Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất IX

Phần 2

Đức Chúa Trời cân bằng các mối quan hệ giữa muôn vật để ban cho nhân loại một môi trường sinh tồn ổn định

Đức Chúa Trời biểu thị những việc làm của Ngài giữa muôn vật và giữa muôn vật Ngài cai trị và kiểm soát những quy luật của muôn vật. Chúng ta vừa nói về cách Đức Chúa Trời cai trị các quy luật của muôn vật cũng như cách Ngài chu cấp và nuôi dưỡng toàn nhân loại theo những quy luật này. Đây là một khía cạnh. Tiếp theo, chúng ta sẽ nói về một khía cạnh khác, đó là một cách mà Đức Chúa Trời sử dụng để kiểm soát mọi thứ. Ta đang phán về việc, sau khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, Đức Chúa Trời đã cân bằng các mối quan hệ giữa chúng như thế nào. Đây cũng là một đề tài khá rộng đối với các ngươi. Việc cân bằng các mối quan hệ giữa muôn vật – đây có phải là điều con người có thể thực hiện không? Không, con người không có khả năng làm được kỳ công đó. Con người chỉ có khả năng hủy diệt. Họ không thể cân bằng các mối quan hệ giữa muôn vật; họ không thể quản lý chúng, và thẩm quyền và quyền năng vĩ đại như thế thì nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Chỉ có chính Đức Chúa Trời mới có quyền năng để làm điều này. Nhưng mục đích của Đức Chúa Trời khi làm điều đó là gì – để làm gì? Điều này cũng liên quan chặt chẽ đến sự sinh tồn của loài người. Mỗi một điều Đức Chúa Trời muốn làm đều cần thiết – không có điều gì mà Ngài có thể hay không thể làm. Để Ngài có thể bảo vệ sự sinh tồn của nhân loại và ban cho con người một môi trường sinh tồn thuận lợi, thì có một vài điều quan trọng, rất cần thiết mà Ngài phải làm.

Từ nghĩa đen của cụm từ “Đức Chúa Trời cân bằng muôn vật”, thì nó dường như là một chủ đề rất bao quát. Trước hết, nó cho con người một khái niệm rằng “cân bằng muôn vật” cũng đề cập đến quyền làm chủ của Đức Chúa Trời trên muôn vật. Từ “cân bằng” có nghĩa là gì? Trước tiên, “cân bằng” đề cập đến việc không để cho điều gì đó mất cân bằng. Nó giống như sử dụng cái cân để cân đồ vật. Để cân bằng cái cân, trọng lượng của mỗi bên phải bằng nhau. Đức Chúa Trời đã dựng nên nhiều vật khác nhau: Những vật được đặt tại vị trí của chúng, những vật di chuyển, những vật đang sống, những vật đang thở, cũng như là những vật không thở. Có dễ dàng cho những vật này đạt được một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, liên kết với nhau, nơi chúng vừa củng cố lẫn nhau vừa hạn chế lẫn nhau không? Chắc chắn có những nguyên tắc trong tất cả những điều này, nhưng chúng rất phức tạp, có phải vậy không? Điều đó không khó khăn gì đối với Đức Chúa Trời, nhưng đối với con người thì nó là một vấn đề rất phức tạp để nghiên cứu. Đó là một từ rất đơn giản: “cân bằng”. Tuy nhiên, nếu con người nghiên cứu nó, và nếu con người cần tự tạo ra sự cân bằng, thì ngay cả khi tất cả các loại học giả đang làm việc về nó – các nhà sinh vật học, các nhà thiên văn học, các nhà vật lý, các nhà hóa học và thậm chí các nhà sử học – kết quả cuối cùng của cuộc nghiên cứu đó sẽ là gì? Kết quả của nó sẽ không là gì. Đó là vì cuộc sáng tạo muôn vật của Đức Chúa Trời quá khó tin, và nhân loại sẽ không bao giờ mở khóa được những sự kín nhiệm của nó. Khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, thì Ngài thiết lập các nguyên tắc giữa chúng, thiết lập những cách sinh tồn khác nhau để hạn chế, bổ sung và nuôi dưỡng lẫn nhau. Những phương pháp khác nhau này rất phức tạp, và chắc chắn chúng không đơn giản hoặc theo một hướng duy nhất. Khi con người vận dụng trí óc của họ, kiến thức mà họ đã có được, và các hiện tượng họ đã quan sát để xác nhận hoặc nghiên cứu các nguyên tắc đằng sau sự kiểm soát của Đức Chúa Trời trên muôn vật, thì những điều này cực kỳ khó khám phá, và cũng khó mà đạt được bất kỳ kết quả nào. Con người rất khó đạt được bất kỳ kết quả nào; con người rất khó mà duy trì sự cân bằng của họ khi dựa vào suy nghĩ và kiến thức của con người để quản trị mọi thứ trong cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời. Đó là vì nếu con người không biết các nguyên tắc sinh tồn của muôn vật, thì họ sẽ không biết bảo vệ loại cân bằng này. Vì vậy, nếu con người quản lý và quản trị muôn vật, thì họ sẽ rất có thể hủy hoại sự cân bằng này. Ngay sau khi sự cân bằng bị hủy hoại, thì các môi trường sinh tồn của loài người cũng bị hủy hoại, và khi điều đó xảy ra, nó sẽ kéo theo một cuộc khủng hoảng về sự sinh tồn của loài người. Nó sẽ mang đến một thảm họa. Nếu nhân loại đang sống giữa thảm họa, thì tương lai của họ sẽ ra sao? Kết quả sẽ rất khó đánh giá, và không thể dự đoán một cách chắc chắn.

Vậy thì, Đức Chúa Trời cân bằng các mối quan hệ giữa muôn vật như thế nào? Đầu tiên, có một vài nơi trên thế giới được phủ đầy băng và tuyết quanh năm, trong khi ở một vài nơi khác, cả bốn mùa thì giống như mùa xuân và mùa đông không bao giờ đến, và ở những nơi như thế này, ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy một tảng băng hoặc một bông hoa tuyết. Ở đây, chúng ta đang nói về khí hậu tổng thể, và ví dụ này là một trong những kiểu Đức Chúa Trời cân bằng mối quan hệ giữa muôn vật. Kiểu thứ hai là: Một dãy núi được bao phủ bởi thảm thực vật tươi tốt, với mọi loại thực vật che phủ trên mặt đất, và những khu rừng rậm đến nỗi khi ngươi đi xuyên qua chúng thì ngươi thậm chí không thể nhìn thấy mặt trời ở phía trên. Nhưng khi nhìn vào một dãy núi khác, thì thậm chí không có một lá cỏ nào mọc lên, chỉ có các ngọn núi cằn cỗi, hoang tàn chồng chất lên nhau. Nhìn bề ngoài, cả hai kiểu về cơ bản đều là các đống đất chồng lên nhau để hình thành các ngọn núi, nhưng một kiểu thì được rừng rậm bao phủ, trong khi kiểu kia thì không có sự sinh trưởng, thậm chí không có nổi một lá cỏ. Đây là kiểu thứ hai mà Đức Chúa Trời cân bằng các mối quan hệ giữa muôn vật. Kiểu thứ ba là: Khi nhìn về một hướng, ngươi có thể nhìn thấy những đồng cỏ vô tận, một cánh đồng xanh gợn sóng. Khi nhìn về hướng khác, ngươi có thể thấy sa mạc xa ngút ngàn, khô cằn, không có một sinh vật nào giữa vùng cát đầy tiếng rít của gió thổi, càng không có bất kỳ nguồn nước nào. Kiểu thứ tư là: Khi nhìn về một hướng, mọi thứ chìm dưới biển, những khối nước mênh mông, trong khi nhìn về hướng khác, ngươi khó mà tìm thấy dù một giọt nước suối trong lành. Kiểu thứ năm là: Trong vùng đất ở đây, thường xuyên có mưa phùn và khí hậu sương mù, ẩm ướt, trong khi ở vùng đất đằng kia, bầu trời thường có nắng chói chang, và thậm chí một giọt mưa rơi cũng là một sự kiện hiếm xảy ra. Kiểu thứ sáu là: Ở một nơi thì có cao nguyên với không khí loãng và con người rất khó thở, trong khi ở một nơi khác có các đầm lầy và vùng đất thấp, là nơi sinh sống của nhiều loại chim di cư. Đây là những loại khí hậu khác nhau, hoặc chúng là khí hậu hoặc môi trường tương ứng với các môi trường địa lý khác nhau. Điều đó có nghĩa là, Đức Chúa Trời cân bằng các môi trường sinh tồn cơ bản của loài người về mặt môi trường quy mô lớn, từ khí hậu đến môi trường địa lý, và từ các thành phần khác nhau của đất đến số lượng nguồn nước, tất cả nhằm đạt được một sự cân bằng về không khí, nhiệt độ và độ ẩm của môi trường mà con người sinh sống. Bởi vì những môi trường địa lý tương phản này, mà con người có không khí ổn định, và nhiệt độ cũng như độ ẩm của các mùa khác nhau vẫn luôn ổn định. Điều này cho phép con người tiếp tục sống trong loại môi trường sinh tồn đó giống như họ luôn luôn sống. Trước tiên, môi trường quy mô lớn phải được cân bằng. Điều này được thực hiện thông qua việc sử dụng các vị trí địa lý và sự hình thành khác nhau, cũng như những thay đổi giữa các khí hậu khác nhau, điều cho phép chúng giới hạn và hạn chế lẫn nhau để đạt được sự cân bằng mà Đức Chúa Trời muốn và nhân loại cần. Điều này được phát ngôn từ quan điểm về môi trường quy mô lớn.

Bây giờ chúng ta sẽ nói về những chi tiết đầy đủ hơn, như là thảm thực vật. Làm sao đạt được sự cân bằng của chúng? Điều đó có nghĩa là, làm sao để thực vật có thể tiếp tục tồn tại trong một môi trường sinh tồn cân bằng? Câu trả lời là, bằng cách quản lý tuổi thọ, tốc độ phát triển, và tốc độ sinh sản của các loại cây khác nhau để bảo vệ môi trường sinh tồn của chúng. Chúng ta hãy lấy những ngọn cỏ nhỏ làm ví dụ – có những chồi non mùa xuân, hoa mùa hè, và trái mùa thu. Trái rơi xuống đất. Năm sau, hột từ trái nảy mầm và tiếp tục theo các quy luật tương tự. Tuổi thọ của cỏ rất ngắn; từng hạt rơi xuống đất, mọc rễ và nảy mầm, nở hoa và sinh trái, và toàn bộ quá trình hoàn tất chỉ sau ba mùa – mùa xuân, mùa hè, và mùa thu. Cây cối các loại cũng có tuổi thọ riêng của chúng và có các thời kỳ nảy mầm và ra trái khác nhau. Một vài cây chết chỉ sau 30 đến 50 năm – đây là tuổi thọ của chúng. Nhưng trái của chúng rơi xuống đất, sau đó mọc rễ và nảy mầm, ra hoa và kết trái, và lại sống từ 30 đến 50 năm. Đây là tần suất tái lặp của nó. Một cây già chết đi và một cây non mọc lên; đây là lý do tại sao ngươi luôn luôn có thể thấy cây cối mọc trong rừng. Nhưng chúng cũng có chu kỳ và quá trình sinh tử bình thường. Một vài cây có thể sống trên một ngàn năm, và một vài cây thậm chí còn có thể sống được ba ngàn năm. Bất kể đó là loại cây gì hoặc tuổi thọ của nó dài bao nhiêu, nói chung, Đức Chúa Trời quản lý sự cân bằng của nó dựa trên việc nó sống được bao lâu, khả năng sinh sản của nó, tốc độ và tần suất sinh sản và số lượng sản phẩm nó sản sinh ra. Điều này cho phép thực vật, từ cỏ đến cây, có thể tiếp tục phát triển và tăng trưởng trong một môi trường sinh thái cân bằng. Vì thế khi ngươi nhìn vào một khu rừng trên đất, mọi thứ mọc trong đó, cả cỏ lẫn cây cối, đang liên tục sinh sản và tăng trưởng theo các quy luật của riêng chúng. Chúng không cần thêm nhân công hoặc sự giúp đỡ của loài người. Chỉ vì chúng có loại cân bằng này mà chúng có thể duy trì môi trường sinh tồn của riêng mình. Chỉ vì chúng có một môi trường sinh tồn phù hợp mà các khu rừng và đồng cỏ trên thế giới có thể tiếp tục tồn tại trên đất. Sự tồn tại của chúng nuôi dưỡng con người hết thế hệ này đến thế hệ khác cũng như mọi loài sinh vật sống trong rừng và đồng cỏ – chim và thú, côn trùng, và tất cả các loài vi sinh vật.

Đức Chúa Trời cũng kiểm soát sự cân bằng giữa tất cả các loài động vật. Ngài kiểm soát sự cân bằng này như thế nào? Nó cũng tương tự như thực vật – Ngài quản lý sự cân bằng và quyết định số lượng dựa trên khả năng sinh sản của chúng, số lượng, tần suất sinh sản và vai trò của chúng trong thế giới động vật. Ví dụ, sư tử ăn ngựa vằn, vậy thì nếu số lượng của sư tử vượt quá số lượng của ngựa vằn thì số phận của những con ngựa vằn sẽ ra sao? Chúng sẽ bị tuyệt chủng. Và nếu ngựa vằn sinh sản ít hơn nhiều so với sư tử, thì số phận của chúng sẽ ra sao? Chúng cũng sẽ bị tuyệt chủng. Vì vậy, số lượng ngựa vằn phải nhiều hơn số lượng sư tử. Đây là vì những con ngựa vằn không chỉ tồn tại cho chính chúng, nhưng chúng cũng tồn tại cho những con sư tử. Ngươi cũng có thể nói thế này: Mỗi con ngựa vằn là một phần của toàn bộ ngựa vằn, mà nó cũng là thức ăn cho miệng sư tử. Tốc độ sinh sản của sư tử không bao giờ có thể vượt quá tốc độ sinh sản của ngựa vằn, vì thế số lượng của chúng không bao giờ có thể nhiều hơn số lượng của ngựa vằn. Chỉ bằng cách này thì nguồn thức ăn của sư tử mới có thể được đảm bảo. Và vì vậy, mặc dù sư tử là kẻ thù tự nhiên của ngựa vằn, nhưng con người thường thấy hai loài nghỉ ngơi trong cùng một vùng. Ngựa vằn sẽ không bao giờ bị giảm số lượng hoặc bị tuyệt chủng bởi vì sư tử săn đuổi và ăn thịt chúng, và sư tử sẽ không bao giờ tăng số lượng bởi vì vị thế của chúng như là “vua”. Sự cân bằng này là điều Đức Chúa Trời đã thiết lập từ lâu. Nghĩa là, Đức Chúa Trời đã thiết lập quy luật cân bằng giữa tất cả các loài động vật để chúng có thể đạt được loại cân bằng này, và đây là điều mà con người thường thấy. Có phải sư tử là kẻ thù tự nhiên duy nhất của ngựa vằn không? Không, cá sấu cũng ăn ngựa vằn. Ngựa vằn dường như là một loài động vật rất bất lực. Chúng không có sự hung dữ của sư tử, và khi đối mặt với một con sư tử, kẻ thủ đáng gờm này, thì tất cả những gì chúng có thể làm là chạy trốn. Chúng bất lực thậm chí không thể kháng cự. Khi chúng không thể nhanh hơn sư tử, thì chúng chỉ còn cách để nó ăn thịt. Điều này có thể được nhìn thấy thường xuyên trong thế giới động vật. Các ngươi có cảm nghĩ và suy nghĩ gì khi nhìn thấy chuyện như thế này? Ngươi cảm thấy tội cho con ngựa vằn không? Ngươi có ghét con sư tử không? Con ngựa vằn trông thật đẹp! Nhưng con sư tử, chúng luôn nhìn những con ngựa vằn một cách thèm khát. Và thật ngốc, những con ngựa vằn không chạy xa. Chúng trông thấy con sư tử đang đợi chúng ở đằng kia dưới bóng râm của một cái cây. Nó có thể đến và ăn thịt chúng bất cứ lúc nào. Chúng biết rõ điều này, nhưng chúng vẫn sẽ không rời mảnh đất đó. Đây là một điều kỳ diệu, một điều kỳ diệu bày tỏ sự tiền định của Đức Chúa Trời và quy luật của Ngài. Ngươi cảm thấy tội cho con ngựa vằn nhưng ngươi không thể cứu chúng, và ngươi ghét con sư tử nhưng ngươi không thể hủy diệt nó. Con ngựa vằn là thức ăn mà Đức Chúa Trời đã sắp sẵn cho sư tử, nhưng cho dù sư tử có ăn bao nhiêu con, thì ngựa vằn sẽ không bị xóa sổ. Sư tử sinh sản rất ít, và chúng sinh sản rất chậm; vì vậy cho dù chúng có ăn bao nhiêu con ngựa vằn, thì số lượng của chúng sẽ không bao giờ vượt qua số lượng của ngựa vằn. Trong điều này, có sự cân bằng.

Mục tiêu của Đức Chúa Trời trong việc duy trì loại cân bằng này là gì? Điều này có liên quan đến môi trường sinh tồn của con người cũng như là sự sinh tồn của nhân loại. Nếu con ngựa vằn, hoặc bất kỳ con mồi tương tự nào của sư tử – con nai hoặc những động vật khác – sinh sản quá chậm và số lượng sư tử tăng mạnh, thì con người sẽ đối mặt với dạng nguy hiểm nào? Sư tử ăn mồi của chúng là một hiện tượng bình thường, nhưng một con sư tử ăn một người là một thảm kịch. Thảm kịch này không phải là điều do Đức Chúa Trời định trước, nó không phải là điều xảy ra dưới sự cai trị của Ngài, càng không phải là điều Ngài mang đến cho loài người. Đúng hơn, đó là điều mà con người tự mang lại cho mình. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, sự cân bằng giữa muôn vật rất quan trọng cho sự sinh tồn của loài người. Dù đó có là thực vật hay động vật, không gì có thể mất đi sự cân bằng thích hợp của nó. Thực vật, động vật, đồi núi và hồ nước – Đức Chúa Trời đã sắp sẵn cho loài người một môi trường sinh thái tổng thể. Chỉ khi con người có loại môi trường sinh thái này – một môi trường sinh thái cân bằng – thì sự sinh tồn của họ mới được đảm bảo. Nếu cây hoặc cỏ kém khả năng sinh sản hoặc tốc độ sinh sản của chúng rất chậm, thì chẳng phải đất sẽ mất đi độ ẩm của nó sao? Nếu đất mất đi độ ẩm của nó, thì nó có còn tốt không? Nếu đất mất đi thảm thực vật và độ ẩm của nó, nó sẽ xói mòn rất nhanh, và cát sẽ hình thành trong vị trí của nó. Khi đất trở nên xấu đi, thì môi trường sinh tồn của con người cũng sẽ bị hủy diệt. Nhiều thảm họa sẽ đi kèm với sự hủy diệt này. Không có loại cân bằng sinh thái này, không có dạng môi trường sinh thái này, thì con người sẽ thường xuyên phải chịu những thảm họa do sự mất cân bằng giữa muôn vật. Ví dụ, khi có một sự mất cân bằng môi trường dẫn đến sự hủy diệt môi trường sinh thái của những con ếch, thì tất cả chúng sẽ tụ tập lại với nhau, số lượng của chúng tăng mạnh, và thậm chí con người nhìn thấy một số lượng lớn những con ếch băng qua đường trong các thành phố. Nếu một số lượng lớn những con ếch chiếm môi trường sinh tồn của con người, thì điều đó sẽ được gọi là gì? Một thảm họa. Tại sao nó lại được gọi là một thảm họa? Những động vật nhỏ có lợi cho loài người này chỉ trở nên hữu ích đối với con người khi chúng tồn tại trong một nơi phù hợp cho chúng; chúng có thể duy trì sự cân bằng trong môi trường sinh tồn của con người. Nhưng nếu chúng trở thành một thảm họa, thì chúng sẽ ảnh hưởng đến trật tự trong đời sống con người. Tất cả mọi thứ và tất cả những yếu tố mà ếch mang theo trên cơ thể chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người. Chúng thậm chí còn khiến cho những cơ quan vật lý của con người có thể bị tấn công – đây là một trong các loại thảm họa. Một loại thảm họa khác, là điều mà con người đã thường xuyên trải qua – là sự xuất hiện của một số lượng lớn những con châu chấu. Chẳng phải đó là một thảm họa sao? Đúng, nó thực sự là một thảm họa kinh hoàng. Con người có thể có khả năng như thế nào không là điều quan trọng – con người có thể chế tạo ra máy bay, đại bác, và bom nguyên tử – nhưng khi những con châu chấu tràn ngập, thì loài người có giải pháp gì? Họ có thể dùng đại bác đối phó với chúng không? Họ có thể bắn chúng bằng súng máy không? Không, họ không thể. Vậy thì họ có thể phun thuốc diệt côn trùng để đuổi chúng đi không? Đó cũng không phải là việc dễ dàng. Những con châu chấu nhỏ bé này làm gì? Chúng chủ yếu là ăn hoa màu và ngũ cốc. Bất cứ nơi nào châu chấu đến, thì hoa màu ở đó hoàn toàn bị hủy hoại. Trong thời gian châu chấu xâm lấn, thì toàn bộ lương thực mà nông dân dùng cho cả năm có thể bị châu chấu tiêu thụ toàn bộ trong chớp mắt. Đối với con người, sự xuất hiện của những con châu chấu không chỉ là một sự khó chịu – mà nó còn là một thảm họa. Vì thế, chúng ta biết rằng sự xuất hiện của một số lượng lớn châu chấu là một loại thảm họa, nhưng còn những con chuột thì sao? Nếu không có những con chim săn mồi ăn chuột, thì chúng sẽ sinh sôi rất nhanh chóng, nhanh hơn ngươi có thể tưởng tượng ra. Và nếu chuột lan tràn không kiểm soát, thì con người có thể sống tốt không? Con người sẽ đương đầu với những loại tình huống nào? (Một bệnh dịch.) Nhưng ngươi có nghĩ rằng một bệnh dịch sẽ là hậu quả duy nhất không? Chuột sẽ gặm nhấm bất kỳ thứ gì, và chúng thậm chí còn gặm cả gỗ. Nếu chỉ có hai con chuột trong nhà, thì chúng sẽ là mối phiền toái cho mọi người sống ở đó. Đôi khi chúng lấy cắp dầu rồi ăn nó, và đôi khi chúng ăn bánh mì hoặc ngũ cốc. Và những thứ chúng không ăn thì chúng chỉ gặm rồi biến những thứ đó thành một mớ hỗn độn. Chúng gặm quần áo, giày dép, đồ đạc trong nhà – chúng gặm mọi thứ. Đôi khi chúng trèo lên chạn – những bát đĩa đó còn có thể dùng sau khi chúng giẫm lên không? Ngay cả khi ngươi tẩy uế bát đĩa đó thì ngươi sẽ vẫn không cảm thấy yên tâm, vì vậy ngươi chỉ còn cách là vứt bỏ chúng đi. Đây là những sự phiền phức mà chuột mang đến cho con người. Mặc dù chuột là những sinh vật nhỏ bé, nhưng con người không có cách để đối phó với chúng, và thay vào đó chỉ còn cách chịu đựng sự phá phách của chúng. Chỉ cần hai con chuột là đủ gây ra một sự xáo trộn, chứ đừng nói đến cả bầy chuột. Nếu số lượng của chúng gia tăng và chúng trở thành một thảm họa, thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được. Ngay cả những sinh vật nhỏ như những con kiến cũng có thể trở thành một thảm họa. Nếu điều đó xảy ra, thì những thiệt hại chúng sẽ ra gây cho loài người cũng không thể xem thường. Những con kiến có thể làm hư hại nhà cửa đến sập cả nhà. Không được bỏ qua sức mạnh của chúng. Không thể xem thường sức mạnh của những con kiến. Liệu có đáng sợ không nếu những loài chim khác nhau gây nên một thảm họa? (Có.) Nói cách khác, bất cứ khi nào động vật hoặc sinh vật, bất kể chúng là loại nào, đánh mất sự cân bằng của chúng, thì chúng sẽ phát triển, sinh sản, và sống trong một phạm vi không bình thường, một phạm vi bất thường. Điều đó sẽ mang lại những hậu quả không thể tưởng tượng cho loài người. Điều đó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự sinh tồn và đời sống của con người, mà sẽ còn mang lại thảm họa cho loài người, thậm chí đến mức con người phải chịu số phận bị hủy diệt và tuyệt chủng hoàn toàn.

Khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, Ngài đã sử dụng tất cả các phương pháp và cách thức để cân bằng chúng, để cân bằng điều kiện sống của núi và hồ, của thực vật và tất cả các loài động vật, chim và côn trùng. Mục tiêu của Ngài là để tất cả các loài sinh vật được sống và sinh sôi nảy nở theo những quy luật mà Ngài đã thiết lập. Không vật gì trong cuộc sáng thế có thể vượt ra ngoài những quy luật này, và những quy luật này không thể bị phá vỡ. Chỉ trong loại môi trường cơ bản này thì con người mới có thể sinh tồn một cách an toàn và sinh sản thêm lên, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nếu bất kỳ sinh vật nào vượt quá số lượng hoặc ra khỏi phạm vi đã được Đức Chúa Trời thiết lập nên, hoặc nếu nó vượt quá tốc độ tăng trưởng, tần suất sinh sản, hoặc số lượng do Ngài chỉ định, thì môi trường sinh tồn của loài người sẽ phải chịu những mức độ hủy diệt khác nhau. Và đồng thời, sự sinh tồn của loài người sẽ bị đe dọa. Nếu một loài sinh vật có số lượng quá lớn, thì nó sẽ cướp thức ăn của con người, phá hủy nguồn nước của con người, và hủy hoại quê hương của họ. Theo cách đó, sự sinh sản hoặc tình trạng sinh tồn của loài người sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Ví dụ, nước rất quan trọng đối với muôn vật. Nếu có quá nhiều chuột, kiến, châu chấu, ếch nhái hoặc bất kỳ loài động vật nào khác, thì chúng sẽ uống nhiều nước hơn. Khi lượng nước chúng uống tăng lên, thì nước uống của con người và những nguồn nước trong phạm vi nguồn nước uống cố định và những vùng có nước sẽ bị giảm và họ sẽ bị thiếu nước. Nếu nước uống của con người bị hủy hoại, bị ô nhiễm hoặc thiếu hụt vì mọi loài động vật đã gia tăng về số lượng, thì dưới dạng môi trường sinh tồn khắc nghiệt đó, sự sinh tồn của loài người sẽ bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Nếu chỉ một loài hoặc vài loài sinh vật vượt quá số lượng thích hợp của chúng, thì không khí, nhiệt độ, độ ẩm, và thậm chí thành phần của không khí trong không gian sinh tồn của loài người cũng sẽ bị nhiễm độc và hủy hoại ở các mức độ khác nhau. Trong những tình cảnh này, sự sinh tồn và số phận của con người cũng sẽ phải chịu những mối đe dọa từ các yếu tố sinh thái này. Vì vậy, nếu những sự cân bằng này mất đi, thì không khí mà con người thở sẽ bị hủy hoại, nước mà con người uống sẽ bị ô nhiễm, và nhiệt độ mà họ cần cũng sẽ thay đổi và bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Nếu điều đó xảy ra, môi trường sinh tồn vốn thuộc về loài người sẽ phải chịu những ảnh hưởng và thách thức to lớn. Trong loại kịch bản mà môi trường sinh tồn cơ bản của con người bị hủy hoại này, thì số phận và tiền đồ của loài người sẽ ra sao? Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng! Bởi vì Đức Chúa Trời biết lý do tại sao từng thứ trong cuộc sáng thế tồn tại vì lợi ích của loài người, vai trò của từng thứ Ngài dựng nên, mỗi thứ có ảnh hưởng gì đến loài người, và nó mang lại lợi ích cho con người đến mức độ nào, bởi vì trong lòng Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho tất cả những điều này và Ngài quản lý từng khía cạnh một trong tất cả mọi thứ Ngài dựng nên, đó là lý do tại sao từng việc Ngài làm đều rất quan trọng và cần thiết cho loài người. Vậy thì từ giờ trở đi, bất cứ khi nào ngươi quan sát một vài hiện tượng sinh thái trong số những thứ trong cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời, hoặc một vài quy luật tự nhiên đang diễn ra giữa những thứ trong cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ không còn nghi ngờ về sự cần thiết của từng thứ do Đức Chúa Trời dựng nên. Ngươi sẽ không còn sử dụng những lời lẽ thiếu hiểu biết để đưa ra những phán xét tùy tiện về sự sắp xếp của Đức Chúa Trời cho muôn vật và những cách chu cấp khác nhau của Ngài cho loài người. Ngươi cũng sẽ không tùy tiện đưa ra những lời kết luận về các quy luật của Đức Chúa Trời đối với mọi thứ trong cuộc sáng thế của Ngài. Chẳng đúng như vậy sao?

Tất cả những điều mà chúng ta vừa nói đến là gì? Hãy suy nghĩ về nó trong chốc lát. Đức Chúa Trời có ý định riêng của Ngài trong từng điều Ngài làm. Dù ý định của Ngài có khó hiểu đối với con người, nhưng nó luôn luôn liên quan chặt chẽ và mạnh mẽ đến sự sinh tồn của loài người. Nó hoàn toàn không thể thiếu được. Đó là vì Đức Chúa Trời chưa bao giờ làm bất kỳ điều gì vô ích. Các nguyên tắc đằng sau từng điều Ngài làm được thấm nhuần trong kế hoạch và sự khôn ngoan của Ngài. Mục tiêu và ý định đằng sau kế hoạch đó là để bảo vệ loài người, để giúp loài người tránh thảm họa, sự quấy phá của những sinh vật khác, và bất kỳ tác hại nào mà bất kỳ thứ gì trong cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời gây ra cho loài người. Vậy thì có thể nói rằng những việc làm của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã thấy trong đề tài này là một cách thức khác để Đức Chúa Trời chu cấp cho loài người không? Chúng ta có thể nói rằng, qua những việc làm này, Đức Chúa Trời đang nuôi dưỡng và chăn dắt loài người không? (Có.) Có mối quan hệ chặt chẽ nào giữa đề tài này và chủ đề thông công của chúng ta: “Đức Chúa Trời là nguồn sống cho muôn vật” không? (Có.) Có một mối quan hệ rất chặt chẽ, và đề tài này là một khía cạnh trong đó. Trước khi nói về những đề tài này, thì con người chỉ có vài sự tưởng tượng mơ hồ về Đức Chúa Trời, về chính Đức Chúa Trời và những việc làm của Ngài – họ thiếu sự hiểu biết thực sự. Tuy nhiên, khi con người nghe nói về những việc làm của Ngài và những điều Ngài đã làm, thì họ có thể hiểu và lĩnh hội được những nguyên tắc trong những gì Ngài làm và họ có thể hiểu được chúng và có được chúng – có đúng như vậy không? Dù rằng trong lòng Đức Chúa Trời có tất cả các loại lý thuyết, nguyên tắc và luật lệ rất phức tạp mỗi khi Ngài làm bất cứ điều gì, như là dựng nên và cai trị muôn vật, thì chẳng phải trong lòng mình các ngươi có thể hiểu được rằng đây là những việc làm của Đức Chúa Trời và rằng chúng thật hết mức có thể, chỉ bằng cách để các ngươi tìm hiểu một phần riêng lẻ về chúng trong sự thông công sao? (Phải.) Vậy thì sự hiểu biết hiện tại của các ngươi về Đức Chúa Trời khác với trước đây như thế nào? Sự khác biệt ở trong bản chất của nó. Trước đây, sự hiểu biết của các ngươi quá nông cạn, quá mơ hồ, nhưng giờ đây sự hiểu biết của các ngươi chứa rất nhiều bằng chứng cụ thể để phù hợp với những việc làm của Đức Chúa Trời, để phù hợp với việc Đức Chúa Trời có gì và là gì. Do đó, tất cả những gì Ta đã phán là tài liệu dạy dỗ tuyệt vời cho sự hiểu biết của các ngươi về Đức Chúa Trời.

Đó là toàn bộ nội dung của buổi họp mặt ngày hôm nay. Chào tạm biệt! (Chào tạm biệt Đức Chúa Trời!)

Ngày 9 tháng 2 năm 2014

Hồi chuông thời sau hết báo động đã vang lên, đại thảm họa đã ập xuống, bạn có muốn cùng gia đình nghênh đón được Thiên Chúa, và có cơ hội nhận được sự che chở của Thiên Chúa không?

Liên hệ với chúng tôi qua Messenger