Những lời về việc nhận thức công tác và tâm tính của Đức Chúa Trời

Trích đoạn 19

Hầu hết mọi người không hiểu công tác của Đức Chúa Trời, nên đức tin của họ quá nhỏ bé. Biết được công tác của Đức Chúa Trời không phải là chuyện dễ; trước hết, người ta phải biết rằng mọi công tác của Đức Chúa Trời đều có kế hoạch và tất thảy được thực hiện theo thời điểm Đức Chúa Trời định. Con người vĩnh viễn không thể hiểu thấu được Đức Chúa Trời làm gì và làm khi nào; Đức Chúa Trời làm một số công tác nhất định vào một thời điểm nhất định, và Ngài không trì hoãn; không ai có thể phá hủy công tác của Ngài. Làm việc theo kế hoạch của Ngài và theo ý định của Ngài là nguyên tắc mà Ngài thực hiện công tác của Ngài, và không ai có thể thay đổi điều này. Ở đó, ngươi sẽ thấy tâm tính của Đức Chúa Trời. Công tác của Đức Chúa Trời không chờ đợi ai, và khi đến thời điểm thực hiện công tác nào đó thì công tác đó phải được hoàn thành. Các ngươi đều đã trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời trong mấy năm qua. Ai có thể phá hoại cách Ngài cung dưỡng cho con người, ai có thể ngăn Ngài phán lời khi Ngài cần nói và ai có thể ngăn Ngài thực hiện công tác khi nó cần được thực hiện chứ? Khi mới bắt đầu rao truyền phúc âm, hầu hết mọi người phân phát sách lời Đức Chúa Trời cho người ở các nhà thờ và người trong tôn giáo. Kết quả thế nào? Rất ít người tìm hiểu công tác của Đức Chúa Trời, mà hầu hết họ đều phỉ báng, phán xét và đầy thù địch. Có người đốt sách, có người tịch thu sách, có người đánh đập những ai rao truyền phúc âm, ép họ nhận tội, thậm chí có người còn gọi cảnh sát để bắt giữ và bách hại họ. Vào lúc đó, mọi giáo phái đều điên cuồng chống đối, nhưng cuối cùng, phúc âm vương quốc vẫn được rao truyền khắp Trung Quốc đại lục. Ai có thể phá hoại việc tiến hành ý chỉ của Đức Chúa Trời chứ? Ai có thể cản trở sự mở mang phúc âm vương quốc của Đức Chúa Trời chứ? Chiên của Đức Chúa Trời thì nghe tiếng Ngài, những ai nên được Đức Chúa Trời thu phục thì sớm hay muộn cũng sẽ được thu phục. Đây là chuyện mà không ai phá hoại được. Cũng như có câu trong sách Châm ngôn: “Lòng của vua ở trong tay Ðức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn” (Châm ngôn 21:1), huống gì những kẻ vô danh tiểu tốt? Đức Chúa Trời có kế hoạch và sự an bài của Ngài về thời điểm Ngài thực hiện công tác nào. Có người luôn xét đoán rằng Đức Chúa Trời không thể làm việc này việc kia, nhưng đó chỉ là tưởng tượng của con người mà thôi. Cho dù con người phá hoại đến thế nào, cho dù Sa-tan gây nhiễu loạn đến đâu, cũng chẳng có tác dụng gì cả, và chúng sẽ không thể cản trở công tác của Đức Chúa Trời. Công tác của Đức Thánh Linh quyết định mọi sự, và không có công tác của Đức Thánh Linh thì người ta chẳng thành tựu được gì. Đối với chuyện này, con người phải có dạng lý trí nào? Khi người ta nhận ra Đức Thánh Linh không công tác, họ phải buông bỏ những quan niệm của mình và phải cẩn trọng đừng làm việc gì mù quáng. Chọn lựa khôn ngoan chính là tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời và chờ thời điểm của Ngài. Có người luôn dựa vào những quan niệm và tưởng tượng của con người mà chạy trước Đức Chúa Trời, kết quả là Đức Thánh Linh không công tác và nỗ lực của họ chỉ là công dã tràng. Tuy nhiên, người ta phải làm những gì mình nên làm, phải thực hiện được bổn phận của mình. Ngươi không thể thụ động chờ đợi vì sợ sẽ làm sai gì đó, ngươi càng không được nói: “Đức Chúa Trời chưa làm việc này, Đức Chúa Trời chưa phán rằng Ngài muốn tôi làm gì, nên hiện giờ, tôi sẽ không làm gì cả”. Đây chẳng phải là không thực hiện được bổn phận của mình sao? Ngươi phải nghĩ cho thông chuyện này, vì nó không phải là chuyện nhỏ, và chỉ cần một sai sót trong suy nghĩ đã có thể gây hại cho tiền đồ của ngươi hoặc hủy hoại ngươi.

Trong kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời, bất kỳ công tác nào Đức Chúa Trời làm thì đều làm theo lịch trình, vào đúng thời điểm, cực kỳ chính xác, tuyệt đối không theo tưởng tượng của những người nói rằng: “Thế này không được, thế kia không được, sẽ chẳng được gì đâu!”. Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, với Ngài không có gì là khó thành cả. Từ Thời đại Luật pháp, qua Thời đại Ân điển, cho đến Thời đại Vương quốc, mỗi một bước công tác của Đức Chúa Trời đều đi ngược lại với quan niệm của con người vốn nghĩ là việc đó bất khả thi. Dù vậy, cuối cùng tất cả đều thành sự, Sa-tan hoàn toàn thất bại và bị hạ nhục, con người thì phải che miệng. Con người có thể làm gì đây? Họ còn không thể thực hành lẽ thật, thế mà vẫn có thể kiêu ngạo, tự đại và nghĩ rằng việc gì mình cũng làm được, lòng họ đầy những dục vọng quá đáng, họ không hề có lời chứng thực sự nào. Thậm chí còn có những người nghĩ rằng: “Ngày của Đức Chúa Trời sắp đến, chúng ta sẽ không phải chịu khổ nữa, chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp, hồi kết cận kề rồi”. Để Ta nói cho các ngươi nghe, những người như thế chỉ đang a dua và bỡn cợt, cuối cùng họ sẽ chỉ bị trừng phạt và chẳng đạt được gì! Tin Đức Chúa Trời để thấy ngày của Đức Chúa Trời và thoát khỏi đại họa thì có giúp người ta đạt được lẽ thật và sự sống không? Bất kỳ ai tin Đức Chúa Trời để hòng thoát khỏi tai họa và thấy ngày của Đức Chúa Trời, thì họ đều sẽ bị diệt vong. Nhưng những ai tin để mưu cầu lẽ thật, để được cứu rỗi nhờ sự thay đổi tâm tính thì sẽ tồn tại. Họ là những người thật sự tin Đức Chúa Trời. Những ai tin kiểu hồ đồ thì cuối cùng sẽ chẳng đạt được gì, chỉ nhọc mình vô ích và sẽ bị trừng phạt nặng hơn. Tất cả mọi người đều thiếu kiến thức nghiêm trọng. Những ai tin Đức Chúa Trời mà không lo làm nhiệm vụ của mình, luôn nghĩ về chuyện ác, thì chính là những kẻ hành ác, họ là những kẻ chẳng tin và họ chỉ tự hại mình mà thôi. Chẳng phải người tin Đức Chúa Trời và người ngoại đạo đều nằm trong tay Đức Chúa Trời sao? Ai có thể thoát khỏi tay Đức Chúa Trời chứ? Không một ai. Những ai thoát ra, cuối cùng đều phải trở về với Đức Chúa Trời và bị trừng phạt. Đây là chuyện rõ ràng, tại sao con người không thể thấy rõ được cơ chứ?

Có người tin Đức Chúa Trời Toàn Năng mà không có chút hiểu biết nào về sự toàn năng của Đức Chúa Trời. Họ luôn mãi mơ hồ về câu hỏi sau đây: “Vì Đức Chúa Trời toàn năng, có thẩm quyền, có thể tể trị vạn vật, vậy tại sao Ngài vẫn tạo ra Sa-tan, cho phép nó làm bại hoại nhân loại suốt 6.000 năm và đẩy thế gian vào tình trạng hỗn loạn? Tại sao Đức Chúa Trời không tiêu diệt Sa-tan? Nếu Sa-tan bị tiêu diệt, chẳng phải con người sẽ có đời sống tốt đẹp hơn sao?”. Hầu hết mọi người nghĩ theo cách này. Hiện tại, các ngươi có thể giải thích về vấn đề này chưa? Chuyện này liên quan đến lẽ thật về các khải tượng. Nhiều người đã suy nghĩ về câu hỏi này, nhưng giờ các ngươi đã có được nền tảng nhất định, các ngươi sẽ không nghi hoặc Đức Chúa Trời vì chuyện này. Tuy nhiên, phải xóa tan sự mơ hồ về chuyện này. Có người hỏi: “Tại sao Đức Chúa Trời để cho thiên sứ trưởng phản bội Ngài? Có lẽ nào Đức Chúa Trời không biết thiên sứ trưởng có thể phản bội Ngài sao? Đức Chúa Trời không kiểm soát được nó, Ngài cho phép nó, hay là Ngài có mục đích gì đó?”. Người ta đặt câu hỏi này cũng là chuyện bình thường, và họ nên biết rằng câu hỏi này liên quan đến toàn bộ kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời an bài cho thiên sứ trưởng tồn tại và sự phản bội của thiên sứ trưởng được Đức Chúa Trời cho phép và an bài, chắc chắn là chuyện này nằm trong phạm vi kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cho phép thiên sứ trưởng, sau khi phản bội Ngài, được làm bại hoại nhân loại mà Ngài tạo dựng. Không phải Đức Chúa Trời không khống chế được Sa-tan cho nên nhân loại mới bị con rắn mê hoặc và bị Sa-tan làm cho bại hoại, mà là chính Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan làm việc đó. Chỉ sau khi cho phép Sa-tan làm việc này, Đức Chúa Trời mới mở ra kế hoạch quản lý của Ngài và công tác cứu rỗi nhân loại của Ngài. Con người có thể dò thấu lẽ mầu nhiệm trong chuyện này không? Khi nhân loại đã bị Sa-tan làm cho bại hoại rồi, lúc đó Đức Chúa Trời mới bắt đầu công tác quản lý nhân loại của Ngài. Trước hết, Ngài thực hiện công tác của Thời đại Luật pháp ở Y-sơ-ra-ên. Sau hai ngàn năm, Ngài thực hiện công tác chịu đóng đinh lên thập tự giá trong Thời đại Ân điển, và toàn thể nhân loại được cứu chuộc. Đến thời kỳ sau rốt, Ngài nhập thể để chinh phục và cứu rỗi một nhóm người trong thời kỳ sau rốt. Những người được sinh ra trong thời kỳ sau rốt là dạng người nào? Họ là những người đã trải qua hàng ngàn năm bị Sa-tan làm cho bại hoại, đã bị làm bại hoại sâu sắc đến nỗi không còn hình tượng giống con người. Sau khi trải nghiệm sự phán xét, hành phạt và phơi bày của lời Đức Chúa Trời, sau khi được chinh phục, họ đạt được lẽ thật từ trong lời Đức Chúa Trời và tâm phục khẩu phục Đức Chúa Trời, họ đạt được nhận thức về Đức Chúa Trời, có thể tuyệt đối vâng phục Ngài và làm thỏa mãn ý muốn của Ngài. Cuối cùng, nhóm người được thu phục thông qua kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời sẽ là những người như vậy. Các ngươi nói xem, ai sẽ thỏa mãn ý muốn của Đức Chúa Trời, những người chưa bị Sa-tan làm bại hoại hay là những người đã bị Sa-tan làm cho bại hoại và cuối cùng được cứu rỗi? Những người được thu phục xuyên suốt quá trình của toàn bộ kế hoạch quản lý là một nhóm người có thể hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời, đạt được lẽ thật từ Đức Chúa Trời, và có dạng sự sống và hình tượng giống con người mà Đức Chúa Trời yêu cầu. Khi nhân loại mới được Đức Chúa Trời tạo dựng, họ đơn thuần chỉ có hình tượng giống con người và sự sống của con người. Nhưng họ không có lẽ thật mà Đức Chúa Trời yêu cầu nơi con người và họ không thể sống thể hiện ra hình tượng mà Đức Chúa Trời luôn hy vọng con người sẽ có. Nhóm người cuối cùng sẽ được thu phục là những người sẽ trụ lại đến cùng, đây là những người mà Đức Chúa Trời thu phục, những người mà Ngài yêu mến và là những người làm thỏa lòng Ngài. Qua quá trình hàng ngàn năm của công tác quản lý, những người mà cuối cùng Đức Chúa Trời cứu rỗi đã thu được nhiều nhất, lẽ thật mà những người này đạt được chính xác là sự chăm tưới và cung dưỡng mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ qua cuộc chiến của Ngài với Sa-tan. Những người trong nhóm này tốt hơn những người mà Đức Chúa Trời tạo dựng thuở ban đầu; cho dù họ đã bị làm cho bại hoại, đây là chuyện tất nhiên, và đây là chuyện nằm trong phạm vi kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời. Điều này thể hiện trọn vẹn sự toàn năng và khôn ngoan của Đức Chúa Trời, cũng như cho thấy sự thật rằng mọi sự Đức Chúa Trời đã an bài, lên kế hoạch và thành tựu đều là những điều tốt nhất. Nếu sau này có ai lại hỏi ngươi: “Nếu Đức Chúa Trời toàn năng, sao thiên sứ trưởng vẫn có thể phản bội Ngài? Rồi Đức Chúa Trời còn đày nó xuống trần gian, cho nó làm bại hoại nhân loại ở đó. Chuyện này có ý nghĩa gì chứ?”, thì ngươi có thể nói rằng: “Chuyện này nằm trong sự tiền định của Đức Chúa Trời và là chuyện có ý nghĩa nhất. Con người không thể dò thấu hết chuyện này, nhưng từ mức độ mà con người lĩnh hội được và vươn tới được, thì có thể thấy rằng việc Đức Chúa Trời làm rất đỗi ý nghĩa. Chắc chắn không phải là Đức Chúa Trời có lúc nhất thời thất thủ hay là mất quyền kiểm soát và không có cách nào để quản lý mọi sự rồi Ngài tương kế tựu kế, nói rằng: ‘Đằng nào thiên sứ trưởng cũng đã phản bội, nên có lẽ Ta cứ thuận theo đó, Ta sẽ chỉ cứu rỗi nhân loại sau khi họ đã bị nó làm cho bại hoại’. Tuyệt đối chuyện không phải như vậy”. Người ta chí ít phải biết rằng chuyện này nằm trong phạm vi kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời. Là kế hoạch gì? Ở giai đoạn thứ nhất, có thiên sứ trưởng, ở giai đoạn thứ hai, thiên sứ trưởng phản bội, ở giai đoạn thứ ba, sau khi thiên sứ trưởng phản bội, nó đến giữa nhân loại để làm cho họ bại hoại, rồi Đức Chúa Trời bắt đầu thực hiện công tác quản lý nhân loại của Ngài. Khi tin Đức Chúa Trời, người ta phải hiểu được khải tượng về kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời. Có người không bao giờ hiểu được phương diện này của lẽ thật, cảm thấy rằng có quá nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được. Không hiểu nên họ cảm thấy không chắc chắn, và nếu không chắc chắn thì họ không có sức lực để tiến lên. Không có lẽ thật thì khó mà tiến bộ, nên khi những người không tìm kiếm lẽ thật gặp phải vấn đề gì thì sẽ rất khó khăn cho họ. Mối thông công này đã giúp các ngươi hiểu ra chưa? Chỉ sau khi thiên sứ trưởng phản bội, Đức Chúa Trời mới có kế hoạch quản lý để cứu rỗi con người. Thiên sứ trưởng bắt đầu phản bội khi nào? Chắc chắn có điều gì đó vạch trần sự phản bội của nó, có một quá trình trong sự phản bội của thiên sứ trưởng, chắc chắn nó không thể đơn giản như những gì được ghi chép lại. Nó cũng như chuyện Giu-đa phản bội Jêsus, chuyện này có một quá trình. Hắn không phản bội Jêsus ngay sau khi theo Ngài. Giu-đa không yêu lẽ thật, hắn tham lam tiền bạc và luôn trộm tiền để tiêu. Đức Chúa Trời giao hắn cho Sa-tan, Sa-tan cho hắn ý niệm, rồi hắn bắt đầu phản bội Jêsus. Giu-đa đã sa đọa từng bước một và trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi thời điểm đến, thì hắn phản bội Jêsus. Có quy luật thông thường cho sự sa đọa của con người, và nó không đơn giản như người ta tưởng tượng. Hiện tại, người ta chỉ có thể hiểu những chuyện trong kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời đến mức độ này, đợi đến khi vóc giạc của con người lớn lên, họ sẽ có thể lĩnh hội ý nghĩa của nó một cách sâu sắc hơn.

Trích đoạn 20

Toàn thể nhân loại bại hoại đều có bản tính Sa-tan. Hết thảy đều có tâm tính Sa-tan và có thể phản bội Đức Chúa Trời mọi nơi mọi lúc. Có người hỏi: “Đức Chúa Trời tạo dựng con người, và họ ở trong tay Ngài. Tại sao Đức Chúa Trời không bảo vệ con người mà lại để cho họ phản bội Ngài? Đức Chúa Trời không toàn năng sao?”. Hỏi như vậy đấy. Ngươi có thể thấy câu hỏi này có vấn đề gì không? Đức Chúa Trời có khía cạnh toàn năng và cũng có khía cạnh thực tế. Dù không bị Sa-tan làm cho bại hoại, con người vẫn có thể phản bội Đức Chúa Trời. Về chuyện phải thờ phượng Đức Chúa Trời thế nào, làm sao để từ bỏ Sa-tan, không kết giao với Sa-tan, và làm sao để quy phục Đức Chúa Trời, con người không có ý chí chủ quan tự thân. Đức Chúa Trời có lẽ thật, sự sống và đường đi, Đức Chúa Trời không thể bị xúc phạm… Con người thì không có những điều này trong mình. Họ không nhìn thấu những thứ trong bản tính Sa-tan và không hiểu được chút lẽ thật nào, nên họ có thể phản bội Đức Chúa Trời mọi nơi mọi lúc. Hơn nữa, sau khi bị Sa-tan làm cho bại hoại, con người có những thứ của Sa-tan trong mình, và họ càng dễ phản bội Đức Chúa Trời. Vấn đề là thế. Nếu ngươi chỉ có thể nhìn thấy khía cạnh thực tế của Đức Chúa Trời mà không thấy được khía cạnh toàn năng của Ngài, thì ngươi sẽ dễ phản bội Đức Chúa Trời và xem Đấng Christ là một con người bình thường, ngươi sẽ không biết làm sao Ngài có thể bày tỏ vô vàn lẽ thật để cứu rỗi nhân loại. Nếu ngươi chỉ thấy khía cạnh toàn năng của Đức Chúa Trời mà không thấy được khía cạnh thực tế của Ngài, ngươi cũng sẽ dễ chống đối Ngài. Nếu ngươi không thấy được cả hai khía cạnh này, ngươi càng dễ chống đối Đức Chúa Trời hơn nữa. Do đó, nhận thức Đức Chúa Trời chẳng phải là chuyện khó nhất trên đời sao? Người ta càng nhận thức Đức Chúa Trời thì càng hiểu được những ý định của Ngài, hiểu rằng mọi sự Đức Chúa Trời làm đều có ý nghĩa. Nếu người ta thật sự nhận thức Đức Chúa Trời thì họ có thể đạt được những kết quả này. Mặc dù Đức Chúa Trời có khía cạnh thực tế, nhưng người ta không bao giờ có thể nhận thức Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn được. Đức Chúa Trời quá vĩ đại và hoàn toàn không thể dò lường, trong khi tư duy của con người thì có hạn. Tại sao lại nói rằng con người mãi là đứa trẻ sơ sinh trước Đức Chúa Trời? Ý là như vậy.

Khi Đức Chúa Trời phán hay làm gì đó, người ta luôn hiểu lầm: “Làm sao Đức Chúa Trời có thể làm thế? Đức Chúa Trời toàn năng mà!”. Con người luôn có những quan niệm riêng. Về chuyện Đức Chúa Trời nếm trải đau khổ nhân gian, có người nghĩ: “Chẳng phải Đức Chúa Trời toàn năng sao? Ngài cần phải nếm trải đau khổ nhân gian sao? Đức Chúa Trời không biết đau khổ nhân gian là gì sao?”. Đây là khía cạnh thực tế trong công tác của Đức Chúa Trời. Trong Thời đại Ân điển, Jêsus đã chịu đóng đinh lên thập giá để cứu chuộc nhân loại, nhưng con người không nhận thức Đức Chúa Trời và luôn nuôi quan niệm về Ngài, họ nói rằng: “Để cứu chuộc toàn thể nhân loại, Đức Chúa Trời chỉ cần bảo Sa-tan rằng ‘Ta toàn năng. Ngươi dám giữ nhân loại không chịu giao nộp cho Ta sao? Ngươi phải giao nhân loại cho Ta’. Vài lời như thế là có thể giải quyết hết mọi chuyện, lẽ nào Đức Chúa Trời không có thẩm quyền sao? Chỉ cần Đức Chúa Trời phán rằng Ngài cứu chuộc nhân loại và tha tội cho họ, thì con người sẽ không còn tội lỗi. Lẽ nào lời Đức Chúa Trời không định đoạt được những chuyện này sao? Nếu trời đất vạn vật khai sinh nhờ lời Đức Chúa Trời, vậy tại sao Ngài không giải quyết được vấn đề này? Tại sao Đức Chúa Trời phải đích thân chịu đóng đinh lên thập giá?”. Trong vấn đề này có cả khía cạnh toàn năng và khía cạnh thực tế của Đức Chúa Trời. Khía cạnh thực tế của Đức Chúa Trời đó là Đức Chúa Trời nhập thể đã chịu nhiều đau khổ trong ba mươi ba năm rưỡi sống trên địa cầu, cuối cùng bị đóng đinh lên thập giá. Ngài đã chịu nỗi thống khổ khủng khiếp nhất. Rồi Ngài phục sinh từ cõi chết và sự phục sinh của Ngài chính là khía cạnh toàn năng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không đưa ra điềm báo gì, không đổ máu hay đổ mưa để nói rằng đây là của lễ chuộc tội. Ngài không làm bất kỳ việc gì như thế, mà thay vào đó, Ngài đích thân trở nên xác thịt để cứu chuộc nhân loại và chịu đóng đinh lên thập giá, để cho nhân loại biết đến việc làm này. Nhờ việc làm này, nhân loại bắt đầu biết rằng Đức Chúa Trời thật sự đã cứu rỗi con người và đây chính là bằng chứng. Dù sự nhập thể nào thực hiện công tác hay là Thần có trực tiếp thực hiện công tác hay không, tất cả đều cần thiết. Điều này nghĩa là khi hành động theo cách này, công tác mới có giá trị nhất và ý nghĩa nhất, và chỉ khi thực hiện theo cách này, con người mới thu được lợi ích từ đó. Đó là bởi toàn thể nhân loại là đối tượng quản lý của Đức Chúa Trời. Trước đây, Ta đã phán rằng đây chính là mở cuộc chiến với Sa-tan và hạ nhục nó. Và thật ra thì chẳng phải cuối cùng điều này tốt cho con người sao? Với con người, đây là điều đáng tưởng nhớ, là điều giá trị và ý nghĩa nhất, bởi vì điều Đức Chúa Trời muốn làm thành chính là những người được sinh ra từ trong hoạn nạn với nhận thức về Đức Chúa Trời, những người đã được Đức Chúa Trời hoàn thiện và đã từng bị Sa-tan làm bại hoại. Do đó, công tác này chắc chắn phải được thực hiện theo cách này. Phương thức Đức Chúa Trời dùng trong mọi giai đoạn công tác của Ngài được quyết định dựa trên nhu cầu của nhân loại. Công tác của Đức Chúa Trời chắc chắn không được thực hiện bằng những phương thức tùy tiện. Nhưng con người có sự lựa chọn và quan niệm riêng của họ. Về việc Jêsus chịu đóng đinh lên thập giá, người ta nghĩ: “Chuyện Đức Chúa Trời chịu đóng đinh lên thập giá thì liên quan gì đến chúng ta?”. Họ nghĩ là chẳng liên quan gì, nhưng Đức Chúa Trời đã phải chịu đóng đinh lên thập giá để cứu rỗi nhân loại. Chịu đóng đinh lên thập giá là nỗi thống khổ tột cùng nhất thời đó, liệu Thần có thể chịu đóng đinh lên thập giá được không? Thần không thể bị đóng đinh lên thập giá và không thể là hình bóng của Đức Chúa Trời, càng không thể đổ máu và qua đời. Chỉ có sự nhập thể mới có thể chịu đóng đinh lên thập giá, đây là bằng chứng của của lễ chuộc tội. Xác thịt Ngài mặc lấy hình tượng giống xác thịt tội lỗi và gánh chịu đau khổ vì nhân loại. Thần không thể chịu đau khổ vì nhân loại, càng không thể chuộc tội cho nhân loại. Jêsus đã chịu đóng đinh lên thập giá vì nhân loại. Đây là khía cạnh thực tế của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có thể làm việc này và yêu thương con người theo cách này, trong khi con người không thể. Đây chính là khía cạnh toàn năng của Đức Chúa Trời.

Mọi việc Đức Chúa Trời làm đều có phương diện toàn năng và phương diện thực tế của Ngài. Sự toàn năng của Đức Chúa Trời là bản chất của Ngài, và sự thực tế của Ngài cũng là bản chất của Ngài; hai phương diện này không thể tách rời. Việc Đức Chúa Trời hành sự một cách thực tế và thiết thực là khía cạnh thực tế của Ngài, và việc Ngài có thể công tác theo cách này cũng cho thấy khía cạnh toàn năng của Ngài. Ngươi không thể nói: “Bởi vì Đức Chúa Trời công tác một cách thực tế, nên Ngài thực tế, Ngài chỉ có khía cạnh thực tế chứ không có khía cạnh toàn năng”; nếu ngươi nói như thế, thì nó sẽ trở thành quy điều. Đây là khía cạnh thực tế, nhưng cũng có khía cạnh toàn năng nữa. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời làm đều chứa đựng cả hai phương diện – sự toàn năng của Ngài và sự thực tế của Ngài – và tất cả những gì Ngài làm đều dựa trên thực chất của Ngài; đây là sự thể hiện của tâm tính Ngài, cũng như sự tỏ lộ thực chất của Ngài và Ngài là gì. Người ta nghĩ rằng trong Thời đại Ân điển, Đức Chúa Trời thương xót và yêu thương, nhưng Ngài vẫn có sự thịnh nộ và sự phán xét. Đức Chúa Trời rủa sả những người Pha-ri-si và toàn thể dân Do Thái, đây chẳng phải là sự thịnh nộ và sự công chính của Ngài sao? Ngươi không thể nói rằng Đức Chúa Trời trong Thời đại Ân điển chỉ có thương xót và yêu thương, rằng Ngài căn bản không thịnh nộ, không phán xét, không rủa sả. Nói như thế cho thấy con người không hiểu về công tác của Đức Chúa Trời. Toàn bộ công tác của Đức Chúa Trời trong Thời đại Ân điển đều là sự biểu lộ tâm tính Ngài. Mọi sự Đức Chúa Trời đã làm mà con người thấy được đều để chứng minh rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời và Ngài toàn năng, rằng chính Ngài có thực chất của Đức Chúa Trời. Có phải công tác phán xét và hành phạt của Đức Chúa Trời trong giai đoạn hiện tại nghĩa là Ngài không yêu thương và thương xót không? Không. Nếu ngươi tổng kết thực chất của Đức Chúa Trời chỉ trong một câu, một lời, thì ngươi quá kiêu ngạo và tự cho mình là đúng, vô tri và ngu muội, và nó cho thấy ngươi không nhận thức Đức Chúa Trời. Có người nói: “Nói cho chúng tôi biết sự thật về việc biết Đức Chúa Trời với, giải thích rõ ràng giúp chúng tôi với”. Người biết Đức Chúa Trời sẽ nói gì? Họ sẽ nói: “Nhận thức Đức Chúa Trời là chuyện quá thâm sâu đến nỗi tôi không thể giải thích rõ ràng trong vài câu được. Tôi có nói thế nào anh cũng không thể hiểu được. Chỉ cần hiểu ý chính là đủ rồi. Người ta không bao giờ có thể hiểu thấu Đức Chúa Trời được”. Người kiêu ngạo không biết về Đức Chúa Trời sẽ nói: “Tôi biết Ngài là dạng Đức Chúa Trời gì, tôi thật sự hiểu Ngài”. Đây chẳng phải là khoác lác sao? Bất kỳ ai nói như thế đều kiêu ngạo tột cùng! Có những chuyện mà nếu con người không trải nghiệm và không thấy được vài sự thực, thì họ không thể thật sự nhận thức hay cảm nghiệm được, nên họ cảm thấy rằng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời khá là trừu tượng. Người không biết thì chỉ nghe một dạng phát ngôn, hiểu lôgic của nó, nhưng lại không hiểu được nó. Ngươi không hiểu nó đâu có nghĩa nó không phải là lẽ thật. Với những người không có trải nghiệm thì nó có vẻ trừu tượng, nhưng thật ra nó không hề trừu tượng. Nếu thật sự có trải nghiệm, người ta sẽ có thể soi bối cảnh của mình vào lời Đức Chúa Trời tương ứng và áp dụng, đưa chúng vào thực hành. Hiểu lẽ thật chính là như vậy. Nếu ngươi chỉ lắng nghe ý nghĩa câu chữ của lời Đức Chúa Trời mà không có nhận thức thực tế, thì ngươi có thể hiểu lẽ thật không? Ngươi phải đưa lời Đức Chúa Trời vào thực hành và trải nghiệm mới được. Hiểu lẽ thật không phải là chuyện đơn giản.

Trong Thời đại Ân điển, Đức Chúa Trời cứu chuộc hết thảy nhân loại. Đây là khía cạnh toàn năng của Đức Chúa Trời và sự toàn năng của Ngài bao gồm toàn bộ công tác thực tế của Ngài. Bằng cách thực hiện công tác của Ngài để chinh phục con người, toàn thể nhân loại phủ phục trước Đức Chúa Trời và có thể tiếp nhận Ngài. Nếu con người nói về sự toàn năng và sự thực tế của Đức Chúa Trời một cách riêng rẽ, thì họ sẽ không thể hiểu thấu được chúng. Để biết Đức Chúa Trời, ngươi phải kết hợp nhận thức về hai khía cạnh toàn năng và thực tế của Ngài, chỉ khi đó ngươi mới có thể đạt được kết quả. Việc Đức Chúa Trời có thể thực hiện công tác của Ngài một cách thực tế và thiết thực, có thể làm tinh sạch và giải quyết sự bại hoại của nhân loại bằng cách bày tỏ lẽ thật, cũng như việc Ngài có thể trực tiếp dẫn dắt con người, những điều này thể hiện khía cạnh thực tế của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời bày tỏ tâm tính của chính Ngài và Ngài là gì, Ngài có thể làm bất kỳ công tác nào mà con người không thể làm được; từ chuyện này có thể thấy được khía cạnh toàn năng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời thực hiện thẩm quyền để đưa những gì Ngài phán vào hiện thực, làm cho những mệnh lệnh của Ngài vững vàng, và khiến những gì Ngài phán được thực hiện. Khi Đức Chúa Trời phán, sự toàn năng của Ngài được thể hiện. Đức Chúa Trời tể trị muôn vật, vận dụng Sa-tan để phục vụ cho Ngài, sắp xếp những hoàn cảnh để thử luyện và tinh luyện con người, làm tinh sạch và biến đổi tâm tính họ. Tất cả những điều này thể hiện phương diện toàn năng của Đức Chúa Trời. Thực chất của Đức Chúa Trời vừa toàn năng vừa thực tế, và hai phương diện này bổ sung cho nhau. Mọi điều Đức Chúa Trời làm đều là sự thể hiện tâm tính Ngài và sự tỏ lộ Ngài là gì. Việc Ngài là gì bao gồm sự toàn năng của Ngài, sự công chính của Ngài và sự oai nghi của Ngài. Công tác của Đức Chúa Trời từ đầu đến cuối là sự mặc khải thực chất của chính Ngài cũng như là sự biểu lộ Ngài là gì. Thực chất của Đức Chúa Trời có hai khía cạnh: khía cạnh toàn năng và khía cạnh thực tế. Bất kể nhìn vào giai đoạn công tác nào của Đức Chúa Trời, cũng đều có hai khía cạnh này, mọi việc Đức Chúa Trời làm đều có hai khía cạnh này. Đây là một cách để hiểu Đức Chúa Trời.

Trích đoạn 21

Dù Đức Chúa Trời thực hiện công tác của Ngài thông qua sự nhập thể hay Thần của Ngài, thì tất cả đều dựa trên kế hoạch quản lý của Ngài, chứ không phải theo bất kỳ phương thức công khai hay bí mật nào, cũng không theo nhu cầu của con người, mà hoàn toàn theo kế hoạch quản lý của Ngài. Nói như thế không có nghĩa là về công tác của thời kỳ sau rốt, Đức Chúa Trời muốn làm thế nào thì làm, mà giai đoạn này được thực hiện trên nền tảng của hai giai đoạn công tác trước đó của Ngài. Công tác trong Thời đại Ân điển, tức là giai đoạn công tác thứ hai của Ngài, đã cho nhân loại được cứu chuộc, và công tác này được thực hiện bởi sự nhập thể. Không phải là Thần không thể thực hiện được giai đoạn công tác hiện tại của Đức Chúa Trời, Ngài làm được, nhưng sự nhập thể thực hiện thì phù hợp hơn, và như thế có thể cứu rỗi con người hiệu quả hơn. Suy cho cùng, những lời phán của sự nhập thể vẫn hơn những lời phán trực tiếp của Đức Thánh Linh trong việc chinh phục con người, và cũng giúp con người dễ có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời hơn. Khi Thần công tác, Ngài không thể lúc nào cũng ở bên con người, cũng không thể sống ngay cạnh và nói chuyện trực diện với con người như sự nhập thể hiện giờ, và có những lúc Thần không thể phơi bày những gì bên trong con người như sự nhập thể. Trong giai đoạn này, công tác của sự nhập thể chủ yếu là chinh phục con người, và khi đã chinh phục rồi thì làm cho họ hoàn thiện, để họ biết đến Đức Chúa Trời và có thể thờ phượng Ngài. Đây là công tác kết thúc thời đại. Nếu giai đoạn công tác này không phải là để chinh phục con người mà chỉ để cho họ biết rằng thực sự có Đức Chúa Trời, thì việc này Thần có thể làm được. Có lẽ các ngươi nghĩ rằng nếu Thần thực hiện giai đoạn công tác này, thì Ngài có thể thay thế xác thịt và thực hiện công tác y như xác thịt, và rằng, bởi vì Đức Chúa Trời là toàn năng, nên cho dù xác thịt hay Thần thực hiện công tác, thì đều có thể đạt được kết quả như nhau. Thế nhưng, các ngươi sai rồi. Đức Chúa Trời thực hiện công tác theo sự quản lý của Ngài, và theo kế hoạch cũng như các bước của Ngài để cứu rỗi con người. Không giống như ngươi tưởng tượng, rằng Thần là toàn năng, xác thịt là toàn năng, và chính Đức Chúa Trời là toàn năng, thế nên Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Đức Chúa Trời công tác theo kế hoạch quản lý của Ngài, và mỗi giai đoạn công tác của Ngài đều có một số bước nhất định trong đó. Giai đoạn này nên thực hiện như thế nào, gồm các chi tiết ra sao, tất cả đều đã được hoạch định. Giai đoạn công tác đầu tiên của Đức Chúa Trời được thực hiện ở Y-sơ-ra-ên, và giai đoạn cuối cùng này là ở đất nước của con rồng lớn sắc đỏ, là Trung Quốc. Có người nói: “Đức Chúa Trời không thể thực hiện công việc này ở một quốc gia khác sao?”. Theo kế hoạch quản lý của giai đoạn này, nó phải được thực hiện ở Trung Quốc. Người dân Trung Quốc lạc hậu, sống cuộc sống suy đồi, và không có nhân quyền hay tự do. Đây là một quốc gia nơi Sa-tan và ma quỷ đang nắm quyền. Mục đích của việc xuất hiện và công tác ở Trung Quốc là để cứu rỗi những con người đang sống ở nơi tăm tối nhất thế gian và những con người đã bị Sa-tan làm cho bại hoại hết sức. Đây là cách duy nhất để thực sự đánh bại Sa-tan và hoàn toàn đạt được vinh quang. Nếu Đức Chúa Trời xuất hiện và công tác ở một quốc gia khác, thì sẽ không có ý nghĩa bằng. Mỗi giai đoạn công tác của Đức Chúa Trời đều cần thiết và nó phải được thực hiện như thế nào thì Đức Chúa Trời thực hiện như thế ấy. Một số hiệu quả có thể đạt được qua công tác của sự nhập thể và một số thì qua công tác của Thần. Đức Chúa Trời chọn công tác thông qua sự nhập thể hay Thần thì còn tùy thuộc vào cách nào sẽ cho kết quả tốt nhất. Không phải như các ngươi đã nói rằng cách công tác nào cũng được, rằng Đức Chúa Trời có thể thực hiện công tác bằng cách tùy tiện mặc lấy hình dạng một con người, rằng Thần cũng có thể làm việc đó mà không cần gặp trực diện bất kỳ ai, và rằng cả hai phương pháp này đều có thể đạt được một số kết quả nhất định. Các ngươi không được hiểu lệch lạc chuyện này. Đức Chúa Trời là toàn năng, nhưng Ngài cũng có một mặt thực tế mà con người không thể nhìn thấy. Con người thấy Đức Chúa Trời rất siêu nhiên, và họ không thể dò thấu Ngài, vì thế họ hình thành những quan niệm và đủ thứ ý tưởng phi thực tế về Ngài. Ít ai thấy được rằng lời và công tác của Đức Chúa Trời đều là lẽ thật, là thực tế và là những điều thật nhất, con người có thể chạm vào và nhìn thấy được chúng. Nếu người ta thực sự có tố chất và khả năng lĩnh hội, thì sau khi trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời trong vài năm, họ sẽ có thể thấy rằng tất cả những lời Đức Chúa Trời bày tỏ đều là thực tế lẽ thật, rằng trong mọi công tác cũng như mọi việc Ngài làm đều có lẽ thật và nguyên tắc, và thấy rằng mọi việc Ngài làm đều có ý nghĩa to lớn. Bất kể Đức Chúa Trời làm gì, cũng đều có ý nghĩa, cần thiết và có thể đạt được kết quả tốt nhất. Tất cả đều có mục đích, kế hoạch và ý nghĩa nhất định. Các ngươi nghĩ rằng công tác của Đức Chúa Trời được thực hiện dựa trên những lời nói thiếu suy nghĩ sao? Ngài có mặt toàn năng, nhưng Ngài cũng có mặt thực tế. Sự hiểu biết của các ngươi còn phiến diện lắm. Sự hiểu biết của các ngươi về mặt toàn năng của Đức Chúa Trời còn có những sai lầm, chưa nói đến mặt thực tế của Ngài, các ngươi còn sai lầm lớn hơn thế nhiều.

Trong ba giai đoạn công tác của Đức Chúa Trời, giai đoạn đầu tiên do Thần thực hiện, còn hai giai đoạn còn lại được thực hiện bởi sự nhập thể; mỗi giai đoạn công tác của Ngài đều rất thiết yếu. Lấy ví dụ về việc đóng đinh trên thập giá, nếu như Thần bị đóng đinh lên thập giá thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì người ta đâu thể nhìn thấy hay sờ chạm được Thần, còn Thần thì đâu thể cảm nhận được gì hay chịu đau khổ chút nào đâu. Bởi thế nên việc đóng đinh trên thập giá sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Giai đoạn công tác diễn ra ở thời kỳ sau rốt là giai đoạn chinh phục con người, là công tác mà xác thịt có thể thực hiện; Thần không thể thay thế cho xác thịt trong công tác này, và công tác do Thần thực hiện thì xác thịt cũng không thể thực hiện được. Khi Đức Chúa Trời chọn xác thịt hay Thần để thực hiện giai đoạn công tác nào của Ngài, thì sự lựa chọn ấy đều tuyệt đối cần thiết và đều để đạt được kết quả tốt nhất, đạt được các mục tiêu trong kế hoạch quản lý của Ngài. Đức Chúa Trời có một mặt toàn năng và một mặt thực tế. Ngài làm việc một cách thực tế trong mọi giai đoạn công tác của Ngài. Người ta tưởng tượng rằng Đức Chúa Trời không nói, không nghĩ, rằng Ngài làm bất cứ điều gì Ngài muốn; nhưng không đúng như vậy. Ngài có sự khôn ngoan, có mọi điều về Ngài, và đây là thực chất của Ngài. Khi công tác, Ngài cần tỏ lộ và thể hiện tâm tính của Ngài, thực chất của Ngài, sự khôn ngoan của Ngài, và toàn bộ những gì Ngài có và là, hầu cho con người có thể hiểu, biết được, và đạt được những điều này. Ngài công tác không dựa vào hư không, càng không dựa vào tưởng tượng của con người, mà Ngài hành động theo nhu cầu của công việc và theo những kết quả cần phải đạt được. Ngài phán dạy theo cách thực tế, làm công tác và chịu khổ mỗi ngày, và khi phải chịu khổ, Ngài cảm thấy đau đớn. Không phải là Thần hiện diện trong lúc sự nhập thể làm công tác và phán dạy, rồi Thần rời đi khi sự nhập thể không công tác và phán dạy nữa. Nếu mà là như vậy thì Ngài đã không chịu khổ gì rồi, và đây đã không phải là sự nhập thể rồi. Người ta không thể nhìn thấy mặt thực tế của Đức Chúa Trời, và vì vậy nên họ không biết rõ Đức Chúa Trời, sự hiểu biết của họ về Ngài chỉ là hời hợt. Người ta nói là Đức Chúa Trời thực tế và bình thường, hay là Đức Chúa Trời toàn năng và không gì không làm được – thì toàn bộ những lời này đều là những lời họ học được từ người khác, bởi họ đâu có được hiểu biết thật hay trải nghiệm thật. Khi nói đến sự nhập thể, tại sao lại có sự nhấn mạnh như vậy đến thực chất của sự nhập thể? Tại sao không phải là Thần? Trọng tâm là công tác của xác thịt, còn công tác của Thần là để hỗ trợ và giúp đỡ, như vậy thì công tác của xác thịt mới đạt được kết quả. Ở mỗi giai đoạn, con người có thể biết đến Đức Chúa Trời một chút, nhưng khi họ muốn biết thêm chút nữa về Ngài cũng không thể đột phá hay đạt được. Khi Đức Chúa Trời phán một ít thì người ta hiểu một ít, nhưng hiểu biết của họ về Ngài vẫn không rõ lắm, và họ không dễ nắm bắt được phần cốt yếu trong đó. Nếu ngươi cho rằng điều gì xác thịt làm được thì Thần làm được và Thần có thể thay thế xác thịt, thì ngươi sẽ không bao giờ biết được ý nghĩa của xác thịt, công tác của xác thịt, và sự nhập thể là gì.

Trích đoạn 22

Nội dung của cuốn sách “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” rất phong phú, bao gồm lẽ thật trên nhiều khía cạnh khác nhau, cũng như một số lời có tính chất tiên tri, tiên đoán tình trạng của các thời đại sau này. Thực ra những lời tiên tri cũng chỉ chung chung, đa số lời trong cuốn sách này thảo luận về khía cạnh bước vào sự sống, vạch rõ bản chất con người và nói về cách biết Đức Chúa Trời, biết về tâm tính của Ngài. Còn về chuyện sau này sẽ là thời đại nào, còn bao nhiêu thời đại, sau này nhân loại sẽ bước vào những cảnh ngộ nào, chẳng phải là không có bản kế hoạch cụ thể, dấu hiệu cụ thể nào, thậm chí không có niên đại cụ thể nào sao? Như vậy tức là con người không cần quan tâm đến các thời đại sau này, bây giờ vẫn chưa đến lúc, vẫn còn cách thời điểm đó quá xa. Cho dù Ta có nói với các ngươi thì các ngươi cũng không hiểu, hơn nữa hiện tại con người chưa cần hiểu những điều đó. Những điều đó không liên quan gì nhiều đến sự thay đổi trong tâm tính sự sống của con người. Các ngươi chỉ cần hiểu những lời về khía cạnh vạch rõ bản chất con người là được rồi. Những việc được tiên tri lúc trước như chuyện Vương Quốc Ngàn Năm, Đức Chúa Trời và con người sẽ cùng bước vào sự nghỉ ngơi, Thời đại của Lời là gì. Phàm là những gì ngôn từ dự đoán thì đều là về thời đại gần kề, những chuyện không được nhắc đến thì là chuyện rất xa xôi. Các ngươi không cần nghiên cứu những chuyện rất xa xôi đó, những điều các ngươi không cần biết thì sẽ không cho các ngươi biết. Điều các ngươi cần biết là toàn bộ lẽ thật đến từ Đức Chúa Trời, ví dụ như tâm tính mà Ngài bày tỏ với con người, Đức Chúa Trời có gì và là gì được tỏ lộ bằng lời, và bản tính con người được vạch rõ thông qua phán xét và hành phạt, ngoài ra còn là phương hướng cuộc đời mà Ngài đã chỉ ra cho con người, bởi vì công tác cứu rỗi con người của Ngài chính là lấy những nội dung này làm trung tâm.

Những lời Đức Chúa Trời phán khi tiến hành công tác quản lý con người chủ yếu là lấy việc chinh phục, cứu rỗi, thay đổi tâm tính con người làm mục đích. Hiện nay Thời đại của Lời là thời đại hiện thực, là thời đại lẽ thật chinh phục và cứu rỗi con người. Sau này sẽ còn nhiều lời nữa, còn nhiều lời hiện chưa được nói ra. Có người cho rằng những lời hiện nay là tất cả những gì Đức Chúa Trời bày tỏ. Đây là một nhận thức cực kỳ sai lầm, bởi vì công tác của Thời đại của Lời chỉ mới bắt đầu ở Trung Quốc, rồi đây sẽ có càng nhiều lời hơn sau khi Đức Chúa Trời công khai xuất hiện và công tác. Sau này Thời đại Vương quốc sẽ ra sao, con người sẽ bước vào đích đến thế nào, sau khi bước vào đích đến còn những nội dung gì, phương thức sống của con người vào lúc đó ra sao, bản năng của con người có thể đạt đến mức độ nào, cần sự lãnh đạo ra sao, cung cấp thế nào. Những điều này cũng đều là nội dung công tác trong Thời đại của Lời. Sự bao-hàm-tất-cả của Đức Chúa Trời không phải đều nằm trong trong cuốn “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” như ngươi tưởng tượng. Sự bày tỏ tâm tính của Đức Chúa Trời và việc Ngài muốn công tác ra sao có thể đơn giản như ngươi tưởng tượng hay sao? Đức Chúa Trời bao-hàm-tất-cả, toàn tại, toàn năng và tối cao không phải là những lời nói suông. Nếu ngươi nói rằng cuốn “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” đã đại diện cho tất cả những gì Ngài có, kết thúc mọi sự quản lý của Ngài thì ngươi đã nhìn nhận Đức Chúa Trời quá nhỏ bé rồi, như thế không phải đã lại quy định Đức Chúa Trời rồi sao? Ngươi phải biết rằng những lời này chỉ là một phần rất nhỏ của Đức Chúa Trời bao-hàm-tất-cả. Toàn bộ giới tôn giáo đều quy định Đức Chúa Trời trong một cuốn “Kinh Thánh”. Hôm nay các ngươi chẳng phải lại đang quy định Ngài hay sao? Các ngươi không biết rằng quy định Đức Chúa Trời chính là đang hạ thấp Ngài, đang lên án, báng bổ Ngài sao? Hiện tại, có phải hầu hết mọi người đều nghĩ: “Những lời Đức Chúa Trời nói trong thời kỳ sau rốt đều đã nằm trong cuốn ‘Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt’ rồi, sẽ không còn lời nào nữa, lời Ngài đã được nói hết rồi” không? Đây là một nhận định vô cùng sai lầm! Những lời trong cuốn “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” chỉ là lời mở đầu, một phần trong những lời dành cho công tác ở thời kỳ sau rốt của Đức Chúa Trời, chủ yếu là lời về phương diện lẽ thật của những khải tượng. Sau này còn có rất nhiều lời chi tiết về phương diện thực hành. Nên mới nói, cuốn sách “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” được công khai cho công chúng không có nghĩa là công tác của Đức Chúa Trời đã xong một giai đoạn, càng không thể nói là công tác phán xét ở thời kỳ sau rốt của Đức Chúa Trời đã hoàn toàn kết thúc. Đức Chúa Trời còn rất nhiều lời muốn bày tỏ, đến khi đã phán hết những lời này thì cũng không thể nói là toàn bộ công tác quản lý của Ngài đã kết thúc. Sau khi hoàn thành công tác trên toàn vũ trụ, chỉ có thể nói là kế hoạch quản lý 6.000 năm đã kết thúc, nhưng đến lúc đó phải chăng vẫn còn nhân loại sinh tồn trong vũ trụ này? Chỉ cần còn sự tồn tại của sinh mạng, có con người tồn tại, thì bắt buộc phải có sự quản lý của Đức Chúa Trời. Sau khi kế hoạch quản lý 6.000 năm kết thúc, chỉ cần còn nhân loại, còn sinh mạng, còn vũ trụ này thì Đức Chúa Trời vẫn còn quản lý, nhưng không thể gọi là kế hoạch quản lý 6.000 năm được nữa. Bây giờ nói là “sự quản lý của Đức Chúa Trời”, sau này cũng có thể gọi bằng một danh từ khác, đó lại là một loại hình cuộc sống khác của Đức Chúa Trời và con người, không thể nói rằng Đức Chúa Trời vẫn dùng những lời hiện tại để dẫn dắt con người nữa, những lời này chỉ phù hợp với giai đoạn này thôi. Nên mới nói, bất cứ lúc nào ngươi cũng đừng quy định công tác của Đức Chúa Trời. Có người nói: “Đức Chúa Trời chỉ cung cấp cho con người những lời này thôi, không còn gì nữa, Đức Chúa Trời chỉ có thể nói những lời này”. Như thế là lại quy định Đức Chúa Trời trong một phạm vi rồi. Cũng như hiện nay là Thời đại Vương quốc, ngươi đem hết những lời đã được nói trong Thời đại Jêsus ra thì có còn thích hợp để dùng không? Có những thứ thích hợp để dùng, có thứ phải xóa bỏ, vậy thì ngươi không thể nói rằng bất cứ lúc nào lời Đức Chúa Trời cũng không thể bị bãi bỏ. Có phải con người thích quy định không? Chưa biết chừng họ đã quy định Đức Chúa Trời trong một chuyện nào đó. Cho đến một ngày, có lẽ ngươi sẽ đọc cuốn sách “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” cũng như con người bây giờ đọc “Kinh Thánh”, không thể bắt kịp dấu chân của Đức Chúa Trời nữa. Bây giờ đúng là lúc để đọc “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt”, không chừng bao nhiêu năm sau đọc lại những lời này cũng sẽ thấy lỗi thời, bởi vì đã có cái mới thay thế cái cũ. Nhu cầu của con người sản sinh, phát triển theo công tác của Đức Chúa Trời. Khi đó, bản tính con người và những thuộc tính bản năng mà một con người phải có sẽ có một số thay đổi, sau khi thế giới thay đổi, nhu cầu của con người cũng khác. Có người hỏi: “Sau này Đức Chúa Trời có phán lời nữa không?”. Có người sẽ quy định nói: “Không thể phán đâu, bởi vì công tác của Thời đại của Lời đã kết thúc rồi, không thể phán tiếp những lời khác nữa, còn có thêm những lời khác nữa thì chính là giả đấy”. Như thế không phải là lại sai rồi sao? Con người đều dễ dàng mắc lỗi quy định Đức Chúa Trời, đều thích bảo thủ, thích quy định, rõ ràng không biết Đức Chúa Trời nhưng vẫn quy định công tác của Đức Chúa Trời một cách bừa bãi, bản tính con người thật sự là quá kiêu căng! Con người luôn sẵn lòng bám lấy những quan niệm cũ trong quá khứ, cất giữ những thứ ngày xưa trong lòng, và coi những thứ đó là vốn liếng của mình, kiêu căng tự đại, tự cho rằng mình đã hiểu mọi thứ, có gan dám quy định công tác của Đức Chúa Trời. Như thế không phải là đang phán xét Đức Chúa Trời sao? Ngoài ra, con người vốn không hề quan sát tỉ mỉ công tác mới của Đức Chúa Trời. Điều này đã nói lên rằng con người không dễ dàng tiếp nhận cái mới, còn nhắm mắt quy định bừa, con người đúng là kiêu căng, không có lý trí, không nghe lời ai, cho dù là lời của Đức Chúa Trời cũng không tiếp nhận nổi. Đây chính là bản tính của con người, tràn đầy kiêu căng, tự cho mình là đúng, không có một chút thuận phục nào. Lúc đó người Pha-ri-si định tội Jêsus cũng như vậy, họ cho rằng: “Dù Ngài có làm đúng thì tôi cũng không đi theo Ngài, chỉ có Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật”. Bây giờ cũng có người nói: “Ngài ấy là Đấng Christ sao? Cho dù Ngài ấy có là Đấng Christ thật thì tôi cũng không đi theo đâu!”. Có ai như vậy không? Có quá nhiều người như thế trong tôn giáo, điều này chứng minh là tâm tính của con người quá bại hoại, hết thuốc chữa rồi.

Trong số các thánh đồ qua các thời đại, những người duy nhất có hiểu biết thực sự về Đức Chúa Trời chỉ có Môi-se và Phi-e-rơ, họ được Đức Chúa Trời khen ngợi, nhưng liệu họ có thể dò thấu được Đức Chúa Trời không? Những gì họ đạt được cũng có hạn, và bản thân họ cũng không dám nói rằng mình biết Đức Chúa Trời. Những người thực sự có hiểu biết về Ngài sẽ không quy định Ngài, bởi vì họ đã biết được sự không thể đo đếm, không thể ước lượng của Đức Chúa Trời. Những người không biết Ngài mới thích quy định Ngài, quy định Đức Chúa Trời có gì và là gì. Họ tràn đầy tưởng tượng về Đức Chúa Trời, dễ dàng nảy sinh quan niệm nhất với công tác của Ngài. Cho nên mới nói, những người tự cho là biết Đức Chúa Trời là những người chống đối Ngài nhất và là những người nguy hiểm nhất.

Trích đoạn 23

Các ngươi nói xem, việc Đức Chúa Trời yêu thương và thương xót con người có phải là lẽ thật không? (Thưa, là lẽ thật.) Thế thì việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người, thậm chí còn nguyền rủa và định tội họ, có phải là lẽ thật không? (Thưa, cũng là lẽ thật.) Thực ra, cả hai câu này đều là lẽ thật và tuyệt đối đúng. Tuy nhiên, câu “Việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người cũng là lẽ thật” không phải là chuyện đơn giản, không thể tùy tiện nói ra; lời đó chỉ được nói ra khi người ta đã hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời. Khi thấy Đức Chúa Trời làm một việc yêu thương con người, ngươi nói: “Đức Chúa Trời thực sự yêu thương con người. Đó là lẽ thật; đó là việc của Đức Chúa Trời”. Thế nhưng, khi ngươi thấy Đức Chúa Trời làm một việc không hợp với quan niệm của con người, ví dụ như nổi giận với những người Pha-ri-si giả hình hay kẻ địch lại Đấng Christ, và nguyền rủa họ, thì ngươi nghĩ “Đức Chúa Trời không yêu thương con người; Ngài căm ghét con người”. Thế là ngươi có quan niệm về Đức Chúa Trời và phủ nhận Ngài. Vậy, trong hai khả năng này, cái nào là lẽ thật? Có những người không thể lý giải điều này rõ ràng. Trong lòng con người, việc Đức Chúa Trời yêu thương con người hay không yêu thương con người thì tốt hơn? Chắc hẳn là con người ai cũng thích Đức Chúa Trời yêu thương con người và họ nói rằng việc Đức Chúa Trời yêu thương con người là lẽ thật. Tuy nhiên, họ không thích việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người, nên họ nói rằng việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người không phải là lẽ thật, và họ phủ nhận câu nói: “Việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người cũng là lẽ thật”. Vậy thì điều gì là cơ sở để con người xác định rằng việc mà Đức Chúa Trời làm có phải là lẽ thật hay không? Tất cả hoàn toàn căn cứ vào quan niệm và tưởng tượng của con người. Con người thích thế nào thì Đức Chúa Trời nên làm thế ấy, Đức Chúa Trời làm gì phù hợp với quan niệm và tưởng tượng của con người thì mới là lẽ thật; nếu con người không thích Đức Chúa Trời làm gì, thì Đức Chúa Trời làm việc đó sẽ không phải là lẽ thật. Những người quy định lẽ thật như vậy liệu có nhận thức về lẽ thật không? (Thưa, họ không có.) Hậu quả của việc luôn quy định Đức Chúa Trời theo quan niệm của con người là gì? Quy định như vậy sẽ dẫn đến sự vâng phục Đức Chúa Trời hay chống đối Đức Chúa Trời? Chắc chắn là không thể dẫn đến sự vâng phục Đức Chúa Trời được – mà chỉ dẫn đến sự chống đối. Vậy, những người quy định về Đức Chúa Trời dựa trên quan niệm và tưởng tượng của họ có phải là những người vâng phục Đức Chúa Trời hay không? Hay họ là những người chống đối Đức Chúa Trời? (Thưa, họ là những người chống đối Đức Chúa Trời.) Điểm này có thể xác định được, phân định theo cách này là đúng. Người ta cho rằng việc Đức Chúa Trời yêu thương con người phải giống như việc người chăn cừu vuốt ve con chiên, cho con người sự ấm áp và niềm vui sướng, và phải phù hợp với các nhu cầu tình cảm và thể xác của họ, như thế con người mới thấy đó là tình yêu thương của Đức Chúa Trời, không phải vậy sao? (Thưa, phải, nhưng trên thực tế, sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời, sự tỉa sửa và xử lý của Ngài lại có lợi hơn cho cuộc sống của con người.) Đây vẫn là tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho con người! Sau tất cả những lời vừa nói trên mà các ngươi vẫn cảm thấy rằng việc Đức Chúa Trời yêu thương con người thì là lẽ thật, còn việc Ngài không yêu thương con người thì không phải là lẽ thật, không đúng sao? (Thưa, việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người cũng là lẽ thật.) Vậy, việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người là thế nào? Không yêu thương nghĩa là sao? Chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương con người: Tâm tính công chính của Ngài, sự phán xét và hình phạt của Ngài, cũng như sự sửa phạt và sửa dạy của Ngài đều nằm trong phạm vi của tình yêu thương. Vậy, nếu Đức Chúa Trời không yêu thương con người, thì lý do là gì? (Thưa, vì tâm tính công chính của Ngài.) Sự phán xét và hình phạt có thuộc về tâm tính công chính đó không? (Thưa, phải.) Nếu sự phán xét và hình phạt thuộc về tâm tính công chính, thì tâm tính công chính của Đức Chúa Trời đối với con người là yêu thương hay không yêu thương? (Thưa, là yêu thương.) Các ngươi đã hiểu rằng tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho con người chính là tâm tính công chính của Ngài, vậy việc không yêu thương con người có thuộc về tâm tính công chính đó không? (Thưa, cũng có.) Sao việc Đức Chúa Trời không yêu con người lại vẫn là tâm tính công chính? Để Ta hỏi thêm một câu nữa. Các ngươi nói xem, việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người là có khả năng không? Có chuyện như vậy không? (Thưa, khi con người làm đủ thứ việc ác và làm đau lòng Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời không yêu thương con người.) Điều mà ngươi đang nói đây là chuyện có điều kiện và có tiền đề, còn điều mà Ta hỏi thì không có tiền đề. Tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho con người chắc chắn là lẽ thật, và mọi người đều hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, con người hoài nghi việc Đức Chúa Trời không yêu con người có phải là lẽ thật không. Nếu ngươi không thấy phiền về vấn đề này, ngươi sẽ không thấy phiền về hầu hết mọi việc Đức Chúa Trời làm và ngươi sẽ không nảy sinh quan niệm. Về phần Đức Chúa Trời, đâu là những biểu hiện cho thấy Ngài không yêu thương con người? (Thưa, chúng con chưa ý thức được khía cạnh này.) Các ngươi chưa cảm nhận được, cũng chưa từng trải nghiệm. Đến giờ, chúng ta biết những từ ngữ nào có thể giải thích về việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người? Ghê tởm, ác cảm, thù ghét và kinh tởm, còn có vứt bỏ, rũ bỏ, cơ bản là những từ ngữ đó. Mọi người đều hiểu những từ ngữ đó, vậy những từ ngữ đó có tương đương với không yêu thương không? (Thưa, có thể.) Những từ ngữ đó vốn tỏ cho biết Đức Chúa Trời không yêu thương con người, vậy các ngươi có nghĩ rằng những từ ngữ đó là lẽ thật không? (Thưa, phải, những từ ngữ đó là lẽ thật.) Các ngươi nói việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người phải có tiền đề: Đức Chúa Trời làm những việc không yêu thương con người với bối cảnh là đang yêu thương con người – đó là lẽ thật. Giả sử tiền đề này không có yếu tố yêu thương hay xuất phát điểm là tình yêu thương, và Đức Chúa Trời làm những việc không yêu thương con người, có những biểu hiện không yêu thương con người. Các ngươi sẽ không thể dám chắc việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người có là lẽ thật hay không, các ngươi cũng không nhìn thấu được chuyện này. Đây là điểm mấu chốt của chuyện, nên chúng ta cần thảo luận về nó.

Các ngươi nói xem, Đức Chúa Trời, với tư cách là Chúa của mọi loài thọ tạo, đã tạo ra nhân loại, và sau khi làm như vậy, Ngài có phải chăm lo cho con người, lo cho việc ăn uống của con người, lo cho cuộc đời và số phận của họ không? (Thưa, Ngài không phải làm như vậy.) Nghĩa là có phải Ngài muốn lo thì lo, không muốn lo thì ném ngươi vào một nhóm người hoặc một hoàn cảnh nào đó, để mặc ngươi tự sinh tự diệt? (Thưa, phải.) Vì điều đó nằm trong quyền năng của Đức Chúa Trời, vậy việc Đức Chúa Trời không lo cho con người không phải là lẽ thật sao? (Thưa, đó là lẽ thật.) Điều này phù hợp với lẽ thật. Sao có thể nói đây là lẽ thật? (Thưa, Đức Chúa Trời là Chúa của mọi loài thọ tạo.) Xét về thân phận và địa vị của Đức Chúa Trời, về sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và nhân loại, Đức Chúa Trời muốn lo cho ngươi thì lo, Đức Chúa Trời không muốn lo cho ngươi thì Ngài sẽ không lo. Điều này có nghĩa là, Đức Chúa Trời muốn lo cho ngươi thì cũng thích hợp, không lo cho ngươi thì cũng hợp lý. Điều này tùy thuộc vào việc gì? Điều này tùy thuộc vào việc Đức Chúa Trời có sẵn lòng hay không, và đó chính là lẽ thật. Có những người nói rằng: “Không, vì Ngài đã tạo ra tôi, Ngài phải – lo cho chuyện ăn, chuyện uống của tôi, phải lo cho cả đời này của tôi”. Nói như vậy có phù hợp với lẽ thật không? Nói như vậy là không có lý trí và không phù hợp với lẽ thật. Nếu Đức Chúa Trời phán: “Sau khi tạo ra ngươi, Ta đã vứt bỏ ngươi và sẽ không lo cho ngươi nữa”. Đó là quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Bởi vì Đức Chúa Trời có thể tạo ra ngươi, Ngài có quyền năng gạt bỏ ngươi, cho dù là cho ngươi vào một nơi tốt đẹp hay một chốn xấu xa. Đó là quyền năng của Đức Chúa Trời. Quyền năng của Đức Chúa Trời căn cứ vào đâu? Vào thân phận và địa vị của Đức Chúa Trời, vì vậy Ngài lo cho ngươi hay không lo cho ngươi đều được, và trong cả hai trường hợp, đó đều là lẽ thật. Tại sao nói đó là lẽ thật? Đây là điều mà con người nên hiểu. Một khi ngươi đã hiểu điều này, ngươi sẽ biết mình là ai, Đức Chúa Trời mà ngươi tin là ai, và những khác biệt giữa ngươi và Đức Chúa Trời là gì. Hãy quay lại khía cạnh liên quan đến việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người. Liệu Đức Chúa Trời có buộc phải yêu thương con người không? (Thưa, không.) Vì Ngài không cần phải yêu thương con người, nên việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người có phải là lẽ thật không? (Thưa, phải, đó là lẽ thật.) Như thế chưa làm sáng tỏ mọi việc sao? Bây giờ, hãy nói về điều này: Khi nhân loại bị Sa-tan làm bại hoại và có một tâm tính bại hoại của Sa-tan, nếu Đức Chúa Trời không cứu rỗi nhân loại và đem nhân loại đến bên Ngài, thì quan hệ giữa con người và Đức Chúa Trời là gì? (Thưa, không có quan hệ gì cả.) Nói vậy là không đúng; thực ra là có quan hệ. Vậy, đó là loại quan hệ gì? Đó là quan hệ đối địch. Ngươi đối địch với Đức Chúa Trời, và thực chất bản tính của ngươi là đối địch với thực chất của Đức Chúa Trời. Vậy, việc Đức Chúa Trời không yêu thương ngươi có hợp tình hợp lý không? Việc Đức Chúa Trời ghê tởm ngươi, thù ghét ngươi, và kinh tởm ngươi có hợp tình hợp lý không? (Thưa, như vậy là hợp lý.) Tại sao lại hợp lý? (Thưa, bởi vì chúng con không có gì xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và tâm tính của chúng con đã bị bại hoại quá nặng nề.) Đức Chúa Trời là Chúa của mọi loài thọ tạo, còn ngươi là một loài thọ tạo, nhưng với tư cách là một loài thọ tạo, ngươi đã không đi theo hay nghe lời Đức Chúa Trời; thay vào đó, ngươi đi theo Sa-tan và trở thành kẻ đối lập và kẻ thù của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời yêu thương ngươi vì Ngài có thực chất thương xót: Ngài thương xót ngươi, và Ngài cứu rỗi ngươi. Đức Chúa Trời có thực chất này. Đức Chúa Trời có lòng thương xót và quan tâm đến nhân loại mà Ngài đã tạo ra. Tình yêu của Ngài dành cho ngươi là sự bộc lộ thực chất của Ngài. Đó là một khía cạnh của lẽ thật. Mặt khác, nhân loại không xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Loài người kiêu ngạo, ghê tởm những điều tích cực, lại còn tà ác, hung ác, vừa thù hận vừa chống đối Đức Chúa Trời. Vậy, với thực chất của Đức Chúa Trời – sự thánh khiết, công chính, trung tín và thẩm quyền của Ngài nữa – làm sao Ngài có thể yêu thương loài người như vậy? Liệu Đức Chúa Trời có thể tương hợp với loài người như vậy không? Liệu Ngài có thể yêu thương loài người như vậy không? (Thưa, không thể.) Vì Ngài không thể yêu loài người như vậy, nên khi Đức Chúa Trời tiếp xúc với con người và muốn cứu rỗi họ, Ngài sẽ có biểu hiện gì? Ngay khi tiếp xúc với con người, Đức Chúa Trời thể hiện sự kinh tởm, ghê tởm và khinh ghét, và Ngài ghét bỏ những người làm việc ác nghiêm trọng; đây không phải là tình yêu thương. Vậy việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người có phải là lẽ thật không? (Thưa, phải.) Việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người là lẽ thật. Đức Chúa Trời không yêu thương những người chống đối Ngài thì có đúng không? (Thưa, đúng.) Như thế là hợp tình hợp lý và được quyết định bởi tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Vì vậy, việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người trong chuyện này cũng là lẽ thật. Điều gì quyết định đây là lẽ thật? Lẽ thật được quyết định bởi thực chất của Đức Chúa Trời.

Vậy, rốt cuộc thì Đức Chúa Trời có yêu thương con người không? (Thưa, có.) Trên thực tế, căn cứ vào thực chất và biểu hiện của con người thì con người không xứng đáng được Đức Chúa Trời yêu thương, nhưng Đức Chúa Trời vẫn có thể yêu thương con người rất nhiều. Các ngươi nói xem, Đức Chúa Trời có phải là lẽ thật không? Thực chất của Ngài có phải là thánh khiết không? (Thưa, phải.) Ngược lại, vì con người quá đáng kinh tởm và họ bị bại hoại quá sâu sắc, liệu Đức Chúa Trời có thể yêu thương con người mà không ghét họ chút nào không? Nếu không ghét chút nào, không ác cảm hoặc kinh tởm chút nào, thì điều này không tương hợp với thực chất của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời khinh ghét, ghê tởm, kinh tởm và chán ghét dạng loài người như vậy, nhưng Ngài vẫn có thể cứu rỗi con người, và đây chính là tình yêu thương chân thực của Đức Chúa Trời, đây chính là thực chất của Ngài! Việc Đức Chúa Trời không yêu thương con người là do thực chất của Ngài, và việc Ngài vẫn có thể yêu thương con người cũng là do thực chất của Ngài. Vậy, bây giờ khi mọi việc đã rõ ràng, thì điều nào là lẽ thật: Việc Đức Chúa Trời yêu thương con người? Hay việc Ngài không yêu thương con người? (Thưa, cả hai đều là lẽ thật.) Bây giờ thì mọi việc đã ngã ngũ. Vậy, con người có thể làm được điều này không? Con người không làm được; không có một người nào làm được – kể cả những bậc cha mẹ cũng không thể làm cho con cái mình. Nếu con cái của ngươi luôn khiến ngươi giận dữ, luôn khiến ngươi đau lòng, lúc đầu ngươi sẽ giận dữ, nhưng dần dà lòng của ngươi sẽ thấy chán ghét; khi con cái ngươi làm cho ngươi chán ghét đủ lâu, ngươi sẽ hoàn toàn vứt bỏ và cuối cùng sẽ cắt đứt quan hệ với chúng. Tình yêu thương của con người là gì? Tình yêu thương đó xuất phát từ tình cảm và quan hệ huyết nhục của xác thịt, nên không liên quan gì đến lẽ thật; đó là tình yêu thương nảy sinh từ nhu cầu về xác thịt và tình cảm của con người. Cơ sở cho tình yêu thương này là gì? Tình yêu thương đó đặt cơ sở trên tình cảm, quan hệ huyết nhục và lợi ích, không hề có một chút lẽ thật nào trong đó. Thế thì, đâu là nguyên nhân khiến con người không yêu thương? Khi ai đó đã khinh ghét, ghê tởm và ác cảm kẻ đã làm đau lòng mình, thì họ không còn yêu thương nữa; có yêu cũng không yêu nổi. Các ngươi nói xem, loài người như vậy đã làm đau lòng Đức Chúa Trời đến chừng nào? (Thưa, đến mức không diễn tả nổi.) Đúng, đến mức không diễn tả nổi. Thế thì, Đức Chúa Trời có còn yêu thương con người không? Ngươi không biết liệu Đức Chúa Trời có yêu thương con người không, nhưng thậm chí hiện giờ Đức Chúa Trời vẫn đang cứu rỗi ngươi, đang luôn công tác và phán lời để dẫn dắt và chu cấp cho ngươi. Ngài sẽ không buông bỏ ngươi cho đến phút cuối, khi công tác đã kết thúc. Đây không phải là tình yêu thương sao? (Thưa, phải.) Loài người có tình yêu thương như thế này không? (Thưa, không.) Khi con người đã không còn nhu cầu tình cảm, đã cắt đứt quan hệ huyết nhục và khi giữa họ chẳng còn liên hệ gì về lợi ích, thì họ không còn yêu thương nữa, tình yêu của họ không còn và rồi họ lựa chọn vứt bỏ, không còn “đầu tư” vào đó nữa. Họ đã buông bỏ hoàn toàn. Biểu hiện thực chất của tình yêu thương là gì? Đó là làm những điều thực tế và đạt được kết quả, nếu những điều liên quan đến tình yêu thương này không được thực hiện, thì không có tình yêu. Có người nói rằng Đức Chúa Trời ghét con người, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Đức Chúa Trời ghét ngươi, nhưng Ngài có bớt phán lời với ngươi không? Ngài có có bớt cung cấp lẽ thật cho ngươi không? Ngài có bớt công tác trên ngươi không? (Thưa, không.) Thế nên, khi nói Đức Chúa Trời ghét ngươi, thì ngươi không hề có lương tâm; đó là lời lẽ không có lương tâm. Không sai khi nói Đức Chúa Trời ghét ngươi, nhưng Ngài vẫn yêu thương ngươi, và Ngài đã làm nhiều công tác trên ngươi. Sự thật là Đức Chúa Trời ghét ngươi, nhưng tại sao? Nếu ngươi thuận phục Đức Chúa Trời trong mọi chuyện và trở nên người như Gióp, thì liệu Đức Chúa Trời vẫn ghét ngươi sao? Ngài sẽ không còn ghét ngươi; mà chỉ có thể dành tình yêu thương cho ngươi. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời biểu hiện ra sao? Tình yêu thương đó không giống như tình yêu thương kiểu nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa của con người. Đức Chúa Trời không yêu thương con người kiểu đó: Ngài để cho ngươi có cuộc sống bình thường của loài người thọ tạo; Ngài để ngươi biết được cách sống, cách sinh tồn và cách thờ phượng Ngài; cách làm chủ muôn vật muôn loài và cách sống một cuộc sống có ý nghĩa; đừng làm những điều vô nghĩa và đừng đi theo Sa-tan. Ý nghĩa của tình yêu thương của Đức Chúa Trời có phải là không trường cửu, không thâm sâu không? Ý nghĩa tình yêu thương này quá thâm sâu, và tác động của việc Đức Chúa Trời làm những điều này có ý nghĩa khắc ghi lâu dài và có giá trị thâm sâu nhất đối với toàn bộ nhân loại. Đó là điều mà không có con người nào làm được: Tác động đó có giá trị không đong đếm nổi và có dùng tiền bạc hay bất kỳ thứ vật chất gì cũng không đổi lấy được. Ngươi xem, con người ngày nay hiểu được một vài lẽ thật và biết cách thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng cách đây 20 hoặc 30 năm, họ có biết vậy không? (Thưa, không.) Họ không biết Kinh Thánh đã ra đời như thế nào; họ không biết kế hoạch quản lý của Đức Chúa Trời là gì; họ không biết thờ phượng Đức Chúa Trời và sống để trở thành con người thọ tạo đủ tư cách như thế nào: Họ không biết bất kỳ điều gì trong số những điều này. Vậy nếu ngươi nhìn xa về tương lai hai mươi năm nữa so với lúc này, chẳng phải loài người tại thời điểm đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với các ngươi lúc này sao? (Thưa, phải.) Làm sao mà có được kết quả như vậy? Đó là nhờ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và tình yêu thương vô bờ bến của Ngài dành cho con người. Nhờ lòng nhẫn nại, bao dung và thương xót của Ngài đối với con người mà con người đã đạt được rất nhiều điều. Nếu không có tình yêu to lớn của Đức Chúa Trời thì con người không đạt được bất cứ điều gì.

Các ngươi nghĩ Đức Chúa Trời có yêu thương con người không? (Thưa, có.) Vậy thì Đức Chúa Trời có ghét con người không (Thưa, có.) Ghét như thế nào? Trong lòng, Đức Chúa Trời thực ra ác cảm với con người và ghê tởm thực chất bản tính của con người. Đức Chúa Trời ác cảm với mỗi một con người, vậy làm sao Ngài vẫn có thể công tác trên con người? Vì Ngài có tình yêu thương và muốn cứu rỗi những người này. Ngài không ghét con người khi cứu rỗi họ sao? Ngài có ghét; ghét và yêu tồn tại cùng lúc. Ngài cũng ghét, cũng ghê tởm, cũng buồn nôn, nhưng đồng thời lại công tác để cứu rỗi con người. Các ngươi nghĩ ai có thể làm được điều đó? Không người nào có thể làm được điều đó. Khi thấy ai đó mà mình ác cảm và ghê tởm, con người không muốn nhìn thấy họ nữa, ngay cả một lời nói với họ cũng là quá nhiều, hoặc giống như những người ngoại đạo nói: “Lời không đồng điệu, nửa câu đã nhiều”. Đức Chúa Trời đã phán bao nhiêu lời cho con người? Quá nhiều. Liệu ngươi có thể nói rằng Đức Chúa Trời không yêu thương con người không? Hay có thể nói rằng Ngài không ghét con người không? (Thưa, không thể.) Ghét là sự thật, yêu cũng là sự thật. Giả sử ngươi nói: “Đức Chúa Trời ghét chúng ta; đừng lại gần Ngài. Đừng để Ngài cứu rỗi chúng ta kẻo lúc nào chúng ta cũng chọc giận Ngài”. Nói như vậy có được không? (Thưa, không được.) Ngươi không quan tâm đến tấm lòng của Đức Chúa Trời, không hiểu Ngài, cũng không nhận biết Ngài. Thay vào đó, khi nói lời này là ngươi đang phản nghịch Đức Chúa Trời và làm đau lòng Ngài. Ngươi phải hiểu tại sao Đức Chúa Trời ghét con người và Ngài yêu thương con người như thế nào. Việc yêu và ghét của Đức Chúa Trời đều có lý do, bối cảnh và nguyên tắc. Nếu ngươi nói: “Vì Đức Chúa Trời cứu rỗi tôi nên Ngài phải yêu thương tôi; Ngài không được ghét tôi”, đây có phải là đòi hỏi vô lý không? (Thưa, phải.) Ngay cả khi Đức Chúa Trời ghét ngươi, Ngài cũng không trì hoãn việc cứu rỗi ngươi và vẫn cho ngươi cơ hội hối cải. Việc ngươi ăn uống lời Đức Chúa Trời hay thực hiện bổn phận của mình cũng không bị ảnh hưởng gì, và ngươi tiếp tục hưởng ân điển của Đức Chúa Trời, vậy tại sao ngươi vẫn còn nói lý lẽ kiểu đó? Việc Đức Chúa Trời ghét ngươi là chuyện đáng phải thế, do thực chất của Ngài quyết định, và Ngài đã không trì hoãn việc cứu rỗi ngươi. Chẳng phải con người nên có chút nhận thức về chuyện này sao? (Thưa, phải.) Họ nên nhận biết điều gì? Họ phải nhận biết tâm tính công chính và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Làm sao để biết những điều này? Việc Đức Chúa Trời rất ghét nhưng vẫn có thể cứu rỗi loài người này thì gọi là gì? Lòng thương xót vô bờ. Đây chính là những gì trong tâm tính công chính của Đức Chúa Trời và chỉ Ngài mới làm được điều này; Sa-tan sẽ không làm điều này. Nếu không ghét ngươi thì hắn sẽ làm hại ngươi còn nếu ghét ngươi thì hắn sẽ hành hạ ngươi suốt ngày, thậm chí khiến ngươi vĩnh viễn không thể siêu sinh và đày ngươi xuống tầng địa ngục thứ mười tám. Đó chẳng phải là việc Sa-tan làm hay sao? (Thưa, phải.) Nhưng Đức Chúa Trời có đối xử với con người theo cách này không? Tuyệt đối không. Đức Chúa Trời cho con người đủ cơ hội hối cải. Cho nên, đừng sợ Đức Chúa Trời ghét ngươi; Ngài ghét ngươi là do thực chất của Ngài quyết định. Đừng tránh xa Đức Chúa Trời vì Ngài ghét ngươi, và nghĩ rằng: “Tôi không xứng đáng được Đức Chúa Trời cứu rỗi nên Ngài không cần cứu rỗi tôi, đừng để Ngài phải lo lắng điều gì”, rồi rời bỏ Ngài. Làm như thế sẽ khiến Đức Chúa Trời ghê tởm ngươi hơn nữa, bởi vì ngươi đã phản bội và làm ô danh Ngài, cũng như để Sa-tan cười nhạo ngươi. Các ngươi có nghĩ chuyện sẽ như thế này không? (Thưa, đôi lúc, khi con bị cách chức hoặc trải qua một số trở ngại và thất bại, con cảm thấy mình đã làm đau lòng Đức Chúa Trời và Ngài sẽ không cứu rỗi con nữa; lòng con đang ở trạng thái trốn tránh Ngài.) Việc ngươi làm đau lòng Đức Chúa Trời không phải là chuyện nhất thời; ngươi đã làm đau lòng Ngài từ lâu rồi, và không chỉ một lần! Nhưng nếu ngươi thực sự từ bỏ chính mình thì cũng giống như ngươi để Đức Chúa Trời hoàn toàn từ bỏ ngươi và không cứu rỗi ngươi, lúc đó Ngài sẽ thực sự đau lòng. Đức Chúa Trời sẽ không phán tội chết hoặc quy định con người dựa trên biểu hiện của họ, dù là nhất thời hay trong một khoảng thời gian; Ngài sẽ không làm thế. Vậy thì ngươi nên nhận biết tâm tính của Đức Chúa Trời như thế nào? Làm thế nào để giải quyết quan niệm và cách nhìn nhận sai lầm của con người? Ngươi không biết Đức Chúa Trời nghĩ gì về nhiều điều và không biết làm sao để ăn khớp với tâm tính công chính và thực chất thánh khiết của Ngài. Ngươi không nhận biết được, nhưng có một điều mà ngươi phải nhớ: Dù Đức Chúa Trời làm gì thì con người cũng phải thuận phục; con người là một loài thọ tạo, từ đất sét mà ra và phải thuận phục Đức Chúa Trời. Đây là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của con người, là thái độ mà con người nên có. Khi có thái độ này, con người nên đối đãi với Đức Chúa Trời và những việc Ngài làm như thế nào? Đừng bao giờ định tội, kẻo ngươi sẽ xúc phạm tâm tính của Đức Chúa Trời. Ngươi có quan niệm thì phải giải quyết quan niệm, chứ đừng định tội Đức Chúa Trời hoặc những việc Ngài làm. Một khi ngươi định tội thì ngươi sẽ tiêu tùng. Làm thế cũng giống như đứng về phía đối lập với Đức Chúa Trời và không có cơ hội nhận được sự cứu rỗi. Có lẽ ngươi nói: “Bây giờ, tôi không đứng về phía đối lập với Đức Chúa Trời nhưng tôi có những hiểu lầm về Ngài” hoặc “Lòng tôi có chút hoài nghi về Đức Chúa Trời; đức tin của tôi nhỏ bé, tôi yếu đuối và tiêu cực”. Tất cả những điều này đều xử lý được và có thể giải quyết bằng cách tìm kiếm lẽ thật, nhưng tuyệt đối đừng định tội Đức Chúa Trời. Nếu ngươi nói: “Việc Đức Chúa Trời đã làm là không đúng, không phù hợp với lẽ thật, nên tôi có lý do để hoài nghi, chất vấn, và chỉ trích. Tôi sẽ truyền tin này khắp nơi và đoàn kết mọi người để chất vấn Ngài”, như thế là phiền phức rồi. Thái độ của Đức Chúa Trời với ngươi sẽ thay đổi, và nếu ngươi định tội Ngài thì ngươi sẽ hoàn toàn tiêu tùng. Đức Chúa Trời có quá nhiều cách để báo ứng ngươi. Cho nên, con người đừng có cố tình đối kháng với Đức Chúa Trời. Nếu ngươi vô tình làm một việc chống đối Đức Chúa Trời thì sẽ không phải vấn đề lớn vì ngươi không cố ý hay có chủ tâm, và Ngài sẽ cho ngươi cơ hội hối cải. Nếu ngươi biết là Đức Chúa Trời làm mà vẫn cố ý định tội, lại còn muốn xúi giục mọi người cùng nhau phản kháng, như vậy là phiền phức rồi. Và kết quả sẽ là gì? Ngươi sẽ có kết cục giống như hai trăm năm mươi thủ lĩnh đã chống lại Môi-se. Biết đó là Đức Chúa Trời mà ngươi vẫn dám kêu gào với Ngài. Đức Chúa Trời không tranh luận với ngươi: Ngài có thẩm quyền; Ngài sẽ để mặt đất mở ra và nuốt chửng ngươi ngay lập tức, và thế là xong. Ngài sẽ không bao giờ thấy ngươi hoặc nghe ngươi tranh luận. Đây là tâm tính của Đức Chúa Trời. Tâm tính của Đức Chúa Trời đang thể hiện lúc này là gì? Là sự thịnh nộ! Cho nên, con người tuyệt đối không được làm kêu gào với Đức Chúa Trời hay xúc phạm làm Ngài thịnh nộ. Xúc phạm Đức Chúa Trời thì kết quả sẽ là diệt vong.

Trích đoạn 24

Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đó là sự thật và ai cũng thừa nhận sự thật ấy, vậy Ngài yêu thương con người như thế nào? (Thưa, Đức Chúa Trời bày tỏ lẽ thật, cung ứng lẽ thật cho con người, vạch trần, phán xét, sửa dạy, thử luyện và tinh luyện con người, để con người hiểu và đạt được lẽ thật.) Đây là những gì các ngươi đã thể nghiệm và chứng kiến. Đức Chúa Trời biểu hiện tình yêu thương với nhân loại mỗi thời đại mỗi khác. Có những lúc tình yêu thương của Ngài phù hợp với quan niệm của con người, nên họ ngay lập tức có thể nắm bắt và thừa nhận tình yêu thương đó. Nhưng đôi khi tình yêu thương của Ngài lại không phù hợp với quan niệm của con người và họ không sẵn lòng tiếp nhận. Những khía cạnh nào trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời không phù hợp với quan niệm của con người? Là sự phán xét, hành phạt, định tội, trừng phạt, là cơn thịnh nộ, sự rủa sả của Ngài, vân vân. Không ai sẵn lòng gặp những chuyện này, không ai có thể tiếp nhận chúng và cũng chẳng ai nghĩ rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời có thể biểu hiện theo cách này. Vậy từ ban đầu, con người đã quy định tình yêu thương của Ngài như thế nào? Con người quy định tình yêu thương của Ngài chỉ trong việc Đức Chúa Jêsus chữa bệnh, trừ quỷ, mang năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn, ban ân điển dồi dào và kiếm tìm những kẻ lạc lối. Trong mường tượng của con người, Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại như chú chiên con và vuốt ve chúng hết sức nhẹ nhàng. Con người coi đó là tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Vì lẽ đó, khi thấy Đức Chúa Trời dùng lời nghiêm khắc, hoặc thi hành sự phán xét, hành phạt, giáng đòn và sửa dạy, con người lại thấy mâu thuẫn với hình dung của họ về Ngài, do đó nảy sinh những quan niệm, họ trở nên phản nghịch, thậm chí là phủ nhận Đức Chúa Trời. Nếu đến một ngày, Đức Chúa Trời rủa sả các ngươi, nói rằng các ngươi thiếu nhân tính, không yêu lẽ thật, chẳng hơn gì thú vật và Ngài sẽ không cứu rỗi các ngươi, thì các ngươi sẽ nghĩ gì? Liệu các ngươi có cảm thấy tình yêu của Đức Chúa Trời không có thật và Ngài không yêu thương hay không? Liệu các ngươi có mất đi đức tin nơi Ngài không? Có người nói: “Đức Chúa Trời phán xét và hành phạt tôi để cứu rỗi tôi, nhưng nếu Ngài rủa sả tôi, tôi sẽ không thừa nhận Ngài là Đức Chúa Trời của mình. Nếu Đức Chúa Trời rủa sả một người, chẳng phải điều đó báo hiệu kết thúc của người này hay sao? Chẳng phải họ sẽ bị trừng phạt và phải xuống địa ngục hay sao? Nếu chẳng thấy kết cục nào, vậy thì tin vào Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì nữa?”. Đây chẳng phải là một quan niệm ngớ ngẩn sao? Nếu có ngày Đức Chúa Trời rủa sả ngươi, liệu ngươi có còn đi theo Ngài như bây giờ không? Ngươi có tiếp tục thực hiện bổn phận của mình không? Điều này cũng thật khó nói. Một số người có thể kiên trì với bổn phận của mình; họ chú trọng mưu cầu lẽ thật và có sự chuẩn bị. Nhưng lại có những người không mưu cầu lẽ thật và không chú trọng việc tiến bộ trong sự sống. Họ phớt lờ những điều đó. Họ chỉ nghĩ đến phần thưởng, lợi ích, và việc trở thành người có ích trong nhà của Đức Chúa Trời. Khi có thì giờ, họ luôn tổng kết lại những công tác họ đã làm gần đây, những việc tốt mà họ đã thực hiện cho hội thánh, những cái giá lớn lao mà họ đã trả, cũng như những phần thưởng và mão triều thiên mà họ cho rằng mình xứng đáng. Hễ rảnh rỗi là họ tổng kết lại những điều đó. Vậy khi Đức Chúa Trời rủa sả những người đó, liệu họ có thấy việc này bất ngờ và chẳng thể lường trước hay không? Liệu họ có ngay lập tức ngừng tin vào Đức Chúa Trời không? Việc này có thể xảy ra hay không? (Thưa, có.) Thái độ duy nhất mà một loài thọ tạo nên có đối với Đấng Tạo Hóa là thuận phục, thuận phục vô điều kiện. Đây là điều một số người ngày nay có thể không chấp nhận được. Điều này là vì vóc giạc con người quá nhỏ bé và họ không có thực tế lẽ thật. Khi Đức Chúa Trời làm những việc không hợp quan niệm của ngươi, nếu ngươi có thể hiểu sai về Đức Chúa Trời – thậm chí có thể phản nghịch và phản bội Đức Chúa Trời – vậy thì ngươi còn lâu mới có thể thuận phục Đức Chúa Trời. Trong khi con người được chu cấp và chăm tưới bởi lời Đức Chúa Trời, thì thực ra con người đang phấn đấu cho một mục tiêu duy nhất, đó là cuối cùng có thể đạt được sự thuận phục tuyệt đối, vô điều kiện đối với Đức Chúa Trời – khi đó, ngươi, con người thọ tạo này, sẽ đạt tiêu chuẩn. Có những lúc Đức Chúa Trời cố tình làm những điều không hợp quan niệm của ngươi, và cố tình làm những điều trái ý muốn của ngươi, thậm chí còn có vẻ không phù hợp với lẽ thật, không màng đến cảm xúc của con người, không hợp với sở thích của con người; những điều này có thể khó chấp nhận đối với ngươi, ngươi có thể không lý giải nổi chúng, và dù có phân tích thế nào đi nữa, ngươi vẫn thấy chúng sai và không thể tiếp nhận chúng được, ngươi có thể cảm thấy rằng Đức Chúa Trời làm việc này là không hợp lý – nhưng thực ra, Đức Chúa Trời cố tình làm vậy. Vậy, mục đích của Đức Chúa Trời khi làm những việc này là gì? Đó là để kiểm tra và tỏ lộ ngươi, để xem liệu ngươi có thể tìm kiếm lẽ thật hay không, xem ngươi có thực sự thuận phục Đức Chúa Trời hay không. Đối với mọi việc Đức Chúa Trời làm và yêu cầu, ngươi đừng tìm căn cứ, cũng đừng hỏi tại sao. Cố gắng lý luận với Đức Chúa Trời chỉ vô ích. Ngươi chỉ cần nhận định rằng Đức Chúa Trời là lẽ thật và có thể tuyệt đối thuận phục là được rồi. Ngươi chỉ cần thừa nhận rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của ngươi và là Đức Chúa Trời của ngươi. Điều này cao hơn bất kỳ đạo lý nào, cao hơn bất kỳ đạo lý đối nhân xử thế nào, cao hơn bất kỳ đạo đức, luân lý, tri thức, triết lý hay văn hóa truyền thống nào của con người – thậm chí còn cao hơn tình và nghĩa của con người, cao hơn cái gọi là tình người. Nó cao hơn tất cả. Nếu ngươi chưa rõ điều này, thì sớm hay muộn sẽ có ngày có chuyện xảy đến với ngươi và ngươi gục ngã. Ít nhất thì ngươi cũng sẽ phản nghịch Đức Chúa Trời và đi lầm đường lạc lối; nếu cuối cùng ngươi có thể hối cải và nhận biết sự đáng yêu mến của Đức Chúa Trời, nhận ra ý nghĩa trong công tác của Đức Chúa Trời trên ngươi, thì ngươi vẫn còn hy vọng được cứu rỗi – nhưng nếu ngươi gục ngã vì chuyện này và không thể đứng lên lại thì ngươi không có hy vọng. Dù Đức Chúa Trời phán xét, hành phạt hay rủa sả con người, thì tất cả đều là để để cứu rỗi họ, và họ không cần phải sợ. Các ngươi nên sợ điều gì? Các ngươi nên sợ Đức Chúa Trời phán: “Ta ghét bỏ ngươi”. Nếu Đức Chúa Trời phán điều này thì ngươi gặp phiền phức rồi: điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ không cứu rỗi ngươi, và ngươi không còn chút hy vọng được cứu rỗi nào. Vì vậy, khi tiếp nhận công tác của Đức Chúa Trời, con người phải hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời. Dù có làm gì cũng đừng xét nét khi liên quan đến lời Đức Chúa Trời, nói rằng: “Sự phán xét và hình phạt thì được, nhưng sự định tội, rủa sả và hủy diệt – đó chẳng phải có nghĩa là mình tiêu đời sao? Làm một loài thọ tạo của Đức Chúa Trời để làm gì gì chứ? Thế nên con sẽ không làm vậy, và Ngài sẽ không còn là Đức Chúa Trời của con nữa”. Nếu ngươi chối bỏ Đức Chúa Trời và không đứng vững làm chứng, thì Đức Chúa Trời có thể thực sự không cần ngươi nữa. Các ngươi có nhận thức được như vậy không? Dù con người đã tin Đức Chúa Trời bao lâu, đã bôn ba bao nhiêu nẻo đường, làm bao nhiêu việc, hay thực hiện bao nhiêu bổn phận, thì mọi điều họ đã làm trong thời gian này thực ra đều là để chuẩn bị cho một việc. Việc đó là gì? Họ đang chuẩn bị để cuối cùng có được sự thuận phục tuyệt đối và vô điều kiện với Đức Chúa Trời. “Vô điều kiện” nghĩa là gì? Nghĩa là ngươi không biện minh, không nói về các lý do khách quan của ngươi, không so đo bất kỳ chuyện gì; ngươi là một loài thọ tạo, ngươi không xứng. Khi so đo với Đức Chúa Trời, ngươi đã đứng sai chỗ của mình rồi, và khi ngươi cố lý luận với Đức Chúa Trời – một lần nữa, ngươi đã đứng sai chỗ của mình. Đừng tranh cãi với Đức Chúa Trời, đừng luôn cố gắng tìm ra lý do, đừng khăng khăng phải hiểu thì mới chịu thuận phục, không hiểu thì không thuận phục. Khi làm như vậy, ngươi đã đứng sai chỗ, vậy thì sự thuận phục của ngươi đối với Đức Chúa Trời là không tuyệt đối; đó là sự thuận phục tương đối và có điều kiện. Những người đưa ra điều kiện khi thuận phục Đức Chúa Trời thì có phải là người thực sự thuận phục Đức Chúa Trời không? Ngươi có đang coi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời không? Ngươi có thờ phượng Đức Chúa Trời như Đấng Tạo Hóa không? Nếu ngươi không như vậy thì Đức Chúa Trời không thừa nhận ngươi. Ngươi phải trải nghiệm điều gì để đạt đến thuận phục tuyệt đối và vô điều kiện với Đức Chúa Trời? Và ngươi nên trải nghiệm như thế nào? Một mặt, con người phải tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời, họ phải tiếp nhận việc bị tỉa sửa. Mặt khác, họ phải tiếp nhận sự ủy thác của Đức Chúa Trời, họ phải mưu cầu lẽ thật khi thực hiện bổn phận của mình, họ phải hiểu các khía cạnh khác nhau của lẽ thật liên quan đến lối vào sự sống, và đạt đến hiểu tâm ý của Đức Chúa Trời. Đôi khi, điều này vượt ngoài tầm tố chất của con người và họ không có sức hiểu để đạt đến hiểu lẽ thật, và chỉ có thể hiểu được một chút khi được người khác thông công cho hoặc thông qua việc học các bài học từ các tình huống khác nhau do Đức Chúa Trời tạo ra. Nhưng ngươi phải biết rằng mình phải có tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời, ngươi không được cố lý luận hay đưa ra điều kiện với Đức Chúa Trời; mọi việc Đức Chúa Trời làm đều là việc nên làm, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa còn ngươi là loài thọ tạo, và ngươi phải có thái độ thuận phục, không được lúc nào cũng hỏi lý do hoặc nêu điều kiện. Nếu ngươi không có ngay cả thái độ thuận phục cơ bản nhất, và thậm chí còn có khả năng nghi ngờ và cảnh giác với Đức Chúa Trời, hoặc nghĩ trong lòng rằng: “Mình phải xem liệu Đức Chúa Trời rốt cuộc có cứu rỗi mình hay không, xem Đức Chúa Trời rốt cuộc có công chính hay không. Ai cũng nói Đức Chúa Trời là tình yêu – thế thì mình phải xem liệu thực sự có tình yêu trong việc Đức Chúa Trời làm với mình không, liệu đó rốt cuộc có phải là tình yêu hay không”, nếu ngươi liên tục nghiên cứu xem liệu việc Đức Chúa Trời làm có phù hợp với quan niệm và sở thích của ngươi hay không, hay thậm chí có phù hợp với những gì ngươi cho là lẽ thật hay không, thì ngươi đã đứng sai chỗ và ngươi đang gặp phiền phức rồi: ngươi sẽ dễ xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời. Những lẽ thật liên quan đến sự thuận phục là rất quan trọng và không có lẽ thật nào có thể được diễn đạt hoàn chỉnh và thấu đáo chỉ trong một vài câu; chúng đều liên quan đến những trạng thái khác nhau và những sự bại hoại của con người. Việc bước vào thực tế lẽ thật không thể đạt được trong một hoặc hai năm, hay ba hoặc năm năm. Việc này đòi hỏi phải trải qua nhiều điều, trải nghiệm nhiều sự phán xét và hình phạt của lời Đức Chúa Trời, trải nghiệm nhiều sự tỉa sửa, và cuối cùng đạt đến có thể thực hành lẽ thật. Chỉ khi đó việc mưu cầu lẽ thật mới có hiệu quả và chỉ khi đó, con người mới có thực tế lẽ thật. Chỉ những ai có thực tế lẽ thật mới là những người có trải nghiệm thực sự.

Trích đoạn 25

Vài năm sau khi giai đoạn công tác này bắt đầu, có một người tin Đức Chúa Trời nhưng không mưu cầu lẽ thật; tất cả những gì anh ta muốn là kiếm tiền và tìm một người bạn đời, để sống cuộc sống của một người giàu có, và vì vậy anh ta rời khỏi hội thánh. Sau khi rong ruổi nhiều năm, giờ đây anh ta bất ngờ trở lại. Anh ta cảm thấy hối hận vô cùng trong lòng, và đã khóc nước mắt giàn giụa. Điều này chứng tỏ rằng lòng anh ta đã không rời bỏ Đức Chúa Trời hoàn toàn, và đây là một điều tốt; anh ta vẫn còn một cơ hội và hy vọng được cứu rỗi. Nếu anh ta đã không tin nữa, trở nên y như những người ngoại đạo thì anh ta đã hoàn toàn tiêu đời. Nếu anh ta có thể thật sự ăn năn, thì vẫn còn hy vọng cho anh ta; điều này là hiếm và quý giá. Bất kể Đức Chúa Trời hành động thế nào, và cho dù Ngài đối xử với con người ra sao – ngay cả khi Ngài căm ghét, khinh ghét, hay rủa sả họ – nếu có một ngày họ có thể quay đầu thì Ta sẽ có được niềm an ủi rất lớn, bởi điều này sẽ có nghĩa rằng họ vẫn có chút ít chỗ cho Đức Chúa Trời trong lòng họ, rằng họ không hoàn toàn mất lý trí con người hay nhân tính của họ, rằng họ vẫn muốn tin Đức Chúa Trời, và họ chí ít có chút ý định công nhận và trở về trước Ngài. Đối với những người thật sự có Đức Chúa Trời trong lòng, cho dù khi họ rời bỏ nhà Đức Chúa Trời, nếu họ trở lại và vẫn thân cận với gia đình này thì Ta sẽ trở nên có phần gắn bó về mặt tình cảm và sẽ được an ủi đôi chút vì điều này. Tuy nhiên, nếu họ không bao giờ quay lại, Ta sẽ nghĩ điều đó thật đáng tiếc. Nếu họ có thể quay lại và thật sự ăn năn thì lòng Ta sẽ đặc biệt đầy mãn nguyện và thoải mái. Việc người này vẫn có khả năng quay trở lại ngụ ý rằng anh ta chưa quên Đức Chúa Trời; anh ta trở về vì trong lòng mình, anh ta vẫn khao khát Đức Chúa Trời. Thật cảm động khi chúng ta gặp nhau. Khi anh ta ra đi, anh ta chắc chắn đã rất tiêu cực, và đã ở trong trạng thái tồi tệ; tuy nhiên, nếu giờ anh ta có thể quay lại thì điều đó chứng tỏ anh ta vẫn có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, anh ta có thể tiếp tục tiến tới hay không là một yếu tố chưa biết, bởi con người thay đổi rất nhanh. Trong Thời đại Ân điển, Jêsus đã thương xót và ban ân điển cho con người. Nếu trong một trăm con chiên có một con bị lạc, Ngài sẽ bỏ chín mươi chín con kia mà tìm con chiên ấy. Điều này không đại diện cho một hành động máy móc, cũng không phải là quy định; đúng hơn, nó cho thấy ý định cấp thiết của Đức Chúa Trời là mang đến sự cứu rỗi cho con người, cũng như tình yêu sâu sắc của Ngài dành cho họ. Đó không phải là một cách làm việc; đó là một dạng tâm tính, một kiểu tâm lý. Do đó, một số người rời khỏi hội thánh sáu tháng hay một năm, hay có yếu đuối thế nào, hay có bao nhiêu quan niệm sai lầm, và ấy thế mà khả năng họ thức tỉnh trước thực tế, đạt được kiến thức và quay đầu, và quay lại đúng hướng sau đó khiến Ta cảm thấy đặc biệt được an ủi và mang lại cho Ta chút niềm vui. Trong thế giới vui vẻ và rực rỡ này, và trong thời đại tà ác này, việc có thể công nhận Đức Chúa Trời và quay lại đúng hướng là điều mang lại khá nhiều niềm an ủi và hứng thú. Lấy việc nuôi con làm ví dụ: dù chúng có hiếu thảo hay không, ngươi sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng không thừa nhận ngươi, bỏ nhà đi, và không bao giờ trở lại? Tận sâu thẳm, ngươi vẫn sẽ tiếp tục cảm thấy quan tâm đến chúng, và ngươi sẽ luôn tự hỏi: “Khi nào con trai tôi quay trở lại? Tôi muốn gặp nó. Suy cho cùng, nó là con trai tôi, và chẳng phải khi không mà tôi nuôi nấng, yêu thương nó”. Ngươi luôn nghĩ theo cách này; ngươi luôn khao khát ngày ấy đến. Mọi người đều cảm nhận như nhau về việc này, huống chi Đức Chúa Trời – chẳng phải Ngài càng hy vọng nhiều hơn rằng con người sẽ tìm thấy đường về sau khi lạc lối, rằng đứa con hoang đàng sẽ trở về sao? Con người ngày nay có vóc giạc nhỏ bé, nhưng sẽ đến ngày họ hiểu ra tâm ý của Đức Chúa Trời – trừ khi họ không có sự hướng vọng đến đức tin thật, trừ khi họ là những người không tin, là trường hợp họ không đáng để Đức Chúa Trời quan tâm.

Trích đoạn 26

Có những loại người khác nhau, và họ được phân biệt bởi loại linh hồn mà họ có. Một số người có linh hồn con người, và họ là những người mà Đức Chúa Trời đã định trước và đã chọn. Một số người thì không có linh hồn con người; họ là những ma quỷ lẻn vào. Những người không được Đức Chúa Trời định trước và chọn lựa thì có lẻn vào được nhà Đức Chúa Trời cũng không thể được cứu rỗi, và sau cùng, họ sẽ bị vạch trần và đào thải. Việc con người có thể tiếp nhận công tác của Đức Chúa Trời hay không, sau khi đã tiếp nhận thì họ đi dạng con đường nào và có thể biến đổi hay không, tất cả đều tùy thuộc vào linh hồn và bản tính bên trong họ. Một số người không thể không đi chệch hướng; linh hồn của họ quyết định họ là người như thế, và họ không thể thay đổi. Ở một số người, Đức Thánh Linh không hoạt động, bởi vì họ không đi chính đạo; tuy nhiên, nếu họ có thể quay đầu thì Đức Thánh Linh vẫn có thể hoạt động. Còn nếu họ không chịu quay đầu thì tất cả sẽ kết thúc đối với họ. Tình huống nào cũng có, nhưng Đức Chúa Trời công chính trong cách đối đãi với mỗi người. Mọi người nên nhận thức và lĩnh hội tâm tính công chính của Đức Chúa Trời như thế nào? Người công chính nhận được phước lành của Ngài còn kẻ ác bị Ngài nguyền rủa. Đây là sự công chính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban thưởng cho người lành và trừng phạt kẻ ác, và Ngài báo ứng mỗi người tùy theo việc làm của họ. Đúng là như thế, nhưng hiện nay có một số chuyện không phù hợp với quan niệm của con người, cụ thể là có một số người tin Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài mà bị giết hoặc gặp phải những sự rủa sả của Ngài, hoặc chưa bao giờ được Ngài ban phước hay chú ý đến; dù họ có thờ phượng Ngài đến đâu, Ngài cũng phớt lờ họ. Có những kẻ ác mà Đức Chúa Trời không ban phước cũng không trừng phạt, vậy mà họ vẫn phú quý, đông con đông cháu, và mọi việc đều hanh thông với họ; làm gì cũng thuận lợi. Đây có phải là sự công chính của Đức Chúa Trời không? Một số người nói: “Chúng tôi thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng vẫn chưa nhận được phước lành từ Ngài, trong khi những kẻ ác không thờ phượng Đức Chúa Trời và thậm chí chống đối Ngài thì lại đang sống tốt hơn và sung túc hơn chúng tôi. Đức Chúa Trời không công chính!”. Điều này cho các ngươi thấy điều gì? Ta vừa đưa cho các ngươi hai ví dụ. Ví dụ nào nói về sự công chính của Đức Chúa Trời? Một số người nói: “Cả hai đều là biểu hiện của sự công chính của Đức Chúa Trời!”. Tại sao họ lại nói như vậy? Có những nguyên tắc trong hành động của Đức Chúa Trời – chỉ là con người không thể nhìn rõ, và khi không thể nhìn rõ, họ không thể nói rằng Đức Chúa Trời không công chính. Con người chỉ có thể nhìn thấy những gì ngoài bề mặt; họ không thể nhìn thấu thực tình. Vì vậy, những gì Đức Chúa Trời làm là công chính, cho dù nó ít phù hợp với quan niệm và tưởng tượng của con người như thế nào đi nữa. Có nhiều người liên tục than oán rằng Đức Chúa Trời không công chính. Đó là bởi họ không hiểu thực tình. Khi luôn nhìn sự việc dưới góc độ của những quan niệm và sự tưởng tượng của mình thì họ rất dễ mắc sai lầm. Nhận thức của con người tồn tại trong tư duy và quan điểm của riêng họ, trong quan niệm về sự đổi chác của họ, hoặc trong những góc nhìn của họ về thiện ác, đúng sai, hoặc lô-gic. Khi một người nhìn sự việc từ những quan điểm như vậy, họ rất dễ hiểu sai về Đức Chúa Trời, nảy sinh những quan niệm, rồi sẽ chống đối Ngài, than oán về Ngài. Có một người nghèo khổ chỉ biết thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng Ngài lại thờ ơ và không ban phước cho anh ta. Có lẽ các ngươi sẽ nghĩ rằng: “Kể cả Đức Chúa Trời không ban phước cho anh ta trong đời này, thì chắc chắn Ngài sẽ ban phước cho anh ta trong đời đời và tưởng thưởng cho anh ta gấp vạn lần hơn thế. Chẳng phải như thế sẽ khiến Đức Chúa Trời công chính sao? Một người giàu vui hưởng phước lành gấp trăm lần trong đời này và sẽ đối mặt với sự hủy diệt trong đời đời. Chẳng phải đây cũng là sự công chính của Đức Chúa Trời sao?”. Người ta nên hiểu về sự công chính của Đức Chúa Trời như thế nào đây? Hãy lấy sự hiểu biết về công tác của Đức Chúa Trời làm ví dụ: nếu Đức Chúa Trời đã khép lại công tác của Ngài sau khi hoàn thành công tác trong Thời đại Ân điển, và đã không làm công tác phán xét trong thời kỳ sau rốt, không triệt để cứu rỗi con người, dẫn đến việc con người hoàn toàn bị hủy diệt, thì như thế Ngài có thể được xem là có tình yêu và sự công chính không? Nếu những ai thờ phượng Đức Chúa Trời mà lại bị ném vào hồ lửa và diêm sinh, còn những kẻ không thờ phượng Ngài hay thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của Ngài thì lại được cho sống sót, thì việc này phải hiểu ra làm sao? Khi nói năng trong bối cảnh đạo lý, thường người ta luôn nói rằng Đức Chúa Trời công chính, nhưng khi đối mặt với dạng tình huống như vậy, thì có lẽ họ không thể phân định đúng đắn được và có thể còn oán trách Đức Chúa Trời và phán xét rằng Ngài không công chính.

Tình yêu và sự công chính của Đức Chúa Trời phải được hiểu một cách thấu đáo, và phải được giải thích và lĩnh hội dựa trên lời Đức Chúa Trời và lẽ thật. Hơn nữa, người ta phải trải qua những trải nghiệm thật và đạt được sự khai sáng của Đức Chúa Trời thì mới có thể thực sự biết được tình yêu và sự công chính của Đức Chúa Trời. Sự đánh giá của người ta đối với tình yêu và sự công chính của Ngài không được dựa trên những quan niệm và tưởng tượng của họ. Theo quan niệm của con người, thì phải thưởng thiện phạt ác, người tốt được đền đáp xứng đáng, kẻ ác bị trừng trị và ai không làm điều ác đều nên được đền đáp xứng đáng cũng như nhận được phước lành. Có vẻ như, trong mọi trường hợp mà con người không xấu xa, họ nên được đền đáp xứng đáng; chỉ điều này mới là sự công chính của Đức Chúa Trời. Đây chẳng phải là quan niệm của con người sao? Nhưng nếu họ không được đền đáp xứng đáng thì sao? Khi đó ngươi có nói rằng Đức Chúa Trời không công chính không? Chẳng hạn như, trong thời Nô-ê, Đức Chúa Trời đã bảo với Nô-ê rằng: “Kỳ cuối cùng của mọi xác thịt đã đưa đến trước mặt ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy dẫy điều hung hăng; vậy, Ta sẽ diệt-trừ họ cùng đất” (Sách sáng thế 6:13). Sau đó Ngài đã lệnh cho Nô-ê đóng tàu. Sau khi Nô-ê đã tiếp nhận sự ủy thác của Đức Chúa Trời và đóng con tàu, một trận mưa dữ dội đã đổ xuống trên đất suốt bốn mươi ngày đêm, toàn bộ thế gian chìm ngập dưới nước lụt, và Đức Chúa Trời đã hủy diệt tất thảy loài người thời đó, ngoại trừ Nô-ê và bảy thành viên gia đình của ông. Ngươi nghĩ sao về câu chuyện này? Ngươi có cho rằng Đức Chúa Trời không có tình yêu thương không? Đối với con người mà nói thì dù cho họ có bại hoại tới đâu đi nữa, nhưng hễ Đức Chúa Trời hủy diệt nhân loại thì điều đó có nghĩa rằng Ngài không có tình yêu thương. Họ nghĩ vậy thì có đúng không? Ý nghĩ này chẳng phải là hoang đường sao? Đức Chúa Trời không yêu thương những kẻ mà Ngài đã hủy diệt, nhưng ngươi có thể nói rằng Ngài không yêu thương những người đã sống sót và đạt được sự cứu rỗi của Ngài sao? Phi-e-rơ yêu kính Đức Chúa Trời đến tột cùng, và Đức Chúa Trời đã yêu thương Phi-e-rơ – ngươi có thể nói rằng Đức Chúa Trời không yêu thương sao? Đức Chúa Trời yêu thương những người thật sự yêu kính Ngài, và khinh ghét rủa sả những kẻ chống đối Ngài và không chịu ăn năn. Đức Chúa Trời có cả yêu và hận, đây là sự thật. Con người không nên quy định hay phán xét Đức Chúa Trời theo quan niệm và tưởng tượng của họ, vì quan niệm và tưởng tượng của nhân loại, tức là cách mà họ nhìn nhận sự việc, hoàn toàn không có lẽ thật. Phải nhận biết Đức Chúa Trời dựa trên thái độ của Ngài đối với con người, trên tâm tính và thực chất của Ngài. Người ta tuyệt đối không được dựa trên vẻ bên ngoài của những điều Ngài làm và xử lý mà quy định thực chất của Đức Chúa Trời. Nhân loại đã bị Sa-tan làm bại hoại quá sâu sắc; họ không biết thực chất bản tính của nhân loại bại hoại, càng không biết nhân loại bại hoại là gì trước Đức Chúa Trời, cũng như cách họ phải được đối xử như thế nào theo tâm tính công chính của Ngài. Hãy xem Gióp, ông là một người công chính và Đức Chúa Trời đã ban phước cho ông. Đây là sự công chính của Đức Chúa Trời. Sa-tan đã đánh cược với Đức Giê-hô-va: “Gióp há kính sợ Ðức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt” (Gióp 1:9-11). Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán: “Các vật người có đều phó trong tay người; nhưng chớ tra tay vào mình nó” (Gióp 1:12). Vì vậy, Sa-tan đã tìm đến Gióp, tấn công và cám dỗ ông, và sau đó Gióp đã gặp phải sự thử luyện. Ông bị tước đoạt mọi thứ mình có – ông mất con cái và tài sản, còn mình mẩy thì nổi đầy ung nhọt. Trong những thử luyện của Gióp có tâm tính công chính của Đức Chúa Trời không? Ngươi không thể nói rõ, đúng không? Ngay cả khi ngươi là người công chính, Đức Chúa Trời cũng có quyền bắt ngươi phải chịu thử luyện và cho phép ngươi làm chứng cho Ngài. Đức Chúa Trời có tâm tính công chính; Ngài đối xử bình đẳng với mọi người. Không phải là những người công chính không cần phải trải qua thử luyện kể cả khi họ có thể chịu được, hoặc họ phải được bảo vệ; không phải như vậy. Đức Chúa Trời có quyền bắt những người công chính phải trải qua thử luyện. Điều này là sự tỏ lộ tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, sau khi Gióp đã trải qua thử luyện và làm chứng cho Đức Giê-hô-va xong, Đức Giê-hô-va ban phước cho ông thậm chí còn nhiều hơn trước, tốt hơn trước, và Ngài đã ban cho ông phước lành nhiều gấp đôi. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va hiện ra với ông, và phán với ông từ trong cơn gió, và Gióp nhìn thấy Ngài như thể mặt đối mặt. Đây là một phước lành được Đức Chúa Trời ban cho ông. Đây là sự công chính của Đức Chúa Trời. Khi Gióp đã trải qua thử luyện xong và Đức Giê-hô-va thấy Gióp đã làm chứng cho Ngài như thế nào trước mặt Sa-tan và khiến Sa-tan xấu hổ, sau đó Đức Giê-hô-va quay lưng bỏ đi, phớt lờ ông và Gióp không nhận được phước lành, nếu chuyện xảy ra như vậy thì sao, liệu trong đây có sự công chính của Đức Chúa Trời không? Bất kể Gióp có được ban phước lành sau những thử luyện hay không, hay liệu Đức Giê-hô-va có hiện ra trước ông hay không, tất cả những điều này đều chứa đựng ý tốt của Đức Chúa Trời. Việc xuất hiện với Gióp sẽ là sự công chính của Đức Chúa Trời, và việc không xuất hiện với ông cũng là sự công chính của Đức Chúa Trời. Dựa trên cơ sở nào mà ngươi – một loài thọ tạo – lại đưa ra những đòi hỏi với Đức Chúa Trời? Con người không có tư cách để đưa ra những đòi hỏi với Đức Chúa Trời. Không gì vô lý hơn là đưa ra những đòi hỏi với Đức Chúa Trời. Ngài sẽ làm những gì Ngài phải làm, và tâm tính của Ngài là công chính. Công chính không có nghĩa là công bằng hoặc hợp lý; đó không phải là chủ nghĩa quân bình, hay vấn đề phân bổ cho ngươi những gì ngươi xứng đáng tương ứng với lượng công việc ngươi đã hoàn thành, hoặc trả cho ngươi vì bất cứ công việc nào ngươi đã làm, hoặc ghi nhận về những nỗ lực ngươi bỏ ra. Đây không phải là sự công chính, nó chỉ đơn thuần là công bằng và hợp lý. Rất ít người có khả năng biết được tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Giả sử Đức Chúa Trời đã hủy diệt Gióp sau khi Gióp làm chứng cho Ngài: Việc đó có công chính không? Thực ra là có. Tại sao gọi đây là sự công chính? Con người nhìn nhận sự công chính như thế nào? Nếu điều gì đó phù hợp với quan niệm của mọi người, thì rất dễ dàng để họ nói rằng Đức Chúa Trời là công chính; tuy nhiên, nếu họ không thấy điều đó phù hợp với quan niệm của họ – nếu đó là điều mà họ không thể hiểu được – thì sẽ khó để họ nói rằng Đức Chúa Trời là công chính. Nếu Đức Chúa Trời hủy diệt Gióp vào lúc ấy, con người sẽ không nói Ngài công chính. Tuy nhiên, thật ra thì dù con người có bị bại hoại hay không, và dù họ có bị bại hoại sâu sắc hay không thì Đức Chúa Trời có phải biện minh cho Ngài khi Ngài hủy diệt họ không? Ngài có phải giải thích cho con người là Ngài làm như vậy dựa trên cơ sở nào không? Đức Chúa Trời có phải nói cho con người biết những quy luật Ngài ấn định không? Không cần. Trong mắt Đức Chúa Trời, ai đó bại hoại và ai đó có thể chống đối Đức Chúa Trời thì đều không có giá trị; dù Đức Chúa Trời có xử lý họ như thế nào thì cũng sẽ là thích hợp, và tất cả đều là những sự an bài của Đức Chúa Trời. Nếu ngươi chướng mắt đối với Đức Chúa Trời, và nếu Ngài nói rằng Ngài không cần tới ngươi sau chứng ngôn của ngươi và do đó hủy diệt ngươi thì điều này cũng là sự công chính của Ngài chứ? Đúng vậy. Có lẽ ngươi không thể nhận ra điều này ngay bây giờ từ thực tế, nhưng ngươi phải hiểu đạo lý. Các ngươi nói xem – việc Đức Chúa Trời hủy diệt Sa-tan có phải là biểu hiện của sự công chính của Ngài không? (Phải.) Sẽ thế nào nếu Ngài cho phép Sa-tan tồn tại? Ngươi không dám nói phải không? Thực chất của Đức Chúa Trời là sự công chính. Mặc dù không dễ dàng hiểu được những gì Ngài làm, nhưng tất thảy những gì Ngài làm là công chính; chỉ đơn giản là mọi người không hiểu. Khi Đức Chúa Trời giao Phi-e-rơ cho Sa-tan, Phi-e-rơ đã đáp lại thế nào? “Nhân loại không thể hiểu được những gì Ngài làm, nhưng tất thảy những gì Ngài làm đều chứa đựng ý tốt của Ngài; tất thảy đều có sự công chính trong đó. Làm sao tôi có thể không thốt lên lời khen ngợi sự khôn ngoan và những việc làm của Ngài?”. Giờ ngươi nên hiểu lý do Đức Chúa Trời không tiêu diệt Sa-tan trong thời kỳ Ngài cứu rỗi con người là để con người có thể thấy rõ Sa-tan đã làm họ bại hoại ra sao và nó đã làm họ bại hoại đến mức nào, cũng như cách Đức Chúa Trời làm tinh sạch và cứu rỗi họ. Cuối cùng, khi con người đã hiểu được lẽ thật và thấy rõ được bộ mặt ghê tởm của Sa-tan, thấy được tội lỗi khủng khiếp của việc Sa-tan làm họ bại hoại, thì Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt Sa-tan, cho họ thấy sự công chính của Ngài. Thời điểm mà Đức Chúa Trời tiêu diệt Sa-tan chứa đầy tâm tính và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Mọi việc Đức Chúa Trời làm đều công chính. Mặc dù có thể con người không thể nhận ra được sự công chính của Đức Chúa Trời, nhưng họ không nên tùy ý phán xét. Nếu điều gì đó mà Ngài làm đối với con người có vẻ là không hợp lý, hoặc nếu họ có bất kỳ quan niệm nào về điều đó, và nó khiến họ cho rằng Ngài không công chính, thì họ đang là kẻ vô lý nhất. Ngươi thấy rằng Phi-e-rơ có một số chuyện không thể hiểu thấu được, nhưng ông chắc chắn rằng trong những chuyện này có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và ý tốt của Ngài. Con người không thể hiểu thấu mọi thứ; có quá nhiều thứ mà họ không thể dò thấu được. Vì vậy, để biết tâm tính của Đức Chúa Trời không phải là một điều dễ dàng. Mặc dù trong giới tôn giáo có rất nhiều người tin Đức Chúa Trời, nhưng ít ai có thể biết được tâm tính của Ngài. Khi có người cố gắng rao truyền phúc âm đến những người trong tôn giáo và cho họ đọc lời Đức Chúa Trời, thì họ chẳng những không tìm kiếm và tìm hiểu mà thậm chí còn đốt cả sách lời Đức Chúa Trời, và bị trừng phạt. Những người khác thì tin vào những lời đồn đoán, báng bổ Đức Chúa Trời, và bị trừng phạt. Quả thực có nhiều không đếm xuể các ví dụ về những chuyện như vậy xảy ra. Một số người mới tin rất kiêu căng ngạo mạn, vì vậy họ không tiếp nhận khi nghe những chuyện này, và họ nảy sinh các quan niệm. Đức Chúa Trời thấy rằng ngươi ngu muội và vô tri và Ngài phớt lờ ngươi, nhưng sẽ đến một ngày Ngài sẽ khiến ngươi hiểu được. Nếu ngươi đã theo Đức Chúa Trời nhiều năm mà vẫn cư xử như vậy, có bao nhiêu quan niệm vẫn cứ liên tục bám lấy, không chỉ không tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề mà thậm chí còn lan truyền các quan niệm của mình khắp nơi, nhạo báng và châm biếm nhà Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ phải gặp quả báo. Trong vài trường hợp, có thể Đức Chúa Trời tha thứ cho ngươi bởi vì ngươi chỉ ngu muội và vô tri mà thôi, nhưng nếu ngươi hiểu biết nhiều hơn mà vẫn cố tình hành xử kiểu vậy, không chịu nghe lời cho dù được khuyên bảo nhiều tới mấy, thì ngươi phải bị Đức Chúa Trời trừng phạt. Ngươi chỉ biết rằng Đức Chúa Trời có mặt bao dung, nhưng đừng quên Ngài còn có mặt không thể bị xúc phạm nữa, đó là tâm tính công chính của Ngài.

Trích đoạn 27

“Báng bổ và phỉ báng Đức Chúa Trời là một tội không được tha thứ trong đời này hay đời sau cũng vậy, và những ai phạm phải tội này sẽ không bao giờ được đầu thai nữa”. Câu này có nghĩa là tâm tính của Đức Chúa Trời không dung thứ cho sự xúc phạm của con người. Chắc chắn rằng sự báng bổ và phỉ báng Đức Chúa Trời sẽ không được tha thứ trong đời này hay đời sau. Báng bổ Đức Chúa Trời thì cho dù có cố tình hay không cũng là điều xúc phạm tâm tính Đức Chúa Trời, và nói những lời báng bổ Đức Chúa Trời thì dù có lý do gì chăng nữa vẫn sẽ chắc chắn bị kết tội. Tuy nhiên, có những người nói ra những lời báng bổ, lên án trong những tình huống họ không hiểu biết, hoặc họ bị người khác mê hoặc, khống chế hoặc áp chế. Sau khi nói ra những lời này thì họ cảm thấy mất bình an, cảm thấy mình đã bị cáo buộc, và họ vô cùng ăn năn. Sau đó, họ chuẩn bị đủ những việc lành, đồng thời đạt được nhận thức và thay đổi trong việc này; Đức Chúa Trời bởi vậy mà không còn nhớ tới sự vi phạm trước đây của họ nữa. Các ngươi phải biết chính xác lời Đức Chúa Trời và không được tùy tiện áp dụng theo quan niệm và sự tưởng tượng của mình. Ngươi phải hiểu những lời Ngài nhắm tới ai và Ngài nói ra trong bối cảnh nào. Ngươi không được áp dụng tùy tiện hay quy định những lời Ngài một cách tùy ý. Những người không biết cách trải nghiệm thì không phản tỉnh bản thân về việc gì cả, họ không đối chiếu bản thân với lời Đức Chúa Trời, trong khi những ai đã có chút ít trải nghiệm và sự thấu suốt thì có xu hướng nhạy cảm thái quá, đối chiếu bản thân với lời Ngài một cách tùy tiện khi họ đọc những lời rủa sả của Ngài hoặc những lời Ngài khinh ghét và đào thải người ta. Những người này không hiểu lời Đức Chúa Trời và luôn hiểu sai Ngài. Một số người không đọc những lời hiện thời của Đức Chúa Trời hoặc không tìm hiểu công tác hiện tại của Ngài, huống chi là đạt được sự khai sáng của Đức Thánh Linh. Họ đã nói năng phán xét Đức Chúa Trời, và rồi có người rao truyền phúc âm đến họ và họ đã tiếp nhận. Sau đó thì họ hối hận về những gì mình đã làm và sẵn lòng ăn năn, với trường hợp như vậy thì chúng ta sẽ xem hành vi và biểu hiện của họ ra sao tiếp sau đó. Nếu hành vi của họ đặc biệt tồi sau khi bắt đầu tin Đức Chúa Trời, và họ thêm bất cần khi nghĩ rằng: “Chà, mình đã nói những lời báng bổ, phỉ báng và phán xét tới Đức Chúa Trời, nếu Đức Chúa Trời kết tội những dạng người như vậy, thì những mưu cầu của mình cũng vô ích thôi”, thế thì họ coi như xong rồi. Họ đã bỏ mặc bản thân cho sự tuyệt vọng và tự đào hố chôn mình.

Hầu hết mọi người đều có vi phạm trong quá khứ và những vết nhơ. Chẳng hạn như, một số người đã chống đối Đức Chúa Trời và nói những điều báng bổ; một số người đã từ chối sự ủy thác của Đức Chúa Trời và không thực hiện bổn phận của họ, rồi bị Đức Chúa Trời ghét bỏ; một số người đã phản bội Đức Chúa Trời khi họ phải đối mặt với những cám dỗ; một số người đã phản bội Đức Chúa Trời bằng việc ký tên vào “Tam thư” khi họ bị bắt; một số người đã ăn cắp của lễ; một số người đã phung phí của lễ; một số người thường xuyên làm nhiễu loạn đời sống hội thánh và gây hại cho những người được Đức Chúa Trời chọn; một số người thì lập bè phái và trừng trị người khác, làm xáo trộn hội thánh; một số người thường xuyên truyền bá các quan niệm và cái chết, làm hại các anh chị em; và một số người thì lăng nhăng và dâm loạn, đã gây ảnh hưởng cực kỳ xấu. Điều đó đủ để nói rằng ai cũng có những vi phạm và vết nhơ. Ấy thế mà một số người có thể tiếp nhận lẽ thật và ăn năn trong khi những người khác thì lại không thể và có chết cũng không chịu ăn năn. Bởi vậy người ta nên được đối xử theo như thực chất bản tính của họ và những biểu hiện nhất quán của họ. Những người có thể ăn năn là những người thật sự tin Đức Chúa Trời, còn những kẻ thực sự không ăn năn, những kẻ đáng bị thanh trừ và khai trừ thì sẽ bị thanh trừ và khai trừ. Một số người là kẻ ác, một số thì ngu muội, một số thì ngốc nghếch, và một số thì là loại súc sinh. Mọi người đều khác nhau. Một số kẻ ác bị tà linh ám, trong khi số khác thì là tay sai của quỷ Sa-tan. Một số đặc biệt nham hiểm trong bản tính, trong khi số khác thì đặc biệt giả dối, một số đặc biệt tham lam trong chuyện tiền bạc, và số khác thì ham thích chuyện dâm loạn. Biểu hiện của mỗi người mỗi khác, vậy nên người ta nên được xem xét một cách toàn diện theo bản tính và các biểu hiện nhất quán của họ. Theo bản năng xác thịt phàm tục của con người, mỗi người đều có ý chí tự do cho dù họ là ai. Họ có thể nghĩ về mọi thứ theo quan niệm của con người, và không có khả năng thâm nhập trực tiếp vào cõi thuộc linh hoặc không có cách nào để biết sự thật về cõi thuộc linh. Ví dụ như, khi ngươi tin vào Đức Chúa Trời thật và muốn tiếp nhận giai đoạn công tác mới này của Ngài, nhưng chưa có ai đến để rao truyền phúc âm cho ngươi và chỉ có công tác của Đức Thánh Linh đang khai sáng cho ngươi, hướng dẫn ngươi đến nơi nào đó, thì ngươi rất bị hạn chế về những gì mình biết. Ngươi không thể nào biết được hiện tại Đức Chúa Trời đang làm công tác gì và Ngài sẽ hoàn tất điều gì trong tương lai. Người ta không thể dò lường Đức Chúa Trời, họ không có khả năng làm vậy, cũng không có khả năng lĩnh hội trực tiếp về cõi thuộc linh hoặc hiểu thấu đáo công tác của Đức Chúa Trời, càng không phụng sự Ngài một cách sẵn lòng nhất như một thiên sứ. Nếu Đức Chúa Trời trước hết không chinh phục, cứu rỗi, và cảm hóa người ta thông qua những lời Ngài, hoặc chăm tưới họ, cung cấp cho họ những lẽ thật mà Ngài bày tỏ, thì người ta không thể nào tiếp nhận được công tác mới, đạt được lẽ thật và sự sống, hoặc biết đến Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời không làm công tác này, thì họ sẽ không có được những thứ này trong mình, điều này được định đoạt bởi bản năng của họ. Như thế, một số người chống đối hoặc dấy loạn, khiến Đức Chúa Trời nổi giận và căm ghét, nhưng Đức Chúa Trời có cách tiếp cận với từng trường hợp theo cách khác nhau, và xử lý từng trường hợp một cách tách biệt phù hợp với bản năng của con người. Bất kỳ công tác nào do Đức Chúa Trời thực hiện cũng đều thích đáng. Ngài biết phải làm gì và làm thế nào, và Ngài chắc chắn sẽ không để người ta làm bất cứ điều gì mà họ không thể làm theo bản năng. Đức Chúa Trời xử lý từng người dựa theo các tình huống thực tế về hoàn cảnh và bối cảnh của người đó, cũng như theo các hành động, cư xử và thực chất bản tính của họ. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ xử oan bất kỳ ai. Đây là một mặt của sự công chính của Đức Chúa Trời. Ví dụ, Ê-va đã bị con rắn dụ ăn trái từ cây biết thiện ác, nhưng Giê-hô-va đã không quở trách bà bằng cách nói: “Ta đã bảo ngươi đừng ăn, vậy thì tại sao ngươi vẫn ăn? Ngươi đáng lẽ phải phân biệt rõ, đáng lẽ phải biết rằng những gì con rắn nói chỉ để cám dỗ ngươi”. Giê-hô-va đã không khiển trách Ê-va như thế. Bởi vì con người là tạo vật của Đức Chúa Trời, Ngài biết những bản năng của họ là gì và những bản năng đó có thể đạt được gì, con người có thể kiểm soát bản thân đến mức độ nào, và con người có thể đạt đến mức độ nào. Đức Chúa Trời biết rất rõ tất cả những điều này. Việc Đức Chúa Trời xử lý một con người không đơn giản như người ta nghĩ. Khi thái độ của Ngài đối với một người là khinh ghét hoặc ác cảm, hoặc khi nói đến điều người này phát biểu trong một bối cảnh nhất định, thì Ngài hiểu rõ tình trạng của họ. Điều này là do Đức Chúa Trời dò xét nội tâm và thực chất con người. Con người luôn nghĩ: “Đức Chúa Trời chỉ có thần tính của Ngài. Ngài công chính và không cho phép con người xúc phạm. Ngài không xét đến những khó khăn của con người hay đặt mình vào vị trí của con người. Nếu một người chống đối Đức Chúa Trời, Ngài sẽ trừng phạt họ”. Mọi chuyện hoàn toàn không phải là như vậy. Nếu đó là cách người ta hiểu về sự công chính của Ngài, công tác của Ngài, và cách Ngài đối xử với con người, thì họ đã sai lầm nghiêm trọng. Đức Chúa Trời định đoạt kết cục của mỗi người không dựa trên quan niệm và trí tưởng tượng của con người mà dựa trên tâm tính công chính của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ đáp trả mỗi người tùy theo những gì họ đã làm. Đức Chúa Trời là công chính, và sớm hay muộn Ngài sẽ khiến tất cả mọi người đều hoàn toàn tâm phục khẩu phục.

Trước: Những lời về việc tìm kiếm và thực hành lẽ thật

Tiếp theo: Những lời về việc nhận thức sự nhập thể của Đức Chúa Trời

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger