươi muốn họ từ bỏ quyền lực, thì việc thông công lẽ thật để họ chịu phục là không đủ; họ sẽ tranh giành và chiến đấu với ngươi. Họ phải bảo vệ quyền lực của mình, cho dù có dùng phương pháp và thủ đoạn đê hèn đến đâu. Chỉ khi những người được Đức Chúa Trời chọn thức tỉnh và chung tay để vạch trần và bãi miễn họ thì mới có thể thành công. Chẳng phải kẻ địch lại Đấng Christ quá tà ác sao? Điều này hoàn toàn chứng thực và thể hiện tâm tính tà ác và hung ác của phải kẻ địch lại Đấng Christ. Họ không quan tâm liệu đối tượng bị kiểm soát có cam tâm tình nguyện không, có thực sự phục tùng họ không, có sẵn lòng thuận phục và đi theo họ không. Họ dùng quyền lực một cách mạnh mẽ để áp chế và kiểm soát mọi người. Ai không nghe là không được, ai không phục tùng sẽ bị trừng trị. Đây chính là kẻ địch lại Đấng Christ.

Vừa rồi, chúng ta đã thông công về một số cách làm và biểu hiện cụ thể về cách kẻ địch lại Đấng Christ nắm quyền lực. Từ những cách làm và biểu hiện này, chẳng phải chúng ta có thể nhìn ra rằng kẻ địch lại Đấng Christ có tâm tính và thực chất hung ác và tà ác sao? Có ai có thể thay đổi họ không? Liệu chúng ta có thể đạt đến làm cho họ từ bỏ cách làm nắm quyền lực bằng việc giảng đạo lý với họ, giảng về tình người cho họ, giảng một ít lẽ thật trong lời Đức Chúa Trời, tỉa sửa họ, hoặc cảm hóa họ bằng tình cảm chân thành không? (Thưa, không thể.) Có người nói: “Kẻ địch lại Đấng Christ chỉ là người có tâm tính bại hoại. Con người có cảm xúc. Nếu ngươi cảm hóa bằng tình cảm, nói rõ bằng lý lẽ, giải thích rõ mặt lợi và hại cho họ, thì khi hiểu được đạo lý, có thể họ sẽ không làm như vậy nữa. Có thể họ sẽ nhận lỗi, hối cải, và không đi con đường của kẻ địch lại Đấng Christ nữa. Có thể họ sẽ không thành lập thiên hạ của mình trong nhà Đức Chúa Trời, lôi kéo bè lũ ngoan cố của mình để nắm quyền lực trong nhà Đức Chúa Trời, và làm những chuyện không phù hợp với nhân tính và đạo đức”. Kẻ địch lại Đấng Christ có thể đạt được điều này không? (Thưa, không thể.) Có ai đã thay đổi được kẻ địch lại Đấng Christ chưa? Một số người nói: “Có lẽ từ nhỏ, họ không được mẹ giáo dục tử tế, đã làm hư họ rồi. Bây giờ, nếu mẹ họ nói chuyện với họ hoặc tìm người có uy danh cao nhất trong gia tộc của họ, hoặc người đã tin Đức Chúa Trời lâu năm nhất để giảng đạo lý cho họ, thì có thể họ sẽ ngừng làm những chuyện mà kẻ địch lại Đấng Christ làm”. Lời này có hợp lý không? (Thưa, không.) Tại sao không hợp lý? (Thưa, việc giảng đạo lý cho họ là không hiệu quả; càng giảng thì họ càng ác cảm, nếu tiếp tục vạch trần và tỉa sửa họ thì họ càng thù hận anh.) Đúng vậy. Họ chưa nghe lời Đức Chúa Trời và lẽ thật còn ít sao? Có kẻ địch lại Đấng Christ đã tin trong mười hoặc hai mươi năm mà vẫn không thay đổi. Họ đọc không ít lời Đức Chúa Trời, vậy tại sao không có thay đổi nào? Vì trong lòng họ tràn đầy điều ác nên ngay cả Đức Chúa Trời cũng không cứu rỗi họ, thì liệu một chút kiến thức và đạo lý đó của con người có thể thay đổi họ không? Trong xã hội loài người, đất nước có giáo dục, xã hội có luật pháp, tất cả đều khiến con người học điều tốt và tránh phạm tội. Vậy tại sao không thay đổi được con người? Giáo dục và chế độ của đất nước có tác động tích cực nào đến xã hội không? Những điều mà đất nước đề xướng có bất kỳ ý nghĩa hoặc giá trị giáo dục nào đối với nhân loại không? Chúng có đạt được hiệu quả không? (Thưa, không.) Ngay cả các cơ quan pháp chế của mỗi một quốc gia, chẳng hạn như trung tâm giáo dục trẻ vị thành niên và nhà tù, đều là những nơi sửa dạy con người ở mức cao nhất và nghiêm khắc nhất, nhưng liệu chúng có thay đổi được thực chất con người không? Một số kẻ hiếp dâm, trộm cắp và côn đồ lưu manh đã ra vào tù biết bao nhiêu lần, đều là những kẻ phạm tội nhiều lần, vậy cuối cùng thì họ đã thay đổi chưa? Chưa, không ai có thể thay đổi họ. Thực chất của một người là không thể thay đổi. Tương tự như vậy, thực chất của loại người như kẻ địch lại Đấng Christ cũng không thể thay đổi. Cách làm nắm quyền lực này đại diện cho thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ, và thực chất này không thể thay đổi. Thái độ của Đức Chúa Trời đối với loại người không thể thay đổi này là gì? Có phải Ngài cố hết sức để cảm hoá và cứu rỗi họ, rồi sau đó đạt đến thay đổi bản tính của họ không? Đức Chúa Trời có làm công tác này không? (Thưa, không.) Các ngươi hiểu rằng Đức Chúa Trời không làm công tác này, vậy các ngươi nên đối đãi với kẻ địch lại Đấng Christ như thế nào? (Thưa, vứt bỏ họ.) Trước tiên, hãy phân định và mổ xẻ; sau khi nhìn thấu thì vứt bỏ họ. Đừng chỉ dựa trên quan niệm và tưởng tượng của ngươi, thấy người nào đó kiêu ngạo và tự cho mình là đúng và giống như kẻ địch lại Đức Chúa Trời liền vứt bỏ. Chuyện này là không được; ngươi không được mù quáng. Thông qua tiếp xúc, nghe ngóng và phân định, ngươi dần dần nhận định và xác nhận họ là kẻ địch lại Đấng Christ. Trước tiên, hãy thông công và mổ xẻ họ với mọi người, phân định họ, rồi kết hợp với những người mưu cầu lẽ thật và có tinh thần chính nghĩa trong hội thánh để loại bỏ họ. Trước tiên là phân định và mổ xẻ, sau đó là vứt bỏ họ – đây là biện pháp tốt nhất để đối đãi với kẻ địch lại Đấng Christ. Đối với một số kẻ địch lại Đấng Christ giỏi nguỵ trang và khá giả dối, nếu ngươi, qua việc tiếp xúc với họ, đã nghe ngóng về họ và phân định được họ từ trước, xác định rằng họ là kẻ địch lại Đấng Christ, nhưng anh chị em vẫn chưa hiểu rõ về họ, không có sự phân định thực sự, khi ngươi thông công và mổ xẻ về họ cho anh chị em, thì anh chị em không những không tin hay thừa nhận họ là kẻ địch lại Đấng Christ mà còn nói: “Anh có thành kiến với họ; đây chỉ là cách nhìn của cá nhân anh” – thì ngươi làm thế nào đây? Nếu ngươi nói: “Dù sao thì tôi cũng đã phân định được họ rồi, tôi sẽ không bị họ mê hoặc hay kìm kẹp, tôi sẽ không nghe theo họ, càng không thể nào thuận phục họ. Tôi không quan tâm các anh có phân định được họ hay không. Tôi đã nói với các anh về những biểu hiện của họ và chuyện họ làm rồi, dù các anh có tin hay không, có nghe hay không, thì tôi cũng đã làm hết trách nhiệm của mình. Nếu các anh bị họ mê hoặc hay kiểm soát, nếu các anh nghe lời và đi theo họ, thì các anh đúng người đúng tội quả và đáng bị xui xẻo!”. Làm như vậy có được không? Đây có được xem là làm hết trách nhiệm không? Có được xem là trung thành với Đức Chúa Trời không? (Thưa, không.) Vậy, ngươi phải làm thế nào? Loại chuyện này xảy đến là không thể tránh khỏi và chắc chắn sẽ có những chuyện này. Một số người, dù nghe bao nhiêu bài giảng đạo, thì cũng không thể hiểu được lẽ thật, và không thể đối chiếu biểu hiện của kẻ địch lại Đấng Christ với bài giảng đạo đã nghe, hoặc phân định họ. Rõ ràng trước mặt là kẻ địch lại Đấng Christ nhưng những người này không thể nhìn thấu họ, lại còn bị họ mê hoặc. Nếu kẻ địch lại Đấng Christ không làm hại đến lợi ích thiết thân của những người này, không đích thân đàn áp, trách móc, tỉa sửa những người này hoặc phô bày ngay trước mặt những người này, thì những người này sẽ không thừa nhận họ là kẻ địch lại Đấng Christ. Ngay cả khi người khác nói ra sự thật cũng không được, có bằng chứng, thì những người này cũng không tin. Họ phải tận mắt chứng kiến những chuyện kẻ địch lại Đấng Christ làm và đích thân trải qua sự tàn hại của kẻ địch lại Đấng Christ trước khi có thể thừa nhận. Với tình huống này thì nên làm thế nào? (Thưa, cứ để họ đi theo kẻ địch lại Đấng Christ và bị tàn hại; chỉ sau khi bị tàn hại thì họ mới tỉnh ngộ.) Có phải hơi tàn nhẫn không? (Đây không phải tàn nhẫn với họ. Người như thế có thông công lẽ thật thì cũng không thể lĩnh hội được, chỉ có thể có ý thức và tỉnh ngộ sau khi bị tàn hại. Cho nên, chỉ có thể đối đãi với loại người này như thế thôi.) Đây là nguyên tắc. Có một số người, khi nghe ngươi nói điều tích cực, thì họ không hiểu được và không có khả năng lĩnh hội. Ví dụ, khi ngươi nói với họ: “Khu vực đó nguy hiểm; nếu anh đi một mình vào ban đêm thì dễ gặp phải cướp. Đã có mấy người gặp phải chuyện này rồi. Đừng đi vào ban đêm; hãy quay về sớm một chút!”. Họ không tin và khăng khăng đi một mình vào ban đêm mà không có ai đi cùng. Vậy thì ngươi cứ để họ đi một mình nhưng bí mật bảo vệ họ, đừng để họ thực sự xảy ra chuyện gì. Đây là thực hiện trách nhiệm. Khi có chuyện thực sự xảy ra, ngươi có thể bảo vệ họ, tránh cho họ xảy ra chuyện gì, sau đó còn có thể khiến họ học một bài học và ghi nhớ nó. Cuối cùng, họ sẽ tin những gì ngươi nói là đúng. Cho nên, đối với những người bị kẻ địch lại Đấng Christ mê hoặc và không thể phân định họ cho dù có được thông công bao nhiêu lẽ thật, thì chỉ có đợi họ chịu tổn hại sâu sắc, rút ra bài học và ghi nhớ thì mới có được sự phân định. Những người hồ đồ và không nghe khuyên giải không thể nhận thức thấu đáo sự tà ác và hung ác của kẻ địch lại Đấng Christ, vẫn có thể đối đãi và chúng sống với kẻ địch lại Đấng Christ như anh chị em, thậm chí giúp đỡ họ bằng lòng yêu thương và đối đãi với họ bằng sự chân thành, nói với họ những điều trong lòng mình. Kết quả là bị kẻ địch lại Đấng Christ hãm hại. Một số người phải bị hãm hại không một lần còn chưa được mà phải bị hãi hại nhiều lần thì cuối cùng mới có sự phân định. Khi đó, ngươi thông công và giúp đỡ họ, thì họ sẽ tin ngươi. Chiêu này không tệ, có một số người phải chịu đau khổ một chút trong những chuyện này. Trước đây, từng có một người hồ đồ không biết phân định và không phục khi nhà Đức Chúa Trời cách chức một kẻ địch lại Đấng Christ. Những việc ác mà kẻ địch lại Đấng Christ đã làm đều rất rõ ràng, đều bị xác định tính chất là kẻ địch lại Đấng Christ. Ai cũng thừa nhận điều đó trừ người này, và không có cách nào để thông công với người này. Cuối cùng, người này đi theo kẻ địch lại Đấng Christ. Sau một thời gian, khi đã chịu tổn hại sâu sắc, họ khóc lóc quay lại, thừa nhận kẻ địch lại Đấng Christ quá tệ. Thực ra, trước đây kẻ địch lại Đấng Christ đã tệ như vậy rồi, nhưng vì trong lòng người này có thiện cảm và muốn lấy lòng nịnh bợ kẻ địch lại Đấng Christ nên mới có thể khoan nhượng và bao dung mọi chuyện kẻ địch lại Đấng Christ làm. Khi kẻ địch lại Đấng Christ mất địa vị, người này chung sống một cách ngang vai ngang vế với kẻ địch lại Đấng Christ, và có cách nhìn về một số chuyện mà kẻ địch lại Đấng Christ làm. Khi đứng ở góc độ khác, họ đã nhìn ra vấn đề. Cuối cùng, có bảo đi theo kẻ địch lại Đấng Christ lần nữa thì có nói gì người này cũng không đi theo, thà chết cũng không đi theo, bởi vì người này đã bị tổn hại sâu sắc và đã nhìn thấu kẻ địch lại Đấng Christ. Thực ra, những điều họ nhìn thấu này là điều họ từng được nghe, nhưng họ không phục, không thừa nhận nên chẳng còn cách nào khác. Những người như thế phải đi đường vòng và chịu nhiều đau khổ hơn – cái này gọi là xứng đáng chịu khổ. Tại sao Ta nói là xứng đáng? Có nghĩa là khi ngươi có phước lành nhưng không hưởng, khăng khăng muốn chịu tội, thì cũng không còn cách nào khác, ngươi phải chịu tội, chịu khổ trước đã. Đây gọi là xứng đáng chịu khổ.

Khi nắm quyền lực, kẻ địch lại Đấng Christ chủ yếu giao trọng trách cho những người ngoan ngoãn tuân theo họ. Sau đó, họ huấn luyện những người vẫn đang dao động, tức là những người dễ uốn nắn, rồi đưa về phe mình. Đến lúc những người này được huấn luyện tốt và trở thành thành viên trong thiên hạ của mình thì kẻ địch lại Đấng Christ cũng yên tâm. Còn lại những người căn bản không thể lợi dụng được thì họ sẽ từ bỏ triệt để, bài xích những người này khỏi thiên hạ của họ. Tất cả những người có thể ngoan ngoãn tuân theo họ thì đều là bè lũ ngoan cố, thành viên trung thành trong thiên hạ của họ. Họ coi những người này là người đi theo, tuỳ tùng và tri kỷ. Quyền lực của họ được thi hành giữa những người này; nghĩa là quyền lực đó có hiệu quả trên những người này. Cho nên khi kẻ địch lại Đấng Christ nắm quyền lực, biến nhà Đức Chúa Trời thành thiên hạ của mình, thì họ cũng đã hao tốn tâm sức một phen. Họ đã làm rất nhiều chuyện và trả giá rất đắt cho việc này, nhưng kết quả của cái giá này là trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời, kẻ thù của lẽ thật và kẻ thù của tất cả anh chị em mưu cầu lẽ thật. Giá trị và ý nghĩa của quyền lực này nằm ở đâu? Kẻ địch lại Đấng Christ có vốn liếng để chống đối với Đức Chúa Trời và nhà Đức Chúa Trời, thành lập các thành trì của riêng mình, thành lập các vương quốc độc lập và một mình nắm giữ quyền hành.

II. Kẻ địch lại Đấng Christ thao túng cục diện

Trước đó, chúng ta đã thông công về biểu hiện đầu tiên của việc kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình: nắm quyền lực. Về việc nắm quyền lực, chúng ta chủ yếu thông công mấy mục nội dung cụ thể như cách kẻ địch lại Đấng Christ có được quyền lực, cách họ làm vững chắc địa vị sau khi có được quyền lực và củng cố quyền lực đó hơn nữa, và cuối cùng là cách họ sử dụng quyền lực đó. Bên cạnh củng cố quyền lực, cách làm cụ thể thứ hai của việc kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình là thao túng cục diện. Nghĩa đen của thao túng cục diện thì có lẽ là dễ hiểu, vậy “cục diện” này nghĩa là gì? Sau khi kẻ địch lại Đấng Christ nắm được quyền lực, thành lập thiên hạ của riêng mình, cũng như có được bè lũ ngoan cố, người thân cận, và phạm vi thế lực của riêng mình, liệu họ có thể cho phép người khác nhúng tay vào công tác của mình không? Liệu họ có thể cho phép người khác dính dáng hoặc nhúng tay vào những chuyện và phạm vi thế lực mà họ quản lý không? (Thưa, họ không cho phép.) Đối với kẻ địch lại Đấng Christ, quyền lực là sinh mệnh của họ. Trong phạm vi thế lực của mình, mọi chuyện đều phải do họ quyết định. Bất kể có chuyện gì xảy ra trong phạm vi thế lực của họ, người và sự việc liên quan, cũng như kết quả cuối cùng của mọi chuyện, đều phải do họ thao túng và kiểm soát. Tất cả phải phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của họ, không thể khiến họ chịu bất kỳ tổn thất nào. Ví dụ, nếu họ không can thiệp, nhúng tay hoặc kiểm soát một chuyện nhất định, mà để mặc chuyện này phát triển bình thường và tự do, thì họ có thể mang tiếng xấu hoặc bị người khác tố giác và đối mặt với việc bị cách chức, khi đó địa vị của họ có thể không được đảm bảo và quyền lực trong tay họ sẽ tan biến theo. Cho nên dù hội thánh xảy ra chuyện lớn hay nhỏ gì, thì kẻ địch lại Đấng Christ cũng phải tự mình lo liệu. Những chuyện này đều liên quan đến danh tiếng, địa vị, cũng như quyền lực của họ. Đối với những chuyện không liên quan đến quyền lực của mình, họ có thể không đoái hoài hoặc nhắm mắt làm ngơ. Đặc biệt là những chuyện liên quan đến công tác của nhà Đức Chúa Trời, lối vào sự sống của anh chị em, đời sống hội thánh và những phương diện khác, chỉ cần không liên quan đến địa vị và quyền lực của họ, không liên quan đến mối liên hệ của họ với Bề trên, thì họ mặc kệ, không đoái hoài, không quan tâm. Ví dụ, số lượng người hằng tháng mà nhóm phúc âm đạt được rất quan trọng với họ vì chuyện này liên quan đến địa vị của họ. Nếu số người được báo cáo mỗi tháng có thể đảm bảo cho địa vị của họ, thì họ sẽ nghĩ đủ mọi cách để đạt được con số này nhằm bảo vệ địa vị của mình, trong khi những chuyện khác thì họ không để ý đến. Ví dụ như theo tình hình bình thường, phạm vi họ quản lý mỗi tháng phải đạt được một trăm người nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, hoặc có những tình huống đặc biệt xảy ra trong tháng đó, hoặc một số người vẫn đang trong giai đoạn quan sát, nên số người không đạt đủ một trăm, thì kẻ địch lại Đấng Christ sẽ bỏ công sức vào chuyện này và lo lắng đến phát cáu. Họ lo lắng về điều gì? Có phải họ cảm thấy gánh nặng và lo lắng vì thấy rằng việc mở rộng phúc âm của Đức Chúa Trời không thuận lợi không? Có phải những người truyền bá phúc âm không cảm thấy gánh nặng, qua loa chiếu lệ và họ lo lắng làm thế nào để chăm tưới những người này và giải quyết chuyện này không? Hay họ lo lắng về việc không đủ nhân lực truyền bá phúc âm, cũng như nên làm thế nào để điều chỉnh và tăng nhân lực? Không, họ không lo lắng về những chuyện này. Họ lo lắng về việc làm thế nào để tăng con số lên một trăm mà không khiến Bề trên không phát hiện họ đã gian lận ở đây. Nếu số người thực tế chỉ có tám mươi chứ không phải một trăm và họ ăn ngay nói thật, thì có thể Bề trên sẽ cử người đến điều tra và nghe ngóng, vậy làm sao để có thể báo cáo mà Bề trên không nhạy cảm với con số này? Họ báo cáo chín mươi tám người. Có người nói rằng: “Anh không thể làm giả như vậy được; đấy là lừa dối, không thể làm thế được”. Họ trả lời: “Không sao. Tôi là người ra quyết định cuối cùng. Nếu xảy ra chuyện gì, tôi sẽ chịu trách nhiệm”. Tại sao họ báo cáo con số này? Có ẩn ý gì ở đây không? Họ đã xem xét kỹ chưa? Họ đã nghiên cứu rồi. Báo cáo một trăm người khi con số đạt được thực tế chỉ là tám mươi là một sự khác biệt quá lớn, sau khi nói dối thì khó mà chu toàn. Tuy nhiên, nếu báo cáo chín mươi tám người, thì mặc dù Bề trên thấy chưa đến một trăm nhưng đây chắc chắn là con số thực tế và sẽ không xuống điều tra nữa, địa vị của họ sẽ có thể được đảm bảo. Đôi khi, nếu đạt được một trăm người, họ còn dám báo cáo là đạt được hai trăm người, và nếu Bề trên cử người đến điều tra thì họ cũng có biện pháp đối phó. Họ nói rằng một trăm người còn lại đang được quan sát và có thể đạt được vào tháng sau. Nếu Bề trên không cử ai tới điều tra, thì họ sẽ nghĩ biện pháp để tranh công. Thậm chí có lúc, cả tháng không đạt được người nào, họ còn báo cáo sai rằng đã đạt được ba mươi hoặc năm mươi người, rồi nghĩ biện pháp bù đắp vào tháng sau. Tóm lại, về số người đạt được thông qua truyền bá phúc âm, kẻ địch lại Đấng Christ có thể làm giả, nói dối, lừa dối, và gian lận. Báo cáo con số như thế nào và báo cáo bao nhiêu đều do kẻ địch lại Đấng Christ trực tiếp bày mưu đặt kế. Đây chẳng phải là thao túng cục diện sao?

Kẻ địch lại Đấng Christ lợi dụng quyền lực và địa vị của mình để không ngừng can thiệp và quấy nhiễu người được Đức Chúa Trời chọn thực hiện bổn phận. Bất cứ ai làm việc theo nguyên tắc và thực hiện bổn phận của mình có hiệu quả thì đều bị họ đàn áp và bài xích. Mục đích của họ khi làm như vậy là gì? Là để thao túng cục diện; họ một tay che trời, áp chế những người bên dưới và lừa dối Bề trên. Mục đích của họ khi thao túng cục diện là gì? Là để chân tướng không bị tiết lộ, để những người khác không biết chân tướng, để lừa dối Bề trên, để Bề trên không biết tình hình thực tế của công tác mà họ làm bên dưới rốt cuộc là gì, họ có làm bất kỳ công tác thực tế nào hay không cũng như họ làm công tác của mình như thế nào. Mục đích của việc thao túng cục diện là để che đậy sự thật, lấp liếm chân tướng và rắp tâm hại người, cũng như che đậy việc ác của mình, chuyện họ làm xằng làm bậy, và che đậy chân tướng rằng họ không và không thể làm bất kỳ công tác thực tế nào, v.v. Ví dụ, khi nhà Đức Chúa Trời cần dùng một khoản tiền và hỏi xem hội thánh của họ còn bao nhiêu của lễ, thì trước tiên, kẻ địch lại Đấng Christ sẽ hỏi nhà Đức Chúa Trời cần bao nhiêu. Nếu ngươi nói ngươi cần vài nghìn, thì họ nói chỉ có vài trăm; nếu ngươi nói người cần vài vạn, họ nói chỉ có vài nghìn. Trên thực tế, họ đang nắm trong tay mấy vạn tệ của lễ của hội thánh và không muốn buông tay. Đây chẳng phải là lòng lang dạ soi sao? Họ muốn làm gì? Họ muốn chiếm giữ những của lễ này để sử dụng cho riêng mình. Điều này có được coi là thao túng cục diện không? (Thưa, có.) Kẻ địch lại Đấng Christ thao túng cục diện đến mức không bỏ qua cho của lễ. Nếu ngươi hỏi liệu hội thánh của họ có ai có tài về viết lách, âm nhạc hoặc sản xuất video không, thì họ sẽ nói: “Chúng tôi có một người có tài về viết lách, ông ta đã bảy mươi tám tuổi, là một cựu nhà báo nhưng mắc bệnh dạ dày nghiêm trọng”. Nhưng thực tế, người này mới chỉ ba mươi tuổi, đang ở độ tuổi sung sức nhất và không mắc bất kỳ bệnh dạ dày nghiêm trọng nào. Tại sao kẻ địch lại Đấng không buông tay? Tại sao họ cung cấp tư liệu giả? Chính là vì họ muốn thao túng cục diện. Họ cho rằng nếu để người như thế đi thì sẽ ảnh hưởng đến sự thống trị của họ; họ cũng muốn chiếm được những người có tài. Những người có tài này có phải của họ không? (Thưa, không phải.) Vậy, tại sao họ không buông tay? Tại sao họ không cung cấp những người có tài này khi công tác của Nhà Đức Chúa Trời cần mà thậm chí còn làm giả tư liệu? Họ muốn mê hoặc mọi người để đảm bảo địa vị của mình – trên thực tế, họ cũng đang thao túng cục diện. Họ không hỏi xem người trong cuộc có sẵn lòng thực hiện những bổn phận này hay không, cũng không ăn ngay nói thật mà cung cấp tình hình của người trong cuộc cho nhà Đức Chúa Trời. Thay vào đó, họ giữ những người này lại để sử dụng cho riêng mình, hoặc nếu không sử dụng thì họ vẫn không cung cấp cho nhà Đức Chúa Trời. Ví dụ, nếu nhà Đức Chúa Trời cần hội thánh cung cấp một người có tài về sản xuất video, kẻ địch lại Đấng Christ thấy vậy và nghĩ: “Cung cấp người có tài để sản xuất video – mình có thể trao chuyện tốt này cho người khác sao? Thóc đâu mà đãi gà rừng: Con gái, con trai và một số thân thích của mình cũng biết chút ít về việc sản xuất video, nên mình sẽ cung cấp họ lên trên, bất kể họ có đạt được yêu cầu của nhà Đức Chúa Trời hay không”. Khi gặp được loại chuyện tốt này, họ ưu tiên cho người thân và bạn bè, không có phần cho người ngoài. Đây chẳng phải là thao túng cục diện sao?

Thông qua các ví dụ được nêu ở trên, rốt cuộc thì việc kẻ địch lại Đấng Christ thao túng cục diện có nghĩa là gì gì? Chẳng phải kẻ địch lại Đấng Christ một tay che trời, sắp đặt, kiểm soát mọi người và mọi chuyện sao? Mọi chuyện đều do một mình họ nắm chắc và họ có tiếng nói quyết định. Họ là người điều hành, trù tính và kiểm soát phía sau. Đây gọi là thao túng cục diện. Khi Bề trên cử người đến hội thánh của họ để nghe ngóng tình hình, và người này muốn tiếp xúc với một vài người để xem tình hình lối vào sự sống của anh chị em như thế nào, thực hiện bổn phận ra sao, và từng người được Đức Chúa Trời chọn đã được phân phát các tài liệu như sách lời Đức Chúa Trời, bản ghi âm bài giảng tới tay hay chưa, thì kẻ địch lại Đấng Christ nói: “Chuyện này dễ xử lý thôi, tôi sẽ đưa anh đến nhà của hai anh chị em”. Hai người này là ai? Có phải đều là người trong thiên hạ của kẻ địch lại Đấng Christ không? (Thưa, phải.) Một người là em gái của họ, một người là em trai của vợ họ. Sau khi họ dẫn người được Bề trên cử xuống tới nhà của hai người này, hai người này nói: “Đời sống hội thánh của chúng tôi rất tốt, chúng tôi có đủ các loại bài giảng, mối thông công và video làm chứng. Lãnh đạo của chúng tôi đã chưa về nhà mấy ngày vì công tác của hội thánh rồi”. Bất kể ai đến hội thánh của họ thì cũng đều không có được chút tình hình thực tế nào. Kẻ địch lại Đấng Christ che đậy mọi thứ về tình hình thực tế mà hội thánh có, vấn đề nảy sinh, việc kẻ ác làm gián đoạn và quấy nhiễu, ai thực hiện bổn phận qua loa chiếu lệ, công tác nào xảy ra sơ suất, v.v. Những gì ngươi thấy khi đến đó chỉ là cảnh tượng khả quan – tất cả đều là biểu hiện giả dối. Chỉ có một điều: Nếu người được Bề trên cử xuống hỏi về việc có nơi thích hợp nào để cất giữ của lễ của hội thánh và liệu có cần lấy đi một ít không, thì kẻ địch lại Đấng Christ nhanh chóng nói rằng tiền của lễ của hội thánh không nhiều. Họ nói về những công tác khác theo hướng tốt, ngoại trừ tình hình liên quan đến của lễ, và họ ngắt lời trước khi người khác nói điều gì. Kẻ địch lại Đấng Christ kiểm soát những nhân viên trong hội thánh phù hợp để thực hiện các bổn phận khác nhau trong khi cung cấp một số người mà họ thích hoặc những người không đủ điều kiện đến nhà Đức Chúa Trời để thực hiện bổn phận, đặc biệt là một số người có nhân tính xấu và đang có tà linh làm công tác bên trong, hoặc một số người căn bản không có hiểu biết thuộc linh, có nhân tính tồi tệ, thực hiện bổn phận qua loa chiếu lệ, không có nền tảng đức tin vào Đức Chúa Trời và giống như người ngoại đạo. Ngoài việc thực hiện bổn phận qua loa chiếu lệ, những người này còn có thể gây nhiễu loạn và làm gián đoạn, làm xằng làm bậy, có người không chịu được đau khổ và muốn rời khỏi nhà Đức Chúa Trời. Có người còn lan truyền tin đồn và quan niệm, có người thì không thực hiện bổn phận của mình cho tốt, dành cả ngày để xem phim truyền hình hoặc một vài video tầm phào khác? Cuối cùng thì ra sao? Một vài người trong số họ bị đuổi đi. Hơn chín mươi lăm phần trăm trong số những người bị đuổi đi có nhân tính xấu. Nhân tính của họ xấu đến mức nào? Cực kỳ xấu – họ không có nhân tính, và một số người căn bản không tin vào Đức Chúa Trời. Những người này đến từ đâu? Chẳng phải tất cả đều do hội thánh cung cấp sao? Nếu họ đã do hội thánh cung cấp thì người cung cấp họ có vấn đề. Không thể loại trừ khả năng có người trong số này có thể là kẻ địch lại Đấng Christ, và những người được cung cấp ra này có thể là gia quyến, người thân cận hoặc bè lũ ngoan cố của kẻ địch lại Đấng Christ. Chuyện có phải như vậy không? Liệu một người thực sự có nhân tính và có chút lương tâm có thể cẩn trọng với một chuyện quan trọng như cung cấp nhân tài không? Họ có thể có chút trách nhiệm không? Họ có thể gạt bỏ chút ích kỷ của mình không? Người có nhân tính và lương tâm hoàn toàn có thể làm được điều này, và chỉ có một loại người không làm được, đó là kẻ địch lại Đấng Christ. Họ muốn chiếm hết những chuyện tốt cho riêng mình, họ kiên quyết từ chối và không phối hợp với bất cứ chuyện gì không có lợi cho mình – họ chính là kẻ địch lại Đấng Christ.

Ngoài việc luôn muốn một tay che trời và có tiếng nói quyết định trong hội thánh, thì có một chuyện còn ghê tởm hơn trong việc kẻ địch lại Đấng Christ thao túng cục diện. Liệu kẻ địch lại Đấng Christ cấu kết với bè lũ ngoan cố của mình có thể thuận phục sự an bài của nhà Đức Chúa Trời, thực hiện tốt bổn phận, bảo vệ tốt công tác của nhà Đức Chúa Trời và thực hiện được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình không? (Thưa, họ không thể.) Đó là lý do tại sao Ta nói họ đang cấu kết với nhau. Một khi nói là cấu kết, thì có thể thấy rằng mọi chuyện họ nói và làm cùng nhau đều là mánh khóe đáng xấu hổ. Nhìn bên ngoài, những người này có vẻ hòa hợp êm thấm, có thứ tự lớn bé, đặc biệt yêu thương, khách sáo và tôn trọng lẫn nhau, cũng như lịch sự và có nhân phẩm. Trên thực tế, tất cả chỉ là vẻ bề ngoài, lừa dối và nguỵ trang mà ra. Tại sao họ có thể khách sáo, thể hiện ra sự tôn trọng và lịch sự với nhau đến vậy? Có một nguyên nhân cho chuyện này. Mục đích họ cấu kết không phải là vì muốn lấy mạnh bù yếu hay hỗ trợ nhau bước vào thực tại lẽ thật, đạt đến tuân theo ý chỉ của Đức Chúa Trời và làm tốt công tác của hội thánh, mà là lợi dụng, ỷ lại và cứu giúp lẫn nhau. Mục đích họ cấu kết là vì người nhiều thì thế lực lớn, dưới gốc to thì mới được bóng mát, và thuận tiện làm việc riêng. Cho nên, họ ở bên nhau thì trông có vẻ rất hòa hợp, như một gia đình thắm thiết. Họ gọi người lớn tuổi là cô dì, gọi những người ngang tuổi là “chị em” hoặc “anh em”, gọi vô cùng thân thiết, thỏa mãn được hơi thở thế tục. Người không biết tình hình thực tế thậm chí có thể khen ngợi họ có lòng yêu thương, giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau; ai có khó khăn gì họ cũng đưa tay ra giúp đỡ, họ khá vui vẻ và hài lòng mà nói rằng: “Chúng ta vốn là gia đình; chúng ta tin vào một đức chúa trời”. Vừa nói, họ còn vừa phải đưa mắt ra hiệu với nhau để chia sẻ lòng yêu thương, càng xác nhận rằng họ chính là một gia đình và là bè lũ ngoan cố. Vậy, rốt cuộc thì họ làm gì khi cấu kết với nhau? Ví dụ, một người chị nào đó là tổng giám đốc của một công ty, có mối quan hệ và mạng lưới giao thiệp vô cùng rộng trong xã hội. Cô ta đã làm nhiều chuyện cho những người trong thiên hạ của kẻ địch lại Đấng Christ, hầu hết mọi người đều nhận được ân huệ từ cô ta nên gọi cô ta là “chị”. Bất cứ khi nào nhà ai có chuyện gì, như con trai lên lớp hay con gái tìm việc làm, thì chắc chắn sẽ tìm đến cô ta để bàn bạc và nhờ cô ta giải quyết giúp. Nếu ai đó phải nhập viện mà có người trong hội thánh làm việc ở bệnh viện và có thể giúp kẻ địch lại Đấng Christ lấy thuốc nhập khẩu, thì họ sẽ nhanh chóng đưa người này vào bè lũ ngoan cố và thành người nhà. Họ cấu kết với nhau để làm những chuyện này, mang lại lợi ích chung, và đôi bên cùng có lợi. Do đó, khi ở bên nhau, trông họ rất hòa hợp và hoà thuận với nhau, vui vẻ và không bao giờ cãi vã. Nhưng đằng sau sự hòa thuận này, mỗi người đều có tâm tư ẩn giấu, nghĩ cách lợi dụng đối phương và lợi dụng người khác, cũng như cách để họ có thể giúp được người khác trong khi tạo ra lợi ích chung và đáp lại ân huệ của người khác. Sau khi kẻ địch lại Đấng Christ thành lập thiên hạ và có bè lũ ngoan cố của mình, mọi chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày của họ đều có tập thể và “người nhà” của họ giúp đỡ như tìm việc làm, đi học đại học, được thăng chức, chữa bệnh nặng, chuyển nhà, thậm chí tìm người trả tiền làm trung gian để được thả khỏi tù sau khi bị bắt – những chuyện này đều có thể xử lý được. Nhìn vào kẻ địch lại Đấng Christ, chẳng phải những “người nhà” này hữu ích sao? Chẳng phải họ đáng tin cậy sao? Chẳng phải có thể nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau sao? (Thưa, phải.) Cho nên, trong thiên hạ như vậy, những gì người ta thấy không phải là con người dùng lời Đức Chúa Trời làm nguyên tắc để giao lưu với nhau, hay con người làm mọi chuyện dựa vào lương tâm của họ, sống dựa vào lời Đức Chúa Trời, con người có thể tôn thờ Đức Chúa Trời, giữa người với người có sự tiếp xúc bình thường với nhau, có mối thông công từ trái tim đến trái tim, có thể mở lòng và bộc lộ quan điểm của bản thân, thông công và nhận biết tâm tính bại hoại của chính mình, hoặc lấy mạnh bù yếu cho nhau – không có những điều này. Băng nhóm này, thiên hạ như thế là thiên hạ của bè lũ kẻ địch lại Đấng Christ, nơi lẽ thật không nắm quyền, Đức Thánh Linh không công tác, và lời Đức Chúa Trời không có trong lòng người. Nhưng, bè lũ kẻ địch lại Đấng Christ lại sống ở đây một cách thành thạo, thoải mái và thích thú, coi nơi này như nhà của họ. Trên thực tế, nơi này không phải nhà Đức Chúa Trời hay hội thánh, mà là xã hội, là băng nhóm kẻ địch lại Đấng Christ.

Kẻ địch lại Đấng Christ biến hội thánh thành thiên hạ của mình, thành một đoàn thể xã hội và băng nhóm của mình. Họ làm những chuyện phá hoại và ghê tởm, lời nói và việc làm của họ hoàn toàn là thủ đoạn và cách thức của người ngoại đạo. Người nào cũng mồm mép lém lỉnh, nói năng ngọt xớt, đầy sự côn đồ, nham hiểm và tà ác, cũng như không tiếp nhận lẽ thật. Bề ngoài, họ nguỵ trang thành người tao nhã, nói năng văn minh, biết lịch sự, hiểu phép tắc, thậm chí có văn hoá, có tố chất và nhân phẩm. Trên thực tế, họ đều là những kẻ nham hiểm, xảo trá, đê tiện, và tà ác. Họ cấu kết với nhau, kết thân, so đo thế lực, chú trọng phô trương, chú trọng vào các mối quan hệ cộng đồng và cá nhân trong xã hội. Họ chú trọng vào việc ai có thế lực lớn hơn, địa vị cao hơn, và uy tín hơn trong xã hội, cũng như ai thủ đoạn hơn cả. Từ lời lẽ và cử chỉ của họ, ngươi không thể nhìn ra bất kỳ đức tin chân thật nào, càng không thấy lời Đức Chúa Trời và lẽ thật có bất kỳ địa vị nào trong lòng họ. Đức tin của họ chẳng qua chỉ là một trò chơi và một trò lừa bịp. Những kẻ tà ác này đã biến hội thánh thành một đoàn thể xã hội, một thiên hạ mà những kẻ tà ác cấu kết với nhau, trong khi luôn miệng nói những lời quang minh chính đại rằng: “Chúng tôi tin đức chúa trời, thực hiện bổn phận của mình trong nhà đức chúa trời, chúng tôi đi theo đức chúa trời ra sao, tìm kiếm phúc lợi cho anh chị em ra sao, giúp đỡ và hỗ trợ họ ra sao, yêu thương lẫn nhau ra sao”. Họ dùng cách thức tà ác để mê hoặc và gài bẫy mọi người, dùng đủ loại thủ đoạn đê tiện để hãm hại anh chị em, nhưng lại cảm thấy mình đang thực hiện bổn phận, giúp đỡ anh chị em, tôn vinh Đức Chúa Trời, và làm chứng cho Ngài. Họ đâu biết rằng đằng sau những hành vi và cách làm này là thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ thao túng cục diện. Kẻ địch lại Đấng Christ lôi kéo những người đi theo Đức Chúa Trời về dưới quyền thế của họ, biến hội thánh thành thiên hạ của họ, thành một đoàn thể xã hội, thành một đoàn thể những người dưới quyền thế của Sa-tan. Liệu một đoàn thể như vậy có còn là hội thánh không? Không phải nữa. Kẻ địch lại Đấng Christ làm như vậy chẳng phải rất ghê tởm sao? Các ngươi đã bao giờ thấy một băng nhóm kẻ địch lại Đấng Christ như vậy chưa? Ngươi cảm thấy thế nào khi bước vào giữa họ? Bề ngoài, họ có vẻ hoà hợp êm thấm, nhưng khi ngươi thông công với họ về lẽ thật và tâm ý của Đức Chúa Trời, thì thái độ họ biểu hiện ra chính là đặc biệt ác cảm và không có hứng thú, hoàn toàn trái ngược với vẻ ngoài hoà hợp êm thấm của họ. Khi ngươi thông công lẽ thật với họ thì họ cảm thấy ngươi là người ngoài cuộc, và khi ngươi thông công về công tác của hội thánh thì họ càng cảm thấy như vậy; khi ngươi tiếp tục thông công về các nguyên tắc lẽ thật cần thực hành khi thực hiện bổn phận, thì họ cảm thấy rất bất lực và không có hứng thú, đó là khi họ lộ ra bộ dạng của quỷ, họ vừa gãi đầu, vừa ngáp và chảy nước mắt. Đây chẳng phải bất thường sao? Tại sao bộ dạng của quỷ của những người này lại xuất hiện ngay khi ngươi thông công lẽ thật? Chẳng phải ai trong số họ cũng rất có lòng yêu thương sao? Làm sao họ có thể mất hứng thú ngay khi ngươi thông công lẽ thật? Chẳng phải họ đã bị tỏ lộ rồi sao? Chẳng phải họ rất nhiệt tình và có lòng trung thành khi làm những chuyện bên ngoài sao? Chẳng phải có lòng trung thành tức là có thực tế sao? Nếu có thực tế, thì họ nên vui khi nghe người khác thông công về lẽ thật, nên có lòng khát khao mới đúng. Tại sao trạng thái của họ luôn bất thường, thậm chí xảy ra hiện tượng bị tà linh chiếm hữu? Điều này chứng tỏ rằng việc chung sống hòa thuận và hoà hợp êm thấm thường ngày của họ đều là giả. Chính lời phán xét của Đức Chúa Trời và lẽ thật Ngài bày tỏ đã tỏ lộ họ hoàn toàn. Thế rồi, họ thẹn quá hoá giận, thái độ khác thường, và bắt đầu hành ác và gây nhiễu loạn. Sau đó, Đức Chúa Trời giao họ cho Sa-tan và không còn để ý đến họ nữa. Trong đầy rẫy bộ dạng của quỷ của mình, họ đã hoàn toàn bộc lộ bộ mặt thật.

Chuyện kẻ địch lại Đấng Christ thao túng cục diện này quả thật là có. Nhẹ thì là một người thao túng biết bao nhiêu ngươi người; nghiêm trọng thì là một băng nhóm thao túng biết bao nhiêu người và thao túng mọi chuyện. Số lượng những chuyện và cục diện mà một người thao túng được là hữu hạn; cho nên, để mở rộng thế lực và khiến địa vị của mình vững vàng hơn, kẻ địch lại Đấng Christ phải huấn luyện một nhóm người. Họ cần lôi kéo và kiểm soát một nhóm người để phụ tá cho họ, bảo vệ địa vị và quyền lực của họ, cũng như giúp họ thao túng cục diện. Một khi kẻ địch lại Đấng Christ thành lập băng nhóm, phạm vi thế lực của họ sẽ lớn hơn, họ có thể thao túng nhiều chuyện hơn, và dính dáng đến nhiều mặt hơn. Do đó, số lượng nạn nhân tăng lên theo. Các ngươi sẽ làm thế nào khi gặp băng nhóm của kẻ địch lại Đấng Christ có khả năng thao túng cục diện? Các ngươi đã từng gặp băng nhóm như vậy chưa? Thành viên chính của băng nhóm này thường gồm bốn hoặc năm người, hoặc hơn chục người. Mỗi người phụ trách xử lý những chuyện khác nhau. Ví dụ, có những người chuyên điều chỉnh nhân sự, người quản lý tiền bạc, người đối đáp với Bề trên, và người có thể kịp thời giúp kẻ địch lại Đấng Christ che đậy bất kể xảy ra chuyện gì; cũng có những người chuyên bày mưu tính kế, người đưa ra chủ ý xấu để hãm hại người khác, người chuyên tung tin đồn, người gây xích mích, người đóng vai trò đồng lõa cho kẻ ác, người thăm dò tin tức, và thậm chí có những người chuyên kiếm lợi và chữa bệnh cho họ. Tóm lại, có người trong nhóm này có thể đóng mọi loại vai trò. Kẻ địch lại Đấng Christ không để ý đến những người không có thế lực, hiền lành thật thà, và không có khả năng làm việc trong xã hội. Thay vào đó, họ đặc biệt tìm kiếm những tín hữu có địa vị, uy tín, thế lực, đã từng làm quan chức hoặc đang làm ăn lớn trong xã hội – những người đã từng trải việc đời và có khả năng làm việc, cũng như có thể lo liệu cho họ những thứ tốt đẹp. Ví dụ, một chiếc xe hơi có giá bốn trăm nghìn tệ, một người đầu cơ trục lợi và biết làm việc có thể mua cho kẻ địch lại Đấng Christ chiếc xe cũ với giá bằng một nửa, không thua kém gì chiếc xe mới, vậy thì kẻ địch lại Đấng Christ sẽ thu nhận người như thế khi ở gần họ sao? (Thưa, họ sẽ thu nhận.) Kẻ địch lại Đấng Christ sẽ thu nhận những người này. Họ muốn làm gì? Họ muốn biến nhà Đức Chúa Trời, nơi Đức Chúa Trời công tác, thành một đoàn thể xã hội, để công tác của Đức Chúa Trời và lẽ thật không có cách nào được lưu hành giữa con người – họ muốn đạt được mục đích của mình. Nếu một tín đồ bình thường một lòng một dạ tin Đức Chúa Trời, có thể bỏ lại gia đình và sự nghiệp, con người lại thật thà và không có khả năng làm việc, thì kẻ địch lại Đấng Christ có muốn người này không? (Thưa, không muốn.) Nếu chồng và con trai người này đều có thể làm ăn kiếm ra tiền, có thế lực trong xã hội, không ai dám ức hiếp họ, thì một người phụ nữ lớn tuổi như thế có giá trị lợi dụng gì với kẻ địch lại Đấng Christ không? Mặc dù bản thân người này không có giá trị lợi dụng với kẻ địch lại Đấng Christ, nhưng lại rất có giá trị lợi dụng đối với gia đình của bà ta. Bà ta không thiếu tiền, nhà bà ta có thể tiếp đón anh chị em, và nếu có chuyện gì mà tìm đến bà ta, bà ta có thể nhờ gia đình giúp xử lý. Một người như vậy có giá trị lợi dụng với kẻ địch lại Đấng Christ. Kẻ địch lại Đấng Christ nghĩ đủ mọi cách để lôi kéo và mê hoặc người như vậy, để họ đứng về phía mình và sử dụng họ. Kẻ địch lại Đấng Christ nhìn nhận chính xác ai có giá trị lợi dụng với mình. Họ không quan tâm hoặc thèm muốn những ai có đức tin chân thật, những ai thành tâm tin Đức Chúa Trời, hay những ai có nhân phẩm tốt, trung thành thực hiện bổn phận, cũng như sau khi được chăn dắt và chăm tưới, những ai có thể tiến bộ và thực sự trả giá. Ngươi càng chính trực, càng có lương tâm và lý trí, thì họ càng ác cảm với ngươi. Nếu ngươi thẳng thắn nói thật, họ sẽ ác cảm và ghê tởm ngươi. Khi thấy ngươi thì họ sẽ đi loanh quanh. Nếu ngươi tiếp xúc với họ, thì ngoài mặt họ sẽ nói vài lời xã giao chứ không nói lời từ trong lòng trừ khi ngươi có giá trị lợi dụng với họ. Họ thích những người có giá trị lợi dụng cũng như có lợi cho địa vị và quyền lực của họ. Nếu một người có thể để họ sử dụng, có thể giúp họ làm việc, che đậy chân tướng, làm chuyện xấu trong khi vẫn có thể tìm được lý do thích hợp, cũng như mê hoặc anh chị em mà người không biết quỷ không hay, không ai có thể vạch trần hay nhìn thấu, thì người như thế sẽ là đối tượng để họ lợi dụng và thu nạp. Nếu một người, bất kể đối đãi với ai cũng đều nói lời dễ nghe, bất kể ai có quyền lực cũng đều hát bài hát ca ngợi, ai có địa vị cũng đều đi theo, và không phân định một ai, thì kẻ địch lại Đấng Christ có sử dụng người như vậy không? Người như vậy có giá trị lợi dụng với kẻ địch lại Đấng Christ, nhưng họ cũng đối đãi thận trọng. Họ không quá tin tưởng những người a dua và xu nịnh họ, và sẽ không cho những người này biết một số chuyện. Nếu các buổi tụ họp được phân loại theo cấp bậc, thì họ sẽ không cho những người như vậy tham gia các hội nghị tương đối quan trọng. Chỉ những buổi nhóm họp tụ họp ít quan trọng hơn hoặc buổi nhóm họp bình thường thì những người dao động như vậy mới có thể tham gia. Bởi vì nếu một lãnh đạo khác xuất hiện, những người dao động như vậy có thể phản bội và vạch trần kẻ địch lại Đấng Christ bất cứ lúc nào. Kẻ địch lại Đấng Christ cũng rất xảo quyệt với những người như vậy và sẽ lợi dụng họ tùy theo tình huống. Vì vậy, kẻ địch lại Đấng Christ rất thận trọng trong việc thao túng cục diện. Họ làm loại chuyện này theo cách rất trình tự và có cân nhắc, họ cân nhắc cẩn thận xem nên làm như thế nào, lợi dụng những ai để làm. Trong lòng họ phân hạng xemai là người thân cận, ai là người thân cận bình thường.

Khi kẻ địch lại Đấng Christ tiếp xúc với một người lạ, chẳng hạn như lãnh đạo cấp cao hoặc người mà họ chưa biết rõ, trước tiên, họ sẽ thăm dò xem nhân phẩm của người này như thế nào, liệu người này có mưu cầu hoặc sở thích gì hay không, có đức tin chân thật hay không, đã tin Đức Chúa Trời bao nhiêu năm, có thực tế lẽ thật hoặc có sự phân định với họ hay không, có gánh nặng gì đối với lối vào sự sống hay không. Họ đánh giá và quan sát mọi phương diện, sau đó dùng các loại cách thức để moi móc lời và kiểm tra người này. Nếu họ thấy người này hồ đồ, thì họ sẽ buông lỏng cảnh giác và không để ý nữa. Nhưng nếu người này có vẻ thông minh lanh lợi và khó đoán, thì họ sẽ phải thận trọng. Việc thao túng cục diện của kẻ địch lại Đấng Christ chính là một tay che trời, muốn có tiếng nói quyết định trong mọi chuyện, bao gồm việc mọi loại người đều phải ở dưới sự kiểm soát của họ. Đối với họ, các quy định của nhà Đức Chúa Trời chỉ là lời nói suông, một tờ giấy vụn, và các sắc lệnh quản trị và tâm tính của Đức Chúa Trời không hề tồn tại, giống như không khí vậy. Dã tâm và dục vọng của họ không chỉ là kiểm soát mọi người cho tốt và khiến mọi người nghe theo là xong chuyện, mà còn phải kiểm soát mọi chuyện mà mọi người trải nghiệm, họ cũng muốn kiểm soát những chuyện nảy sinh ngay trước mắt họ, cả bên trong và bên ngoài phạm vi thế lực của họ. Họ kiểm soát nhằm mục đích gì? Để đảm bảo địa vị và quyền lực, cũng như danh tiếng của họ. Có thể dùng một câu để mô tả việc kẻ địch lại Đấng Christ thao túng cục diện, đó là: Mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát. Do đó, kẻ địch lại Đấng Christ không dám lơ là bất kỳ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ. Họ không dám lơ là bất kỳ chuyện gì, họ muốn tham gia và can thiệp mọi chuyện liên quan đến địa vị hoặc phạm vi thế lực của mình, sẽ không bỏ sót bất kỳ lợi ích nào. Họ muốn tham gia tích cực nhiều chuyện trong hội thánh, và nắm bắt tình hình phát triển của mọi việc. Ví dụ, nếu có những người không nghe theo họ lắm hoặc không thuận theo như vậy, và luôn có ý kiến về họ, thì họ sẽ nghĩ biện pháp trừng trị. Nhưng nếu không tìm được cớ để tỉa sửa những người này, thì họ làm thế nào? Họ nghĩ biện pháp kiểm soát một số sách và bản ghi âm bài giảng đạo mà nhà Đức Chúa Trời phát xuống. Thấy ai nghe lời họ thì kịp thời phát cho người đó, nếu ngươi không nghe theo họ hoặc có biểu hiện không tốt lắm trong thời gian đó thì họ sẽ nói rằng những món đồ này được phát đến lần này có hạn và sẽ không phát cho ngươi được. Kẻ địch lại Đấng Christ sẽ xem biểu hiện của ngươi. Nếu ngươi suy nghĩ rõ ràng, nhìn thấu sự việc, và nắm bắt tâm lý của kẻ địch lại Đấng Christ; nếu ngươi chủ động thừa nhận sai lầm và có thể đến gần kẻ địch lại Đấng Christ, thì họ sẽ kiếm cớ và nói: “Lần này, những món đồ mà nhà Đức Chúa Trời phát xuống đủ để mọi nhân viên đều có phần, và anh cũng có phần”. Nhưng nếu sau một thời gian, họ thấy ngươi không còn đến gần họ nữa, thì họ sẽ vẫn trừng trị ngươi. Họ sẽ không thông báo cho ngươi khi có đồ mới đến, dứt khoát không phát cho ngươi và thậm chí họ còn kiếm cớ để tịch thu những thứ ngươi đã có. Đặc biệt là khi kẻ địch lại Đấng Christ phát hiện ra có người biết họ làm chuyện xấu sau lưng và có thể báo cáo họ, thì họ sẽ tiên hạ thủ vi cường, chủ động thừa nhận sai lầm và nhận biết bản thân, sử dụng chiêu mềm mỏng trước. Một khi kẻ địch lại Đấng Christ thấy chiêu mềm mỏng không hiệu quả, và cảm thấy không yên tâm, cho rằng người này vẫn có thể báo cáo họ, thì họ sẽ nghĩ đủ mọi cách để khiến càng nhiều người hơn vây đánh và đe dọa người này một cách mạnh mẽ. Phải đến khi người này thỏa hiệp, bày tỏ thái độ và nói không báo cáo nữa thì mới chịu để yên. Thậm chí một số kẻ địch lại Đấng Christ còn tố cáo người khác trước; vì sợ rằng người khác có thể lột trần và tố giác họ nên họ tiên hạ thủ vi cường, cố tình nắm thóp người khác để vu khống và hãm hại. Sau đó, họ mượn cớ cô lập và khai trừ người này, cắt đứt mối liên hệ của người này với Bề trên và với hội thánh. Giờ đây, họ cảm thấy yên tâm và không còn phải lo lắng nữa. Đây có phải là thao túng cục diện không? (Thưa, phải.) Có thể nói rằng loại chuyện mà kẻ địch lại Đấng Christ làm này không phải chỉ là một vài chuyện riêng lẻ hay chỉ là một vài cách thức riêng lẻ. Để thao túng cục diện, làm vững chắc địa vị của mình và để thiên hạ của mình không lung lay thì kẻ địch lại Đấng Christ làm nhiều việc ác. Ví dụ, họ thay đổi chế độ và việc sắp xếp nhân sự trong hội thánh. Để kiểm soát nhiều người hơn trong tay mình, họ gây chia rẽ mối quan hệ giữa anh chị em, khiến anh chị em công kích và xét đoán lẫn nhau. Họ thậm chí còn xúi giục người của mình vây đánh một số anh chị em có tinh thần chính nghĩa; họ còn nói trước mặt anh chị em rằng Bề trên coi trọng họ như thế nào. Họ còn viết thư cho Bề trên, nói cho Bề trên biết rằng mình đã thực hiện tốt công tác ra sao, rằng giờ đây họ đã nhận biết được bản thân, có thể chủ động bộc lộ những vấn đề của mình, v.v. Họ viết thư phản ánh về vấn đề của mình hoàn toàn là để khiến Bề trên coi trọng họ. Họ dùng những thủ đoạn và cách thức khác nhau để thao túng cục diện, kiểm soát bè lũ ngoan cố, lừa dối anh chị em và đồng thời lừa dối nhà Đức Chúa Trời. Đây là những cách làm mà kẻ địch lại Đấng Christ thao túng cục diện. Tất nhiên, còn có nhiều cách làm cụ thể hơn nhưng Ta sẽ không liệt kê từng cách làm ở đây. Tóm lại, những chuyện liên quan đến cách kẻ địch lại Đấng Christ kiểm soát hội thánh là thường thấy, và những cách làm khác nhau mà họ biểu hiện ra cũng là thường thấy.

III. Kẻ địch lại Đấng Christ thăm dò và kiểm soát lòng người

Ngoài nắm quyền lực và thao túng cục diện, còn có những cách làm nào khác có thể chứng thực rằng kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình? Về nắm quyền lực, chúng ta chủ yếu thông công về phương diện nhân sự, trong khi đóthao túng cục diện thì là về việc khống chế sự phát triển của sự việc. Cách làm nắm quyền lực của kẻ địch lại Đấng Christ là cách làm bên ngoài, thao túng cục diện cũng là cách làm bên ngoài mà mọi người có thể nhìn thấy. Đây đều là những phương diện dễ khống chế. Tuy nhiên, có một điều mà bất cứ ai cũng rất khó khống chế. Đó là gì? (Thưa, đó là khống chế lòng người và tư tưởng của mọi người.) Các ngươi nói xem có đúng hay không? (Thưa, đúng ạ.) Kinh Thánh có nói: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật” (Giê-rê-mi-a 17:9), tức là lòng người là thứ khó khống chế nhất. Kẻ địch lại Đấng Christ sẽ khống chế thứ khó khống chế nhất sao? Liệu họ có thể nói thế này không: “Vì lòng người là thứ giả dối và khó khống chế nhất nên tôi sẽ không khống chế. Cứ để họ muốn nghĩ sao cũng được. Miễn là tôi có quyền, miễn là tôi có thể khống chế mọi người cho tốt là được rồi. Tôi sẽ chỉ khống chế hành vi và cách làm của họ, còn việc họ nghĩ thế nào trong lòng thì thuộc về Đức Chúa Trời quản lý. Tôi không có bản lĩnh đó nên tôi sẽ không cần quan tâm”? Kẻ địch lại Đấng Christ sẽ thỏa hiệp như vậy sao? (Thưa, sẽ không.) Xét từ thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ, dã tâm của họ là khống chế mọi thứ của một con người. Thứ khó khống chế nhất đối với họ là lòng người, nhưng đó cũng là thứ họ muốn khống chế nhất. Họ lôi kéo mọi người dưới quyền thế mình, kiểm soát tốt mọi chuyện: sự việc phát triển thế nào, có bao nhiêu người liên quan, có bao nhiêu việc liên quan, tiền căn hậu quả thế nào, và kết quả sẽ ra sao – tất cả đều có thể phát triển theo những gì họ đề ra và như họ mong muốn. Nhưng chỉ có một điều: Trong lòng mọi người rốt cuộc đang nghĩ gì? Mọi người nghĩ thế nào về họ? Mọi người có hảo cảm với họ không? Mọi người có thích họ không? Trong lòng mọi người có cho rằng họ là kẻ địch lại Đấng Christ không? Mọi người có sự phân định hoặc có phản cảm với những cách làm này của họ không? Khi bề ngoài mọi người kính cẩn nghênh tiếp và a dua nịnh hót họ, trong lòng mọi người rốt cuộc đang nghĩ gì? Điều mọi người nghĩ trong lòng có thật sự giống như bề ngoài không? Mọi người có thực sự thuận theo họ không? Đây là một chuyện khiến kẻ địch lại Đấng Christ rất rối rắm. Càng rối rắm, họ lại càng muốn có được đáp án. Đây là biểu hiện thứ ba của việc kẻ địch lại Đấng Christ xem nhà Đức Chúa Trời như thiên hạ của mình: thăm dò và kiểm soát lòng người.

Việc thăm dò và kiểm soát lòng người có dễ dàng không? Thăm dò và kiểm soát là hai mức độ hành động hoặc hành vi khác nhau khi làm một việc. Khi kẻ địch lại Đấng Christ có quyền lực và kiểm soát tiền căn hậu quả của sự phát triển của sự việc cũng như kết quả của sự việc, khi họ kiểm soát những thứ này, thì trong lòng những người dưới quyền hoặc thuộc phạm vi thế lực của họ rốt cuộc nghĩ gì – những người có đó đối xử với họ như Đức Chúa Trời hay như một người hoàn hảo không, trong lòng những người đó có thù hận họ không, có ý nghĩ hay quan niệm về họ không, và những người đó có phân định được họ không – trong lòng mọi người rốt cuộc nghĩ thế nào, những điều này khá khó đoán. Vậy khi đó kẻ địch lại Đấng Christ làm thế nào? Họ quan sát những người dưới quyền mình, cung cấp một ít lợi ích hoặc nói vài lời dễ nghe với bất cứ ai không biết phân định và dễ lợi dụng. Những người này giống như quả bóng cao su càng đập càng cao, càng đập càng có lực. Họ lợi dụng những người như thế làm đầy tớ. Họ lợi dụng để làm gì? Họ sẽ bảo những người đầy tớ này thăm dò lòng người cho họ. Có thể họ sẽ nói với đầy tớ rằng: “Gần đây, chị Lý và con gái chị ấy ở hội thánh của chúng ta ngày càng dâng ít của lễ hơn. Trước đây họ dâng khá nhiều của lễ, nhưng giờ đây họ không đến nhiều nữa. Dạo này họ thế nào rồi? Họ có tiếp xúc gì với người ngoài không? Nhà họ có chuyện gì xảy ra không? Hãy đến xem thế nào và giúp đỡ họ”. Rồi người đầy tớ đó đến nhà chị Lý xem thử. Họ nghĩ: “Trong nhà không có gương mặt xa lạ nào cả. Hai mẹ con dường như có cuộc sống khá an ổn. Có vẻ như họ không gặp khó khăn gì. Tại sao họ lại không đến các buổi họp mặt nhỉ? Để mình hỏi thăm thêm”. Thế là người đầy tớ này hỏi: “Gần đây hai mẹ con có nhận được sự sáng mới nào ở nhà không? Khoảng thời gian này tôi cảm thấy rất yếu đuối, hãy thông công cho tôi đi”. Thấy người này đến để tìm kiếm lẽ thật và sự giúp đỡ, hai mẹ con đã thông công cho anh ta và nói rằng: “Gần đây chúng tôi đã có được một sự sáng mới. Những người tin Đức Chúa Trời không thể đi theo hay luôn ỷ lại vào người khác. Khi gặp chuyện, chúng ta phải đến trước Đức Chúa Trời và cầu nguyện. Đây là trí tuệ cao nhất. Con người không đáng tin cậy, chúng ta chỉ có thể dựa vào Đức Chúa Trời. Ngài có thể ban cho con người lẽ thật, sinh mệnh, và con đường mà họ phải đi. Đây là điều mà con người không làm được. Trước đây tôi luôn ỷ lại vào người khác, nhưng sau này thông qua mối thông công với một người chị em…”. Người đầy tớ đáp lời: “Thông qua một người chị em ư? Người chị em đó ở đâu? Cô ấy có phải là người ngoài không?”. Hai mẹ con nói: “Cô ấy không hẳn là người ngoài mà vốn là một người chị em trong hội thánh của chúng ta. Cô ấy mới trở về sau vài năm ra ngoài thực hiện bổn phận”. Người đầy tớ trả lời: “Thế thì chẳng phải vẫn là tiếp xúc với người ngoài sao? Chị tùy tiện tiếp xúc với người ngoài. Chị cần báo cáo việc này với hội thánh!”. Hỏi thăm được thông tin rồi, người đầy tớ phát hiện ra hai tin tức quan trọng trong đó: Thứ nhất, hai mẹ con họ không muốn đến gần người lãnh đạo và đã có phần phân định được người lãnh đạo. Thứ hai, hai mẹ con họ đã tiếp xúc với một người ngoài và người ngoài đó đã nói gì đó với họ nhưng không rõ chi tiết cụ thể. Hai mẹ con họ không nói, cố tình che giấu, vậy thì có nghĩa là họ hai lòng đối với người lãnh đạo và họ đã bắt đầu phòng bị người lãnh đạo. Khi người đầy tớ trở về và báo cáo với kẻ địch lại Đấng Christ, liệu trong lòng kẻ địch lại Đấng Christ có cảm thấy vui sau khi nghe tin không? Kẻ đó sẽ nghĩ rằng: “Quá tốt rồi, thuộc hạ của mình cuối cùng cũng có sự phân định đối với mình?” sao? (Thưa, sẽ không.) Vậy kẻ đó sẽ nghĩ thế nào? “Thưa, họ sẽ nghĩ: Hỏng chuyện rồi. Trước đây hai mẹ con họ rất nghe lời, ở hội thánh họ cũng thành tâm tin và đã hiến dâng rất nhiều. Kể từ sau khi người lạ kia tiếp xúc với họ, họ đã có chút không nghe lời lắm. Liệu sau này họ có tiếp tục hiến dâng nữa không? Việc này thật phiền phức và nguy hiểm”. Kẻ địch lại Đấng Christ cảm thấy thấp thỏm trong lòng. Tại sao kẻ đó lại cảm thấy thấp thỏm? (Thưa, bởi vì mọi người đang phân định kể đó và không còn nghe theo kẻ đó nữa.) Đúng vậy, lòng người không còn bị kẻ đó thao túng và kiểm soát nữa, mọi người đang thay lòng đổi dạ nên kẻ đó cảm thấy thấp thỏm. Trước đây, hai mẹ con họ rất hiền lành, nghe lời, không có sự phân định gì với kẻ đó, kẻ đó nói cái gì thì là cái đó. Giờ họ đã thay lòng đổi dạ, có sự phân định, không đến gần kẻ đó, muốn vứt bỏ kẻ đó, làm không tốt thì còn có thể tố cáo kẻ đó nữa. Đây là chuyện tồi tệ. Đây chẳng phải là một biểu hiện cụ thể về cách kẻ địch lại Đấng Christ thăm dò và kiểm soát lòng người sao?

Khi kẻ địch lại Đấng Christ thấy ai khác thường, anh ta sẽ khẩn trương cử người thân cận hoặc chân sai vặt đi nghe ngóng tình hình và nắm rõ nguyên do. Nếu không có gì biến động, nếu mọi người vẫn như trước và chưa thay lòng đổi dạ, thì anh ta sẽ cảm thấy yên tâm, không còn thấp thỏm hay khẩn trương. Nhưng nếu anh ta phát hiện ra điều gì đó khác thường, điều gì đó mà anh ta không biết, không nằm trong sự thao túng của anh ta, không như anh ta tưởng tượng, vậy thì phiền phức rồi đây. Anh ta trở nên lo lắng, sốt ruột đến phát cáu và khi anh ta sốt ruột, anh ta sẽ ra tay. Mục đích anh ta muốn đạt được khi ra tay là gì? Anh ta muốn mọi người phải đồng lòng với anh ta, không thay lòng đổi dạ. Mọi người nhất định phải cho anh ta biết những điều họ nghĩ trong lòng, luôn luôn báo cáo cho anh ta, bày tỏ lòng trung thành, quyết tâm và sự chân thành. Anh ta phải luôn có quyền kiểm soát những động thái và ý nghĩ trong lòng mọi người, cũng như phương hướng và nguyên tắc trong tư tưởng của họ. Một khi anh ta phát hiện ra ai đó hai lòng, anh ta sẽ bắt tay vào việc thay đổi họ. Nếu anh ta không thể thay đổi và trở thành bạn bè với người đó thì người đó sẽ trở thành kẻ thù của anh ta. Hậu quả khi trở thành kẻ thù của anh ta là gì? Người đó sẽ bị trừng trị và bóc lột. Đây là một cách. Còn một cách khác nữa. Kẻ địch lại Đấng Christ cũng luôn lo lắng về những người xung quanh, không bao giờ có thể lường trước được họ, lo sợ rằng mọi người sẽ phân định và tố cáo anh ta. Anh ta sẽ thầm nhủ trong lòng: “Anh có nhìn thấy lúc tôi lấy cắp của lễ và chuyên quyền độc đoán không? Nếu nhìn thấy, thì anh sẽ phân định được chứ? Anh có thể tố cáo tôi không?”. Có kẻ địch lại Đấng Christ thậm chí còn lén lút dâm loạn. Họ nghĩ: “Ai biết rõ những chuyện này? Những người biết rõ này nghĩ thế nào trong lòng? Mình có nên dùng biện pháp nào đó để ngụy trang, tạo ra một biểu hiện giả dối, sau đó kiểm tra những người này, moi móc lời trong lòng họ và xem xem họ rốt cuộc đang nghĩ thế nào không?”. Liệu những kẻ địch lại Đấng Christ sẽ làm như vậy sao? Đối với những kẻ tà ác như kẻ địch lại Đấng Christ, làm chuyện như vậy là rất dễ dàng, họ có thể vận dụng thành thạo và rất giỏi làm những việc như vậy. Kẻ địch lại Đấng Christ triệu tập mọi người lại và nói: “Hôm nay, tôi gọi mọi người đến đây không nhằm mục đích nào khác ngoài kiểm điểm những thiếu sót trong công tác mà tôi thực hiện ở hội thánh trong thời gian gần đây và nhận biết những tâm tính bại hoại mà tôi đã bộc lộ. Mọi người cứ có một nói một, có hai nói hai. Tôi sẽ không định tội. Hãy cùng mặt đối mặt, tâm liền tâm và thông công một cách cởi mở. Nếu tôi mắc lỗi, tôi sẽ sửa. Nếu không mắc lỗi, tôi sẽ coi đó như một lời nhắc nhở để không phạm phải. Mọi thứ trong nhà đức chúa trời đều công khai, tỏ lộ và phơi bày trần trụi. Chúng ta làm mọi việc trước đức chúa trời, và không ai cần phòng bị người khác. Xin các anh chị em hãy yên tâm. Tôi sẽ kiểm điểm bản thân mình trước. Gần đây, do sự lười biếng của bản thân và tham hưởng an nhàn xác thịt, tôi đã không làm tốt công tác của mình. Công tác phúc âm dạo này không được tốt lắm và tôi cũng không bận tâm lắm đến đời sống hội thánh. Tôi bận rộn với công tác phúc âm đến nỗi không dứt ra được. Tất nhiên, trách nhiệm nằm ở tôi. Dựa trên trí tưởng tượng của tôi, tôi cho rằng đời sống hội thánh sẽ do các anh chị em tự giác và tôi không cần bận tâm quá. Các anh chị em đều đã là người trưởng thành và lời đức chúa trời thì lại phán rõ ràng như thế, nên tôi dốc toàn lực để nắm được công tác phúc âm. Tuy nhiên, tôi cũng không làm tốt công tác phúc âm. Tôi cần nhận lỗi trước các anh chị em, xin các anh chị em tha thứ, và xin đức chúa trời tha thứ. Tại đây, tôi xin cúi đầu trước tất cả mọi người”. Mọi người nhìn và nghĩ: “Anh ta đã thay đổi rồi, có vẻ không còn gian trá như trước nữa. Tại sao hôm nay anh ta lại thật thà vậy? Có gì đó không thích hợp. Mình không thể kết luận lung tung. Mình sẽ xem anh ta nói thế nào tiếp theo”. Kẻ địch lại Đấng Christ tiếp tục nói. Anh ta bảo rằng anh ta nhận biết bản thân là ma quỷ, là Sa-tan, rằng anh ta chưa làm công tác thực tế nào, rằng anh ta nguyện ý tiếp nhận mọi sự xử trí của Bề trên cũng như mọi sự chỉ trích hay phê bình của các anh chị em. Anh ta còn nói: “Cho dù họ phế truất tôi và không cho tôi làm lãnh đạo nữa, tôi cũng bằng lòng làm người nhỏ bé nhất. Tôi xin tiến cử chị Lý và con gái chị ở hội thánh của chúng ta tiếp quản công tác của tôi”. Anh ta đã chọn xong người thay thế rồi. Thái độ này của anh ta chẳng phải khá chân thành sao? Còn cần hoài nghi nữa không? Thậm chí anh ta còn vừa nói vừa khóc. Sau đó, anh ta dẫn vợ mình đến và nói: “Trong thời gian này, em cũng chưa làm công tác thực tế nào mà chỉ làm gián đoạn và gây nhiễu loạn, thậm chí còn mù quáng tỉa sửa các anh chị em. Em cũng nên bị cách chức”. Kẻ địch lại Đấng Christ xử lý bản thân mình trước rồi đến gia đình anh ta, khiến mọi người cảm thấy anh ta chân thành. Mọi người vừa nghe liền nói: “Thật ra, chúng tôi đã phân định được các anh từ lâu rồi. Các anh không thương lượng bất cứ điều gì với chúng tôi. Một vài người trong số các anh thảo luận riêng rồi đưa ra quyết định. Chuyện này không phù hợp với nguyên tắc công tác trong nhà Đức Chúa Trời. Hơn nữa, các anh đã tự quyết định với nhau xem sẽ chọn ai làm lãnh đạo mà chúng tôi không hề biết gì. Chúng tôi thậm chí còn không có quyền được biết. Người mà các anh chọn không chỉ không làm công tác thực tế mà còn gây nhiễu loạn, nhưng các anh vẫn không cách chức người đó”. Các anh chị em lần lượt nói ra ý nghĩ của mình. Nghe vậy, kẻ địch lại Đấng Christ nghĩ: “Hỏng chuyện rồi! Tuy nhiên, việc họ dốc hết toàn bộ lời thật lòng ra ngoài cũng là chuyện tốt. Việc này sẽ có lợi cho công tác sau này của mình. Nếu họ không nói những lời này mà lại đâm sau lưng mình và trực tiếp viết một bức thư tố cáo lên bề trên trong trường hợp mình không hiểu rõ tình hình thì đó chẳng phải là mình xong rồi sao? May mà mình dùng chiêu này, may mà mình thông minh, phản ứng nhanh, và mình đã kịp thời hiểu rõ ý nghĩ trong lòng họ”. Tiếp dó, anh ta giả bộ nói: “Cảm ơn các anh chị em vì đã tín nhiệm tôi và đã có thể chân thành chỉ trích, phê bình những lỗi lầm của tôi hôm nay. Sau này tôi nhất định sẽ thay đổi. Nếu không, tôi sẵn lòng chịu trừng phạt và bị nguyền rủa”. Hành động thăm dò và kiểm soát lòng người của kẻ địch lại Đấng Christ không chỉ dừng lại ở nghe lén và nhìn trộm qua cửa. Khi tình thế nghiêm trọng, anh ta còn có một con át chủ bài. Con át chủ bài đó là gì? Anh ta sẽ giảng về dân chủ và tự do, cho mọi người đủ quyền tự do ngôn luận, cho họ toàn quyền tự do bày tỏ quan điểm và tiếng lòng, bảo mọi người nói ra tiếng lòng mình, ngay cả khi đó là những lời oán hận. Sau đó, anh ta sẽ nắm lấy điểm yếu của những người có ý kiến trái ngược với anh ta hoặc có ý kiến về anh ta, một mẻ hốt gọn. Các ngươi thấy cách làm này của kẻ địch lại Đấng Christ thế nào? Thật quá tà ác! Chẳng phải có phần giống với con rồng lớn sắc đỏ sao? Về cơ bản, họ thuộc cùng một nhóm, có cùng thực chất bản tính. Chẳng phải con rồng lớn sắc đỏ cũng như thế sao? Xem cách kẻ địch lại Đấng Christ biểu diễn cũng giống như nhìn thấy diện mạo xấu xa của con rồng lớn sắc đỏ.

Những kẻ địch lại Đấng Christ rất giỏi dùng lời hay và đúng để dụ dỗ mọi người và khiến mọi người thổ lộ tâm tình với họ. Sau khi thăm dò và moi móc ra tình hình thực tế của mọi người, thì kết quả là gì? Liệu kẻ địch lại Đấng Christ sẽ hối cải vì mọi người đã nói những lời nói thật này với mình chứ? Liệu họ sẽ dừng tay từ đây, ngừng làm việc ác, buông bỏ quyền lực trong tay, từ bỏ dục vọng đối với quyền lực và giải tán thiên hạ của mình chứ? Không bao giờ. Thay vào đó, họ sẽ ngày càng táo tợn. Sau khi nghĩ đủ mọi cách để kiểm soát lòng người, họ giữ lại những người phù hợp với mình và xử trí tất cả những ai không phù hợp. Chúng ta không thể loại trừ việc một số anh chị em trong hội thánh đã bị thanh trừ, khai trừ, hoặc bị tịch thu sách về lời Đức Chúa Trời trong những bối cảnh như vậy. Các anh chị em này đã bị đổ oan. Vậy các anh chị em bị đổ oan này làm thế nào đây? Liệu họ có thể ngừng tin Đức Chúa Trời bởi vì có một kẻ địch lại Đấng Christ xuất hiện trong nhà Đức Chúa Trời và trừng trị họ thành như vậy, khiến họ không có cách nào tin được không? Liệu họ có thể làm như thế không? (Thưa, họ không thể.) Việc thỏa hiệp hoặc cúi đầu trước kẻ địch lại Đấng Christ hoặc trước những thế lực đen tối hay tà ác có thích hợp hay không? Đó có phải là con đường mà các ngươi nên chọn không? (Thưa, không.) Vậy các ngươi nên chọn con đường nào? (Thưa, vạch trần và tố cáo kẻ địch lại Đấng Christ.) Khi ngươi phát hiện ra ai đó là kẻ địch lại Đấng Christ, để Ta nói cho ngươi biết, nếu anh ta có thế lực rất lớn, có nhiều lãnh đạo và chấp sự nghe lời anh ta mà sẽ không nghe lời ngươi, nếu ngươi vạch trần anh ta và có nhiều khả năng bị cô lập hoặc thanh trừ, thì ngươi phải nghĩ đối sách cho tốt. Không được phép đơn thương độc mã đối phó với anh ta. Như thế thì phần thắng của ngươi không lớn. Trước tiên, hãy liên lạc với một số người hiểu lẽ thật và biết phân định, đồng thời tìm kiếm thông công với họ. Nếu đạt đến nhận thức chung, hãy tìm thêm hai người lãnh đạo hoặc chấp sự có thể tiếp nhận lẽ thật và đi đến nhận thức chung. Khi có nhiều người nhất trí hành động, hãy cùng vạch trần và xử lý kẻ địch lại Đấng Christ. Như thế ngươi sẽ có cơ hội chiến thắng. Nếu thế lực của kẻ địch lại Đấng Christ quá lớn, các ngươi cũng có thể viết thư tố cáo lên Bề trên. Đây là biện pháp tốt nhất. Nếu có vài người lãnh đạo và chấp sự thực sự áp chế các ngươi, thì các ngươi nói với họ: “Nếu các anh không tiếp nhận sự lột trần và tố cáo của chúng tôi, chúng tôi sẽ phản ánh lên Bề trên để họ xử lý các anh!”. Như thế sẽ càng có cơ hội chiến thắng, vì những kẻ đó sẽ không dám động vào các ngươi. Với kẻ địch lại Đấng Christ, ngươi nhất định phải áp dụng phương thức ổn thỏa này, tuyệt đối không được chiến đấu một mình. Nếu ngươi không có sự ủng hộ của một số người lãnh đạo và chấp sự, vậy thì ngươi nhất định sẽ thất bại, trừ khi ngươi có thể viết một lá thư tố cáo và gửi lên Bề trên, đây mới là có cơ hội thắng. Những kẻ địch lại Đấng Christ cực kỳ nham hiểm và giảo hoạt. Nếu ngươi không có đủ chứng cứ, thì trước hết đừng động đến họ. Giảng đạo lý hay tranh luận với họ cũng vô ích, dùng lòng yêu thương để cảm hóa họ cũng vô ích, thông công với họ về lẽ thật cũng vô ích. Ngươi sẽ không thể thay đổi được họ. Trong tình huống không thay đổi được họ, điều ngươi nên làm nhất là không tâm sự mặt đối mặt với họ, lý luận với họ và chờ đợi họ hối cải. Thay vào đó, hãy vạch trần và tố cáo họ trong tình huống không để họ biết, để Bề trên xử lý họ, và khiến nhiều người đứng lên vạch trần họ, tố cáo họ, vứt bỏ họ hơn, từ đó đạt đến khiến hội thánh loại trừ họ. Đây chẳng phải là một biện pháp hay hay sao? Nếu họ muốn moi móc lời trong lòng ngươi, thăm dò ngươi và xem ngươi có sự phân định nào đối với họ hay không và nếu người đã nhận định họ là kẻ địch lại Đấng Christ, thì ngươi nên làm thế nào? (Thưa, con không thể nói thật với họ mà có thể nói theo lời họ trước, không để họ phát hiện ra con đã có sự phân định với họ. Sau đó, con nên bí mật vạch trần và tố cáo họ.) Biện pháp này thì thế nào? (Thưa, hay ạ.) Ngươi phải nhìn thấu quỷ kế của ma quỷ và Sa-tan, không thể trúng bẫy hoặc rơi vào cái hố mà họ đào cho ngươi được. Khi đối phó với Sa-tan và ma quỷ, ngươi phải dùng trí tuệ của mình và không được nói thật với chúng. Bởi vì đối tượng có thể khiến ngươi nói thật là Đức Chúa Trời và các anh chị em thực sự. Ngươi vĩnh viễn không được nói thật với Sa-tan, ma quỷ hay kẻ địch lại Đấng Christ. Chỉ có Đức Chúa Trời mới xứng được biết trong ngươi đang nghĩ gì và mới xứng được tể trị cũng như dò xét lòng ngươi. Không ai, đặc biệt là ma quỷ và Sa-tan, có tư cách khống chế hoặc dò xét lòng ngươi. Do đó, nếu ma quỷ và Sa-tan muốn moi móc lời nói thật của ngươi, ngươi có quyền nói “không”, từ chối trả lời và không nói cho chúng biết. Đây là quyền của ngươi. Nếu ngươi nói: “Đồ ma quỷ, ngươi muốn moi lời ta, nhưng ta sẽ không nói thật với ngươi, ta sẽ không nói cho ngươi biết. Ta sẽ tố cáo ngươi, thế nào hả? Nếu ngươi dám trừng trị ta, ta sẽ tố cáo ngươi. Nếu ngươi trừng trị ta, Đức Chúa Trời sẽ nguyền rủa và trừng phạt ngươi!” thì có tác dụng không? (Thưa, không.) Kinh Thánh có nói: “Hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu” (Ma-thi-ơ 10:16). Lúc này, ngươi phải linh hoạt như rắn, phải có trí tuệ. Tấm lòng của chúng ta chỉ xứng đáng được Đức Chúa Trời dò xét và chiếm hữu, và chỉ xứng đáng được trao cho Ngài. Chỉ có Đức Chúa Trời mới xứng đáng có được tấm lòng của chúng ta, còn Sa-tan và ma quỷ thì không xứng đáng! Do đó, liệu kẻ địch lại Đấng Christ có tư cách biết được trong lòng chúng ta nghĩ thế nào hay chúng ta đang nghĩ gì không? Họ không có tư cách biết được. Mục đích của họ là gì khi họ moi móc lời của ngươi và thăm dò ngươi? Họ muốn kiểm soát ngươi. Ngươi phải nhìn rõ điều này. Bởi vậy, ngươi không được nói thật với họ. Ngươi phải nghĩ biện pháp liên hợp thêm nhiều anh chị em để vạch trần và vứt bỏ họ, kéo họ xuống khỏi địa vị của mình và tuyệt đối không thể để họ đạt được mục đích. Hãy loại trừ họ khỏi hội thánh, không cho họ bất cứ cơ hội nào để gây nhiễu loạn và nắm quyền trong nhà Đức Chúa Trời nữa.

Việc kẻ địch lại Đấng Christ thăm dò và kiểm soát lòng người thực sự tồn tại. Xét từ thực chất của kẻ địch lại Đấng Christ, họ làm những chuyện này quá dễ dàng và tự nhiên. Ở các hội thánh khác nhau, kẻ địch lại Đấng Christ thường cử tâm phúc thâm nhập vào giữa các anh chị em, thăm dò thông tin và dò la các tin đồn. Đôi khi, những gì họ dò la được là chuyện nhà chuyện cửa hoặc nội dung tán gẫu giữa mọi người, căn bản là không hề quan trọng. Tuy nhiên, kẻ địch lại Đấng Christ luôn lợi dụng những chuyện này để làm ầm lên, thậm chí còn nâng chúng lên tầm tư tưởng và quan điểm để có thể kịp thời nắm bắt những động thái trong suy nghĩ và quan điểm của mọi người. Mục đích là để họ có thể thoải mái kiểm soát cục diện và tình hình của mỗi người, từ đó ứng đối kịp thời. Đối với quyền lực và địa vị, những việc mà kẻ địch lại Đấng Christ làm đúng là đủ cụ thể. Cụ thể đến mức độ nào? Họ muốn rõ như lòng bàn tay xem quan điểm của mỗi người về cách họ giải quyết công việc, cũng như quan điểm của mỗi người về vật chất, tiền bạc, địa vị, quan điểm của mỗi người về việc tin Đức Chúa Trời, thực hiện bổn phận và từ bỏ công tác. Sau khi đã rõ như lòng bàn tay, kẻ địch lại Đấng Christ không sử dụng lẽ thật để cung cấp cho mọi người, thay đổi quan điểm sai lầm của mọi người hay giải quyết vấn đề. Thay vào đó, họ lại dùng để phục vụ cho địa vị, quyền lực và thiên hạ của mình. Đây chính là mục đích của kẻ địch lại Đấng Christ khi thăm dò và kiểm soát lòng người. Đối với kẻ địch lại Đấng Christ, mọi việc họ làm đều có ý nghĩa và giá trị như thế. Nhưng tất cả những việc được cho là có ý nghĩa và giá trị trong mắt họ này vừa hay lại bị Đức Chúa Trời lên án. Họ vừa hay lại phản bội Đức Chúa Trời và thù nghịch với Ngài.

Ngày 7 tháng 11 năm 2020

Trước: Mục 13. Họ không chỉ khống chế lòng người, mà còn khống chế tài chính của hội thánh

Tiếp theo: Mục 15. Họ không tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và phủ nhận thực chất của Đấng Christ (Phần 1)

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời Về việc biết Đức Chúa Trời Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ Chức trách của lãnh đạo và người làm công Về việc mưu cầu lẽ thật Về việc mưu cầu lẽ thật Sự phán xét khởi từ nhà Đức Chúa Trời Những lời trọng yếu từ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Lời Đức Chúa Trời Hằng Ngày Các thực tế lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời phải bước vào Theo Chiên Con Và Hát Những Bài Ca Mới Những chỉ dẫn cho việc truyền bá Phúc Âm của vương quốc Chiên của Đức Chúa Trời nghe tiếng của Đức Chúa Trời Lắng nghe tiếng Đức Chúa Trời thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Những câu hỏi và câu trả lời thiết yếu về Phúc Âm của Vương quốc Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 1) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 2) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 3) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 4) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 5) Tôi Đã Quay Về Với Đức Chúa Trời Toàn Năng Như Thế Nào

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger