Biết đến Đức Chúa Trời V

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 166

Các ngươi có biết kiến thức nào là chìa khóa để hiểu được tâm tính công chính của Đức Chúa Trời không? Có nhiều điều có thể nói từ trải nghiệm về chủ đề này, nhưng trước hết, có một vài điểm chính mà Ta phải nói với các ngươi. Để hiểu được tâm tính công chính của Đức Chúa Trời, trước tiên, người ta phải hiểu được cảm xúc của Đức Chúa Trời: Ngài ghét gì, Ngài ghê tởm gì, Ngài yêu thương gì, Ngài bao dung và thương xót ai, và kiểu người nào mà Ngài ban cho lòng thương xót đó. Đây là một điểm chính. Người ta cũng phải hiểu rằng cho dù Đức Chúa Trời yêu thương thế nào, dù Ngài có lòng thương xót và yêu thương dành cho mọi người ra sao, thì Đức Chúa Trời cũng không tha thứ cho bất kỳ ai xúc phạm đến thân phận và địa vị của Ngài, cũng như không tha thứ cho bất kỳ ai xúc phạm đến phẩm giá của Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời yêu thương mọi người, nhưng Ngài không nuông chiều họ. Ngài ban cho mọi người tình yêu thương của Ngài, lòng thương xót và lòng khoan dung của Ngài, nhưng Ngài chưa bao giờ chiều chuộng họ; Đức Chúa Trời có các nguyên tắc và giới hạn của Ngài. Cho dù ngươi đã cảm nhận được tình yêu thương của Đức Chúa Trời nhiều bao nhiêu, cho dù tình yêu thương đó có thể sâu đậm đến đâu, ngươi cũng không bao giờ được đối xử với Đức Chúa Trời như ngươi sẽ đối xử với người khác. Mặc dù đúng là Đức Chúa Trời đối xử với mọi người hết sức gần gũi, nhưng nếu một người coi Đức Chúa Trời chỉ như một người khác, như thể Ngài chỉ là một tạo vật khác, như một người bạn hoặc một vật thờ phượng, thì Đức Chúa Trời sẽ ẩn giấu khuôn mặt của Ngài với họ và từ bỏ họ. Đây là tâm tính của Ngài và mọi người không được xem xét vấn đề này một cách khinh suất. Thế nên, chúng ta thường thấy những lời như thế này do Đức Chúa Trời phán về tâm tính của Ngài: Không quan trọng ngươi đã đi bao nhiêu con đường, ngươi đã làm bao nhiêu công việc hay ngươi đã chịu đựng bao nhiêu đau khổ, một khi ngươi xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đáp trả mỗi người các ngươi dựa trên những gì ngươi đã làm. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đối xử với mọi người hết sức gần gũi, tuy nhiên mọi người không được đối xử với Đức Chúa Trời như một người bạn hay một người thân. Đừng gọi Đức Chúa Trời là “anh bạn” của ngươi. Cho dù ngươi có nhận lãnh được bao nhiêu tình yêu thương từ Ngài, cho dù Ngài đã khoan dung ngươi bao nhiêu, ngươi cũng không bao giờ được xem Đức Chúa Trời như là bạn ngươi. Đây là tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Các ngươi có hiểu không? Ta có cần nói thêm về điều này không? Các ngươi có bất kỳ sự hiểu biết nào trước đây về vấn đề này không? Nói chung, đây là sai lầm mọi người dễ mắc phải nhất, bất kể liệu họ có hiểu các giáo lý hay liệu trước đây họ chưa bao giờ suy ngẫm về vấn đề này. Khi con người xúc phạm Đức Chúa Trời, có thể không phải vì một sự việc hay một điều họ nói, mà thay vào đó là vì thái độ họ giữ và tình trạng của họ. Đây là một điều rất đáng sợ. Một vài người tin rằng họ có trí hiểu về Đức Chúa Trời, rằng họ có một số kiến thức về Ngài và thậm chí họ có thể làm một số điều làm hài lòng Đức Chúa Trời. Họ bắt đầu cảm thấy ngang hàng với Đức Chúa Trời và họ đã khéo léo mưu mẹo đưa bản thân vào mối quan hệ bạn bè với Đức Chúa Trời. Những kiểu tình cảm này là cực kỳ sai lầm. Nếu ngươi không có hiểu biết sâu sắc về điều này – nếu ngươi không hiểu rõ điều này – thì ngươi sẽ rất dễ xúc phạm đến Đức Chúa Trời và xúc phạm đến tâm tính công chính của Ngài. Giờ ngươi hiểu được điều này rồi phải không? Chẳng phải tâm tính công chính của Đức Chúa Trời là độc nhất sao? Liệu nó có thể tương đương với tính cách hay đức hạnh của một con người không? Không bao giờ có thể. Vì vậy, ngươi không được quên, cho dù Đức Chúa Trời đối xử với mọi người như thế nào hay Ngài nghĩ đến con người ra sao, thì địa vị, thẩm quyền và thân phận của Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi. Đối với nhân loại, Chúa luôn luôn là Đức Chúa Trời của vạn vật và là Đấng Tạo Hóa.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 167

Câu chuyện 1: Một hạt giống, đất, một cái cây, ánh sáng mặt trời, những chú chim, và con người

Một hạt giống nhỏ rơi xuống đất. Một cơn mưa lớn đổ xuống, và hạt giống nảy mầm non, trong khi rễ của nó đào sâu dần xuống lớp đất bên dưới. Theo thời gian mầm mọc cao lên, chịu đựng những cơn gió tàn khốc và những trận mưa xối xả, chứng kiến sự thay đổi của các mùa khi trăng tròn rồi lại khuyết. Vào mùa hè, đất mang theo những món quà nước để mầm cây có thể chịu đựng được cái nóng thiêu đốt của mùa. Và bởi vì đất, mầm cây không bị áp đảo bởi sức nóng, và như thế, cơn nóng mùa hè tồi tệ nhất đã trôi qua. Khi mùa đông đến, đất bao bọc mầm cây trong vòng tay ấm áp của nó, và đất và mầm cây ôm chặt lấy nhau. Đất sưởi ấm mầm cây, và do đó, mầm cây sống sót qua được cái lạnh khắc nghiệt của mùa, không hề hấn gì bởi những cơn gió và bão tuyết lạnh giá. Được che chở bởi đất, mầm cây trở nên mạnh dạn và vui sướng; được nuôi dưỡng bất vị kỷ bởi đất, nó phát triển khỏe mạnh và vững chắc. Nó lớn lên vui vẻ, hát ca trong mưa, nhảy múa và đung đưa trong gió. Mầm cây và đất nương tựa vào nhau…

Năm tháng trôi qua, và mầm lớn thành một cái cây cao chót vót. Nó đứng vững trên đất, với những nhánh cây mập mạp được điểm tô vô số lá. Rễ cây vẫn đào sâu vào đất như trước đây, và giờ chúng đã cắm sâu vào lòng đất phía dưới. Đất nơi đã từng bảo vệ mầm nhỏ, giờ là nền tảng cho một cái cây đồ sộ.

Một tia nắng chiếu lên cây. Cây đung đưa thân mình, vươn dài tay và hít sâu bầu không khí đầy nắng. Mặt đất bên dưới thở cùng nhịp với cây, và đất cảm thấy được tái tạo. Ngay lúc đó, một cơn gió mát thổi ra từ giữa các nhánh cây, và cây rung rinh trong hoan hỉ, rì rào đầy năng lượng. Cây và ánh nắng nương tựa vào nhau…

Con người ngồi trong bóng mát của cây và đắm mình trong bầu không khí lồng lộng, thơm ngát. Không khí làm tinh sạch tim và phổi họ, và nó làm tinh sạch máu bên trong họ, và cơ thể họ không còn uể oải hay gò bó nữa. Người và cây nương tựa vào nhau…

Một đàn chim nhỏ đậu trên các cành cây hót líu lo. Có thể chúng đã đậu ở đó để trốn thú săn mồi, hoặc để sinh sản và nuôi con non, hoặc có lẽ chúng chỉ nghỉ ngơi chốc lát. Chim và cây nương tựa vào nhau…

Rễ của cây, xoắn xuýt và bện vào nhau, đào sâu vào lòng đất. Với thân của mình, nó che chở đất khỏi gió mưa, và nó vươn những nhánh cây để bảo vệ đất phía dưới chân mình. Cây làm vậy vì đất là mẹ nó. Chúng giúp nhau vững vàng và nương tựa vào nhau, và chúng sẽ không bao giờ tách rời…

(…)

Mọi điều Ta vừa nói là điều các ngươi đã thấy trước đây. Ví dụ như hạt giống – chúng mọc thành cây, và dù ngươi có thể không thể thấy được mọi chi tiết của quá trình, nhưng ngươi biết đây là sự thật, không phải sao? Ngươi cũng biết về đất và ánh nắng. Hình ảnh các chú chim đậu trên cây là thứ mọi người đều đã thấy, đúng không? Và hình ảnh mọi người hóng mát dưới bóng cây – đây là thứ tất cả các ngươi đều đã thấy, đúng không? (Đúng). Thế thì, khi tất cả những thứ này hiện diện trong cùng một khung cảnh, hình ảnh đó đem lại cảm giác gì? (Một cảm giác hài hòa). Liệu từng thứ trong khung cảnh này có đến từ Đức Chúa Trời không? (Có). Vì chúng đến từ Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời biết giá trị và ý nghĩa của sự tồn tại trần thế của hết thảy những thứ khác nhau này. Khi Đức Chúa Trời tạo nên vạn vật, khi Ngài lập kế hoạch và tạo dựng từng thứ, Ngài làm vậy có ý đồ; và khi Ngài tạo dựng những thứ này, từng thứ đều thấm đẫm sự sống. Môi trường Ngài tạo ra cho sự tồn tại của nhân loại, như được mô tả trong câu chuyện của chúng ta, là nơi mà hạt giống và đất nương tựa vào nhau, nơi đất có thể nuôi dưỡng hạt giống và hạt giống gắn chặt với đất. Mối quan hệ này được Đức Chúa Trời sắp đặt ngay từ đầu sự tạo dựng của Ngài. Một quang cảnh có một cái cây, ánh nắng, chim chóc, và con người là sự miêu tả của môi trường sống Đức Chúa Trời tạo dựng cho nhân loại. Trước tiên, cái cây không thể rời bỏ đất, nó cũng không thể không có ánh sáng mặt trời. Thế, mục đích của Đức Chúa Trời trong việc tạo ra cái cây là gì? Liệu chúng ta có thể nói rằng nó chỉ có giá trị cho đất được không? Liệu chúng ta có thể nói rằng nó chỉ có giá trị cho chim chóc được không? Chúng ta có thể nói rằng nó chỉ có giá trị cho con người được không? (Không). Mối quan hệ giữa chúng là gì? Mối quan hệ giữa chúng là một mối quan hệ củng cố lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời. Thế nghĩa là, đất, cây, ánh sáng mặt trời, chim chóc và con người nương tựa lẫn nhau để tồn tại và nuôi dưỡng lẫn nhau. Cây bảo vệ đất, và đất nuôi dưỡng cây; ánh nắng mặt trời cung cấp cho cây, trong khi cây thu được không khí trong lành từ ánh nắng và làm giảm sức nóng thiêu đốt của mặt trời lên đất. Cuối cùng ai được lợi từ điều này? Chính là loài người, chẳng phải vậy sao? Đây là một trong những nguyên tắc làm cơ sở cho môi trường mà loài người sinh sống, được Đức Chúa Trời tạo nên; đó là cách Đức Chúa Trời dự định ngay từ đầu. Mặc dù hình ảnh này chỉ là một hình ảnh đơn giản, chúng ta có thể thấy được trong đó sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và ý định của Ngài. Nhân loại không thể sống mà không có đất, hay không có cây cối, càng không thể sống mà không có chim chóc hay ánh sáng mặt trời. Chẳng phải vậy sao? Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện, nhưng những gì nó mô tả là một mô hình thu nhỏ của sự sáng tạo trời đất và vạn vật của Đức Chúa Trời và món quà của Ngài về môi trường mà loài người có thể sinh sống.

Vì nhân loại mà Đức Chúa Trời đã tạo ra trời đất và muôn vật, cũng như một môi trường để sinh sống. Trước hết, trọng điểm câu chuyện chúng ta đề cập là sự củng cố lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau, và sự tồn tại cùng nhau của vạn vật. Theo nguyên tắc này, môi trường tồn tại của nhân loại được bảo vệ; nó có thể tồn tại và được duy trì. Nhờ bởi điều này, nhân loại có thể phát triển và sinh trưởng. Hình ảnh chúng ta đã thấy là hình ảnh về một cái cây, đất, ánh sáng mặt trời, chim chóc và con người cùng nhau. Có Đức Chúa Trời trong hình ảnh này không? Người ta đã không thấy Ngài ở đó. Nhưng người ta đã thấy quy tắc củng cố lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi vật trong quang cảnh này; trong quy tắc này, người ta có thể thấy sự hiện hữu và quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời dùng một nguyên tắc và một quy tắc như vậy để bảo tồn sự sống và tồn tại của vạn vật. Theo cách này, Ngài cung cấp cho vạn vật và cho nhân loại. Câu chuyện này có liên kết tới chủ đề chính của chúng ta không? Ngoài bề mặt, có vẻ không phải như vậy, nhưng trong thực tế, quy tắc mà Đức Chúa Trời tạo dựng vạn vật và quyền chủ tể của Ngài với vạn vật liên hệ mật thiết với việc Ngài là cội nguồn sự sống của vạn vật. Những sự thật này không thể tách rời. Giờ các ngươi đã bắt đầu học được điều gì đó!

Đức Chúa Trời điều khiển các quy tắc chi phối sự hoạt động của muôn vật; Ngài điều khiển các quy tắc chi phối sự sống còn của muôn vật; Ngài kiểm soát muôn vật, và sắp đặt để chúng vừa củng cố và vừa phụ thuộc lẫn nhau, hầu để chúng không bị diệt vong hoặc biến mất. Chỉ có như thế thì loài người mới có thể sống tiếp; chỉ có như thế họ mới có thể sống dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong một môi trường như vậy. Đức Chúa Trời là chủ của các quy tắc hoạt động này, và không ai có thể can thiệp vào chúng, họ cũng chẳng thể thay đổi chúng. Chỉ chính Đức Chúa Trời mới biết những quy tắc này và chỉ chính Đức Chúa Trời mới quản lý chúng. Khi nào cây cối sẽ nảy mầm; khi nào trời sẽ mưa; đất sẽ cung cấp cho cây bao nhiêu nước và bao nhiêu chất dinh dưỡng; mùa nào lá sẽ rụng; mùa nào cây sẽ ra quả; ánh sáng mặt trời sẽ cung cấp cho cây cối bao nhiêu chất dinh dưỡng; cây cối sẽ thở ra gì sau khi được cung cấp bởi ánh sáng mặt trời – tất cả những điều này đều được Đức Chúa Trời tiền định khi Ngài tạo dựng vạn vật, như là các quy tắc mà không ai có thể phá vỡ được. Những thứ mà Đức Chúa Trời đã tạo ra, dù sống hay không sống trong mắt con người, thì đều nằm trong tay Ngài, nơi Ngài kiểm soát và cai trị chúng. Không ai có thể thay đổi hay phá vỡ các quy tắc này. Điều này để nói rằng, khi Đức Chúa Trời tạo ra vạn vật, Ngài đã tiền định rằng nếu không có đất, cây không thể cắm rễ xuống, nảy mầm và mọc lên; rằng nếu đất không có cây cối, thì nó sẽ khô hạn; rằng cây phải trở thành nhà của chim chóc và là một nơi mà chúng có thể trú ẩn tránh gió. Một cái cây có thể sống mà không có đất không? Tuyệt đối không. Nó có thể sống mà không có mặt trời hay mưa không? Nó cũng không thể. Tất cả những điều này là vì nhân loại, vì sự sống còn của nhân loại. Từ cây, con người nhận được không khí trong lành, và con người sống trên đất, được bảo vệ bởi cây. Con người không thể sống mà không có ánh sáng mặt trời hoặc những sinh vật sống đa dạng khác. Mặc dù các mối quan hệ này phức tạp, ngươi phải nhớ rằng Đức Chúa Trời tạo ra các quy tắc chi phối vạn vật hầu để chúng có thể củng cố lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau, và cùng nhau tồn tại. Nói cách khác, từng thứ Ngài tạo ra đều có giá trị và ý nghĩa. Nếu Đức Chúa Trời tạo ra thứ gì mà không có ý nghĩa, Đức Chúa Trời sẽ làm cho nó biến mất. Đây là một trong các phương thức Đức Chúa Trời dùng để cung cấp cho vạn vật. Những từ “cung cấp cho” đề cập đến điều gì trong câu chuyện này? Đức Chúa Trời có tưới cây mỗi ngày không? Cây có cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để hít thở không? (Không). “Cung cấp cho” ở đây đề cập đến sự quản lý của Đức Chúa Trời với vạn vật sau khi chúng được tạo ra; đã đủ để Đức Chúa Trời quản lý chúng sau khi thiết lập các quy tắc chi phối chúng. Một khi hạt giống được gieo xuống đất, cái cây tự nó mọc lên. Những điều kiện cho sự phát triển của nó tất cả đều đã được Đức Chúa Trời tạo ra. Đức Chúa Trời đã tạo ra ánh sáng mặt trời, nước, đất đai, không khí và môi trường xung quanh; Đức Chúa Trời đã tạo ra gió, băng giá, tuyết và mưa và bốn mùa. Đây là những điều kiện mà cây cần để phát triển, và đây là những thứ mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị. Thế, Đức Chúa Trời có phải là nguồn gốc của môi trường sống này không? (Phải). Đức Chúa Trời có phải đếm từng chiếc lá trên cây cối mỗi ngày không? Không! Đức Chúa Trời cũng không cần giúp cây thở hay đánh thức ánh sáng mặt trời mỗi ngày, nói rằng: “Đến lúc tỏa sáng lên cây rồi”. Ngài không cần phải làm điều đó. Ánh nắng tự nó tỏa sáng khi đến lúc tỏa sáng, theo đúng quy tắc; nó xuất hiện và tỏa sáng lên cây và cây hấp thụ ánh nắng khi cần, và khi cây không cần, nó vẫn sống trong các quy tắc. Các ngươi có thể không giải thích được hiện tượng này một cách rõ ràng, nhưng tuy vậy nó là sự thật, điều mà ai cũng có thể thấy và thừa nhận. Tất cả những gì ngươi cần làm là nhận ra rằng các quy tắc chi phối sự tồn tại của vạn vật là đến từ Đức Chúa Trời, và biết rằng Đức Chúa Trời có quyền tối thượng trên sự phát triển và tồn tại của vạn vật.

Giờ thì, câu chuyện này có chứa những gì mà mọi người coi là “một phép ẩn dụ” không? Có phải là phép nhân cách hóa không? (Không phải). Ta đã kể một câu chuyện có thật. Mọi loại sinh vật, mọi thứ có sự sống, đều được cai trị bởi Đức Chúa Trời; mỗi sinh vật đều được thấm nhuần sự sống bởi Đức Chúa Trời khi nó được tạo ra; sự sống của mọi sinh vật đều đến từ Đức Chúa Trời và tuân theo tiến trình và các quy luật điều khiển nó. Điều này không đòi hỏi con người phải thay đổi nó, cũng không cần sự giúp đỡ của con người; đó là một trong những cách mà Đức Chúa Trời cung cấp cho vạn vật. Ngươi hiểu chứ? Các ngươi có nghĩ rằng mọi người cần phải nhận ra điều này không? (Có). Vậy thì, câu chuyện này có liên quan gì đến sinh vật học không? Có liên quan theo một cách nào đó đến một lĩnh vực kiến thức hoặc một nhánh chuyên môn không? Chúng ta không thảo luận về sinh học, và chúng ta chắc chắn không tiến hành nghiên cứu sinh học. Ý chính của cuộc nói chuyện của chúng ta là gì? (Đức Chúa Trời là nguồn sống cho muôn vật). Các ngươi đã nhìn thấy gì trong tạo hóa? Các ngươi đã thấy cây cối chưa? Các ngươi đã nhìn thấy đất chưa? (Rồi). Các ngươi đã nhìn thấy ánh sáng mặt trời rồi, không phải sao? Các ngươi đã thấy chim chóc đậu trên cây chưa? (Chúng con đã thấy). Có phải nhân loại hạnh phúc khi sống trong một môi trường như vậy không? (Đúng vậy). Điều đó có nghĩa là, Đức Chúa Trời sử dụng tất cả mọi thứ, những thứ mà Ngài đã tạo ra, để duy trì và bảo vệ ngôi nhà của nhân loại, môi trường sống của họ. Theo cách này, Đức Chúa Trời cung cấp cho nhân loại và cho vạn vật.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 168

Câu chuyện 2: Ngọn Núi Lớn, Dòng Suối Nhỏ, Cơn Gió Mạnh và Con Sóng Khổng Lồ

Có một dòng suối nhỏ uốn lượn quanh co, cuối cùng đến chân của một ngọn núi lớn. Ngọn núi đã chặn mất lối đi của dòng suối bé nhỏ, vì vậy dòng suối nói với ngọn núi bằng giọng nhỏ nhẹ và yếu ớt: “Xin hãy để tôi qua. Anh đang đứng trên đường của tôi và chặn đường chảy của tôi”. Ngọn núi hỏi: “Anh đang đi đâu?” Dòng suối đáp: “Tôi đang tìm nhà của tôi”. “Được rồi, hãy đi tiếp đi và chảy ngay qua tôi này!” Nhưng dòng suối bé nhỏ quá yếu ớt và non nớt, vì vậy nó không có cách nào để chảy qua ngọn núi lớn đến vậy. Nó chỉ có thể tiếp tục chảy quanh quẩn ở chân núi…

Một cơn gió mạnh thổi qua, cuốn theo cát và các mảnh vụn đến chỗ ngọn núi đứng. Cơn gió gào thét với ngọn núi: “Cho tôi qua nào!” Ngọn núi hỏi: “Anh đang đi đâu đấy?” Gió rít lên trả lời: “Tôi muốn đi sang sườn núi bên kia”. “Được thôi, nếu anh xuyên qua được lưng tôi thì anh có thể đi!” Cơn gió mạnh gầm rít hết cách này đến cách khác nhưng dù thổi dữ dội đến đâu, nó cũng không thể chọc thủng lưng núi. Cơn gió mệt nhoài và dừng lại để nghỉ ngơi – và ở sườn núi bên kia, một cơn gió nhẹ bắt đầu thổi, giúp con người ở đó cảm thấy dễ chịu. Đây là lời chào của ngọn núi tới con người…

Ở bờ biển, bụi nước biển nhẹ nhàng xô vào bờ đá. Đột nhiên, một con sóng khổng lồ nổi lên và ầm ầm xô về phía ngọn núi. Con sóng khổng lồ hét lên: “Tránh ra nào!” Ngọn núi hỏi: “Anh đang đi đâu đấy?” Không thể dừng bước tiến, con sóng gầm lên: “Tôi đang mở rộng lãnh thổ! Tôi muốn duỗi tay ra!” “Được thôi, nếu anh có thể vượt qua đỉnh của tôi, tôi sẽ để anh qua”. Con sóng khổng lồ lùi lại một quãng, rồi lại chồm về phía ngọn núi lần nữa. Nhưng dù có cố gắng đến đâu, nó cũng không thể vượt qua được đỉnh núi. Con sóng chỉ còn cách từ từ lùi về biển…

Trong hàng ngàn năm, dòng suối nhỏ chảy róc rách nhẹ nhàng quanh chân núi. Theo chỉ dẫn của ngọn núi, dòng suối nhỏ đã tìm đường về nhà, nơi nó hòa vào một dòng sông và đến lượt dòng sông lại hòa vào biển. Dưới sự chăm sóc của ngọn núi, dòng suối nhỏ không bao giờ lạc đường. Dòng suối và ngọn núi củng cố cho nhau và phụ thuộc vào nhau; chúng giúp nhau mạnh lên, trung hòa nhau và cùng nhau tồn tại.

Trong hàng ngàn năm, cơn gió mạnh gầm rít như một thói quen. Nó vẫn thường “ghé thăm” ngọn núi, mang theo những trận xoáy cát lớn. Nó đe dọa ngọn núi nhưng chưa bao giờ chọc thủng được lưng núi. Cơn gió và ngọn núi củng cố cho nhau và phụ thuộc vào nhau; chúng giúp nhau mạnh lên, trung hòa nhau và cùng nhau tồn tại.

Trong hàng ngàn năm, con sóng khổng lồ chưa bao giờ biết nghỉ ngơi và nó miệt mài tiến lên phía trước, không ngừng mở rộng lãnh thổ. Nó gầm rú và dâng lên núi nhiều lần, nhưng ngọn núi chưa bao giờ nhúc nhích một phân. Ngọn núi canh chừng biển, và theo cách này, những sinh vật ở biển cứ sinh sôi nảy nở và phát triển. Con sóng và ngọn núi củng cố cho nhau và phụ thuộc vào nhau; chúng giúp nhau mạnh lên, trung hòa nhau và cùng nhau tồn tại.

Thế là câu chuyện của chúng ta kết thúc. Trước hết, hãy nói cho Ta biết câu chuyện này nói về điều gì? Đầu tiên là có một ngọn núi lớn, một dòng suối nhỏ, một cơn gió mạnh và một con sóng khổng lồ. Chuyện gì đã xảy ra ở đoạn đầu, với dòng suối nhỏ và ngọn núi lớn? Tại sao Ta lại chọn nói về dòng suối và ngọn núi? (Dưới sự chăm sóc của ngọn núi, dòng suối không bao giờ bị lạc lối. Chúng đã dựa vào nhau). Các ngươi bảo ngọn núi đã bảo vệ hay cản trở dòng suối nhỏ? (Nó đã bảo vệ dòng suối). Nhưng có phải nó không cản trở dòng suối không? Nó và dòng suối trông chừng nhau; ngọn núi bảo vệ dòng suối và cũng cản trở nó. Ngọn núi bảo vệ dòng suối khi nó hòa vào dòng sông, nhưng ngăn chặn dòng chảy của nó khỏi gây ra lũ lụt và mang tai họa đến cho con người. Đây chẳng phải là điều đoạn này muốn nói sao? Bằng cách bảo vệ dòng suối và bằng cách ngăn cản nó, ngọn núi đã bảo vệ nhà cửa cho con người. Sau đó, dòng suối nhỏ hòa vào dòng sông ở chân núi, rồi chảy tiếp vào biển. Đây chẳng phải là quy luật chi phối sự tồn tại của dòng suối hay sao? Điều gì đã khiến dòng suối hòa vào dòng sông và biển cả? Chẳng phải là ngọn núi hay sao? Dòng suối dựa vào sự bảo vệ và cản trở của ngọn núi. Vậy thì đây không phải là điểm chính sao? Ngươi có hiểu được trong đây tầm quan trọng của ngọn núi với nước không? Có phải Đức Chúa Trời có lý do của Ngài khi tạo ra mỗi ngọn núi, to và nhỏ? (Có). Chỉ với một dòng suối nhỏ và một ngọn núi lớn, đoạn chuyện ngắn này cho chúng ta thấy giá trị và tầm quan trọng của việc Đức Chúa Trời tạo ra hai vật đó; nó cũng cho chúng ta thấy sự khôn ngoan và mục đích trong sự thống trị của Ngài đối với chúng. Không phải vậy sao?

Đoạn thứ hai của câu chuyện nói về điều gì? (Một cơn gió mạnh và một ngọn núi lớn). Gió có phải là vật tốt không? (Có). Không hẳn vậy – đôi khi gió quá mạnh và gây tai họa. Các ngươi sẽ cảm thấy thế nào nếu các ngươi buộc phải đứng trong cơn gió mạnh? Điều đó phụ thuộc vào sức mạnh của cơn gió. Nếu đó là một cơn gió cấp ba hoặc bốn, thì có thể chịu được. Cùng lắm, một người có thể thấy khó mở mắt thôi. Nhưng nếu cơn gió trở nên dữ dội và biến thành bão thì ngươi có thể chịu được nó không? Ngươi sẽ không chịu được. Vì vậy, thật sai lầm khi nói rằng gió lúc nào cũng tốt hoặc gió luôn luôn xấu bởi vì điều này phụ thuộc vào sức mạnh của gió. Vậy thì, chức năng của ngọn núi ở đây là gì? Không phải nó có chức năng lọc gió sao? Ngọn núi làm cơn gió mạnh giảm xuống mức nào? (Một cơn gió nhẹ). Vậy thì, trong môi trường con người sinh sống, phần lớn con người gặp phải những cơn gió mạnh hay cơn gió nhẹ? (Cơn gió nhẹ). Đây không phải là một trong những mục đích của Đức Chúa Trời, một trong những ý định của Ngài trong việc tạo ra những ngọn núi hay sao? Sẽ ra sao nếu con người sống trong một môi trường mà cát bay điên cuồng trong gió, không bị cản và không được lọc? Một mảnh đất bị đá và cát bay vây quanh sẽ không thể cư trú được có đúng không? Đá có thể văng vào con người và cát có thể làm mù mắt họ. Gió có thể cuốn con người hoặc thổi bay họ vào không trung. Những ngôi nhà có thể bị phá hủy, và đủ loại thảm họa sẽ xảy ra. Tuy nhiên, sự tồn tại của cơn gió mạnh có giá trị gì không? Ta đã nói nó xấu, vì vậy các ngươi có thể cảm thấy nó không có giá trị, nhưng có phải vậy không? Nó không có giá trị khi nó biến thành một cơn gió nhẹ sao? Con người cần gì nhất khi thời tiết ẩm ướt hoặc ngột ngạt? Họ cần một cơn gió nhẹ, để nhẹ nhàng thổi mát họ, để làm họ tỉnh táo và thông tỏ đầu óc, sắc bén tư duy, hồi phục và cải thiện trạng thái tinh thần của họ. Giờ ví dụ: các ngươi đều ngồi trong một căn phòng với nhiều người và không khí ngột ngạt – các ngươi cần gì nhất? (Một cơn gió nhẹ). Việc đi đến một nơi có không khí đục và dơ có thể làm chậm tư duy, làm giảm sự lưu thông khí huyết và giảm bớt sự minh mẫn tâm trí của con người. Tuy nhiên, một chút luân chuyển và lưu thông giúp làm tươi mát không khí, và con người sẽ cảm thấy khác khi ở trong không khí sạch. Dù dòng suối nhỏ có thể gây tai họa, dù cơn gió mạnh có thể gây thảm họa nhưng chừng nào ngọn núi còn ở đó, nó sẽ biến mối nguy hiểm thành một nguồn lực mang lại lợi ích cho con người. Không phải vậy sao?

Đoạn thứ ba của câu chuyện nói về điều gì? (Ngọn núi lớn và con sóng khổng lồ). Ngọn núi lớn và con sóng khổng lồ. Đoạn này được đặt trong bối cảnh bên bờ biển ở chân núi. Chúng ta nhìn thấy ngọn núi, bụi nước biển và con sóng khổng lồ. Ngọn núi có vai trò gì đối với con sóng trong trường hợp này? (Một vật bảo vệ và một rào chắn). Ngọn núi vừa là vật bảo vệ vừa là rào chắn. Là một vật bảo vệ, ngọn núi giúp cho biển không bị biến mất, để sinh vật sống trong đó có thể sinh sôi nảy nở. Là một rào chắn, ngọn núi ngăn không cho nước biển tràn vào và gây tai họa, gây hại và phá hủy nhà cửa của con người. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng ngọn núi vừa là vật bảo vệ vừa là rào chắn.

Đây là ý nghĩa của mối quan hệ liên kết giữa ngọn núi lớn và dòng suối nhỏ, ngọn núi lớn và cơn gió mạnh cũng như ngọn núi lớn và con sóng khổng lồ; đây là ý nghĩa của việc chúng củng cố cho nhau, trung hòa nhau và cùng nhau tồn tại. Những vật do Đức Chúa Trời tạo dựng này bị chi phối trong sự tồn tại của chúng bởi một quy tắc và một quy luật. Vậy các ngươi thấy Đức Chúa Trời đã làm những việc gì trong câu chuyện này? Có phải Đức Chúa Trời đã bỏ mặc vạn vật kể từ khi Ngài tạo ra chúng? Có phải Ngài đã tạo ra các quy luật và thiết kế cách thức vạn vật hoạt động, chỉ để bỏ mặc chúng sau đó? Đó có phải là điều đã xảy ra? (Không). Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? Đức Chúa Trời vẫn đang kiểm soát. Ngài kiểm soát nước, gió và sóng. Ngài không để chúng hoành hành, Ngài cũng không để chúng gây hại hay phá hủy nhà cửa, nơi con người sinh sống. Nhờ đó, con người có thể tiếp tục sống, sinh sôi và phát triển trên đất liền. Điều này có nghĩa là khi Đức Chúa Trời tạo ra vạn vật, Ngài đã vạch ra các quy luật cho sự tồn tại của chúng. Khi Đức Chúa Trời tạo ra mỗi vật, Ngài đảm bảo nó sẽ mang lại lợi ích cho loài người, và Ngài kiểm soát nó để nó không thể gây rắc rối hoặc tai họa cho loài người. Chẳng phải vì sự quản lý của Đức Chúa Trời mà nước đã không chảy tự do hay sao? Gió đã không mặc sức thổi hay sao? Có phải nước và gió đều hoạt động theo quy luật không? Nếu Đức Chúa Trời không quản lý chúng thì không có quy luật nào chi phối chúng, và gió sẽ gào thét và nước sẽ không được hãm lại và gây lũ lụt. Nếu sóng cao hơn núi thì liệu biển có thể tồn tại hay không? Nó sẽ không tồn tại. Nếu núi không cao bằng sóng thì biển sẽ không tồn tại, và núi sẽ mất giá trị cũng như ý nghĩa của nó.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 169

Đức Chúa Trời đã tạo ra mọi vật đang tồn tại, và Ngài là Đấng Tối Cao của mọi vật hiện hữu; Ngài quản lý vạn vật và Ngài chu cấp cho vạn vật, và trong vạn vật, Ngài quan sát và soi xét từng lời nói và hành động của mỗi vật đang tồn tại. Cũng vậy, Đức Chúa Trời quan sát và soi xét từng ngóc ngách của cuộc sống con người. Do đó, Đức Chúa Trời biết tường tận từng chi tiết của mỗi vật đang tồn tại trong công tác tạo dựng của Ngài, từ chức năng, bản chất và quy luật sinh tồn của từng vật đến ý nghĩa của sự sống và giá trị của sự tồn tại, tất thảy những điều này Đức Chúa Trời đều biết hết. Đức Chúa Trời đã tạo ra vạn vật – các ngươi có nghĩ Ngài cần nghiên cứu các quy luật chi phối chúng không? Đức Chúa Trời có cần nghiên cứu kiến thức hoặc khoa học của con người để tìm hiểu và hiểu về họ không? (Không). Có ai trong loài người có học vấn và kiến thức uyên bác hiểu được vạn vật như Đức Chúa Trời không? Không có, đúng không nào? Có bất kỳ nhà thiên văn học hay nhà sinh vật học nào thực sự hiểu quy luật vạn vật sống và phát triển không? Họ có thể thực sự hiểu giá trị tồn tại của từng vật không? (Không, họ không thể). Điều này là bởi vì vạn vật đều do Đức Chúa Trời tạo dựng, và cho dù loài người có nghiên cứu kiến thức này nhiều hoặc sâu đến mức nào, hoặc cho dù họ có cố gắng học nó trong bao lâu đi nữa thì họ cũng sẽ không bao giờ có thể hiểu thấu được lẽ màu nhiệm hoặc mục đích của sự tạo dựng vạn vật của Đức Chúa Trời. Không phải vậy sao? Nào, từ thảo luận của chúng ta từ đầu đến giờ, các ngươi có cảm thấy mình đã đạt được sự hiểu biết phần nào về ý nghĩa thực sự của câu nói: “Đức Chúa Trời là nguồn sống cho muôn vật” chưa? (Có). Ta biết rằng khi Ta thảo luận về chủ đề này – Đức Chúa Trời là nguồn sống cho muôn vật – nhiều người sẽ ngay lập tức nghĩ về một câu nói khác: “Đức Chúa Trời là lẽ thật, và Đức Chúa Trời sử dụng lời của Ngài để chu cấp cho chúng ta”, và không có gì khác ngoài tầng nghĩa đó của chủ đề này. Một số người thậm chí có thể cảm thấy rằng việc Đức Chúa Trời ban cho cuộc sống con người đồ ăn thức uống hàng ngày cũng như mọi thứ thiết yếu hàng ngày không được coi như sự chu cấp của Ngài cho loài người. Chẳng phải một số người nghĩ theo hướng này sao? Nhưng, chẳng phải ý định của Đức Chúa Trời trong việc tạo dựng của Ngài rõ ràng là để cho phép loài người tồn tại và sống một cách bình thường sao? Đức Chúa Trời duy trì môi trường con người sinh sống và Ngài chu cấp mọi thứ loài người cần cho sự sống còn của họ. Hơn nữa, Ngài quản lý và nắm quyền tối thượng đối với vạn vật. Tất cả điều này cho phép loài người sống, sinh sôi và phát triển một cách bình thường; theo cách này Đức Chúa Trời chu cấp cho tất cả tạo vật và cho loài người. Chẳng phải con người cần phải nhận ra và hiểu được những điều này sao? Có lẽ một số người có thể nói: “Chủ đề này quá xa vời so với hiểu biết của chúng ta về chính Đức Chúa Trời thật, và chúng ta không muốn biết điều này bởi vì chúng ta không sống chỉ bằng bánh mỳ không, mà thay vào đó sống bằng lời của Đức Chúa Trời”. Cách hiểu này có đúng không? (Không). Tại sao lại không đúng? Các ngươi có thể hiểu hết về Đức Chúa Trời không nếu các ngươi chỉ biết về những điều Đức Chúa Trời đã nói? Nếu các ngươi chỉ chấp nhận công tác của Đức Chúa Trời và chấp nhận sự phán xét cũng như hình phạt của Đức Chúa Trời, các ngươi có thể hiểu hết về Đức Chúa Trời không? Nếu các ngươi chỉ biết một phần nhỏ tâm tính của Đức Chúa Trời, một phần nhỏ thẩm quyền của Đức Chúa Trời, các ngươi có thể coi điều đó là đủ để đạt được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời không? (Không). Những hành động của Đức Chúa Trời bắt đầu bằng công tác tạo ra vạn vật, và ngày nay chúng còn tiếp tục – hành động của Đức Chúa Trời lúc nào cũng có thể nhìn rõ được, trong từng khoảnh khắc. Nếu ai đó tin rằng Đức Chúa Trời tồn tại chỉ bởi vì Ngài đã chọn một nhóm người để thực hiện công tác của Ngài với họ và để cứu rỗi, và không còn gì khác liên quan đến Đức Chúa Trời, đến thẩm quyền, địa vị hoặc hành động của Ngài, thì người đó có thể được coi là thực sự biết về Đức Chúa Trời không? Những người có cái gọi là “kiến thức về Đức Chúa Trời” này chỉ có hiểu biết một chiều, theo đó mà họ hạn chế những việc làm của Ngài trong phạm vi một nhóm người. Đây có phải là kiến thức thực sự về Đức Chúa Trời không? Những người có loại kiến thức này không phải đang phủ nhận công tác sáng tạo muôn vật của Đức Chúa Trời và quyền tối thượng của Ngài đối với chúng hay sao? Một số người không muốn gắn với quan điểm này, thay vào đó tự nhủ rằng: “Tôi chưa thấy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời đối với vạn vật. Ý tưởng này quá xa vời, và tôi không quan tâm đến việc hiểu nó. Đức Chúa Trời làm những gì Ngài muốn, và chả liên quan gì đến tôi. Tôi chỉ quan tâm đến việc chấp nhận sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời và lời của Ngài hầu cho tôi có thể được cứu rỗi cũng như được làm cho hoàn thiện bởi Đức Chúa Trời. Tôi không quan tâm đến bất cứ thứ gì khác. Những quy luật Đức Chúa Trời vạch ra khi Ngài tạo ra vạn vật và những gì Ngài làm để chu cấp cho vạn vật và cho nhân loại chả liên quan gì đến tôi”. Đây là kiểu nói gì vậy? Đây không phải là hành động nổi loạn hay sao? Có ai trong số các ngươi có cách hiểu như thế này không? Ngay cả khi các ngươi không nói thế, nhưng Ta biết rất nhiều người trong số các ngươi ở đây hiểu như vậy. Những người theo sách vở như thế này nhìn mọi thứ từ quan điểm “tâm linh” của riêng họ. Họ chỉ muốn giới hạn Đức Chúa Trời trong phạm vi Kinh Thánh, giới hạn Đức Chúa Trời theo lời Ngài đã phán, theo ý nghĩa suy ra từ câu chữ nghĩa đen được ghi chép lại. Họ không muốn biết thêm về Đức Chúa Trời và họ không muốn Đức Chúa Trời phân tâm khi làm những việc khác. Kiểu suy nghĩ này như trẻ con, và cũng mộ đạo quá mức. Những người có quan điểm này có thể biết về Đức Chúa Trời không? Họ rất khó để biết về Đức Chúa Trời. Hôm nay, Ta đã kể hai câu chuyện, mỗi câu chuyện đề cập đến một khía cạnh khác nhau. Các ngươi có thể cảm thấy rằng chúng sâu sắc hoặc hơi trừu tượng, khó thấu và khó hiểu. Thật khó có thể liên hệ chúng với các hành động của Đức Chúa Trời và chính Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tất cả hành động của Đức Chúa Trời và mọi việc Ngài đã làm trong công tác tạo dựng và trong loài người nên được biết đến, một cách rõ ràng và chính xác, bởi từng người, bởi tất cả những người tìm cách biết về Đức Chúa Trời. Kiến thức này sẽ củng cố niềm tin của các ngươi về sự tồn tại thực sự của Đức Chúa Trời. Nó cũng sẽ cung cấp cho ngươi kiến thức chính xác về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, quyền năng của Ngài, và cách thức Ngài chu cấp cho muôn loài. Nó cũng cho phép ngươi hiểu rõ sự tồn tại thực sự của Đức Chúa Trời và thấy rằng sự tồn tại của Ngài không phải là hư cấu, không phải chuyện hoang đường, không phải mơ hồ, không phải là học thuyết, và chắc chắn không phải là một kiểu an ủi tinh thần, mà là một sự tồn tại thật. Hơn nữa, nó sẽ cho con người biết rằng Đức Chúa Trời luôn luôn chu cấp cho vạn vật thọ tạo và loài người; Đức Chúa Trời làm điều này theo cách riêng của Ngài và theo nhịp độ riêng của Ngài. Vậy thì, đó là vì Đức Chúa Trời đã tạo ra vạn vật và cho chúng những quy luật mà theo sự định trước của Ngài, chúng đều có thể thực hiện các nhiệm vụ được giao, hoàn thành bổn phận của chúng, và thực thi vai trò riêng của chúng; theo sự định trước của Ngài, mỗi vật đều có tác dụng riêng phục vụ loài người và không gian cũng như môi trường loài người sinh sống. Nếu Đức Chúa Trời không làm thế và loài người không có môi trường như vậy để cư ngụ, thì việc tin vào Đức Chúa Trời hoặc đi theo Ngài sẽ không thể có đối với loài người; tất cả sẽ không hơn gì lời nói sáo rỗng. Không phải vậy sao?

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 170

Môi trường sống cơ bản mà Đức Chúa Trời tạo ra cho nhân loại (Các trích đoạn)

Chúng ta đã thảo luận nhiều chủ đề và nhiều nội dung liên quan đến những từ “Đức Chúa Trời là nguồn sống cho muôn vật”, nhưng trong lòng mình các ngươi có biết, ngoài việc cung cấp cho các ngươi lời Ngài và thực hiện trên các ngươi những công tác hành phạt và phán xét của Ngài, thì Đức Chúa Trời ban cho nhân loại những thứ gì không? Một số người có thể nói: “Đức Chúa Trời ban cho tôi ân điển và các phước lành; Ngài sửa dạy và an ủi tôi; và Ngài chăm sóc và bảo vệ tôi bằng mọi cách có thể”. Những người khác sẽ nói: “Đức Chúa Trời ban cho tôi đồ ăn thức uống hàng ngày”, trong khi một số thậm chí còn nói: “Đức Chúa Trời đã ban cho tôi mọi thứ”. Các ngươi có thể phản ứng lại những vấn đề mà con người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày của họ theo cách liên quan đến phạm vi trải nghiệm đời sống xác thịt của bản thân ngươi. Đức Chúa Trời ban nhiều thứ trên từng người, dù những gì chúng ta đang thảo luận ở đây không giới hạn chỉ trong phạm vi những nhu cầu hàng ngày của con người, mà còn để mở rộng tầm nhìn của mỗi người và cho các ngươi thấy những điều từ góc độ vĩ mô. Vì Đức Chúa Trời là nguồn sống cho muôn vật, Ngài duy trì sự sống của muôn vật như thế nào? Nói cách khác, Đức Chúa Trời ban những gì cho muôn vật trong sự tạo dựng của Ngài để duy trì sự tồn tại của chúng và những luật lệ làm nền tảng cho nó, hầu cho chúng có thể tiếp tục tồn tại? Đó là điểm chính trong cuộc thảo luận của chúng ta ngày hôm nay. … Ta hy vọng rằng các ngươi có thể liên hệ chủ đề này và những gì Ta sẽ phán với những việc làm của Đức Chúa Trời, hơn là với bất kỳ kiến thức, văn hóa loài người hay nghiên cứu nào. Ta chỉ đang nói về Đức Chúa Trời, về chính Đức Chúa Trời. Đây là điều Ta gợi ý cho các ngươi. Ta chắc chắn các ngươi hiểu được, phải chứ?

Đức Chúa Trời đã ban nhiều thứ cho nhân loại. Ta sẽ bắt đầu bằng việc nói về những gì con người có thể nhìn thấy, nghĩa là, những gì họ có thể cảm nhận. Đây là những thứ con người có thể chấp nhận và hiểu trong lòng. Vậy trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nói về những gì Đức Chúa Trời đã cung cấp cho nhân loại qua một cuộc thảo luận về thế giới vật chất.

a. Không khí

Trước tiên, Đức Chúa Trời đã tạo ra không khí để con người có thể hít thở. Không khí là một vật chất mà con người có thể tiếp xúc hàng ngày và nó là một thứ mà con người luôn luôn phụ thuộc, ngay cả khi họ ngủ. Không khí mà Đức Chúa Trời đã tạo ra là cực kỳ quan trọng đối với con người: Nó cần thiết cho từng hơi thở của họ và cho chính sự sống. Vật chất này, thứ chỉ có thể cảm nhận chứ không nhìn thấy, là món quà đầu tiên Đức Chúa Trời tặng cho tất cả mọi vật trong sự tạo dựng của Ngài. Tuy nhiên sau khi đã tạo ra không khí, Đức Chúa Trời có dừng lại, xem như công tác của Ngài đã kết thúc không? Hay Ngài có xem xét mật độ không khí sẽ như thế nào không? Ngài có xem xét không khí sẽ bao gồm những gì không? Đức Chúa Trời đang nghĩ gì khi Ngài tạo ra không khí? Tại sao Đức Chúa Trời tạo ra không khí, và lý luận của Ngài là gì? Con người cần không khí – họ cần hít thở. Điều đầu tiên là, mật độ không khí phải phù hợp với phổi của con người. Có ai biết về mật độ không khí không? Thực ra, con người không đặc biệt cần thiết phải biết đáp án cho câu hỏi này về mặt số lượng hay dữ liệu, và quả thực, hoàn toàn không cần thiết phải biết đáp án – chỉ cần một khái niệm chung là hoàn toàn đủ rồi. Đức Chúa Trời đã tạo ra không khí với mật độ phù hợp nhất cho phổi của con người để hít thở. Nghĩa là, Ngài đã tạo ra không khí để nó có thể sẵn sàng đi vào cơ thể con người qua hơi thở của họ, và để nó không gây hại cho cơ thể khi hít thở. Đây là những điều Đức Chúa Trời đã cân nhắc khi Ngài tạo ra không khí. Tiếp theo, chúng ta sẽ nói về việc không khí bao gồm những gì. Những thứ nó chứa đựng không gây độc cho con người và sẽ không làm hư phổi hay bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Đức Chúa Trời đã phải xem xét tất cả những điều này. Đức Chúa Trời đã phải xem xét rằng không khí mà con người hít thở phải đi vào và đi ra khỏi cơ thể một cách trơn tru, và rằng, sau khi được hít vào, tính chất và số lượng của các chất trong không khí phải như thế nào để máu, cũng như khí thải trong phổi và toàn bộ cơ thể nói chung, sẽ được chuyển hóa một cách thích hợp. Hơn nữa, Ngài phải xem xét rằng không khí không được chứa bất kỳ độc tố nào. Mục đích của Ta trong việc nói cho các ngươi biết về hai tiêu chuẩn này đối với không khí không phải là cung cấp cho các ngươi bất kỳ kiến thức cụ thể nào, mà để cho các ngươi thấy rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra mỗi một vật trong sự tạo dựng của Ngài theo những sự xem xét của chính Ngài, và mọi thứ Ngài đã tạo ra là thứ tốt nhất có thể. Ngoài ra, về lượng bụi trong không khí; và lượng bụi, cát và đất trên trái đất; cũng như là lượng bụi từ trên trời rơi xuống đất – Đức Chúa Trời có cách của Ngài để quản lý những thứ này, và cũng có cách dọn sạch chúng hoặc khiến chúng phân rã ra. Mặc dù có một lượng bụi nhất định, Đức Chúa Trời đã tác động nó để cho bụi sẽ không gây hại cho cơ thể con người hay gây nguy hiểm cho việc hít thở của con người, và Ngài đã làm cho những hạt bụi có kích cỡ sao cho sẽ không gây hại cho cơ thể. Chẳng phải sự sáng tạo ra không khí của Đức Chúa Trời là một lẽ mầu nhiệm sao? Có phải đó là một việc đơn giản, giống như thổi một luồng khí từ miệng Ngài không? (Không.) Ngay cả trong sự sáng tạo những thứ đơn giản nhất của Ngài, thì lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, những hoạt động của tâm trí Ngài, cách suy nghĩ của Ngài, và sự khôn ngoan của Ngài hết thảy đều rõ ràng. Chẳng phải Đức Chúa Trời là thực tế sao? (Đúng vậy.) Điều này có nghĩa là ngay cả khi tạo ra những thứ đơn giản, Đức Chúa Trời cũng luôn nghĩ về nhân loại. Trước tiên, không khí con người hít thở thì trong lành, và thành phần của nó phù hợp cho con người hít thở, không độc và không gây hại cho con người; cũng theo cách đó, mật độ không khí phù hợp với việc hít thở của con người. Không khí này, thứ con người liên tục hít vào và thở ra, rất cần thiết cho cơ thể con người, xác thịt của con người. Đây là lý do tại sao con người có thể tự do hít thở, không bị hạn chế hay lo lắng gì. Vì thế họ có thể hít thở bình thường. Không khí là thứ Đức Chúa Trời đã tạo ra vào thuở ban đầu, và thứ không thể thiếu cho việc hít thở của con người.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 171

Môi trường sống cơ bản mà Đức Chúa Trời tạo ra cho nhân loại (Các trích đoạn)

b. Nhiệt độ

Điều thứ hai chúng ta sẽ thảo luận là nhiệt độ. Mọi người đều biết nhiệt độ là gì. Nhiệt độ là thứ rất cần thiết đối với một môi trường phù hợp cho sự sống còn của con người. Nếu nhiệt độ quá cao – ví dụ như, giả sử nhiệt độ cao hơn 40℃ – chẳng phải điều này sẽ làm con người mất nước sao? Chẳng phải con người sẽ bị kiệt sức khi sống trong một điều kiện như thế sao? Còn nếu nhiệt độ quá thấp thì sao? Giả sử nhiệt độ xuống -40℃ – thì con người cũng không thể chịu được những điều kiện này. Do đó, Đức Chúa Trời đã rất cụ thể trong việc thiết lập phạm vi nhiệt độ, đó là phạm vi nhiệt độ mà cơ thể con người có thể thích nghi, nó nằm ở khoảng chừng giữa -30℃ và 40℃. Nhiệt độ ở các vùng đất từ Bắc đến Nam về cơ bản nằm trong phạm vi này. Ở những vùng lạnh giá, nhiệt độ có thể xuống chừng -50℃ hay -60℃. Đức Chúa Trời sẽ không để cho con người sống ở những vùng như thế. Vậy thì, tại sao những vùng băng giá này lại tồn tại? Đức Chúa Trời có sự khôn ngoan của riêng Ngài, và Ngài có những ý định của riêng mình cho điều này. Ngài sẽ không để ngươi đến gần những nơi đó. Những nơi quá nóng và quá lạnh được bảo vệ bởi Đức Chúa Trời, có nghĩa là Ngài đã không dự định để cho con người sống ở đó. Những nơi này không dành cho loài người. Nhưng tại sao Đức Chúa Trời lại để những nơi như thế tồn tại trên trái đất? Nếu đây là những nơi mà Đức Chúa Trời sẽ không để con người ở hay thậm chí tồn tại, thì tại sao Đức Chúa Trời muốn tạo ra chúng? Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời nằm ở chỗ đó. Nghĩa là, Đức Chúa Trời đã điều chỉnh một cách hợp lý phạm vi nhiệt độ của môi trường trong đó con người sinh tồn. Cũng có một quy luật tự nhiên đang vận hành ở đây. Đức Chúa Trời đã tạo ra những thứ nhất định để duy trì và kiểm soát nhiệt độ. Chúng là những thứ gì? Trước hết, mặt trời có thể mang lại hơi ấm cho con người, nhưng con người có thể chịu được hơi ấm này khi nó quá mức không? Có ai dám đến gần mặt trời không? Có thiết bị khoa học nào trên trái đất có thể tiếp cận mặt trời không? (Không.) Tại sao không? Mặt trời quá nóng. Bất cứ thứ gì đến quá gần sẽ tan chảy. Do đó, Đức Chúa Trời đã làm việc một cách chi tiết để lập độ cao của mặt trời bên trên con người và khoảng cách giữa nó với họ theo sự tính toán tỉ mỉ của Ngài và theo những tiêu chuẩn của Ngài. Sau đó, có hai cực của trái đất, Nam và Bắc. Những vùng này hoàn toàn đóng băng và lạnh giá. Loài người có thể sống ở những vùng lạnh giá không? Những vùng như thế có thích hợp cho sự sinh tồn của con người không? Không, do đó con người không đi đến những nơi này. Vì con người không đi đến Nam và Bắc Cực, nên các sông băng của chúng được bảo tồn và có thể đáp ứng mục đích của chúng, đó là kiểm soát nhiệt độ. Các ngươi hiểu mà, đúng không? Nếu không có Nam Cực và Bắc Cực, thì sức nóng liên tục của mặt trời sẽ khiến cho con người trên trái đất bị diệt vong. Nhưng có phải Đức Chúa Trời giữ nhiệt độ trong phạm vi thích hợp cho sự sinh tồn của con người chỉ qua hai cực này thôi sao? Không. Còn có tất cả các loại sinh vật, như là cỏ trên cánh đồng, các loại cây khác nhau, và tất cả các loài thực vật trong rừng hấp thụ nhiệt của mặt trời, và bằng cách đó, trung hòa nhiệt năng của mặt trời để điều hòa nhiệt độ môi trường sống của con người. Cũng có các nguồn nước, như là sông hồ. Không ai có thể quyết định khu vực mà sông hồ bao phủ. Không ai có thể kiểm soát có bao nhiêu nước trên trái đất, hay nước đó chảy đi đâu, hướng dòng chảy của nó, lưu lượng hoặc tốc độ của nó. Chỉ có Đức Chúa Trời biết. Những nguồn nước khác nhau này, từ nước ngầm cho đến các sông hồ có thể nhìn thấy được trên mặt đất, cũng có thể điều hòa nhiệt độ môi trường mà con người sống trong đó. Ngoài các nguồn nước, cũng còn có tất cả các loại hình địa lý khác, như là núi, đồng bằng, hẻm núi và khu vực đất ngập nước, tất cả đều điều hòa nhiệt độ đến mức tương hợp với phạm vi và khu vực địa lý của chúng. Chẳng hạn như, nếu một ngọn núi có một chu vi 100km, thì một trăm ki-lô-mét đó sẽ đóng góp một giá trị sử dụng của một trăm ki-lô-mét. Về việc Đức Chúa Trời đã tạo ra bao nhiêu dãy núi và hẻm núi như thế trên đất, thì đây là một con số Đức Chúa Trời đã cân nhắc. Nói cách khác, đằng sau sự tồn tại của mỗi một thứ được Đức Chúa Trời tạo ra, đều có một câu chuyện, và mỗi thứ đều chứa đựng sự khôn ngoan và kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ví dụ như, hãy xem xét đến những khu rừng và tất cả các kiểu thảm thực vật khác nhau – chủng loài và phạm vi khu vực mà chúng tồn tại và phát triển thì nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ người nào, và không ai có ảnh hưởng gì đến những điều này. Tương tự, không người nào có thể kiểm soát họ hấp thụ bao nhiêu nước, và bao nhiêu nhiệt năng mà họ hấp thụ từ mặt trời. Tất cả những điều này đều nằm trong phạm vi của kế hoạch mà Đức Chúa Trời đã lập khi Ngài tạo ra muôn vật.

Chỉ nhờ vào việc lên kế hoạch, xem xét và sắp đặt cẩn thận của Đức Chúa Trời trong mọi mặt mà con người có thể sống trong một môi trường với một nhiệt độ phù hợp như thế. Do đó, mỗi một thứ mà con người nhìn thấy bằng mắt, như là mặt trời, Nam và Bắc Cực mà con người thường nghe nói, cũng như là những sinh vật trên và dưới mặt đất và dưới nước, khoảng không gian được bao phủ bởi rừng và những kiểu thảm thực vật khác, và các nguồn nước, các vùng nước khác nhau, lượng nước biển và nước ngọt, và các môi trường địa lý khác nhau – đây là tất cả những thứ Đức Chúa Trời dùng để duy trì nhiệt độ bình thường cho sự sinh tồn của con người. Điều này là chắc chắn. Chỉ vì Đức Chúa Trời đã suy nghĩ kỹ càng về tất cả những điều này mà con người có thể sống trong một môi trường có nhiệt độ phù hợp như thế. Không được quá lạnh hay quá nóng: Những nơi quá nóng, nơi nhiệt độ vượt quá những gì cơ thể con người có thể thích nghi thì chắc chắn Đức Chúa Trời không dành cho ngươi. Những nơi quá lạnh, nơi nhiệt độ quá thấp, nơi mà sau khi đến đó, con người sẽ bị đông cứng hoàn toàn chỉ trong vài phút, đến nỗi họ không thể nói, não của họ bị đông cứng, họ không thể suy nghĩ, và họ nhanh chóng bị ngạt thở – những nơi như thế Đức Chúa Trời cũng không dành cho loài người. Bất kể loại nghiên cứu nào mà con người muốn thực hiện, hay họ có muốn đổi mới hay vượt qua những giới hạn đó hay không – bất kể con người nghĩ gì, thì họ sẽ không bao giờ có thể vượt quá giới hạn mà cơ thể con người có thể thích nghi. Họ sẽ không bao giờ có thể loại bỏ những giới hạn này mà Đức Chúa Trời đã tạo ra cho con người. Đó là vì Đức Chúa Trời đã tạo ra con người, và Đức Chúa Trời biết rõ nhất nhiệt độ nào cơ thể con người có thể thích nghi. Nhưng bản thân con người thì không biết. Tại sao Ta nói con người không biết? Con người đã làm những điều ngu ngốc nào? Chẳng phải nhiều người đã liên tục thử chinh phục Bắc và Nam cực sao? Những người như thế đã luôn muốn đến những nơi đó để chiếm lấy đất đai, để họ có thể định cư tại đó. Đó sẽ là một hành động ngu ngốc. Ngay cả khi ngươi đã nghiên cứu kỹ càng về các cực, thì sao? Ngay cả khi ngươi có thể thích nghi với nhiệt độ và có thể sống ở đó, thì liệu điều đó sẽ có lợi cho nhân loại theo bất kỳ cách nào nếu ngươi “cải thiện” môi trường sống hiện tại của Nam và Bắc Cực không? Loài người có một môi trường trong đó họ có thể sinh tồn, tuy nhiên con người không ở đó một cách yên bình và vâng phục, mà thay vào đó cứ nhất quyết mạo hiểm đến những nơi mà họ không thể sống sót. Điều này có nghĩa gì? Họ đã trở nên buồn chán và thiếu nhẫn nại với cuộc sống trong nhiệt độ phù hợp này, và đã tận hưởng quá nhiều các phước lành. Ngoài ra, môi trường sống ổn định này hầu như đã hoàn toàn bị hủy hoại bởi nhân loại, vì thế giờ đây họ nghĩ rằng họ cũng có thể đi đến Nam Cực và Bắc Cực để phá hoại thêm hoặc theo đuổi một loại “sự nghiệp” nào đó, rằng họ có thể tìm thấy con đường “đi tiên phong” nào đó. Chẳng phải điều này là ngu ngốc sao? Nghĩa là, dưới sự lãnh đạo của tổ tiên Sa-tan của mình, nhân loại này cứ tiếp tục làm hết điều phi lý này đến điều phi lý khác, liều lĩnh và cố tình hủy diệt ngôi nhà đẹp đẽ mà Đức Chúa Trời đã tạo ra cho họ. Đây là việc làm của Sa-tan. Hơn nữa, khi nhìn thấy sự sinh tồn của loài người trên đất có phần nguy hiểm, nhiều người tìm đường đi lên mặt trăng, muốn thiết lập một cách để tồn tại ở đó. Nhưng cuối cùng, mặt trăng không có đủ ô xy. Liệu con người có thể tồn tại mà không có ô xy không? Vì mặt trăng thiếu ô xy, nên nó không phải là nơi con người có thể ở lại, ấy thế mà con người cứ nhất quyết muốn đi đến đó. Hành vi này nên được gọi là gì? Nó cũng là sự tự hủy diệt. Mặt trăng là một nơi không có không khí, và nhiệt độ của nó không phù hợp cho sự sinh tồn của con người – vì thế nó không phải là một nơi Đức Chúa Trời dành cho con người.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 172

Môi trường sống cơ bản mà Đức Chúa Trời tạo ra cho nhân loại (Các trích đoạn)

c. Âm thanh

Điều thứ ba là gì? Đó cũng là thứ thuộc phần thiết yếu trong môi trường sinh tồn bình thường của con người, thứ mà Đức Chúa Trời đã phải sắp xếp khi Ngài tạo ra muôn vật. Nó rất quan trọng đối với Đức Chúa Trời và đối với mỗi một con người. Nếu Đức Chúa Trời đã không quan tâm đến thứ này, thì nó hẳn đã gây trở ngại rất nhiều đối với sự sinh tồn của con người, nghĩa là nó hẳn đã có một ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của con người và thân thể xác thịt của họ đến nỗi loài người đã không thể sinh tồn trong một môi trường như thế. Có thể nói rằng không sinh vật nào có thể sinh tồn trong một môi trường như thế. Vậy thì, thứ mà Ta đang nói đến là gì? Ta đang nói về âm thanh. Đức Chúa Trời đã tạo ra mọi thứ, và mọi thứ đều sống trong tay Đức Chúa Trời. Tất cả mọi thứ trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời đều đang sống và chuyển động không ngừng trong tầm mắt của Ngài. Điều Ta muốn nói qua việc này là mỗi thứ Đức Chúa Trời tạo ra đều có giá trị và ý nghĩa trong sự hiện hữu của nó; nghĩa là, có một sự thiết yếu trong sự hiện hữu của mỗi một sự vật. Trong mắt Đức Chúa Trời, mỗi vật đều sống, và vì muôn vật đều sống, nên mỗi vật trong số đó đều tạo ra âm thanh. Ví dụ như, trái đất không ngừng quay, mặt trời không ngừng quay, và mặt trăng cũng vậy, không ngừng quay. Khi muôn vật sinh sôi nảy nở, phát triển và chuyển động, chúng liên tục phát ra âm thanh. Tất cả mọi vật trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời tồn tại trên đất đều không ngừng sinh sôi nảy nở, phát triển và chuyển động. Ví dụ như, chân của các ngọn núi đang xê dịch và di chuyển, và tất cả các sinh vật dưới đáy biển đang bơi lội và di chuyển qua lại. Điều này có nghĩa là những sinh vật này, tất cả những vật trong tầm mắt của Đức Chúa Trời, đang liên tục, thường xuyên chuyển động theo những dạng thức đã được thiết lập. Vậy thì, tất cả những thứ sinh sôi nảy nở và phát triển trong bóng tối, di chuyển bí mật này tạo ra những gì? Âm thanh – những âm thanh lớn, mạnh mẽ. Ngoài hành tinh Trái đất, tất cả các loại hành tinh cũng di chuyển liên tục, và những vật sống và sinh vật trên những hành tinh này cũng sinh sôi nảy nở, phát triển và di chuyển liên tục. Nghĩa là, mọi vật có sự sống và không có sự sống đang không ngừng tiến về phía trước trong tầm mắt của Đức Chúa Trời, và khi chúng di chuyển, từng thứ trong số chúng cũng phát ra âm thanh. Đức Chúa Trời cũng đã sắp xếp cho những âm thanh này, và Ta tin rằng các ngươi đã biết lý do của Ngài cho điều này, chẳng phải vậy sao? Khi ngươi tiến lại gần một chiếc máy bay, tiếng gầm của động cơ của nó có ảnh hưởng gì đến ngươi? Nếu ngươi ở gần nó quá lâu, thì tai ngươi sẽ bị điếc. Còn tim của ngươi thì sao – nó có thể chịu đựng một thử luyện ghê sợ vậy không? Một số người yếu tim sẽ không thể chịu được. Tất nhiên, thậm chí những người có trái tim khỏe mạnh cũng sẽ không thể chịu được nó quá lâu. Nghĩa là, tác động của âm thanh lên cơ thể con người, cho dù đó là lỗ tai hay trái tim, thì cực kỳ quan trọng đối với mỗi người, và âm thanh quá lớn sẽ gây hại cho con người. Do đó, khi Đức Chúa Trời tạo ra muôn vật và sau khi chúng đã bắt đầu hoạt động bình thường, Đức Chúa Trời thực hiện những sự sắp xếp thích hợp cho những âm thanh này, âm thanh của muôn vật đang chuyển động. Điều này cũng là một trong những vấn đề mà Đức Chúa Trời đã phải cân nhắc khi tạo ra một môi trường cho nhân loại.

Trước tiên, chiều cao của khí quyển trên bề mặt trái đất có ảnh hưởng đến âm thanh. Hơn nữa, độ lớn của các lỗ hổng trong đất cũng sẽ tác động và ảnh hưởng đến âm thanh. Sau đó có những môi trường địa lý khác nhau mà sự giao thoa của chúng cũng ảnh hưởng đến âm thanh. Nghĩa là, Đức Chúa Trời sử dụng những phương pháp nhất định để loại bỏ một số âm thanh, để con người có thể tồn tại trong một môi trường mà tai và tim của họ có thể chịu được. Nếu không, âm thanh sẽ gây một trở ngại lớn cho sự sinh tồn của loài người, trở thành mối phiền toái lớn trong cuộc sống của họ và gây ra một vấn đề nghiêm trọng cho họ. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đã rất cụ thể trong việc Ngài tạo ra đất, khí quyển, các loại môi trường địa lý khác nhau, và trong mỗi thứ này đều chứa đựng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Nhân loại không cần phải hiểu chi tiết về điều này – con người biết rằng trong đó có chứa đựng những hành động của Đức Chúa Trời là đủ rồi. Bây giờ các ngươi hãy cho Ta biết, công tác mà Đức Chúa Trời thực hiện này – điều chỉnh âm thanh một cách chính xác để duy trì môi trường sống của nhân loại và cuộc sống bình thường của họ – có cần thiết không? (Có.) Vì công tác này là cần thiết, vậy thì từ quan điểm này, có thể nói rằng Đức Chúa Trời đã sử dụng công việc này như là một cách để cung cấp cho muôn vật không? Đức Chúa Trời đã tạo ra một môi trường tĩnh lặng như thế để cung cấp cho nhân loại hầu cho cơ thể con người có thể sống hoàn toàn bình thường trong đó, không chịu bất kỳ sự quấy nhiễu nào, và hầu cho nhân loại sẽ có thể tồn tại và sống một cách bình thường. Vậy thì, chẳng phải điều này là một trong những cách mà qua đó Đức Chúa Trời cung cấp cho nhân loại sao? Chẳng phải đây là một việc rất quan trọng mà Đức Chúa Trời đã làm sao? (Phải.) Điều đó là hết sức cần thiết. Vậy thì các ngươi cảm kích về điều này như thế nào? Mặc dù các ngươi không thể cảm thấy rằng đây là hành động của Đức Chúa Trời, và các ngươi cũng không biết Đức Chúa Trời thực hiện điều này như thế nào vào lúc đó, nhưng ngươi vẫn có thể cảm nhận được rằng Đức Chúa Trời làm điều này là cần thiết chứ? Ngươi có thể cảm nhận được sự khôn ngoan, sự chăm sóc và suy nghĩ của Đức Chúa Trời mà Ngài đã đặt trong đó không? (Có, chúng tôi cảm nhận được.) Nếu các ngươi có thể cảm nhận điều này, thì thế là đủ. Có nhiều hành động Đức Chúa Trời đã thực hiện giữa những vật trong sự tạo dựng của Ngài mà con người không thể cảm nhận hoặc nhìn thấy. Ta nêu ra điều này chỉ để truyền đạt cho các ngươi về những hành động của Đức Chúa Trời, để các ngươi có thể bắt đầu biết đến Đức Chúa Trời. Đây là những gợi ý có thể giúp các ngươi biết và hiểu về Đức Chúa Trời tốt hơn.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 173

Môi trường sống cơ bản mà Đức Chúa Trời tạo ra cho nhân loại (Các trích đoạn)

d. Ánh sáng

Điều thứ tư liên quan đến mắt của con người: đó là ánh sáng. Điều này cũng rất quan trọng. Khi ngươi nhìn thấy một ánh sáng mạnh, và độ sáng của nó đạt đến một cường độ nhất định, nó có khả năng làm mù mắt con người. Xét cho cùng, mắt con người là mắt của xác thịt. Chúng không thể chịu được kích thích. Có ai dám nhìn thẳng vào mặt trời không? Một số người đã thử làm điều đó, và nếu họ có đeo kính râm, thì không hề hấn gì – nhưng điều đó đòi hỏi phải sử dụng một dụng cụ. Nếu không có dụng cụ, mắt trần của con người không có khả năng đối diện với mặt trời và nhìn thẳng vào nó. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã tạo ra mặt trời để đem ánh sáng đến cho nhân loại, và ánh sáng này cũng là thứ mà Ngài gìn giữ. Đức Chúa Trời không chỉ đơn giản là hoàn thành việc tạo ra mặt trời, đặt nó vào nơi nào đó, sau đó bỏ mặc nó; đó không phải là cách mà Đức Chúa Trời làm mọi việc. Ngài rất cẩn trọng trong các hành động của mình, và suy nghĩ thấu đáo về chúng. Đức Chúa Trời đã tạo ra đôi mắt cho loài người để họ có thể nhìn thấy, và Ngài cũng đã thiết lập trước các thông số ánh sáng mà qua đó con người có thể thấy mọi thứ. Nếu ánh sáng quá mờ thì sẽ không tốt. Khi tối đến mức mà con người không thể nhìn thấy các ngón tay của mình trước mặt, thì mắt của họ mất đi chức năng và không sử dụng được. Nhưng ánh sáng quá chói cũng tương tự làm cho mắt con người không thể nhìn thấy mọi thứ, bởi vì độ sáng không thể chịu được. Do đó, Đức Chúa Trời đã trang bị cho môi trường sinh tồn của con người một lượng ánh sáng tương thích cho mắt con người – một lượng sáng sẽ không gây hại hay tổn thương đến mắt con người, chứ đừng nói đến làm mất chức năng của chúng. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời thêm các tầng mây xung quanh mặt trời và trái đất, và tại sao mật độ không khí có thể lọc bỏ một cách chính xác những loại ánh sáng nào có thể làm tổn thương cho mắt hay da của con người – những điều này là tương xứng. Hơn nữa, màu sắc của trái đất mà Đức Chúa Trời tạo ra phản chiếu ánh sáng mặt trời và tất cả các loại ánh sáng khác, và có thể loại bỏ các loại ánh sáng quá chói để mắt con người thích nghi. Như thế, con người có thể đi ra ngoài trời và sinh sống mà không cần đeo kính râm sẫm màu thường xuyên. Trong những điều kiện bình thường, mắt người có thể nhìn thấy mọi vật trong tầm mắt mà không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng. Nghĩa là, sẽ không tốt nếu ánh sáng quá mạnh, hay nếu nó quá mờ. Nếu nó quá mờ, thì mắt con người sẽ bị tổn thương, và sau khi sử dụng một thời gian ngắn, nó bị hủy hoại; nếu nó quá mạnh, thì mắt con người sẽ không thể chịu được. Chính ánh sáng mà con người có này phải phù hợp để mắt con người nhìn thấy, và thông qua nhiều phương pháp, Đức Chúa Trời đã giảm thiểu sự tổn thương cho mắt con người do ánh sáng gây ra; và mặc dù ánh sáng này có thể có lợi hoặc gây hại đến mắt con người, nhưng nó đủ để cho con người vẫn tiếp tục sử dụng mắt của mình đến hết cuộc đời. Chẳng phải Đức Chúa Trời rất thấu đáo trong việc xem xét điều này sao? Tuy nhiên ma quỷ, là Sa-tan, thì hành động mà chưa từng có những sự cân nhắc như thế thoáng qua tâm trí của nó. Với Sa-tan, ánh sáng thì luôn luôn hoặc là quá sáng hoặc là quá mờ. Đây là cách mà Sa-tan hành động.

Đức Chúa Trời làm những điều này đối với tất cả các khía cạnh của cơ thể con người – đối với thị giác, thính giác, vị giác, sự hô hấp, cảm giác, v.v. – để tối đa hóa khả năng thích nghi về sinh tồn của loài người, hầu cho họ có thể sống bình thường và tiếp tục như thế. Nói cách khác, môi trường sống hiện tại, được tạo ra bởi Đức Chúa Trời, là môi trường phù hợp và có lợi nhất cho sự sinh tồn của loài người. Một số người có thể nghĩ rằng điều này không quan trọng lắm, rằng tất cả chỉ là thứ rất bình thường. Âm thanh, ánh sáng và không khí là những thứ mà con người cảm thấy là quyền lợi cố hữu của họ, thứ mà họ đã tận hưởng từ giây phút họ chào đời. Nhưng đằng sau những thứ mà ngươi có thể tận hưởng này, Đức Chúa Trời đã và đang làm việc; đây là điều mà con người cần phải hiểu, điều họ cần phải biết. Cho dù nếu ngươi có cảm thấy rằng không cần phải hiểu những điều này hay biết về chúng, tóm lại, khi Đức Chúa Trời tạo ra chúng, Ngài đã cân nhắc về chúng, Ngài đã có một kế hoạch, Ngài đã có những ý tưởng nhất định. Ngài không nông nổi hay đơn giản chỉ đặt nhân loại vào trong một môi trường sống như thế, mà không có bất kỳ suy nghĩ gì về chuyện đó. Các ngươi có thể nghĩ rằng Ta đã quá thổi phồng về từng thứ nhỏ nhặt này, nhưng theo quan điểm của Ta, mỗi thứ mà Đức Chúa Trời đã cung cấp cho nhân loại đều cần thiết cho sự sinh tồn của nhân loại. Có hành động của Đức Chúa Trời trong điều này.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 174

Môi trường sống cơ bản mà Đức Chúa Trời tạo ra cho nhân loại (Các trích đoạn)

e. Luồng không khí

Điều thứ năm là gì? Thứ này có liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Mối liên hệ của nó gần với cuộc sống con người đến nỗi cơ thể con người không thể sống thiếu nó trong thế giới vật chất này. Thứ này là luồng không khí. Có lẽ bất kỳ ai cũng có thể hiểu danh từ “luồng không khí” khi vừa nghe qua. Vậy, luồng không khí là gì? Ngươi có thể nói rằng “luồng không khí” chỉ đơn giản là luồng chuyển động của không khí. Luồng không khí là một cơn gió mà mắt con người không thể nhìn thấy. Nó cũng là một cách mà khí di chuyển. Tuy nhiên, trong bài nói chuyện này, “luồng không khí” chủ yếu đề cập đến điều gì? Ngay sau khi Ta nói ra, các ngươi sẽ hiểu. Trái đất mang theo các núi non, biển cả và tất cả mọi vật của tạo hóa khi nó quay, và khi nó quay, nó quay theo tốc độ. Mặc dù ngươi không cảm nhận được bất kỳ sự quay nào, nhưng dù vậy sự quay của trái đất vẫn tồn tại. Sự quay của nó đem lại điều gì? Khi ngươi chạy, chẳng phải sinh ra làn gió và lướt qua tai ngươi sao? Nếu gió có thể được tạo ra khi ngươi chạy, thì làm sao có thể không có gió khi trái đất quay? Khi trái đất quay, mọi thứ đều chuyển động. Bản thân trái đất chuyển động và quay với một tốc độ nhất định, trong khi mọi vật trên nó cũng đang liên tục sinh sôi và phát triển. Do đó, sự chuyển động ở một tốc độ nhất định sẽ tự nhiên sinh ra luồng không khí. Đây là ý Ta muốn nói về “luồng không khí”. Chẳng phải luồng không khí này ảnh hưởng cơ thể con người đến một mức độ nhất định sao? Hãy xem xét các cơn bão: Cơn bão thông thường không quá mạnh, nhưng khi chúng tấn công, con người thậm chí không thể đứng vững, và họ khó mà bước đi trong gió. Thậm chí chỉ một bước cũng khó khăn, và một số người thậm chí bị gió đẩy đập vào vật gì đó, không thể di chuyển. Đây là một trong những cách mà luồng không khí có thể ảnh hưởng đến nhân loại. Nếu cả trái đất được bao phủ bởi đồng bằng, thì khi trái đất và muôn vật đều quay, cơ thể con người sẽ hoàn toàn không thể chịu được luồng không khí được sinh ra bằng cách đó. Sẽ cực kỳ khó khăn để đối phó với một tình huống như thế. Nếu điều này thực sự đúng như thế, thì luồng không khí đó sẽ không chỉ gây hại cho nhân loại, mà còn hủy diệt hoàn toàn. Con người sẽ không thể sống sót trong một môi trường như thế. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã tạo ra những môi trường địa lý khác nhau để giải quyết các luồng không khí như thế – trong những môi trường khác nhau, luồng không khí trở nên yếu đi, thay đổi hướng của chúng, thay đổi tốc độ của chúng, và thay đổi lực của chúng. Đó là lý do tại sao con người có thể thấy những đặc điểm địa lý khác nhau, như là những ngọn núi, dãy núi lớn, đồng bằng, đồi, vịnh, thung lũng, cao nguyên và những con sông lớn. Với những đặc điểm địa lý khác nhau này, Đức Chúa Trời thay đổi tốc độ, hướng và lực của luồng không khí. Đây là phương pháp Ngài dùng để làm giảm hay điều khiển luồng không khí thành gió, thứ có tốc độ, hướng và lực vừa phải, để cho con người có thể có một môi trường bình thường để sống. Điều này có cần không? (Cần.) Làm một việc như thế này có vẻ khó đối với con người, nhưng dễ dàng đối với Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài quan sát mọi thứ. Đối với Ngài, không gì đơn giản hơn hay dễ dàng hơn là việc tạo ra một môi trường với một luồng không khí phù hợp cho nhân loại. Do đó, trong một môi trường như thế do Đức Chúa Trời tạo ra, mỗi thứ trong toàn bộ tạo hóa của Ngài đều không thể thiếu được. Sự tồn tại của mỗi một sự vật đều có giá trị và cần thiết. Tuy nhiên, Sa-tan hay nhân loại, những kẻ đã bị bại hoại, không hiểu được nguyên tắc này. Họ vẫn cứ hủy diệt và phát triển và khai thác, với những mơ ước hão huyền về việc biến núi thành đất bằng, lấp đầy những hẻm núi, và xây những tòa nhà chọc trời trên đất bằng để tạo ra những khu rừng bê-tông. Hy vọng của Đức Chúa Trời chính là nhân loại có thể sống vui vẻ, tăng trưởng tốt, và trải qua mỗi ngày một cách vui vẻ trong môi trường phù hợp nhất này, môi trường mà Ngài đã chuẩn bị cho họ. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời không bao giờ bất cẩn trong cách Ngài xem xét môi trường mà nhân loại sống trong đó. Từ nhiệt độ đến không khí, từ âm thanh đến ánh sáng, Đức Chúa Trời đã lập những kế hoạch và sự sắp đặt phức tạp, để cho cơ thể của con người và môi trường sống của họ sẽ không phải chịu bất kỳ sự quấy nhiễu nào từ những điều kiện tự nhiên, mà thay vào đó, nhân loại sẽ có thể sống và sinh sôi một cách bình thường, và sống bình thường với muôn vật trong sự chung sống hài hòa. Tất cả những thứ này đều được Đức Chúa Trời cung cấp cho muôn vật và cho nhân loại.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 175

Bây giờ các ngươi đã nhận thức được sự khác biệt lớn nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người chưa? Cuối cùng, ai là chủ nhân của muôn vật? Có phải con người không? (Không.) Vậy thì sự khác biệt giữa cách Đức Chúa Trời và con người đối xử với muôn loài thọ tạo là gì? (Đức Chúa Trời cai trị và sắp đặt muôn vật, trong khi con người thì hưởng thụ chúng.) Các ngươi có đồng ý với điều này không? Sự khác biệt lớn nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người là Đức Chúa Trời cai trị và cung cấp cho muôn loài thọ tạo. Ngài là nguồn của mọi vật, và trong khi Đức Chúa Trời cung cấp cho muôn loài thọ tạo, thì nhân loại hưởng thụ nó. Nghĩa là, con người tận hưởng mọi thứ trong sự tạo dựng khi họ chấp nhận sự sống mà Đức Chúa Trời ban cho muôn vật. Đức Chúa Trời là Đấng Chủ Tể, và nhân loại tận hưởng những thành quả trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời. Vậy thì, từ góc độ của mọi thứ trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời, sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và nhân loại là gì? Đức Chúa Trời có thể thấy rõ những luật lệ về cách muôn vật phát triển, và Ngài kiểm soát và thống trị những luật lệ này. Nghĩa là, muôn vật ở trong tầm mắt của Đức Chúa Trời và trong phạm vi soi xét của Ngài. Loài người có thể nhìn thấy muôn vật không? Những gì nhân loại có thể nhìn thấy chỉ giới hạn trong những thứ ngay trước mặt họ. Nếu ngươi leo lên một ngọn núi, thì những gì ngươi thấy chỉ là ngọn núi đó. Ngươi không thể nhìn thấy những gì ở phía bên kia của ngọn núi. Nếu ngươi đi ra bờ biển, thì những gì ngươi nhìn thấy chỉ là một bên của đại dương, và ngươi không thể biết phía bên kia đại dương thì như thế nào. Nếu ngươi đi vào một khu rừng, thì ngươi có thể nhìn thấy thảm thực vật phía trước mặt và xung quanh ngươi, nhưng ngươi không thể nhìn thấy thứ gì nằm xa phía trước. Con người không thể nhìn thấy những nơi cao hơn, xa hơn và sâu hơn. Tất cả những gì họ có thể nhìn thấy là những thứ ở ngay trước mặt họ, trong tầm nhìn của họ. Ngay cả khi con người biết quy luật quy định bốn mùa trong năm, hoặc những quy luật về việc muôn vật tăng trưởng như thế nào, nhưng họ vẫn không thể quản lý hay ra lệnh cho muôn vật. Tuy nhiên cách Đức Chúa Trời nhìn thấy muôn loài thọ tạo thì chỉ giống như Ngài nhìn thấy một cỗ máy mà Ngài đã tự chế tạo ra. Ngài quá quen thuộc với mọi thành phần và mọi kết nối, nguyên tắc của chúng là gì, khuôn dạng của chúng là gì, và mục đích của chúng là gì – Đức Chúa Trời biết tất cả những điều này một cách rõ ràng nhất. Vì thế Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, và con người là con người! Mặc dù con người có thể đi sâu vào nghiên cứu khoa học và những quy luật chi phối muôn vật, thì sự nghiên cứu đó bị giới hạn về phạm vi, trong khi Đức Chúa Trời kiểm soát mọi thứ, điều mà, đối với con người, là một sự kiểm soát vô hạn. Một người có thể dành trọn cuộc đời nghiên cứu việc làm nhỏ nhất của Đức Chúa Trời mà không đạt được bất kỳ kết quả thực sự nào. Đây là lý do tại sao, nếu ngươi chỉ sử dụng kiến thức và những gì ngươi đã học được để nghiên cứu về Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ không bao giờ có thể biết Đức Chúa Trời hay hiểu được Ngài. Nhưng nếu ngươi chọn con đường mưu cầu lẽ thật và tìm kiếm Đức Chúa Trời, và nhìn vào Đức Chúa Trời từ góc độ bắt đầu biết đến Ngài, thì một ngày, ngươi sẽ nhận ra rằng những hành động và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, và ngươi sẽ biết tại sao Đức Chúa Trời được gọi là Đấng Chủ Tể của muôn vật và nguồn sống cho muôn vật. Ngươi càng có sự hiểu biết như thế, ngươi sẽ càng hiểu tại sao Đức Chúa Trời được gọi là Đấng Chủ Tể của muôn vật. Vạn vật và mọi thứ, kể cả ngươi, đang liên tục nhận được nguồn cung cấp ổn định từ Đức Chúa Trời. Ngươi cũng sẽ có thể cảm nhận rõ ràng rằng trong thế giới này, và giữa nhân loại này, không có ai ngoài Đức Chúa Trời có thể có khả năng và thực chất để cai trị, quản lý và duy trì sự tồn tại của muôn vật. Khi ngươi đạt đến sự hiểu biết này, ngươi sẽ thực sự công nhận rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của ngươi. Khi ngươi đạt đến điểm này, ngươi cũng đã thực sự chấp nhận Đức Chúa Trời và thừa nhận Ngài là Đức Chúa Trời của ngươi và Đấng Chủ Tể của ngươi. Khi ngươi đã đạt được một sự hiểu biết như thế và đời sống của ngươi đã đạt đến mức như thế, Đức Chúa Trời sẽ không còn thử luyện ngươi và phán xét ngươi nữa, và Ngài cũng sẽ không có bất kỳ yêu cầu nào đối với ngươi, bởi vì ngươi sẽ hiểu Đức Chúa Trời, sẽ biết lòng Ngài, và cũng đã thực sự chấp nhận Đức Chúa Trời trong lòng mình. Đây là một lý do quan trọng để thông công về những chủ đề về sự thống trị và quản lý muôn vật của Đức Chúa Trời. Làm như vậy có nghĩa là cung cấp cho con người nhiều kiến thức và sự hiểu biết hơn – không chỉ để ngươi thừa nhận, mà còn để ngươi biết và hiểu các hành động của Đức Chúa Trời theo một cách thực tế hơn.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 176

Đồ ăn thức uống hàng ngày mà Đức Chúa Trời chuẩn bị cho nhân loại (Các trích đoạn)

Ngũ cốc, trái cây và rau củ, và tất cả các loại hạt – những thứ này đều là thực phẩm chay. Chúng chứa đựng những dưỡng chất đủ để đáp ứng các nhu cầu của cơ thể con người, cho dù chúng là những thực phẩm chay. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã không phán rằng: “Ta sẽ chỉ ban những thực phẩm này cho loài người. Hãy để họ chỉ ăn những thứ này mà thôi!”. Đức Chúa Trời không dừng lại ở đó, mà đã tiếp tục chuẩn bị cho nhân loại nhiều thực phẩm hơn mà chúng thậm chí còn ngon hơn. Những thực phẩm này là gì? Đó là những loại thịt và cá khác nhau mà hầu hết các ngươi có thể thấy và ăn. Ngài đã chuẩn bị cho con người rất nhiều loại cả thịt lẫn cá. Cá sống dưới nước, và thịt của con cá sống dưới nước thì khác với các chất của thịt động vật sống trên cạn, và nó có thể cung cấp cho con người những dưỡng chất khác nhau. Cá cũng có các đặc tính có thể dung hòa tính hàn và nhiệt trong cơ thể con người, điều rất có lợi cho con người. Nhưng những thức ăn ngon không được ăn quá nhiều. Như Ta đã phán dạy, Đức Chúa Trời ban cho nhân loại đúng số lượng vào đúng thời điểm, để con người có thể thực sự thưởng thức sự ban cho của Ngài một cách bình thường, theo mùa và theo thời điểm. Bây giờ, loại thực phẩm nào được kể trong danh mục gia cầm? Gà, chim cút, chim bồ câu, v.v. và v.v. Nhiều người cũng ăn vịt và ngỗng. Mặc dù Đức Chúa Trời đã cung cấp tất cả những loại thịt này, nhưng Ngài cũng có những yêu cầu nhất định đối với dân sự được Ngài chọn và đưa ra những hạn chế cụ thể về chế độ ăn uống của họ trong Thời đại Luật pháp. Ngày nay, những hạn chế này dựa trên sở thích cá nhân và sự diễn giải cá nhân. Những loại thịt khác nhau này cung cấp cho cơ thể con người những dưỡng chất khác nhau, cung cấp chất đạm và sắt, bổ máu, làm chắc cơ và xương, và tăng cường sức khỏe cơ thể. Bất kể con người nấu và ăn chúng như thế nào, những loại thịt này có thể giúp con người cải thiện hương vị của thức ăn và làm tăng sự ngon miệng của họ, đồng thời thỏa mãn dạ dày của họ. Quan trọng nhất là, những thực phẩm này có thể cung cấp cho cơ thể con người những nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Đây là sự cân nhắc của Đức Chúa Trời khi Ngài chuẩn bị lương thực cho con người. Có rau củ, có thịt – đây chẳng phải là một sự dư dật sao? Tuy nhiên con người nên hiểu ý định của Đức Chúa Trời là gì khi Ngài chuẩn bị tất cả lương thực cho nhân loại. Có phải là để cho nhân loại ăn uống quá độ trong những thực phẩm này không? Điều gì xảy ra khi con người bị giam hãm trong việc cố gắng thỏa mãn những ham muốn vật chất này? Chẳng phải họ sẽ trở nên thừa chất dinh dưỡng sao? Chẳng phải quá nhiều chất dinh dưỡng gây hại đến cơ thể con người theo nhiều cách sao? (Phải.) Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời phân bổ đúng số lượng vào đúng thời điểm và cho con người thưởng thức những thực phẩm khác nhau theo những giai đoạn và mùa khác nhau. Ví dụ như, sau một mùa hè nóng bức, con người đã tích tụ nhiều nhiệt trong cơ thể, cũng như sự khô và ẩm bệnh lý. Khi mùa thu đến, nhiều loại trái cây chín, và khi con người ăn những trái cây này, khí ẩm trong cơ thể họ xuất ra. Vào thời điểm này, gia súc và cừu cũng đã lớn mạnh, vì thế đây là lúc con người nên ăn nhiều thịt để có chất dinh dưỡng. Bằng cách ăn các loại thịt khác nhau, cơ thể con người có được năng lượng và hơi ấm để giúp họ chống chọi với cái lạnh của mùa đông, và nhờ đó họ có thể trải qua mùa đông một cách an toàn và khỏe mạnh. Với sự quan tâm và sự chính xác tối đa, Đức Chúa Trời kiểm soát và điều phối thứ gì và khi nào để cung cấp cho nhân loại; và khi nào Ngài sẽ cho những thứ khác phát triển, trổ quả, và chín mọng. Điều này liên quan đến việc “Đức Chúa Trời chuẩn bị thực phẩm mà con người cần trong cuộc sống hàng ngày của họ”. Ngoài nhiều loại thực phẩm, Đức Chúa Trời cũng cung cấp cho nhân loại các nguồn nước. Sau khi ăn, con người vẫn cần uống nước. Chỉ trái cây thôi thì liệu có đủ không? Con người không thể sống chỉ bằng trái cây, và bên cạnh đó, một vài mùa không có trái cây gì. Vậy thì, vấn đề nước uống của con người có thể được giải quyết như thế nào? Đức Chúa Trời đã giải quyết nó bằng cách chuẩn bị nhiều nguồn nước trên và dưới mặt đất, bao gồm sông, hồ và suối. Những nguồn nước này có thể uống được miễn là không có ô nhiễm, và miễn là con người không tác động hay phá hoại chúng. Nói cách khác, về các nguồn thực phẩm để duy trì sự sống của cơ thể con người, Đức Chúa Trời đã thực hiện những sự chuẩn bị rất chính xác, rất đúng đắn và rất phù hợp, để cuộc sống của con người được dồi dào, phong phú và không thiếu bất kỳ thứ gì. Đây là điều mà con người có thể cảm nhận và nhìn thấy.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời cũng tạo ra giữa muôn vật một số thực vật, động vật và các thảo mộc khác nhau mà đặc biệt là để chữa lành vết thương hay điều trị bệnh tật trong cơ thể con người. Ví dụ như, con người sẽ làm gì nếu như họ bị phỏng lửa, hay vô tình tự làm mình phỏng nước? Liệu ngươi có thể chỉ rửa vết phỏng lửa bằng nước thôi không? Liệu ngươi có thể chỉ quấn nó với bất kỳ mảnh vải bình thường nào không? Nếu ngươi làm như thế, vết thương có thể mưng mủ hoặc bị nhiễm trùng. Ví dụ như, nếu ai đó bị sốt, hoặc bị cảm lạnh; bị chấn thương trong khi đang làm việc; xuất hiện chứng đau dạ dày từ việc ăn uống không phù hợp; hoặc xuất hiện những bệnh nào đó gây ra bởi các nhân tố thuộc về lối sống hay những vấn đề về cảm xúc, bao gồm các bệnh về mạch máu, tình trạng tâm lý, hoặc những bệnh về các cơ quan nội tạng, thì có những cây thích hợp chữa khỏi bệnh của họ. Có những loại cây có thể cải thiện sự tuần hoàn máu và loại bỏ tình trạng ứ đọng, giảm đau, cầm máu, gây tê, giúp chữa lành cho da và đưa nó về trạng thái bình thường, và đánh tan máu đông và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể – tóm lại, những cây này có hữu ích trong đời sống hàng ngày. Con người có thể dùng chúng, và chúng đã được Đức Chúa Trời chuẩn bị cho cơ thể con người trong trường hợp cần thiết. Đức Chúa Trời cho phép con người phát hiện một vài cây trong số đó một cách tình cờ, trong khi những cây khác được phát hiện bởi những người được Đức Chúa Trời chọn để làm như vậy, hoặc như một kết quả của các hiện tượng đặc biệt mà Ngài đã bố trí. Sau khi phát hiện ra những cây này, loài người sẽ truyền lại và nhiều người sẽ bắt đầu biết về chúng. Việc tạo ra những cây này của Đức Chúa Trời vì thế có giá trị và có ý nghĩa. Tóm lại, tất cả những điều này đều từ Đức Chúa Trời, được chuẩn bị và trồng bởi Ngài khi Ngài tạo ra môi trường sống của nhân loại. Chúng rất cần thiết. Có phải tư duy của Đức Chúa Trời hoạt động thấu đáo hơn của nhân loại không? Khi ngươi nhìn thấy tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm, ngươi có cảm nhận được khía cạnh thực tế của Đức Chúa Trời không? Đức Chúa Trời làm việc một cách kín nhiệm. Đức Chúa Trời đã tạo ra tất cả những điều này khi con người chưa đến với thế giới này, khi Ngài chưa có liên hệ nào với loài người. Mọi thứ đã được thực hiện với loài người trong tâm trí, vì sự tồn tại của con người và với suy nghĩ cho sự sinh tồn của họ, hầu cho loài người có thể sống hạnh phúc trong thế giới vật chất dồi dào và phong phú này mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho họ, không phải lo lắng về cái ăn cái mặc, không thiếu thứ gì. Trong một môi trường như thế, nhân loại có thể tiếp tục sinh sản và tồn tại.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 177

Chúng ta đã bắt đầu bằng việc thảo luận về môi trường loài người sinh sống và những gì Đức Chúa Trời đã làm cho môi trường đó và Ngài đã chuẩn bị những gì. Chúng ta đã thảo luận về việc Ngài đã sắp đặt những gì; các mối quan hệ giữa những vật thọ tạo, những thứ mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho loài người; và Đức Chúa Trời đã sắp đặt những mối quan hệ này như thế nào để ngăn cho những thứ trong sự tạo dựng của Ngài không gây hại cho loài người. Đức Chúa Trời cũng giảm thiểu những tác hại mà nhiều nhân tố khác nhau trong sự tạo dựng của Ngài có thể gây ra cho môi trường của loài người, cho phép muôn vật phục vụ mục đích cao cả nhất của chúng, và mang lại cho loài người một môi trường có lợi với những yếu tố có lợi, vì thế làm cho loài người thích nghi với một môi trường như vậy và tiếp tục ổn định chu kỳ sống và sinh sản. Kế tiếp, chúng ta đã thảo luận về những thực phẩm mà cơ thể con người cần – thực phẩm và nước uống hàng ngày của nhân loại. Đây cũng là một điều kiện cần cho sự sinh tồn của nhân loại. Nghĩa là, cơ thể con người không thể sống chỉ bằng việc hít thở, chỉ nuôi dưỡng bằng ánh sáng mặt trời, hoặc gió, hoặc nhiệt độ phù hợp. Con người cũng cần phải lấp đầy dạ dày của họ, và Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho nhân loại, mà không bỏ sót bất cứ điều gì, nguồn cung của những thứ mà họ có thể bỏ qua, đó là các nguồn thực phẩm của nhân loại. Khi ngươi nhìn thấy những sản phẩm dồi dào và phong phú như thế – các nguồn đồ ăn thức uống của nhân loại – thì ngươi có thể nói rằng Đức Chúa Trời là nguồn cung cấp cho nhân loại và cho mọi thứ trong sự tạo dựng của Ngài không? Trong thời gian sáng thế, nếu Đức Chúa Trời chỉ tạo ra cây cỏ hoặc một số lượng bất kỳ của các sinh vật khác, và nếu những sinh vật và các cây trồng khác nhau này hết thảy đều để cho bò và cừu ăn hoặc cho những con ngựa vằn, hươu, và những loài động vật khác, chẳng hạn như, sư tử thì ăn những con như ngựa vằn và hươu, còn hổ thì ăn những con như cừu và heo – nhưng không có một thứ gì thích hợp cho con người ăn, thì liệu điều đó đã có thể hiệu quả không? Sẽ không hiệu quả. Nhân loại hẳn đã không thể tồn tại lâu dài. Điều gì xảy ra nếu con người chỉ ăn lá cây mà thôi? Liệu điều đó có hiệu quả không? Liệu con người có thể ăn cỏ vốn dành cho cừu ăn không? Có thể không gây hại gì nếu họ thử ăn một ít, nhưng nếu họ ăn những thứ như thế trong một thời gian dài, thì dạ dày của họ sẽ không thể chịu được, và con người sẽ không sống thọ. Thậm chí có những thứ mà động vật có thể ăn nhưng lại độc hại đối với con người – động vật ăn chúng thì không sao, nhưng đối với con người thì không như vậy. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đã tạo ra con người, vì vậy Đức Chúa Trời biết rõ nhất các nguyên tắc và cấu trúc của cơ thể con người và con người cần gì. Đức Chúa Trời biết rất rõ về thành phần và chất của cơ thể, nhu cầu và hoạt động của các cơ quan nội tạng, và chúng hấp thụ, loại bỏ và chuyển hoá các chất khác nhau như thế nào. Con người thì không biết; đôi khi, họ ăn uống thiếu cẩn thận, hoặc thiếu cẩn trọng trong việc tự chăm sóc bản thân, quá nhiều những điều đó gây nên một sự mất cân bằng. Nếu ngươi ăn và tận hưởng những thứ Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho ngươi theo một cách bình thường, thì ngươi sẽ không có vấn đề về sức khỏe. Ngay cả đôi khi ngươi trải qua tâm trạng tồi tệ và ngươi có tình trạng ứ máu, thì điều này không hề hấn gì. Ngươi chỉ cần ăn một loại cây nhất định, và sự ứ đọng sẽ không còn. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho tất cả những điều này. Vì thế, trong mắt Đức Chúa Trời, loài người cao trọng hơn nhiều so với bất kỳ vật sống nào khác. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một môi trường cho từng loại cây trồng, và Ngài chuẩn bị thức ăn và môi trường cho từng loài động vật, tuy nhiên loài người có những nhu cầu nghiêm ngặt nhất về môi trường của họ, và những nhu cầu đó không thể bị xem nhẹ một chút nào; nếu chúng bị xem nhẹ, thì loài người sẽ không thể tiếp tục phát triển, sống và sinh sản một cách bình thường. Chính Đức Chúa Trời biết rõ điều này nhất trong lòng Ngài. Khi Đức Chúa Trời làm điều này, Ngài đã chú trọng vào nó hơn là bất kỳ thứ nào khác. Có lẽ ngươi không thể cảm nhận được tầm quan trọng của một vài thứ bình thường mà ngươi có thể thấy và thưởng thức trong cuộc sống của mình, hoặc thứ nào đó mà ngươi thấy và thưởng thức từ khi ra đời, nhưng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho ngươi từ lâu hoặc một cách kín nhiệm. Đức Chúa Trời đã loại bỏ và giảm thiểu đến mức tối đa tất cả những yếu tố tiêu cực không có lợi cho nhân loại và có thể gây hại cho cơ thể con người. Điều này cho thấy những gì? Có phải nó cho thấy thái độ của Đức Chúa Trời đối với nhân loại khi Ngài tạo ra họ lần này không? Thái độ đó là gì? Thái độ của Đức Chúa Trời là cẩn thận và nghiêm túc, và không khoan dung cho sự quấy nhiễu của bất kỳ thế lực thù địch hay những nhân tố hoặc những điều kiện bên ngoài nào không phải của Ngài. Trong việc này có thể thấy được thái độ của Đức Chúa Trời trong việc tạo ra và quản lý nhân loại lần này. Và Đức Chúa Trời có thái độ gì? Thông qua môi trường sinh tồn và cuộc sống mà nhân loại tận hưởng, cũng như trong đồ ăn thức uống hàng ngày và những nhu cầu hàng ngày của họ, chúng ta có thể thấy thái độ trách nhiệm của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, thái độ mà Ngài đã giữ từ khi Ngài tạo ra con người, cũng như quyết tâm cứu rỗi nhân loại của Ngài lần này. Trong những điều này, tính xác thực của Đức Chúa Trời có thể nhìn thấy không? Sự kỳ diệu của Ngài? Sự không thể hiểu thấu của Ngài? Sự toàn năng của Ngài? Đức Chúa Trời sử dụng những cách khôn ngoan và toàn năng của Ngài để cung cấp cho toàn thể nhân loại, cũng như để cung cấp cho tất cả mọi vật trong sự tạo dựng của Ngài. Giờ đây khi Ta đã phán dạy các ngươi quá nhiều, các ngươi có thể nói rằng Đức Chúa Trời là nguồn sống cho muôn vật không? (Có.) Điều đó chắc chắn như thế. Các ngươi có bất kỳ nghi ngờ gì không? (Không.) Sự cung cấp của Đức Chúa Trời cho muôn vật đủ để cho thấy rằng Ngài là nguồn sống cho muôn vật, bởi vì Ngài là nguồn cung cấp khiến cho muôn vật có thể tồn tại, sống, sinh sản và tiếp diễn, và không có nguồn nào khác ngoại trừ chính Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cung cấp mọi nhu cầu của muôn vật và mọi nhu cầu của nhân loại, dù đó là những nhu cầu cơ bản nhất về môi trường của con người, những nhu cầu cuộc sống hàng ngày của họ, hay nhu cầu về lẽ thật mà Ngài cung cấp cho tâm linh của con người. Trong mọi cách, thân phận của Đức Chúa Trời và địa vị của Ngài là rất quan trọng đối với loài người; chỉ có chính Đức Chúa Trời là nguồn sống cho muôn vật. Nghĩa là, Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị, Đấng Chủ Tể, và Đấng Cung Cấp của thế giới này, thế giới mà con người có thể nhìn thấy và cảm nhận này. Đối với nhân loại, đây chẳng phải là thân phận của Đức Chúa Trời sao? Không có gì sai trong điều này. Vì vậy khi ngươi nhìn thấy những con chim bay trên trời, thì ngươi nên biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra mọi thứ có thể bay. Có những sinh vật bơi dưới nước, và chúng có những cách tồn tại riêng của chúng. Cây cối và thực vật sống trong đất đâm chồi và nảy mầm vào mùa xuân, trổ quả và rụng lá vào mùa thu, và vào mùa đông hết thảy lá cây đều rụng khi những cây đó chuẩn bị vượt qua mùa đông. Đó là cách sinh tồn của chúng. Đức Chúa Trời đã tạo nên muôn vật, và từng thứ sống trong những hình thức khác nhau, những cách khác nhau và sử dụng những phương pháp khác nhau để thể hiện sức sống của mình và hình thức mà nó sống. Bất kể mọi thứ sống như thế nào, hết thảy chúng đều nằm dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời. Mục đích của việc Đức Chúa Trời cai trị tất cả các thể dạng sự sống và các sinh vật khác nhau là gì? Có phải là vì sự sinh tồn của nhân loại không? Ngài kiểm soát tất cả các quy luật của cuộc sống, tất cả là vì sự sinh tồn của nhân loại. Điều này cho thấy sự sinh tồn của nhân loại quan trọng đối với Đức Chúa Trời như thế nào.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 178

Đức Chúa Trời không chỉ là Đức Chúa Trời của dân sự được Ngài chọn. Hiện tại ngươi theo Đức Chúa Trời, và Ngài là Đức Chúa Trời của ngươi, nhưng Ngài có là Đức Chúa Trời của những ai không theo Ngài không? Đức Chúa Trời có phải là Đức Chúa Trời của tất cả những người không theo Ngài hay không? Đức Chúa Trời có phải là Đức Chúa Trời của muôn vật không? (Phải.) Vậy thì liệu công tác và hành động của Đức Chúa Trời có bị giới hạn trong phạm vi chỉ dành cho những ai theo Ngài không? (Không.) Phạm vi công tác và hành động của Ngài là gì? Ở cấp độ nhỏ nhất, phạm vi công tác và hành động của Ngài bao gồm hết thảy nhân loại và mọi vật của tạo hóa. Ở cấp độ cao nhất, nó bao gồm toàn thể vũ trụ, những điều mà con người không thể thấy. Vậy, chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời thực hiện công tác của Ngài và thực hiện những hành động của Ngài trong toàn nhân loại, và điều này đủ để cho phép con người bắt đầu biết toàn bộ về chính Đức Chúa Trời. Nếu ngươi muốn biết về Đức Chúa Trời, biết Ngài thực sự, hiểu Ngài thực sự, thì đừng giới hạn bản thân mình chỉ trong ba giai đoạn công tác của Đức Chúa Trời, hoặc trong những câu chuyện về công tác mà Ngài đã thực hiện trong quá khứ. Nếu ngươi cố gắng biết Ngài theo cách đó, thì ngươi đang đặt giới hạn cho Đức Chúa Trời, đang giam hãm Ngài. Ngươi đang thấy Đức Chúa Trời là một điều gì đó rất nhỏ bé. Làm như thế sẽ ảnh hưởng đến mọi người như thế nào? Ngươi sẽ không bao giờ có thể biết sự kỳ diệu và uy quyền tối cao của Ngài, cũng như quyền năng và tính toàn năng của Ngài, và phạm vi thẩm quyền của Ngài. Một sự hiểu biết như thế sẽ có tác động đến khả năng ngươi chấp nhận sự thật rằng Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị muôn vật, cũng như sự hiểu biết của ngươi về thân phận và địa vị thực sự của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, nếu sự hiểu biết của ngươi về Đức Chúa Trời bị giới hạn trong phạm vi, thì những gì ngươi có thể nhận được cũng bị hạn chế. Đây là lý do tại sao ngươi phải mở rộng phạm vi của mình và mở rộng tầm nhìn của mình. Ngươi nên cố gắng hiểu toàn bộ chúng – phạm vi công tác của Đức Chúa Trời, sự quản lý của Ngài, sự cai trị của Ngài, và hết thảy những thứ Ngài quản lý và cai trị. Thông qua những điều này mà ngươi sẽ bắt đầu hiểu những hành động của Đức Chúa Trời. Với một sự hiểu biết như thế, ngươi sẽ bắt đầu cảm nhận, mà không hề hay biết, rằng Đức Chúa Trời cai trị, quản lý, và cung cấp cho muôn vật giữa chúng, và ngươi sẽ thực sự cảm nhận rằng ngươi là một phần và một thành viên của muôn vật. Vì Đức Chúa Trời cung cấp cho muôn vật, nên ngươi cũng chấp nhận sự cai trị và cung cấp của Đức Chúa Trời. Đây là sự thật mà không ai có thể phủ nhận. Muôn vật đều phải tuân theo những qui luật dành riêng cho chúng dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời, và dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời, muôn vật có những quy luật riêng để sinh tồn. Số phận và nhu cầu của nhân loại cũng bị ràng buộc cùng với sự cai trị và cung cấp của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao, dưới sự thống trị và cai trị của Đức Chúa Trời, nhân loại và muôn vật được kết nối với nhau, phụ thuộc lẫn nhau, và đan xen lẫn nhau. Đây là mục đích và giá trị trong việc tạo ra muôn vật của Đức Chúa Trời.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất VIII, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 179

Kể từ khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, chúng luôn hoạt động và tiếp tục tiến triển một cách có trật tự và phù hợp với các quy luật mà Ngài đã quy định. Dưới sự quan sát của Ngài, dưới sự cai trị của Ngài, loài người đã tồn tại và suốt từ đó đến giờ muôn vật đã và đang phát triển một cách có trật tự. Không gì có thể thay đổi hoặc phá hủy các quy luật này. Chính bởi sự cai trị của Đức Chúa Trời mà mọi sinh vật có thể sinh sôi nảy nở, và chính bởi sự cai trị và quản lý của Ngài mà mọi sinh vật có thể tồn tại. Điều này nói lên rằng dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời thì mọi sinh vật đều ra đời, phát triển, biến mất, và tái sinh một cách có trật tự. Khi mùa xuân đến, những cơn mưa phùn sẽ mang lại cảm giác của một mùa tươi mát và làm ẩm ướt mặt đất. Đất trở nên tơi xốp và cỏ đâm chồi lên khỏi mặt đất và bắt đầu nhú mầm, trong khi cây cối dần trở nên xanh. Tất cả những sinh vật này mang lại sức sống tươi mới cho trái đất. Điều này giống như khi mọi sinh vật ra đời và phát triển. Tất cả các loài động vật đều ra khỏi hang của chúng để cảm nhận sự ấm áp của mùa xuân và bắt đầu một năm mới. Mọi sinh vật đắm mình trong hơi ấm suốt mùa hè và thưởng thức sự ấm áp do mùa này mang lại. Chúng phát triển nhanh chóng. Cây cỏ và tất cả các loại thực vật đều phát triển nhanh chóng, cho đến lúc chúng cuối cùng nở hoa và kết trái. Mọi sinh vật đều bận rộn trong suốt mùa hè, bao gồm cả con người. Vào mùa thu, những cơn mưa mang lại sự mát mẻ của mùa, và mọi loài sinh vật bắt đầu cảm nhận mùa thu hoạch đang đến. Các loài đều kết trái, và con người bắt đầu thu hoạch các loại hoa trái khác nhau để có thực phẩm chuẩn bị cho mùa đông. Vào mùa đông, mọi sinh vật dần bắt đầu yên vị trong sự tĩnh lặng và nghỉ ngơi khi thời tiết bắt đầu lạnh, và con người cũng nghỉ ngơi trong mùa này. Từ mùa này sang mùa khác, chuyển đổi từ mùa xuân sang hạ sang thu sang đông – tất cả những sự thay đổi này đều xảy ra theo những quy luật do Đức Chúa Trời thiết lập. Ngài dẫn dắt vạn vật và loài người theo những quy luật này và bày ra cho loài người một lối sống dư dật và muôn màu muôn vẻ, sắp sẵn một môi trường sinh tồn có nhiệt độ và các mùa khác nhau. Do đó, trong kiểu môi trường sinh tồn có trật tự này, con người có thể tồn tại và sinh sản thêm lên một cách có trật tự. Con người không thể thay đổi những quy luật này và không con người hoặc sinh vật nào có thể phá vỡ chúng. Mặc dù vô số những sự thay đổi đã xảy ra – nhiều vùng biển đã trở thành cánh đồng, trong khi những cánh đồng lại trở thành biển, những quy luật này tiếp tục tồn tại. Chúng tồn tại bởi vì Đức Chúa Trời tồn tại, và vì sự cai trị và quản lý của Ngài. Với kiểu môi trường quy mô lớn có trật tự này, đời sống của con người cứ tiếp diễn theo các quy luật và quy tắc này. Theo những quy luật này thì con người hết thế hệ này đến thế hệ khác đã được nuôi dưỡng, và hết thế hệ này đến thế hệ khác con người đã tồn tại. Con người đã tận hưởng môi trường sinh tồn có trật tự này cũng như là tất cả mọi thứ được Đức Chúa Trời tạo nên từ hết thế hệ này đến thế hệ khác. Mặc dù con người cảm thấy rằng những kiểu quy luật này vốn dĩ đã có và coi chúng là chuyện đương nhiên với vẻ khinh suất, và mặc dù họ không thể cảm nhận rằng Đức Chúa Trời đang dàn xếp các quy luật này, rằng Đức Chúa Trời đang cai trị trên những quy luật này, dù gì đi nữa, thì Đức Chúa Trời cũng luôn luôn tham gia vào công tác bất biến này. Mục đích của Ngài trong công tác bất biến này là sự sống còn của loài người, và để loài người có thể tiếp tục sống.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 180

Đức Chúa Trời lập ranh giới cho muôn vật để nuôi dưỡng toàn thể loài người (Các trích đoạn)

Hôm nay Ta sẽ bàn về đề tài những loại quy luật này mà Đức Chúa Trời đã mang đến cho muôn vật nuôi dưỡng toàn thể loài người như thế nào. Đây là một đề tài khá rộng, vì vậy chúng ta có thể chia ra làm nhiều phần và thảo luận từng phần một để chúng có thể được phác họa rõ ràng cho các ngươi. Bằng cách này các ngươi sẽ dễ dàng nắm bắt hơn và các ngươi dần dần có thể hiểu được nó.

Phần một: Đức Chúa Trời đặt ranh giới cho từng loại địa hình

Vậy, chúng ta hãy bắt đầu với phần đầu tiên. Khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, Ngài đã vẽ ranh giới cho núi non, đồng bằng, sa mạc, đồi, sông và hồ. Trên mặt đất có núi, đồng bằng, sa mạc và đồi, cũng như là các vùng nước khác nhau. Những thứ này tạo thành các loại địa hình khác nhau, không phải sao? Giữa chúng, Đức Chúa Trời đã vạch ra những ranh giới. Khi chúng ta nói đến việc vạch ranh giới, điều đó có nghĩa là những ngọn núi có ranh giới của chúng, những đồng bằng có ranh giới của riêng chúng, các sa mạc có một phạm vi nhất định, và những ngọn đồi có một diện tích cố định. Các vùng nước như là sông và hồ cũng có một số lượng cố định. Nghĩa là, khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật thì Ngài đã phân chia mọi vật rất rõ ràng. Đức Chúa Trời đã xác định bán kính của từng ngọn núi đã ấn định nên là bao nhiêu ki-lô-mét và phạm vi của nó như thế nào. Ngài cũng đã xác định bán kính của từng đồng bằng đã ấn định nên là bao nhiêu ki-lô-mét và phạm vi của nó như thế nào. Khi dựng nên muôn vật Ngài cũng đã xác định các giới hạn của những sa mạc cũng như phạm vi của những ngọn đồi và tỉ lệ của chúng, và chúng được tiếp giáp với những gì – tất cả những điều này đều do Ngài định đoạt. Ngài đã xác định phạm vi của những con sông và các hồ trong quá trình tạo ra chúng – tất cả chúng đều có ranh giới. Vậy khi chúng ta bàn về “các ranh giới” thì điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta chỉ bàn về việc Đức Chúa Trời cai trị muôn vật như thế nào qua việc thiết lập các quy luật cho vạn vật. Nghĩa là, phạm vi và ranh giới của núi non sẽ không mở rộng ra hoặc thu hẹp lại bởi vòng quay của trái đất hoặc theo thời gian. Chúng được cố định, không thay đổi, và chính Đức Chúa Trời chi phối sự bất biến của chúng. Còn về các vùng đồng bằng, thì phạm vi của chúng là gì, chúng tiếp giáp với những gì – điều này đã được Đức Chúa Trời thiết lập. Chúng có ranh giới của mình, và như thế sẽ không có một ụ đất nào có thể mọc lên một cách ngẫu nhiên từ mặt đất của vùng đồng bằng. Đồng bằng không thể đột nhiên biến thành một ngọn núi – điều này sẽ không thể xảy ra. Đây là ý nghĩa của các quy luật và ranh giới mà chúng ta vừa nói đến. Còn về sa mạc, chúng ta sẽ không đề cập đến những chức năng cụ thể của sa mạc hoặc bất kỳ loại địa hình hoặc vị trí địa lý nào ở đây, mà chỉ nói về ranh giới của chúng. Dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời, các giới hạn của sa mạc cũng sẽ không mở rộng. Đó là vì Đức Chúa Trời đã ban cho nó quy luật của nó, các giới hạn của nó. Diện tích của nó lớn bao nhiêu và chức năng của nó là gì, nó được tiếp giáp với những gì, và vị trí của nó ở đâu – điều này đã được Đức Chúa Trời thiết lập. Nó sẽ không vượt quá các giới hạn hoặc thay đổi vị trí của mình, và diện tích của nó sẽ không mở rộng một cách tùy tiện. Mặc dù tất cả những dòng nước như sông và hồ đều chảy có trật tự và liên tục, chúng không bao giờ di chuyển ra ngoài phạm vi của chúng hoặc vượt khỏi ranh giới của chúng. Tất cả chúng đều chảy theo một hướng, hướng mà chúng được ấn định để chảy, theo một cách có trật tự. Như vậy theo các quy luật trong sự cai trị của Đức Chúa Trời, thì không có dòng sông hoặc hồ nào sẽ cạn một cách tùy tiện hoặc tùy ý thay đổi hướng hoặc lưu lượng của nó bởi vòng quay của trái đất hoặc theo thời gian. Tất cả những điều này đều nằm trong sự kiểm soát của Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là, muôn vật do Đức Chúa Trời dựng nên giữa nhân loại này đều được ấn định về vị trí, diện tích, và các giới hạn. Nghĩa là, khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, các ranh giới của chúng đã được thiết lập, và chúng không được biến đổi, đổi mới, hoặc thay đổi một cách tùy tiện. “Một cách tùy tiện” nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là chúng sẽ không ngẫu nhiên dịch chuyển, mở rộng, hoặc thay đổi hình dạng ban đầu do bởi thời tiết, nhiệt độ, hoặc tốc độ quay của trái đất. Ví dụ, một ngọn núi có một chiều cao nhất định, chân của nó nằm trong một khu vực nhất định, nó có một độ cao nhất định, và nó có một lượng cây cối nhất định. Tất cả điều này đều được Đức Chúa Trời lên kế hoạch và tính toán và nó sẽ không được thay đổi một cách tùy tiện. Còn về các vùng đồng bằng, đa số con người sống ở vùng đồng bằng, và sự thay đổi khí hậu sẽ không ảnh hưởng đến khu vực của chúng hoặc giá trị trong sự hiện hữu của chúng. Ngay cả những thứ có trong các địa hình và môi trường địa lý khác nhau đã được Đức Chúa Trời dựng nên này sẽ không được thay đổi một cách tùy tiện. Ví dụ, thành phần của sa mạc, các loại mỏ khoáng sản dưới lòng đất, lượng cát chứa đựng trong một sa mạc và màu sắc của nó, độ dày của sa mạc – những thứ này sẽ không tùy tiện thay đổi. Tại sao chúng sẽ không tùy tiện thay đổi? Đó là vì sự cai trị của Đức Chúa Trời và sự quản lý của Ngài. Trong tất cả những địa hình và môi trường địa lý khác nhau do Đức Chúa Trời dựng nên này, Ngài đang quản lý mọi thứ theo kế hoạch và có trật tự. Vì thế tất cả các môi trường địa lý này vẫn tồn tại và vẫn đang thực hiện chức năng của chúng trong hàng ngàn và thậm chí hàng vạn năm sau khi chúng được Đức Chúa Trời dựng nên. Mặc dù có những thời kỳ nhất định khi các núi lửa phun trào, và những thời kỳ các trận động đất xảy ra, và có những sự xê dịch đáng kể của các vùng đất, Đức Chúa Trời tuyệt đối sẽ không cho phép bất kỳ loại địa hình nào mất đi chức năng ban đầu của nó. Chỉ bởi sự quản lý này của Đức Chúa Trời, sự cai trị và kiểm soát những quy luật này của Ngài, mà tất cả những điều này – tất cả những điều mà được loài người nhìn thấy và tận hưởng – đều có thể tồn tại trên đất một cách có trật tự. Vậy thì tại sao Đức Chúa Trời quản lý mọi địa hình khác nhau tồn tại trên đất theo cách này? Mục đích của Ngài là để các sinh vật tồn tại trong những môi trường địa lý khác nhau đều sẽ có một môi trường ổn định, và để chúng có thể tiếp tục sống và sinh sôi nảy nở trong môi trường ổn định đó. Tất cả những thứ này – những thứ di động và những thứ bất động, những thứ thở bằng mũi và những thứ không – làm nên một môi trường độc đáo cho sự sinh tồn của loài người. Chỉ có loại môi trường này mới có thể nuôi dưỡng loài người từ thế hệ này đến thế hệ khác, và chỉ có loại môi trường này mới có thể cho phép con người tiếp tục tồn tại một cách thanh bình, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Những điều Ta vừa phán là một đề tài khá rộng, vì vậy có lẽ nó dường như có phần xa cách với đời sống của các ngươi, nhưng Ta tin rằng các ngươi đều có thể hiểu nó. Điều đó có nghĩa là, các quy luật của Đức Chúa Trời trong sự thống trị của Ngài đối với muôn vật rất là quan trọng – thực sự rất quan trọng! Điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của mọi sinh vật theo các quy luật này là gì? Chính là bởi sự cai trị của Đức Chúa Trời. Chính bởi sự cai trị của Ngài mà mọi sinh vật đều thực hiện chức năng riêng của mình trong sự cai trị của Ngài. Ví dụ, các ngọn núi nuôi dưỡng các khu rừng và các khu rừng lại lần lượt nuôi dưỡng và bảo vệ chim và thú khác nhau sống trong đó. Các vùng đồng bằng là nền đất được sắp sẵn để con người trồng trọt cũng như là cho các loài chim thú khác nhau. Chúng cho phép phần lớn loài người sống trên vùng đất bằng và mang lại sự tiện lợi trong đời sống con người. Và đồng bằng cũng bao gồm các đồng cỏ – những dải đồng cỏ rộng lớn. Những đồng cỏ cung cấp thảm thực vật bao phủ mặt đất. Chúng bảo vệ đất và nuôi dưỡng gia súc, cừu và ngựa sống trên các đồng cỏ. Sa mạc cũng thực hiện chức năng riêng của nó. Nó không phải là một nơi để con người sinh sống; vai trò của nó là làm cho khí hậu ẩm ướt trở nên khô ráo hơn. Những dòng chảy của sông và hồ mang lại cho con người nguồn nước uống một cách thuận tiện. Bất cứ nơi nào chúng chảy đến thì con người sẽ có nước uống và nhu cầu về nước của muôn vật cũng sẽ được đáp ứng một cách thuận tiện. Đây là những ranh giới do Đức Chúa Trời vạch ra cho những địa hình khác nhau.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 181

Đức Chúa Trời lập ranh giới cho muôn vật để nuôi dưỡng toàn thể loài người (Các trích đoạn)

Phần hai: Đức Chúa Trời đặt ranh giới cho từng loại sinh vật

Do những ranh giới mà Đức Chúa Trời đã vạch ra này, mà những địa hình khác nhau đã tạo ra những môi trường sinh tồn khác nhau, và những môi trường sinh tồn này đã thuận lợi cho các loài chim thú khác nhau và cũng cho chúng khoảng không gian để sinh tồn. Từ đó mà ranh giới cho các môi trường sinh tồn của những sinh vật khác nhau đã được phát triển. Đây là phần thứ hai chúng ta sẽ nói đến tiếp theo. Trước tiên, những con chim, con thú và côn trùng sống ở đâu? Có phải chúng sống trong rừng và các lùm cây? Đây là nhà của chúng. Như thế, ngoài việc thiết lập ranh giới cho những môi trường địa lý khác nhau, Đức Chúa Trời cũng đã vẽ ranh giới và thiết lập quy luật cho các loài chim, thú, cá và côn trùng khác nhau, và tất cả cây cối. Bởi sự khác biệt giữa những môi trường địa lý khác nhau và bởi sự tồn tại của những môi trường địa lý khác nhau, mà các loài chim, thú, cá và côn trùng khác nhau và cây cối có những môi trường sinh tồn khác nhau. Chim, thú và côn trùng sống giữa những loài cây cối khác nhau, cá sống dưới nước, và cây mọc trên đất. Đất bao gồm nhiều khu vực khác nhau như là núi, đồng bằng và đồi. Một khi những con chim và con thú đã có được nơi an cư riêng của chúng, thì chúng sẽ không lang thang đó đây, không đi nơi nào nữa. Nhà của chúng là rừng núi. Nếu một ngày nào đó, nhà của chúng bị phá hủy, thì trật tự này sẽ trở nên hỗn độn. Ngay khi trật tự trở nên hỗn độn, thì hậu quả sẽ ra sao? Ai là người đầu tiên phải gánh chịu? Đó là loài người. Trong phạm vi các quy luật và giới hạn mà Đức Chúa Trời đã thiết lập, các ngươi có thấy hiện tượng nào khác thường không? Ví dụ, những con voi đi trong sa mạc. Các ngươi có thấy điều gì như thế chưa? Nếu điều này thực sự xảy ra thì đó sẽ là một hiện tượng rất lạ, bởi vì voi sống trong rừng, và đó là môi trường sinh tồn mà Đức Chúa Trời đã sắp sẵn cho chúng. Chúng có môi trường sinh tồn riêng của mình và nơi an cư riêng của mình, vậy thì tại sao chúng lại chạy lòng vòng? Có ai đã nhìn thấy những con sư tử và hổ đi bên bờ biển chưa? Chưa, các ngươi chưa nhìn thấy. Nhà của sư tử và hổ là rừng và núi. Có ai đã nhìn thấy những con cá voi hoặc cá mập của đại dương bơi qua sa mạc chưa? Chưa, các ngươi chưa nhìn thấy. Cá voi và cá mập lấy đại dương làm nhà. Trong môi trường sống của con người, có người nào sống cạnh gấu nâu không? Có người nào luôn luôn bị vây quanh bởi những con công và các loại chim khác, trong và ngoài nhà mình không? Có ai đã nhìn thấy đại bàng hoặc ngỗng hoang chơi với khỉ chưa? (Chưa.) Những điều này sẽ là những hiện tượng khác thường. Lý do Ta phán những điều mà dường như rất lạ với tai này với các ngươi là để các ngươi hiểu được rằng mọi sinh vật do Đức Chúa Trời dựng nên – bất kể chúng được cố định một chỗ hoặc chúng có thể thở bằng mũi hay không – đều có những quy luật sinh tồn riêng cho chúng. Rất lâu trước khi Đức Chúa Trời dựng nên những sinh vật này, Ngài đã sắp sẵn cho chúng những ngôi nhà riêng và môi trường sinh tồn riêng. Những sinh vật này có môi trường sinh tồn cố định của riêng mình, thức ăn riêng và nhà riêng cố định, và chúng có những nơi cố định phù hợp với sự sinh tồn của chúng, những nơi có nhiệt độ phù hợp với sự sinh tồn của chúng. Do đó, chúng không đi lang thang khắp nơi hoặc ngầm hủy hoại sự sinh tồn của loài người hoặc tác động đến đời sống con người. Đây là cách Đức Chúa Trời quản lý muôn vật, ban cho loài người môi trường tốt nhất để sinh tồn. Mỗi sinh vật trong muôn vật đều có thức ăn riêng để duy trì sự sống của chúng trong những môi trường sinh tồn của riêng chúng. Với thức ăn đó, chúng gắn liền với môi trường bản địa của mình để sinh tồn. Trong loại môi trường đó, chúng tiếp tục tồn tại, sinh sôi nảy nở, và phát triển đúng theo các quy luật mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho chúng. Bởi vì những loại quy luật này, bởi vì sự tiền định của Đức Chúa Trời, muôn vật sống hài hòa với loài người, và loài người cùng tồn tại trong sự phụ thuộc lẫn nhau với muôn vật.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 182

Đức Chúa Trời lập ranh giới cho muôn vật để nuôi dưỡng toàn thể loài người (Các trích đoạn)

Phần ba: Đức Chúa Trời duy trì môi trường và hệ sinh thái để nuôi dưỡng nhân loại

Đức Chúa Trời đã dựng nên muôn vật và thiết lập các ranh giới cho chúng; giữa chúng Ngài nuôi dưỡng mọi loài sinh vật. Đồng thời, Ngài cũng sắp sẵn những phương tiện sinh tồn khác nhau cho loài người, vì thế ngươi có thể thấy rằng loài người không chỉ có một cách để tồn tại, họ cũng không chỉ có một loại môi trường để sinh tồn. Trước đây chúng ta đã nói về việc Đức Chúa Trời đã sắp sẵn nhiều loại thức ăn và nguồn nước cho con người, điều thiết yếu để cho đời sống của loài người trong xác thịt được tiếp tục. Tuy nhiên, trong nhân loại này, không phải tất cả mọi người đều sống nhờ vào ngũ cốc. Con người có những phương tiện sinh tồn khác nhau do sự khác biệt về môi trường địa lý và địa hình. Những phương tiện sinh tồn này đều đã được Đức Chúa Trời sắp sẵn. Vì thế không phải hết thảy con người đều tham gia chủ yếu vào nông nghiệp. Nghĩa là, không phải tất cả mọi người đều có được thực phẩm của mình bằng cách trồng trọt. Đây là phần thứ ba mà chúng ta sẽ nói đến: Các ranh giới đã phát sinh bởi những lối sống khác nhau của loài người. Vậy con người có những lối sống nào khác? Xét về các nguồn thực phẩm khác nhau, có những loại người nào khác nữa? Có một số kiểu chính sau đây:

Đầu tiên là lối sống săn bắn. Mọi người đều biết đó là gì. Những người sống bằng săn bắn thì ăn gì? (Trò chơi.) Họ ăn chim và thú trong rừng. “Trò chơi” là một từ hiện đại. Những người thợ săn không nghĩ về nó như là một trò chơi; họ nghĩ về nó là thực phẩm, như là lương thực hàng ngày của họ. Ví dụ, họ săn được một con nai. Khi họ có được con nai này cũng giống như một người nông dân có được thực phẩm từ đất. Một người nông dân có thực phẩm từ đất, và khi nhìn thấy thực phẩm này, anh ta thấy rất vui và cảm thấy dễ chịu. Gia đình sẽ không bị đói vì có hoa màu để ăn. Lòng người nông dân không còn lo lắng và cảm thấy hài lòng. Một người thợ săn cũng cảm thấy thoải mái và hài lòng khi nhìn thấy thứ mà anh ta vừa bắt được bởi vì anh ta không còn phải lo lắng về thực phẩm nữa. Có thứ để ăn cho bữa ăn tiếp theo và không phải bị đói. Đây là một người săn bắn để sống. Phần lớn những người tồn tại nhờ săn bắn thì sống trong rừng núi. Họ không làm nông. Không dễ để tìm thấy đất trồng ở đó, vì vậy họ tồn tại nhờ vào những sinh vật khác nhau, những loại con mồi khác nhau. Đây là lối sống đầu tiên khác với con người bình thường.

Kiểu thứ hai là một lối sống của những người chăn gia súc. Những người chăn gia súc để kiếm sống cũng làm nông phải không? (Không.) Vậy họ làm gì? Họ sống như thế nào? (Đa phần, họ chăn gia súc và cừu để kiếm sống, và vào mùa đông họ làm thịt và ăn gia súc của họ. Thực phẩm chủ yếu của họ là thịt bò và thịt cừu, và họ uống trà sữa. Mặc dù những người chăn gia súc bận rộn suốt bốn mùa, nhưng họ có đầy đủ thức ăn. Họ có nhiều sữa, các sản phẩm từ sữa, và thịt.) Những người chăn gia súc để kiếm sống chủ yếu ăn thịt bò và thịt cừu, uống sữa cừu và sữa bò, cưỡi gia súc và ngựa để chăn gia súc trên các cánh đồng, gió vờn trên tóc và nắng tạt lên da. Họ không phải đối mặt với những căng thẳng của cuộc sống hiện đại. Cả ngày họ ngắm nhìn bầu trời xanh và những đồng cỏ bao la. Đại đa số những người tồn tại nhờ việc chăn gia súc thì sống trên các đồng cỏ, và họ có thể tiếp tục lối sống du mục của mình qua nhiều thế hệ. Mặc dù đời sống trên các đồng cỏ có chút cô đơn, nhưng nó cũng là một đời sống rất hạnh phúc. Đó không phải là một lối sống tệ!

Kiểu thứ ba là lối sống bằng nghề đánh cá. Một phần nhỏ của nhân loại sống gần biển hoặc trên những hòn đảo nhỏ. Họ được bao quanh bởi nước, hướng ra biển. Những người này đánh cá để kiếm sống. Nguồn thực phẩm cho những người đánh cá để kiếm sống là gì? Nguồn thực phẩm của họ bao gồm tất cả các loại cá, hải sản, và những sản phẩm khác của biển. Những người đánh cá để kiếm sống không làm nông, mà thay vào đó đánh bắt cá mỗi ngày. Thức ăn chủ yếu của họ bao gồm nhiều loại cá và các sản phẩm của biển. Thỉnh thoảng họ trao đổi những thứ này lấy gạo, bột mì, và nhu yếu phẩm hàng ngày. Đây là một lối sống khác của những người sống gần nước. Sống gần nước, họ dựa vào nó để có thức ăn, và kiếm sống bằng nghề đánh cá. Nghề đánh cá mang lại cho họ không chỉ là nguồn thực phẩm, mà còn là một phương kế sinh nhai.

Ngoài việc canh tác trên đất, nhân loại sống phần lớn theo ba lối sống được nêu ở trên. Tuy nhiên, đại đa số con người làm nghề nông để kiếm sống, chỉ có một vài nhóm người sống bằng việc chăn gia súc, đánh cá và săn bắn. Và những người sống bằng nghề nông cần gì? Thứ họ cần là đất đai. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, họ sống bằng cách trồng các mùa vụ trong đất, và dù họ có trồng rau, cây ăn trái, hoặc ngũ cốc, thì chính từ đất mà họ có được thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày của họ.

Các điều kiện cơ bản làm nền tảng cho những lối sống khác nhau này của con người là gì? Chẳng phải môi trường mà trong đó họ có thể tồn tại được duy trì ở mức cơ bản là điều hoàn toàn cần thiết sao? Nghĩa là, nếu những ai tồn tại nhờ vào săn bắn mà mất đi rừng núi hoặc những con chim và con thú, thì nguồn sinh kế của họ sẽ mất đi. Phương hướng mà dân tộc này và những kiểu người như vậy phải đi sẽ trở nên không chắc chắn, và họ thậm chí có thể biến mất. Còn những người chăn gia súc để kiếm sống thì sao? Họ phụ thuộc vào cái gì? Những gì họ thực sự phụ thuộc vào không phải là gia súc của họ, mà là môi trường mà gia súc của họ có thể tồn tại – những đồng cỏ. Nếu không có các đồng cỏ, thì những người chăn bầy sẽ chăn gia súc của họ ở đâu? Gia súc và cừu sẽ ăn gì? Nếu không có gia súc, những dân tộc du mục này sẽ không có sinh kế. Nếu không có nguồn sinh kế, thì những dân tộc này sẽ đi đâu? Họ sẽ trở nên rất khó khăn để tiếp tục tồn tại; họ sẽ không có tương lai. Nếu không có nguồn nước, và sông hồ hoàn toàn khô cạn, thì liệu tất cả các loài cá sống phụ thuộc vào nước này có còn tồn tại được không? Chúng sẽ không tồn tại được. Liệu những người phụ thuộc vào nước và cá để kiếm sống có tiếp tục tồn tại được không? Khi họ không còn thực phẩm, khi họ không còn nguồn sinh kế, thì những người này sẽ không thể tiếp tục tồn tại. Nghĩa là, nếu bất kỳ một dân tộc nào đó gặp phải vấn đề về sinh kế của mình hoặc sự sống còn của mình, thì dân tộc đó sẽ không còn tồn tại, và họ có thể biến mất khỏi mặt đất và trở nên tuyệt chủng. Và nếu những người làm nông để kiếm sống mất đi đất đai, nếu họ không thể trồng tất cả các loại cây và thu được thực phẩm từ những cây đó, thì kết quả sẽ ra sao? Không có thực phẩm, chẳng phải con người sẽ chết đói sao? Nếu con người chết đói, chẳng phải chủng tộc đó sẽ bị diệt vong sao? Vì vậy đây là mục đích của Đức Chúa Trời trong việc duy trì các loại môi trường khác nhau. Đức Chúa Trời chỉ có một mục đích trong việc duy trì các môi trường và hệ sinh thái khác nhau và tất cả các sinh vật khác nhau sống trong đó – và đó là để nuôi dưỡng tất cả các loại người, để nuôi dưỡng con người sống trong những môi trường địa lý khác nhau.

Nếu mọi vật trong tạo hóa mất đi các quy luật riêng của chúng, thì chúng sẽ không còn tồn tại; nếu những quy luật của muôn vật mất đi, thì những sinh vật trong số muôn vật sẽ không thể tiếp tục tồn tại. Nhân loại cũng sẽ mất đi môi trường mà họ phụ thuộc vào vì sự sống còn. Nếu nhân loại mất tất cả những điều đó, thì họ sẽ không tiếp tục phát triển và sinh sản thêm lên từ thế hệ này đến thế hệ khác như họ đã và đang làm. Lý do con người đã tồn tại cho đến bây giờ là vì Đức Chúa Trời đã chu cấp cho họ tất cả mọi thứ trong tạo hóa để nuôi dưỡng họ, để nuôi dưỡng loài người theo những cách khác nhau. Chỉ vì Đức Chúa Trời nuôi dưỡng loài người theo những cách khác nhau mà loài người đã tồn tại cho đến bây giờ, đến ngày nay. Với một môi trường được bố trí trước cho sự sinh tồn thật thuận lợi và trong đó các quy luật tự nhiên thật quy củ, thì tất cả các loại người khác nhau trên trái đất, tất cả các chủng tộc khác nhau, đều có thể tồn tại trong các khu vực được quy định cho riêng mình. Không ai có thể vượt ra ngoài những khu vực này hoặc các ranh giới giữa họ bởi vì chính Đức Chúa Trời đã phân định chúng. Tại sao Đức Chúa Trời lại phân định ranh giới theo cách này? Đây là vấn đề rất quan trọng đối với toàn nhân loại – thật sự rất quan trọng!

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 183

Đức Chúa Trời lập ranh giới cho muôn vật để nuôi dưỡng toàn thể loài người (Các trích đoạn)

Phần bốn: Đức Chúa Trời vạch ra ranh giới giữa các chủng tộc khác nhau

Thứ tư, Đức Chúa Trời đã vẽ ranh giới giữa các chủng tộc khác nhau. Trên trái đất có người da trắng, da đen, da nâu, và da vàng. Đây là những loại người khác nhau. Đức Chúa Trời cũng đã bố trí một phạm vi sinh sống cho những loại người khác nhau này, và con người sống trong môi trường sinh tồn thích hợp của họ dưới sự quản lý của Đức Chúa Trời mà không hay biết về điều đó. Không ai có thể bước ra khỏi phạm vi này. Ví dụ, chúng ta hãy xem xét những người da trắng. Phạm vi địa lý mà hầu hết trong số họ đang sống là ở đâu? Hầu hết sống ở châu Âu và châu Mỹ. Phạm vi địa lý mà người da đen sống chủ yếu là ở châu Phi. Những người da nâu chủ yếu sống ở Đông Nam Á và Nam Á, tại các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Mi-an-ma, Việt Nam, và Lào. Những người da vàng chủ yếu sống ở châu Á, đó là, trong những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Đức Chúa Trời đã phân bố tất cả các loại chủng tộc khác nhau này một cách thích hợp để những chủng tộc khác nhau này được phân bổ khắp các vùng khác nhau trên thế giới. Trong những vùng khác nhau trên thế giới này, từ lâu Đức Chúa Trời đã sắp sẵn một môi trường sinh tồn phù hợp cho từng chủng tộc khác nhau của loài người. Trong những môi trường sinh tồn này, Đức Chúa Trời đã sắp sẵn cho họ các loại đất có màu sắc và cấu tạo khác nhau. Nói cách khác, các thành phần tạo nên cơ thể người da trắng không giống với những thành phần tạo nên cơ thể của người da đen, và chúng cũng khác với những thành phần tạo nên cơ thể con người của những chủng tộc khác. Khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, Ngài đã sắp sẵn một môi trường sinh tồn cho chủng tộc đó. Mục đích Ngài làm vậy là để khi loại người đó bắt đầu sinh sản thêm lên, và gia tăng dân số, thì họ có thể được ổn định trong một phạm vi nhất định. Trước khi Đức Chúa Trời dựng nên con người, Ngài đã suy nghĩ về tất cả những điều đó – Ngài sẽ giành Châu Âu và Châu Mỹ cho người da trắng để họ phát triển và tồn tại. Vì thế khi Đức Chúa Trời dựng nên trái đất, thì Ngài đã có một kế hoạch, Ngài đã có một mục tiêu và một mục đích trong việc Ngài đặt những gì vào mảnh đất đó, và việc Ngài nuôi dưỡng những gì trong mảnh đất đó. Ví dụ, những ngọn núi nào, bao nhiêu đồng bằng, bao nhiêu nguồn nước, những loại chim và thú nào, loại cá gì, và loại cây nào sẽ được trồng trên đất đó, Đức Chúa Trời đã sắp sẵn tất cả những thứ đó từ lâu. Khi chuẩn bị một môi trường sinh tồn cho một loại người, cho một chủng tộc đã định sẵn, thì Đức Chúa Trời cần phải xem xét nhiều vấn đề từ mọi góc độ: môi trường địa lý, cấu tạo của đất, các loài chim và thú khác nhau, kích cỡ của các loại cá khác nhau, thành phần tạo nên cơ thể của con cá, sự khác nhau trong chất lượng nước, cũng như là tất cả các loại cây khác nhau… từ lâu Đức Chúa Trời đã sắp sẵn tất cả những thứ đó. Loại môi trường đó là một môi trường sinh tồn mà Đức Chúa Trời đã dựng nên và sắp sẵn cho người da trắng và nó vốn đã thuộc về họ. Các ngươi có thấy rằng khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật Ngài đã suy nghĩ nhiều về chúng và hành động theo kế hoạch không? (Có, chúng tôi thấy Đức Chúa Trời đã có sự cân nhắc chu đáo đối với các loại người khác nhau. Đối với môi trường sinh tồn mà Ngài dựng nên cho các loại người khác nhau, các loại chim, thú và cá nào, Ngài sẽ sắp sẵn bao nhiêu ngọn núi và bao nhiêu đồng bằng, thì Ngài đã cân nhắc với sự chu đáo và chuẩn xác nhất.) Hãy lấy người da trắng làm ví dụ. Những thực phẩm mà người da trắng ăn chủ yếu là gì? Những thực phẩm mà người da trắng ăn rất khác so với những thực phẩm mà người châu Á ăn. Thực phẩm chính mà người da trắng ăn chủ yếu bao gồm thịt, trứng, sữa, và thịt gia cầm. Các loại ngũ cốc như là bánh mì và gạo thì thường là những thực phẩm bổ sung được thêm vào đĩa của họ. Ngay cả khi ăn rau trộn, thì họ cũng hay bỏ vào một vài miếng thịt bò hoặc thịt gà nướng, và ngay cả khi ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ lúa mì, thì họ hay thêm phô-mai, trứng, hoặc thịt. Điều đó có nghĩa là, thực phẩm chính của họ không bao gồm chủ yếu những thực phẩm có nguồn gốc từ lúa mì hoặc gạo; họ ăn một lượng lớn thịt và phô-mai. Họ thường uống nước đá bởi vì thực phẩm mà họ ăn chứa rất nhiều calo. Vì vậy, những người da trắng đặc biệt mạnh mẽ. Đó là nguồn sinh kế và môi trường sống của họ mà Đức Chúa Trời đã sắp sẵn cho họ, cho phép họ có lối sống này, một lối sống khác với những lối sống của con người trong các chủng tộc khác. Không có đúng hoặc sai trong lối sống này – nó vốn dĩ như thế, do Đức Chúa Trời định sẵn, và chúng xuất hiện do mệnh lệnh của Đức Chúa Trời và sự sắp xếp của Ngài. Việc chủng tộc này có lối sống này và những nguồn sinh kế này của họ là do chủng tộc của họ, và do môi trường sinh tồn mà Đức Chúa Trời đã sắp sẵn cho họ. Ngươi có thể nói rằng môi trường sinh tồn mà Đức Chúa Trời đã sắp sẵn cho người da trắng, và những thức ăn hàng ngày họ nhận từ môi trường đó là rất dồi dào và phong phú.

Đức Chúa Trời cũng đã sắp sẵn những môi trường sinh tồn cần thiết cho các chủng tộc khác nữa. Cũng có những người da đen – người da đen được bố trí ở đâu? Họ chủ yếu được bố trí ở miền trung và miền nam châu Phi. Đức Chúa Trời đã sắp sẵn cho họ những gì trong loại môi trường sống đó? Rừng mưa nhiệt đới, tất cả các loài chim và thú, và cũng có sa mạc, và mọi loại cây cối sống cùng con người. Họ có các nguồn nước, các sinh kế và thực phẩm của họ. Đức Chúa Trời đã không có định kiến đối với họ. Bất kể họ đã làm những gì, thì sự sống còn của họ chưa bao giờ là vấn đề. Họ cũng chiếm giữ một vị trí nhất định và một diện tích nhất định trong một phần của thế giới.

Bây giờ, hãy nói về những người da vàng. Người da vàng chủ yếu được bố trí ở phía Đông của trái đất. Sự khác biệt giữa môi trường và vị trí địa lý của phương Đông và phương Tây là gì? Ở phương Đông, phần lớn đất đai thì màu mỡ, và giàu về nguyên vật liệu và khoáng sản. Nghĩa là, tất cả các loại tài nguyên trên mặt đất và dưới lòng đất đều rất phong phú. Và đối với nhóm người này, đối với chủng tộc này, Đức Chúa Trời cũng đã sắp sẵn đất đai, khí hậu tương ứng, và những môi trường địa lý khác nhau phù hợp với họ. Mặc dù có những sự khác biệt lớn giữa môi trường địa lý đó và môi trường ở phương Tây, nhưng thực phẩm cần thiết, sinh kế, và nguồn sống của họ cũng được Đức Chúa Trời sắp sẵn. Đó chỉ là một môi trường sống khác với môi trường của người da trắng ở phương Tây. Nhưng một điều mà Ta cần cho các ngươi biết là gì? Dân số trong chủng tộc ở phương Đông thì tương đối đông đúc, vì vậy Đức Chúa Trời đã bổ sung thêm rất nhiều yếu tố khác với phương Tây vào phần đó của trái đất. Tại đó, Ngài đã bổ sung nhiều cảnh quan khác nhau và tất cả các loại nguyên vật liệu phong phú. Tài nguyên thiên nhiên ở đó rất dồi dào; địa hình cũng khác nhau và đa dạng, đủ để nuôi dưỡng số lượng dân số khổng lồ của chủng tộc phương Đông. Điều khác biệt giữa phương Đông và phương Tây chính là ở phương Đông – từ nam tới bắc, đông sang tây – khí hậu tốt hơn ở phương Tây. Bốn mùa khác biệt rõ rệt, nhiệt độ thích hợp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, và phong cảnh thiên nhiên cùng với các loại địa hình tốt hơn nhiều so với phương Tây. Tại sao Đức Chúa Trời làm điều này? Đức Chúa Trời đã tạo ra một sự cân bằng rất hợp lý giữa người da trắng và người da vàng. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa rằng mọi khía cạnh trong thực phẩm của người da trắng, những thứ mà họ sử dụng, và những thứ được ban cho để họ tận hưởng thì tốt hơn rất nhiều so với những gì người da vàng có thể tận hưởng. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không có thành kiến đối với bất kỳ chủng tộc nào. Đức Chúa Trời đã ban cho người da vàng một môi trường sinh tồn đẹp hơn và tốt hơn. Đây là sự cân bằng.

Đức Chúa Trời đã định trước loại người nào nên sống ở phần nào của thế giới; con người có thể ra khỏi các giới hạn này không? (Không, họ không thể.) Thật là một điều kỳ diệu! Ngay cả khi có chiến tranh hoặc sự xâm lấn trong các thời đại khác nhau hoặc trong những thời kỳ đặc biệt, thì những cuộc chiến tranh và xâm lấn này hoàn toàn không thể hủy hoại những môi trường sinh tồn mà Đức Chúa Trời đã định trước cho từng chủng tộc. Nghĩa là, Đức Chúa Trời đã ấn định cho một loại người nhất định vào một phần nhất định của thế giới và họ không thể đi ra khỏi các giới hạn đó. Ngay cả khi con người có tham vọng thay đổi hoặc mở rộng lãnh thổ của mình, nếu không có sự cho phép của Đức Chúa Trời, thì điều này sẽ rất khó mà đạt được. Họ sẽ rất khó thành công. Ví dụ, người da trắng muốn mở rộng lãnh thổ của mình và họ chiếm một số nước khác làm thuộc địa. Người Đức xâm chiếm một vài nước, và nước Anh từng chiếm nước Ấn Độ. Kết quả thế nào? Cuối cùng, họ đã thất bại. Chúng ta thấy được gì từ thất bại của họ? Những gì Đức Chúa Trời đã định trước thì không được phép hủy hoại. Vì thế, cho dù ngươi có thể nhìn thấy khí thế trong sự mở rộng của nước Anh có hào hùng cỡ nào, thì cuối cùng, họ vẫn phải rút lui, để lại vùng đất vẫn thuộc về Ấn Độ. Những ai sống trên đất đó vẫn là người Ấn Độ, không phải người Anh, bởi vì Đức Chúa Trời sẽ không cho phép điều đó. Một số người nghiên cứu lịch sử hoặc chính trị đã đưa ra các luận điểm về điều này. Họ đưa ra lý do tại sao nước Anh thất bại, nói rằng có thể là do họ đã không thể chinh phục được một dân tộc nào đó, hoặc có thể vì vài lý do khác thuộc về con người… Đây không phải là những lý do thực sự. Lý do thực sự chính là bởi vì Đức Chúa Trời – Ngài sẽ không cho phép điều đó! Đức Chúa Trời để một dân tộc sống trên một mảnh đất nào đó và bố trí họ ở đó, và nếu Đức Chúa Trời không cho phép họ rời khỏi vùng đất đó, họ sẽ không bao giờ có thể rời đi. Nếu Đức Chúa Trời phân bổ một khu vực xác định cho họ, thì họ sẽ sống trong khu vực đó. Loài người không thể thoát hoặc tự giải thoát khỏi những khu vực đã được xác định này. Điều này là chắc chắn. Cho dù các lực lượng xâm lấn có hùng mạnh đến cỡ nào, hoặc những người bị xâm lấn có yếu thế nào, thì sự thành công của những kẻ xâm lược cuối cùng do Đức Chúa Trời quyết định. Điều đó đã được Ngài định trước, và không ai có thể thay đổi nó.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 184

Đức Chúa Trời cai trị tất cả và chu cấp cho tất cả, Ngài là Đức Chúa Trời của vạn vật (Các trích đoạn)

Nhìn từ quan điểm của các quy luật do Đức Chúa Trời thiết lập vì sự phát triển của muôn vật, chẳng phải là toàn thể nhân loại, trong tất cả sự đa dạng của nó, đều được Đức Chúa Trời ban cho và nuôi dưỡng sao? Nếu những luật lệ này bị phá hủy hoặc nếu Đức Chúa Trời không thiết lập những luật lệ này cho nhân loại, thì triển vọng của nhân loại sẽ như thế nào? Sau khi con người mất đi môi trường cơ bản để sinh tồn, thì liệu họ sẽ có nguồn thực phẩm nào không? Có khả năng nguồn thực phẩm sẽ trở thành một vấn đề. Nếu con người mất đi nguồn thực phẩm của họ, nghĩa là, nếu họ không thể kiếm được bất kỳ thứ gì để ăn thì họ sẽ có thể tiếp tục sống được bao nhiêu ngày? Có thể họ sẽ không thể kéo dài dù chỉ một tháng, và sự sống còn của chính họ sẽ trở thành một vấn đề. Vì vậy từng việc mà Đức Chúa Trời làm cho sự sinh tồn của con người, cho sự tiếp tục tồn tại, sinh sản, và sinh kế của họ rất là quan trọng. Từng việc mà Đức Chúa Trời làm trong số những việc trong sự tạo dựng của Ngài đều có liên quan chặt chẽ với nhau và không thể tách rời khỏi sự sinh tồn của nhân loại. Nếu sự sinh tồn của loài người trở thành một vấn đề, thì liệu sự quản lý của Đức Chúa Trời có thể tiếp tục được không? Liệu sự quản lý của Đức Chúa Trời vẫn tồn tại không? Sự quản lý của Đức Chúa Trời cùng tồn tại với sự sinh tồn của cả nhân loại mà Ngài nuôi dưỡng, vì vậy bất kể sự chuẩn bị nào Đức Chúa Trời làm cho muôn vật trong tạo hóa của Ngài và Ngài làm gì cho con người, thì tất cả những điều này cần thiết cho Ngài, và nó rất quan trọng đối với sự sinh tồn của loài người. Nếu tất cả các quy luật mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho muôn vật bị sao nhãng, nếu các quy luật này bị phá vỡ hoặc bị xáo trộn, thì muôn vật sẽ không thể tồn tại nữa, môi trường sinh tồn của loài người sẽ không tiếp tục tồn tại, hay lương thực hàng ngày của họ cũng vậy, và chính loài người cũng vậy. Vì lý do này, sự quản lý của Đức Chúa Trời đối với việc cứu rỗi nhân loại cũng sẽ thôi tồn tại.

Tất cả mọi điều chúng ta vừa thảo luận, từng điều một, mỗi mục đều liên kết mật thiết với sự sinh tồn của từng con người. Các ngươi có thể nói rằng: “Những điều Ngài đang phán quá lớn lao, đó không phải là điều chúng tôi có thể nhìn thấy”, và có lẽ có người sẽ nói, “Những điều Ngài đang phán không liên quan gì đến tôi”. Tuy nhiên, đừng quên rằng ngươi đang sống với tư cách chỉ là một phần của muôn vật; ngươi là một thành viên của muôn vật trong tạo hóa dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời. Những thứ trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời không thể bị tách rời khỏi sự cai trị của Ngài, và không một ai có thể tách chúng khỏi sự cai trị của Ngài. Mất đi sự cai trị của Ngài và mất đi sự chu cấp của Ngài sẽ có nghĩa là sự sống của con người, đời sống xác thịt của con người sẽ biến mất. Đây là tầm quan trọng trong việc Đức Chúa Trời thiết lập các môi trường sinh tồn cho loài người. Bất kể ngươi thuộc chủng tộc nào hoặc ngươi đang sống trên mảnh đất nào, dù là ở phương Tây hoặc phương Đông – thì ngươi không thể tự tách mình ra khỏi môi trường sinh tồn mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho loài người, và ngươi không thể tự tách mình ra khỏi sự nuôi dưỡng và chu cấp của môi trường sinh tồn Ngài đã thiết lập cho con người. Bất kể sinh kế của ngươi là gì, ngươi dựa vào điều gì để sống, ngươi dựa vào điều gì để duy trì đời sống trong xác thịt của ngươi, thì ngươi cũng không thể tự mình tách ra khỏi sự cai trị của Đức Chúa Trời và sự quản lý của Ngài. Một vài người nói: “Tôi không phải là một người nông dân; tôi không trồng vụ mùa để kiếm sống. Tôi không dựa vào trời để có thực phẩm, vì vậy sự sống còn của tôi không diễn ra trong môi trường sinh tồn do Đức Chúa Trời thiết lập nên. Tôi chưa được ban cho bất kỳ thứ gì từ loại môi trường đó”. Điều đó có đúng không? Ngươi nói rằng ngươi không trồng vụ mùa để sống, nhưng chẳng lẽ ngươi không ăn ngũ cốc sao? Chẳng lẽ ngươi không ăn thịt và trứng sao? Và chẳng lẽ ngươi không ăn rau quả sao? Mọi thứ mà ngươi ăn, tất cả những thứ mà ngươi cần, thì đều không thể tách rời khỏi môi trường sinh tồn mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho loài người. Và nguồn cung cấp cho mọi thứ mà loài người yêu cầu không thể tách rời khỏi tất cả mọi thứ được Đức Chúa Trời tạo nên, những thứ mà tổng thể của chúng cấu thành môi trường sinh tồn của ngươi. Nước ngươi uống, quần áo ngươi mặc và tất cả những thứ ngươi sử dụng – cái gì trong những thứ này không lấy từ những thứ trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời? Một vài người nói: “Có một vài món không lấy từ những thứ trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời. Ngài thấy đó, nhựa là một trong những thứ đó. Nó là một chế phẩm hóa học, một thứ do con người làm ra”. Có đúng vậy không? Nhựa thực sự là do con người làm ra, và nó là một chế phẩm hóa học, nhưng các thành phần ban đầu của nhựa đến từ đâu? Các thành phần ban đầu được lấy từ các chất liệu do Đức Chúa Trời tạo nên. Những thứ mà ngươi nhìn thấy và thưởng thức, mỗi một thứ mà ngươi sử dụng, tất cả đều có được từ những thứ mà Đức Chúa Trời đã tạo nên. Điều đó có nghĩa là, bất kể con người có thể thuộc về chủng tộc nào, bất kể sinh kế là gì, hoặc họ có thể sống trong loại môi trường sinh tồn nào, thì họ cũng không thể tự tách mình ra khỏi những gì Đức Chúa Trời đã chu cấp.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 185

Đức Chúa Trời cai trị tất cả và chu cấp cho tất cả, Ngài là Đức Chúa Trời của vạn vật (Các trích đoạn)

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong lòng con người nhiều đến đâu, thì đó cũng là phạm vi mà vị trí của Đức Chúa Trời có trong lòng họ. Mức độ của sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong lòng họ lớn đến đâu, thì đó cũng là mức độ vĩ đại của Đức Chúa Trời trong lòng họ. Nếu Đức Chúa Trời mà ngươi biết trống rỗng và mơ hồ, thì Đức Chúa Trời mà ngươi tin cũng trống rỗng và mơ hồ. Vị Đức Chúa Trời mà ngươi biết bị giới hạn trong phạm vi đời sống cá nhân của riêng ngươi, và không có liên quan gì đến chính Đức Chúa Trời thật. Vì thế, việc biết đến các hành động thực tế của Đức Chúa Trời, biết hiện thực về Đức Chúa Trời và sự toàn năng của Ngài, biết danh tính thật của Ngài, biết Ngài có gì và là gì, biết những hành động mà Ngài đã thể hiện giữa mọi vật trong sự tạo dựng của Ngài – những điều này rất quan trọng đối với mỗi một con người cố gắng hiểu được Đức Chúa Trời. Chúng có liên quan trực tiếp đến việc liệu con người có thể bước vào thực tế của lẽ thật hay không. Nếu ngươi giới hạn sự hiểu biết của ngươi về Đức Chúa Trời chỉ bằng lời nói, nếu ngươi giới hạn điều đó chỉ trong những sự trải nghiệm nhỏ nhoi của riêng ngươi, trong những gì ngươi cho là ân điển của Đức Chúa Trời, hoặc những lời chứng mọn của ngươi về Đức Chúa Trời, thì Ta phán rằng Đức Chúa Trời mà ngươi tin hoàn toàn không phải là chính Đức Chúa Trời thật. Không chỉ có thế, mà còn có thể nói rằng Đức Chúa Trời mà ngươi tin là một Đức Chúa Trời trong sự tưởng tượng, không phải là Đức Chúa Trời thật. Đó là vì Đức Chúa Trời thật là Đấng cai trị trên mọi vật, đi giữa mọi vật, quản lý mọi vật. Ngài là Đấng nắm giữ số phận của toàn nhân loại và của mọi vật trong tay Ngài. Công tác và hành động của Đức Chúa Trời mà Ta đang phán không chỉ giới hạn trong một bộ phận nhỏ con người. Nghĩa là, chúng không giới hạn chỉ trong những người hiện đang đi theo Ngài. Việc làm của Ngài được thể hiện trong muôn vật, trong sự sinh tồn của muôn vật, và trong các quy luật thay đổi của muôn vật. Nếu ngươi không thể nhìn thấy hoặc nhận ra bất kỳ việc làm nào của Đức Chúa Trời giữa tất cả mọi vật trong sự tạo dựng của Ngài, thì ngươi không thể làm chứng về bất kỳ việc làm nào của Ngài. Nếu ngươi không thể làm chứng về Đức Chúa Trời, nếu ngươi tiếp tục nói về người được gọi là “Đức Chúa Trời” nhỏ bé mà ngươi biết, vị Đức Chúa Trời mà bị giới hạn trong các ý tưởng của riêng ngươi và chỉ tồn tại trong những giới hạn hạn hẹp của tâm trí ngươi, nếu ngươi tiếp tục nói về một Đức Chúa Trời như thế, thì Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ khen ngợi đức tin của ngươi. Khi làm chứng về Đức Chúa Trời, nếu ngươi chỉ làm chứng về mặt ngươi tận hưởng ân điển của Đức Chúa Trời như thế nào, ngươi chấp nhận sự sửa dạy và trừng phạt của Ngài thế nào, và ngươi tận hưởng các phước lành của Ngài trong sự làm chứng của ngươi về Ngài ra sao, thì điều đó còn lâu mới đủ và thậm chí chưa gần với việc làm Ngài thỏa lòng. Nếu ngươi muốn làm chứng về Đức Chúa Trời theo cách phù hợp với ý muốn của Ngài, làm chứng về chính Đức Chúa Trời thật, thì ngươi phải thấy được Đức Chúa Trời có gì và là gì từ những hành động của Ngài. Ngươi phải thấy được thẩm quyền của Đức Chúa Trời từ việc Ngài kiểm soát mọi thứ, và thấy được sự thật trong cách Ngài chu cấp cho toàn nhân loại. Nếu ngươi chỉ thừa nhận rằng lương thực hàng ngày của ngươi và nhu cầu thiết yếu trong đời sống của ngươi đến từ Đức Chúa Trời, nhưng ngươi không thấy được sự thật rằng Đức Chúa Trời đã lấy tất cả những thứ trong sự tạo dựng của Ngài để chu cấp cho toàn nhân loại, và rằng, bằng cách cai trị trên muôn vật, Ngài đang dẫn dắt toàn nhân loại, thì ngươi sẽ không bao giờ có thể làm chứng về Đức Chúa Trời. Mục đích của Ta trong việc phán tất cả những điều này là gì? Đó là để các ngươi không xem nhẹ điều này, để các ngươi không lầm tưởng rằng những đề tài này Ta đã phán không liên quan đến lối vào sự sống của riêng cá nhân các ngươi, và để các ngươi không coi những đề tài này chỉ như là một loại kiến thức hoặc giáo lý. Nếu các ngươi lắng nghe những điều Ta đang phán với thái độ đó, thì các ngươi sẽ không đạt được một điều gì. Các ngươi sẽ đánh mất một cơ hội tuyệt vời này để biết đến Đức Chúa Trời.

Mục tiêu của Ta trong việc phán về tất cả những điều này là gì? Mục tiêu của Ta là để con người biết đến Đức Chúa Trời, để con người hiểu được những hành động thực tế của Đức Chúa Trời. Một khi ngươi hiểu được Đức Chúa Trời và biết những hành động của Ngài, thì chỉ khi đó ngươi mới có cơ hội hoặc khả năng để biết về Ngài. Ví dụ như, nếu ngươi muốn hiểu một người, thì ngươi sẽ bắt đầu hiểu họ bằng cách nào? Liệu có phải là qua việc nhìn vào vẻ bề ngoài của họ không? Liệu có phải là qua việc nhìn xem họ mang gì và họ mặc ra sao không? Liệu có phải là qua việc nhìn vào cách họ đi đứng không? Liệu có phải là qua việc nhìn vào phạm vi kiến thức của họ không? (Không.) Vậy thì làm thế nào ngươi hiểu được một người? Ngươi phán xét dựa trên lời nói và hành vi của con người, suy nghĩ của họ và những điều họ bày tỏ và tiết lộ về chính họ. Đây là cách ngươi biết về một người, cách ngươi hiểu được một người. Tương tự như vậy, nếu các ngươi muốn biết Đức Chúa Trời, nếu các ngươi muốn hiểu khía cạnh thực tế của Ngài, khía cạnh thật của Ngài, thì các ngươi phải biết Ngài qua những việc làm của Ngài và qua mỗi một việc thực tế Ngài làm. Đây là cách tốt nhất, và nó là cách duy nhất.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 186

Đức Chúa Trời cân bằng các mối quan hệ giữa muôn vật để ban cho nhân loại một môi trường sinh tồn ổn định (Trích đoạn)

Khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, Ngài đã sử dụng tất cả các phương pháp và cách thức để cân bằng chúng, để cân bằng điều kiện sống của núi và hồ, của thực vật và tất cả các loài động vật, chim và côn trùng. Mục tiêu của Ngài là để tất cả các loài sinh vật được sống và sinh sôi nảy nở theo những quy luật mà Ngài đã thiết lập. Không vật gì trong cuộc sáng thế có thể vượt ra ngoài những quy luật này, và những quy luật này không thể bị phá vỡ. Chỉ trong loại môi trường cơ bản này thì con người mới có thể sinh tồn một cách an toàn và sinh sản thêm lên, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nếu bất kỳ sinh vật nào vượt quá số lượng hoặc ra khỏi phạm vi đã được Đức Chúa Trời thiết lập nên, hoặc nếu nó vượt quá tốc độ tăng trưởng, tần suất sinh sản, hoặc số lượng do Ngài chỉ định, thì môi trường sinh tồn của loài người sẽ phải chịu những mức độ hủy diệt khác nhau. Và đồng thời, sự sinh tồn của loài người sẽ bị đe dọa. Nếu một loài sinh vật có số lượng quá lớn, thì nó sẽ cướp thức ăn của con người, phá hủy nguồn nước của con người, và hủy hoại quê hương của họ. Theo cách đó, sự sinh sản hoặc tình trạng sinh tồn của loài người sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Ví dụ, nước rất quan trọng đối với muôn vật. Nếu có quá nhiều chuột, kiến, châu chấu, ếch nhái hoặc bất kỳ loài động vật nào khác, thì chúng sẽ uống nhiều nước hơn. Khi lượng nước chúng uống tăng lên, thì nước uống của con người và những nguồn nước trong phạm vi nguồn nước uống cố định và những vùng có nước sẽ bị giảm và họ sẽ bị thiếu nước. Nếu nước uống của con người bị hủy hoại, bị ô nhiễm hoặc thiếu hụt vì mọi loài động vật đã gia tăng về số lượng, thì dưới dạng môi trường sinh tồn khắc nghiệt đó, sự sinh tồn của loài người sẽ bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Nếu chỉ một loài hoặc vài loài sinh vật vượt quá số lượng thích hợp của chúng, thì không khí, nhiệt độ, độ ẩm, và thậm chí thành phần của không khí trong không gian sinh tồn của loài người cũng sẽ bị nhiễm độc và hủy hoại ở các mức độ khác nhau. Trong những tình cảnh này, sự sinh tồn và số phận của con người cũng sẽ phải chịu những mối đe dọa từ các yếu tố sinh thái này. Vì vậy, nếu những sự cân bằng này mất đi, thì không khí mà con người thở sẽ bị hủy hoại, nước mà con người uống sẽ bị ô nhiễm, và nhiệt độ mà họ cần cũng sẽ thay đổi và bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Nếu điều đó xảy ra, môi trường sinh tồn vốn thuộc về loài người sẽ phải chịu những ảnh hưởng và thách thức to lớn. Trong loại kịch bản mà môi trường sinh tồn cơ bản của con người bị hủy hoại này, thì số phận và tiền đồ của loài người sẽ ra sao? Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng! Bởi vì Đức Chúa Trời biết lý do tại sao từng thứ trong cuộc sáng thế tồn tại vì lợi ích của loài người, vai trò của từng thứ Ngài dựng nên, mỗi thứ có ảnh hưởng gì đến loài người, và nó mang lại lợi ích cho con người đến mức độ nào, bởi vì trong lòng Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho tất cả những điều này và Ngài quản lý từng khía cạnh một trong tất cả mọi thứ Ngài dựng nên, đó là lý do tại sao từng việc Ngài làm đều rất quan trọng và cần thiết cho loài người. Vậy thì từ giờ trở đi, bất cứ khi nào ngươi quan sát một vài hiện tượng sinh thái trong số những thứ trong cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời, hoặc một vài quy luật tự nhiên đang diễn ra giữa những thứ trong cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ không còn nghi ngờ về sự cần thiết của từng thứ do Đức Chúa Trời dựng nên. Ngươi sẽ không còn sử dụng những lời lẽ thiếu hiểu biết để đưa ra những phán xét tùy tiện về sự sắp xếp của Đức Chúa Trời cho muôn vật và những cách chu cấp khác nhau của Ngài cho loài người. Ngươi cũng sẽ không tùy tiện đưa ra những lời kết luận về các quy luật của Đức Chúa Trời đối với mọi thứ trong cuộc sáng thế của Ngài.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 187

Đức Chúa Trời cai trị và quản trị thế giới thuộc linh như thế nào

Đối với thế giới vật chất, bất cứ khi nào con người không hiểu những việc hay hiện tượng nhất định, họ có thể tìm thông tin liên quan hay dùng nhiều kênh khác nhau để tìm ra xuất xứ và bối cảnh của những điều này. Nhưng khi nói đến thế giới khác mà chúng ta đang nói hôm nay – thế giới thuộc linh, cõi tồn tại bên ngoài thế giới vật chất – con người tuyệt đối không có phương tiện hay kênh nào để tìm hiểu bất cứ điều gì về nó. Tại sao Ta nói điều này? Ta nói thế là vì, trong thế giới loài người, mọi thứ thuộc thế giới vật chất đều không thể tách rời khỏi sự tồn tại vật lý của con người, và bởi vì con người cảm thấy rằng mọi thứ của thế giới vật chất không thể tách rời sự sống vật lý và đời sống vật lý của họ, hầu hết mọi người chỉ nhận biết, hay thấy, những thứ vật chất trước mắt họ, hữu hình với họ mà thôi. Tuy nhiên, khi nói đến thế giới thuộc linh – tức là, mọi thứ của thế giới kia – sẽ là công bằng khi nói rằng hầu hết mọi người đều không tin. Bởi vì con người không thể thấy nó, và tin rằng không cần hiểu nó hay biết bất cứ điều gì về nó, chứ nói gì đến việc thế giới thuộc linh là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới vật chất như thế nào, và từ quan điểm của Đức Chúa Trời, thì thế giới đó là rộng mở – mặc dù đối với con người thì nó bí mật và khép kín – vì lẽ ấy con người rất khó tìm được một con đường để hiểu những khía cạnh khác nhau của thế giới này. Những khía cạnh khác nhau của thế giới thuộc linh mà Ta sắp nói đến chỉ liên quan đến sự quản trị và quyền tối thượng của Đức Chúa Trời; Ta không đang mặc khải bất kỳ lẽ mầu nhiệm nào, Ta cũng không nói cho các ngươi về bất kỳ bí mật nào mà các ngươi ao ước tìm hiểu. Bởi vì điều này liên quan đến quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, sự quản trị của Đức Chúa Trời, và sự chu cấp của Đức Chúa Trời, vì thế Ta sẽ chỉ nói về phần mà các ngươi cần biết.

Trước hết, hãy để Ta hỏi các ngươi một câu: Trong tâm trí các ngươi, thế giới thuộc linh là gì? Nói chung, nó là một thế giới bên ngoài thế giới vật chất, vừa vô hình vừa không thể sờ thấy đối với con người. Tuy nhiên, trong sự tưởng tượng của các ngươi, thế giới thuộc linh nên là dạng thế giới nào? Có lẽ, bởi vì không thể nhìn thấy nó, các ngươi không có khả năng nghĩ về nó. Tuy nhiên, khi các ngươi nghe một số truyền thuyết, các ngươi vẫn nghĩ về nó, và không thể ngừng suy nghĩ về nó. Tại sao Ta nói điều này? Có điều gì đó xảy ra với rất nhiều người khi họ còn trẻ: Khi ai đó kể cho họ một câu chuyện đáng sợ – về ma, hay các linh hồn – họ cảm thấy vô cùng khiếp sợ. Chính xác thì tại sao họ sợ? Đó là vì họ đang tưởng tượng ra những điều đó; mặc dù họ không thể thấy chúng, họ cảm thấy rằng tất cả chúng đều ở quanh phòng mình, ở góc khuất hay góc tối nào đó, và họ quá khiếp sợ đến nỗi không dám đi ngủ. Đặc biệt là vào buổi tối, họ cảm thấy quá sợ đến nỗi không thể ở một mình trong phòng hay liều lĩnh một mình ra sân. Đó là thế giới thuộc linh trong trí tưởng tượng của các ngươi, và đó là một thế giới mà con người nghĩ là đáng kinh sợ. Thực tế là mọi người đều tưởng tượng ra nó ở một mức độ nào đó, và mọi người đều có thể cảm nhận chút ít về nó.

Chúng ta hãy bắt đầu với việc nói về thế giới thuộc linh. Đó là gì? Để Ta giải thích ngắn gọn và đơn giản cho các ngươi: Thế giới thuộc linh là một nơi quan trọng, nơi khác với thế giới vật chất. Tại sao Ta nói rằng nó quan trọng? Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về điều này. Sự tồn tại của thế giới thuộc linh liên kết chặt chẽ với thế giới vật chất của loài người. Nó đóng vai trò chính trong chu kỳ sinh tử của con người trong sự thống trị của Đức Chúa Trời trên muôn vật; đây là vai trò của nó, và đây là một trong những lý do sự tồn tại của nó là quan trọng. Bởi vì nó là nơi mà năm giác quan không thể phân biệt được, không ai có thể xét đoán chính xác liệu thế giới thuộc linh có tồn tại hay không. Những động lực khác nhau của nó liên kết mật thiết với sự tồn tại của con người, kết quả của điều này là trật tự sống của nhân loại cũng bị tác động rất lớn bởi thế giới thuộc linh. Điều này có liên quan đến quyền tối thượng của Đức Chúa Trời hay không? Có. Khi Ta nói điều này, các ngươi hiểu tại sao Ta đang thảo luận về đề tài này: Đó là vì nó liên quan đến quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, cũng như sự quản trị của Ngài. Trong một thế giới như thế giới này – thế giới vô hình với con người – mọi chỉ dụ, sắc lệnh và hệ thống quản trị trên trời của nó đều cao hơn nhiều so với những luật pháp và hệ thống của bất kỳ quốc gia nào trong thế giới vật chất, và không hữu thể nào đang sống trong thế giới này dám làm trái hay vi phạm chúng. Liệu điều này có liên quan đến quyền tối thượng và sự quản trị của Đức Chúa Trời không? Trong thế giới thuộc linh, có những sắc lệnh quản trị rõ ràng, những chỉ dụ trên trời rõ ràng, và những đạo luật rõ ràng. Ở những mức độ khác nhau và ở nhiều phạm vi khác nhau, những người tham gia tuân thủ nghiêm ngặt bổn phận của họ và tuân giữ các quy tắc và quy định, bởi họ biết hậu quả của việc vi phạm một chỉ dụ trên trời là gì; họ biết rõ Đức Chúa Trời trừng phạt kẻ ác và ban thưởng cho người tốt như thế nào, và Ngài quản trị và cai trị trên muôn vật như thế nào. Hơn nữa, họ thấy rõ Ngài thực hiện các chỉ dụ và đạo luật trên trời của Ngài như thế nào. Có phải những điều này khác với thế giới vật chất mà loài người cư ngụ không? Chúng quả thật khác biệt vô cùng. Thế giới thuộc linh là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới vật chất. Bởi vì có những chỉ dụ và đạo luật trên trời, điều này chạm đến quyền tối thượng, sự quản trị của Đức Chúa Trời, và hơn nữa là tâm tính của Ngài, cũng như việc Ngài có gì và là gì. Khi đã nghe điều này, các ngươi không cảm thấy rằng đề tài này là rất cần thiết để Ta nói đến sao? Các ngươi không ao ước tìm hiểu những bí mật vốn có trong nó sao? (Có, chúng ta có). Những điều như thế là khái niệm về thế giới thuộc linh. Mặc dù nó tồn tại song song với thế giới vật chất, và đồng thời chịu sự quản trị và quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, sự quản trị và quyền tối thượng của Đức Chúa Trời với thế giới này nghiêm ngặt hơn nhiều so với của thế giới vật chất.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 188

Trong số nhân loại, Ta phân nhóm tất cả mọi người thành ba loại. Đầu tiên là những người ngoại đạo, những người không có niềm tin tôn giáo. Họ được gọi là những người ngoại đạo. Đa phần những người ngoại đạo chỉ tin vào tiền; họ chỉ đề cao những sở thích riêng của mình, thiên về vật chất, và chỉ tin vào thế giới vật chất – họ không tin vào chu kỳ sinh tử, hoặc bất kỳ điều gì nói về thần thánh và ma quỷ. Ta phân loại những người này là những người ngoại đạo, và họ là loại đầu tiên. Loại thứ hai bao gồm những người có đức tin khác nhau ngoài những người ngoại đạo. Trong số nhân loại, Ta chia những người có đức tin này thành vài nhóm chính: Đầu tiên là Do Thái giáo, thứ hai là Công giáo, thứ ba là Cơ Đốc giáo, thứ tư là Hồi giáo, và thứ năm là Phật giáo; có năm loại. Đây là những loại người có đức tin khác nhau. Loại thứ ba gồm những người tin Đức Chúa Trời, và loại này bao gồm các ngươi. Những tín đồ như thế là những người theo Đức Chúa Trời ngày nay. Những người này được chia thành hai loại: dân sự được Đức Chúa Trời chọn, và những kẻ phục vụ. Những loại chính này đã được phân biệt rõ ràng. Như vậy, các ngươi hiện có thể phân biệt rõ trong đầu giữa các loại và thứ bậc của con người, phải không? Loại đầu tiên bao gồm những người ngoại đạo, và Ta đã nói họ là gì. Những người có đức tin vào Ông Lão trên trời có được tính là những người ngoại đạo không? Nhiều người ngoại đạo chỉ tin vào Ông Lão trên trời; họ tin rằng gió mưa, sấm sét, v.v. đều được cai quản bởi vị thần này, đấng mà họ dựa vào để trồng trọt và thu hoạch – nhưng khi đề cập đến việc tin Đức Chúa Trời, họ lại không sẵn lòng tin Ngài. Đây có thể được gọi là có đức tin không? Những người như thế được bao gồm trong những người ngoại đạo. Ngươi hiểu điều này, đúng không? Đừng nhầm lẫn những phân nhóm này. Loại thứ hai bao gồm những người có đức tin, và loại thứ ba là những người hiện đang theo Đức Chúa Trời. Vậy thì, tại sao Ta lại chia toàn thể nhân loại thành những loại này? (Bởi vì những loại người khác nhau có những kết cuộc và đích đến khác nhau). Đó là một khía cạnh của nó. Khi những chủng tộc và loại người khác nhau này trở về cõi tâm linh, mỗi người họ sẽ có một nơi khác nhau để đi và sẽ chịu những quy luật khác nhau của chu kỳ sinh tử, do vậy đó là lý do Ta phân loại con người thành những loại chính này.

Chu kỳ sinh tử của những người ngoại đạo (Các trích đoạn)

Chúng ta hãy bắt đầu với chu kỳ sinh tử của những người ngoại đạo. Sau khi chết, con người được một tùy tùng từ cõi tâm linh đưa đi. Chính xác là cái gì của con người được đưa đi? Không phải xác thịt, mà là linh hồn của con người. Khi linh hồn của con người được đưa đi, con người đến một nơi là một cơ quan của cõi tâm linh chuyên nhận những linh hồn người vừa mới chết. Đó là nơi đầu tiên mà bất kỳ người nào sẽ đi sau khi chết, là nơi lạ lẫm với linh hồn. Khi họ được đưa đến nơi này, một vị quan thực hiện những cuộc kiểm tra đầu tiên, xác nhận tên tuổi, địa chỉ, và tất cả những trải nghiệm của họ. Mọi điều họ đã làm khi còn sống được ghi lại trong một cuốn sổ và được xác minh tính xác thực. Sau khi đã được kiểm tra tất cả, hành vi và hành động của người đó xuyên suốt cuộc đời họ được dùng để quyết định liệu họ sẽ bị trừng phạt hay tiếp tục được đầu thai làm người, đây là giai đoạn đầu tiên. Giai đoạn đầu tiên này có đáng sợ không? Nó không quá đáng sợ, bởi vì điều duy nhất diễn ra chính là con người đã đến một nơi tối tăm và xa lạ.

Trong giai đoạn thứ hai, nếu con người đã làm rất nhiều điều xấu suốt cuộc đời họ và đã thực hiện nhiều hành vi đồi bại, vậy thì họ sẽ được đưa đến một nơi trừng phạt để bị xử lý. Đó sẽ là nơi chuyên dụng cho việc trừng phạt con người. Chi tiết cụ thể về cách họ bị trừng phạt tùy vào những tội mà họ đã phạm, cũng như vào việc họ đã làm bao nhiêu chuyện đồi bại trước khi chết – đây là tình huống đầu tiên xảy ra trong giai đoạn hai này. Bởi những điều ác họ đã làm và việc ác họ đã phạm trước khi chết, khi họ được đầu thai sau khi chịu hình phạt – khi họ một lần nữa được sinh vào thế giới vật chất – một số người sẽ tiếp tục là người, trong khi số khác sẽ trở thành động vật. Tức là, sau khi một người trở về cõi tâm linh, họ bị trừng phạt bởi những điều ác mà họ đã phạm; hơn nữa, bởi những chuyện đồi bại mà họ đã làm, trong lần đầu thai tiếp theo, họ có thể sẽ không trở lại làm người, mà làm một con vật. Những loại động vật mà họ có thể trở thành bao gồm bò, ngựa, heo, và chó. Một số người có thể được tái sinh làm chim, vịt hay ngỗng… Sau khi họ đã được đầu thai làm động vật, khi họ chết đi lần nữa, họ sẽ trở lại cõi tâm linh. Ở đó, như trước kia, dựa trên hành vi của họ trước khi chết, cõi tâm linh sẽ quyết định họ có được đầu thai làm người hay không. Hầu hết mọi người đều phạm quá nhiều điều ác, và tội lỗi của họ quá nặng, do đó họ phải đầu thai làm động vật từ bảy đến mười hai lần. Bảy đến mười hai lần – điều đó không đáng kinh sợ sao? (Thật đáng kinh sợ). Điều gì làm các ngươi kinh sợ? Một con người trở thành con vật – điều đó thật đáng khiếp sợ. Và đối với một người, những điều đau đớn nhất khi trở thành con vật là gì? Không có ngôn ngữ, chỉ có những suy nghĩ đơn giản, chỉ có thể làm những điều mà động vật làm và ăn thức ăn động vật ăn, có đầu óc đơn giản và ngôn ngữ cơ thể của một con vật, không thể đi thẳng, không thể giao tiếp với con người, và thực tế là không hành vi hay hoạt động nào của con người có bất kỳ mối liên hệ nào với động vật. Tức là, trong tất cả mọi sự, việc là một con vật khiến ngươi là loại thấp hèn nhất trong tất cả các hữu thể sống và kéo theo nhiều đau khổ hơn so với khi là một con người. Đây là một khía cạnh của hình phạt cõi tâm linh cho những ai đã làm nhiều việc ác và mắc những tội trọng. Khi nói đến mức độ nghiêm trọng của hình phạt dành cho họ, điều này được quyết định tùy thuộc vào bất kỳ loại động vật nào mà họ trở thành. Ví dụ, làm con heo có tốt hơn làm con chó không? Con heo sống khá hơn hay tệ hơn con chó? Tệ hơn, phải không? Nếu con người trở thành bò hay ngựa, họ sẽ sống khá hơn hay tệ hơn so với khi là heo? (Khá hơn). Có phải một người sẽ dễ chịu hơn khi được tái sinh làm con mèo không? Tuy vậy, người ấy sẽ thành một con vật, và làm mèo thì dễ dàng hơn bò hoặc ngựa rất nhiều, bởi mèo có cơ hội được ngủ lười hầu hết thời gian. Trở thành bò hay ngựa thì vất vả hơn. Vì lẽ ấy, nếu một người đầu thai làm bò hay ngựa, họ phải làm việc nặng nhọc – giống như hình phạt nặng. Trở thành chó thì khá hơn một chút so với trở thành bò hay ngựa, bởi vì chó có mối quan hệ thân thiết hơn với chủ. Một số chú chó, sau khi làm thú cưng trong vài năm, có thể hiểu nhiều những gì chủ nói. Đôi khi, một chú chó có thể thích nghi với tâm trạng và những yêu cầu của chủ, và chủ đối đãi với chó tốt hơn, chó ăn uống tốt hơn, và khi bị đau, nó được chăm sóc nhiều hơn. Vậy thì chẳng phải chó được hưởng cuộc sống sung sướng sao? Như vậy, làm chó tốt hơn là làm bò hay ngựa. Về điều này, mức độ nghiêm trọng của hình phạt dành cho một người quyết định họ đầu thai làm động vật bao nhiêu lần, cũng như loại nào.

Bởi vì họ đã phạm quá nhiều tội khi còn sống, một số người bị trừng phạt bằng cách đầu thai thành con vật từ bảy đến mười hai đời. Khi đã bị trừng phạt đủ số lần, lúc trở lại cõi tâm linh, họ được đưa đến nơi khác – một nơi mà những linh hồn khác nhau đã bị trừng phạt và thuộc loại đang chuẩn bị được đầu thai làm người. Ở địa điểm này, mỗi linh hồn được phân theo loại dựa trên dạng gia đình mà họ sẽ được sinh ra, loại vai trò họ sẽ đóng khi đã được đầu thai, v.v. Ví dụ, một số người sẽ trở thành ca sĩ khi họ đến thế giới này, do đó được đặt giữa các ca sĩ; một số người sẽ trở thành doanh nhân khi họ đến thế giới này, và do đó họ được đặt giữa các doanh nhân; và nếu ai đó trở thành nhà nghiên cứu khoa học sau khi làm người thì họ được đặt giữa các nhà nghiên cứu khoa học. Sau khi họ được phân loại, mỗi người được gửi đi theo một thời điểm và ngày tháng được chỉ định khác nhau, cũng giống như con người gửi email ngày nay. Như vậy là sẽ hoàn thành một chu kỳ sinh tử. Từ ngày một người đến cõi tâm linh cho đến khi kết thúc hình phạt của họ, hoặc đến khi họ đã được đầu thai làm động vật nhiều lần và đang chuẩn bị được đầu thai làm người, quá trình này được hoàn tất.

Đối với những người đã bị trừng phạt xong và không đầu thai làm động vật, họ sẽ sớm được gửi đến thế giới vật chất để nhập thể làm người chứ? Hoặc sẽ mất bao lâu trước khi họ có thể đến giữa con người? Tần suất mà điều này có thể diễn ra là gì? Có những giới hạn về mặt thời gian đối với điều này. Mọi thứ diễn ra trong cõi tâm linh đều chịu những giới hạn và quy tắc chính xác về mặt thời gian – điều mà, nếu Ta giải thích bằng những con số thì các ngươi sẽ hiểu. Đối với những người đầu thai trong khoảng thời gian ngắn, khi họ chết, những sự chuẩn bị sẽ được sắp sẵn cho họ để đầu thai làm người. Thời gian ngắn nhất mà điều này có thể xảy ra là ba ngày. Đối với một số người, điều này mất ba tháng, một số thì mất ba năm, một số thì mất ba mươi năm, một số thì mất ba trăm năm, v.v. Như vậy, có thể nói gì về những quy tắc thời gian này, và chi tiết cụ thể của chúng là gì? Chúng dựa trên những gì mà thế giới vật chất – thế giới của con người – cần từ một linh hồn, và dựa trên vai trò mà linh hồn này dự định đóng trong thế giới này. Khi con người đầu thai làm người thường, đa số họ đều đầu thai rất nhanh, bởi vì thế giới con người có nhu cầu cấp thiết đối với những người bình thường như thế – và do vậy, ba ngày sau, họ được gửi đi lần nữa đến một gia đình hoàn toàn khác với gia đình mà họ đã ở trước khi chết. Tuy nhiên, có một số người đóng vai trò đặc biệt trên thế giới này. “Đặc biệt” nghĩa là không có nhu cầu lớn đối với những người này trong thế giới con người; không có nhiều người cần đóng vai trò như thế, do đó có thể mất ba trăm năm. Nói cách khác, linh hồn này chỉ đến một lần vào mỗi ba trăm năm, hay thậm chí chỉ một lần mỗi ba ngàn năm. Tại sao lại như vậy? Đó là do thực tế rằng dù ba trăm năm hay ba ngàn năm, một vai trò như thế không cần thiết trong thế giới con người, do đó họ được giữ ở một nơi trong cõi tâm linh. Lấy Khổng Tử làm ví dụ: Ông đã có tác động sâu sắc đến văn hóa truyền thống Trung Quốc, và sự xuất hiện của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, kiến thức, truyền thống, và ý thức hệ của con người thời đó. Tuy nhiên, một người như thế này không cần có trong mọi kỷ nguyên, do đó ông phải ở trong cõi tâm linh, đợi ở đó ba trăm hay ba ngàn năm trước khi được đầu thai. Bởi vì thế giới con người không cần một người như thế này, ông đã phải chờ đợi một cách nhàn nhã, bởi có quá ít vai trò như của ông, và rất ít việc để ông làm. Như thế, ông đã phải bị giữ ở một nơi trong cõi tâm linh trong hầu hết thời gian đó, nhàn rỗi, để được gửi đi một khi thế giới con người cần ông. Đó là những quy tắc thời gian của lĩnh vực thuộc linh về tần suất mà hầu hết mọi người được đầu thai. Dù con người là bình thường hay đặc biệt, cõi tâm linh cũng có những quy tắc phù hợp và những thông lệ đúng đắn để xử lý sự đầu thai của họ, và những quy tắc, thông lệ này được gửi xuống từ Đức Chúa Trời, không phải được quyết định hay kiểm soát bởi bất kỳ tùy tùng hay hữu thể nào của cõi tâm linh.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 189

Chu kỳ sinh tử của những người ngoại đạo (Các trích đoạn)

Đối với bất kỳ linh hồn nào, sự đầu thai của họ, vai trò của họ trong cuộc sống này, gia đình mà họ sinh ra, và đời sống của họ như thế nào đều liên hệ mật thiết với đời trước của linh hồn. Đủ loại người đến với thế giới con người, và những vai trò mà họ đóng thì khác nhau, cũng như những nhiệm vụ mà họ thực hiện. Và đây là những nhiệm vụ gì? Một số người đến để trả nợ: Nếu họ nợ người khác quá nhiều tiền trong những đời trước, thì họ đến để trả những món nợ đó trong đời này. Trong khi đó, một số người đến để thu nợ: Họ bị lừa quá nhiều thứ và quá nhiều tiền ở những đời trước; kết quả là, sau khi họ đến cõi tâm linh, nơi đó cho họ công lý và cho phép họ thu hồi những món nợ trong đời này. Một số người đến để trả những món nợ của lòng biết ơn: Trong đời trước – nghĩa là, sự đầu thai trước của họ – ai đó đã quá tử tế với họ, và do đã được trao cơ hội tuyệt vời để được đầu thai trong đời này, họ được tái sinh để trả những món nợ của lòng biết ơn ấy. Trong khi đó, số khác được tái sinh vào đời này để đòi mạng. Và họ đòi mạng của những ai? Họ đòi mạng của những người đã giết họ ở những đời trước. Tóm lại, sự sống hiện tại của mỗi người đều có mối liên hệ mật thiết với những đời trước của họ; mối liên hệ này không thể cắt đứt. Tức là, sự sống hiện tại của mỗi người bị ảnh hưởng rất lớn bởi đời trước của họ. Ví dụ, giả sử rằng trước khi chết, Trương đã lừa Li một số tiền lớn. Vậy thì Trương có nợ Li một món nợ không? Có, vậy thì việc Li nên thu lại món nợ từ Trương là lẽ tự nhiên đúng không? Kết quả là, sau khi họ chết, có một món nợ giữa họ phải được dàn xếp. Khi họ đầu thai và Trương trở thành người, Li thu món nợ của mình từ anh ta như thế nào? Một phương pháp là tái sinh làm con trai của Trương; Trương kiếm được một số tiền lớn, sau đó bị Li phung phí. Cho dù Trương kiếm được bao nhiêu tiền, con trai của ông là Li cũng phung phí hết. Cho dù Trương kiếm được bao nhiêu tiền thì cũng không bao giờ đủ; và trong khi đó, con trai của ông, vì lý do nào đó, lại rốt cuộc luôn tiêu tiền của cha bằng nhiều phương cách khác nhau. Trương hoang mang, tự hỏi “Tại sao con trai tôi lại luôn mang đến xui xẻo như thế? Tại sao con trai của những người khác lại rất ngoan? Tại sao con trai của bản thân tôi lại không có hoài bão, tại sao nó lại vô dụng và không có khả năng kiếm chút tiền nào, và tại sao tôi luôn phải chu cấp cho nó? Bởi vì tôi phải chu cấp cho nó, tôi sẽ làm – nhưng tại sao dù tôi cho nó bao nhiêu tiền thì nó cũng luôn cần thêm nữa? Tại sao nó không có khả năng làm một công việc chân chính thường ngày, mà thay vào đó lại làm đủ trò như lêu lổng, ăn uống, gái gú, và cờ bạc? Chuyện quái gì đang xảy ra vậy?” Sau đó Trương suy nghĩ một lúc, “Có lẽ tôi nợ nó một món nợ từ kiếp trước. Vậy thì tôi sẽ trả cho xong! Điều này sẽ không chấm dứt cho tới khi tôi trả đủ!” Có thể sẽ đến ngày Li thật sự đã thu hồi được món nợ của mình, và vào lúc anh ta bốn mươi mấy hay năm mươi mấy tuổi, anh ta có thể đột nhiên tỉnh ngộ, nhận ra rằng “Tôi đã chẳng làm được trò trống gì suốt nửa đầu cuộc đời mình! Tôi đã hoang phí toàn bộ số tiền mà cha tôi kiếm được, vì vậy tôi nên bắt đầu làm người tốt! Tôi sẽ tôi luyện bản thân; tôi sẽ là người thật thà và sống một cách đúng đắn, và tôi sẽ không bao giờ mang lại đau buồn cho cha mình lần nữa!” Tại sao anh ta nghĩ như vậy? Tại sao anh ta đột nhiên thay đổi tốt hơn? Có lý do nào cho điều này không? Lý do là gì? (Đó là vì Li đã thu hồi được món nợ; Trương đã trả món nợ). Trong đây có nhân và quả. Câu chuyện bắt đầu từ rất lâu trước kia, trước kiếp sống hiện tại của họ; câu chuyện này về những đời trước của họ đã được mang đến hiện tại, và không ai có thể đổ lỗi cho ai. Bất kể Trương đã dạy con trai thế nào, con trai ông cũng không bao giờ nghe, cũng không làm một công việc chân chính thường ngày nào. Ấy thế mà vào ngày món nợ đã được trả thì không cần dạy con trai ông nữa – anh ta tự nhiên hiểu được. Đây là một ví dụ đơn giản. Có nhiều ví dụ như thế không? (Có). Nó nói với con người điều gì? (Rằng họ nên thiện lành và không phạm điều ác). Rằng họ không nên làm ác, và rằng sẽ có sự báo ứng cho những việc làm sai trái của họ! Hầu hết những người ngoại đạo đều phạm nhiều điều ác, và những việc làm sai trái của họ gặp phải sự báo ứng, đúng không? Tuy nhiên, sự báo ứng ấy có tùy ý không? Đối với mọi hành động, đều có một nền tảng và lý do đằng sau sự báo ứng của nó. Ngươi có nghĩ rằng sẽ không có gì xảy ra với ngươi sau khi ngươi đã lừa tiền ai đó không? Ngươi có nghĩ rằng sau khi đã cuỗm số tiền đó đi, ngươi sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào không? Không thể nào có chuyện đó; thực sự sẽ có những hậu quả! Bất kể họ là ai và dù họ có tin rằng có Đức Chúa Trời hay không, mọi cá nhân phải chịu trách nhiệm với hành vi của riêng mình và gánh lấy hậu quả cho hành động của mình. Liên quan đến ví dụ đơn giản này – Trương bị trừng phạt, và Li được đền trả – chẳng phải đây là công bằng sao? Khi con người làm những điều như thế, đây là dạng kết quả xuất hiện. Nó không thể tách khỏi sự quản trị của cõi tâm linh. Cho dù họ là những người ngoại đạo, sự tồn tại của những ai không tin Đức Chúa Trời đều chịu những loại chỉ dụ và sắc lệnh trên trời này. Không ai có thể thoát khỏi chúng, và không ai có thể tránh được hiện thực này.

Những ai không có đức tin thường tin rằng mọi thứ con người nhìn thấy đều tồn tại, trong khi mọi thứ không thể được nhìn thấy, hay rất xa con người, thì không. Họ thích tin rằng không có “chu kỳ sinh tử”, và không có “hình phạt”; như thế, họ phạm tội và làm điều ác mà không hối hận. Sau đó, họ bị trừng phạt, hoặc họ đầu thai làm động vật. Hầu hết những dạng người khác nhau trong những người ngoại đạo đều rơi vào vòng lẩn quẩn này. Điều này là vì họ không biết rằng cõi tâm linh nghiêm ngặt trong việc quản trị mọi hữu thể sống. Dù ngươi có tin hay không, sự thật này vẫn tồn tại, bởi không một người hay đối tượng nào có thể thoát khỏi phạm vi Đức Chúa Trời quan sát bằng mắt, và không một người nào hay đối tượng nào có thể thoát khỏi những quy tắc và giới hạn của các chỉ dụ và sắc lệnh trên trời của Ngài. Như thế, ví dụ đơn giản này nói với mọi người rằng bất kể ngươi có tin Đức Chúa Trời hay không thì cũng không thể chấp nhận việc phạm tội và làm điều ác, và rằng mọi hành động đều mang hậu quả. Khi ai đó lừa tiền của người khác bị trừng phạt, hình phạt đó là công bằng. Hành vi thường thấy chẳng hạn như thế này sẽ bị cõi tâm linh trừng trị, và sự trừng phạt như thế được ban bởi các sắc lệnh và chỉ dụ trên trời của Đức Chúa Trời. Vì lẽ ấy, hành vi đồi bại và thuộc trọng tội – cưỡng hiếp và cướp bóc, gian lận và lừa gạt, trộm cắp và cướp của, giết chóc và đốt phá, v.v. – thậm chí còn phải chịu một loạt những hình phạt với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Những hình phạt với mức độ nghiêm trọng khác nhau này bao gồm những gì? Một số thì thiết lập mức độ nghiêm trọng sử dụng thời gian, trong khi một số khác thì làm như vậy thông qua những phương pháp luận khác nhau; số khác nữa thì làm bằng cách xác định con người sẽ đi đâu khi họ đầu thai. Ví dụ, một số người ăn nói lỗ mãng. “Ăn nói lỗ mãng” ám chỉ điều gì? Nó có nghĩa là thường xuyên chửi rủa người khác và dùng ngôn ngữ hiểm độc nguyền rủa người khác. Ngôn ngữ hiểm độc biểu thị điều gì? Nó chỉ ra rằng người ta có lòng dạ hiểm độc. Ngôn ngữ thô lỗ nguyền rủa người khác thường đến từ miệng của những người như thế, và ngôn ngữ hiểm độc ấy mang đến những hậu quả nặng nề. Sau khi những người này chết đi và nhận hình phạt thích đáng, họ có thể bị tái sinh làm người câm. Một số người rất tính toán khi còn sống; họ thường lợi dụng người khác, những mưu đồ nhỏ nhặt của họ đặc biệt được lên kế hoạch kỹ càng, và gây hại nhiều cho mọi người. Khi họ được tái sinh, có thể sẽ là người khờ hay người bị thiểu năng trí tuệ. Một số người thường nhòm ngó việc riêng của người khác; mắt họ thấy nhiều điều mà họ không nên thấy, và họ biết được nhiều điều mà họ không nên biết. Kết quả là, khi họ tái sinh, họ có thể bị mù. Một số người rất khôn lanh khi sống; họ thường đấu đá và làm nhiều điều ác. Bởi điều này, họ có thể bị tái sinh làm người khuyết tật, què quặt, hay mất một tay; nếu không họ có thể đầu thai bị lưng gù hay vẹo cổ, đi một chân, chân này ngắn hơn chân kia, v.v. Ở những người này, họ đã chịu nhiều hình phạt khác nhau dựa trên mức độ của tội ác mà họ đã phạm khi còn sống. Các ngươi nghĩ tại sao một số người lại bị nhược thị? Có nhiều người như thế không? Ngày nay có nhiều hơn là chỉ một vài người. Một số người bị nhược thị bởi vì trong những đời trước, họ đã lạm dụng mắt quá nhiều và đã làm quá nhiều điều xấu, do đó họ được sinh ra trong đời này với chứng nhược thị, và trong những trường hợp nghiêm trọng, họ thậm chí bị mù bẩm sinh. Đây là sự báo ứng! Một số người hòa thuận với người khác trước khi chết; họ làm nhiều việc tốt cho họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, hay những người có quan hệ với họ. Họ làm từ thiện và chăm sóc người khác, hay trợ giúp về mặt tài chính, và mọi người rất tôn trọng họ. Khi những người như thế trở về cõi tâm linh, họ không bị trừng phạt. Để một người ngoại đạo không bị trừng phạt theo bất kỳ cách nào có nghĩa là họ là một người rất tốt. Thay vì tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, họ chỉ tin vào Ông Lão trên trời. Một người như thế chỉ tin rằng có một vị thần ở trên họ, dõi theo mọi việc họ làm – đó là tất cả những gì người này tin. Kết quả là người này cư xử tốt hơn nhiều. Những người như thế thì tốt bụng và nhân đức, và cuối cùng khi họ trở lại cõi tâm linh, nơi ấy sẽ đối đãi với họ rất tốt, và họ sẽ sớm được đầu thai. Khi họ được tái sinh, họ sẽ đến những kiểu gia đình nào? Mặc dù những gia đình ấy sẽ không giàu có nhưng họ sẽ không bị nguy hại gì, với sự hòa thuận giữa các thành viên; ở đó, những người được đầu thai này sẽ trải qua những ngày an toàn, hạnh phúc, mọi người sẽ vui vẻ và sống cuộc sống tốt. Khi những người này đến tuổi trưởng thành, họ sẽ có những gia đình lớn, gia đình mở rộng, con cái sẽ có tài và được tận hưởng thành công, gia đình họ sẽ được hưởng sự may mắn – và một kết cục như thế có liên quan rất nhiều với những đời trước của những người này. Tức là, nơi người ta đi sau khi chết và được đầu thai, là nam hay nữ, sứ mệnh là gì, sẽ trải qua điều gì trong cuộc sống, những chướng ngại mà họ sẽ phải chịu, những phúc lành mà họ sẽ được hưởng, những người họ sẽ gặp, và những điều sẽ xảy ra với họ – không ai có thể dự đoán những điều này, tránh né chúng, hay lẩn trốn khỏi chúng. Nói thế nghĩa là, một khi sự sống của ngươi đã được thiết lập, bất cứ điều gì xảy ra với ngươi – cho dù ngươi cố gắng tránh như thế nào, và bằng bất kỳ cách thức gì – ngươi cũng không có cách nào can thiệp vào tiến trình sự sống mà Đức Chúa Trời đã đặt ra cho ngươi trong cõi tâm linh. Bởi khi ngươi đầu thai, số phận cuộc đời ngươi đã được định sẵn. Dù xấu hay tốt, mọi người đều phải đối mặt với điều này và tiếp tục tiến tới. Đây là một vấn đề mà không ai sống trong thế giới này có thể tránh, và không vấn đề nào thật hơn. Tất cả các ngươi đều hiểu mọi điều ta đang phán, phải không?

Khi đã hiểu những điều này, các ngươi giờ đây đã thấy rằng Đức Chúa Trời có những sự kiểm tra, quản trị rất chính xác và nghiêm ngặt đối với chu kỳ sinh tử của những người ngoại đạo chưa? Trước tiên, Ngài đã thiết lập những chỉ dụ, sắc lệnh và hệ thống trên trời khác nhau trong cõi tâm linh, và một khi những điều này đã được tuyên bố, chúng được thực hiện rất nghiêm ngặt, như được đặt ra bởi Đức Chúa Trời, bởi các hữu thể ở những vị trí chức vị khác nhau trong cõi tâm linh, và không ai dám vi phạm chúng. Vì lẽ ấy, trong chu kỳ sinh tử của nhân loại trong thế giới con người, cho dù ai đó đầu thai làm con vật hay con người thì cũng có những quy luật cho cả hai. Bởi vì những quy luật này đến từ Đức Chúa Trời, không ai dám phá vỡ chúng, cũng không ai có thể phá vỡ chúng. Chỉ bởi quyền tối thượng này của Đức Chúa Trời, và bởi những quy luật ấy tồn tại, mà thế giới vật chất con người nhìn thấy mới được điều hòa và có trật tự; chỉ nhờ quyền tối thượng này của Đức Chúa Trời mà con người mới có thể đồng tồn tại một cách hòa bình với thế giới bên kia, nơi hoàn toàn vô hình với họ, và có thể sống trong sự hòa hợp với nó – tất cả đều không thể tách rời quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Sau khi sự sống xác thịt của một người chết đi, linh hồn vẫn có sự sống, và như vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nó không chịu sự quản trị của Đức Chúa Trời? Linh hồn sẽ đi thơ thẩn khắp nơi, xâm nhập mọi nơi, và thậm chí sẽ làm hại những hữu thể sống trong thế giới con người. Sự nguy hại ấy sẽ không chỉ gây ra cho nhân loại mà còn có thể gây ra cho thực vật và động vật – tuy nhiên, con người sẽ bị làm hại trước tiên. Nếu điều này xảy ra – nếu một linh hồn như thế không có sự quản trị, thật sự làm hại mọi người, và thật sự làm những chuyện xấu xa – vậy thì linh hồn này cũng sẽ bị xử lý thích đáng trong cõi tâm linh: Nếu sự việc nghiêm trọng, linh hồn sẽ sớm ngừng tồn tại, và sẽ bị hủy diệt. Nếu có thể, nó sẽ được đặt ở đâu đó và rồi được đầu thai. Nghĩa là, sự quản trị những linh hồn khác nhau của cõi tâm linh thì có trật tự, và được thực hiện theo các bước và quy tắc. Chỉ bởi sự quản trị như thế mà thế giới vật chất của con người mới không rơi vào sự hỗn loạn, con người của thế giới vật chất mới sở hữu một tâm lý bình thường, lý trí bình thường, và một đời sống xác thịt có trật tự. Chỉ sau khi nhân loại có một đời sống bình thường như thế, những người sống trong xác thịt mới có thể tiếp tục phát triển mạnh và sinh sôi qua các thế hệ.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 190

Chu kỳ sinh tử của những người ngoại đạo (Các trích đoạn)

Khi nói đến những người ngoại đạo, nguyên tắc đằng sau những hành động của Đức Chúa Trời có phải là thưởng thiện, phạt ác không? Có bất kỳ ngoại lệ nào không? (Không). Các ngươi có thấy rằng có một nguyên tắc đằng sau những hành động của Đức Chúa Trời không? Những người ngoại đạo không thật sự tin Đức Chúa Trời, họ cũng không quy phục những sự dàn xếp của Ngài. Thêm vào đó, họ không nhận thức được quyền tối thượng của Ngài, càng không công nhận Ngài. Nghiêm trọng hơn, họ báng bổ chống lại Đức Chúa Trời, nguyền rủa Ngài, và thù địch với những người tin Đức Chúa Trời. Bất chấp thái độ này của họ đối với Đức Chúa Trời, sự quản trị của Ngài với họ vẫn không chệch khỏi những nguyên tắc của Ngài; Ngài quản trị họ theo một thể thức có trật tự, tuân theo những nguyên tắc và tâm tính của Ngài. Ngài coi sự thù địch của họ như thế nào? Như sự ngu dốt! Kết quả là, Ngài đã khiến những người này – tức là phần lớn những người ngoại đạo – đầu thai làm động vật trong quá khứ. Như vậy, trong mắt Đức Chúa Trời, chính xác thì những người ngoại đạo là gì? Tất cả họ đều là thú vật. Đức Chúa Trời quản trị thú vật cũng như nhân loại, và đối với những người đó, Ngài có những nguyên tắc như nhau. Ngay cả trong sự quản trị của Ngài đối với những người này, thì tâm tính của Ngài cũng vẫn có thể được nhìn thấy, các luật lệ của Ngài đằng sau sự thống trị của Ngài trên muôn vật cũng vậy. Và như thế, các ngươi có thấy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trong những nguyên tắc mà Ngài dùng để quản trị những người ngoại đạo mà Ta vừa đề cập không? Các ngươi có thấy tâm tính công chính của Đức Chúa Trời không? (Chúng con có). Nói cách khác, cho dù Ngài xử lý điều gì trong muôn vật, Đức Chúa Trời cũng hành động theo những nguyên tắc và tâm tính của riêng Ngài. Đây là thực chất của Đức Chúa Trời; Ngài sẽ không bao giờ ngẫu nhiên phá vỡ những sắc lệnh hay các chỉ dụ trên trời mà Ngài đã lập chỉ vì Ngài coi những người như thế là thú vật. Đức Chúa Trời hành động theo nguyên tắc, không chút khinh suất, và những hành động của Ngài hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào. Mọi điều Ngài làm đều tuân theo những nguyên tắc riêng của Ngài. Điều này là vì Đức Chúa Trời sở hữu thực chất của chính Đức Chúa Trời; đây là một phương diện của thực chất Ngài mà không được sở hữu bởi bất kỳ tạo vật nào. Đức Chúa Trời chu đáo và có trách nhiệm trong việc Ngài xử lý, tiếp cận, quản lý, quản trị, và cai trị mọi đối tượng, con người, và sinh vật giữa muôn vật Ngài đã tạo dựng, và trong việc này, Ngài chưa bao giờ bất cẩn. Đối với những người tốt, Ngài độ lượng và nhân từ; đối với những kẻ đồi bại, Ngài bắt chịu sự trừng phạt tàn nhẫn; và đối với những hữu thể sống khác nhau, Ngài thực hiện những sắp đặt thích hợp theo cách thức quy củ và kịp thời theo những yêu cầu khác nhau của thế giới con người vào những thời điểm khác nhau, hầu cho các hữu thể sống khác nhau này được đầu thai theo những vai trò mà họ đóng theo thể thức có trật tự và di chuyển giữa thế giới vật chất và cõi tâm linh một cách có phương pháp.

Sự chết của một hữu thể sống – sự kết thúc một đời sống vật lý – báo hiệu rằng hữu thể sống đã đi từ thế giới vật chất sang cõi tâm linh, trong khi sự ra đời của một đời sống vật lý mới thì báo hiệu rằng hữu thể sống đã đến từ cõi tâm linh để vào thế giới vật chất, bắt đầu đảm nhận và đóng vai trò của mình. Dù là sự đi hay đến của một hữu thể, cả hai đều không thể tách rời công tác của cõi tâm linh. Vào lúc ai đó đến thế giới vật chất, những sự sắp đặt và xác định phù hợp đã được Đức Chúa Trời hình thành trong cõi tâm linh về việc gia đình mà người đó sẽ đến, kỷ nguyên mà họ sẽ đến, giờ mà họ sẽ đến, và vai trò mà họ sẽ đóng. Như thế, toàn bộ cuộc đời của người này – những việc họ làm, và những con đường họ chọn – sẽ tiến hành theo những sự sắp đặt được tạo trong cõi tâm linh, mà không có chút sai lệch nhỏ nhất nào. Hơn nữa, thời điểm khi một đời sống vật lý kết thúc và cách thức, nơi chốn kết thúc đều rõ ràng và có thể thấy rõ đối với cõi tâm linh. Đức Chúa Trời cai trị thế giới vật chất, Ngài cũng cai trị thế giới tâm linh, và Ngài sẽ không trì hoãn chu kỳ sinh tử bình thường của một linh hồn, Ngài cũng không bao giờ phạm bất kỳ lỗi nào trong những sự sắp đặt của chu kỳ đó. Mỗi người tùy tùng ở các đồn quan của cõi tâm linh đều thực hiện những nhiệm vụ của cá nhân họ, và làm điều họ phải làm, theo những hướng dẫn và quy tắc của Đức Chúa Trời. Như vậy, trong thế giới của nhân loại, mọi hiện tượng vật chất mà con người thấy đều có trật tự, và không chứa sự hỗn loạn nào. Toàn bộ điều này là bởi sự cai trị muôn vật một cách trật tự của Đức Chúa Trời, cũng như thực tế rằng thẩm quyền của Ngài cai trị muôn vật. Sự thống trị của Ngài bao gồm thế giới vật chất mà con người sinh sống và hơn nữa, thế giới tâm linh vô hình đằng sau nhân loại. Vì lẽ ấy, nếu con người muốn có một cuộc sống tốt đẹp, và hy vọng sống trong những môi trường tốt đẹp, ngoài việc được cung cấp toàn bộ thế giới vật chất hữu hình, thì họ cũng phải được cung cấp cõi tâm linh, nơi không ai có thể thấy, nơi cai quản mọi hữu thể sống đại diện cho nhân loại, và nơi có trật tự.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 191

Chu kỳ sinh tử của những người có đức tin khác nhau

Chúng ta vừa thảo luận về chu kỳ sinh tử của những người trong phân nhóm đầu tiên, những người ngoại đạo. Bây giờ, chúng ta hãy thảo luận vấn đề đó của phân nhóm thứ hai, những người có đức tin khác nhau. “Chu kỳ sinh tử của những người có đức tin khác nhau” là một đề tài rất quan trọng khác nữa, và các ngươi cực kỳ cần có sự hiểu biết về nó. Trước tiên, chúng ta hãy nói về những đức tin nào mà từ “đức tin” trong “những người có đức tin” ám chỉ: năm tôn giáo chính là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Công giáo, Hồi giáo, và Phật giáo. Ngoài những người ngoại đạo, những người tin vào năm tôn giáo này chiếm phần lớn dân số thế giới. Trong năm tôn giáo này, những người đã làm nên sự nghiệp từ đức tin của họ là rất ít, ấy thế mà những tôn giáo này có nhiều người theo. Họ sẽ đến một nơi khác khi chết. “Khác” với ai? Khác với những người ngoại đạo – những người không có đức tin – những người mà chúng ta vừa nói đến. Sau khi họ chết, những tín đồ của năm tôn giáo này sẽ đi nơi khác, nơi khác với những người ngoại đạo. Tuy nhiên, quá trình thì vẫn như vậy; cõi tâm linh sẽ phán xét họ tương tự dựa trên tất cả những gì họ đã làm trước khi chết, sau đó họ sẽ được xử lý tương ứng. Tuy nhiên, tại sao những người này được gửi đến một địa điểm khác để xử lý? Có một lý do quan trọng cho điều này. Đó là gì? Ta sẽ giải thích cho các ngươi bằng một ví dụ. Tuy nhiên, trước khi Ta giải thích, các ngươi có thể thầm nghĩ: “Có thể đó là vì họ có chút niềm tin nơi Đức Chúa Trời! Họ không hoàn toàn là những người ngoại đạo”. Tuy nhiên, đây không phải là lý do. Có một lý do rất quan trọng khiến họ tách biệt với những người khác.

Hãy lấy Phật giáo làm ví dụ. Ta sẽ nói với các ngươi một sự thật. Trước hết, một Phật tử là người theo Phật giáo, và đây là người biết niềm tin của họ là gì. Khi các Phật tử xuống tóc và trở thành tăng hay ni, điều đó có nghĩa là họ đã tách mình khỏi thế giới phàm tục, bỏ lại phía sau sự ồn ào của nhân thế. Mỗi ngày, họ tụng kinh và niệm Phật, chỉ ăn chay, sống đời khổ hạnh, và qua ngày với ánh sáng yếu ớt, lạnh lẽo của ngọn đèn dầu bơ. Họ trải qua cả cuộc đời như thế này. Khi sự sống vật lý của một Phật tử kết thúc, họ sẽ khép lại cuộc đời của mình, nhưng trong lòng, họ sẽ không biết mình sẽ đi đâu sau khi chết, sẽ gặp ai, hay kết cục của họ sẽ như thế nào: Trong thâm tâm, họ sẽ không có ý tưởng rõ ràng về những điều như thế. Họ sẽ không làm gì hơn là mù quáng mang một dạng đức tin suốt cả cuộc đời, sau đó họ rời khỏi thế giới con người cùng với những mong muốn và lý tưởng mù quáng của họ. Đó là sự kết thúc đời sống vật lý của một Phật tử, khi họ rời khỏi thế giới của sự sống; sau đó, họ trở về nơi ban đầu của mình trong cõi tâm linh. Việc người này có đầu thai trở lại trái đất hay tiếp tục tự tu luyện sẽ tùy vào hành vi và sự thực hành của họ trước khi chết. Nếu đã không làm gì sai trái trong cuộc đời mình, họ sẽ nhanh chóng được đầu thai và gửi về trái đất lần nữa, nơi người này sẽ một lần nữa trở thành tăng hay ni. Nghĩa là, họ thực hành tự tu luyện trong đời sống vật lý của mình theo cách họ đã thực hành tự tu luyện ban đầu, và rồi trở lại cõi tâm linh sau khi sự sống vật lý của họ khép lại, nơi họ được xem xét. Sau đó, nếu không phát hiện thấy vấn đề gì, họ có thể một lần nữa trở lại thế giới con người và một lần nữa theo Phật giáo, nhờ đó tiếp tục việc thực hành của mình. Sau khi được đầu thai ba đến bảy lần, họ sẽ một lần nữa trở về cõi tâm linh, nơi họ đến sau khi mỗi kiếp sống vật lý kết thúc. Nếu những phẩm chất và hành vi khác nhau của họ trong thế giới con người đã tuân theo những chỉ dụ trên trời của cõi tâm linh, vậy thì từ thời điểm này trở đi, họ sẽ ở lại đó; họ sẽ không còn đầu thai làm người nữa, họ cũng không có bất kỳ nguy cơ bị trừng phạt nào do làm điều ác trên trái đất. Họ sẽ không bao giờ phải đi qua quá trình này nữa. Thay vào đó, tùy vào hoàn cảnh của mình, họ sẽ giữ một vị trí trong cõi tâm linh. Đây là điều các Phật tử gọi là “đạt đến Phật quả”. Sự đạt được Phật quả chủ yếu có nghĩa là đạt được thành quả là một quan chức của cõi tâm linh, và sau đó, không còn đầu thai hay có nguy cơ bị trừng phạt nữa. Hơn nữa, điều này có nghĩa là không còn phải chịu những nỗi khổ sở của việc làm người sau khi đầu thai. Như vậy, vẫn còn khả năng nào để họ đầu thai làm động vật không? (Không). Điều này nghĩa là họ sẽ ở lại để giữ một vai trò trong cõi tâm linh và sẽ không còn đầu thai nữa. Đây là một ví dụ của việc đạt được Phật quả trong Phật giáo. Đối với những ai không đạt được quả, khi trở về cõi tâm linh, họ bắt đầu chịu sự xem xét và xác minh của vị quan có liên quan, là người sẽ tìm hiểu rằng khi còn sống, họ đã không tự tu tập một cách siêng năng hay đã tận tâm tụng kinh và niệm Phật theo như Phật giáo quy định, mà thay vào đó đã phạm nhiều hành động tà ác và tham gia vào nhiều hành vi đồi bại. Sau đó, trong cõi tâm linh, một sự phán xét được thực hiện về việc làm tà ác của họ, và theo sau đó, họ chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Trong chuyện này không có ngoại lệ. Như thế, khi nào thì một người như vậy có thể đạt quả? Trong một cuộc đời mà họ không phạm điều ác – khi mà, sau khi trở về cõi tâm linh, họ được thấy rằng đã không làm gì sai trước khi chết, thì sau đó họ tiếp tục đầu thai, tiếp tục tụng kinh và niệm Phật, qua ngày trong ánh sáng yếu ớt, lạnh lẽo của ngọn đèn dầu bơ, không sát sinh bất kỳ sinh vật nào hay ăn bất kỳ loại thịt nào. Họ không tham gia vào thế giới con người, bỏ lại phía xa những rắc rối của nó và không tranh chấp với người khác. Trong quá trình, nếu họ không phạm điều ác, thì sau khi họ quay về cõi tâm linh và tất cả những hành động, hành vi của họ đã được xem xét, họ một lần nữa được gửi vào cõi người, trong một chu kỳ tiếp diễn từ ba đến bảy lần. Nếu họ không phạm hành vi sai trái nào trong thời gian này, vậy thì việc đạt được Phật quả của họ sẽ vẫn không bị ảnh hưởng, và sẽ không bị trì hoãn. Đây là một đặc trưng của chu kỳ sinh tử của tất cả những người có đức tin: Họ có thể “đạt quả”, và đảm nhận một vị trí trong cõi tâm linh; đây là điều làm cho họ khác với những người ngoại đạo. Trước tiên, trong khi họ vẫn còn sống trên trái đất, những người có thể đảm nhận một vị trí trong cõi tâm linh đó cư xử như thế nào? Họ phải đảm bảo không phạm bất kỳ điều ác nào: Họ không được sát sinh, đốt phá, tà dâm, hay cướp bóc; nếu họ tham gia gian lận, lừa gạt, trộm cắp hay cướp giật, thì họ không thể đạt quả. Nói cách khác, nếu họ có bất kỳ liên hệ hay liên kết nào với việc bất lương, họ sẽ không thể thoát khỏi sự trừng phạt mà cõi tâm linh ban cho họ. Cõi tâm linh thực hiện những sự sắp xếp thích hợp cho các Phật tử đạt Phật quả: Họ có thể được bổ nhiệm quản trị những người có vẻ tin vào Phật giáo, và Ông Lão trên trời – họ có thể được phân bổ một phạm vi quyền hạn. Họ cũng có thể chỉ phụ trách những người ngoại đạo hay có vị trí với những trách nhiệm rất nhỏ. Sự phân bổ như thế diễn ra theo những bản chất khác nhau của linh hồn họ. Đây là một ví dụ về Phật giáo.

Trong số năm tôn giáo mà chúng ta vừa nói đến, Cơ Đốc giáo tương đối đặc biệt. Điều gì làm cho các Cơ Đốc nhân đặc biệt như vậy? Đây là những người tin vào Đức Chúa Trời thật. Làm sao những người tin vào Đức Chúa Trời thật lại được liệt kê ở đây? Khi nói rằng Cơ Đốc giáo là một dạng đức tin, hiển nhiên nó phải liên quan đến đức tin; nó sẽ đơn thuần là một dạng nghi lễ, một dạng tôn giáo, và là một điều hoàn toàn khác với đức tin của những người thật sự theo Đức Chúa Trời. Lý do Ta liệt kê Cơ Đốc giáo trong số năm tôn giáo chính là vì nó được hạ xuống cùng cấp với Do Thái giáo, Phật giáo, và Hồi giáo. Hầu hết mọi người ở đây đều không tin rằng có một Đức Chúa Trời, hay rằng Ngài cai trị muôn vật; càng không tin vào sự hiện hữu của Ngài. Thay vào đó, họ đơn thuần sử dụng các Thánh Thư để thảo luận thần học và dùng thần học để dạy mọi người tử tế, chịu khổ, và làm điều tốt. Đó là dạng tôn giáo mà Cơ Đốc giáo đã trở thành: Nó chỉ tập trung vào các lý thuyết thần học, tuyệt đối không liên quan gì đến công tác quản lý và cứu rỗi con người của Đức Chúa Trời. Nó đã trở thành một tôn giáo của những người theo Đức Chúa Trời nhưng lại là những người không thật sự được Đức Chúa Trời công nhận. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng có một nguyên tắc trong phương pháp của Ngài với những người như thế. Ngài không xử lý hay đối phó với họ một cách ngẫu nhiên tùy ý như những gì Ngài làm với người ngoại đạo. Ngài đối với họ giống như cách Ngài đối với các Phật tử: Nếu, trong khi sống, một Cơ Đốc nhân có thể rèn luyện kỷ luật tự giác, tuân thủ nghiêm ngặt Mười Điều Răn, buộc hành vi của chính mình tuân theo những luật lệ và điều răn, và bám sát chúng trong cả cuộc đời họ, vậy thì họ cũng phải mất cùng một khoảng thời gian trải qua những chu kỳ sinh tử trước khi họ có thể thật sự đạt được điều được gọi là “sự cất lên”. Sau khi đã đạt được sự cất lên này, họ ở lại trong cõi tâm linh, nơi họ đảm nhận một vị trí và trở thành một trong những quan chức ở đó. Tương tự, nếu họ phạm điều ác trên đất – nếu họ quá tội lỗi và phạm quá nhiều tội – vậy thì chắc chắn họ sẽ bị trừng phạt và sửa dạy với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Trong Phật giáo, việc đạt quả có nghĩa là được vãng sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc, nhưng người ta gọi điều này là gì trong Cơ Đốc giáo? Nó được gọi là “bước vào thiên đàng” và được “cất lên”. Những người thật sự được cất lên cũng trải qua chu kỳ sinh tử ba đến bảy lần, sau đó, khi đã chết, họ đến cõi tâm linh, như thể họ đã rơi vào giấc ngủ. Nếu họ đủ tiêu chuẩn, họ có thể ở lại đó để đảm nhận một vị trí và, không như những người trên thế gian, họ sẽ không đầu thai theo cách đơn giản hay theo thông lệ.

Trong số tất cả những tôn giáo này, kết cục mà họ nói đến và điều mà họ phấn đấu cũng y như việc đạt quả trong Phật giáo; chỉ là “quả” này đạt được bởi những phương tiện khác nhau. Tất cả đều là những sự đồng thanh tương ứng. Đối với bộ phận gồm những người đi theo các tôn giáo này, những người có thể tuân thủ nghiêm ngặt những giới luật tôn giáo trong hành vi của họ, Đức Chúa Trời cung cấp một điểm đến phù hợp, một nơi phù hợp để đến, và xử lý họ một cách thích hợp. Toàn bộ điều này là hợp lý, nhưng không phải như con người tưởng tượng. Giờ đây, khi đã nghe về những gì xảy ra với những người theo Cơ Đốc giáo, các ngươi cảm thấy thế nào? Các ngươi có cảm thấy rằng cảnh ngộ của họ là bất công không? Các ngươi có thông cảm với họ không? (Một chút). Chẳng thể làm gì được cả; họ chỉ có thể trách bản thân mình. Tại sao Ta nói điều này? Công tác của Đức Chúa Trời là thật; Ngài đang sống và có thật, và công tác của Ngài nhắm tới toàn thể nhân loại và mỗi cá nhân. Vậy thì tại sao họ không chấp nhận điều này? Tại sao họ lại quá điên cuồng chống lại và ngược đãi Đức Chúa Trời? Họ nên thấy rằng bản thân mình may mắn khi thậm chí có được kiểu kết cục này, vậy thì tại sao các ngươi lại thấy tội nghiệp cho họ? Việc họ được xử lý theo cách này cho thấy lòng khoan dung vĩ đại. Với mức độ mà họ chống đối Đức Chúa Trời, họ nên bị hủy diệt, nhưng Đức Chúa Trời không làm điều này; thay vào đó Ngài chỉ đơn giản xử lý Cơ Đốc nhân theo cùng một cách với bất kỳ tôn giáo bình thường nào. Do vậy, có cần đi thêm chi tiết nào nữa về các tôn giáo khác không? Các đặc tính của tất cả những tôn giáo này là để con người chịu khổ hơn, không làm điều ác, làm những việc lành, không chửi rủa người khác, không phán xét người khác, tránh xa tranh chấp, và làm người tốt – hầu hết các giáo lý tôn giáo đều như vậy. Vì lẽ ấy, nếu những người có đức tin này – những người theo các tôn giáo và giáo phái khác nhau – có thể tuân thủ nghiêm ngặt những giới luật tôn giáo của họ, vậy thì họ sẽ không phạm những sai lầm hay tội lỗi lớn trong thời gian họ ở trên đất; và sau khi được đầu thai ba đến bảy lần, những người này – những người có thể tuân thủ nghiêm ngặt các giới luật tôn giáo – nhìn chung sẽ ở lại để đảm nhận một vị trí trong cõi tâm linh. Có nhiều người như thế không? (Không, không nhiều). Ngươi dựa vào đâu để có câu trả lời của mình? Không dễ để làm việc tốt và tuân theo các quy định và luật lệ tôn giáo. Phật giáo không cho phép người ta ăn thịt – ngươi có thể làm được không? Nếu ngươi phải mặc áo lam và tụng kinh niệm Phật trong một ngôi chùa Phật giáo suốt ngày, ngươi có thể làm được không? Điều đó sẽ không dễ đâu. Cơ Đốc giáo có Mười Điều Răn, những điều răn và luật lệ; chúng có dễ tuân theo không? Chúng không dễ, phải không? Lấy ví dụ như không chửi rủa người khác: Người ta đơn giản là không có khả năng tuân theo quy định này. Không thể ngăn được chính mình, họ chửi rủa – và sau khi chửi rủa, họ không thể rút lại những lời đó, vậy thì họ làm gì? Vào buổi tối, họ xưng tội. Đôi khi sau khi chửi rủa người khác, họ vẫn nuôi sự căm ghét trong lòng, và họ thậm chí đi xa đến mức lên kế hoạch về thời điểm làm hại những người đó thêm nữa. Nói ngắn gọn, đối với những ai sống giữa giáo điều chết này, thật không dễ để kiềm chế việc phạm tội hay làm việc ác. Vì lẽ ấy, trong mọi tôn giáo, chỉ một số ít người mới thật sự có thể đạt được thành quả. Ngươi có giả định rằng bởi vì quá nhiều người theo những tôn giáo này, một phần lớn sẽ có thể ở lại để đảm nhận một vai trò trong lĩnh vực thuộc linh không? Không có nhiều lắm; chỉ một vài người mới thật sự có thể đạt được điều này. Nói chung, đó là chu kỳ sinh tử cho những người có đức tin. Điều khiến họ khác biệt chính là họ có thể đạt được thành quả, và đây là điều khiến họ khác biệt với những người ngoại đạo.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 192

Chu kỳ sinh tử của những người theo Đức Chúa Trời (Các trích đoạn)

Tiếp theo, chúng ta hãy nói về chu kỳ sinh tử của những người theo Đức Chúa Trời. Điều này liên quan đến các ngươi, do đó hãy chú ý: Trước tiên, hãy nghĩ xem những người theo Đức Chúa Trời có thể được phân loại như thế nào. (Những người được Đức Chúa Trời chọn, và những kẻ phục vụ). Quả thật có hai nhóm: những người được Đức Chúa Trời chọn, và những kẻ phục vụ. Trước tiên, chúng ta hãy nói về những người được Đức Chúa Trời chọn, nhóm chỉ có rất ít người. “Những người được Đức Chúa Trời chọn” ám chỉ những ai? Sau khi Đức Chúa Trời tạo dựng muôn vật và nhân loại đi vào tồn tại, Đức Chúa Trời đã chọn một nhóm người sẽ theo Ngài; những người này được gọi đơn giản là “những người được Đức Chúa Trời chọn”. Có một phạm vi và ý nghĩa đặc biệt đối với sự chọn lựa những người này của Đức Chúa Trời. Phạm vi đặc biệt ở chỗ nó giới hạn cho một số ít người chọn lọc, những người phải đến khi Đức Chúa Trời làm công tác quan trọng. Và ý nghĩa là gì? Vì họ là một nhóm được Đức Chúa Trời chọn, ý nghĩa này thật lớn lao. Nghĩa là, Đức Chúa Trời muốn làm cho trọn vẹn những người này, và hoàn thiện họ, và một khi công tác quản lý của Ngài hoàn tất, Ngài sẽ thu nhận những người này. Chẳng phải ý nghĩa này rất lớn sao? Như vậy, những người được chọn này có tầm quan trọng rất lớn đối với Đức Chúa Trời, bởi họ là những người mà Đức Chúa Trời dự định thu nhận. Đối với những kẻ phục vụ, chúng ta hãy tạm ngưng chủ đề về sự tiền định của Đức Chúa Trời trong chốc lát, và trước hết nói về xuất thân của họ. Một “kẻ phục vụ” đúng nghĩa là một người phục vụ. Những kẻ phục vụ ấy thì chỉ tạm thời; họ không làm như vậy dài hạn hay mãi mãi, mà được thuê hay tuyển mộ tạm thời. Xuất thân của đa số họ là được chọn giữa những người ngoại đạo. Họ đến trái đất khi có sắc lệnh rằng họ phải đảm nhận vai trò những kẻ phục vụ trong công tác của Đức Chúa Trời. Họ có thể là động vật trong đời trước, nhưng họ cũng có thể đã và đang là những người ngoại đạo. Đó là xuất thân của những kẻ phục vụ.

Chúng ta hãy nói thêm về dân sự được Đức Chúa Trời chọn. Khi chết, họ đi đến một địa điểm hoàn toàn khác với địa điểm của những người ngoại đạo và những người có đức tin khác nhau. Đó là một nơi họ được đồng hành bởi các thiên thần và thiên sứ của Đức Chúa Trời; đó là một nơi được đích thân Đức Chúa Trời quản trị. Mặc dù dân sự được chọn của Đức Chúa Trời không thể tận mắt thấy Đức Chúa Trời ở nơi này, nó không giống bất kỳ nơi nào khác trong cõi thuộc linh; đây là một địa điểm khác, nơi số người này sẽ đi sau khi chết. Khi họ chết, họ cũng chịu sự tra xét nghiêm ngặt bởi các thiên sứ của Đức Chúa Trời. Và bị tra xét những gì? Các thiên sứ của Đức Chúa Trời tra xét con đường mà những người này đã đi suốt cuộc đời họ trong niềm tin nơi Đức Chúa Trời, liệu họ có bao giờ chống đối Đức Chúa Trời hay nguyền rủa Ngài trong thời gian đó hay không, và liệu họ có phạm bất kỳ tội lỗi hay điều ác trầm trọng nào không. Cuộc tra xét này sẽ giải quyết câu hỏi liệu một người nào đó được phép ở lại hay phải rời đi. “Rời đi” nghĩa là gì? Và “ở lại” nghĩa là gì? “Rời đi” nghĩa là, dựa trên hành vi của họ, liệu họ có được ở lại giữa hàng ngũ những người được Đức Chúa Trời chọn hay không; được cho phép “ở lại” nghĩa là họ có thể ở lại giữa những người sẽ được Đức Chúa Trời làm cho trọn vẹn trong những ngày sau rốt. Đối với những người ở lại ấy, Đức Chúa Trời có những sự sắp xếp đặc biệt. Trong mỗi thời kỳ công tác của Ngài, Ngài sẽ gửi những người đó đi giữ nhiệm vụ như các sứ đồ hay làm công việc khôi phục, trông nom các hội thánh. Tuy nhiên, những người có khả năng làm công tác đó không được đầu thai thường xuyên như những người ngoại đạo, những người mà được tái sinh từ đời này sang đời khác; đúng hơn, họ trở về trái đất theo những yêu cầu và các bước trong công tác của Đức Chúa Trời, và họ không đầu thai thường xuyên. Như vậy có bất kỳ quy định nào về việc khi nào thì họ đầu thai không? Họ có đến vài năm một lần không? Họ có đến với tần suất như thế không? Họ không. Toàn bộ điều này dựa trên công tác của Đức Chúa Trời, dựa trên những bước của nó và những nhu cầu của Ngài, và không có những quy định cố định. Quy định duy nhất là khi Đức Chúa Trời thực hiện giai đoạn công tác sau cùng của Ngài trong những ngày sau rốt, những người được chọn này đều sẽ đến, và việc đến này sẽ là lần đầu thai sau cùng của họ. Và tại sao lại như thế? Điều này dựa trên kết quả dự kiến đạt được trong giai đoạn công tác sau cùng của Đức Chúa Trời – bởi trong giai đoạn sau cùng này của công tác, Đức Chúa Trời sẽ làm cho những người được chọn này được trọn vẹn hoàn toàn. Điều này nghĩa là gì? Nếu, trong giai đoạn sau cùng này, những người này được làm cho trọn vẹn và hoàn thiện, vậy thì họ sẽ không đầu thai như trước kia; quá trình làm người của họ sẽ đi đến kết thúc hoàn toàn, và quá trình đầu thai của họ cũng vậy. Điều này liên quan tới những người sẽ ở lại. Như vậy thì những người không thể ở lại sẽ đi đâu? Những người không được phép ở lại sẽ có đích đến thích hợp riêng của họ. Trước hết, do việc hành ác của họ, những lỗi lầm mà họ đã có, và những tội mà họ đã phạm, họ cũng sẽ bị trừng phạt. Sau khi họ đã bị trừng phạt, Đức Chúa Trời sẽ hoặc thực hiện những sự sắp đặt để gửi họ đến giữa những người ngoại đạo tùy theo hoàn cảnh, hoặc sắp xếp cho họ đến giữa những người có đức tin khác nhau. Nói cách khác, có hai kết cục khả thi đối với họ: Một là bị trừng phạt và có thể sống giữa những người của một tôn giáo nhất định sau khi đầu thai, và hai là trở thành những người ngoại đạo. Nếu họ trở thành những người ngoại đạo, khi ấy họ sẽ mất hết cơ hội; tuy nhiên, nếu họ trở thành những người có đức tin – nếu, ví dụ, họ trở thành Cơ Đốc nhân – thì họ vẫn sẽ có cơ hội trở lại hàng ngũ của dân sự được Đức Chúa Trời chọn; có những mối quan hệ rất phức tạp cho điều này. Nói ngắn gọn, nếu một trong những người được Đức Chúa Trời chọn làm điều gì đó xúc phạm Đức Chúa Trời, họ sẽ bị trừng phạt như bất kỳ ai khác. Lấy ví dụ như Phao-lô, người mà chúng ta đã nói đến trước đây. Phao-lô là ví dụ về một người bị trừng phạt. Các ngươi có hình dung được điều Ta đang nói đến không? Phạm vi của những người được Đức Chúa Trời chọn có cố định không? (Đa số là có). Đa số là cố định, nhưng một phần nhỏ trong đó thì không cố định. Tại sao lại như thế? Ở đây Ta đã ám chỉ nguyên nhân rõ ràng nhất: phạm phải điều ác. Khi người ta phạm phải điều ác, Đức Chúa Trời không muốn họ, và khi Đức Chúa Trời không muốn họ, Ngài ném họ vào giữa những chủng tộc và loại người khác nhau. Điều này khiến họ không có hy vọng và làm cho họ khó trở lại. Toàn bộ điều này liên quan tới chu kỳ sinh tử của những người được Đức Chúa Trời chọn.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 193

Chu kỳ sinh tử của những người theo Đức Chúa Trời (Các trích đoạn)

Đề tài tiếp theo liên quan đến chu kỳ sinh tử của những kẻ phục vụ. Chúng ta vừa nói về xuất thân của những kẻ phục vụ; đó là, họ được đầu thai sau khi đã là những người ngoại đạo và động vật trong những đời trước. Bởi giai đoạn cuối của công tác đến, Đức Chúa Trời đã chọn ra một nhóm người như thế từ những người ngoại đạo, và nhóm này đặc biệt. Mục tiêu của Đức Chúa Trời trong việc chọn những người này là để họ phục vụ cho công tác của Ngài. “Phục vụ” không phải là một từ nghe tao nhã cho lắm, nó cũng không phù hợp với mong muốn của bất kỳ ai, nhưng chúng ta nên xem xét nó nhắm đến ai. Sự tồn tại của những kẻ phục vụ của Đức Chúa Trời có một ý nghĩa đặc biệt. Không ai khác có thể đóng vai trò của họ, bởi họ được Đức Chúa Trời chọn. Và vai trò của những kẻ phục vụ này là gì? Đó là phục vụ những người được chọn của Đức Chúa Trời. Đa phần, vai trò của họ là dâng sự phục vụ cho công tác của Đức Chúa Trời, phối hợp với nó, và trợ giúp cho việc Đức Chúa Trời làm cho những người được chọn của Ngài được trọn vẹn. Bất kể họ đang lao động, thực hiện một khía cạnh công tác nào đó, hay đảm nhận những nhiệm vụ nhất định, thì yêu cầu của Đức Chúa Trời với những kẻ phục vụ này là gì? Ngài có quá đòi hỏi trong những yêu cầu của Ngài với họ không? (Không, Ngài chỉ yêu cầu họ trung thành). Những kẻ phục vụ cũng vậy, phải trung thành. Bất kể xuất thân của ngươi hay tại sao Đức Chúa Trời chọn ngươi, ngươi cũng phải trung thành với Đức Chúa Trời, với bất kỳ sự ủy nhiệm nào Đức Chúa Trời giao phó cho ngươi, và với công tác mà ngươi phụ trách và những bổn phận mà ngươi thi hành. Đối với những kẻ phục vụ có khả năng trung thành và làm thỏa lòng Đức Chúa Trời, kết cục của họ sẽ là gì? Họ sẽ có thể ở lại. Việc là một kẻ phục vụ được ở lại có phải là một phúc lành không? Ở lại nghĩa là gì? Ý nghĩa của phúc lành này là gì? Về địa vị, họ có vẻ không giống những người được Đức Chúa Trời chọn; họ có vẻ khác biệt. Nhưng sự thật, chẳng phải những gì họ vui hưởng trong cuộc sống này cũng y như của những người được Đức Chúa Trời chọn sao? Chí ít là giống y trong đời này. Các ngươi không phủ nhận điều này phải không? Những lời phán, ân điển, sự chu cấp, những phúc lành của Đức Chúa Trời – ai không được vui hưởng những điều này chứ? Mọi người đều vui hưởng sự dư dật ấy. Thân phận của một kẻ phục vụ là người dâng sự phục vụ, nhưng đối với Đức Chúa Trời, họ chỉ là một trong muôn vật Ngài đã tạo dựng; đơn giản là họ đóng vai trò của kẻ phục vụ. Cả hai đều là tạo vật của Đức Chúa Trời thì có sự khác biệt nào giữa một kẻ phục vụ và một trong những người được Đức Chúa Trời chọn không? Sự thật là không có. Nói trên danh nghĩa thì có một sự khác biệt; về thực chất và về vai trò mà họ đóng, có một sự khác biệt – nhưng Đức Chúa Trời không đối đãi với nhóm người này một cách bất công. Vậy thì tại sao những người này lại được định nghĩa là những kẻ phục vụ? Các ngươi phải có chút hiểu biết về điều này! Những kẻ phục vụ đến từ những người ngoại đạo. Ngay khi chúng ta đề cập rằng họ đến từ những người ngoại đạo, rõ ràng là họ có chung một lý lịch xấu: Hết thảy họ đều là những người vô thần, và cũng như vậy trong quá khứ; họ đã không tin Đức Chúa Trời, và thù địch với Ngài, với lẽ thật, và với tất cả mọi điều tích cực. Họ đã không tin Đức Chúa Trời hay sự hiện hữu của Ngài. Như thế, họ có khả năng hiểu lời Đức Chúa Trời không? Sẽ công bằng khi nói rằng đa phần, họ không có khả năng. Cũng như những con vật không có khả năng hiểu lời nói của con người, những kẻ phục vụ không thể hiểu Đức Chúa Trời đang phán gì, Ngài yêu cầu gì, hay tại sao Ngài lại đưa ra những yêu cầu như thế. Họ không hiểu; những điều này là không thể hiểu nổi đối với họ, và họ vẫn không được khai sáng. Vì lý do này, những người này không sở hữu sự sống mà chúng ta đã nói đến. Không có sự sống, con người có thể hiểu lẽ thật không? Họ có được trang bị lẽ thật không? Họ có kinh nghiệm và kiến thức về lời Đức Chúa Trời không? (Không). Đó là xuất thân của những kẻ phục vụ. Tuy nhiên, bởi vì Đức Chúa Trời làm cho những người này thành kẻ phục vụ, vẫn có những tiêu chuẩn cho các yêu cầu của Ngài với họ; Ngài không coi thường họ, Ngài cũng không chiếu lệ với họ. Ngay cả khi họ không hiểu thấu lời Ngài và không sở hữu sự sống, Đức Chúa Trời vẫn đối tốt với họ, và vẫn có những tiêu chuẩn khi nói đến những yêu cầu của Ngài đối với họ. Các ngươi vừa nói về những tiêu chuẩn này: Trung thành với Đức Chúa Trời và làm những gì Ngài phán. Trong sự phục vụ của mình, ngươi phải phục vụ khi cần, và ngươi phải phục vụ cho đến tận cùng. Nếu ngươi có thể là một kẻ phục vụ trung thành, có thể phục vụ cho đến tận cùng và có thể làm tròn sự ủy nhiệm mà Đức Chúa Trời giao phó cho ngươi, thì ngươi sẽ sống một cuộc đời có giá trị. Nếu có thể làm điều này, ngươi sẽ có thể ở lại. Nếu ngươi bỏ ra thêm chút nỗ lực, nếu ngươi cố gắng cật lực hơn một chút, có thể tăng gấp đôi những nỗ lực của mình để biết Đức Chúa Trời, có thể nói một chút về việc biết Đức Chúa Trời, có thể làm chứng cho Ngài, và hơn nữa, nếu ngươi có thể hiểu điều gì đó về ý muốn của Ngài, có thể hợp tác trong công tác của Đức Chúa Trời, và có thể phần nào lưu tâm đến những ý định của Đức Chúa Trời, vậy thì ngươi, một kẻ phục vụ, sẽ trải nghiệm một sự thay đổi về vận may. Và sự thay đổi về vận may này sẽ là gì? Ngươi sẽ không đơn thuần là có thể ở lại. Tùy vào hạnh kiểm, những khát vọng và sự theo đuổi cá nhân của ngươi, Đức Chúa Trời sẽ làm cho ngươi thành một trong những người được chọn. Đây sẽ là sự thay đổi về vận may của ngươi. Đối với những kẻ phục vụ, điều tốt nhất về việc này là gì? Đó là họ có thể trở thành những người được Đức Chúa Trời chọn. Nếu họ được như vậy, có nghĩa là họ sẽ không còn bị đầu thai làm động vật theo cách của những người ngoại đạo nữa. Điều đó tốt chứ? Tốt, và đó cũng là một tin tốt: Nó có nghĩa là những kẻ phục vụ có thể được uốn nắn. Không phải là đối với một kẻ phục vụ, một khi Đức Chúa Trời đã định trước rằng họ phục vụ thì họ sẽ làm thế mãi mãi; không hẳn là như vậy. Đức Chúa Trời sẽ xử lý họ và đáp lại họ theo cách phù hợp với hạnh kiểm cá nhân của người này.

Tuy nhiên, có những kẻ phục vụ không thể phục vụ cho đến tận cùng; có những người mà trong khi phục vụ đã bỏ cuộc giữa chừng và từ bỏ Đức Chúa Trời, cũng như những người phạm nhiều việc sai trái. Thậm chí có những người gây hại rất lớn và mang đến những tổn thất nặng nề cho công tác của Đức Chúa Trời, và thậm chí có những kẻ phục vụ nguyền rủa Đức Chúa Trời, v.v. Những hậu quả không thể cứu chữa này cho thấy điều gì? Bất kỳ hành động tà ác nào cũng sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt sự phục vụ của họ. Bởi vì hạnh kiểm của ngươi trong khi phục vụ đã quá tồi tệ và bởi ngươi đã đi quá xa, một khi Đức Chúa Trời thấy rằng sự phục vụ của ngươi không đủ tiêu chuẩn, Ngài sẽ tước đi tư cách phục vụ của ngươi. Ngài sẽ không còn cho phép ngươi phục vụ; Ngài sẽ đuổi ngươi đi khuất mắt Ngài và khỏi nhà Đức Chúa Trời. Chẳng phải là ngươi không muốn phục vụ sao? Chẳng phải ngươi luôn muốn làm điều ác sao? Chẳng phải ngươi liên tục phản bội sao? Vậy thì, có một giải pháp dễ dàng: Ngươi sẽ bị tước đi tư cách phục vụ. Đối với Đức Chúa Trời, tước đi tư cách phục vụ của một kẻ phục vụ nghĩa là sự kết thúc của kẻ phục vụ này đã được tuyên bố, và họ sẽ không còn tư cách phục vụ Đức Chúa Trời nữa. Đức Chúa Trời không còn cần sự phục vụ của người này thêm nữa, và dù họ có thể nói những điều hay ho như thế nào thì những lời ấy cũng sẽ vô ích. Khi sự việc đã đến mức này, tình hình sẽ trở nên không thể cứu chữa; những kẻ phục vụ như thế này sẽ không còn đường quay lại. Và Đức Chúa Trời xử lý những kẻ phục vụ như thế này ra sao? Ngài có đơn thuần dừng việc phục vụ của họ không? Không. Ngài có đơn thuần ngăn họ ở lại không? Hoặc, Ngài có để họ sang một bên và đợi họ hoán cải không? Ngài không. Đức Chúa Trời thật sự không quá âu yếm khi nói đến những kẻ phục vụ. Nếu một người có dạng thái độ này trong sự phục vụ của họ với Đức Chúa Trời, thì kết quả của thái độ này là Đức Chúa Trời sẽ tước đi tư cách phục vụ của họ, và sẽ một lần nữa ném họ trở lại giữa những người ngoại đạo. Và vận mệnh của một kẻ phục vụ bị ném lại vào giữa những người ngoại đạo là gì? Nó giống với vận mệnh của những người ngoại đạo: Họ sẽ bị đầu thai làm con vật và nhận cùng một sự hành phạt trong cõi tâm linh như một người ngoại đạo. Hơn nữa, Đức Chúa Trời sẽ không lưu tâm chút nào đến hình phạt của người này, bởi một người như thế không còn liên quan gì đến công tác của Đức Chúa Trời nữa. Đây không chỉ là sự kết thúc đời sống của đức tin nơi Đức Chúa Trời, mà cũng là sự kết thúc số phận của bản thân họ, cũng như sự tuyên bố về số phận của họ. Như vậy, nếu những kẻ phục vụ phụng sự một cách tệ hại, họ sẽ phải tự mình chịu những hậu quả. Nếu một kẻ phục vụ không có khả năng phục vụ cho đến tận cùng, hay bị tước đi tư cách phục vụ giữa chừng, vậy thì họ sẽ bị ném vào giữa những người ngoại đạo – và nếu điều này xảy ra, một người như thế sẽ bị xử lý giống như thú nuôi, giống như những người không có trí năng hay lý trí. Khi Ta nói như thế này, các ngươi có thể hiểu được chứ?

Điều đã đề cập bên trên là cách Đức Chúa Trời xử lý chu kỳ sinh tử của những người được Ngài chọn và những kẻ phục vụ. Sau khi đã nghe điều này, các ngươi cảm thấy thế nào? Ta đã bao giờ nói về đề tài này trước kia chưa? Ta đã bao giờ nói về chủ đề những người được Đức Chúa Trời chọn và những kẻ phục vụ chưa? Ta thật sự đã từng, nhưng các ngươi không nhớ. Đức Chúa Trời công chính đối với những người được Ngài chọn và những kẻ phục vụ. Về mọi mặt, Ngài đều công chính. Ngươi có tìm ra sai sót ở bất kỳ chỗ nào trong đây không? Chẳng phải có những người sẽ nói: “Tại sao Đức Chúa Trời lại quá khoan dung với những người được chọn? Và tại sao Ngài chỉ kiên nhẫn một chút với những kẻ phục vụ?” Có bất kỳ ai mong muốn đứng lên vì những kẻ phục vụ không? “Đức Chúa Trời có thể cho những kẻ phục vụ thêm thời gian không, kiên nhẫn và khoan dung hơn với họ không?” Có đúng không khi đưa ra câu hỏi như thế? (Không, không đúng). Và tại sao lại không? (Bởi vì chúng ta thật sự đã được thấy sự chiếu cố chỉ thông qua hành động cho làm những kẻ phục vụ). Những kẻ phục vụ thật sự đã được thấy sự chiếu cố đơn thuần bằng cách được cho phép phục vụ! Không có chức danh “những kẻ phục vụ” và không có công tác mà họ làm, những người này sẽ ở đâu? Họ sẽ ở giữa những người ngoại đạo, sống và chết với vật nuôi. Thật là những ân điển vĩ đại mà họ vui hưởng hôm nay, được phép đến trước Đức Chúa Trời và đến nhà Đức Chúa Trời! Đây là một ân điển vô cùng lớn! Nếu Đức Chúa trời đã không cho ngươi cơ hội phục vụ, ngươi sẽ không bao giờ có cơ hội đến trước Ngài. Chí ít mà nói, ngay cả khi ngươi là một Phật tử và đã đạt quả, thì cùng lắm ngươi cũng chỉ là một kẻ sai vặt trong cõi tâm linh; ngươi sẽ không bao giờ được gặp Đức Chúa Trời, nghe tiếng Ngài hay lời Ngài, hay cảm nhận tình yêu và những phúc lành của Ngài, cũng không bao giờ có thể đến đối diện với Ngài. Những điều duy nhất mà các Phật tử có trước họ là những nhiệm vụ đơn giản. Họ không thể có khả năng biết Đức Chúa Trời, họ chỉ tuân theo và vâng phục, trong khi những kẻ phục vụ thì đạt được rất nhiều trong giai đoạn công tác này! Trước hết, họ có thể đến đối diện với Đức Chúa Trời, nghe tiếng Ngài, nghe lời Ngài, trải nghiệm những ân điển và phúc lành mà Ngài ban trên con người. Hơn nữa, họ có thể vui hưởng những lời và lẽ thật được Đức Chúa Trời ban cho. Những kẻ phục vụ thật sự đạt được rất nhiều! Như thế, nếu, là một kẻ phục vụ, ngươi thậm chí không thể bỏ ra nỗ lực thích đáng, vậy thì Đức Chúa Trời còn có thể giữ ngươi không? Ngài không thể giữ ngươi. Ngài không yêu cầu nhiều ở ngươi, nhưng ngươi lại không làm những gì Ngài yêu cầu một cách đúng đắn; ngươi chưa triệt để với bổn phận của mình. Như thế, không nghi ngờ gì, Đức Chúa Trời không thể giữ ngươi. Đó là tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không nuông chiều thái quá ngươi, nhưng Ngài cũng không phân biệt đối xử với ngươi. Đây là những nguyên tắc mà Đức Chúa Trời hành động theo. Đức Chúa Trời đối xử với mọi người và tạo vật theo cách này.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 194

Chu kỳ sinh tử của những người theo Đức Chúa Trời (Trích đoạn)

Trong cõi tâm linh, nếu những hữu thể khác nhau làm điều gì đó sai trái hay không làm đúng công việc của họ, Đức Chúa Trời cũng có những chỉ dụ và sắc lệnh trên trời tương ứng để xử lý họ; điều này là chắc chắn. Vì lẽ ấy, trong công tác quản lý vài ngàn năm của Đức Chúa Trời, một số người thi hành bổn phận phạm phải những việc làm sai trái đã bị tiêu diệt, trong khi một số – cho đến tận ngày nay – thì vẫn bị giam giữ và trừng phạt. Đây là điều mọi hữu thể trong cõi tâm linh phải đối mặt. Nếu họ làm điều gì đó sai trái hay phạm phải điều ác, vậy thì họ bị trừng phạt – và điều này cũng y như phương pháp của Đức Chúa Trời với những người được Ngài chọn và những kẻ phục vụ. Do vậy, trong cả cõi tâm linh lẫn thế giới vật chất, những nguyên tắc mà Đức Chúa Trời hành động theo đều không thay đổi. Dù ngươi có thể thấy những hành động của Đức Chúa Trời hay không, những nguyên tắc của chúng cũng không thay đổi. Đức Chúa Trời đã có cùng những nguyên tắc xuyên suốt trong phương pháp của Ngài với mọi thứ và trong việc xử lý muôn vật của Ngài. Điều này là không thể thay đổi. Đức Chúa Trời sẽ tử tế với những ai trong số những người ngoại đạo sống theo cách tương đối đúng đắn, và sẽ để dành các cơ hội cho những người trong mỗi tôn giáo hành xử tốt và không làm điều ác, cho phép họ đóng vai trò của mình trong mọi sự được quản lý bởi Đức Chúa Trời và làm điều họ phải làm. Tương tự, giữa những người theo Đức Chúa Trời, và giữa dân sự được Ngài chọn, Đức Chúa Trời không phân biệt đối xử bất kỳ người nào theo những nguyên tắc này của Ngài. Ngài tử tế với tất cả những ai có thể chân thành theo Ngài, và Ngài yêu tất cả những ai chân thành theo Ngài. Chỉ là đối với vài loại người này – những người ngoại đạo, những người có đức tin khác nhau, và những người được Đức Chúa Trời chọn – thì những gì Ngài ban cho họ là khác nhau. Lấy những người ngoại đạo làm ví dụ: Mặc dù họ không tin Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời xem họ như thú vật, thì giữa muôn vật, mỗi người trong số họ đều có thức ăn để ăn, có nơi chốn của riêng mình, và có một chu kỳ sinh tử bình thường. Những kẻ làm điều ác thì bị trừng phạt, và những người làm điều lành thì được ban phúc và nhận lãnh sự tử tế của Đức Chúa Trời. Chẳng phải đây là cách thức của sự việc sao? Đối với những người có đức tin, nếu họ có thể tuân thủ nghiêm ngặt những giới luật tôn giáo của họ qua những lần tái sinh liên tục, thì sau tất cả những sự đầu thai đó, Đức Chúa Trời rốt cuộc sẽ đưa ra tuyên bố của Ngài với họ. Cũng như vậy, đối với các ngươi ngày nay, dù các ngươi là một trong những người được Đức Chúa Trời chọn hay là một kẻ phục vụ, thì tương tự, Đức Chúa Trời cũng sẽ đưa ngươi vào khuôn khổ và quyết định kết cục của ngươi theo những quy định và sắc lệnh quản trị mà Ngài đã lập. Giữa những loại người này, những loại người có đức tin khác nhau – tức là, những người thuộc về các tôn giáo khác nhau – Đức Chúa Trời đã cho họ không gian để sống chưa? Những người Do Thái ở đâu? Đức Chúa Trời đã can thiệp vào đức tin của họ chưa? Ngài chưa từng. Và các Cơ Đốc nhân thì sao? Ngài cũng chưa từng can thiệp vào họ. Ngài cho phép họ tuân theo những phương thức của riêng họ, Ngài không nói chuyện với họ hay ban cho họ bất kỳ sự khai sáng nào và, hơn nữa, Ngài không mặc khải bất kỳ điều gì với họ. Nếu ngươi nghĩ điều này đúng, vậy thì hãy tin theo cách này. Người Công giáo tin vào Ma-ri, và rằng thông qua bà mà tin được truyền sang Jêsus; đó là dạng niềm tin của họ. Đức Chúa Trời có bao giờ chỉnh đốn niềm tin của họ không? Ngài cho họ sự tự do; Ngài chẳng chú ý gì đến họ và cho họ một không gian nhất định để sống. Đối với Hồi giáo và Phật giáo, chẳng phải Ngài cũng vậy sao? Ngài cũng đặt ra những ranh giới cho họ, và cho phép họ có không gian sống riêng, không can thiệp vào những niềm tin tương ứng của họ. Tất cả đều có trật tự rõ ràng. Và các ngươi thấy gì ở tất cả những điều này? Rằng Đức Chúa Trời sở hữu thẩm quyền, nhưng Ngài không lạm dụng nó. Đức Chúa Trời sắp xếp muôn vật theo trật tự hoàn hảo và làm điều đó theo cách có trật tự, sự khôn ngoan và toàn năng của Ngài nằm ở đây.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 195

Thân phận và địa vị của chính Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời là Đấng thống trị muôn vật và quản trị muôn vật. Ngài đã tạo ra tất cả những gì hiện có, Ngài quản trị tất cả những gì hiện có, Ngài thống trị tất cả những gì hiện có, và Ngài chu cấp cho tất cả những gì hiện có. Đây là địa vị của Đức Chúa Trời, và là thân phận của Ngài. Đối với muôn vật và tất cả những gì hiện có, thân phận thật của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Đấng Thống Trị mọi tạo vật. Đó là thân phận được sở hữu bởi Đức Chúa Trời, và Ngài là độc nhất giữa muôn vật. Không ai trong các tạo vật của Đức Chúa Trời – dù là giữa nhân loại hay trong cõi tâm linh – có thể dùng bất kỳ phương tiện hay lí do nào để mạo nhận hay thay thế thân phận và địa vị của Đức Chúa Trời, bởi chỉ có một Đấng, giữa muôn vật, sở hữu thân phận, quyền năng, thẩm quyền, và khả năng thống trị tạo vật này: chính Đức Chúa Trời độc nhất của chúng ta. Ngài sống và di chuyển giữa muôn vật; Ngài có thể lên đến nơi cao nhất, trên hết mọi sự. Ngài có thể hạ mình bằng cách trở thành con người, trở thành một trong những người có máu thịt, đến đối diện với con người và chia sẻ vui buồn với họ, đồng thời, Ngài chỉ huy tất cả những gì hiện có, quyết định số phận của tất cả những gì hiện có và hướng di chuyển của tất cả. Hơn nữa, Ngài dẫn dắt số phận của toàn thể nhân loại, và lèo lái phương hướng của nhân loại. Một Đức Chúa Trời như thế này nên được thờ phượng, vâng phục, và được biết đến bởi mọi hữu thể sống. Như vậy, bất kể ngươi thuộc nhóm nào hay loại nào trong nhân loại, thì việc tin vào Đức Chúa Trời, theo Đức Chúa Trời, tôn kính Đức Chúa Trời, chấp nhận quy định của Ngài, và chấp nhận những sự sắp đặt của Ngài đối với số phận của ngươi là chọn lựa duy nhất – chọn lựa cần thiết – cho bất kỳ người nào và cho bất kỳ hữu thể sống nào. Trong sự độc nhất của Đức Chúa Trời, con người thấy rằng thẩm quyền của Ngài, tâm tính công chính của Ngài, thực chất của Ngài, và những phương tiện mà Ngài chu cấp cho muôn vật đều hoàn toàn độc nhất; sự độc nhất này quyết định thân phận thật của chính Đức Chúa Trời, và nó cũng quyết định địa vị của Ngài. Vì lẽ ấy, giữa mọi tạo vật, nếu bất kỳ hữu thể sống nào trong cõi tâm linh hay giữa nhân loại ao ước thay thế Đức Chúa Trời thì sẽ không thể thành công, cũng giống như khi dùng bất kỳ nỗ lực nào để mạo danh Đức Chúa Trời. Đây là sự thật. Những yêu cầu đối với nhân loại của một Đấng Tạo Hóa và Đấng Thống Trị như thế này, Đấng sở hữu thân phận, quyền năng, và địa vị của chính Đức Chúa Trời là gì? Điều này nên rõ ràng với mọi người, và nên được mọi người ghi nhớ; điều này rất quan trọng đối với cả Đức Chúa Trời lẫn con người!

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 196

Những thái độ khác nhau của nhân loại đối với Đức Chúa Trời

Cách con người cư xử với Đức Chúa Trời quyết định số phận của họ, cũng như cách Đức Chúa Trời sẽ cư xử với họ và xử lý họ. Ở điểm này, Ta sẽ đưa ra một số ví dụ về cách con người cư xử với Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy lắng nghe và xem liệu những cách thức và thái độ mà họ cư xử trước Đức Chúa Trời có đúng hay không. Chúng ta hãy suy xét hạnh kiểm của bảy loại người sau đây.

1) Có một loại người mà thái độ của họ với Đức Chúa Trời đặc biệt ngớ ngẩn. Những người này nghĩ Đức Chúa Trời giống như một Bồ Tát hay một vị thánh trong truyền thuyết con người, và cần con người cúi lạy ba lần bất cứ khi nào họ gặp nhau và thắp nhang sau mỗi bữa ăn. Kết quả là, bất cứ khi nào họ cảm thấy cực kỳ tạ ơn vì ân điển của Ngài và cảm thấy biết ơn đối với Ngài, họ thường có dạng thôi thúc này. Họ do vậy ao ước rằng Đức Chúa Trời mà họ tin ngày nay có thể, giống như vị thánh mà họ khao khát trong lòng, chấp nhận cách họ cúi lạy ba lần khi gặp và thắp nhang sau mỗi bữa ăn.

2) Một số người xem Đức Chúa Trời như một vị Phật sống có khả năng giải thoát mọi sự sống khỏi đau khổ và cứu rỗi họ; họ coi Ngài như một vị Phật sống có khả năng đưa họ ra khỏi bể khổ. Niềm tin của những người này nơi Đức Chúa Trời đưa đến việc thờ phượng Ngài như Phật. Mặc dù họ không thắp nhang, khấu đầu, hay cúng kiếng, nhưng tận sâu thẳm, họ cảm thấy Đức Chúa Trời cũng chỉ là một vị Phật, Đấng chỉ yêu cầu rằng họ tử tế và nhân đức, rằng họ không sát sinh, không chửi rủa người khác, sống một cuộc sống trông có vẻ thật thà, và không phạm phải những việc sai trái. Họ tin rằng những điều này là tất cả những gì Ngài yêu cầu ở họ; đây là Đức Chúa Trời trong lòng họ.

3) Một số người thờ phượng Đức Chúa Trời như thể Ngài là người vĩ đại hay nổi tiếng. Ví dụ, bất kỳ cách thức nào vĩ nhân này thích dùng để nói, với bất kỳ ngữ điệu nào người đó nói, bất kỳ lời lẽ hay từ vựng nào người đó sử dụng, tông điệu, cử chỉ tay, những quan niệm và hành động, tác phong của người đó – họ bắt chước toàn bộ những điều này, và đây là những gì họ phải định hình hoàn toàn trong suốt thời gian họ tin Đức Chúa Trời.

4) Một số người xem Đức Chúa Trời như quốc vương, cảm thấy rằng Ngài hơn tất cả mọi người khác và rằng không ai dám xúc phạm Ngài – và rằng nếu có bất kỳ ai làm như thế, người đó sẽ bị trừng phạt. Họ thờ phượng một quốc vương như thế bởi vì các quốc vương giữ vị trí nhất định trong lòng họ. Những ý nghĩ, cách thức, thẩm quyền, và bản chất của họ – thậm chí những sở thích và đời sống cá nhân của họ – tất cả đều trở thành điều gì đó mà những người này cảm thấy phải hiểu; chúng trở thành những vấn đề và vụ việc mà họ quan tâm. Kết quả là, họ thờ phượng Đức Chúa Trời như quốc vương. Một dạng niềm tin như thế thật lố bịch.

5) Một số người có đức tin đặc biệt vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và đức tin này sâu sắc và không nao núng. Tuy nhiên, bởi kiến thức của họ về Đức Chúa Trời quá nông cạn, và họ không có nhiều kinh nghiệm về lời Ngài, họ thờ phượng Ngài như một thần tượng. Thần tượng này là Đức Chúa Trời trong lòng họ; đó là điều gì đó mà họ cảm thấy phải kính sợ và cúi đầu, và là điều họ phải theo và noi gương. Họ xem Đức Chúa Trời như một thần tượng mà họ phải theo cả cuộc đời. Họ sao chép tông điệu nói của Đức Chúa Trời và, ở bên ngoài, họ bắt chước những người mà Đức Chúa Trời thích. Họ thường làm những việc trông có vẻ chất phác, tinh sạch, và thật thà, và họ thậm chí theo thần tượng này như thể đó là một đối tác hay bạn đồng hành mà họ không bao giờ có thể kết hợp cùng. Đó là dạng niềm tin của họ.

6) Có một loại người mà, bất kể đã đọc nhiều lời Đức Chúa Trời và đã nghe nhiều lời rao giảng, vẫn cảm thấy tận sâu thẳm rằng nguyên tắc duy nhất đằng sau hành vi của họ đối với Đức Chúa Trời là họ nên luôn khúm núm và xun xoe, hoặc rằng họ nên ca tụng Đức Chúa Trời và khen ngợi Ngài theo cách không thực tế. Họ tin rằng Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời yêu cầu họ cư xử theo cách như thế. Hơn nữa, họ tin rằng nếu họ không làm như vậy, thì vào bất cứ lúc nào, họ cũng có thể chọc giận Ngài hay lỡ phạm tội chống lại Ngài, và rằng kết quả của việc phạm tội này là Đức Chúa Trời sẽ hành phạt họ. Đó là Đức Chúa Trời mà họ giữ trong lòng.

7) Và rồi có phần lớn những người tìm được sự nuôi dưỡng tinh thần nơi Đức Chúa Trời. Điều này là vì họ sống trong thế giới này, họ không có sự bình an hay hạnh phúc, và họ không tìm thấy sự dễ chịu ở bất cứ nơi nào. Khi họ tìm thấy Đức Chúa Trời, sau khi họ đã nhìn thấy và đã nghe lời Ngài, họ bắt đầu thầm nuôi niềm hân hoan và phấn khởi trong lòng. Đây là vì họ tin rằng họ cuối cùng đã tìm được một nơi làm cho linh hồn của họ được hạnh phúc, và rằng họ cuối cùng đã tìm thấy một Đức Chúa Trời là Đấng sẽ ban cho họ sự nuôi dưỡng tinh thần. Sau khi họ đã chấp nhận Đức Chúa Trời và bắt đầu theo Ngài, họ trở nên vui vẻ, và sự sống của họ được đủ đầy. Họ không còn hành động như những người ngoại đạo, những người mộng du trong cuộc đời như những con vật, và họ cảm thấy mình có điều gì đó để mong đợi trong cuộc sống. Do đó, họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời này có thể đáp ứng rất nhiều những nhu cầu tinh thần của họ và mang đến cho họ niềm hạnh phúc tuyệt vời về tâm trí lẫn linh hồn. Tự lúc nào không hay, họ trở nên không thể rời khỏi Đức Chúa Trời này, Đấng ban cho họ sự nuôi dưỡng tinh thần như thế, và Đấng mang hạnh phúc đến linh hồn của họ và đến mọi thành viên của gia đình họ. Họ tin rằng một niềm tin nơi Đức Chúa Trời không cần mang lại gì hơn là sự nuôi dưỡng tinh thần.

Có bất kỳ ai trong các ngươi sở hữu những thái độ khác nhau đã nêu trên với Đức Chúa Trời không? (Có). Nếu, trong niềm tin của mình vào Đức Chúa Trời, lòng của một người nuôi giữ bất kỳ thái độ nào trong số ấy, họ có thể thật sự đến trước Đức Chúa Trời không? Nếu ai đó có bất kỳ dạng thái độ nào trong số này trong lòng, họ có tin Đức Chúa Trời không? Một người như thế có tin vào chính Đức Chúa Trời độc nhất không? (Không). Bởi ngươi không tin vào chính Đức Chúa Trời độc nhất, ngươi tin ai đây? Nếu điều mà ngươi tin không phải là chính Đức Chúa Trời độc nhất, thì có thể là ngươi tin vào một thần tượng, hay một vĩ nhân, hay một Bồ Tát, hay ngươi thờ phượng vị Phật trong lòng ngươi. Hơn nữa, có thể là ngươi tin vào một người bình thường. Nói ngắn gọn, bởi những dạng niềm tin và thái độ khác nhau của con người đối với Đức Chúa Trời, họ đặt Đức Chúa Trời mà bản thân nhận thức được trong lòng mình, áp đặt sự tưởng tượng của mình lên Đức Chúa Trời, đặt những thái độ và sự tưởng tưởng tượng của họ về Đức Chúa Trời bên cạnh chính Đức Chúa Trời độc nhất, và sau đó, giữ vững chúng để thánh hóa. Khi con người có những thái độ không đúng đắn như thế với Đức Chúa Trời thì có nghĩa là gì? Có nghĩa là họ đã loại bỏ chính Đức Chúa Trời thật và đang thờ phượng một chúa giả; điều này chỉ ra rằng mặc dù tin Đức Chúa Trời, họ lại đang loại bỏ và chống đối Ngài, và rằng họ phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thật. Nếu con người vẫn giữ những dạng niềm tin như thế thì họ sẽ đối mặt với những hậu quả nào? Với những dạng niềm tin như thế, đời nào họ có thể tiến gần hơn nữa đến việc đáp ứng những yêu cầu của Đức Chúa Trời không? (Không, họ sẽ không thể). Trái lại, bởi những quan niệm và sự tưởng tượng của họ, họ sẽ chệch xa hơn bao giờ hết khỏi con đường của Đức Chúa Trời, bởi phương hướng mà họ tìm kiếm thì đối nghịch với phương hướng mà Đức Chúa Trời yêu cầu họ theo. Các ngươi đã bao giờ nghe câu chuyện “đi về phía nam bằng cách đánh xe ngựa về phía bắc chưa”? Đây có thể là trường hợp đi về phía nam bằng cách đánh xe ngựa về phía bắc như thế. Nếu con người tin Đức Chúa Trời theo kiểu lố bịch như thế, vậy thì ngươi càng cố gắng cật lực bao nhiêu, ngươi sẽ càng xa Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Vì vậy, Ta răn bảo các ngươi theo đó: Trước khi các ngươi bắt đầu, ngươi trước hết phải phân biệt liệu mình có thật sự đang đi đúng hướng hay không. Hãy tập trung vào những nỗ lực của mình, và chắc chắn tự hỏi mình: “Đức Chúa Trời mà tôi tin có phải là Đấng Thống Trị muôn vật không? Đức Chúa Trời mà tôi tin có phải đơn thuần là Đấng ban cho tôi sự nuôi dưỡng tinh thần không? Có phải Ngài đơn thuần là thần tượng của tôi không? Đức Chúa Trời mà tôi tin này yêu cầu gì ở tôi? Đức Chúa Trời có chấp thuận mọi điều tôi làm không? Có phải tất cả những hành động và sự theo đuổi của tôi đều phù hợp với việc cố gắng biết Đức Chúa Trời không? Chúng có hợp với những yêu cầu của Ngài với tôi không? Con đường mà tôi bước đi có được công nhận và chấp thuận bởi Đức Chúa Trời không? Ngài có thỏa mãn với đức tin của tôi không?” Ngươi nên thường xuyên tự hỏi mình những câu hỏi này lặp đi lặp lại. Nếu ngươi muốn tìm kiếm kiến thức về Đức Chúa Trời, vậy thì ngươi phải có nhận thức rõ ràng và những mục tiêu rõ ràng trước khi có thể thành công trong việc đáp ứng Ngài.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời hằng ngày  Trích đoạn 197

Thái độ mà Đức Chúa Trời yêu cầu nhân loại có đối với Ngài

Thật ra, Đức Chúa Trời không quá đòi hỏi ở nhân loại – hoặc, chí ít, Ngài không đòi hỏi như con người tưởng tượng. Nếu Đức Chúa Trời đã không phán lời nào, và nếu Ngài đã không bày tỏ tâm tính Ngài hay bất kỳ hành động nào, vậy thì việc biết Đức Chúa Trời sẽ cực kỳ khó đối với các ngươi, bởi con người sẽ phải phỏng đoán ý định và ý muốn của Ngài; điều này sẽ rất khó thực hiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn công tác sau cùng của Ngài, Đức Chúa Trời đã phán nhiều lời, thực hiện một lượng công việc rất lớn, và đưa ra nhiều yêu cầu với con người. Trong những lời Ngài, và lượng công việc rất lớn của Ngài, Ngài đã cho con người biết về những gì Ngài thích, những gì Ngài ghê tởm, và về dạng người mà con người nên trở thành. Sau khi hiểu những điều này, con người nên có một định nghĩa chính xác trong lòng mình về những yêu cầu của Đức Chúa Trời, bởi họ không tin vào Đức Chúa Trời trong sự mơ hồ và không còn tin vào một Đức Chúa Trời mơ hồ nữa, họ cũng không có đức tin vào Đức Chúa Trời giữa sự mơ hồ hay hư không nữa. Đúng hơn, họ có thể nghe những lời phán của Ngài, hiểu các tiêu chuẩn cho những yêu cầu của Ngài, đạt được chúng, và Đức Chúa Trời dùng ngôn ngữ của nhân loại để nói với họ tất cả những điều họ nên biết và hiểu. Ngày nay, nếu con người vẫn không hay biết về việc Đức Chúa Trời là gì và Ngài yêu cầu gì đối với họ; nếu họ không biết tại sao người ta nên tin vào Đức Chúa Trời, cũng không biết nên tin vào Đức Chúa Trời hay cư xử với Ngài như thế nào – vậy thì điều này có vấn đề. … Những yêu cầu đúng đắn của Đức Chúa Trời với nhân loại và những người theo Đức Chúa Trời như sau. Ngài yêu cầu năm điều ở những người theo Ngài: niềm tin thật, trung thành theo sau, quy phục tuyệt đối, kiến thức xác thực, và thành tâm tôn kính.

Trong năm điều này, Đức Chúa Trời yêu cầu rằng con người không còn nghi ngờ Ngài hay theo Ngài bằng những sự tưởng tượng hay những quan điểm mơ hồ và trừu tượng của họ nữa; họ không được theo Đức Chúa Trời dựa trên bất kỳ sự tưởng tượng hay quan niệm nào. Ngài yêu cầu rằng từng người một trong số những người theo Ngài phải làm như vậy một cách trung thành, không nửa vời hay không có sự cam kết. Khi Đức Chúa Trời đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về ngươi, thử luyện ngươi, phán xét ngươi, xử lý ngươi và tỉa sửa ngươi, hay sửa dạy và đánh đập ngươi, ngươi nên quy phục Ngài tuyệt đối. Ngươi không nên hỏi nguyên nhân hay đưa ra điều kiện, càng không nên nói lý. Sự vâng phục của ngươi phải tuyệt đối. Kiến thức về Đức Chúa Trời là lĩnh vực mà người ta thiếu nhất. Họ thường áp đặt lên Đức Chúa Trời những câu nói, lời phán, và từ ngữ không liên quan đến Ngài, tin rằng những lời đó là định nghĩa chính xác nhất cho kiến thức về Đức Chúa Trời. Họ không mấy biết được rằng những câu nói này, điều đến từ trí tưởng tượng của con người, lý luận và kiến thức của riêng họ, lại không có chút liên quan nào với thực chất của Đức Chúa Trời. Như thế, Ta muốn nói với các ngươi rằng, khi nói đến kiến thức mà Đức Chúa Trời mong muốn con người có được, Ngài không đơn thuần yêu cầu rằng ngươi công nhận Ngài và những lời Ngài, mà kiến thức của Ngươi về Ngài cũng phải đúng. Ngay cả khi ngươi chỉ có thể nói một câu, hay chỉ nhận biết được một chút, thì một chút nhận biết này là đúng và thật, và tương hợp với thực chất của chính Đức Chúa Trời. Điều này là vì Đức Chúa Trời khinh ghét bất kỳ sự tán dương hay ca ngợi nào về Ngài mà không thực tế hay không được cân nhắc kỹ. Hơn thế, Ngài căm ghét khi con người đối xử với Ngài như hư không. Ngài căm ghét khi, trong lúc thảo luận những đề tài về Đức Chúa Trời, con người nói mà không quan tâm đến những sự thật, nói tùy tiện và không chút do dự, nói theo bất cứ cách nào tùy ý; hơn nữa, Ngài căm ghét những người tin rằng họ biết Đức Chúa Trời và khoác lác về kiến thức của họ về Ngài, thảo luận những đề tài liên quan đến Ngài mà không gượng gạo cũng không e dè. Điều sau cùng trong năm yêu cầu đã đề cập bên trên là thành tâm tôn kính: Đây là yêu cầu tối thượng của Đức Chúa Trời đối với tất cả những người theo Ngài. Khi ai đó sở hữu một kiến thức đúng và thật về Đức Chúa Trời, họ có thể thật sự tôn kính Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Sự tôn kính này đến từ sâu thẳm trong lòng họ; sự tôn kính này được dâng một cách sẵn lòng, và không phải là kết quả của sức ép từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không yêu cầu ngươi dâng Ngài món quà bằng bất kỳ thái độ, hạnh kiểm, hay cách hành xử tốt bên ngoài nào; đúng hơn, Ngài yêu cầu ngươi tôn kính Ngài và kính sợ Ngài tận sâu thẳm trong lòng ngươi. Sự tôn kính như thế đạt được là kết quả của những sự thay đổi tâm tính sống của ngươi, của việc đạt được kiến thức về Đức Chúa Trời và một sự hiểu biết về những hành động của Đức Chúa Trời, của việc bắt đầu hiểu thực chất của Đức Chúa Trời, và của việc ngươi công nhận sự thật rằng mình là một trong những tạo vật của Đức Chúa Trời. Vì lẽ ấy, mục tiêu của Ta trong việc dùng từ “thành tâm” để định nghĩa sự tôn kính ở đây là nhằm để con người hiểu rằng sự tôn kính của họ đối với Đức Chúa Trời nên đến từ đáy lòng họ.

Bây giờ hãy xem xét năm yêu cầu đó: Có bất kỳ ai trong các ngươi có khả năng đạt được ba yêu cầu đầu tiên không? Nói như thế, Ta đang ám chỉ niềm tin thật, trung thành theo sau, và quy phục tuyệt đối. Có bất kỳ ai trong các ngươi có khả năng với những điều này không? Ta biết rằng nếu Ta nói hết cả năm, chắc chắn sẽ không ai trong các ngươi có thể cả, nhưng Ta đã giảm con số xuống còn ba. Hãy nghĩ về việc liệu các ngươi đã đạt được những điều này hay chưa. “Niềm tin thật” có dễ đạt được không? (Không, không dễ). Điều này không dễ, bởi nhiều người thường nghi ngờ Đức Chúa Trời. Và còn “trung thành theo sau” thì sao? “Trung thành” này ám chỉ điều gì? (Không phải là nửa vời, mà thay vào đó là hết lòng). Không phải là nửa vời, mà là hết lòng. Các ngươi nói trúng rồi đấy! Vậy thì, các ngươi có khả năng đạt được yêu cầu này không? Các ngươi phải cố gắng cật lực hơn, phải không? Hiện tại, các ngươi chưa thành công với yêu cầu này. “Quy phục tuyệt đối” thì sao – các ngươi có đạt được điều đó chưa? (Chưa). Các ngươi cũng chưa đạt được điều đó. Các ngươi thường xuyên bất tuân và phản nghịch; các ngươi thường không lắng nghe, không muốn vâng phục, hoặc không muốn nghe. Đây là ba yêu cầu cơ bản nhất mà con người đáp ứng sau khi đạt được lối vào sự sống, nhưng các ngươi chưa đạt được chúng. Như vậy, tại thời điểm này, các ngươi có tiềm năng rất lớn không? Hôm nay, khi đã nghe Ta phán những lời này, các ngươi có cảm thấy lo ngại không? (Có). Đúng là các ngươi nên cảm thấy lo ngại. Đừng cố gắng tránh né việc cảm thấy lo ngại. Ta cảm thấy lo ngại thay cho các ngươi. Ta sẽ không đi vào hai yêu cầu kia; không nghi ngờ gì, không ai ở đây có khả năng đạt được chúng. Các ngươi đang lo ngại. Vậy thì, các ngươi đã xác định được những mục tiêu của mình chưa? Các ngươi nên theo đuổi và tận hiến những nỗ lực của mình cho những mục tiêu nào và theo hướng nào? Các ngươi có một mục tiêu không? Để Ta nói đơn giản: Một khi các ngươi đã đạt được năm yêu cầu này, các ngươi sẽ làm thỏa lòng Đức Chúa Trời. Mỗi yêu cầu trong số đó là một chỉ số, cũng như là mục tiêu sau cùng, cho sự chín muồi trong việc bước vào sự sống của một người. Ngay cả khi Ta chỉ chọn một trong những yêu cầu này để nói chi tiết, và yêu cầu các ngươi đáp ứng nó, thì cũng sẽ không dễ để đạt được; các ngươi phải chịu được một mức độ gian khổ nhất định và bỏ ra một lượng nỗ lực nhất định. Các ngươi nên có dạng tâm lý gì? Đó nên giống như tâm lý của một bệnh nhân ung thư đang đợi lên bàn mổ. Tại sao Ta lại nói điều này? Nếu ngươi ao ước tin vào Đức Chúa Trời, và nếu ngươi muốn đạt được Đức Chúa Trời và đạt được sự hài lòng của Ngài, vậy thì trừ khi ngươi chịu được một mức độ đau khổ nhất định và bỏ ra một lượng nỗ lực nhất định, nếu không thì ngươi sẽ không thể đạt được những điều này. Các ngươi đã nghe nhiều bài giảng, nhưng chỉ nghe thôi thì không có nghĩa là bài giảng này là của ngươi; ngươi phải tiếp thu nó và biến nó thành điều thuộc về ngươi. Ngươi phải đồng hóa nó vào đời sống của mình và đưa nó vào sự tồn tại của mình, cho phép những lời lẽ và sự giáo huấn này dẫn đường cho ngươi sống, mang giá trị và ý nghĩa của sự tồn tại vào đời sống của ngươi. Khi điều đó xảy ra, việc ngươi nghe những lời này sẽ là xứng đáng. Nếu những lời Ta phán không mang lại bất kỳ sự tiến bộ nào trong đời sống của ngươi hay thêm bất kỳ giá trị nào vào sự tồn tại của ngươi, vậy thì việc các ngươi lắng nghe chúng chẳng nghĩa lý gì. Các ngươi hiểu điều này, đúng không? Khi đã hiểu được, điều gì xảy ra tiếp theo là tùy ở các ngươi. Các ngươi phải đứng lên hành động! Các ngươi phải sốt sắng trong mọi sự! Đừng lộn xộn; thời gian đang vụt qua! Hầu hết các ngươi đã tin Đức Chúa Trời hơn một thập kỷ. Hãy nhìn lại mười năm qua: Các ngươi đã đạt được bao nhiêu? Và các ngươi còn lại bao nhiêu thập kỷ để sống cuộc đời này? Các ngươi không còn nhiều. Hãy quên việc liệu công tác của Đức Chúa Trời có chờ đợi ngươi hay không, Ngài có để lại cho ngươi cơ hội nào không, hay Ngài có làm công tác như vậy lần nữa không – đừng nói về những điều này. Ngươi có thể quay ngược thời gian mười năm qua của cuộc đời mình không? Với mỗi ngày trôi qua, và với mỗi bước ngươi đi, ngươi lại có ít hơn một ngày. Thời gian không chờ một ai! Ngươi sẽ chỉ gặt hái được từ đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời nếu ngươi đến với nó như điều vĩ đại nhất trong sự sống của mình, quan trọng hơn cả cái ăn, cái mặc hay bất kỳ thứ gì khác. Nếu ngươi chỉ tin khi mình có thời gian, và không có khả năng dành toàn bộ sự chú ý cho đức tin của mình, và nếu ngươi luôn bị sa lầy trong mớ hỗn độn, vậy thì ngươi sẽ không đạt được gì cả.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất X, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Trước: Biết đến Đức Chúa Trời IV

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger