Tôi có thể thản nhiên đối mặt với khuyết điểm của mình
Tôi đã nói lắp từ khi biết nhớ chuyện. Bình thường thì không đến nỗi nào, nhưng khi đứng trước nhiều người, tôi lại bồn chồn và bắt đầu nói lắp. Thấy tôi nói năng không được trôi chảy, bố mẹ tôi bảo: “Con không nói chậm hơn được à? Có ai ngắt lời con đâu?”. Những lời ấy làm tôi tổn thương lòng tự trọng nên tôi không muốn nói nhiều nữa. Đến khi tôi đi học, mọi chuyện cũng vẫn như vậy. Khi giáo viên đặt câu hỏi và yêu cầu tôi trả lời, do quá bồn chồn, tôi chẳng thể trả lời câu hỏi dù biết rõ đáp án, miệng cũng càng lắp bắp hơn. Thấy vậy, các bạn trong lớp đều nhại giọng để trêu chọc tôi. Đến khi học trung học cơ sở, tôi là lớp trưởng. Có một lần, khi thấy giáo viên vào lớp, tôi cảm thấy bồn chồn và lại nói lắp khi hô cả lớp đứng lên chào. Nghe thấy thế, các bạn cùng lớp và giáo viên đều phá lên cười. Tôi không biết giấu mặt đi đâu, chỉ muốn tìm một cái lỗ để chui xuống. Do cảm giác tự ti nên hiếm khi nào tôi ra khỏi nhà và cũng ít khi hé môi nói chuyện. Từ khi tin vào Đức Chúa Trời, anh chị em thấy rằng tôi có tật nói lắp và không thông công được nhiều, nên bắt đầu động viên tôi: “Chị đừng lo về tật nói lắp của mình. Chỉ cần nói chậm hơn một chút; chúng tôi hiểu là được”. Nhờ có sự khích lệ của anh chị em, tôi bắt đầu tập thông công. Dần dà, tôi trở nên thân thiết hơn với anh chị em và không còn quá bồn chồn khi nói chuyện. Lúc ấy, tôi cảm thấy như được giải phóng và tự do, cảm giác ấy từ trước đến nay tôi chưa từng có.
Tuy nhiên, tôi để ý thấy khi nhóm họp và thông công, anh chị em thường hỏi tôi: “Chị vừa nói gì vậy? Tôi không hiểu. Chị nhắc lại được không?”. Mấy lần đầu, tôi không để ý đến việc đó lắm, nhưng cứ nghe mọi người nói vậy mãi, tôi đâm ra sợ họ sẽ coi thường mình, nói tôi đã lớn mà còn nói lắp, thậm chí chẳng thể nói năng rõ ràng. Tôi trở nên căng thẳng khi thông công, tình trạng nói lắp vì thế càng tệ. Tôi thấy rất xấu hổ, sợ anh chị em sẽ nghĩ tôi vô dụng, là đồ phế vật chẳng được tích sự gì. Nên sau đó tôi chẳng còn muốn nói chuyện mỗi khi nhóm họp nữa. Tôi sợ anh chị em chê tôi nói năng không rõ chữ, chẳng hiểu tôi nói gì. Có một lần, khi đang nhóm họp và ăn uống lời Đức Chúa Trời, tôi đã hiểu ra vài điều và muốn thông công, nhưng khi chợt nghĩ đến tật nói lắp của mình, tôi lại chẳng dám thông công mặc dù lời đã đến đầu môi. Tôi thấy mình như kẻ cá biệt. Anh chị em đều có thể nói năng lưu loát, nhưng còn tôi thì sao? Tôi chẳng nói được rõ chữ; liệu Đức Chúa Trời còn muốn một người như vậy không? Dần dà, tôi càng không muốn nói chuyện khi nhóm họp. Trước đây, tôi đã có chút sự sáng nhờ ăn uống lời Đức Chúa Trời, nhưng giờ lại không thể thông công bất cứ gì. Các buổi nhóm họp cứ thế trôi chậm rì, còn tôi thì chẳng thể tận hưởng hay thu hoạch được điều gì. Mỗi buổi nhóm họp đều như thể tôi đang đứng trên giàn treo cổ ở pháp trường. Khi nhóm họp, nếu không bị bắt buộc thì tôi sẽ không thông công, nếu thực sự không tránh được thì tôi cũng chỉ gắng gượng thông công vài lời. Tôi cảm thấy rất áp lực và đau khổ, thậm chí còn oán trách và hiểu lầm Đức Chúa Trời, nghĩ rằng: “Sao những người khác có thể nói chuyện rõ ràng và trôi chảy, còn mình đã không được như vậy lại còn bị nói lắp? Làm sao mình có thể nói chuyện trôi chảy như anh chị em để người khác không cười nhạo mình nữa?”
Sau đó, khi bầu chọn lãnh đạo ở hội thánh, anh chị em đã chọn tôi. Tôi tự nhủ: “Nếu thực hiện bổn phận lãnh đạo thì mình sẽ phải tương tác với nhiều người hơn. Vậy chẳng phải là sẽ có thêm các anh chị em biết mình nói lắp sao? Quên đi, mình chẳng làm được đâu; mình không muốn cứ làm bẽ mặt bản thân”. Nghĩ vậy, tôi liền từ chối bổn phận đó. Sau đó, lãnh đạo đã thông công với tôi và cuối cùng tôi đành miễn cưỡng đồng ý. Tuy vậy, vì nói lắp mà lúc nào tôi cũng thấy mình thấp kém hơn anh chị em, nên tôi cứ sống mãi trong tiêu cực, chẳng thể giải thoát cho chính mình. Lúc nào tôi cũng thấy lờ đờ như người mất hồn. Khi nhóm họp, tôi chẳng có chút sức lực nào, thậm chí không sẵn lòng thông công. Thỉnh thoảng, khi anh chị em gặp khó khăn, dù trong lòng biết cách giải quyết nhưng tôi sợ nếu mình lên tiếng thì sẽ nói lắp và bị anh chị em coi thường, nên tôi lại không muốn thông công. Tôi chỉ dám nói với người chị đồng sự về vấn đề đó và để chị ấy giải quyết. Một người chị em thấy tôi chẳng thông công lời nào khi nhóm họp, bèn hỏi thăm xem có chuyện gì. Tôi kể cho chị ấy rằng mình cảm thấy tự ti vì nói lắp. Chị động viên tôi, nói rằng: “Ai cũng có khuyết điểm, nhưng chúng sẽ không ảnh hưởng đến việc ta mưu cầu lẽ thật. Chị nói lắp là do bồn chồn. Khi chị nói, hãy cậy dựa nhiều hơn vào Đức Chúa Trời, vậy thì sẽ bớt lo lắng. Nếu nói chậm hơn một chút, anh chị em sẽ hiểu được chị”. Nghe chị động viên, tôi cảm thấy được an ủi hơn một chút. Đức Chúa Trời đã dùng chị ấy để giúp đỡ tôi, vậy thì tôi không nên cứ mãi tiêu cực vì nói lắp. Tôi muốn xoay chuyển tình trạng và đối diện với khuyết điểm một cách đúng đắn.
Sau đó, các chị em khác cũng thông công với tôi. Tôi nhận ra rằng mình bồn chồn là vì khi tương tác với người khác, tôi sợ họ sẽ nói tôi thông công còn kém. Tất cả là do tôi quá sợ mất thể diện. Tôi giãi bày tình trạng của mình với Đức Chúa Trời và cầu nguyện, xin Ngài dẫn dắt để tôi thấu hiểu vấn đề của mình. Một hôm, khi tĩnh nguyện, tôi đọc được một đoạn lời của Đức Chúa Trời: “Hầu hết mọi người đều sẽ giở thói khôn lỏi, sẽ không tìm kiếm lẽ thật. Người ta rất xem trọng lợi ích, thể diện của mình và vị trí hoặc tầm quan trọng của bản thân trong lòng người khác. Đó là thứ duy nhất mà người ta yêu quý. Người ta nắm chặt lấy những thứ này và coi chúng như mạng sống của chính mình. Và cách họ được Đức Chúa Trời nhìn nhận hoặc đối xử như thế nào chỉ có tầm quan trọng thứ yếu; trong lúc này, họ phớt lờ điều đó; trong lúc này, họ chỉ suy nghĩ xem họ có phải là sếp của nhóm hay không, liệu người khác có nể phục họ và liệu lời nói của họ có trọng lượng hay không. Mối quan tâm đầu tiên của họ là chiếm giữ vị trí đó. Khi ở trong một nhóm, hầu như tất cả mọi người đều tìm kiếm loại vị trí này, loại cơ hội này. Khi họ tài cao, tất nhiên họ muốn trở thành người quan trọng nhất; nếu họ có khả năng bình thường, họ vẫn muốn giữ vị trí cao hơn trong nhóm; và nếu họ giữ vị trí thấp trong nhóm, có tố chất và năng lực bình thường, họ cũng sẽ muốn người khác xem trọng mình, không thể để người khác coi thường mình. Thể diện và tôn nghiêm của những người này là trận địa tối hậu của họ: họ nhất định phải giữ vững cho bằng được. Họ có thể không có nhân cách, và không được Đức Chúa Trời chấp thuận hay đồng ý, nhưng trong một nhóm, họ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội dùng mánh khóe vì thể diện, địa vị và sự xem trọng của những người khác – đó là tâm tính Sa-tan. Nhưng mọi người đều không ý thức được điều này. Họ cho rằng họ phải bám vào chút thể diện này cho đến tận cùng. Họ không biết được rằng chỉ khi những thứ viển vông và hời hợt này bị loại bỏ hoàn toàn và gạt sang một bên thì họ mới trở thành một con người đích thực. Nếu một người bảo vệ những thứ đáng lẽ phải vứt bỏ này như sự sống của họ, thì họ sẽ đánh mất sự sống của mình. Họ không biết lợi hại gì. Và vì vậy, khi họ hành động, họ luôn chừa lại gì đó, luôn cố gắng bảo vệ thể diện và địa vị của chính mình, họ đặt những điều này lên hàng đầu, vì bản thân mà nói năng, ngụy biện. Vì bản thân mà làm đủ mọi việc. Có chuyện gì vẻ vang rạng rỡ là họ luôn lao tới, để mọi người biết rằng họ có phần. Thực ra chuyện đó không liên quan gì đến họ, nhưng họ không bao giờ muốn bị bỏ lại phía sau, luôn sợ người khác coi thường mình, luôn sợ người khác nói rằng họ chẳng là gì, việc gì cũng làm không được, tài cán gì cũng không có. Chẳng phải tất cả những điều này là do tâm tính Sa-tan chi phối sao? Khi ngươi có thể buông bỏ những thứ như thể diện và địa vị, ngươi sẽ thoải mái và tự do hơn nhiều; ngươi sẽ đặt chân lên con đường làm người trung thực. Nhưng đối với nhiều người, điều này không dễ đạt được. Ví dụ, khi máy quay xuất hiện, mọi người tranh nhau đứng trước; họ thích mặt của họ ở ngay trước máy quay, lên hình được càng nhiều càng tốt; họ sợ không lên hình đủ, và sẽ trả bất kỳ giá nào để có cơ hội đạt được điều đó. Và chẳng phải toàn bộ điều này là do tâm tính Sa-tan của họ chi phối sao? Đây chính là tâm tính Sa-tan. Ngươi đã được lên hình – vậy thì sao? Mọi người đánh giá cao ngươi – vậy thì sao? Họ sùng bái ngươi – vậy thì sao? Có bất kỳ điều nào trong số này chứng minh ngươi có thực tế lẽ thật không? Không điều nào trong số này có bất kỳ giá trị gì cả. Khi ngươi có thể vượt qua những điều này – khi ngươi trở nên thờ ơ với chúng, và không còn cảm thấy chúng quan trọng nữa, khi thể diện, hư vinh, địa vị, và sự xem trọng của mọi người không còn kiểm soát tâm tư và hành vi của ngươi, càng không kiểm soát cách ngươi thực hiện bổn phận của mình – khi đó hiệu quả việc thực hiện bổn phận của ngươi sẽ ngày càng tốt, ngày càng thuần khiết” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Khi đọc những lời vạch rõ của Đức Chúa Trời, tôi hiểu rằng dù sở hữu tố chất thế nào, con người đều muốn có địa vị trong lòng người khác, chẳng ai muốn bị người khác coi thường. Dù có tật nói lắp, nhưng tôi cũng không muốn bị mọi người coi thường. Vì tôi nói năng không rõ ràng nên anh chị em phải hỏi lại để biết tôi đã nói gì khi thông công, vì thế tôi tưởng họ coi thường mình. Điều này khiến tôi cảm thấy tự ti, thậm chí còn tiêu cực đến mức không muốn thực hiện bổn phận. Tôi đã quá coi trọng thể diện! Kể từ khi còn nhỏ, sống trong sự nuôi dưỡng của cha mẹ và sự giáo dục của nhà trường, những độc tố Sa-tan như “Con người cần thể diện cũng như cây cần vỏ” và “Chim đi để tiếng, người đi để danh” đã thâm căn cố đế trong lòng tôi. Chúng khiến tôi lầm tưởng rằng con người phải giữ thể diện và không để người khác coi thường mình. Khi tương tác với người ngoại đạo, họ chê cười tôi vì tôi nói lắp. Để tránh bị người khác coi thường, nếu được thì tôi sẽ không rời khỏi nhà hay mở miệng nói chuyện. Nếu có nói thì tôi cũng chỉ nói vài lời, hoặc chỉ mỉm cười và gật đầu. Nếu tôi nói lắp khi tương tác với anh chị em, tôi sẽ nghĩ ngợi trong đầu: “Họ sẽ nghĩ gì về mình chứ? Họ sẽ nói gì về mình đây?”. Vì luôn cảm thấy bị mọi người coi thường, nên tôi sống trong đau khổ và áp lực cực độ. Khi ăn uống lời Đức Chúa Trời, tôi bắt đầu lĩnh hội và nắm bắt được đôi chút, nhưng vì sợ mình sẽ nói lắp và bị anh chị em coi thường, nên tôi vẫn không chịu thông công. Chưa hết, tôi chẳng có chút lý trí nào, ngang nhiên đòi Đức Chúa Trời loại bỏ tật nói lắp của mình, thậm chí còn lấy đó để biện hộ cho việc không thực hiện bổn phận. Khi anh chị em gặp khó khăn, tôi không thông công hay giúp họ giải quyết; tôi đã không hoàn thành bổn phận của một thọ tạo. Tôi chẳng có chút lý trí nào hết; mà chỉ phản kháng và phản nghịch Đức Chúa Trời. Kể cả khi được người khác xem trọng hay kể cả khi được nở mặt nở mày thì sao chứ? Điều đó chẳng thể thay đổi tâm tính sự sống của tôi, mà chỉ khiến tôi lo lắng về chuyện được mất thể diện, ngày càng rời xa Đức Chúa Trời. Cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ ghét bỏ và đào thải tôi. Khi nhận ra rằng việc bảo vệ thể diện sẽ chỉ mang lại tổn thương cho bản thân, tôi không còn để ý anh chị em nghĩ gì về mình nữa, mà chỉ nghĩ cách làm sao để thực hiện tốt bổn phận.
Một hôm, tôi đọc được một đoạn lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời Toàn Năng phán: “Có một vài vấn đề mà con người không thể giải quyết được. Chẳng hạn như, ngươi thường cảm thấy bồn chồn khi nói chuyện với người khác; lúc gặp chuyện, dù ngươi có ý nghĩ và quan điểm riêng, nhưng lại không thể nói rõ ra được. Ở chốn đông người thì ngươi đặc biệt bồn chồn, nói năng không mạch lạc, run đến líu lưỡi. Có người thậm chí bị nói lắp; lại có người khi ở nơi nào có người khác giới thì càng không biết mình đang nói gì, đơn giản là không biết nên nói gì hay làm gì. Tình trạng này có dễ khắc phục không? (Thưa, không dễ.) Ít nhất là không dễ khắc phục trong thời gian ngắn, bởi vì nó là một phần điều kiện bẩm sinh của ngươi. Nếu sau vài tháng rèn luyện mà ngươi vẫn bồn chồn, thì sự bồn chồn sẽ biến thành áp lực, và áp lực gây ảnh hưởng tiêu cực lên ngươi, khiến ngươi sợ nói chuyện, sợ gặp gỡ người khác, sợ tham dự nhóm họp và sợ giảng đạo. Những nỗi sợ này có thể đánh gục ngươi. … Do đó, nếu ngươi khắc phục được thiếu sót và khuyết điểm này trong thời gian ngắn, thì cứ khắc phục. Nếu như khó khắc phục, thì cứ mặc kệ nó, đừng đấu tranh với nó, cũng không cần phải thách thức bản thân. Đương nhiên, khắc phục không được thì cũng không cần tiêu cực. Thậm chí nếu cả đời này ngươi không khắc phục được, thì Đức Chúa Trời cũng không định tội ngươi, bởi vì đây không phải là tâm tính bại hoại của ngươi. Ngươi sợ đứng trên sân khấu, ngươi bồn chồn và sợ hãi, những biểu hiện này không phải là tâm tính bại hoại. Cho dù chúng là bẩm sinh hay do môi trường sau này tạo nên, thì cùng lắm chúng chỉ là thiếu sót, là khuyết điểm trong nhân tính của ngươi. Nếu ngươi không thể thay đổi được chuyện này trong thời gian dài, hoặc suốt cả một đời, thì cũng không cần phải đắm chìm vào nó, đừng để nó kìm kẹp ngươi, cũng đừng tiêu cực vì nó, bởi vì nó không phải là tâm tính bại hoại của ngươi, cố thay đổi nó hoặc đấu tranh với nó cũng chẳng ích gì. Nếu ngươi không thay đổi được, thì cứ tiếp nhận nó, để nó tồn tại, tiếp cận nó một cách đúng đắn, bởi vì ngươi có thể để dạng thiếu sót và khuyết điểm này cộng sinh với ngươi, chúng cũng không ảnh hưởng đến việc ngươi đi theo Đức Chúa Trời và làm bổn phận. Chỉ cần ngươi có thể tiếp nhận lẽ thật và làm bổn phận hết sức mình, thì ngươi vẫn có thể được cứu rỗi, nó không ảnh hưởng đến việc ngươi tiếp nhận lẽ thật hay được cứu rỗi. Do đó, ngươi không nên vì một thiếu sót hoặc khuyết điểm nào đó trong nhân tính mà thường xuyên bị kìm kẹp, thường xuyên tiêu cực và nản lòng, thậm chí vì nó mà vứt bỏ bổn phận, vứt bỏ việc mưu cầu lẽ thật và bỏ lỡ cơ hội được cứu rỗi. Như vậy thật không đáng chút nào, ai làm như vậy thì đúng là ngu muội và vô tri” (Cách mưu cầu lẽ thật (3), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật II). Tình trạng của tôi đúng như lời Đức Chúa Trời phán. Vì tật nói lắp của mình mà suốt cả cuộc đời, hễ đứng trước nhiều người là tôi lại hồi hộp và nói lắp. Việc bị mọi người coi thường khiến tôi cảm thấy rất tự ti, vậy nên tôi muốn tự dùng cách của mình để chữa tật nói lắp. Nhưng mọi việc không như ý, thế là tôi càng thêm tiêu cực, cuối cùng còn chẳng muốn thực hiện bổn phận của mình. Thậm chí tôi còn oán trách sao Đức Chúa Trời không giúp tôi sửa tật nói lắp. Nhưng hiện tại, tôi đã hiểu được rằng tật nói lắp của tôi là bẩm sinh, không phải muốn là có thể vượt qua. Nói lắp không phải là chuyện gì đáng lo ngại; không phải là tâm tính bại hoại, cũng không cản trở việc tôi mưu cầu lẽ thật. Đó chỉ là một khuyết điểm của tôi, nếu tôi nhìn nhận đúng đắn thì mọi chuyện đều ổn thỏa. Nếu anh chị em không hiểu những lời tôi nói và đưa ra kiến nghị thì tôi nên thản nhiên đối mặt rồi nói lại lần nữa hoặc nói chậm hơn. Tôi không nên quá tiêu cực về việc nói lắp để rồi lơ là không thực hiện bổn phận của mình. Tóm lại, ta không cần phiền lòng về những khuyết điểm của bản thân. Nếu có thể thì nên vượt qua, còn nếu không thể, con người nên thản nhiên đối diện vấn đề, nên thông công thế nào thì thông công thế ấy, nên làm bổn phận thế nào thì cứ làm như thế ấy. Không cần phải bị kìm kẹp chỉ vì nói lắp. Trước đây, tôi không thể nhìn nhận đúng đắn tình trạng nói lắp của mình. Tôi cho rằng nói lắp tức là vô tích sự, phế vật, chẳng thể làm tròn bổn phận, Đức Chúa Trời không muốn một người như tôi. Nhưng suốt thời gian qua, hội thánh không bao giờ tước bỏ quyền thực hiện bổn phận của tôi chỉ vì tật nói lắp. Chính tôi là kẻ không thể nhìn nhận đúng đắn khuyết điểm của mình, luôn đối đầu với nó. Đến khi không thể vượt qua được, tôi trở nên tiêu cực và bắt đầu oán trách. Thực ra, khi tôi không cố tình thay đổi tật nói lắp và nói chậm lại một chút thì các anh chị em đều có thể hiểu ý tôi và tôi có thể thực hiện bổn phận như bình thường. Tôi cứ tưởng rằng mình sẽ không thể thực hiện bổn phận vì nói lắp, nhưng thực tế lại khác xa như vậy. Cả đời này tôi luôn bị ảnh hưởng bởi tật nói lắp của mình. Bạn bè trong lớp cười chê còn bố mẹ thì chẳng thương tôi. Tôi sống trong sự lạnh nhạt và kỳ thị của mọi người, cảm thấy rất tự ti. Nhưng sau khi tin Đức Chúa Trời, Ngài đã dùng các anh chị em để giúp đỡ và khích lệ tôi, dùng những lời của Ngài để dẫn dắt khi tôi tiêu cực và buồn khổ, giúp tôi vượt qua những tiêu cực ấy. Qua trải nghiệm của bản thân, tôi hiểu sâu sắc rằng Đức Chúa Trời yêu con người nhất. Vậy mà tôi cứ oán trách và hiểu lầm Đức Chúa Trời; tôi thực sự mắc nợ Ngài. Nghĩ tới đây, tôi đến trước Đức Chúa Trời và cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời! Lời của Ngài đã khiến con hiểu ra có khuyết điểm chẳng phải điều gì đáng lo ngại, cũng chẳng cản trở con thực hiện bổn phận. Con sẵn lòng bình thản nhìn nhận những thiếu sót của mình, nguyện thuận phục theo những sắp đặt và an bài của Ngài, làm tròn bổn phận và thỏa mãn Ngài”.
Hôm nọ, khi tĩnh nguyện, tôi đọc được hai đoạn lời của Đức Chúa Trời: “Con người nên buông bỏ những quan niệm và tưởng tượng này về công tác của Đức Chúa Trời. Vậy cụ thể thì nên thực hành việc này như thế nào? Chính là đừng mưu cầu ân tứ và tài cán cao, cũng đừng mưu cầu thay đổi tố chất và bản năng của mình, mà thay vào đó, dưới điều kiện tố chất, năng lực, bản năng, v.v. của mình, ngươi hãy làm bổn phận và làm tất cả mọi việc dựa theo yêu cầu của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không cưỡng cầu những gì vượt quá năng lực hoặc tố chất của ngươi – ngươi cũng đừng tự làm khó mình. Ngươi nên làm hết khả năng của mình dựa trên những gì ngươi nhận thức được và có thể đạt được, cũng như nên thực hành theo những gì mà điều kiện của ngươi cho phép” (Cách mưu cầu lẽ thật (3), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật II). “Nếu lý trí trong nhân tính của ngươi bình thường, thì ngươi nên đối mặt một cách đúng đắn với những thiếu sót và khuyết điểm của mình, có thể thừa nhận và tiếp nhận chúng, như vậy sẽ có ích cho ngươi. Tiếp nhận chúng không có nghĩa là bị chúng kìm kẹp, cũng không có nghĩa là thường xuyên tiêu cực vì chúng, mà là đừng để chúng kìm kẹp ngươi, cũng như nhận ra rằng ngươi chỉ là thành viên bình thường trong nhân loại bại hoại, có thiếu sót, có khuyết điểm, chẳng có gì để khoe khoang. Chính Đức Chúa Trời nâng cao con người để họ làm bổn phận, chính Đức Chúa Trời muốn nhào nặn lời Ngài và sự sống vào trong họ, cho họ đạt được sự cứu rỗi, thoát khỏi quyền thế của Sa-tan – đây đều là do Đức Chúa Trời nâng cao con người. Bất kỳ con người nào cũng có thiếu sót và khuyết điểm, ngươi nên để chúng cộng sinh với ngươi, đừng trốn tránh chúng, cũng đừng che đậy chúng, không cần thường xuyên cảm thấy bị dồn nén trong nội tâm hay là thậm chí luôn cảm thấy mình thua người một bậc. Ngươi không thua người một bậc, nếu khi làm bổn phận mà ngươi có thể đạt đến dốc hết lòng, hết sức và hết ý, làm hết khả năng của mình và có tấm lòng chân thành, thì trước mặt Đức Chúa Trời, ngươi sẽ quý báu như vàng. Nếu ngươi làm bổn phận mà lại không thể trả giá và không trung thành, thì ngay cả khi điều kiện bẩm sinh của ngươi tốt hơn người bình thường, trước mặt Đức Chúa Trời, ngươi cũng không hề quý báu, còn chẳng bằng hạt cát” (Cách mưu cầu lẽ thật (3), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật II). Sau khi đọc lời Đức Chúa Trời, mọi thứ như chợt sáng tỏ. Mỗi người đều có những khuyết điểm và thiếu sót riêng. Có khuyết điểm không phải là vấn đề, con người nên học cách buông bỏ và nhìn nhận đúng đắn. Tật nói lắp của tôi là do Đức Chúa Trời định sẵn, cố gắng thay đổi điều ấy sẽ chỉ khiến tôi thêm khổ sở. Tôi chỉ cần có tấm lòng đơn thuần và trung thực, dốc sức làm tốt bổn phận là đủ. Trước đây, tôi luôn sợ nếu mình lắp bắp khi nói chuyện thì anh chị em sẽ coi thường tôi, nên tôi muốn loại bỏ tật nói lắp này. Nhưng giờ đây tôi phải thuận phục sự sắp đặt và an bài của Đức Chúa Trời, nhìn nhận đúng đắn khuyết điểm của mình. Tôi có nghe nói về trải nghiệm của một người chị em. Tật nói lắp của chị ấy còn tệ hơn tôi, lúc nào chị cũng ấp a ấp úng, chẳng thể hiểu nổi chị ấy nói gì. Khi đó, có hội thánh bị Đảng Cộng Sản bắt bớ nên tất cả công tác đều bị đình trệ. Anh chị em đều không dám tới đó, nhưng chị ấy đã đứng lên và tình nguyện giúp đỡ và hỗ trợ hội thánh. Có người nghĩ: “Chị ấy còn chẳng nói rõ chữ thì có giúp được gì không?”. Tuy vậy, chị ấy không bị kìm kẹp bởi tật nói lắp của mình. Khi đến được hội thánh, chị được lãnh đạo phổ biến qua về tình hình. Chị thấy các anh chị em ở đó đều sống trong sợ sệt, nên đã thông công với từng người một. Thấy chị ấy nói không rõ ràng lắm, nên lãnh đạo đã cùng tham gia thông công. Nhờ có chị giúp kiểm tra và giám sát công tác một cách chi tiết, lãnh đạo và người làm công bắt đầu có ý thức gánh trọng trách, anh chị em cũng bắt đầu thực hiện bổn phận bình thường. Dù có nói năng lắp bắp, nhưng chị ấy không bị kìm kẹp bởi điều đó, mà có thể đem lại kết quả khi thực hiện bổn phận. Tôi phải noi gương chị ấy và thực hiện bổn phận một cách chân thành, như vậy mới dễ dàng nhận được sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời. Hiểu được điều ấy, tôi biết rằng không có gì phải sợ khi có khuyết điểm. Quan trọng là phải nhìn nhận chúng một cách đúng đắn và nỗ lực hết sức dựa trên tố chất của mình.
Hiện tại, khi thực hiện công tác và thông công với anh chị em để giải quyết tình trạng của họ, tôi không còn bị kìm kẹp bởi tật nói lắp của mình nữa. Khi phát hiện vấn đề của ai đó thì tôi sẽ tỉa sửa họ và thông công để giúp đỡ nếu được, tìm những lời có liên quan của Đức Chúa Trời để giải quyết vấn đề của họ dựa trên trải nghiệm của mình, thông công những điều mà tôi hiểu được sau khi đọc lời Đức Chúa Trời. Thỉnh thoảng khi cảm thấy bồn chồn và bắt đầu nói lắp, tôi sẽ thầm cầu nguyện với Đức Chúa Trời, xin Ngài dẫn dắt để tôi không bị kìm kẹp bởi thể diện. Sau đó, tôi sẽ nói chậm lại để anh chị em có thể hiểu và tôi cũng có thể thực hiện công tác mạch lạc hơn. Khi anh chị em thấy tôi nói lắp, họ không coi thường tôi như tôi nghĩ, còn nói rằng họ đã tìm được con đường qua mối thông công của tôi. Thỉnh thoảng khi lãnh đạo cấp trên kiểm tra công tác của tôi, tôi cảm thấy bồn chồn và bắt đầu nói lắp, tôi sẽ thản nhiên đối mặt với thiếu sót này và nỗi bồn chồn khi nói chuyện cũng dần biến mất.
Suốt những năm qua, tôi luôn thấy khổ sở vì tật nói lắp của mình. Tôi cảm thấy tự ti và áp lực vô cùng. Qua hành trình này, tôi dần thấu hiểu sâu sắc rằng Đức Chúa Trời không chú trọng việc một người có giỏi ăn nói hay không. Điều Ngài muốn là chúng ta có tấm lòng trung thực và đơn thuần. Một người dù có khuyết điểm nào bên ngoài, miễn là họ dốc hết tất cả để thực hiện bổn phận thì đều phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời. Đúng như Đức Chúa Trời đã nói: “Bất kỳ con người nào cũng có thiếu sót và khuyết điểm, ngươi nên để chúng cộng sinh với ngươi, đừng trốn tránh chúng, cũng đừng che đậy chúng, không cần thường xuyên cảm thấy bị dồn nén trong nội tâm hay là thậm chí luôn cảm thấy mình thua người một bậc. Ngươi không thua người một bậc, nếu khi làm bổn phận mà ngươi có thể đạt đến dốc hết lòng, hết sức và hết ý, làm hết khả năng của mình và có tấm lòng chân thành, thì trước mặt Đức Chúa Trời, ngươi sẽ quý báu như vàng” (Cách mưu cầu lẽ thật (3), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật II).
Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?